Người dịch: Nhất Như
CUNG CUỒNG (1)

Từ thuở niên thiếu, Komatsu Gempachi đã được người trong thành gọi là “Cung Cuồng”. Con đường đến với cung đạo bắt đầu từ mùa xuân năm bảy tuổi, lúc bấy giờ phụ thân Komatsu Yanagi Saemon hãy còn sống. Saemon tự tay làm lấy một cánh cung cỡ nhỏ cho trẻ nít rồi đưa cho con thứ là Gempachi.
- Anh mày đã không ra sao…Không biết mày thế nào.
Mọi chuyện bắt đầu từ đó.
Động tác lắp tên vào cung rồi bắn vào đích, thoạt mới nhìn qua thì chỉ là một kỹ thuật cực kỳ đơn giản, nhưng nếu hỏi vậy tại sao Gempachi lại say mê đến độ bị gọi là “Cung Cuồng” thì hẳn không còn câu trả lời nào thích đáng hơn rằng: không chỉ cung đạo mà trong tất cả các môn võ nghệ khác cũng như thiên kỹ vạn nghệ khác, thuật giả là người nghệ sĩ sử dụng cái thuật của mình và dồn hết tinh hồn, tâm lực vào đấy.
Trong động tác buông tên bắn vào đích, kẻ bắn cung phải nâng cao, phát huy cả tinh thần lẫn nhục thể của mình đến mức vô hạn. Để đạt được cái cực ý trong bắn cung thì không thể không tận tâm cầu đạo, theo đuổi mục đích đến tận cùng. Điều này cũng có thể nói là tương đồng với chư nghệ chư năng, nhất thiết vạn pháp thảy đều như thế.
- Chính phụ thân là người đã khai thị cho ta đến với cung đạo.
Sau này nhiều lần Gempachi đều nói như vậy. Quả nhiên là sự chỉ đạo của Yanagi Saemon quá xuất sắc nhưng cũng không thể phủ nhận thiên tính của Gempachi.
Cung thuật của Yanagi Saemon thuộc hàng bạt quần và tiếng tăm vang dội khắp thành Matsue xứ Izumo.
- Nhưng thế cuộc sắp bước vào thời kỳ chẳng còn cần đến võ nghệ nữa rồi...
Vào cuối năm, phụ thân Yanagi Saemon gượng cười mà tiết lộ cho Gempachi hay. Quả nhiên là vậy. Cái thời chiến loạn đã kết thúc được bảy năm, giờ đây dưới sự thống trị của Mạc phủ Tokugawa thì toàn Nhật Bản đã bước vào thời kỳ hòa bình và bắt đầu phát huy sức mạnh kinh tế với thương phẩm được sản xuất liên tục.
Đó là vào niên hiệu Genroku[1], thời đại của sức mạnh kinh tế chứ không còn là võ lực nữa. Thời đại văn được chuộng hơn võ. Và bọn võ sĩ cũng thay đổi, dần dần trở nên quan liêu hóa và ưa thích những cái phức tạp hơn những sự đơn giản thuần nhất như trước kia.
Vào mùa hạ năm Genroku thứ hai, Yanagi Saemon mất vì bệnh, con cả là Juemon lên nối dõi nắm nghiệp nhà.
Trước lúc tắt thở, phụ thân có gọi Gempachi đến dặn dò.
- Này Gem, người đàn ông có thể giương cung sống suốt đời mà không biết chán.
Gempachi là con thứ, chừng nào còn chưa được họ nhà khác nhận làm dưỡng tử gả con gái cho thì suốt đời phải sống dựa vào huynh trưởng Juemon. Komatsu Juemon giờ đây trở thành chủ một họ, lương bổng hơn trăm hộc, nhưng không hề quan tâm đến cung thuật, kiếm đạo võ nghệ mà chỉ chuyên tâm vào đường học vấn. Juemon cũng được lòng cấp trên nên con đường hoạn lộ khá suông sẻ.
- Này Gem, đệ hãy thong thả mà sống trọn đời với cánh cung mình yêu thích. Ta không chịu được khi phải chia ly với đệ.
Juemon đối xử với tiểu đệ Gempachi rất mực chu đáo. Có lẽ cũng là do song thân mất sớm. Tình huynh đệ quá thân mật của họ đôi khi trở thành đề tài đàm tiếu cho bọn người hầu trong nhà.
Nhưng....
Vào đầu mùa hạ năm Gempachi được mười tám tuổi thì xảy ra một biến cố lớn. Chẳng là Juemon dính líu đến vụ án lạm quyền lạm chức trong phiên Matsue nên bị đày vào ngục. Từ thời Chiến Quốc, Nhật Bản bị chia cắt thành hàng trăm vùng nhỏ do chư hầu cát cứ ở các địa phương gọi là phiên. Những kẻ cầm đầu một phiên, ngoài mặt mang tiếng là chư hầu thần phục Thiên Hoàng, nhưng sau lưng lúc nào cũng chiêu binh mãi mã chờ cơ hội thôn tính lẫn nhau. Sau khi Tokugawa Ieyasu thống nhất thiên hạ ở trận Sekigahara, chấm dứt thời đại Chiến Quốc hơn trăm năm thì thể chế phiên vẫn còn được duy trì, mãi đến sau thời Minh Trị Duy Tân mới bị bãi bỏ.
Vì vậy mà nhà Komatsu bị tịch thu quan tước, Gempachi bị đuổi khỏi phiên Matsue. Sự kiện này liên quan đến việc Tổng quản phiên Matsue là Tanahashi Chikamasa và phe phái bị thanh trừ vì việc lạm quyền làm xằng.
Khai tổ của phiên Matsue là Matsudaira Naomasa, một người cháu của Tướng quân Tokugawa Ieyasu, người dì của ông ta được gả cho phụ thân của Chikamasa là Tanahashi Katsusuke. Điều này nói lên rằng Tanahashi Katsusuke không phải là một nhân vật tầm thường. Thế là họ Tanahashi trở thành thân tộc của phiên chủ Matsudaira rồi leo lên đến địa vị bốn trăm hộc, đến thời Chikamasa thì lương bổng lên đến hơn hai ngàn hộc và giữ chức Tổng quản coi sóc bọn võ sĩ trong phiên.
Quyền lực và vinh hoa nằm trong tay Tanahashi Chikamatsu nên hắn ngày càng chuyên quyền lộng hành, dần sinh ra lắm điều xấu xa tồi tệ. Vậy nên bọn trọng thần mấy đời trong phiên kết tập thành một “phe chính nghĩa” quyết tâm loại bỏ Tanahashi.
Komatsu Juemon khéo lấy lòng tổng quản Chikamasa nên được nhiều ưu đãi, thân phận lên đến hơn ba trăm hộc.
- Tội của ta là không thể trốn được.
Juemon nói với Gempachi khi bị đầy vào lao, rồi hai năm sau phát bệnh mà chết.
Thê tử của Juemon là Nae trở về nhà cha mẹ ở làng Imamura. Giữa hai người không có đứa con nào. Vì vậy số phận Gempachi trở nên thế nào thì ai cũng rõ.
- Này, hãy để phần Gempachi cho ta lo liệu.
Một người trong hàng Tổng quản là Midani Handayu đứng ra bảo trợ, đưa Gempachi đến một căn chòi nhỏ của bọn tiều phu ở làng Đại Đông cách thành Matsue năm dặm.
- Ngươi hãy ở đây.
Tổng quản Midan căn dặn và cũng bí mật mang cơm nước đến cho hắn. Có sự biệt đãi này âu cũng là vì ngày trước Midani Handayu là môn nhân học cung nghệ của nhà Komatsu.
Từ khi đến làng Đại Đông, Komatsu Gempachi luôn bị dằn vặt bởi tội lỗi của huynh trưởng Juemon và nó không lúc nào thôi hành hạ hắn. Chẳng mấy chốc mà cái thể xác cao sáu thước vạm vỡ trước kia đã trở nên tiều tụy, khuôn mặt hốc hác.
- Tóc tai ngày càng thưa dần, gương mặt cứ như ông cụ ấy.
Người trong làng bắt đầu đàm tiếu và không một ai nghĩ rằng Gempachi đang ở cái tuổi mười tám trai trẻ.

[1] Genroku: niên hiệu kéo dài từ năm 1688-1704