Tiến vừa xuống tới nhà giữ xe thì nghe Xuân Đào gọi. Anh đứng lại nhìn cô, chờ đợi. Xuân Đào rụt rè trông rất tội: - Em định nhờ anh một tí, nhưng lại sợ phiền. Nhìn đồng hồ một cái, Tiến nhỏ nhẹ: - Đào cứ nói, xem tôi có giúp được không? Vuốt tóc, Xuân Đào ngập ngừng: - Em mới được lãnh lương. Tiến tủm tỉm: - Tôi cũng vậy. - Em muốn dùng đồng lương đầu tiên trong đời mình để mua cho chú Danh, thím Thu, anh Văn, Cơ và cả anh món quà nhỏ. Đó là ao ước của em khi bắt đầu đi làm. - Ủa! Sao có phần tôi nữa? Xuân Đào chớp mắt: - Vì anh cũng là một trong những người thân thương nhất của em ở thành phố này. Tiến mỉm cười: - Đào giàu tình cảm quá. Tôi phải làm gì đây? Xuân Đào nôn nóng: - Em không biết chỗ mua quà. Anh chở em đi được không? Tiến ngần ngừ: - Ngay bây giờ à? - Vâng. Vì để tới mai, đâu còn ý nghĩa gì nữa. Nếu anh bận, em sẽ tự xoay sở vậy. - Đào tự xoay sở bằng cách nào? Hơi cúi đầu, Đào nói nhỏ: - Em nhờ người khác cũng được. Có điều đi với họ, em không an tâm, không vui thích như khi được đi với anh. Tránh đôi mắt trông chờ, đôi má ửng hồng vì xúc động của Đào, Tiến bảo: - Tiếc rằng tôi có hẹn với Cơ, nên không giúp Đào được. Nếu để ngày mai, tôi rất sẵn sàng. Môi hơi bĩu ra hờn tủi, Xuân Đào nói: - Ngày mai, chắc em hết hứng rồi. Lẽ ra em không nên đòi hỏi nhiều như thế. Em phải biết phận mình, cũng như phải nhớ rằng từ bé tới giờ, em chưa bao giờ ước điều gì mà điều ấy thành hiện thực. Dứt lời, Xuân Đào lầm lũi bước đi. Nhìn theo dáng nhỏ nhắn của cô nghiêng nghiêng trong nắng chiều, Tiến bỗng chạnh lòng. Chẳng phải Cơ từng xót xa ra bảo rằng: "So với anh em cô, Xuân Đào phải chịu quá nhiều thua thiệt đó sao?" Nếu Tiến bỏ cuộc hẹn chiều nay để đưa Xuân Đào đi sắm sửa, chắc Việt Cơ không giận đâu. Yên tâm với suy nghĩ có phần chủ quan của mình. Tiến chạy xe ra đuổi theo Xuân Đào. Qua khỏi cổng một chút, anh thấy cô đang trò chuyện với Thu, tay phụ trách khâu tiếp thị nổi tiếng dẻo mồm tán khéo của công ty. Tự dưng Tiến thấy khó chịu. Thắng xe lại trước mặt hai người, anh gằn giọng: - Lên... anh chở về. Mắt Xuân Đào thoáng một chút ngỡ ngàng. Cô vội vã gật đầu chào Thu rồi lên ngồi sau lưng Tiến. Giọng anh cộc lốc: - Người khác em định nhờ là hắn à? Xuân Đào thật ngây thơ: - Dạ. Bộ có gì sai hả anh? Tiến hầm hầm: - Không phải là sai. Nhưng ở công ty, có hơn phân nửa nữ công nhân đã ngồi lên xe của hắn. Hôm nay hắm dám tán cả người nhà của giám đốc thì đúng là... là lớn gan, to mật. Đào sửng sốt: - Trời ơi! Em đâu có biết. Đã vậy, em còn tưởng anh ta là người tốt nữa chứ. Chuyện này mà tới tai chú Danh, chắc em bị mắng tơi bời. - Dĩ nhiên tôi sẽ không để bác Danh biết, vì bác ấy phân công tôi chăm sóc em mà. - Em cảm ơn anh. Bây giờ cho em xuống đây được rồi. Không thôi anh trễ hẹn với Việt Cơ đó. Tiến hơi nghiêng đầu ra phía sau: - Trễ lần này, còn nhiều lần khác. Tôi muốn điều ước của Đào thành hiện thực trong chiều này. Xuân Đào nhảy cỡn lên làm chiếc xe chao đi. Hoảng hồn, cô ôm chặt lấy Tiến. Hành động bất ngờ của cô làm anh giật mình, lạc tay lái. Chiếc xe lủi vào lề trong tiếng la thất thanh của Đào. Cô tựa hẳn vào lưng Tiến, ngước nhìn ra. Anh chống hai chân xuống đất, quay ra sau tay giữ lấy Đào: - Em có sao không? Mặc kệ ánh mắt tò mò của những người khách đi đường. Đào gục mặt vào ngực Tiến sụt sùi: - Anh làm em sợ muốn chết. Anh vỗ nhẹ vào lưng cô: - Nếu vừa rồi Đào ngồi yên thì đâu có chuyện. - Mừng quá, làm sao em ngồi yên được? - Chuyện nhỏ xíu thế mà cũng đủ làm em xúc động à? Giọng Đào yếu ớt: - Vâng. Em rất xúc động. Như vậy tệ phải không? Tiến chưa biết sẽ nói gì, Đào đã bước xuống khỏi xe. Ngoắc chiếc xích lô vừa trờ tới, cô vội vão leo lên trước ánh mắt ngỡ ngàng của anh. Không đuổi theo Đào, Tiến phóng xe đến trường đại học, nơi Việt Cơ đang học. Giờ này chắc cô vẫn còn chờ anh. Lòng Tiến bỗng ray rứt lạ thường khi nghĩ tới Xuân Đào. Thái độ vừa rồi của cô là thế nào nhỉ? Trong cuộc sống, Tiến đâu phải... gã tồ để không nhận ra ẩn tình của Đào. Có lẽ, cô đã ngộ nhận vì sự chăm sóc của anh suốt thời gian vừa qua. Bất giác, Tiến thở dài. Không hiểu mối quan hệ trong công việc giữa anh và Đào sẽ tới đâu đây, khi cô đã để lộ cảm xúc của mình quá rõ? Cố dẹp bỏ những suy nghĩ lộn xộn qua một bên, Tiến tăng ga cho xe chạy thật nhanh. Tới cổng trường đại học, anh thấy có mỗi mình Việt Cơ đứng cô đơn dưới gốc me già. Tiến vội vàng hỏi: - Chờ anh lâu không? Việt Cơ xụ mặt: - Đứng tê cả hai chân chớ đâu có lâu. Anh chép miệng, giọng hết sức chân tình: - Tại... xe xì bánh, chờ vá cả nửa tiếng đồng hồ. Ngồi ở chỗ sửa xe, anh sốt ruột muốn chết. Ôm ngang eo Tiến, Việt Cơ nói: - Mai mốt, em chờ đúng 10 phút, nếu anh chưa tới là người khác chở em về đó. Tiến giả bộ ngạc nhiên: - Chà! Người nào mà sẵn dữ vậy? Việt Cơ cao giọng: - Xe ôm. Giờ này lúc nào chả sẵn và ở hang cùng ngõ hẹp nào cũng có hết. Ngồi trên xe của họ chạy vừa êm vừa an toàn, lạng lách lại rất tài. Tiến cười cười: - Coi bộ em rành ngồi xe ôm ghê. Việt Cơ thản nhiên: - Em không rành, nhưng nếu có dịp cũng nên thử cho biết. Nhăn mặt, Tiến hỏi: - Ai gieo vào đầu em tư tưởng "thử cho biết" vậy Cơ? Cười khúc khích thật vô tư, Cơ bảo: - Em nói theo cách bạn bè hay nói, chớ đâu có ai gieo vào đầu em. - Con gái không nên nói thế, khó nghe lắm. Việt Cơ kêu lên: - Anh thành ông cụ từ lúc nào vậy? Tiến bảo: - Từ trước đến giờ, anh vẫn thế. Anh thích con gái ăn nói dịu dàng, ngọt ngào và biết phục tùng. - Vậy anh đã lầm đối tượng khi nói yêu em. - Anh không hề lầm, mà anh tin em sẽ thay đổi để phù hợp với anh. - Tại sao là em mà không phải là anh thay đổi? Tiến bình thản đáp: - Vì anh đâu có sai, đâu có mắc khuyết điểm như em. Việt Cơ gằn giọng: - Em không sai, cũng không mắc khuyết điểm nào hết. Ăn nói bốp chát là bản tính của em. Tiến khoát tay: - Không tranh luận về chuyện này nữa. Mình vào quán nào đó nha? Việt Cơ trả lời nhát gừng: - Tùy anh. Nếu anh cảm thấy thích. Tiến thở dài: - Em với anh có khắc khẩu không, mà cứ gây nhau hoài vậy Cơ? Cơ mai mỉa: - Không phải chúng ta khắc khẩu, chỉ tại mình em ác khẩu thôi. Tiến tìm tay cô: - Anh xin lỗi. - Anh có lỗi đâu mà xin. - Thôi mà Cơ. Mình đã hứa không giận nữa rồi em quên à? Việt Cơ nói: - Em nhớ chớ. Càng nhớ càng giận bản thân đã không kiềm chế được. Chuyện nhỏ nhặt vớ vẩn đâu đâu cũng xé ra to. Tiến ân hận: - Cũng tại anh, lớn mà không biết nhường nhịn người yêu bé bỏng. Việt Cơ chớp mắt: - Chà! Dịu dàng quá, ngọt ngào quá. Em phải học cách ăn nói của anh mới được. Tiến tươi ngay nét mặt: - Đâu cần phải thế. Em chỉ cần bớt cái nết bướng là đủ rồi. Tựa vào lưng Tiến, cô không nói lời nào. Yêu là phải hy sinh. Chắc Cơ nên nhường Tiến dầu sao anh cũng là đàn ông. Làm vợ cần phải dịu dàng, ngọt ngào lẫn biết phục tùng chút chút. Nghĩ cho cùng cũng đâu thiệt thòi gì, nếu đổi những thứ ấy lấy hạnh phúc, cái mà người ta chưa chắc mua được bằng tiền. Hai người vào một quán cà phê có máy lạnh. Việt Cơ thả người xuống chiếc ghế mây êm ái và chờ Tiến gọi nước. Lim dim tận hưởng sự sảng khoái của không khí mát lạnh, Cơ hơi ngạc nhiên khi không nghe Tiến nói năng gì. Hé mắt nhìn sang, cô thấy anh đang chống tay dưới cằm, trán nhíu lại như đang suy nghĩ. Cơ buột miệng: - Anh sao vậy? Tiến như sực tỉnh: - À! Không. Cô bắt bẻ: - Không mà trán nhíu lại, mắt căng thẳng như đang làm bài thi. Tiến vỗ vỗ vào đầu, giọng uể oải: - Công việc hành anh muốn phát sốt. Anh đã ra khỏi chỗ làm, đi chơi với em, nhưng vẫn bị... nó ám ảnh, khổ thật! - Anh Văn và Xuân Đào không... chia sớt công việc với anh à? Tiến ngập ngừng: - Có những công việc mình phải chịu trách nhiệm, mà trách nhiệm thì đâu ai dám gánh giùm. - Nhưng cụ thể là việc gì? Trách nhiệm nặng cỡ nào? Tiến lắc đầu: - Thôi, cho anh thư giãn một chút. Đừng nhắc tới nó nữa, anh mệt lắm. Việt Cơ phụng phịu: - Em quan tâm tới anh không được sao? Mắt Cơ bỗng tròn xoe. Hơi chồm về phía Tiến, cô đưa tay kéo một sợi tóc dài vướng vào khuy áo trước ngực anh. - Của ai vậy nè? Tiến bối rối hỏi vuốt theo: - Lạ nhỉ! Ở đâu lại vướng vào áo để gây họa cho anh vậy kìa? Cơ bĩu môi: - Điều này anh phải rõ hơn em chứ! Tiến đặt sợi tóc xuống bàn: - Thật sự, anh không biết. Việt Cơ tủm tỉm: - Biết thì đã sao. Em không thèm ghen đâu. Tiến véo mũi cô: - Anh chết bất đắc kỳ tử vì cái... không thèm ghen của em đấy. Cơ khúc khích cười. Đúng lúc ấy, cánh cửa quán xịch mở, cô sững người hết mấy giây khi thấy Ngầu Chẩy... À không, gã chạy xe ôm đêm nào đang khệnh khạng bước vào. Gã cũng nhận ra cô và gật đầu chào, rồi ngồi xuống bàn kế bên. Tự nhiên Việt Cơ thấy lúng túng khi gặp ánh mắt sáng và rất quỷ quyệt của gã. Nếu ngay bây giờ gã bước đến trò chuyện với cô bằng giọng điệu của dân xe ôm thì sao nhỉ? Liếc nhìn Tiến, cô lại gặp vẻ chìm đắm vào cõi riêng của anh. Cơ chợt an tâm hơn là khó chịu khi thấy Tiến chẳng thèm quan tâm tới mình. Hai người lặng lẽ bên nhau. Phải nói ba người mới đúng. Việt Cơ có cảm giảc ánh mắt của Ngầu Chẩy luôn hướng về mình, rất gần mình. Trước đây, có đôi ba lần Cơ mong được gặp lại gã. Bữa nay lại gặp, cô mới thấy mơ ước của mình là điên khùng. Cô đang vái gã đi đâu thì đi cho rồi. Tiến bỗng nói: - Chịu khó ngồi một mình năm phút nha Cơ. Anh ra ngay. Tiến vừa khuất vào trong, gã chạy xe ôm đã tấn công bằng giọng thật dễ ghét: - Chàng của cô đấy à? Trông bảnh lắm. Nhưng hai người sao... lặng lẽ nơi này quá vậy? Cơ khó chịu: - Mắc mớ gì đến chú? Xoa cằm, gã nói: - Tôi không mong cô lại buồn để kiếm được năm chục ngàn như tối hôm đó. Nhưng tôi nói thật đấy, vào quán với người yêu mà ủ ê thế kia, bảo đảm chàng có vấn đề rồi. Việt Cơ làm thinh. Một lát, cô mới hỏi lãng đi bằng giọng xách mé: - Chú vào đây đón khách à? - Cứ cho là như vậy, nếu cô nghĩ dân chạy xe ôm không có vé để vào quán cà phê máy lạnh. Cơ tiếp tục chanh chua: - Tôi tưởng chú mê những quán vỉa hè trong chợ lớn của chú hơn. Mắt gã ném vào Cơ những tia sỗ sàng: - Dầu mê cỡ nào, lâu lâu cũng phải đổi món để khỏi nhàm chán chớ. Cô nghĩ tôi nói đúng không, A Muối? Việt Cơ đỏ mặt vì giận: - Tôi không biết. Đề nghị chú đừng gọi tôi bằng cái tên đó. Khó nghe lắm. Gã lơ lững: - Vậy phải gọi cô bằng tên nào cho đúng? Thú thật, tôi ghét phải gọi người khác "Ê! Ê!", giống như gọi xe ôm lắm. Khổ nỗi, tôi có tật gặp người quen là phải gọi, phải chào. Việt Cơ gay gắt: - Tôi không phải người quen, chú đừng nhận vơ vào như vậy. Ngầu Chẩy lắc đầu, cười. Vừa lúc ấy, có một người bước tới ngồi xuống đối diện với gã. Người này tuôn một tràng tiếng Hoa, và gã cũng xí xô đáp lại. Mặc cho Việt Cơ trố mắt nhìn, hai gã vẫn thản nhiên nói chuyện với nhau. Ngầu Chẩy say sưa nói chuyện đến mức không hề nhớ cách đây vài phút, hắn vừa gây hấn với cô. Tiến trở lại bàn. Anh liếc về phía Ngầu Chẩy rồi đứng dậy, bắt tay người cùng bàn với hắn, giọng ngọt ngào y như một nhà ngoại giao: - Bất ngờ quá. Dạo này anh khỏe không, Vĩnh Phát? Vĩnh Phát vồn vã: - Vẫn khỏe. Còn anh thế nào? Coi bộ nhàn rổi quá nhỉ? Tiến nói: - Xong một ngày căng thẳng, cũng phải thư giãn một chút thôi. À! Để tôi giới thiệu. Việt Cơ, con gái út của giám đốc Danh. Việt Cơ gượng gạo gật đầu chào, trước cái cười nửa miệng khó ưa của Ngầu Chẩy. Giọng Tiến vẫn đều đều: - Anh Vĩnh Phát, thuộc công ty Vĩnh Hưng. Vĩnh Phát trầm trồ: - Không ngờ ông Danh có cô con gái đẹp như vầy. Tiến lịch sự: - Không dám làm phiền anh nữa. Hôm nào gặp lại sẽ nói chuyện nhiều hơn. Quay sang Việt Cơ, anh bảo: - Chúng ta về thôi Cơ. Cơ hơi bất ngờ: - Sớm vậy sao? Tiến nhỏ nhẹ: - Không sớm đâu. Anh sợ bác gái đang chờ em ở nhà đấy. Việt Cơ miễn cưỡng đứng dậy. Cô không muốn đi, mà muốn tìm hiểu thêm về gã chạy xe ôm chết bầm kia mới kỳ. Ngồi sau lưng Tiến, cô bắt đầu điều tra: - Gã Vĩnh Phát ấy là ai vậy? Tiến trả lời: - Hắn là trưởng phòng tiếp thị của công ty Vĩnh Hưng, đối thủ đáng gờm của công ty chúng ta. Việt Cơ liếm môi: - Còn gã kia? - Anh không biết. Nghe họ nói tiếng Hoa, chắc là bà con, bạn bè gì đó với nhau. - Anh bảo công ty Vĩnh Hưng là đối thủ đáng gờm của mình nghĩa là sao? Tiến nói: - Công ty đó cũng sản xuất các linh kiện điện tử như chúng ta, nhưng thị trường tiêu thụ của họ rất rộng. Ngoài các nước Asian, họ còn có thị trường ở Hồng Kông, Đài Loan. Việt Cơ gật gù: - Điều đó cũng dễ hiểu, vì gốc gác của họ là ở chợ lớn mà. Tiến kể tiếp: - Độ nửa năm nay, công ty Vĩnh Hưng hơi chựng lại vì giám đốc của họ bị tai nạn mạch máu não đến bán thân bất toại. Ông ta điều hành công việc trên giường bệnh. Việt Cơ ngạc nhiên: - Họ không thay giám đốc khác được sao? - Em phải biết rằng, đa số các công ty của người Việt gốc Hoa được duy trì và điều hành thao kiểu gia đình trị. Đâu phải nói thay giám đốc là thay. - Chẳng lẽ ngoài ông giám đốc... ngọa triều ấy ra, trong gia đình họ không ai có khả năng thay thế? Nhún vai, Tiến bảo: - Đó là bí mật của họ, làm sao mình biết được. Ngay cả chuyện giám đốc Vĩnh Hưng bị bán thân bất toại là do anh nghe đồn, chứ thật giả ra sao, họ giữ kín như bưng. Việt Cơ kêu lên: - Vô lý! Làm sao có thể giấu kín được chuyện giám đốc phải nằm một chỗ? Nếu anh muốn, em sẽ tìm hiểu hộ anh. Tiến nheo mắt thách thức: - Bằng cách nào đây? Rồi không đợi Cơ có phản ứng, anh phóng thẳng xe đi. Cơ chán nản đi vào nhà và nhớ lại. Hình như lần nào đi chơi với nhau, cô và Tiến cũng bất đồng, không nhỏ thì lớn. Tại sao thế nhỉ? Cô không thể nhịn anh một chút nữa à? Việt Cơ uể oải xuống bếp. Mọi người cũng vừa vào bàn. Thấy cô, Xuân Đào vồn vã: - Rửa mặt, rửa tay đi rồi ăn cơm. Để Đào lấy chén cho. Văn hấp háy mắt: - Đi chơi về mà sao mặt mày bí xị vậy? Nhưng có chuyện gì cũng dẹp qua một bên và lo nhận quà. Việt Cơ lấy làm lạ: - Quà gì? Văn cười cười: - Quà của người vừa được lãnh lương đầu tiên mua tặng. Việt Cơ sáng mắt lên: - Chà! Đã quá ta. Của Cơ đâu? Xuân Đào liền trả lời: - Gói to nhất, dành cho người bé nhất. Mân mê gói vuông vức được bọc bằng giấy bạc có những đóa hoa hồng trắng thật nhã nhặn sang trọng. Việt Cơ nói: - Cảm ơn Xuân Đào. Anh Tiến khen Đào là người chu đáo, quả không sai. Đào tỏ vẻ ngạc nhiên: - Ảnh khen Đào như vậy à? Ngồi vào bàn, Cơ liến thoắng: - Có chớ. Bộ Đào không thích được khen hả? Xuân Đào không trả lời. Cô bới cơm ra chén và đưa tận tay bà Thu: - Cháu mời thím, mời chú. Việt Cơ thấy mẹ hơi nhếch môi, còn ba thì hớn hở ra mặt. Ông bảo: - Chú thấy Tiến đối xử khá tốt với cháu. Trong công tác, nó là cấp trên của cháu. Trong quan hệ, nó rất thân với Việt Cơ. Cháu nên có quà cho Tiến. Xuân Đào gật đầu: - Dạ. Nếu chú không dạy, cháu cũng chưa nghĩ tới chuyện này. Nhưng cháu không biết phải mua gì cho ảnh nữa. Văn nói: - Ráng động não chút xíu sẽ nghĩ ra thôi. Em vốn thông minh, tinh tế lắm kia mà. Xuân Đào buồn buồn: - Thông minh mà ít học cũng bằng không. Cháu định đi học thêm buổi tối đó chú. Ông Danh ngần ngừ: - Tùy ý cháu. Nhưng chú chỉ ngại cháu thiếu sức khỏe. - Cháu biết lo liệu cho mình mà. - Vậy thì tốt. Văn bỗng lên tiếng: - Con nghe đồn công ty Vĩnh Hưng sắp có thay đổi. Đang ăn, ông Danh ngừng nhai: - Về lãnh vực nào? - Nhân sự. Họ sắp có giám đốc mới rồi đó. Ông Danh tỏ vẻ quan tâm: - Tay ấy ở đâu ra vậy? Văn trả lời: - Hắn là cháu ruột của ông Vĩnh Hưng, còn trẻ, giỏi lắm bằng tuổi con là cùng. Ông Danh cười nhạt: - Trẻ người thì non dạ, không đáng lo. Văn lắc đầu: - Con không nghĩ thế. Ông Vĩnh Hưng là con cáo già trên thương trường, ông ta phải biết cách sử dụng người sao cho có lợi nhiều nhất chứ. Vả lại, tên giám đốc được dự kiến này khá lắm. Mặt ông Danh sa sầm xuống: - Hừm! Con muốn ám chỉ là ba sử dụng người dở hơn lão Vĩnh Hưng phải không? Văn hơi khựng lại: - Điều đó là ba tự suy ra thôi. Ông Danh dằn chén xuống bàn: - Mày lại ganh tỵ với thằng Tiến. Văn lớn tiếng: - Anh ta đâu có gì hay để con phải ganh. Ba không nên nói vậy trước mặt mọi người. - Tao nghĩ sao thì nói thế. - Nhưng lời nói ấy sỉ nhục con. - Mày coi mình cao quá. Khi phê phán cha mình, mày có nghĩ tới sĩ diện của người sinh ra mày không? Không đợi Văn trả lời, ông xô ghế đứng dậy, đi về phòng riêng. Bà Thu chép miệng: - Mẹ đã dặn bao nhiêu lần là không bàn tới công việc, tới công ty trong bữa ăn mà vẫn không nghe. Xuân Đào bứt rứt: - Cũng tại cháu khơi chuyện này ra trước. Để cháu vào xem chú ra sao. Văn tức tối: - Ba luôn xem trọng người ngoài hơn con ruột. Người ta nói: "Bụt nhà không thiêng" cũng đúng. Con góp ý bất cứ chuyện gì cho công ty, ba cũng gạt ngang. Trái lại, đụng một chút là ba lắng nghe ý kiến thằng Tiến. Dầu sao, nó cũng chưa chính thức làm rể nhà này mà. Mặt đỏ lên, Việt Cơ phản ứng: - Anh đừng lôi cả em vào chớ? Văn vung tay: - Anh không lôi ai hết, nhưng sự thật là như vậy. Tiến muốn gây ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Nó nhất định xin Xuân Đào về làm cho mình, trong khi ba đã phân Đào phụ anh. Việt Cơ bất ngờ trước lời Văn nói. Những lời ấy làm tình cảm anh em cô rạn nứt và tình yêu cô dành cho Tiến cũng có những vết trầy xướt buốt rát. Cơ liếm môi: - Em nghĩ anh và Tiến có sự hiểu lầm nên không thông cảm với nhau. Văn cười nhạt: - Nó đã than phiền gì về anh mà em lại nói thế? - Ảnh chả nói gì cả, nhưng em vẫn cảm nhận được từ lâu là hai người luôn đối chọi nhau. Bà Thu chợt chen vào: - Mẹ đề nghị chuyện này chấm dứt ở đây. Nhất là Văn. Con là anh hai, con có nghĩ tới em mình không? Giọng Văn nhỏ, nhưng sắc lạnh: - Con nghĩ tới tất cả mọi người trong gia đình này. Dứt lời, anh đẩy ghế, bỏ đi ra ngoài sân. Việt Cơ chán nản nhìn mẹ và thấy no ngang, mặc dù cô mới ăn được nửa chén cơm. Giữa cô và Tiến thường xuyên lục đục. Bây giờ lại thêm mâu thuẫn giữa Tiến và Văn. Chẳng biết hai người có vượt qua bản thân và những trở ngại tác động bên ngoài để ngày càng gắn bó hơn không, hay vết rạn vỡ có từ lâu ấy ngày càng sâu rộng thêm? Việt Cơ trở về phòng, trong cõi riêng của mình, cô hy vọng sẽ tìm được sự bình yên cho tâm hồn. Xuân Đào xoay xoay cái ly trái cây trong tay đã lâu, nhưng chưa uống chút nào. Cuối cùng, cô để ly lại trên bàn và nói: - Em nghĩ mãi vẫn chưa ra tại sao anh lại đưa em tới đây, nơi được coi là đẹp nhất thành phố này, trong khi lẽ ra người đi với anh phải là Việt Cơ mới đúng? Tiến khoát tay: - Đúng sai là do suy nghĩ của từng người. Tôi không thấy có gì sai khi mời Đào đi uống cà phê. Đó là chuyện rất thường ở thành phố này. Xuân Đào lại xoay ly trái cây như một thói quen: - Nghĩa là Cơ với anh cũng từng lên đây để ngắm thành phố từ độ cao trăm hai mươi mét? Tiến lắc đầu: - Chưa. Tôi chưa hề đưa Cơ lên đây. - Tại sao vậy? - Tôi chỉ mới biết quán cà phê - Ba panorama - không lâu, tôi muốn giới thiệu vị trí cao nhất thành phố này với Đào và muốn được chia sẻ cảm giác lạ. Đào thấy thế nào? Không vội trả lời, Xuân Đào phóng tầm mắt ra thật xa, trong khi Tiến đều giọng như đang thuyết minh. Anh chỉ cho Đào đâu là tòa nhà Ủy ban nhân dân thành phố, Dinh thống nhất, đâu là Thảo cầm viên, Sông Thị Nghè, và xa tít ra biển Cần Thơ như một bóng mờ khi chiều xuống. Xuân Đào tròn xoe mắt: - Ở đây mà nhìn tới biển. Thật là khó tin. Tiến đỡ lời cô: - Nhưng lại có thật. Bởi vậy, Đào đừng bao giờ nghĩ rằng, những ao ước của mình không khi nào thành hiện thực nhé. Xuân Đào chúm chím cười. Cách cười hay điệu điệu rất con gái của cô khác hẳn tích cách ngang bướng đầy nam tính của Việt Cơ khiến Tiến thích thú. Anh nhận ra Đào là một cô gái dịu dàng, biết quan tâm tới người khác và rất hợp với anh. Ở bên Đào, Tiến thấy tâm trí thật thoải mái, chớ không như khi ở cạnh Việt Cơ. Tiến vội xua khỏi đầu ý tưởng so sánh vừa rồi bằng cách bưng tách cà phê lên uống một ngụm. - Đào vẫn chưa nói ra cảm nghĩ của mình đấy. Xuân Đào hơi màu mè: - Thật tuyệt. - Về mặt nào? - Về khung cảnh và đối tượng. Em không bao giờ nghĩ sẽ được hưởng những giây phút thần tiên thế này bên một người mình hoàn toàn tin tưởng. Tiến tủm tỉm cười vì cách nói của Đào. Cô phụng phịu: - Sao lại cười em? Tiến chớp mắt với cái liếc của Đào. Anh nói trớ đi: - À không! Tôi đang nghĩ tới công việc. - Việc gì? Em biết có được không? Tiến lỡ miệng đành nói đại: - Chuyện công ty Vĩnh Hưng ấy mà. Xuân Đào gật gù: - À! Công ty ấy sắp có giám đốc mới. Tiến sửng sốt: - Sao em biết? Đào chép miệng: - Biết. Đó cũng là nguyên nhân khiến chú Danh và anh Văn xích mích với nhau trong bữa ăn tối cách đây mấy hôm. Tiến băn khoăn: - Hai người đã nói gì? Đào nhún vai: - Nhiều thứ lắm. Nhưng chú ấy nổi giận khi anh Văn đề cập tới anh. Tiến kêu lên: - Sao có cả anh nữa? Đào ngập ngừng: - Em nghĩ tất cả cũng vì lòng đố kỵ mà ra. - Nhưng tôi đã làm gì để bị ganh ghét? - Người ta ngồi một chỗ cũng bị ghét như thường. Huống chi anh là người năng nổ, có tài. Anh Văn thật quá đáng khi cố chỉ trích anh trước mặt chú Danh và Việt Cơ. Im lặng một chút như để dò xét thái độ của Tiến, rồi Đào nói tiếp: - Rất may là chú Danh sáng suốt nên mới quát anh ấy, quát đến mức Việt Cơ và thím Thu phải đứng về phía ảnh để chống đối lại ý tưởng bênh vực của chú Danh. Mặt Tiến cau lại: - Cả Việt Cơ cũng chống đối anh à? Xuân Đào vội nói: - Không phải đâu. Tại tình thế lúc đó buộc Cơ phải nói vậy. Tiến cười gằn: - Tốt nhất là im lặng. Sao Cơ không chọn cách này? Đào trả lời yếu ớt: - Em không biết. Nhưng anh đừng giận Việt Cơ. Tiến nhếch môi: - Là đàn ông, tôi đâu nhỏ mọn đến thế. Nhưng những gì vừa được nghe làm tôi đau lòng. Xuân Đào ray rứt: - Cũng tại em nhiều chuyện. - Không liên quan tới em. Từ lâu, tôi vẫn biết Văn ác cảm với mình, bây giờ lại thêm bác Thu nữa. Điều đó cũng dễ hiểu, bác ấy dễ gì tha thứ cho người đã giấu giếm bác ấy. Giọng Xuân Đào như nghẹn lại: - Một lần nữa cũng là tại em. Em xin lỗi. Tiến chống tay dưới cằm: - Chuyện không muốn cũng đã xảy ra, Đào mang vào người làm chi cho khổ chứ. Thật ra, trong cuộc sống có nhiều việc Đào không hiểu đâu. Xuân Đào nhìn Tiến đăm đăm: - Vậy anh nói cho em hiểu đi. Tiến bật cười: - Tôi đâu thể kể hết chuyện đời cho Đào nghe được. Ta trở lại vấn đề của công ty Vĩnh Hưng đi. Văn có bật mí gì về tay giám đốc mới ấy không? - Ảnh nói, tay giám đốc mới ấy còn trẻ và là cháu ruột của ông Vĩnh Hưng. - Vĩnh Phát à? Chẳng lẽ là hắn? Không lý nào. Đào vuốt tóc: - Chú Danh nói rằng: Trẻ người non dạ không đáng quan tâm. Thế Vĩnh Phát có đáng gờm không? - Nếu là hắn thì chẳng có gì phải lo. - Còn nếu không phải hắn? Tiến trầm ngâm: - Là người Hoa, nhưng giòng họ Vĩnh Hưng có rất ít người. Ông ta chỉ có Vĩnh Phát là cháu bà con cũng xa, ngoài ra đâu còn ai nữa. Đào bỗng nói: - Anh Văn có biết tay Vĩnh Phát này không? - Tôi không rõ, nhưng chắc là biết. - Nếu anh Văn biết Vĩnh Phát, em bảo đảm giám đốc mới phải là người khác và người này có thể ảnh đã gặp nên mới đánh giá khá cao trước mặt chú Danh như thế. Tiến im lặng, nhưng sự bồn chồn lộ hẳn trên gương mặt đẹp trai của anh. Gương mặt căng thẳng ấy làm tim Xuân Đào thổn thức khi biết nó không thuộc về mình. Nếu để có được Tiến, cô sẵn lòng làm bất cứ điều gì. Giọng Tiến chợt vang lên: - Em có hiểu tại sao Văn lại nêu vấn đề này với bác Danh không? Đào lắc đầu: - Em không biết. Nhưng có thể đoán rằng, anh Văn muốn thay đổi để củng cố lại đội ngũ lãnh đạo của công ty Thanh Danh. Tiến nhếch mép: - Hừ! Hắn có quyền đó sao? Xuân Đào lơ lửng: - Vì không có quyền, nên ảnh mới bị chú Danh mắng. Nhưng nếu thím Thu ủng hộ, em nghĩ chuyện này có thể xảy ra lắm. Lúc đó, chức phó giám đốc kinh doanh của anh coi bộ không ổn rồi. Tiến xua tay: - Chuyện đó tôi không lo. - Thế anh lo chuyện gì? Tiến xoa cằm: - Em hỏi làm chi? Đào trầm giọng: - Em rất sẵn lòng vì anh. - Em nên nhớ Văn là người nhà của em đấy. - Nhưng nếu anh ấy sai, em sẽ xem thường ảnh. Ví dụ như việc ảnh chỉ trích anh. Giọng Tiến êm như ru: - Cảm ơn em đã bênh vực anh. Xuân Đào chớp mắt, nhìn thành phố lung linh từ trên cao. Với những người đàn ông háo thắng, gây chia rẽ họ thật dễ dàng. Khi về nhà gặp ông Danh, Văn và cả Việt Cơ, cô sẽ có cách nói sao cho ngôi nhà ấy không lúc nào được bình yên.