Chương 8

Bây giờ mà trả lời thì chẳng khác gì tự đóng đanh câu rút. Các từ ngữ sẽ xác nhận sự vắng mặt của hai đứa con trai là mãi mãi. Chính vì chúng mà nàng khó nhọc, đau khổ. Nàng muốn chúng thoát khỏi cảnh túng thiếu, chúng được phục quyền. Nàng vẫn mơ thấy chúng lớn lên, đẹp đẽ vững vàng, sắc sảo. Nhưng nàng sẽ không bao giờ thấy chúng lớn lên. Chúng đã bỏ nàng mà đi.
Nàng nói một cách khó khăn:
-Phlôrimông đã ra đi từ lâu…lúc bấy giờ nó lên mười ba tuổi. Tôi không hề biết nó ra sao. Còn Canto…đã chết, ở tuổi lên chín.
-Tôi vẫn chờ câu trả lời của bà. Tôi không nghi ngờ chuyện đó. Vì thế tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bà về sự thờ ơ của bà đối với các con tôi – Rescator nói, quai hàm nghiến chặt lại vì giận dữ - Chúng làm bà nhớ lại một thời mà bà chỉ muốn quên đi. Bà gạt chúng ra. Bà chạy theo những thú vui của bà. những mối tình của bà. Và bây giờ bà thú nhận không mảy may xúc động rằng có thể có khả năng chúng vẫn còn sống, nhưng bà không hề hay biết gì cả? Tôi sẽ có thể tha thứ cho bà nhiều cái, nhưng riêng cái đó thì không! Không bao giờ!
Đang như bị chết đứng, Angielic vọt đến trước mặt ông, ngẩng mặt lên, tái nhợt.
-Trong tất cả các điều ông buộc tội nàng, điều vừa nói là đi xa tới mức bỉ ổi nhất, bất công nhất. Ông trách cứ nàng dã quên ông, thế là sao, nói nàng phản bội ông thì than ôi, cũng có phần đúng. Còn nói rằng nàng chưa bao giờ yêu ông thì thật là quái dị.
Nhưng nàng sẽ không thể nào chịu đựng nổi việc mình bị coi là người mẹ tồi tệ trong khi đã có lúc nàng có cảm tưởng đang rút máu mình ra để nuôi con. Có thể nàng không phải là người mẹ biết trìu mến các con và thường hay đi vắng, nhưng Phlôrimông và Canto lúc nào cũng sống giữa trái tim nàng…Còn ông…Bây giờ ông dám tung ra những lời mắng chửi, trong khi hàng bao năm trời, ông nhởn nhơ trên biển, chẳng hề băn khoăn gì đến vợ, đến lũ con mà ông bỗng dưng quan tâm đến thế. Ai đã kéo những đứa trẻ vô tội ra khỏi cảnh khốn cùng mà sự suy sụp của ông đã đẩy chúng vào? Nàng sẽ hỏi ông vì ai mà thằng Phlôrimông đầy kiêu hãnh mãi mãi là một đứa trẻ không tên, không tước vị, bị giáng xuống còn thấp hơn cả đứa con hoang? Nàng sẽ nói với ông rằng Canto đã chết trong hoàn cảnh nào. Do lỗi lầm của ông? Đúng thế, do lỗi lầm của ông. Vì tàu cướp của ông đã đánh đắm chiếc tàu Galê của hải quân Pháp trên đó có chở theo người thị đồng của Công tước đờ Vivonne.
Nang nghẹt thở vì nổi giận và đau khổ. Đúng lúc nàng mở miệng để nói, một con sóng lớn dồi tàu lên làm nàng chệnh choạng. Nàng phải bíu lấy mép bàn, nàng không có đôi chân vững chãi như Rescator, ông ta dường như đã được bắt vít vào sàn tàu.
Khoảnh khắc tạm dừng ngắn ngủi ấy đã đủ để Angielic kìm giữ những ngôn từ không sao cứu vãn nổi sắp bật ra. Liệu nàng có nên tuyên bố rằng một ông bố phải chịu trách nhiệm về cái chết của con ông ta không?
Số phận đã chả săn đuổi Giophrây de Perắc mãi rồi sao? Người ta muốn giết chết ông, tước đọat hết tài sản của ông, đuổi ông đi biệt xứ, bắt ông phải làm một kẻ lang thang, không có một quyền nào khác ngoài thứ quyền mà ông có thể chinh phục được bằng lưỡi gươm.
Cuối cùng thì ông đã trở thành một con người khác được rèn đúc bở lề luật không tránh khỏi của những kẻ bắt buộc phải giết để không bị giết, thế thì sao giờ đây Angielic, con người ngây thơ đến độ khóc lóc vì cảm thấy có thể nghĩ khác về ông. Thực tế phũ phàng phải vâng phục những đòi hỏi khác. Liệu có ích gì nếu còn thêm vào thảm họa đó việc phát hiện cho ông thấy rằng chính ông đã giết con mình?
Không, nàng sẽ không nói với ông điều đó, không. Không bao giờ! Nhưng nàng sẽ phát hiện với ông những gì trong mớ hỗn độn mà ông hình như cố tình không biết. Những giọt nước mắt của nàng, nỗi hãi hùng của một người đàn bà còn quá trẻ, chưa từng trải, bị ném vào cơn gió dữ của khốn khó, bơ vơ. Nàng sẽ không nói với ông Canto đã chết như thế nào, mà nói rằng nó đã được sinh ra như thế nào: vào cái buổi tối ở lò thiêu tại quảng trường Grevơ nàng đã trở thành một kẻ bất hạnh ra làm sao, với chiếc xe hai bánh trên đường phố Pari tuyết phủ, trong xe hiện ra hai khuôn mặt nhỏ tròn trặn, tái xanh vì rét của hai đứa con trai.
Lúc bấy giờ có thể ông sẽ hiểu ra. Ông đã phán xét nàng là vì ông chẳng hiểu gì về cuộc đời của nàng cả.
Một khi đã hiểu liệu ông có thể trơ lì ra mãi được không? Các từ ngữ có thể làm bùng lên ngọn lửa đã bị vùi dập dưới lớp tro than của một trái tim tích tụ quá nhiều đổ vỡ. Một trái tim cũng đã bị chà đạp không khác gì trái tim nàng.
Nhưng về phía nàng, ít ra cũng còn phải có tình yêu. Lúc đó nàng sẽ quỳ gối dưới chân ông, nàng sẽ cầu xin ông. Nàng sẽ nói với ông tất cả những lời mà nàng đã ghìm lại sau làn môi. Rằng nàng mãi mãi yêu ông, rằng chưa gặp được ông nàng vẫn còn mong đợi, khắc khoải…Không, không phải không có phần nào điên rồ trong những cuộc tìm kiếm của nàng trái với ý muốn của Đức vua, kẻ đã kéo nàng vào những thảm họa không tên.
Đúng lúc ấy nàng thấy Rescator hướng sự chú ý sang phía khác. Với vẻ tò mò, ông nhìn cánh cửa phòng mở ra một cách nhẹ nhàng…Đó là điều khác thường. anh chàng người Mo canh gác cẩn thận. Ai có thể được phép vào phòng riêng của ông chủ lớn mà không báo trước? Hay là cửa bị đẩy ra vì gió hoặc sương mù?
Một làn gió lạnh buốt ùa vào đẩy theo một màn sương tơi tả khi tiếp xúc với hơi ấm trong phòng. Từ màn sương ấy một cô bé gái hiện ra với chiếc mũ trùm bằng vải sa tanh màu xanh nhạt, và mái tóc đỏ rực như lửa. Hai điểm màu lấp lánh nổi bật trên nền khoảng không bên ngoài xám xịt. Đứng sau đứa bé người lính gác chìa ra khuôn mặt vàng ệch vì giá lạnh quấn đầy khăn.
-Sao lại để nó vào hả? – Rescator hỏi bằng tiếng A rập.
-Con bé đi tìm mẹ nó ạ.
Ôrônin vội vàng đi về phía Angiêlic.
-Mẹ,. mẹ ở đâu đấy? Mẹ, đi về chứ!
Angiêlic thấy con bé xấu xí. Nàng nhìn vẻ ngây độn, khuôn mặt tròn trĩnh đang ngước về phía mình đôi mắt đen, xếch sáng quắc. Vẻ mặt xa lạ của đứa con gái trong một khoảnh khắc ngắn ngủi đập mạnh vào nàng, với những tình cảm mà nàng đã từng gặp ngày xưa: nỗi kinh hãi khi biết mình có mang trái với ý muốn, từ chối việc sinh đẻ, không chịu để dòng máu tinh sạch của mình hòa trộn với dòng máu nhơ nhớp trong đứa con gái ấy, phẫn nộ vì con bé sinh ra, ngượng đến chín cả người.
-Mẹ, mẹ đi cả đêm. Mẹ!
Con bé lặp đi lặp lại một cách dai dẳng cái tên mà nó ít khi dùng tới. Bản năng giành lại và bảo vệ khá là dữ tợn trong trái tim trẻ nhỏ khiến nó đọc lên cái tiếng khủng khiếp ấy, phương cách duy nhất để nó đưa mẹ trở về, kéo bà ra khỏi cái ông đen thui đã gọi bà đi và nhốt bà trong cái lâu đài đầy châu báu của ông ta.
-Mẹ, mẹ!
Ôrônin kia. Con bé là dấu hiệu của tất cả những gì không thể tha thứ được, là con dấu niêm phong dán lên cánh cửa đóng chặt của một thiên đường đã mất, giống như ngày xưa, dấu niêm phong của Đức vua trên cánh cửa của lâu đài Học vui, có nghĩa là mãi mãi chấm dứt một thế giới, một thời đại, một hạnh phúc.
Nhiều hình ảnh lẫn lộn trước mắt Angiêlic.
Nàng nắm lấy bàn tay Ônôrin.
Giôphrây đờ Perắc nhìn con bé. Ông đoán tuổi của nó: lên ba hay lên bốn?...Không phải con gái của Thống chế đuy Plexi. Vậy thì, con ai? Căn cứ vào nụ cười nửa miệng đầy vẻ châm chọc và khinh miệt của ông nàng thử đoán ý nghĩ của ông. Một người tình chốc lát “ một người tình tóc hung”. Thiên hạ hẳn đã nói với ông về người đẹp, nữ hầu tước đuy Plexi, người tình của Đức vua, vợ quá của bá tước đờ Perắc. Chỉ còn điều đó là nàng không bao giờ có thể nói thật với ông. Sự hổ thẹn đã không cho nàng nói. Thừa nhận một vết nhơ như vậy chẳng khác gì phơi bày ra với ông một vết thương ô nhục và đáng ghê tởm. Nàng chôn chặt trong lòng, mãi mãi giữ kín cùng với những vết thương không bao giờ lành của thân thể nàng và trái tim nàng cùng với vết sẹo bỏng trên chân nàng do sự săn sóc của Côlanh Paturen, cùng với cái chết của đứa con nhỏ Saclơ- Hăngri.
Ônôrin, đứa con gái sinh ra từ một cuộc hiếp dâm…
Philip, những chiếc hôn của Đức vua, sự say đắm vụng về đầy hứng khởi của người đàn ông khốn khổ xứ Noócmăng, ông Vua của đám nô lệ, những khoái lạc thô sơ vui nhộn với anh chàng sĩ quan cảnh sát Đêgrê, những cuộc ái ân tinh tế mà nàng từng nếm trải với Công tước Đờ Vinvon. Ôi! Nàng đã quên Racoxki!...và chắc chắn còn nhiều người khác nữa.
Ngần ấy tháng năm dài đằng đẵng trôi qua…nàng đã sống: cho chàng, cho nàng. Không ai có thể đòi hỏi nàng phải xóa đi.
Ông đưa tay sờ cằm với vẻ lơ đãng.
-Bà bạn thân mến ạ, bà phải thừa nhận là tình thế rắc rối đấy.
Lẽ nào ông vẫn cứ có thể tiếp tục mỉa mai trong khi nàng gần như không đứng vững nổi nưẵ vì trái tim đau nhói.
-Càng muốn làm sáng tỏ, tôi thấy rằng tình thế càng tối tăm hơn… Tất cả đều ngăn cách chúng ta.
-Đi, mẹ đi! Vậy thì đi đi mẹ- Ônôrin vừa nhắc lại vừa kéo váy mẹ.
-Chắc chắn bà không muốn kéo dài thêm nữa sự gần gũi, như bà đã thấy trong vài tiếng đồng hồ vừa qua, là rất xa lạ với ý tưởng của bà, một ý tưởng đã hoàn toàn thuộc về người khác…
-Đi, mẹ!
-Ôi, im đi! – Angiêlic nói, có cảm tưởng như đầu mình sắp vỡ ra.
-Về phần tôi…
Ông ném một cái nhìn hoài nghi ra xung quanh, quan sát kỹ căn phòng mà ông lấy làm thích thú vì đã tập hợp được những đồ đạc có giá trị, những dụng cụ chọn lọc, cách bài trí không đơn điệu, công phu nom rất kỳ thú, căn phòng không có chỗ cho Angiêlic.
-Tôi là con hải bằng già quen sống cô đơn. Trừ một vài năm của cuộc sống vợ chồng ngắn ngủi ngày xưa bên bà. Trong đời tôi, đàn bà bao giờ cũng chỉ đóng một vai phụ. Có thể bà sẽ lấy làm mừng khi biết điều đó. Nhưng quả thật điều đó tạo ra những kỳ thú mà tôi chẳng phải bắt mình đi tìm trong niềm vui xác thịt của một người chồng mẫu mực.
Con tàu này không lấy gì làm rộng rãi, các căn phòng của riêng tôi cũng có hạn…Tôi đề nghị với bà thế này: trong suốt thời gian của cuộc hành trình chúng ta hãy nhặt lấy những quân bài đã đánh xuống và coi như một ván hòa.
-Hòa?
-Hãy giữ nguyên vị trí tôn kính của chúng ta. Bà cứ là bà Angiêlic giữa đám bạn bè của bà…và tôi, tôi cứ ở …chỗ tôi.
Như thế tức là ông từ bỏ nàng, đẩy nàng đi.
-Và thêm nữa là ông sẽ không đòi hỏi tôi phải quên đi những gì ông vừa phát hiện với tôi chứ? – nàng nói với vẻ chua chát.
-Quên à? Không. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng chớ có tiết lộ.
-Đi mẹ - Ônôrin vừa nhắc vừa kéo nàng đi về phía cửa.
-Quả thật, càng ngẫm nghĩ tôi càng thấy chẳng có lợi gì nếu để các bạn bà biết rằng vào một thời gian xa xôi nào đó bà đã từng là vợ tôi. Họ sẽ nghĩ rằng bà là tòng phạm của tôi.
-Tòng phạm của ông? Về cái gì mới được chứ?
Ông không trả lời, vẻ mặt trầm ngâm, trên vầng trán gồ lên một vết hằn khắc nghiệt.
-Bà hãy quay về với mọi người- ông nói gọn lỏn, bằng cái giọng của kẻ chỉ huy – Đừng nói gì cả. Chỉ là vô ích. Vả lại mọi người sẽ nghĩ là bà điên mất. Câu chuyện về ông chồng biệt vô âm tín vừa tìm thấy, cái người đã đưa bà lên tàu mà chính bà cũng không nhận ra ngay lúc đó, phải nói rằng có vẻ đáng ngờ lắm.
Ông quay về phía bàn để lấy chiếc mặt nạ bằng da, cái vỏ bảo vệ cho bộ mặt bị thương tránh khỏi sự phá hoại của bụi nước mặn và cũng tránh khỏi sự dò xét của người đời.
-Đừng nói gì cả, đừng để lộ ra chút gì làm họ nghi ngờ. Vả lại tôi cảm thấy họ không phải là những người đáng tin cậy đâu.
Angiêlic lúc đó đã đến gần cửa.
-Ông nên nhớ rằng lòng tin phải có đi có lại – nàng nói như rít qua kẽ răng.
Đứng trong khung cửa, tay dắt con gái, nàng quay lại đôi mắt nhìn ông chằm chằm. Ông đã lại đeo mặt nạ vào. Chính cái mặt nạ ấy giúp nàng nhận ra điều ông muốn làm nàng hiểu.
Ông là chàng, cũng đồng thời là một người khác. Giôphrây đờ Perắc và Rescator. Một đại lãnh chúa bị đuổi đi biệt xứ và một tên cướp biển bắt buộc phải sống, đã đi tới kết cục là tự dứt bỏ mọi mối quan hệ vốn có, để trở thành con người chỉ còn biết có nghiệt ngã như hôm nay.
Thật kỳ cục, đối với nàng, con người ấy nay lại có vẻ gần gũi hơn trước. Nàng cảm thấy nhẹ nhõm vì mình không còn chỉ phải nói chuyện với Rescator.
-Thưa đức ông Rescator – nàng nói – Các bạn của tôi cảm thấy lo lắng, họ không biết ông sẽ đưa họ đến đâu. Ông thử nghĩ xem, gặp băng tuyết ở ngoài khơi châu Phi như chúng ta vừa thấy là chuyện lạ lùng đối với họ.
Ông đến gần một quả cầu bằng đá cẩm thạch màu đen, lấm chấm những dấu hiệu khó hiểu. Ông đặt lên đấy bàn tay vẫn có vẻ quý tộc nhưng rám nâu như bàn tay của một người Ả rập và đưa một ngón tay dò lần theo các đường vạch khảm vàng. Sau một lúc lần tìm, ông có vẻ như sực nhớ ra và trả lời lãnh đạm.
- Nói với họ rằng, con đường phía Bắc cũng dẫn tới vùng Đảo.