Hôm sau, Dũng về Huế. Đến chiều, chuông điện thoại khu thần kinh reo liên tục. Đầu tiên là Châu, rồi đến Vui, Kim, cả bác sĩ Trình và bác sĩ chỉ huy phó cũng gọi về chúc mừng. Bác sĩ Trọng khuyên cô cứ nghỉ ngơi tịnh dưỡng, đừng ngại gì, đợi khỏe hãy ra. Ngoài bệnh viện tạm yên, không có tổn thất nhưng làm việc rất cực khổ: điều trị cho cả VC lẫn Qgia. Ngàn Phương chợt nhớ đến dì, cậu. Dù đầy lo âu, cô vẫn ngỏ lời chân thành cảm ơn bác sĩ và tất cả mọi người đã quan tâm lo lắng cho cô. Hôm sau Ngàn Phương về nhà. Dì Thêm mừng quá, ôm cô khóc. Bọn trẻ reo hò inh ỏi. Ngàn Phương càng mừng rỡ khi nghe mẹ thì thầm báo tin dì đã về và ra đi bình an. Tiếc một điều là từ nay dì không về nữa, việc thuốc men giao cho người khác nhận. Ngàn Phương hỏi mẹ: - Còn cậu con ra sao hả mẹ? Bà Thuận lắc đầu: - Không có tin gì, nghe đâu miệt đó đánh nhau lắm, ngay dưới chân đèo. Ngàn Phương thở ra: - Đơn vị cậu con đóng ngay ở đó, không biết cậu có sao không? Thật khó xử cho con, cậu là GP con lại ở bên QG. - Con đừng buồn! Con đã giúp cho bao nhiêu đồng đội của cậu, dì con. Hôm rồi dì con về mang thuốc đi, nói rất quý, vì sẽ cứu sống được bao nhiêu đồng đội của dì. - Con chỉ giúp được ở khả năng đó thôi mẹ à! - Sức người làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Con tận lực vậy tốt rồi. Giờ phải tĩnh dưỡng nghỉ ngơi, đừng để tâm đến bất cứ điều gì. Bà Thuận tránh không nhắc đến điều gì đã xảy ra, sợ con đau lòng. Nhưng Ngàn Phương đã hiểu, cố nén tiếng thở dài, cô nói với mẹ: - Mẹ yên tâm, con giờ không việc gì đâu. Con đang bình thản hơn bao giờ hết. Bà Thuận mừng rỡ: - Mẹ nghe con nói vậy mới yên tâm, Ngàn Phương! Đau khổ, buồn vui của kiếp người ai cũng phải trải qua, chỉ cần con biết chịu đựng. Đừng tự giày vò mình vô ích. - Con hiểu rồi mẹ! Chiều nay con về lại Tổng Y viện thăm Phúc. - Phúc nào? - Anh lính giống anh Ngàn đó mẹ! - À! Mẹ thật vô tình, nó giờ sao rồi? - Sống thôi, nhưng vết thương sẽ làm anh ta sống như chết, cả bụng và đầu. Mai con lên khu ngoại bốn coi thử hồ sơ bệnh lý ra sao. - Thật là tội nghiệp! Nhìn nó, mẹ cứ nghĩ đến thằng Ngàn! Ánh mắt cô gái trở nên hiu hắt. Ngồi khá lâu, cô nói: - Vì vậy, để trả ơn, con sẽ hết lòng giúp anh ấy tìm lại cuộc sống. oOo Trong văn phòng làm việc của bác sĩ Trưởng khu ngoại bốn, có cả bác sĩ Tâm ở đó, Ngàn Phương đề đạt yêu cầu. Sau cái nhìn như trao đổi ý kiến, ông bác sĩ trưởng khu ngoại bốn nói với cô: - Điều ấy thật đáng quý! Trại tôi cũng thiếu người chăm sóc thương binh. Nhưng chỉ ngại cô tinh thần chưa được thoải mái thôi. Ngàn Phương nói như van cùng bác sĩ Tâm: - Bác sĩ, bác sĩ có ơn cứu chữa, Ngàn Phương không biết lấy gì đền đáp. Vì thân nghèo, phận hèn, nhưng anh ấy giúp Phương lành bệnh. Phương xét thấy ơn nghĩa này trả được, xin hãy nói giúp Phương một lời. - Cô cần tĩnh dưỡng Ngàn Phương ạ, nếu không ông Trình sẽ trách tôi. Cô nên biết, điều trị căn bệnh cô thật khó khăn. Tôi phải trả cô về bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong tình trạng tối ưu. Cô cần chăm lo sức khỏe của mình đã. Ở đây không có cô, các nhân viên vẫn chăm sóc anh ta cẩn thận. Ngàn Phương khăng khăng: - Phương đã khỏe rồi. Nhờ ơn bác sĩ, nhờ cả anh ta, Phương không đành khi thấy anh ta nằm một mình không thân quyến. Bác sĩ Ngoại bốn cười nói với cô: - Cô có nhiều dịp để trả ơn kia mà. Anh ta còn phải qua phẫu thuật một lần nữa, để lấy mảnh đạn trong đầu, ngoài ra … Ông chợt nín ngang không nói nữa, bác sĩ Tâm thấy nét rầu rầu của cô, ông nói: - Ngàn Phương, đừng lo nghĩ nhiều quá! Cô phải sống vô tư, thoải mái. Cô nên nhớ cô vẫn còn là bệnh nhân. Tuy vậy tôi sẽ nói giúp cô với bác sĩ trưởng Ngoại bốn để cô chăm sóc cho anh ta. Thật ra cũng nhờ anh ta nhiều đó! Nhớ lại hồi ấy tôi thật lo. Sau ba tháng điều trị, cô thuyên giảm nhiều, không có la hét khóc lóc, nhưng vẫn chẳng nhớ gì. Tôi tưởng phải điều trị trường kỳ, không ngờ do sơ suất cô chạy đến Lựa thương, khi thấy cô quỳ thụp bên băng ca, gào gọi anh Ngàn. Tôi nhìn lại thấy anh ta quả thật giống anh Ngàn, mới nghĩ ra cách điều trị táo bạo đó. - Bác sĩ cũng biết anh Ngàn của tôi sao? - Có một lần, tôi và mẹ cô, cô Châu đưa cô về tận nghĩa trang để gợi nhớ cho cô chút gì. Tôi thấy hình Ngàn trên tấm bia. - Bác sĩ cực lòng vì tôi quá. Ông bác sĩ trưởng Ngoại bốn cười: - Cô chưa biết bác sĩ Tâm đó thôi, nổi tiếng về lương tâm và tài năng kia mà. Vậy là được sự bằng lòng của anh, tôi đồng ý cho cô tới lui chăm sóc Phúc. Có gì anh chịu trách nhiệm nhé! Ngàn Phương mừng rỡ cảm ơn hai ông bác sĩ. Bác sĩ Tâm đứng lên từ giã, ông còn dặn dò lần cuối: - Tôi vừa điện lên văn phòng bác sĩ Trung tá chỉ huy phó báo tin cô bình phục, cũng vừa nói chuyện với ông Trình. Chẳng là ngoài ấy gửi gắm cô cho tôi, thật ra không có sự gửi gắm ấy tôi cũng làm hết trách nhiệm mình. Nhưng nói vậy để cô hiểu là, có rất nhiều người ngoài gia đình cô ra đều quý mến cô. Cô nên vì tất cả mà vượt qua mọi nỗi buồn. Cô bệnh nhân nhìn ông bác sĩ, rồi cúi đầu: - Thưa bác sĩ, tôi cố gắng để khỏi phụ lòng của bao người. - Rất tốt, hãy nhớ, cô vẫn còn là bệnh nhân! Phải chích, uống thuốc và nghỉ ngơi theo sự hướng dẫn. Chào cô! Chào anh Quang! oOo Đêm ấy, Ngàn Phương hầu như không ngủ. Cô nằm trên chiếc giường trong căn phòng, mắt nhìn đăm đăm lên đỉnh mùng. Cô nghĩ đến gì không ai biết. Khi bình minh vừa lên, cô uống liền hai viên Valium và ngủ đến trưa. Sau khi ăn cơm trưa với Nhàn, giúp chị mọi công việc lặt vặt, Ngàn Phương tặng Nhàn nụ cười rồi đi về Ngoại thương bốn, tìm đến nơi Phúc nằm. Thấy cô, Phúc không giấu được vẻ bối rối. Ngàn Phương nhẹ giọng hỏi anh: - Tôi ghé thăm anh, anh có đỡ chút nào chưa? - Bớt nhiều rồi cô. - Gia đình anh biết anh bị thương chưa? Anh lắc đầu, cô hỏi tiếp: - Nhà anh ở đâu? - Ở Đại Lộc. - Anh nói địa chỉ, tôi sẽ thay anh báo tin về gia đình. - Không cần đâu cô. Tôi không muốn mẹ tôi lo lắng. Đợi khi bình phục, tôi sẽ về. Chỉ cần cô cho tôi biết với vết thương này, tôi có được giải ngũ không? - Được! - Vậy tôi mừng rồi! Không bao lâu nữa tôi sẽ được sum họp cùng gia đình. Tôi sẽ thay mẹ tôi, nuôi em tôi ăn học thành tài, để nó đừng bao giờ bận áo lính như tôi. Ngàn Phương bùi ngùi nhìn người thương binh: - Vết thương anh không cho phép anh làm việc nặng đâu. - Tôi biết, nhưng với tôi, chỉ cần em tôi thành tài, chết cũng không tiếc! - Anh đừng bi quan! Tôi mong điều tốt đẹp sẽ đến với anh. Tôi có được một tháng điều dưỡng, sẽ ở lại đây thay gia đình anh chăm sóc cho anh. Tôi mong anh xem tôi là bạn. Giờ anh nghỉ nhé! Cô cười rồi quay ra. Phúc ngơ ngác nhìn theo. Ra khỏi hành lang Ngoại bốn, thật bất ngờ, Ngàn Phương gặp Châu và cu Trị. Cả hai ôm chầm lấy nhau, nước mắt đầm đìa. Châu nói với Ngàn Phương: - Chị bỏ hết chạy vô coi mi ra răng. Chừ chị an bụng rồi. Mi có vẻ mạnh khỏe, không còn như khi nớ. Suốt buổi chiều, hai chị em ngồi kể biết bao nhiêu chuyện từ ngày xa nhau. Nào là bệnh viện cũng bị ăn pháo nhưng không hề gì. Bên Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn I chết dữ lắm. Châu kể chuyện Dũng về gặp chị ra sao, đòi về Đà Nẵng để gặp Ngàn Phương cương quyết như thế nào. Ngàn Phương bùi ngùi nói: - Dũng về chăm sóc em hơn tháng, mà em không hề hay biết. Dũng đối với em thật là hết lòng. - Chừ mi tính răng? - Tính cái gì hả chị? - Hắn về chuyến ni sẽ ra Hội đồng y khoa, sẽ giải ngủ, rồi.. rồi … - Sao chị ngập ngừng? - Ngàn Phương, Dũng hắn yêu mi lắm - Châu vụt nói như van. Nét buồn lộ rõ lên mặt cô gái. Thấy cả hai mẹ con Châu nhìn mình đăm đăm như chờ đợi, cô đứng lên, đến tựa cửa nhìn ra khoảng sân bệnh viện. - Chị Châu, từ hồi ở trường, em đã biết điều đó, nhưng chị hiểu không, em chẳng thể yêu hay lấy Dũng làm chồng. - Vì răng? Thằng Hoàng với mụ mạ hắn đã … - Chị đừng nhắc đến, tuyệt đối đừng nhắc đến. Châu nhìn nét đau khổ của người em gái, chị thấy ân hận: - Chị xin lỗi! - Chị có lỗi gì đâu! Chẳng qua em muốn họ chết trong lòng em từ dạo đó. Còn Dũng, với một người có tâm hồn như vậy, thà để Dũng khổ đau hơn phải chịu sự lừa dối. Dũng là một con người quá toàn vẹn, một tâm hồn cao đẹp chỉ có ở những trang hiệp sĩ tài hoa trong truyện cổ tích ngày xưa. Tâm hồn ấy chứa toàn những giấc mơ của thi ca, tình yêu cao đẹp. Dũng chịu đựng được sự tuyệt vọng trong tình cảm, vì thời gian có thể giúp Dũng tìm quên, nhưng sự lừa dối và phản bội sẽ giết chết Dũng. Mà em, em của chị chỉ còn thể xác, còn linh hồn đã có chủ từ lâu. - Em chờ đợi cái chi mới được chớ? - Em không chờ đợi! Em đã có trong tay. Em muốn tự làm chủ cuộc đời mình. Không ai có quyền quyết định cuộc đời em, ngoài em ra. - Mi nói cái chi, chị chẳng hiểu. - Chị sẽ hiểu một ngày gần đây. Ăn cơm tối xong, Ngàn Phương đưa Châu qua thăm Phúc. Thấy phúc quá giống Ngàn, Châu sửng sốt đến lắc đầu hoài. Về phòng đã thấy Lạc cùng Thạch Thảo đang chờ. Một người bạn gái ôm cứng lấy nhau. Lạc vuốt ve mái tóc đã dài của bạn, nói như kể lể: - Xui mà cũng may. Tự nhiên năm nay mẹ Lạc bảo về ăn Tết. Hú hồn, nằm dưới hầm nghe hai bên đánh nhau Lạc càng sốt ruột, chỉ muốn có cánh bay về coi Ngàn Phương ra sao? Giờ Ngàn Phương đã lành bệnh Lạc mừng quá! Họ quây quần bên nhau râm ran trò chuyện, tuyệt nhiên không một ai nhắc đến Hoàng. Hai mươi mốt giờ, y tá Nhàn vào chích thuốc. Chích xong, lại bắt Ngàn Phương uống thuốc: - Phương phải nghỉ sau mười lăm phút nữa, đó là lệnh của bác sĩ. Lạc lưu luyến nhìn bạn không nỡ rời. Ngàn Phương mỉm cười nói: - Mai lại đến, Phương còn nằm đây cả tháng, Lạc đừng lo. Đêm ấy, hai mẹ con Châu ở lại ngủ cùng phòng thân nhân. Sáng mai lên trực thăng vận tải về Huế. Đưa Châu đi, Ngàn Phương lững thững quay về ngồi trên ghế đá, đọc hết thư bạn bè gởi thăm do Châu chuyển. Cuối cùng là thư Dũng, nét chữ chân phương, nghiêng nghiêng đều đặn từng hàng quen thuộc đập vào mắt cô. Thư không ghi ngày. Ngàn Phương! Gia đình Dũng bình an nên viết thư báo tin Phương rõ. Dũng chưa thể về Đà Nẵng vì còn phải sửa lại nhà, và đến kỳ ra Hội đồng Y khoa phân loại. Toàn gởi lời thăm Phương. Nó lại một lần nữa bị thương nhưng cũng nhẹ, hiện đang điều trị tại tiểu đoàn. Ngàn Phương! Dũng rất lo lắng cho tình hình sức khỏe của Phương. Mới hết bệnh, phải lo bồi dưỡng và giữ gìn sức khỏe, đừng suy nghĩ nhiều. Dũng mong Phương nghe lời Dũng khuyên. Riêng Dũng đang chưa biết tương lai mình ra sao? Làm một con người bình thường cho đến già đến chết hay vươn lên theo hoài bão đời mình. Vì hoài bão ấy với Dũng hiện thời thật quá cao xa, không dễ gì thành đạt. Ngàn Phương ơi! Huế của Dũng giờ điêu tàn lắm. Chiếc cầu từng được ngợi ca của người dân Huế nay đã gãy nhịp rồi. Thành phố Huế xưa cổ kính, nên thơ giờ điêu tàn buồn thảm. Biết bao giờ mới có lại cảnh cũ ngày nào? Dũng là trai Huế, nặng lòng vì huế, thấy Huế khổ đau, Dũng cũng chết theo cả trái tim mình. Phương ơi! Huế cách xa Phương chiều dài 107km, Huế là nơi Phương chọn vào đời, biết Phương ngày nào có trở lại Huế hay không? Riêng Dũng, Dũng mong Phương trở lại, vì đang cần một tấm lòng. Thật ra chiếc áo đâu thay đổi được một con người. Tốt xấu tự lòng mình thôi! Hôm nay vào bệnh viện thăm và báo tin với chị Châu, bao nhiêu người với những đau thương mất mát vẫn nhớ đến Phương thăm hỏi ân cần, Dũng vui lắm. Nhớ ngày xưa Phương nói “Đã chọn là không ân hận! Phương sẽ tự tìm chỗ đứng để bảo vệ cái tôi của mình.” Nay Phương đã có chỗ đứng trong lòng người, nên chiếc áo Phương mang không còn quan trọng nữa. Bây giờ đến Dũng, Dũng đang nỗ lực, có cả người thân giúp sức để được rời xa áo lính. Gởi thư thăm Phương và cũng đang chờ lời khuyên của người bạn Dũng rất mến thương. Phương ơi!Dũng phải sống thế nào nếu ngày mai không còn là lính nữa? Trả lời ngay nhé! Dũng. Ngàn Phương trả lời ngay. Từng dòng chữ cô hiện dần trên trang giấy trắng: Dũng thân mến! Chúc mừng Dũng ngày mai không còn là lính nữa. Chúc mừng gia đình Dũng được bình an. Dũng ơi! Dũng hỏi, Ngàn Phương trả lời ngay, dù biết mình không xứng đáng. Phương hiểu Dũng muốn gì và Dũng ngại gì nên xin nói ngay rằng Dũng được sinh ra không phải để mặc áo lính. Thiên phú cho Dũng có bàn tay và trái tim người nghệ sĩ. Dũng được sinh ra để hát với cây đàn. Dũng từng ôm ấp bao ước mơ cao đẹp trong cuộc đời, sao Dũng muốn dừng lại sống đời tầm thường vô vị? Hãy đi đi Dũng! Cố vươn lên dù bước đường đi có lắm gian nan cực khổ. Có thành công nào mà không trả giá đâu. Hãy hát không chỉ cho Ngàn phương nghe mà cho tất cả mọi người nghe. Tự ngàn xưa lời ca tiếng hát đã mang lại bao kỳ tích cho lịch sử, thì hôm nay, Dũng cũng đem tài năng mình hòa chung trong cội nguồn dân tộc tạo nên sức mạnh tinh thần, góp phần cùng giới thanh niên yêu nước đấu tranh cho nên hòa bình đất nước. Dũng ơi! Phương là người ít học, chẳng hiểu chi nhiều về chuyện đất nước hôm nay. Phương chỉ biết một điều mà nói riêng cho Dũng nghe thôi: "Có những kẻ chịu nhiều đau thương mất mát, thậm chí hy sinh, họ vẫn không hề lùi bước. Họ vẫn tiến lên phía trước ngày một nhiều như thác đổ triều dâng. Họ có hoài bão và chí lớn để sống và chết cho nó." Dũng hãy nhớ để tìm tòi học hỏi và hãy yên lòng, Ngàn Phương sẽ về với Huế vì Huế là nơi Phương chọn học làm người. Chúc Dũng đi theo con đường nghệ thuật chân chính nhất. Cho Ngàn Phương gởi lời hỏi thăm sức khỏe đến gia đình. Phương. Ghé qua phòng quân bưu gửi thư xong, Ngàn Phương đi thẳng về Ngoại 4. Phúc còn đang ngủ, mặt ốm, xanh xao, mệt nhọc. Người y tá trực phòng nói: - Anh ta đỡ rồi, chỉ có điều không có người nhà để chăm sóc ăn uống thêm để mau bình phục. Bệnh viện làm sao đầy đủ được. - Gia đình anh ta không có ai, tôi sẽ giúp bằng tất cả khả năng mình. Người đồng nghiệp mỉm cười rồi đi ra. Cô ngồi trên chiếc ghế nhỏ, lặng lẽ nhìn người thương binh đang say ngủ. Gần trưa Phúc mới thức dậy. - Chào anh, anh ngủ khá ngon giấc! Qua thời kỳ hậu phẫu, anh đã bình phục khá nhanh. Cố nhếch miệng cười, Phúc nói: - Cô đừng an ủi tôi. Bình phục gì mà cả đêm cứ đau đớn, phải uống thuốc an thần gần tháng rồi nằm hoài. - Đừng nóng nảy, phải kiên nhẫn! Tôi đi lấy nước rửa mặt cho anh. Cô thản nhiên đi không cho phép anh phản đối. Phúc sững sờ đành để cô làm gì thì làm. Xong đâu đó, cô bưng tô cháo để lại gần: - Anh ráng ăn bữa nữa. Chiều tôi nấu thức ăn ở nhà, đem lên ăn thêm. Người con trai lúng túng: - Không cần đâu. Cô chẳng nói thêm, ép anh ăn hết tô cháo, đưa nước anh uống rồi lặng lẽ ra về. Phúc thấy vậy, khổ sở nói: - Tôi không muốn làm phiền cô. - Không phiền đâu. Mẹ tôi nói bà sẽ thay gia đình anh chăm sóc anh đến khi lành bệnh, để trả ơn anh giúp tôi bình phục trí nhớ. Thấy anh muốn nói nữa, cô cương quyết gạt phắt: - Anh nói gì cũng vậy thôi. Tôi đã quyết định rồi. Ánh mắt Ngàn Phương có gì khiến Phúc chẳng thể nói thêm lời nào. oOo Dìu Phúc về ngồi ở ghế đá, Ngàn Phương tươi cười nói: - Hôm nay anh khá lại rồi. - Nhờ cô nhiều lắm cô Ngàn Phương. - Anh đừng nói vậy, không có tôi anh cũng bình phục kia mà. - Cô rất tốt với tôi - Phúc nhìn chăm bẵm vào cô nói. Cô cười, thẳng thắn đối mặt rồi hỏi: - Anh nói hoài câu này không thấy thừa sao? - Chẳng bao giờ thừa cả. - Vậy sao? A! Hôm nay anh viết thư về nhà được rồi. Phúc lắc đầu: - Đợi xuất viện tôi về, chớ không báo tin cho mẹ tôi biết đâu. - Anh không nghĩ mẹ anh sẽ lo sao? - Lính tráng xa nhà, bà cứ tưởng tôi đi hành quân thôi. Ngàn Phương có vẻ suy nghĩ, cô lại hỏi: - Em trai anh làm gì? - Năm nay nó thi tú tài II, mong nó đỗ vào đại học. - Vậy chắc mẹ anh còn khỏe mạnh? Đôi mắt Phúc thoáng buồn: - Độ rày mẹ tôi yếu. Tôi đi lính xa nhà, thằng Lộc phải đi học. Mẹ tôi một mình không làm ruộng nổi, phải bán hàng tạp hóa nhỏ ở chợ Đại Lộc. Lương tháng tôi phải gởi về nuôi thằng Lộc ăn học. Ngàn Phương chăm chú nghe lời tâm sự của Phúc. Từ con người đến tâm hồn của anh (trừ gương mặt giống Ngàn) đều giản dị và trong suốt như gương soi. Anh đi lính, chỉ mong dành lương gởi về giúp mẹ nuôi em ăn học. Anh chấp nhận bao cay đắng đau khổ một đời người một cách bình thản, không chút giận buồn cho thân phận mình. Cùng một hoàn cảnh như Dũng, nhưng anh rất giản dị, khô khan, thực tế. Trong khi Dũng với tâm hồn người nghệ sĩ, sâu kín, cháy bỏng, lúc nào cũng khát khao vươn lên nắm bắt niềm hy vọng ngày nào, giờ lại càng xa ở tầm tay mình, dù tính anh rất hiền hòa trầm mặc. Ở Phúc tâm tình anh là trang sách mở ngỏ, chẳng cần phí sức kiếm tìm, muốn gì cứ hỏi anh sẽ nói hết. Ngàn Phương đột nhiên thẫn thờ. Ngậm cọng cỏ trên môi, cô hỏi mà dường như không hỏi: - Có bao giờ anh nghĩ đến chuyện lập gia đình không? - Tôi chưa nghĩ tới. - Sao vậy? Anh cũng đã lớn, lại anh đầu. - Vì tôi đi lính nên chẳng nghĩ đến chuyện đó, còn yêu thì chưa yêu ai. - Nếu lấy vợ, anh muốn vợ anh phải người thế nào? Cô đỏ mặt, Phúc cũng đỏ mặt. Nhưng anh đã có vẻ chú ý đến câu hỏi của cô. Ngẫm nghĩ một lát, anh trả lời: - Không cần đẹp, không cần giàu, không cần học thức, chỉ cần biết thương tôi, lo lắng cho mẹ và em tôi đầy đủ, sống trọn đạo như vậy là tốt rồi! - Chỉ giản dị như vậy thôi sao? - Cô gái ngước mắt hỏi. - Không giản dị đâu! Với tôi điều ấy quá khó rồi, tìm đâu ra người con gái tốt như vậy giữa thời buổi này? Hơn nữa, giờ tôi đã tàn phế. Ngàn Phương phản đối: - Sao lại không có, bộ anh cho thời nay con gái hư thân hết sao? Chỉ cần anh chịu nhìn, chịu tìm một chút. Vả lại, anh đâu tàn tật gì, chỉ sức khỏe yếu mà thôi. Phúc cảm động trước lời an ủi của cô gái: - Cảm ơn cô, tôi tự biết mình. Còn chịu khó nhìn, tôi chẳng biết nhìn đâu cả. Ngàn Phương nửa thật nửa đùa chỉ tay vào mũi mình: - Như vào tôi chẳng hạn! Bộ tôi không là con gái sao? Phúc điềm nhiên trả lời: - Cô cũng là con gái, lại là người con gái rất tốt. Nhưng cô đừng giỡn cợt tôi như vậy. Anh chàng đó sẽ hiểu lầm. - Anh chàng nào? - Cái anh chăm sóc cô, chân bó bột, mang phù hiệu quân y đó. Cô gái khẳng định dứt khoát, dù nghe nhắc đến Dũng, cô dâng tràn nỗi mến thương ray rứt: - Đó là người bạn rất tốt của tôi, và chỉ có vậy. Phúc e dè buông lời: - Anh ta rất yêu cô, tôi thấy điều đó. Ngàn Phương thở ra! Cô đứng lên đi đi lại lại giữa các luống cỏ, bồn hoa, ngửng mặt lên trời, nhìn áng mây trời trôi lang thang. Cô liên tưởng đến cuộc đời mình, đến ngày mai, cô chợt đứng lại ngay trước mặt Phúc: - Tình yêu là sự hòa hợp giữa hai tâm hồn, nhưng tôi không yêu anh ấy. Phúc yên lặng, Ngàn Phương cũng vậy. Nắng xuân đã tắt trên vòm cây, kẽ lá. Tổng y viện chiều nay như mọi chiều, tràn ngập thương binh. Họ ngồi khắp những khoảng trống, phơi bày thương tật. Đâu đó các cô gái, những bà mẹ dìu con đi trên các con đường nhỏ trải đá. Ngàn Phương chợt thở dài. Bao giờ, bao giờ cho hết cảnh đau lòng hôm nay? Cô chợt nói: - Tôi đưa anh vào. - Cô về à? - Không, tôi định qua “Khu Lựa thương binh” một chút. Phúc nhận xét: - Cô không phải là nhân viên tổng y viện, tại sao chuốc cực vào thân? Cũng như tại sao cô phải vì tôi mà ở lại từ đó đến giờ? - Anh không hiểu sao? Vì tôi rất mến anh và lo lắng cho anh. Tôi mang ơn anh, nên cần chăm sóc cho anh khi không có ai bên anh cả. - Tôi có gì để cô thương mến? Có phải vì tôi giống anh Ngàn gì đó không? Cô gái không nói hết sự thật và cô rất táo tợn trong cách nói: - Chỉ một phần thôi. Anh ấy là con nuôi của mẹ tôi, bị chết vì tai nạn. Hồi đó tôi còn nhỏ, tôi thương anh ấy lắm! Còn mến anh vì lẽ khác, tôi chỉ thích những người sống giản dị bình thường, không mơ ước cao xa. Phúc bối rối đến độ mặt anh đỏ hửng. Lần đầu tiên anh gặp người con gái thẳng thắn thành bạo dạn. “Chẳng lẽ cô ta để ý thương mình?” Anh tự biết mình khá điển trai, hồi còn đi học dưới quê, không ít cô để ý thương anh nhưng anh chẳng quan tâm. Tình yêu với anh lúc ấy là điều xa vời, anh chưa muốn biết đến, tính anh lại không khéo nói. Rồi anh thi rớt đi lính, mẹ dặn anh đi sĩ quan dễ chết. Anh vâng lời. Sống trong đời lính, sự sống cái chết gần nhau gang tấc. Những khi hành quan xong về bộ tư lệnh sư đoàn nhìn nhiều cô gái hở hang, ngả ngớn trong vòng tay tụi sĩ quan, mấy ông tai to mặt lớn, anh thêm chán nản. Từ đó anh nhìn con gái như nhìn một thứ đồ vật không hơn kém. Nói chẳng ai tin, tuổi 24 anh chưa biết yêu thương hò hẹn. Vậy mà … vậy mà … chiều nay bên anh có người con gái nói mến anh, vì tính tình, khi anh chỉ còn là một nửa con người, khi anh đã tàn phế. Tại sao? Cô ấy muốn cái gì? Anh thật không hiểu! Anh không dám hỏi. Anh làm thinh, đúng bản tính ít nói của mình. Biết Phúc đang triền miên suy nghĩ, Ngàn Phương không phá quấy. Khá lâu, thấy Phúc trân ngó mình, cô gái mỉm cười, dịu dàng nói: - Ngàn Phương đưa anh vào trong nhé! Anh bàng hoàng vì tiếng xưng hô dịu dàng! Cô từng nắm tay anh bao lần, anh không để ý. Vậy mà giờ, như có luồng điện chạy vào tay anh, khi anh chạm tay cô. Đêm ấy Phúc không ngủ được. Anh như hiểu lại như không hiểu. Hơn nửa tháng nay cô chăm sóc anh chu đáo, tận tình như một người … Phúc đỏ mặt trong đêm, không dám nghĩ tiếp… Anh lại nghĩ đến bao thương binh cùng phòng từng ao ước như anh. Lúc trước anh không hề suy nghĩ tại sao cô ta vì cái ơn nhỏ mọn lại để tâm chăm sóc mình. Còn bây giờ, những lời nói của Ngàn Phương hiện về trong trí nhớ anh, tự nhiên anh nghe hồi hộp, tim cứ đánh lô tô trong lồng ngực. “Chẳng lẽ cô ấy yêu mình? Sao như vậy được? Nhưng nếu không yêu sao cô dịu dàng với mình như vậy? Còn cả những câu nói trong chiều nay …” Phúc nằm suy nghĩ miên man. Cả đêm thao thức, anh vừa lo, lại vừa thấy trong tim có cảm giác lạ lùng cứ trào dâng mãi. Có phải là … anh lại không dám nghĩ tiếp. Làm sao dám nghĩ đến điều đó, khi mình không muốn khổ đau. Vậy là, sáng hôm sau, Phúc bơ phờ nét mặt, Ngàn Phương thấy ngay. Đưa nước anh làm vệ sinh cá nhân xong, cô vừa đổ sữa vào ly vừa hỏi: - Đêm qua anh không ngủ được à? - Ngủ không được! - Anh không chối. - Sao anh không nói y tá trực cho thuốc? - Tôi không nghĩ trời sáng mau vậy. - Nghĩa là anh thao thức cả đêm? Cô đóng hộp sữa lại, mắt nhìn anh, tia nhìn dò xét không che giấu. Cô pha nước sôi vào sữa, quậy đều với hột gà, rồi đưa cho anh. Cô hỏi: - Nhưng anh nghĩ cái gì mà cả đêm không ngủ? Anh chần chừ, đưa ly sữa lên môi. Anh chậm rãi uống, dường như muốn kéo dài thời gian cho một câu trả lời. Anh đặt ly không xuống bàn, thấy cô gương mặt nhìn chằm chằm vào anh như đợi chờ, anh lúng túng rồi quyết định: - Nghĩ đến cô! Những câu nói của cô làm tôi không ngủ được! Ngàn Phương đỏ rần mặt. Cúi xuống, tay mân mê tấm ra trải giường một lúc khá lâu, cô lí nhí: - Không cần thức cả đêm như vậy, nghĩ ban ngày cũng đủ rồi. Cô chạy vụt ra khỏi phòng. Phúc bàng hoàng ngó theo: “Cô ấy yêu mình!” - Phúc nghĩ trong trạng tháii lâng lâng, xao xuyến. Trưa, Ngàn Phương trở lại, cô vẫn săn sóc anh bình thường, đưa anh đi tắm, soạn thức ăn cho anh, rồi đọc sách anh nghe, nhưng cô không để anh gặp ánh mắt mình. Cô tránh cái nhìn của anh. Đến chiều, cô đưa anh đi dạo, rồi như mọi ngày, về ngồi ở ghế đá cũ. Phúc rất hồi hộp nhưng anh quyết định dọ hỏi cô, dù bằng giọng nói hơi run: - Hôm nào anh lành bệnh, Ngàn Phương có thích về thăm quê anh không? Cô trả lời ngay, bằng giọng nghẹn ngào mà anh không thể nào hiểu nổi: - Nếu anh mời Ngàn Phương sẽ đi, chỉ sợ mẹ anh không vui lòng! Gương mặt Phúc sáng bừng niềm hân hoan, giờ không nghi ngờ chi nữa. - Không đâu, mẹ anh nhất định vui lòng! Nhà anh nghèo lắm, làm gì có chuyện kén cá chọn canh. Chỉ cần em bằng lòng! - Em bằng lòng! Ai biết được khi ấy cô gái đang nghĩ gì? Mừng quá, Phúc nắm tay cô gái: - Em thương anh thật sao? Cô trả lời bằng câu hỏi lại: - Còn anh, anh có thương Ngàn Phương không? - Thương, thương nhiều lắm! - Anh trả lời hấp tấp như sợ ai cướp mất lời mình. Cô gái lấy tay mình ra khỏi tay anh, hỏi nữa: - Sao lâu nay anh không nói, đợi em mở lời mới nói? Phúc trả lời cô thật giản dị: - Vì anh chỉ dám thương người nào thương anh. Đêm qua cả đêm trằn trọc, nhớ lại bao ngày qua em chăm sóc cho anh, nhớ câu nói chiều qua, anh mới mơ hồ nghĩ đến em có thương anh, nhưng anh phải dò xét cho kỹ. - Giờ biết rồi anh có vui không? - Anh vui lắm. Anh đâu ngờ ngày mình rời bỏ cuộc chiến, trở thành phế nhân lại có người thương. Ngàn Phương, có thật không em? - Vâng! Nhưng đợi anh lành bệnh đã. Còn giờ đừng nghĩ ngợi gì để ngủ không được nhé! Anh trao cô tia mắt lấp lánh niềm vui: - Tính anh dễ ngủ lắm, anh hứa không thức nữa. Cô gái dịu dàng nắm lấy tay anh: - Và phải ráng ăn uống cho mau lại sức để đưa em về thăm quê anh. oOo Thấy Ngàn Phương ngồi trầm ngâm bên cửa sổ, bác sĩ Tâm rẽ vào: - Cô phương không về nhà sao? Cô gái đứng lên chào ông rồi mời ông ngồi: - Thưa bác sĩ, tôi có về. Nhưng đêm nay tôi muốn nghỉ lại đây. Bác sĩ Tâm trêu cô: - Bệnh nhân ở lại phải ngủ vào lúc 21 giờ. Cô vi phạm nội quy chắc có nguyên nhân sao? Tường trình lên bác sĩ trưởng đi chớ. Ngàn Phương mỉm cười. Người bác sĩ tài hoa, đức độ này đem lại cho cô niềm mến phục như đối với thầy cô: bác sĩ Nguyễn Trọng Trình. Đột nhiên cô muốn cởi mở tâm tình với ông. Cô hỏi: - Bác sĩ có rảnh không để nghe bệnh nhân tường trình? - Rất rảnh - ông thú vị nhìn cô bệnh nhân của mình. Cô ta rất lạ lùng nhưng cũng rất đáng mến. Cô bình phục, với ông thật sự là niềm vui lớn trong đời làm nghề thầy thuốc của ông. Cô bệnh nhân nhỏ, trong căn phòng nhỏ, nói với ông, cô sắp lập gia đình, người chồng cô chẳng ai khác là Nguyễn Phúc, anh thương binh ngày nào. Bác sĩ Tâm ngạc nhiên, ông nhíu mày nhìn cô: - Cô nói thật hay giỡn? - Tôi nói thật, thưa bác sĩ - Cô ngạc nhiên khi nghe ông gằn giọng hỏi. Bác sĩ Tâm đưa hai tay lên trời: - Cô không biết anh ta mắc bệnh à? - Anh ấy thương binh nặng, tôi đã biết rồi. - Không phải chuyện đó, anh ta có bệnh nan y. Ngàn Phương sửng sốt: - Bệnh nan y, bệnh gì? Bác sĩ Tâm không nói gì, ông đứng lên rồi nói: - Cô đi với tôi. Về đến ngoại thưong 4, bác sĩ Tâm yêu cầu người y tá trực, cho ông mượn hồ sơ bệnh án của Nguyễn Phúc. Ông bật đèn ở bàn soi phim, đặt từng tấm phim chụp và cho cô thấy. - Đây là mảnh cắt vùng ruột. Đây là mảnh cắt lá lách. Còn đây là gì cô biết không? - Thấy cô gái lắc đầu, ông thong thả nói: - Khi coi phim để chuẩn bị mổ, bác sĩ Quang phát hiện ở buồng gan anh ta có bướu hình cầu, dù còn nhỏ nhưng lộ rõ bán phần. Bướu nằm ở gan, dù có qua phẫu thuật, anh ta cũng không thể sống lâu. Huống chi, sức khỏe anh ta không còn, đầu còn mảnh đạn chưa mổ. Còn đây, phim chụp lại lần sau, ngay buồng gan bướu nằm rất rõ. Lá lách và vết cắt ruột đã lành. Bác sĩ Quang có nói với tôi, ngay bây giờ, anh ta không chịu nổi ca phẫu thuật nào cả, đành chờ thời gian. Nếu bồi dưỡng tốt, phải ba năm sau, nhưng cũng kéo dài thêm sự sống mà thôi. Bác sĩ Tâm gấp hồ sơ lại, trả người y tá, sau khi căn dặn không được để bệnh nhân biết một điều gì, ông cùng Ngàn Phương ra về. Nãy giờ ông để ý thấy cô vẫn lặng thinh, trừ ánh mắt đăm chiêu, gương mặt không lộ vẻ gì. Vừa đi, ông vừa nói: - Đúng ra tôi không cần can thiệp vào chuyện tình cảm cá nhân của cô. Nhưng trước nhất vì tôi quý mến cô, thứ hai vì bác sĩ Trình, người đồng nghiệp của tôi đã ân cần gửi gắm. Thứ ba, dù gì cô cũng là bệnh nhân mà tôi trực tiếp điều tri. Anh ta sống chết có hạn, cô không nên tự cột đời mình vào một tương lai đen tối. Đừng vì nỗi đau khổ nào mà tự giết chết đời mình. Trước cửa phòng cô, bác sĩ Tâm định đi luôn nhưng Ngàn Phương cản lại: - Bác sĩ cho tôi hỏi vài câu, anh ta không thể có con à? - Tuỳ sức khỏe của anh ta, còn bướu ở buồng gan không liên quan gì đến chuyện đó cả. - Nếu có con thì có bị gì không? - Tôi nghĩ là không. - Cảm ơn bác sĩ, chào bác sĩ. Bác sĩ Tâm bước đi mà lòng ông mãi bâng khuâng về người con gái kỳ lạ đó! oOo Với bà Hiền, mẹ của Phúc, hôm nay là ngày vui sướng nhất trong cuộc đời bà. Thằng Phúc sống sót trở về, lại đem theo một cô gái xinh đẹp dịu dàng, đã có ơn cứu mạng nó. Trời ơi! Bà chẳng ngờ thằng con hiền lành chân chất của bà lại gan như vậy. Bị thương gần chết vẫn không báo tin về nhà, sợ mẹ lo buồn. Thằng em nó trọ học nhà bà con ngoài Đà Nẵng, cũng chẳng hay biết. Bị thương cả tháng rưỡi nay, nó nằm viện, chỉ nhờ bàn tay cô gái thị thành này, cũng là y tá hết lòng chăm sóc. Ơn này vớí bà thiệt nặng vô kể. Trưa nay khi thằng Lộc nói chuyện với cô gái, Phúc đã kể hết với bà, bà mừng quýnh: - Thiệt hả con? Con muốn lấy vợ và cổ cũng bằng lòng? - Dạ! Ngàn Phương thương con lắm cổ mới chịu về đây. - Chớ sao! không thương ai lặn lội về. giờ mẹ hỏi cổ nghe? - Đợi chiều đã mẹ, để Ngàn Phương bớt ngượng… Người mẹ hoan hỉ gật đầu. Ăn cơm xong, bà lại càng bằng lòng khi thấy cô gái dành rửa chén. Cha! Mà nó làm mới nhanh mới gọn làm sao! Kề tai thằng Út, bà nói nhỏ: - Sao con, con thấy nó làm chị dâu được không? Lộc, em trai Phúc gật đầu cười: - Anh Hai ngon lành quá! Ở đâu mà ảnh làm quen thiệt kỹ, chị ấy đẹp mẹ hỉ? Bà Hiền phẩy tay: - Đẹp mà ăn chung gì con! Ngó kìa, dáng đảm đang hiền thục. Nè! Thằng anh con có người vợ vậy mới cân. Phúc hài lòng sung sướng khi thấy mẹ và em thật sự mến thương người yêu của mình. - Chút em giả bộ vào buồng ngủ để mẹ nói chuyện nghe. Lộc nháy mắt gật đầu, rồi đưa tay rờ bụng anh: - Còn đau không anh? Anh thiệt gan bằng trời. - Hết đau rồi! Nhưng bác sĩ nói anh giờ không làm được việc nặng. Lộc an ủi anh: - Cần chi làm việc nặng. Việc nhẹ thiếu khối gì. Mẹ sẽ tẩm bổ vài tháng, rồi anh khỏe ngay thôi. Có điều anh đáng giận lắm, bị thương vậy mà không báo tin cho em! - Anh sợ em và mẹ lo buồn. Vả lại năm nay em thi, không thể xao lãng chuyện học hành. - Tính anh kỳ cục! Lúc nào cũng vậy, lo chuyện không đâu. Anh em máu mủ, chuyện đó có gì quan trọng. Phúc thấy em trách, vội lảng chuyện khác: - Chiều em ra để mai đi học hả? - Sáng em ra sớm học hai tiết sau. - Liệu thi đậu không em? - Em đâu biết, học tài thi phận mà anh, có điều em học khá. - Ừ! Em ráng lên. Anh giờ bỏ đi, chỉ còn hy vọng em. Lộc không bằng lòng câu nói của anh: - Sao bỏ đi? Anh chỉ nói bậy! Anh là con trai trưởng, giờ cởi bỏ áo lính, anh lấy vợ sinh con còn lo hương khói phụng thờ tổ tông, dòng họ … Nãy giờ nghe hai con trò chuyện, bà Hiền nở từng khúc ruột. Thấy chưa, ai mà có phước hơn bà? Chồng chết thuở con xuân xanh, bà thủ tiết thờ chồng nuôi con. Anh em hòa thuận, bà lại sắp có thêm dâu hiền. Thật trời chẳng phụ người hiền! Thấy Ngàn Phương đi vào, bà suỵt khẽ: - Thằng Lộc lánh đi để mẹ hỏi chuyện, kẻo con gái nó dị. Thằng Phúc đi luôn. Cả hai phóng nhanh ra cửa sau. Ngàn Phương cũng vừa vào nhà. Bà Hiền lật đật kéo ghế: - Ngồi đây con! Cha! Thiệt cực lòng con, đến chơi lại phải lo dọn dẹp. Cô gái dịu dàng: - Thưa bác đừng ngại, con đã quen rồi. Thuở nhỏ nhà nghèo em đông, con sống cũng rất cực khổ. Bà Hiền xuýt xoa: - Tội chưa, vậy cha mẹ con còn hay mất? - Con còn đủ cha mẹ, nhưng ba con không đàng hoàng, bỏ đi mấy năm nay rồi. Chuyện trò một lúc lâu, bà Hiền hiểu hết gia cảnh Ngàn Phương. Chu choa! Con nhỏ đẹp người đẹp nết, thiệt tội. Con nhà thành phố cũng cực tựa thôn quê, bà chẳng mong gì hơn, có điều hơi khó nghĩ, té ra con nhỏ làm tận ngoài Huế, làm sao hỏi cưới. Bà lựa lời hỏi: - Chừng nào con ra Huế? - Dạ hết hạn nghỉ, thưa bác. Đắn đo một lúc, bà Hiền đành hỏi thẳng: - Giờ nói gần nói xa không qua nói thiệt. Bác hỏi con nghe, thằng Phúc hắn có dạ thương con, ý con thế nào? Có bằng lòng để bác tiến tới không? - Dạ hôn nhân do quyết định cha mẹ, bác thương ơn ấy con đâu dám quên. “Vậy nó đã bằng lòng”. Nghĩ thầm vậy, bà Hiền nắm tay cô gái nói: - Thằng Phúc gặp con nó có phước lắm. Bác cũng mừng, chỉ ngại điều này. - Xin bác cứ dạy. - Bác có hai thằng con, muốn cưới dâu về vui hưởng tuổi già. Nay con đi làm cách trở xa xôi, làm thế nào vợ chồng sum họp? Làm sao bác được gần gũi cháu con? Ngàn Phương cúi đầu, điều khó nghĩ nhất bà Hiền đã nói ra. - Thưa bác đó cũng là điều khó xử của con. Con làm việc trong công sở, lại ở quân đội, phải hết hạn bốn năm mới chuyển công tác được. - Cha! Thiệt khó quá! Vậy thằng Phúc có ý kiến gì không con? - Dạ không! Còn phần anh Phúc đợi nghỉ tái khám rồi ra hội đồng y khoa phân loại để giải ngũ. - Nghe nó giải ngũ, bác mừng lắm! Nhưng chuyện này mới khó tính đây. Lộc nãy giờ ở đâu không biết đi vào: - Mẹ! Gì mà khó, vậy chứ bốn năm nay anh Phúc có về nhà ở với mẹ đâu? - Cái thằng, người lớn nói chuyện sao xía vô? - Bà Hiền rầy con. - Con nói thiệt đó, mẹ cứ làm đám cưới, để anh chị con sum họp vài năm. Đợi hết hạn, chị Phương xin về đây đoàn tụ. Giờ mẹ còn khỏe mạnh, tụi con ra vô thăm được rồi. Ngàn Phương nghe Lộc nói, cảm động vô cùng. Hắn còn trẻ tuổi nhưng thông minh nhân hậu, biết điều ấy là khó nhưng vì hạnh phúc của anh mới nói để mẹ động lòng thương con, thương dâu. Cô trìu mến nói với chàng trai trẻ: - Cảm ơn Lộc đã nghĩ đến chị. Nhưng việc này để bác quyết định. Bà Hiền gọi với vào trong: - Phúc ơi! Ra mẹ biểu. Phúc đi ra ngồi bên mẹ. Bà Hiền nói với con: - Em con nói, mẹ nghe cũng phải, phần con tính sao? Phúc trộm nhìn mẹ, thấy bà tươi cười nét mặt, Phúc an tâm: - Thưa, con tuỳ mẹ định đoạt. Bà Hiền nghĩ thầm: “Khéo chưa, hai đưa nói y một sách”. Bà lại hỏi Ngàn Phương: - Con còn làm ngoài đó mấy năm? - Dạ khoảng hai năm. Bà suy nghĩ lúc lâu, rồi thong thả nói: - Nghĩ cho cùng ra, hạnh phúc con cái phải đặt lên hàng đầu. Thằng Lộc nói đúng, bốn năm nay Phúc nó đi lính đóng quân xa, mấy khi được về thăm nhà. Có khi mẹ còn lặn lội đi thăm hắn. Như chuyện này đây không gặp con chắc nó chết còn đâu. Trời phật biết cảm động, lẽ nào mẹ để chúng con xa nhau… Mẹ năm nay mới 44, chuyện bán buôn cũng nhàn hạ, không lo đói. Giờ mẹ tính vầy, đám cưới xong, cho hai con về Huế chung sống, lâu lâu về thăm mẹ một lần. Đôi năm sau chuyển về Đà Nẵng để mẹ con sum họp. Còn ngặt quá, đợi có con cái, xin về làm ăn buôn bán với mẹ. Ngàn Phương bồi hồi xúc động trước tấm lòng đại lượng của bà Hiền, mắt rưng rưng, cô ngập ngừng nói câu cảm tạ: - Con đội ơn bác đã hết dạ thương con! Bà Hiền nở từng khúc ruột. Lộc ôm mẹ cười tươi: - Hoan hô mẹ! Mẹ nhất đời rồi! Anh Hai sao không cảm ơn mẹ? - Có chớ sao không? Nhưng em với chị Phương dành nói hết rồi. Bà Hiền nắm tay cô dâu tương lai: - Mai con về Đà Nẵng, thưa chuyện cùng mẹ. Mốt bác xuống thăm nhà.