Sau khi Hoàng Thái Cực lên ngôi được tám hôm, bèn ra lệnh cho dân Hán được chia khu để ở riêng, và biên chế thành hộ dân thông thường, chọn quan viên người Hán thanh liêm đến để cai quản. Nhờ đó mà bốn chục phần trăm những thanh niên người Hán khỏe mạnh đang là nô lệ ở các trang viên, được khôi phục lại địa vị của một người dân bình thường. Chẳng những thế, Hoàng Thái Cực lại đổi mới quan niệm, gạt bỏ thiên kiến của người cha trước đây đối với những phần tử Hán tộc. Ông nhiều lần tuyển dụng, đề bạt, cũng như tiến cử những quan viên người Hán và người Mông Cổ, để dựa vào tài năng mà sử dụng, khiến không ít những người trí thức Hán tộc và Mông Cổ nhiệt liệt ủng hộ, bằng lòng thực tâm dốc hết sức mình để báo đáp hoàng ân. Năm thứ ba niên hiệu Thiên Thông (1629), Hoàng Thái Cực cho thành lập Văn Quán, yêu cầu Văn Quán lấy những việc hay dở của các đế vương nhiều triều đại làm tấm gương soi, và ghi chép hết những điều hay dở hiện nay. Việc làm đó, khiến cho mọi người liên tưởng đến một nhà vua nổi tiếng là Đường Thái Tông, đã có lời răn dạy rất chí lý là "lấy đồng để soi gương thì có thể sửa nguy ngắn áo mão. Lấy chuyện cổ để soi gương thì có thể biết được việc hưng phế, lấy người để soi gương thì có thể biết được hay dở". Hoàng Thái Cực thiết lập Văn Quán cốt để biết sự hưng phế cũng như cái được cái mất trong đời. Sau khi Văn Quán được thành lập, thì một nhu cầu cấp bách là phải tìm được người đủ tài năng để làm việc ở đấy. Do vậy, tháng tám cùng năm, Hoàng Thái Cực lại ban bố một chỉ dụ: "Tự cổ các quốc gia đều sử dụng song song cả văn lẫn võ. Dùng võ để dẹp yên những cuộc loạn lạc, dùng văn để xây dựng cuộc sống thái bình. Nay trẫm muốn chấn hưng văn trị, nên định mở kỳ thi để tuyển chọn những người có tài trong các sinh viên đưa ra sử dụng. Vậy, tất cả những gia đình người Mãn, người Hán, người Mông, từ Bối lặc trở xuống, nếu có nuôi sinh viên trong nhà, đều phải để họ đi ứng thí. Đến ngày một tháng chín này, ta sẽ ra lệnh cho các đại thần cùng làm giám khảo để tuyển chọn. Tất cả mọi nhà đều không được cãi lệnh. Người thi đỗ ta sẽ cho những tráng đinh khác đến thay thế. Phạm Văn Trình cũng thuộc vào thành phần “sinh viên” mà trong văn bản nhà vua nói tới. Vì những người này đều là nhưng người bị bắt sống, được xem như chiến lợi phẩm dùng tưởng thưởng cho những người có công, nên họ đã trở thành gia nô. Theo chỉ dụ trên, thì chủ nhà không được "cãi lệnh". Đồng thời, nếu người gia nô đó được đỗ trong kỳ thi và được rút đi làm việc, thì nhà vua sẽ thay vào một gia đinh khác cho gia chủ. Số sinh viên được ứng thí trong kỳ thi này có hơn ba trăm người, và thi đỗ gần hai trăm. Phạm Văn Trình là một trong những người thi đỗ. Nhờ vậy, Phạm Văn Trình từ chỗ bị họa lại được phước. Ông dựa vào sự thông minh và tài trí của mình, từ thân phận một tên gia nô đã vươn lên chức vị hiển hách đứng đầu các quần thần. Trong "Thanh sử cảo” đối với quá trình của Phạm Văn Trình ghi chép có chỗ khác hơn sự thật. Theo phần "Phạm Văn Trình bản truyện" chép Thái Tổ là Nổ Nhĩ Cáp Xích sau khi đánh chiếm được thành Phủ Thuận, thì Phạm Văn Trình và người anh bèn chủ động đi yết kiến Nổ Nhĩ Cáp Xích. Nổ Nhĩ Cáp Xích thấy Phạm Văn Trình có thân hình to lớn nên có cảm tình. Sau khi cùng nói chuyện, Nổ Nhĩ Cáp Xích rất tán thưởng sự hiểu biết của Phạm Văn Trình, lại được biết Phạm Văn Trình là hậu duệ của Phạm Thông, nguyên là Binh Bộ Thượng Thư của triều nhà Minh trong những năm Gia Tỉnh, nên rất xem trọng, bèn dặn dò các Bối lặc: - Đây là hậu duệ của danh thần, cần phải chú ý nâng đỡ. Nếu bình tĩnh mà xét, thì đoạn sử này sẽ khiến cho mọi người phải đặt nghi vấn. Vì Nô Nhĩ Cáp Xích là người rất ác cảm đối với "thư sinh" của triều nhà Minh. Ông cho rằng “tất cả mọi điều đáng ghét đều do bọn này mà ra", nên căm hận chỉ muốn giết chết họ. Riêng thần dân của triều nhà Minh đối với việc tộc Nữ Chân nổi dậy cướp bóc chém giết, làm toàn những điều xấu, điều ác nên cũng rất căm thù. Đứng về mặt tình cảm mà nói, thì Phạm Văn Trình một khi đã trở thành nô lệ, bị người Nữ Chân xem như súc vật, trong khi ông là hậu duệ của một nguyên lão đại thần triều nhà Minh, thì chắc chắn không bao giờ ông chủ động đi yết kiến Nổ Nhĩ Cáp Xích cả. Mà sự thật là Nổ Nhĩ Cáp Xích sau khi chiếm được Phủ Thuận, đã bắt tất cả những "thư sinh" của triều nhà Minh, thẳng tay chém giết. Trong khi hàng loạt những “thư sinh" phải chịu chém đầu, thì trong đó có một người tướng mạo đường đường phong độ khác biệt, so với những thư sinh hủ lậu hoàn toàn khác hẳn. Cho nên Nổ Nhĩ Cáp Xích mới động lòng trắc ẩn, tha chết cho ông và giao qua "quân cờ đỏ viền biên" để làm nô lệ. Người thí sinh đó chính là Phạm Văn Trình (quyển "Thanh sử cảo” với ý đồ mỹ hóa vị Hoàng đế của nước mình, cũng như giấu kín giai đoạn chịu nhục của Phạm Văn Trình mà sau này trở thành công thần của triều Mãn Thanh, nên mới bẻ cong ngòi bút để tô vẽ chuyện đẹp đẽ như vậy. Mọi người thường nói: qua đại nạn mà không chết tất sẽ được cái phúc về sau. Câu nói đó, quả thật đã ứng nghiệm vào trường hợp của Phạm Văn Trình. Sau khi Hoàng Thái Cực lên nối ngôi vua và đã thay đổi nhiều quốc sách quan trọng, hóa giải được mối mâu thuẫn giữa hai dân tộc Mãn và Hán, khiến thần dân của Hán tộc trong khu vực cai trị của họ, dần dần thay đổi thái độ thù địch, để phục tùng họ một cách tự nguyện. Cũng qua những chính sách cởi mở đó, đã giúp cho Phạm Văn Trình được ứng thí, khiến ông thoát khỏi kiếp nô lệ và được xuất đầu lộ diện sau này.