Văn chương có phép "dời nhà cho hợp cây". Ví như ngày hè đọc sách, đã được nơi đọc sách, nhưng sau nhà có cây, rất nhiều bóng mát. Nay muốn bỏ cây đó ở sau nhà, thì thực không bằng đem cây đó lại trước nhà … Song cây lớn không thể dời lại đằng trước; chi bằng nhà mới ta dời quách về phía sau! Nếu không thế, cứ để cây ở sau nhà thì cố nhiên nhà vẫn là nhà đẹp, cây vẫn là cây đẹp, thế nhưng nhà đã không ăn thua gì với cây, mà cây lại càng không ăn thua gì với nhà! Vậy nay thử tính bề hơn thiệt, dời nhà lại cho hợp với cây, thì cây vẫn còn nguyên mà nhà đã thêm nhiều bóng mát. Đó thực là một việc rất tiện ở trong đời … Kìa như Oanh Oanh với cậu Trương, nào khi xướng hoạ, trong lòng vốn đã cảm thầm; tại buổi làm chay, chính mắt lại từng trông thấy. Đó thực là miệng tuy không nói nhưng lòng nào tạm quên … Nay trong khi bất ý chẳng ngờ, bỗng dưng vỗ tay ứng mộ, viết thư cầu cứu, lại chính là con người ấy. Lúc đó thì dẫu muốn cố tình ngậm miệng, giả vờ không để ý đến, mà sao có đặng! Cứ lý, cứ tình, cứ thế thì tất phải cảm tạ trời đất, bụng nghĩ sao, miệng nói vậy, trút ra cho hết những nỗi lo buồn uất ức ở trong lòng … Để tỏ ra rằng con người xinh xinh đã lọt vào con mắt ta kia, vốn chẳng phải là hạng cùng vời cùng đứng với vô số, vô số người ở trong hai dãy hành lang! Thế nhưng một là bà lớn ngồi bên, có nói sao được! Hai là tăng chúng đông đảo, có nói sao được! Ba là thế giặc đương mạnh, có nói sao được! Đã không thể nói được mà đành chịu không nói, thì kẻ đọc truyện đến đây, sao cho khỏi ngờ Oanh Oanh lúc ấy, đối với việc cậu Trương ứng mộ, có lẽ cũng thoáng qua chẳng để vào lòng! Tác giả vốn đã hiểu trong văn chương có phép "dời nhà cho hợp cây", nên trước khi chưa nghe tin biến, phải tả ra bao nhiêu là nỗi nhớ niềm mong, để tỏ ra rằng cậu Trương đối với Oanh Oanh, đã là giọt máu ở đầu tim, tấc hơi ở cuống họng, cùng mật, cùng lòng, cùng thân, cùng mạng! Cho đến đoạn dưới chỉ thuận tay điểm qua, là đủ mượn ngấm tất cả bao nhiêu những lời tâm sự ở đoạn trên xuống. Đó là một điều mà các bạn viết văn sau này cần phải khéo bắt chước lấy. (Trong Tả Truyện nhiều đoạn trước kinh đã chua chuyện, tức là phép ấy.) Trong văn chương có phép "trăng rọi hành lang". Ví như đêm xuân ấm hoà, người đẹp chưa ngủ, đốt hương cuốn mành, thao thức chờ trăng. Lúc ấy mới tối, trăng mọc từ phương Đông, ánh sáng lạnh lùng, tất phải từ mái hiên soi xuống cột hiên, lại soi xuống bao lan; rồi mới dần dần soi đến ngoài hè, soi đến ngoài song, sau đó mới soi đến người đẹp … Trong bao nhiêu thì giờ ấy, người đẹp kia kể cũng đã lâu, vẫn chịu đứng chờ trong bóng tối. Nhưng dù ra sao nữa, trăng kia có thể nào không soi tới người đẹp! Thế nhưng trước khi soi tới người đẹp, ánh trăng tất phải từ mái hiên xuống bao lam, rồi mới xuống ngoài hè, xuống ngoài song; như vậy thì trước khi soi tới người đẹp mới như mờ, như tỏ, như gần, như xa, nẩy ra biết bao nhiêu là cảnh đẹp! Nếu không thế mà con người kia lại đột nhiên ở dưới trăng, thì là điều rất đáng chê! Vì rằng không có thân phận vậy! Kìa như Oanh Oanh với cậu Trương, nào khi xướng hoạ, trong lòng tuy đã cảm thầm; tại buổi làm chay, chính mắt lại từng trông thấy; thế nhưng mình là bậc quý nhân ngàn vàng, trên thờ mẹ già, dưới vâng thầy dạy, cái cậu Trương người dưng nước lã kia, tấc dạ châu ngọc, há rằng lại nên nghĩ đến? Cửa miệng hoa sen há rằng lại nên nhắc đến? Thế thì tác giả biết làm thế nào? Ví phỏng Oanh Oanh thật vì cớ sợ thầy, sợ mẹ, tấc lòng châu ngọc, trước sau không dám nghĩ, cửa miệng hoa sen trước sau không dám nhắc, thì suốt cả truyện Mái Tây, đành chịu không có câu nào để tả Oanh Oanh thương nhớ cậu Trương hay sao? Tác giả vốn đã biết trong văn chương có phép "trăng rọi hành lang", nên trước hết hãy thong thả tả xuân tàn; lại thong thả tả đến con người ở cách tường, lại thong thả tả chuyện xướng hoạ ở dưới trăng … Đến đây bỗng lại thu bút lại, tả đến ý: ta là kẻ con nhà, ta tự biết giữ mình ta, cứ đợi gì người khác phải đề phòng xét nét … Thế rồi mới xuống đến câu "Riêng có ai mới gặp là đã sinh thân …" Nên viết cả một đoạn văn ở trên, cốt yếu là chỉ để tả một câu ấy, để phục sẵn cái cớ Oanh Oanh phải mừng lòng thích mắt về việc cậu Trương vỗ tay ứng mộ ở bên dưới. Mà theo phép viết văn cho có tầng thứ, thì tất phải thong thả tả dần, chứ không thể nói một câu nói buột ngay ra được. Đó lại là một điều mà các bạn viết văn sau này cần phải khéo bắt chước lấy. Trong văn chương có phép "thúc trống tẩy uế"! Ví như câu ba Lý (Đường Minh Hoàng" ngày ba, tháng ba, ngồi dưới lầu Hoa Ngạc, sắc sai lấy bộ chén pha lê xanh, rót rượu nho Tây Lương cùng Quý Phi uống chơi. Uống dở say, vừa hay năm đức ông, ba bà dì, cùng đến cả một lúc. Lòng vua rất vui, sai nhạc công cử nhạc. Hôm ấy toà Thái Thường vừa mới chế xong một bài đàn, đặt tên là khúc "Núi vắng không sầu", vua sai đem gẩy ngự nghe. Cứ xong một đoạn, nhà vua lại cau mày, hoặc nhìn Quý Phi, hoặc nhìn ba bà dì, hoặc nhìn năm đức ông, mặt rồng ra vẻ bạo bực kém tươi. Kế đó sắp đến đoạn thứ mười một, nhà vua nhẩy vọt dậy, miệng phán: "Hoa nô! Mau đem trống đây! Ta muốn tìm cách tẩy uế!" Liền đó tự tay thúc trống, theo nhịp "Ngự dương tam qua". Tiếng trống "thình thình", làm cho các hoa chưa nở ở trong vườn, chốc lát nở hết … Kìa như Oanh Oanh khi nghe tin giặc đến vây chùa, không có lẽ không viết thành một chương. Thế nhưng khi viết ra, thật là bút vắn, mực khan, chả có gì là thú! Kẻ đọc buồn tênh! Mà người viết cũng sốt ruột! Không biết làm thế nào được, thì chợt nhớ đến vốn văn chương có phép "thúc trống tẩy uế", tác giả liền buông ngọn bút chết, cầm ngọn bút sống, thình lình mượn vai người đưa thư, bịa ra một chú Huệ Minh bố láo! để cho hả hê cái bạo bực đã nghẹn ngào chứa chất ở ngọn bút hàng nửa ngày trời! Thơ Đỗ Phủ có câu "Cây tiên lật gió rung ngày trắng! Cáng lầu cao! Tiếng gà đã gáy xôn xao bốn bề! Vội vàng, người ngọc ra về! Các sư thu dọn lễ nghi tán đàn! Đàn tràng thôi thế là tan! Ai về nhà nấy, canh tàn, trời đã sáng ra!