HỘI CHÂN KÝ

Trong đời Trinh Nguyên nhà Đường, có chàng họ Trương, tính hoà nhã vui vẻ; người xinh trai; lập chí cao và bền; những điều trái lễ không thể vào được. Hoặc khi theo bạn hữu trong các tiệc chơi, trong lúc ồn ào hỗn tạp, người khác ai cũng hồi hộp mải miết, như sợ mất phần! Trương chỉ ừ hữ mà thôi, rút lại không để ai làm loạn nổi. Vì thế tuổi đã hai mươi hai, chưa từng gần gái. Kẻ biết chuyện vặn hỏi chàng, chàng xin lỗi mà rằng: “Chàng Đăng Đồ có phải biết yêu sắc đẹp đâu! Đó là hạng đĩ tính mà thôi! Tôi là kẻ thực lòng yêu sắc đẹp, nhưng mà chưa có duyên gặp gỡ. Tôi sở dĩ nói thế là vì phàm cái gì có vẻ đặc biệt, lòng tôi đều thấy quyến luyến. Xem thế thì biết tôi chẳng phải là kẻ có thể quên được tình”. Kẻ vặn hỏi cười khẩy …
Không bao lâu Trương sang chơi đất Bồ. Cách thành hơn mười dặm về phía Đông, có nhà chùa, gọi là chùa Phổ Cứu. Chàng vào trọ đấy. Vừa hay có người vợ goá họ Thôi, sắp về Trường An, đường đi qua đất Bồ, cũng trọ ở chùa ấy. Người vợ họ Thôi, là người họ Trịnh, Trương là cháu ngoại họ Trịnh, kể họ ra thì là bà dì họ. Năm ấy Hồn Hàm mất ở Bồ. Có viên hoạn quan là Đinh Văn Nhã không khéo coi quân. Bọn quân nhân việc tang liền quấy rối, cướp phá dân Bồ. Nhà của họ Thôi của cải rất nhiều, tôi tớ cũng lắm; quê người hoảng sợ, không biết nương tựa ai. Trương nguyên trước có quen thân với bọ tướng ở Bồ, liền xin cho người bảo hộ, nhà họ Thôi mới thoát nạn. Hơn mười hôm sau, quan liêm sứ là Đỗ Xác vâng mệnh vua đến, đem cờ thống nhung ra lệnh với quân lính, quân lính vì thế mà yên. Trịnh cám ơn Trương lắm, nhân làm cỗ để mời Trương. Tiệc bày ở nhà trên. Lại bảo Trương rằng: “Dì chẳng may goá bụa, dắt díu lũ con côi, gặp lúc hỗn quân hỗn quan, chắc gì giữ được mình nữa. Hai đứa con thơ yếu của dì, thực sống là nhờ cháu, ơn ấy có phải thường đâu! Nay xin cho chúng nó ra chào anh, mong có ngày đền được ơn ấy.” Nhân gọi đứa con trai là Hoan Lang, chừng hơn mười tuổi, mặt coi thuỳ mị lắm. Kế gọi đến người con gái: “Oanh Oanh! Ra chào anh đi con! Anh con cứu con sống đấy!” Một lúc lâu, chối là khó ở … Trịnh nổi giận mà rằng: “Anh Trương cứu được sinh mạng mày! Không có anh, giặc nó lôi mày đi rồi! Còn gì mà giữ kẽ nữa!”
Một lúc lâu mới chịu ra; mặc xoàng xĩnh, mặt bơ thờ, không trang điểm gì cả. Mái tóc lơi, đôi mày lạt, hai má ửng hồng thế thôi! Vậy mà nhan sắc đẹp lạ, vẻ lộng lẫy choáng người! Trương giật mình đáp lễ lại. Nàng nhân ngồi xuống bên Trịnh, vì Trịnh ức mà phải ra chào, lừ mắt ra vẻ oán lắm, như không chịu nổi lễ phép nữa! Hỏi tuổi nàng, Trịnh đáp: “Em sinh tháng bảy, năm Giáp Tý đời đức vua bây giờ. Đến năm nay là Canh Thìn niên hiệu Trinh Nguyên, vừa được mười bảy tuổi”. Trương dần dà đưa lời vin chuyện. Nàng không đáp lại, mãi đến tiệc tan là thôi. Trương từ đó mê nàng, muốn đưa tình song không làm thế nào được. Con hầu của họ Thôi là Hồng nương, Trương ra vẻ tử tế riêng, đến vài bốn lần. Nhân lúc vắng ngỏ ý cho biết ý mình, nó quả nhiên hoảng sợ, vùng chạy mất! Trương hối lắm …
Hôm sau, con hầu lại đến. Chàng bẽn lẽn xin lỗi, không dám ngỏ ý sở cầu nữa! Nó nhân bảo chàng: “Lời cậu nói, em chả dám nói, ma cũng không dám để lộ chuyện. Thế nhưng dòng dõi họ Thôi thì cậu đã rõ. Sao không nhân chuyện có ơn mà nhờ người mối manh?”. Trương nói: “Tôi từ khi tấm bé, tính đã ít ưa! Có khi ngồi bên bọn lượt là, cũng chả để ý nhìn ai cả. Không ngờ mãi đến bây giờ lại có người làm mê mình được. Trong tiệc hôm nọ suýt nữa cầm lòng không đậu … Vài hôm nay, đi quên đứng, ăn quên lo, sợ chỉ ngày một ngày hai là không sống được nữa! Nếu lại nhờ người mối lái, ít ra cũng vài ba tháng. Bấy giờ thì tôi chết đã xanh đám cỏ! Chị bảo tôi làm thế nào bây giờ?”. Con hầu nói: “Cô Thôi là người giữ mình trinh thuận … Dù bậc tôn trưởng cũng không thể đem lời nói bậy mà nói phạm đến cô. Hạng tôi tớ chúng em cố nhiên là nói khó vào tai lắm! Thế nhưng thích viết văn. Thường thường ngâm thơ đọc sách vơ vẩn đến hàng giờ … Cậu thử làm ít thơ tình để trêu xem. Trừ cách ấy chẳng còn cách gì nữa”. Trương mừng lắm nghĩ ngay hai bài thơ xuân đưa cho.
Chiều hôm ấy, Hồng nương lại đến, cầm tờ hoa tiên đưa cho chàng mà rằng: “Của cô Thôi sai đưa sang đây!”
Đầu đề là:
“Trăng sáng đêm rằm”
Thơ rằng:
“Cửa hé theo luồng gió,
Trăng chờ dưới mái tây,
Chạm tường hoa động bóng,
Người ngọc đến đâu đây!”
Trương cũng hơi hiểu ý thơ. Đêm ấy mười tư tháng hai. Tường phía Đông nhà họ Thôi, có một gốc hoa hạnh, có thể vin tường trèo qua. Đêm hôm rằm, Trương nhân trèo cây ấy để qua tường, lần đến mái tây, thì cửa đã hé mở. Hồng nương nằm ở giường, chàng liền đánh thức. Hồng nương giật mình rằng: “Sao cậu lại đến đây?” Trương liền nói dối nó: “Cô Thôi viết giấy mời tôi đấy! Chị vào nói hộ cô hộ tôi!” Một lát, Hồng nương lại ra và nói luôn: “Ra đây rồi! Ra đây rồi!” Trương vừa mừng vừa sợ, cho là việc tất xong.
Kịp khi Thôi đến thì ăn mặc chỉnh tề, nét mặt nghiêm nghị, lớn tiếng mắng Trương rằng: “Anh cứu sống nhà tôi, ơn ấy to lắm. Cho nên mẹ tôi mới đem trai thơ, gái dại mà uỷ thác cho anh. Cớ sao lại nhờ đứa con hầu không tốt đưa những lời nhảm nhí? Ban đầu thì lấy việc cứu người khỏi nạn làm tốt, rút lại nhân việc người ta khỏi nạn mà đòi sự nọ kia! “Lấy loạn thay loạn”, anh có hơn bọn giặc là mấy? Đã toan dập những thơ từ ấy đi, thì túng mưu gian, không phải nghĩa! Thưa thực với mẹ, phụ bạc ơn trước, không ra gì! Gửi lời nhờ con hầu nói hộ, lại sợ không hết được chân thành. Chon nên phải mượn mảnh tờ tìm đường bày tỏ. Nhưng còn lo anh sinh lòng khó dễ, cho nên dùng lời lẳng lơ để anh thế nào cũng sang. Việc làm trái lễ, sao khỏi thẹn lòng. Chỉ xin anh lấy lễ giữ mình, chớ dúng mình vào chuyện bậy”. Nói xong nguây nguẩy đi vào. Trương ngần người ra lúc lâ, rồi lại vượt tường mà ra. Từ đó tuyệt vọng.
Vài hôm sau, Trương ngủ một mình ngoài hiên. Bỗng có người đánh thức, chàng giật mình thở dài ngồi dậy thì ra Hồng nương ôm gối đến vỗ vào chàng mà bảo: “Cô sang! Cô sang. Nhủ làm chi nữa!” Nói xong đặt chăn gối rồi quay ra. Trương dụi mắt ngồi chong. Một lúc lâu, còn tưởng chiêm bao, song vẫn thành tâm ngồi đợi. Một lát thì Hồng nương ẵm Thôi đến. Khi đến thì thẹn thùng nũng nịu, cất mình không nổi, không còn cái vẻ đoan trang khi trước nữa. Hôm ấy là mười tám, trăng tà thấp thoáng, soi sáng nửa giường … Trương phơi phới lòng xuân, tưởng như mình được làm bạn với tiên, nhân gian đâu cho có con người ấy! Một lúc sau, chuông chùa động tiếng trời sắp sáng. Hồng nương giục về. Thôi dấm dứt khóc. Hồng nương lại ẵm nàng về, suốt đêm không nói nửa lời. Trương tờ mờ sáng dậy, tự ngờ vực nghĩ: “Có dễ là chiêm bao chăng!” Đến khi sáng rõ, thì cánh tay còn dây phấn; áo còn phảng phất mùi hương; mấy giọt nước mắt long lanh còn rớt ở đệm chiếu. Thế thôi! Sau đó hơn mười ngày, lại bặt tin tức. Trương làm 30 vần thơ “gặp tiên” chưa xong thì Hồng nương vừa đến, nhân gửi đưa cho Thôi. Từ đó lại được cho chàng sớm lén mà ra, tối lén mà vào, cùng ở với nhau ở nơi gọi là Mái Tây hồi trước đã đến ngót một tháng.
Trương thường hỏi dò về tình ý của Trịnh thì nàng nói: “Mẹ em biết không làm thế nào được nữa, có ý muốn gây dựng cho …” Không bao lâu, Trương sắp đi Trường An, ngỏ ý trước với nàng. Nàng nín lặng không ngỏ lời ngáng trở, song vẻ buồn bã đủ não người. Hai hôm trước khi đi, không sao gặp được nữa, thế là Trương lên đường.
Chưa đầy vài tháng, Trương lại sang chơi đất Bồ, lại ở nhà Thôi chơi mấy tháng. Thôi dao kéo rất khéo, lại tài viết văn, nhưng đòi xem mấy lần cũng không được. Trương thường thường tự lấy văn ghẹo nàng, nàng cũng không để ý xem mấy. Đại khái Thôi có chỗ khác người là: nghề gì đã học tất tuyệt giỏi, nhưng bề ngoài như kẻ không biết. Nói thì thông hoạt, song ít khi đối đáp. Lòng đãi Trương tử tế lắm, song chưa từng thốt ra miệng. Thời thường vẻ sầu chứa chan, vẫn như không biết. Mừng hay giận cũng ít khi lộ ra nét mặt. Một đêm một mình ngồi gảy đàn, giọng sầu thánh thót. Trương nghe trộm thấy, nhưng khi xin nghe thì thế nào cũng không gảy nữa. Vì thế chàng càng mê. Chàng nhân vì việc thi cử tới kỳ, lại sắp đi Trường An. Hôm sắp đi, không nói rõ ý mình nữa, chỉ than thở ở bên Thôi. Thôi đã biết ý là sắp xa nhau, dịu dàng, nhẹ lời, thong thả bảo Trương rằng: “Trước phá em, sau bỏ em, vẫn là đáng lắm, em không dám giận! Ví bằng trước anh phá, sau anh thương cho trót, thì đó là ơn anh! Lời thề trọn đời, thế là trọn vẹn, hà tất phàn nàn chi lắm về chuyến đi này! Thế nhưng lòng anh không vui, em biết lấy gì yên ủi! Anh thường khen em đàn hay. Khi trước thẹn, không sao đàn nổi. Nay anh sắp đi, xin chiều cho thoả lòng anh.” Nhân sai lau đàn, gảy khúc dạo “nghê thường vũ y”. Chưa được mấy tiếng, giọng buồn đã xen lẫn, không còn biết là khúc gì! Người ngồi bên đều sụt sùi. Thôi cũng không gảy, quăng đàn khóc rưng rức, rảo bước về phòng mẹ, không trở sang nữa. Sáng hôm sau Trương đi. Năm sau thi không đỗ, bèn ở lại Kinh, nhân đưa thư cho Thôi để yên ủi nàng. Lời nàng đáp lại, tạm chép vào đây:
“Đã đọc lời thăm, yêu đương bao xiết! Tấm tình nhi nữ, mừng tủi khôn cầm! Lại gửi cho một hộp hoa giấy, năm tấc sáp hồng, cốt để em cài tóc, xúc môi; tuy ơn lòng muôn đội, nhưng làm dáng với ai? Thấy của nhớ người, riêng chỉ giục lòng em chua xót! Nghe lời người sai ở Kinh về, vẫn biết anh rèn tập sách đèn, bấy lâu mạnh khoẻ. Chỉ ân hận kẻ ở chốn quê mùa, xa hoài, bỏ mãi! Số trời định vậy, còn biết nói sao! Từ mùa thu năm ngoái, ngày thường bâng khuâng như bỏ mất vật gì! Những lúc đông người ồ ạt, hoặc khi gượng nói gượng cười, song đêm vắng một mình, không lúc nào là ráo nước mắt! Cho đến trong giấc chiêm bao, cũng phần nhiều là chuyện thở than ly biệt! Vấn vương khăng khít, tạm giống lúc thường, hẹn nguyệt chưa tròn, hồn hoa đã dứt! Tuy nửa chăn còn ấm, mà nhớ người đã bao xa! Một sớm chia tay, thoáng qua năm cũ. Trường An là chỗ chơi bời, mối tình dễ vướng! May sao không quên hèn mọn, một niềm đoái thương, cảm kích lòng quê, lấy gì đền lại … Đến như lời thề từ trước, đâu mà dám sai! Nghĩ lại em vì lẽ họ hàng được cùng gần gặn: tôi tớ quyến dỗ, ngỏ biết lòng riêng. Chút tình thơ ngây, tự cầm không vững. Người quân tử có vin đàn thử trêu; phận hèn mọn không gieo thoi cự lại. Kịp lúc dâng dưa chăn gối, nghĩa nặng tình sâu, tấc dạ yếu thơ, mong những trọn đời nương tựa. Nào ngờ khi giáp mặt quân tử, mà định tình không nổi, đến nỗi mang mối thẹn đem mình tự dâng! Không đợi lúc danh phận rỡ ràng, dâng khăn hầu lược. Trọn đời ngậm tủi, than thở mà chi! Ví phỏng bậc nhân giả để lòng, đoái chiều hèn kém, thì dù ngày em mất cũng như năm em còn. Bằng như kẻ đạt sĩ coi thường, bỏ nhỏ theo lớn, cho thề ép là chuyện hão, lấy sánh trước là nết hư, thì xin xương nát thịt mòn, lòng son chẳng lạt; nương sương, nhờ gió, còn gởi bụi trong. Sống thác chút lòng, nói đây là hết. Sụt sùi cầm bút, giấy vắn tình dài. Trân trọng muôn vàn, muôn vàn trân trọng … Chiếc vòng nhọc này, của em nghịch chơi ngày bé. Gửi người quân tử, đeo vào trong lưng. Ngọc lấy nghĩa bền sạch, không phai; vòng lấy nghĩa trước sau như một. Lại thêm một món tơ mầu, một chiếc nghiền chè bằng tre hoá. Mấy món đó nào có chi quý giá! Ý mong người quân tử lòng trinh như ngọc, chí vững như vòng, mối sầu vấn tơ, ngấn lệ đầm trúc; mượn thư gửi ý, để làm duyên mãi mãi đó thôi! Lòng gần, mình xa, bao giờ gặp mặt? Sầu riêng đúc lại, nghìn dặm hồn bay … Muôn vàn trân trọng … Gió xuân dễ cảm, ăn gượng là hơn, giữ ngọc gìn vàng, chớ vì em mà quá nghĩ …”
Trương đưa thư ấy cho người quen xem. Vì vậy đồng thời nhiều người biết chuyện. Có người bạn là Dương Cự Nguyên thích làm thơ, nhân làm một bài thơ vịnh nàng Thôi rằng:
Thanh nhã chàng Phan ngọc chẳng như…
Tuyết tan sân trước huê lơ thơ.
Lòng xuân tài tử phong lưu lắm!
Đứt ruột vì ai một mảnh tờ!
Nguyên Chẩn (tức Vi Chi) ở Hà Nam cũng nối 30 vần thơ “gặp tiên” của chàng:
“Bóng đóm vượt tường không.
Trăng non lọt kẽ song.
Trời xa dần chạng vạng.
Cây thấp chốc mơ mòng,
Rồng hót nghe sân trúc;
Loan ca lắng tiếng đồng.
Vạt thẳm sương mờ rủ.
Giây chuyền gió nhẹ rung.
Mẹ vàng cờ tiết đón.
Người ngọc thức mây lồng
Canh vắng, đêm man mác,
Hẹn mai mưa mịt mùng.
Long lanh giầy dát ngọc.
Thấp thoáng áo thêu rồng,
Thoa cài chia cánh phượng,
Khăn vắt lấp cầu vồng.
Rằng trẩy từ Dao phố,
Sang chầu chốn Bích cung,
Nhân qua trên phố Bắc:
Quá bước đến tường Đông.
Trêu ghẹo tuy hơi cự.
Van lơn dễ cứng lòng.
Cúi mái đầu tóc lệch,
Quanh gót bụi hoa tung.
Quay mặt hoa trôi trát:
Lên giường gấm chập trùng.
Uyên ương giao cánh tréo.
Phỉ thuý thả lồng chung.
Ngượng mặt mày cau có,
Kề môi giọng đượm nồng,
Hơi lan hồi hộp thoảng;
Da ngọc nõn nà trông.
Tay ngại không buồn nhích,
Lưng lười sẽ uốn cong.
Bồ hôi rơi lấp lánh:
Mớ tóc rối lung tung.
Đôi lứa duyên mừng gặp,
Năm canh hết chốc mồng.
Thời giờ đêm có hạn.
Quấn quít ý bao xong?
Nét mặt buồn mây nước.
Lời thề chỉ núi sông.
Vòng ghi duyên hôi ngộ,
Tơ kết mối tâm đồng.
Đèn lụi, ngày bay vẫn;
Gương thanh lệ đọng dòng.
Bóng đêm vừa hết tối,
Vầng ác đã loe hồng.
Kẻ lại bến thành Lạc,
Người về đỉnh núi Tung,
Gối còn dây phấn rớt
Áo vẫn ngát hương xông.
Thơ thớt trông bờ liễu,
Lăng băng ngán cỏ bồng!
Đàn khuya nghe tiếng hạc,
Trời thẳm ngóng tin hồng.
Bể rộng qua không nổi!
Trời cao gọi chẳng thông!
Mây bay nào hẹn chỗ,
Tiêu Sử ở lầu trong …”
Các bạn của Trương nghe chuyện ấy, ai cũng cho là kỳ ngộ. Nhưng ý Trương thì đã quyết tuyệt rồi! Chẩn thân với Trương lắm, nhân hỏi cớ tại làm sao? Trương nói: “Đại phàm giống vưu vật trời đã sinh ra, chẳng tự hại mình, tất làm hại người! Ví phỏng cô con gái họ Thôi, gặp gỡ được kẻ giầu sang, yêu dấu nâng niu, thì không làm mây, làm mưa, tất làm long, làm ly, tôi không biết còn biến hoá thế nào! Ngày xưa vua Trụ nhà Thương, vua U nhà Chu, làm chủ một nước muôn xe, thế lực to lắm. Vậy mà hỏng vì mọt người con gái: dân bị tan, thân bị giết, đến nay để thiên hạ chê cười! Đức của tôi, không thắng nổi yêu nghiệt, cho nên đành tuyệt tình vậy!
Lúc ấy, người ngồi quanh đều vì chàng thở dài.
Hơn một năm sau, Thôi đã đem mình thờ người khác. Trương cũng lấy vợ. Nhân qua nơi nàng ở, nhờ người chồng nói với Thôi, xin lấy lễ anh họ thăm nàng. Người chồng bảo nàng, song nàng không chịu ra. Trương trong lòng tức bực, tỏ ra nét mặt. Thôi biết vậy thầm làm một bài thơ.
Thơ rằng:
“Chàng đi, từ đấy, kém dong quang,
Trằn trọc nằm quanh, ngại xuống giường!
Phải thẹn cùng ai mà chẳng dậy!
Khổ vì chàng lại thẹn thay chàng!”
Rút lại vẫn không chịu ra chào. Sau vài ngày, Trương sắp đi, lại viết một bài đề tạ và tuyệt nàng:
Thơ rằng:
“Rẻ rúng thôi đành phận,
Van lơn nhớ buổi đầu.
Xin đem tình ý trước,
Thương lấy kẻ về sau!”
Từ đó tuyệt không còn biết chuyện nữa. Người bấy giờ phần nhiều cho là Trương khéo sửa lỗi. Tôi thường khi bạn bè hợp đông, lại nhắc chuyện ấy, ý cốt mong kẻ biết chuyện đó chớ làm, kẻ làm chuyện đó chớ mê.
Tháng chín năm Trinh Nguyên, ông Lý Công Thuỳ, ngủ ở nhà tôi tại làng Tĩnh An. Nói đến chuyện ấy, Công Thuỳ sửng sốt lấy làm lạ bèn làm bài ca để ghi lại. Bài ca chép ở trong tập thơ của Lý …