LỜI PHÊ BÌNH CẢ CHƯƠNG

Tôi đọc các du ký ở thế gian, mà biết đời thật không có ai biết chơi. Người biết chơi, đối với hết thảy những cảnh sông, biển, núi non, động thiên, phúc địa, ở trong đời, cố nhiên không ngại nghìn dặm, muôn dặm, sao cũng tìm đến để thăm cho hết cảnh lạ. Thế nhưng trong lòng có một tài tình riêng, dưới mi có một cặp mắt riêng, thì có cứ gì phải đến hẳn những cảnh sông, biển, núi non, động thiên, phúc địa, bấy giờ mới nói rằng: Tôi đã được thăm những cảnh lạ. Nơi động thiên mà ta đến thăm hôm qua, ta phải tốn sức chân, sức mắt, sức lòng trong bao nhiêu ngày, bấy giờ mới xong chuyện … Đến ngày mai, ta lại sắp đến thăm một nơi phúc địa; ta lại phải tốn sức chân, sức mắt, sức lòng trong bao nhiêu ngày, để theo đuổi vào đấy. Kẻ đứng ngoài không hiểu đầu cuối làm sao, tất phải khen: Luôn mấy hôm đi chơi thật sướng nhé! Vừa qua một động thiên, lại tới một phúc địa! Có biết đâu trong lòng nhà thầy nào có nghĩ thế đâu! Kể từ khi vừa lìa nơi động thiên trước mà chửa tới nơi phúc địa sau, giữa khoảng đó dù không nhiều, chỉ cách nhau độ vài, ba mươi dặm; hay ít nữa, chỉ độ tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai dặm; hay lại ít nữa chỉ độ một dặm, nửa dặm … thế nhưng nhà thầy đối với một dặm, nửa dặm ấy, cái gọi là tài tình riêng ở trong lòng, cặp mắt riêng ở dưới my, có phải không đem cách nhìn nhận các động thiên, phúc địa mà nhìn nhận nó đâu! Nay lấy cái bản lĩnh lớn, cái thông minh lớn, cái khí lực lớn của thợ tạo, bỗng dưng bày ra một cảnh động thiên, một cảnh phúc địa, thì đó thật là những cái lạ tai, lạ mắt, chả cần phải nói nhiều! Thế nhưng ta thường nhìn kỹ trong khoảng trời đất, lặt vặt một con chim, một con cá, một bông hoa, một ngọn cỏ, cho đến một cái lông chim, một cái vẩy cá, một cái cánh hoa, một cái lá cỏ, chả có cái gì là không phải tốn đến cái bản lĩnh lớn, cái thông minh lớn, cái khí lực lớn của ông thợ Tạo kia, mà gây dựng được nên! Tục ngữ có nói: "giống sư tử vật voi cũng dùng hết sức mà vật thỏ cũng dùng hết sức!" Ông thợ Tạo kia cũng thế: Sinh ra động thiên, phúc địa cũng phải dùng hết sức; mà sinh ra lặt vặt một con chim, một con cá, một bông hoa, một ngọn cỏ, cho đến một cái lông, một cái vẩy, một cái cánh, một cái lá cũng là phải dùng hết sức! … Cứ thế mà suy, thì những chuyện lạ tai, lạ mắt ở trong đời, có cứ gì phải đến những nơi động thiên, phúc địa mới có. Mà những nơi gọi là động thiên, phúc địa kia, thì lại gây dựng nên bằng cách thế nào? Trang Tử có nói: "Chỉ riêng các phần thân thể con ngựa thì đó không phải là con ngựa, mà con ngựa là cái trước kia còn gồm cả các phần thân thể của con ngựa… Xem trong miếu lớn, phải kể trăm cây … Xét núi lớn, gỗ, đá đều loạt …" Chúng ta đây, nên biết trăm cây, nghìn đá, lẫn lộn đều loạt, như thế là miễu lớn, núi lớn, thì hoạ chăng mới là biết chơi! Kìa như đỉnh cao, kẽm chẵm, cái chót vót ấy là góp đá mà thành ra; ghềnh dốc, thác treo, cái rầm rộ ấy là góp suối mà gây nên… Nếu xét từng viên đá một thì có lẽ cũng không khác gì hòn cuội con! Nếu tìm từng dòng suối một thì có lẽ cũng không khác gì lạch nước nhỏ! Chẳng những thế mà thôi. Lão Tử có dạy rằng: "Ba chục rẻ cùng một bánh, dùng tạm khi không có xe; đắp đất làm vách, đục lỗ làm cửa, ở tạm khi không có nhà …" Như vậy thì các cảnh động thiên, phúc địa, gồm có bao nhiêu những nơi trông dọc thành ngọn, trông ngang thành dẫy, trông lên thành vách, trông xuống thành khe; cùng là chỗ phẳng là nền, chỗ lệc là sườn, chỗ hẹp là kẽm, chỗ ngang là đập; tuy rằng xinh xẻo lạ lùng, không thể nào mà nói cho xiết; thế nhưng ta thì ta có thể biết sở dĩ xinh đẹp lạ lùng như thế, chỉ là vì nó ở đúng vào chỗ "Khi không có" … Vì rằng khi đã không có, thì nào làm gì có ngọn, có dẫy, có vách, có khe, có nền, có sườn, có kẽm, có đập! … Vậy mà cái chỗ khi không có ấy, thì chính là chỗ để cho tài tình riêng ở trong lòng ta được bay lượn; cặp mắt riêng ở dưới my ta được nhởn nhơ … Trong lòng ta đã có một tài tình riêng, dưới my ta đã có một cặp mắt riêng, hễ chỗ nào không có, ta lại đem ra mà bay lượn nhởn nhơ, thì nào có cứ gì phải tìm đến những nơi động thiên, phúc địa. Như trên kia đã nói, trong khoảng vừa dời cảnh trước, chưa có cảnh sau, ít ra là vài, ba mươi dặm, trong khoảng đó, chỗ nào mà chả có những nơi mà ta gọi là "khi không có". Một dịp cầu cheo leo, một gốc cây cằn cỗi, một làn nước, một cái làng, một bức dậu, một con chó, ta bay lượn chơi, ta nhởn nhơ chơi; thẻ so với những cảnh động thiên, phúc địa, đã chắc gì cái lạ, cái đẹp lạ chả không ở những cảnh ấy, mà ở những cảnh này? Vả chăng, ta cũng bất tất phải trong lòng thật có cái tài riêng, dưới my thật có cặp mắt riêng. Nếu bảo phải có tài tình đã, rỗi hãy bay lượn; phải có cặp mắt riêng đã, rồi hãy nhởn nhơ; như vậy thì hạng người biết chơi, có đến mấy mươi đời cũng không gặp một! Theo ý Thánh Thán thì ở đời cứ gì phải tài tình riêng, chịu khó bay lượn, thế là có tài tình riêng! Cứ gì có cặp mắt riêng, chịu khó nhởn nhơ, thế tức là có cặp mắt riêng. Ông lão họ Mễ xem đá có nói rằng: "Cần xinh! Cần nhăn! Cần thủng! Cần gầy!" Nay dịp cầu, gốc cây, làn nước, cái làng, bức dậu, con chó ở trong một dặm, nửa dặm kia, đều là những cái rất xinh, rất nhăn, rất thủng, rất gầy cả đấy! Ta không có con mắt xem đá của ông lão họ Mễ đó thôi. Nếu quả nhiên nhìn thấy cái xinh, cái nhăn, cái thủng, cái gày, là ở cả đó, thì dù là chẳng muốn bay lượn, nhởn nhơ vào đó sao được. Vả chăng những ngọn, những dẫy, những vách, những khe, những nền, những sườn, những kẽm, những đập ở nơi động thiên, phúc địa kia, đã chắc gì là đẹp, là lạ cho lắm! Chẳng qua cũng là có xing, có nhăn, có thủng, có gầy đó thôi! Cứ thế mà coi, nếu ta cứ phải động thiên, phúc địa mới chơi, thì những nơi ta bỏ sót không chơi, có lẽ đã nhiều lắm. Thế mà, cứ phải đến động thiên, phúc địa mới chơi, thì ngay những cảnh động thiên, phúc địa đó cũng là không biết chơi mà thôi! Vì sao? Họ đã không nhận được vẻ đẹp, vẻ lạ của bức dậu, một con chó, thì dù có trông thấy những cảnh động thiên, phúc địa nữa, cũng chỉ biết được những cái không đẹp không lạ mà thôi! Đó là những lời mà hồi xưa Thánh Thán bàn với Trác Sơn về chuyện đi chơi. Nay đọc đến chương con Hồng mời tiệc trong vở Mái Tây, bất giác lại buột mồm nhắc tới …
(Trác Sơn nói: Xưa nay chỉ có cụ Thánh Khổng là tay biết chơi! Thứ nữa thì đến Vương Hy Chi … Có người hỏi tại sao? Trác Sơn đáp: Cụ Khổng thì tôi cảm nhất về câu: "Cơm kỹ càng hay! Gói nhỏ càng tốt!" Còn Hy Chi thì tôi thấy bao nhiêu bức thiếp mà Hiến Chi đều chịu không bắt chước được một nét nào! Thánh Thán nói: Bác nói vậy thì người thiên hạ phải nghi hoặc mà chết mất! - Trác Sơn lại nói: Vương Hy Chi khi rỗi tất ra sân lần từng cánh hoa, từng bông hoa, đếm kỹ từng cánh một! Học trò cầm khăn đứng hầu, có khi suốt ngày không thấy nói câu gì! Thánh Thán hỏi: Chuyện đó chép ở sách nào? Trác Sơn nói: Cứ gì ở sách nào! Nhưng tôi biết thế! Ấy, tính tình Trác Sơn lạ lùng là thế, tiếc thay các bạn không được gặp Trác Sơn!)
Trên đây là chuyện phá giặc, một chương lớn, dưới đây là chuyện "lật hẹn", cũng một chương lớn. Trong chuyện phá giặc thì có Oanh Oanh nghĩ kế, Huệ Minh đưa thư, đều là những lớp sóng cả, gió cao, tự nhiên phải có. Trong chuyện "lật hẹn" thì có Oanh Oanh thất kinh, cậu Trương nổi đoá, cũng đều là những trận khóc to, cười lớn, tự nhiên phải có. Nay vào khoảng sau câu chuyện phá giặc; trước chuyện "lật hẹn", làm thế nào cho ra một chương? Tác giả nghĩ kỹ một lúc lâu, rồi nghĩ đến rằng: Kìa như cậu Trương đối với Oanh Oanh, thiết tha xoắn xuýt, chỉ mong những gặp rầy, gặp mai, cái đó chả cần phải nói … Mà cho đến Oanh Oanh đối với cậu Trương nữa, cái nông nỗi thiết tha xoắn xuýt, chỉ mong những gặp rầy, gặp mai đó, có phải một lời nói được hết, một bút tả xiết được đâu? Tự nhiên mà có Tôn Phi Hổ đến! Tự nhiên mà được bà lớn hứa lời … Hai cái tự nhiên lừ lừ tự trên trời xa xuống! … Trong lúc ấy, ở một đôi người ngọc kia, nào đầu tim, đầu lưỡi, nào trong mắt, trong mộng, nào khi ăn khi uống, sao cho khỏi có những cái phảng phất như mây, nóng ran như lửa, sục sạo như giặc, thao thức như xuân? Vậy mà nay, ở chương trên, chuyện phá giặc vừa xong; xuống chương dưới, chuyện lật hẹn kế đến. Trong chương phá giặc đã không có thì giờ để ví đôi người ngọc kia, mà tả cái tâm sự như mây, như lửa, như giặc, như xuân ấy! Thế mà trong chương lật hẹn, lại có thể có thì giờ để ví đôi người ngọc ấy mà tả cái tâm sự như mây, như lửa, như giặc, như xuân đó sao? Nghìn lần cực chẳng đã! Muôn lần cực chẳng đã! Mới tính đến rằng lật hẹn tất phải đặt tiệc, đặt tiệc tất phải cho mời, nhân đó mà len vào giữa hai chương, bỗng thong thả tả một chuyện con Hồng mời thiệc. Cũng không cần đến cậu Trương, cũng không cần đến Oanh Oanh, chỉ thong thả mượn miệng người đứng ngoài, mà vừa hay tả hết được bao nhiêu những tâm sự phảng phất, bồn chồn, sục sạo, thao thức cả đôi bên! Chao ôi! Thế mới thật là: vua Nữ Oa không ngại việc vá trời, chỉ ngại việc tìm đá ngũ sắc! Nay đã là tay chuyên môn về việc đá ngũ sắc, thì có trời nào không vá nổi đâu!
Thế nhưng Thánh Thán lại nghĩ kỹ lại: Trước đây là chuyện phá giặc, chuyện đó thực đáng là một chương lớn. Sau đây là chương lật hẹn, chuyện đó cũng đáng là một chương lớn. nay con Hồng vâng mệnh bà lớn, chạy sang mời khách dự tiệc, thì thật là một chuyện rất nhỏ, rất nhạt, rất vô vị, rất ơ hờ! Vậy mà coi tác giả cứ thong thả thuận bút tả đi, cũng thành ra được một chương lớn! Thế thì như trên đã nói: một làn nước, một cái làng, một dịp cầu, một gốc cây, một bức dậu, một con chó, không có gì là không có vẻ lạ, vẻ đẹp; vừa xinh, vừa nhăn, vừa thủng, vừa gầy …, bất tất phải đến những nơi động thiên, phúc địa, mới tìm thấy cái lạ, cái đẹp; chẳng cũng thật thế sao? Hết thảy các bạn tài tử gấm vóc trong đời, khi sắp học nghề viết văn, xin hãy nhớ kỹ câu nói "khi không có." của Lão Tử! (Trước chuyện lật hẹn, sau chuyện phá giặc, tôi đã nghĩ kỹ, khó lòng mà viết xen vào được một chương. Vì vậy mà phải chịu chương mời tiệc này là hay tuyệt!)