Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
Trần Phú Thuyết
Chương 4

Đầu tháng Sáu, trái với thời tiết thường lệ mùa hè, trời đổ mưa luôn, những trận mưa êm ả, hiền lành, không giông, không gió, kiểu mưa thu. Sáng sáng, từ đằng tây, một đám mây tro xám xịt lại từ sau gò đống xa xa trườn tới. Nó lớn lên, lan ra, chiếm nửa bầu trời, và những cánh đen của nó loé lên ở phía dưới một ánh trắng đầy đe doạ. Rồi nó sà xuống, thấp đến nỗi những cánh mây bên dưới trong suốt như thế vướng cả vào mái chiếc cối xay gió dựng trên mả gò ngoài thảo nguyên. Cao cao đâu đó sấm lên tiếng, một tiếng sấm hiền lành ở một cung độ trầm hầu như tai nghe không nhận thấy. Rồi đổ xuống trận mưa vàng mưa bạc.
Giọt mưa ấm, nom như những tia sữa tươi, rơi thẳng đứng xuống dải đất đang náu mình trong sương mù tịch mịch, nổi lên thành những bong bóng trắng trên những vũng nước bọt ngầu chưa kịp khô đi sau trận mưa trước. Và cái mưa hè thưa hạt ấy êm ả và hiền lành đến nỗi hoa cũng chẳng chịu nghiêng đài, và gà mái các nhà cũng chẳng buồn tìm chỗ ẩn. Chúng lăng xăng bận rộn bới quanh các nhà kho và các hàng rào ướt át mốc đen kiếm mồi, còn các chú gà sống giầm mưa có hơi bị mất đi cái dáng oai vệ vì coi khinh trời mưa, thay nhau gân cổ gáy, và tiếng gáy dõng dạc của chúng hoà lẫn vào tiếng ríu rít của bọn chim sẻ sà xuống các vũng nước tắm rửa chẳng chút sợ hãi, hoà lẫn vào tiếng kêu của lũ nhạn lao bổ từ trên cao xuống theo tiếng gọi của mặt đất dịu hiền thơm hương nước mưa và hương bụi.
Tiếng gà gáy ở Grêmiatsi Lốc rất phong phú về giọng, một sự phong phú hiếm thấy, có thể nói là kỳ lạ. Chú gà trống nhà Liubiskin dậy sớm nhất, nửa đêm đã mở đầu cuộc điểm danh. Chú hô giọng têno vui vẻ và sang sảng, hệt như một anh đại đội trưởng trẻ tuổi hăng hái với nhiệm vụ. Chú gà nhà Agaphôn Đúpxốp đáp lại bằng giọng baritông nghiêm trang của một vị đại tá. Rồi khoảng năm phút liền xóm làng nhộn lên tiếng gáy rộn rã, liên chi hồ điệp, và sau rốt, lão gà sống tía phốp pháp nhà Maiđanhikốp, lão gà già nhất làng, đứng trên sào vỗ cánh phành phạch cằn nhằn ngái ngủ, rồi quát lên đinh tai váng óc bằng cái giọng khàn khàn của một vị đại tướng, một giọng trầm gắt nghẹn trong họng và đã rè vì hô hét quá nhiều.
Trừ những đôi trai gái và những người ốm nặng – theo quan điểm của Nagunốp thì hai loại người này hầu như chỉ là một, - người thức khuya nhất làng là chính bản thân Maka Nagunốp. Anh tranh thủ đêm hôm rỗi rãi, tiếp tục cặm cụi cày tiếng Anh. Lưng ghế anh ngồi vắt một chiếc khăn mặt vải bố, và một bình nước giếng lạnh buốt đặt ở góc phòng. Khoa học quả thật là khó nhằn! Cổ áo sơmi phanh ra, đầu bù tóc rối và mồ hôi nhễ nhại, anh ngồi bên bàn trước cửa sổ mở toang, cầm khăn lau mồ hôi trán, lau nách, lau ngực, lau lưng, và chốc chốc lại cúi rạp qua bệ cửa sổ, cầm bình nước đổ lên đầu, miệng hầm hè khoan khoái.
Ngọn đèn năm dây toả sáng mờ mờ, những con thiêu thân đâm sầm vào chiếc chao đèn bằng giấy báo, bên kia bức vách bà lão chủ nhà ngáy đều đều, còn Maka cứ từng chữ, từng chữ một tấn công làm chủ cái thứ tiếng khó kinh người và đối với anh là tối cần thiết ấy… Một hôm, vào lúc gần nửa đêm, ngồi nghỉ giải lao trên bệ cửa sổ làm một điếu thuốc, lần đầu tiên, anh đã thực sự được nghe cuộc hoà giọng của bầy gà trống. Anh chăm chú lắng nghe rồi kinh ngạc thốt lên, giọng trầm trồ; “Chà! Hệt như duyệt binh sư đoàn! Khiếp thật!...”.
Từ đó, đêm nào anh cũng ngóng đợi tiếng kêu báo thức của bầy gà trống và thú vị lắng nghe những giọng hô hiệu lệnh của các chàng ca sĩ đêm khuya ấy, trong bụng coi khinh những tiếng rung, tiếng láy trữ tình của các chú hoạ mi. Anh thích nhất cái giọng trầm đại tướng của lão gà nhà Maiđanhikốp nó vang lên như hoà âm cuối cùng của bản đồng ca gà trống này. Nhưng rồi một hôm, cái trật tự điểm danh mà anh nghe đã quen tai và trong bụng thầm tán thưởng, bỗng bị phá hoại một cách thực bất ngờ vào láo xược: tiếng gáy trầm hùng cuối cùng vừa dứt thì bỗng, ở quãng nào đó sát gần đây thôi, phía đằng sau gian kho, bên sân nhà anh hàng xóm Arkaska Mênốc, một con gà sống khỉ gió nào, có vẻ thuộc loại choai choai, lên tiếng gáy bằng một giọng antô oắt con bắng nhắng, sau đó lại còn cục te cục tác một tràng như gà mái, xen những tiếng nấc nghẹn nghe đến tởm. Maka nghe rõ mồn một con gà trống ranh con ấy đập cánh phành phạch, lục đục trong chuồng gà: chắc hẳn tiếng gáy của nó đã suýt làm nó lộn cổ từ trên sào đậu xuống.
Cái trò lếu láo ấy quả là một sự vi phạm kỷ luật trắng trợn, một sự chà đạp lên tôn ti trật tự. Đối với Maka thì đó cũng đại loại như chuyện một vị đại tướng nhất hàng đại tướng vừa hô xong thì liền bị một anh tiểu đội trưởng quèn lên giọng chấn chỉnh, mà lại là cái giọng nói lắp nữa cơ chứ! Lòng dạ sôi lên sùng sục, Maka không thể chịu đựng nổi cái trò bỉ ổi ấy và quát lên một tiếng vào đêm tối: “Liệu hồn!...”. Anh giận dữ đóng sập cửa sổ lại, miệng lẩm bẩm chửi rủa.
Đêm sau, chuyện ấy lại tái diễn, đêm sau nữa, vẫn vậy. Thêm hai lần nữa Maka quát vào đêm tối: “Liệu hồn!”, làm bà chủ nhà giật mình tỉnh dậy. Sự hài hoà chặt chẽ của cuộc điểm danh đêm khuya của bầy gà trống, trong đó các giọng và thứ tự lên tiếng dường như đã được sắp xếp theo cấp bậc, đã bị phá hoại một cách không gì cứu vãn được. Từ đó, cứ nửa đêm là Maka bỏ đi ngủ… Anh không còn làm sao học, không còn làm sao nhớ được những từ hóc búa kia nữa. Đầu óc anh cứ quay cuồng xung quanh con gà trống bố lếu bố láo kia; anh cay cú nghĩ bụng chủ nào gà nấy, và cái con ôn vật ấy chắc chắn cũng chỉ là cái hạng phất phơ nhắng nhít như thằng chủ nó mà thôi. Trong bụng anh chụp mũ cho chú gà trống chẳng có tội tình gì ấy là đồ ba que, đồ ăn hại đái nát, đồ sâu bọ nhảy lên làm gà. Thế là cái chú gà trống nhà hàng xóm đã dám cả gan lên tiếng tiếp theo sau gà nhà Maiđanhikốp rốt cuộc đã làm cho cuộc sống của Maka bị trật đường ray: học tiếng Anh không vào nữa, tính tình thì mỗi ngày một sinh bực bội bẳn gắt… Đã đến lúc phải chấm dứt cái tình trạng rối tinh rối xoè này thôi.
Sáng ngày thứ tư, Maka sang nhà Arkaska Mênốc, chào một tiếng gọn lỏn, rồi hỏi:
- Này, cho xem con gà sống tí.
- Xem làm gì?
- Muốn biết mặt mũi bộ dạng nó thế nào.
- Anh cần biết bộ dạng nó làm cái khỉ gió gì?
- Thì cứ cho xem tí! Tôi không có thì giờ con cà con kê với anh như đi hỏi vợ đâu! – Maka bực dọc đáp.
Trong khi anh cuốn điếu thuốc hút, Arkaska đã cầm que khá vất vả mới lùa được từ gầm kho ra cả một đàn gà diêm dúa sặc sỡ. Quả y như rằng! Maka đã phỏng đoán cẩm sai tí nào: giữa một đám mười hai ả gà mái lông cánh loè loẹt và lẳng lơ điệu bộ, lăng xăng một chú gà trống oắt tì xà lai, lông màu chuột xám và tả tơi, nom thật vô duyên. Maka nhìn nó với một vẻ khinh bỉ ra mặt.
- Vặn cổ cái của khỉ ấy đi cho rồi!
- Vặn cổ làm gì?
- Nấu miến, - Maka đáp gọn lỏn.
- Nấu miến là thế nào! Nhà tôi có độc mình nó để cho đạp mái!
Maka bĩu môi mỉm một nụ cười mỉa mai:
- Chỉ có đạp mái thôi à? Ghê nhỉ? Cái công việc thối thây ấy quan trọng thế cơ à?
- Cũng chỉ cần nó làm cho cái việc ấy thôi. Mình cũng chả định bắt nó cày cho mình cái ruộng rau, sức nó thì cái cày một lưỡi thôi nó cũng chả kéo nổi…
- Này, đừng có đùa dai! Tôi đây cũng biết đùa chẳng kém ai đâu, nhưng phải tuỳ lúc…
- Nhưng con gà nhà tôi nó phương hại gì đến anh mới được chứ? – Mênốc đã bắt đầu sốt ruột, vặn lại: - Nó quẩn chân anh hay thế nào?
- Nó ngu lắm, không biết kỷ luật là gì cả?
- Kỷ luật gì? Nó sang phá vườn rau bà chủ bên anh sao?
- Không phá vườn rau, cơ mà, nói chung…
Maka lúng túng, không biết giải thích là cái kỷ luật gì. Anh đứng lặng một phút, hai chân dạng háng, trút vào con gà trống những cái nhìn búa bổ. Rồi chợt loé ra một ý:
- Này, anh bạn hàng xóm ơi! – Anh tươi tỉnh lên, bảo Arkaska. – Hay ta đổi gà nào?
- Anh chẳng chăn nuôi gì cả, móc đâu ra gà mà đổi? - Mênốc sốt sắng hỏi.
- Mình sẽ kiếm một con, và không tả tơi như con này đâu!
- Được, cứ mang lại đây, nom ưng thì đổi. Con nhà tôi, tôi cũng không kết gì lắm đâu.
Nửa giờ sau, làm ra vẻ có việc đi qua, Maka ngó vào sân nhà Akim Bexkhlépnốp là nhà có cả một đàn gà lúc nhúc. Vừa chuyện con cà con kê, anh vừa tò mò đưa mắt nhìn theo những ả gả mái đang tha thẩn ngoài sân, tai thì dỏng nghe tiếng gà trống gáy. Cả năm con gà sống nhà Bexkhlépnốp đều là loại gà kén cả, con nào cũng to, lông đẹp, nhưng quan trọng hơn cả đều là giọng gáy tốt, điệu bộ oai vệ. Trước khi ra về, Maka ướm hỏi:
- Này, cụ chủ ơi, để lại cho tôi một con sống, được không?
- Sẵn sàng thôi, đồng chí Nagunốp ạ, nhưng nấu cháo thì gà mái mềm thịt hơn, đồng chí tha hồ chọn, cái của ấy thì bà nó nhà tôi thiếu giống!
- Không, tôi cần một con gà sống cơ. Cụ cho tôi mượn cái bao, tôi dúi nó vào đấy mang về.
Một lát sau, Maka đã đứng trong sân nhà Arkaska Mênốc, tay loay hoay cởi nút bao. Anh chàng Arkaska, như ta đã biết, tính mê đổi chác, nói chuyện đánh đổi đã tắc lẻm, khoái trá xoa tay, nói:
- Nào, lật lên xem con bài tẩy của anh thế nào nào, không khéo anh bạn còn phải các thêm tí ti đấy. Cởi mau lên chứ, sao loay hoay mãi thế! Tôi đi tóm ngay con gà nhà tôi bây giờ, cho hai con này chọi nhau một trận, con ai thua, người ấy phải thết chầu rượu. Dứt khoát thế, không thì tớ chả đổi đâu! Gà của ông nom thế nào? Có đô không?
- Cận vệ! – Maka vừa lấy răng cởi nút bao vừa lúng búng đáp gọn.
Arkaska lon ton chạy ra chuồng gà, vừa chạy vừa túm giữ cái quần muốn tụt. Một phút sau, từ phía chuồng gà vang lại tiếng gà trống kêu thất thanh. Nhưng khi anh ta trở lại, tay ôm trước ngực chú gà trống sợ chết khiếp đang thở hổn hển thì thấy Maka đang cúi lom khom xuống cái bao đã mở, gãi đầu gãi tai có vẻ băn khoăn lắm: chàng “cận vệ” ta đang nằm sóng sượt dưới đáy bao, đôi cánh xoã ra và đôi mắt đỏ ngầu trợn trừng lảo đảo trong cơn giãy chết.
- Nó làm sao thế? - Arkaska sửng sốt hỏi.
- Dại!
- Sao, tôi à?
- Đã bảo dại mà, hỏi mãi!
- Gà mà lại dại à, cái anh này nói lạ!
- Sao anh ngu thế, ai bảo là gà dại? Mà là tôi đây dại. Lúc mang nó về, tự nhiên nó hứng lên gáy te te, làm mình ê cả mặt với bà con, lại đúng lúc đi qua trước cửa ban quản trị, mình mới vặn cái đầu nó sang bên một tí… Có tí ti thôi, thế mà xem này, ai ngờ đâu. Thôi, mang cái rìu lại đây, mau lên, kẻo nó nghẻo mất lại phải vứt đi toi.
Maka ném con gà cụt đầu qua hàng rào, réo bà chủ nhà đang bận rộn bên thềm:
- Này, mẹ ơi! Làm lông đi nhá, trong lúc nó còn ấm, mai nấu miến!
Rồi chẳng nói chẳng rằng gì với Arkaska, anh lại sang nhà Bexkhlépnốp. Thoạt đầu ông lão khăng khăng không chịu: “Cái điệu này thì anh làm cho gà mái nhà lão phải ở goá hết mất thôi!”, nhưng rồi cụ cũng để lại cho anh một chú gà trống nữa. Cuộc đổi chác với Arkaska thế là trót lọt. Chỉ vào phút sau, chú gà nhà Mênốc đã cụt đầu và bay vèo qua hàng rào, kèm theo là tiếng Maka hể hả réo bảo bà chủ:
- Nhặt lấy cái quân thổ tả này, mẹ ơi! Vặt lông nó đi, cái quân vô kỷ luật, và quẳng luôn vào nồi!
Anh bước ra đường với điệu bộ của một người vừa hoàn thành một nhiệm vụ to lớn quan trọng. Chị vợ Arkaska rất đỗi ngạc nhiên trước cuộc thảm sát gà trống mà Maka đã gây ra trên sân nhà chị, lắc đầu nhìn theo anh với một vẻ buồn rầu ái ngại. Đáp lại câu hỏi thầm của chị, Arkaska đặt ngón tay trỏ lên trán, day đi day lại, thì thầm nói:
- Loạn óc! Người thì tốt đấy, nhưng loạn óc mất rồi. Đứt đuôi là hoá rồ hoá dại không phương cứu chữa. Tội nghiệp, ai bảo thức đêm cho lắm vào! Cái tiếng Anh ba lần trời đánh ấy đã làm hại hắn.
Từ đó anh chàng Maka có tinh thần dũng cảm chịu đựng cảnh cô đơn của mình đêm đêm lại được ngồi nghe thoải mái bản đồng ca gà gáy. Ngày ngày anh ra đồng làm cỏ lúa với đám đàn bà trẻ con, và tối đến chén xong bát súp bắp cải xuông và một cốc sữa, anh lại cặm cụi với cuốn sách tự học tiếng Anh, kiên nhẫn đợi đến lúc nửa đêm.
Chẳng bao lâu, bác Suka đã tới làm bạn với anh. Một tối nọ, bác đến, gõ cửa khe khẽ, và hỏi:
- Có vào được không?
- Cứ vào. Có việc gì đấy? – Maka tiếp bác bằng một câu hỏi không lấy gì làm niềm nở lắm.
Bác Suka lúng túng:
- Biết nói làm sao nhỉ… Có lẽ là lão nhớ anh quá, anh Maka ạ. Lão mới bụng bảo dạ, ta sang thăm nhà anh ta một lát.
- Bác có phải là đàn bà con gái đâu mà bảo nhớ tôi!
- Ấy, đôi lúc người già lại sinh ra hay nhớ nhung hơn cả đàn bà con gái đấy. Mà cái công tác của lão thì nó khô khan ghê lắm cơ, lúc nào cũng độc ngựa với nghẽo. Lão đã phát ngán cái giống nó chẳng biết mở mồm nói lấy một câu ấy lắm rồi! Mình đến với nó, ấy là nói giả sử thế, vỗ về nó đôi lời, nhưng nó tỉnh bơ đi, cứ ngốn thóc tiếp và ngoe nguẩy cái đuôi. Thế thì còn nước mẹ gì nữa! Lại còn cái con dê đáng réo ba đời mà rủa kia nữa chứ! Cái giống sâu bọ ấy, chẳng biết đến bao giờ nó mới chịu ngủ đi cho, hả anh Maka? Tối đến, mình cứ vừa chợp mắt một cái là nó dẫn xác đến, cái quân quỷ sứ nhà trời! Không biết bao nhiêu lần rồi, lão đang ngủ nó cứ xéo bừa cả chân cẳng lên người lão! Nó làm mình sợ hết vía lên, lúc ấy có buồn ngủ dính mắt lại thì cũng đành chịu, không sao ngủ lại được nữa. Cái giống ôn vật ba lần trời đánh ấy, nó làm lão không sống được với nó! Suốt đêm nó cứ lang thang khắp chuồng ngựa, khắp vựa cỏ. Hay ta thịt béng nó đi, hả anh Maka?
- Thôi, lão đút nút lại hộ tôi những chuyện con cà con kê ấy đi! Dê nông trang không thuộc quyền chỉ huy của tôi. Thủ trưởng của chúng là Đavưđốp, lão đến anh ta mà hỏi.
- Lạy Chúa, lão đến đây đâu phải vì chuyện dê, đến thăm anh thôi mà. Anh cho lão mượn quyển sách gì hay hay một tí, lão sẽ ngồi đây im thin thít, như con chuột trong lỗ. Có hai người anh cũng vui hơn, và lão cũng vui hơn. Lão không quấy rầy tí ti gì anh đâu.
Maka ngẫm nghĩ một tí rồi đồng ý. Anh dúi cho bác cuốn từ điển giải nghĩa tiếng Nga, và bảo:
- Được, lão cứ ngồi đây đọc với tôi, đọc đi, nhưng đọc thầm thôi, cấm lắp bắp, cấm ho, cấm hắt hơi, tóm lại, tuyệt đối không được gây tiếng động! Hút thuốc thì theo lệnh tôi. Rõ nhiệm vụ chưa?
- Hoàn toàn đồng ý, riêng về khoản hắt hơi… thế ngộ nhỡ ma xui quỷ khiến, tự nhiên lão lại cứ muốn hắt xì một cái thì sao? Công tác của lão thì lúc nào mũi cũng đầy vụn cỏ, đôi khi đang ngủ cũng hắt xì hơi. Thế thì biết làm thế nào?
- Thì lao ra hiên nhanh như đạn bắn!
- Chà, chú Maka nó ơi, nói chuyện đạn thì lão chỉ còn là cái vỏ thôi, mà lại rỉ ngoèn! Chạy được ra đến hiên thì lão cũng đã hắt xì được đến mươi cái và xỉ mũi dăm lần rồi.
- Thì cứ cố mà chạy cho mau.
- Lão biết có một cô ả muốn lấy chồng mau mau, nhưng chẳng có ma nào hỏi. Một cậu chàng tốt bụng thấy vậy, đến giúp cô ta qua bước khó khăn. Thế rồi anh biết con bé ấy ra sao không? Cô ả không còn là con gái nữa mà vẫn là không chồng! Đối với lão thì có thể cũng rứa: mải chạy rồi mà đâm ra thất thố, anh sẽ tống cổ lão ra cửa mất. Lão thấy trước hai năm rõ mười thế rồi!
Maka phì cười, nói:
- Vội thì cũng phải chú ý chứ, không nên làm gì để hại đến uy tín của mình. Tóm lại là im lặng, đừng làm tôi phân tán tư tưởng. Đọc sách đi, cố mà trở thành một lão già có học thức.
- Hỏi anh tí tí nữa có được không? Nhưng anh Maka ơi, anh đừng cau mặt lại thế, lão hỏi câu cuối cùng thôi mà.
- Thì nói đi,mau lên!
Bác Suka ngượng ngùng vặn vẹo người, và ề à nói:
- Số là thế này… Cũng chẳng có gì đáng, nhưng, khổ lắm cơ, bà nhà lão cứ lôi ra nói lão đến nhục: “Có để cho người ta ngủ không!”. Lão xin hỏi anh, nói thế thì lão còn biết làm cách nào?
- Nói ngay vào đề đi.
- Thì lão đang nói đây. Lão bị cái bệnh lòi rom, hoặc cái bệnh khỉ gió gì chẳng biết, chỉ thấy trong bụng cứ sôi lên như sấm như sét, hệt như lúc trời nổi giông vậy! Trường hợp ấy thì ta làm thế nào được nhỉ? Vì, thế thì nó cũng làm anh phân tán tư tưởng mất.
- Thì chạy luôn ra hiên, và không có sấm sét gì cả! Rõ nhiệm vụ chưa?
Bác Suka lẳng lặng gật đật, thở dài đánh sượt và mở cuốn từ điển ra. Đến nửa đêm, dưới sự chỉ đạo của Maka và nhờ được anh giảng giải, lần đầu tiên bác Suka mới thực sự được nghe thấy tiếng gà gáy. Và ba hôm sau hai người đã vai kề vai cùng bò soài ra trên bệ cửa sổ, và bác Suka cứ mê tít thò lò, thì thà thì thầm:
- Lạy Chúa, lạy Chúa tôi! Suốt đời lão cứ phải giẫm cứt gà, lọt lòng ra lớn lên cùng với gà, thế mà lão chẳng bao giờ ngờ đâu chúng nó lại gáy hay đến thế. Thành thử bây giờ lão cứ như người mới được mở mắt ấy! Chú Maka nó ơi, cái tên quỷ sứ nhà Maiđanhikốp, chú thấy nó quát có khiếp không hả? Đích thị đại tướng Bruxilốp!
Maka cau mặt lại, nhưng nén được ngay, và cũng thì thào đáp:
- Thôi đi, ông nội! Ông không được nghe các tướng của ta hô đấy! Đây mới gọi là giọng chứ, giọng quân ta! Còn cái lão Bruxilốp nhà ông thì là cái thá gì? Thứ nhất, là một tên tướng Sa hoàng, nghĩa là một kẻ tôi coi là khả nghi. Và thứ hai, là một tên trí thức đeo kính trắng. Giọng hắn nhất định chỉ như giọng cái con gà nhà Arkaska Mênốc mà chúng tôi đã cho chầu trời và chén thịt rồi. Nói chuyện giọng thì cũng phải đứng trên quan điểm chính trị chứ. Đây này, lấy thí dụ, sư đoàn chúng tôi có một tay giọng trầm, cứ là nhất toàn quân! Rồi té ra nó là một đồ chó chết: nó đã chạy sang địch. Lão biết không, bây giờ tôi coi cái giọng trầm của nó thế nào không? Không bằng cục cứt! Bây giờ tôi không coi nó là giọng trầm nữa, mà là giọng ống bơ gỉ của một tên phản bội!
- Nhưng anh Maka ơi, bọn gà trống thì có dính gì đến chính trị không? – Bác Suka rụt rè hỏi.
- Dính chứ sao lại không! Con gà ấy nếu không phải của nhà Maiđanhikốp mà lại là của một tên kulắc nào đó, thì tôi cứ đấm thèm vào nghe cái đồ ăn hại ấy! Tôi thiết gì cái giống tay sai kulắc ấy! Thôi, chuyện thế là đủ rồi. Bây giờ sách ai người ấy đọc, không hỏi dớ da dớ dẩn gì nữa đấy nhá! Không thì tôi sẽ đuổi cổ ra đấy, không nể đâu.
Bác Suka đâm ra thành một kẻ mê tiếng gà gáy. Chính bác đã rủ Maka đến tận nơi xem mặt con gà nhà Maiđanhikốp. Làm ra bộ có việc, hai người mò đến nhà anh ta. Kônđrát ra đồng vắng, cày đám ruộng hưu canh xuân. Maka chuyện trò đưa đẩy vài câu với chị vợ, tiện mồm hỏi chị sao hôm nay không đi làm cỏ lúa, trong khi mắt thì cứ chăm chú quan sát chú gà trống đang đi khệnh khạng ngoài sân. Anh chàng nom điệu bộ rất oai và đường bệ, lông cánh màu tía sặc sỡ. Maka xem rất lấy làm hài lòng. Bước ra khỏi cổng, anh đưa khuỷu tay hích khẽ bác Suka từ nãy vẫn ngậm tăm, hỏi:
- Thế nào?
- Được cả giọng lẫn dáng. Một vị giáo chủ, không phải là gà.
Maka không thích tí nào về cái lối so sánh ấy, nhưng chỉ nín thinh. Họ về đã gần tới trụ sở nông trang thì bác Suka bỗng trợn mắt lên lo sợ, túm lấy cánh tay áo varơi của Maka, nói;
- Anh Maka ơi, họ cứa cổ mất!
- Cứa cổ ai?
- Tất nhiên không phải cứa cổ lão, lạy Chúa, mà cứa cổ con gà! Họ sợ gì mà không cứa nhỉ! Ôi, họ cứa mất thôi!
- Nhưng tại sao họ lại cứa cổ nó? Duyên do gì? Tôi chả hiểu sao bác lại cứ làm ngậu lên thế?
- Có thế mà anh không hiểu ư? Nó già cốc đế đại vương rồi chứ sao. Nó cùng tuổi với lão đấy, già hơn cũng nên. Lão nhớ rồi, hồi bé tí lão đã thấy có nó!
- Ông nội ơi, thôi ông đừng bịa! Gà nào mà lại sống đến bảy mươi. Quy luật thiên nhiên chả có điều nào nào nói thế cả. Rõ chưa?
- Dẫu sao nó cũng già rồi, cằm nó toàn lông bạc. Anh không để ý thấy sao? – Bác Suka gân cổ cãi.
Maka quay ngoắt gót trở lại. Anh bước rảo, và dài bước đến nỗi bác Suka theo sau chốc chốc lại phải chuyển sang le te nước kiệu. Vài phút sau họ lại đứng ở sân nhà Maiđanhikốp. Maka rút chiếc mùi soa nữ viền đăng ten kỷ niệm của Luska ra lau mồ hôi trán còn bác Suka thì há hốc mồm, thở dốc như con chó săn sau suốt một buổi rượt theo con cáo. Nước dớt nước dãi rỏ từng giọt nhỏ tong tong từ đầu lưỡi tím bầm xuống râu lão.
Vợ Kônđrát bước tới, mỉm cười đon đả:
- Bác với anh quên gì hẳn?
- Chị Prôkhôrốpna ạ, tôi quên không dặn chị; con sống nhà chị, chị không được thịt đâu đấy nhá!
Lom khom nom cái hình dấu hỏi, bác Suka giơ một cánh tay ra phía trước, rồi vừa chỉ trỏ bằng ngón tay trỏ cáu ghét, bác vừa hổn hển nói hắt ra một cách khó nhọc:
- Lạy Chúa, chớ làm chuyện đó!...
Maka không bằng lòng, lừ mắt nhìn bác nói tiếp:
- Chúng tôi định mua lại hoặc đổi cho chị con khác để giữ nó làm giống cho nông trang. Vì cứ xem cái mã nó cũng rõ nó là gà nòi loại thượng hạng, có lẽ tổ tiên nó đã được người ta mang về từ cái nước Anh nào đó hay là Hà Lan chẳng hạn, để lai và nhân giống ỏ nước ta đấy. Ngỗng Hà Lan nó có cái bướu trên mũi không? Có. Thế thì biết đâu con sống này cũng chẳng là nòi tộc Hà Lan, chị không biết à? Tôi cũng chẳng biết nốt, cho nên cấm, không được thịt nó, bất kể vì lý do gì.
- Để lấy giống thì không ăn thua đâu, nó già quá rồi, và nhà em định đến ngày lễ Ba ngôi thì mổ thịt, và mua một con tơ khác.
Lần này thì bác Suka lấy cùi tay huých Maka, ý bảo: thấy chưa, lão đã bảo mà! Nhưng Maka chẳng buồn để ý, tiếp tục khuyên can chị chủ nhà:
- Gà già đâu phải tội tỗi, chúng tôi sẽ lấy được giống nó. Chúng tôi sẽ cho nó ăn thóc tiểu mạch ngâm vốtka, rồi nó sẽ đạp mái phải biết cho mà xem! Nói tóm lại, con gà giống quý thế thì không được vì lý do gì đem thịt. Rõ nhiệm vụ chưa? Còn gà tơ thì bác Suka đây sẽ mang ngay đến cho chị một con.
Ngay hôm đó, Maka đã mua lại được theo giá hời của chị Đemka Usakốp một con trống chị ta thừa, sai bác Suka mang đến cho vợ Maiđanhikốp.
Tưởng đâu như trở ngại cuối cùng đã vượt qua. Nhưng trong làng đã lan đi một tin đồn tếu là Maka Nagunốp đã vơ vét sạch gà trống, cả mua buôn lẫn mua xỉ, không rõ nhằm mục đích gì, mà lại trả bằng giá đắt nữa. Bảo sao mà anh chàng Radơmiốtnốp là người thích đùa tếu lại không nhạy bén trước một sự kiện như vậy được? Nghe chuyện về cái trò chơi ngông ấy của bạn, anh quyết định phải đích thân kiểm tra cho ra nhẽ, và một tối khuya, anh mò đến nhà Nagunốp.
Maka và bác Suka đang ngồi vùi đầu vào những cuốn sách dày cộp. Ngọn đèn dầu bấc khêu tướng lên bốc khói mù. Trong phòng chập chờn những bông khói đen, khen khét mùi giấy cháy – giấy của chiếc chao đèn chụp sát vào bóng thuỷ tinh, đã gần biến thành than – và im phăng phắc như thường thấy ở những lớp vỡ lòng vào giờ tập viết. Radơmiốtnốp không gõ cửa, đứng trước ngưỡng cửa đằng hắng một cái, nhưng chẳng ai trong hai vị đang ngồi miệt mài đọc sách buồn để ý đến anh, Radơmiốtnốp cố nén một nụ cười, lớn tiếng hỏi:
- Xin hỏi thăm, đây là nhà đồng chí Nagunốp có phải không ạ?
Maka ngẩng đầu lên, đăm đăm nhìn vào mặt Radơmiốtnốp. Không, ông khách chơi khuya không say, nhưng đôi môi ông ta cứ mấp máy giần giật do đang cố nén một cơn cười phá. Đôi mắt Maka ánh lên một ánh chẳng lành và nhíu lại. Anh thản nhiên nói:
- Anđrây ạ, đi mà tán các em đi, cậu thấy đấy, mình chả có thì giờ tiếp gẫu cậu đâu.
Thấy Maka không mảy may muốn đùa với mình, Radơmiốtnốp ngồi xuống ghế, châm thuốc hút, và hỏi bằng giọng lúc này đã nghiêm trang:
- Mình hỏi thật, cậu mua gà làm gì thế?
- Nấu miến, nấu xúp. Dễ cậu tưởng mình mua để làm kem mời các em đấy hẳn?
- Kem thì mình chả nghĩ đâu, nhưng mình rất thắc mắc: quái, hắn mua làm gì lắm gà thế nhỉ, mà lại chỉ độc gà trống?
Maka mỉm cười:
- Có gì đâu, mình nghiện món miến mào gà trống. Cậu thắc mắc chuyện mình mua gà, còn mình, Anđrây ạ, mình lại thắc mắc sao chả thấy cậu ra chỗ làm cỏ bao giờ?
- Anh bắt tôi ra đấy làm gì? Ra quản các bà chăng? Việc ấy đã có đội trưởng.
- Không phải quản, mà ra đích thân làm cỏ.
Radơmiốtnốp xua tay, vui vẻ cười xoà:
- Ra để nhổ cây sơn giới với các mẹ ấy ư? Ồ, đừng hòng, anh bạn ơi, tôi xin lỗi anh! Đó đâu phải là việc của nam giới, hơn nữa tôi chẳng gì cũng là một ông chủ tịch xôviết xã.
- To nhỉ? To ông Đùng gì mà to! Thế tại sao tôi đây đi với các bà ấy nhổ sơn giới và đủ thứ cỏ dại khác thì được, mà cậu thì lại không làm được?
Radơmiốtnốp nhún vai:
- Không phải không làm được, chẳng qua là mình không muốn dơ mặt với anh em kô-dắc thôi.
- Đavưđốp chẳng nề hà công việc gì, mình cũng vậy, còn cậu thì tại sao cứ cái mũ vắt vẻo trên đầu, ngồi lì ỏ trụ sở xôviết, hoặc cái túi dết giấy lộn cắp nách, chạy nhông khắp xóm như chó dái thế vậy? Sao, thằng thư ký của cậu không đủ khả năng làm một cái giấy chứng nhận hoàn cảnh gia đình nào đó sao? Anđrây, cậu hãy quẳng cha nó những trò vớ vẩn ấy đi! Mai cậu hãy xuống đội một, biểu diễn cho các bà ấy thấy những người anh hùng nội chiến lao động giỏi như thế nào!
- Này, cậu điên hay là cậu nói đùa? Có giết chết tươi mình cũng không đi! – Radơmiốtnốp cáu kỉnh quẳng đầu mẩu thuốc lá đi, đứng phắt dậy: - Mình không muốn làm trò cười cho thiên hạ! Làm cỏ không phải việc của đàn ông đàn ang! Có lẽ cậu còn muốn mình phải đi vun khoai nữa chẳng?
Maka thản nhiên gõ gõ mẩu bút chì xuống bàn, nói:
- Đảng cử ta tới nơi nào thì nơi đó là công việc của đàn ông. Giả dụ Đảng bảo mình: Nagunốp, anh hãy đi chặt đầu bọn phản cách mạng”, mình vui vẻ đi ngay! Đảng bảo: “Đi vun khoai tây”, mình không vui lắm, nhưng đi. Đảng bảo: “Đi vắt sữa bò”, mình sẽ nghiến răng ken két, nhưng vẫn cứ đi! Mình sẽ lôi con bò chết giẫm ấy ra nắn vú, và cứ nắn bừa đi, và thề với cậu mình sẽ vắt ra sữa!
Radơmiốtnốp đã hơi dịu đi, vui vẻ nói:
- Tay hộ pháp như tay ông mà đòi vắt sữa bò! Chỉ một hai là ông đã lật nó ngã chổng kềnh thì có!
- Mình lật thật, nhưng mình sẽ dựng nó dậy, và sẽ vắt cho kỳ được thì thôi, cho đến lúc nó phải nhả ra tới giọt sữa cuối cùng. Hiểu chưa? – Và không đợi câu trả lời, anh trầm ngâm nói tiếp: - Cậu ngẫm mà xem, Anđrây ạ, và không nên vỗ ngực ta đây là đàn ông, là kô-dắc. Danh dự đảng viên của ta không phải là ở chỗ đó, mình nghĩ như vậy. Mới đây mình có lên huyện trình diện đồng chí bí thư mới, dọc đường gặp cậu Philônốp, bí thư chi bộ Tubianxki. Cậu ấy hỏi mình: “Đi đâu thế, lên huyện hả?”. Mình trả lời: Ờ, lên huyện. “Lên gặp đồng chí bí thư mới hả?. Mình nói: Ờ, lên gặp đồng chí ấy. “À, thế thì ra cái chỗ chúng mình đang cắt cỏ ấy, đồng chí ấy đang ở đấy đấy”. Và hắn giơ roi chỉ cho mình sang bên trái đường. Mình nhìn theo: họ đang cắt cỏ khẩn trương, có sáu máy đang chạy. Mình mới hỏi: các ông dở hơi hay sao mà cắt cỏ sớm thế? Hắn nói: “Đấy không phải cỏ linh lăng đâu, mà là cỏ gai và đủ thứ cỏ dại khác, chúng mình quyết định cho cắt và đánh đống ủ”. Mình hỏi: các anh tự quyết định thế đây à? Hắn trả lời: “Không, hôm qua đồng chí bí thư xuống, ra xem đồng chúng mình, thấy cái cỏ ấy liền hỏi chúng mình định xử lý nó như thế nào? Chúng mình bảo là sẽ cày lật lên để hưu canh. Đồng chí ấy cười xoà, nói: cày là hạ sách rồi, thượng sách là cắt đem ủ”.
Maka ngừng kể, nhìn Radơmiốtnốp, dò xét:
- Thế có gặp đồng chí ấy không? – Radơmiốtnốp sốt ruột hỏi.
- Gặp chứ sao không! Mình rẽ xuống ruộng, đi khoảng hai cây số thì thấy có hai chiếc xe ngựa đỗ đó. Một bố già đang đốt lửa nấu cháo; một thằng cha đô như bò mộng và miệng rộng hoác, nằm dưới gầm xe, vừa gãi chân sồn sột vừa phe phẩy một cành cây xua ruồi. Không có vẻ gì là đồng chí bí thư: chân đi đất, mặt thì như cái mẹt. Mình hỏi thăm hắn đồng chí bí thư đâu thì hắn cười khẩy, bảo: “Đồng chí ấy thay tôi lái máy cắt cỏ từ sáng, ông ấy đang lao máy chạy nhông ngoài đồng cỏ ấy”. Mình nhảy xuống, buộc ngựa vào chiếc xe, đi bộ tới chỗ họ đang cắt cỏ. Chiếc xe thứ nhất chạy qua, trên xe có một ông lão đầu đội mũ rơm, mình mặc chiếc áo sơmi mục mồ hôi rách bươm và chiếc quần vải gai bê bết dầu mỡ. Rõ ràng không phải là đồng chí bí thư. Trên chiếc xe thứ hai là một cậu húi cua, mình trần trùng trục, bóng nhẫy mồ hôi như tắm dầu luyn và loang loáng ánh nắng như một thanh kiếm sắc. Mình nghĩ bụng: rõ ràng không phải đồng chí bí thư. Bí thư đâu lại cởi trần mà ngồi xe cắt cỏ. Mình ngó các xe khác, tay nào cũng trần trùng trục cả! Thế mới gay, trong cái đám ấy biết ai là ông bí thư bây giờ. Mình nghĩ bụng: cứ nhìn xem ai mặt mũi trí thức mà đoán thì trúng ngay ấy mà; mình mới để cho các xe qua hết trước mặt, ấy thế mà mả mẹ nó, cấm đoán ra ai! Ai cũng trần đến ngang lưng, giống nhau như đúc, và chẳng ai trên trán có dấu hiệu gì ghi rõ là bí thư huyện uỷ cả. Thế là không ăn tiền với cái điệu bộ trí thức! Nom anh đếch nào cũng có vẻ trí thức cả. Cậu hãy đem một tay cố đạo râu ria lông lá xồm xoàm nhất cạo trụi đi và đẩy vào phòng tắm có lính đang tắm, liệu cậu có tìm ra lão cố đạo trong đám lính ấy không? Đây cũng thế đấy.
- Này, anh Maka ạ, chả nên nói đụng đến các nhà tu hành, phải tội đấy! – Bác Suka từ nãy vẫn ngồi im như thóc, rụt rè đề nghị.
Maka phóng về phía bác một cái nhìn cáu kỉnh, nói tiếp:
- Mình quay trở về chỗ hai chiếc xe ngựa, hỏi cái cậu kia: trong đám người lái máy cắt cỏ, ai là bí thư? Cái thằng khỉ gió miệng rộng hoác ấy bảo đồng chí bí thư là cái người cởi trần. Mình mới bảo hắn: này, anh dụi cho sạch mắt đi, ruồi nó ỉa vào đầy mắt anh rồi đấy, ngoài ông già ra anh đếch nào cũng cởi trần cả. Hắn chui ra khỏi gầm xe, dụi dụi mắt, rồi cười phá lên. Mình nhìn, và cùng cười nốt: trong khi mình quay lại chỗ xe ngựa đây thì ông lão đã bỏ mũ và cởi sơmi ra nốt, còn mặc độc cái quần mà lao dẫn đầu đoàn xe, cái đầu hói bóng lộn và chòm râu bạc gió thổi bay tung ra sau lưng. Hệt như một con thiên nga đang bơi giữa đám lau sậy vậy. Mình nghĩ bụng: hay thật! Có lẽ đó là mốt thành thị mà đồng chí bí thư đã mang về phổ biến cho họ: cởi trần trùng trục mà chạy nhông thảo nguyên, và đến cả cái ông già lụ khụ kia cũng lại bắt chước cái kiểu vô lối ấy. Cậu miệng hoác dẫn mình đi, chỉ cho mình đồng chí bí thư. Mình đi tới, bước theo chiếc máy, tự giới thiệu và nói mình lên huyện để ra mắt đồng chí ấy. Đồng chí ấy cười, dừng ngựa lại, bảo: “Ngồi lên đây, đồng chí Nagunốp, cầm lấy cương, rồi vừa cắt cỏ ta vừa làm quen với nhau”, mình leo lên ngồi vào chỗ hắn, ra roi cho ngựa đi. Đi được bốn luống chúng mình đã quen nhau… Một tay cỡ quốc tế! Những bí thư như thế ở ta thật chưa có bao giờ. Đồng chí ấy bảo: “Tôi sẽ biểu diễn cho các anh thấy ở Xtavrôpôn người ta làm việc như thế nào! Vùng các anh mặc quần có nẹp, vùng chúng tôi thì làm đến bẹp xương sườn”, rồi cười xoà. Mình bảo: ai làm giỏi hơn ai thì cũng còn phải xem đã, ai ơi chớ vội khoe tài… Anh ta hỏi mình linh tinh đủ mọi chuyện, rồi bảo: “Thôi, về đi, đồng chí Nagunốp ạ, nay mai tôi sẽ xuống chỗ các đồng chí”.
- Anh ấy có nói gì nữa không? – Radơmiốtnốp hỏi dồn.
- Không có gì tiệt. À mà có hỏi chuyện Khốprốp: cậu ấy có hoạt động gì không? Mình bảo: hoạt động gì, hoạt động cái khỉ gió!
- Anh ta bảo sao?
- Anh ta hỏi: vậy tại sao chúng nó lại giết cậu ấy, mà lại giết cả hai vợ chồng? Mình bảo: ai biết đâu được bọn kulắc nó giết là vì sao. Nó bảo không nghe thì nó giết chứ gì.
- Rồi sao nữa?
- Anh ta trệu trạo cái mồm, cứ như ăn phải quả táo chua, rồi “hừm, hừm”, chẳng biết là lẩm bẩm hay là đằng hắng, còn nói thì chẳng nói thêm gì nữa.
- Anh ta nghe ai nói cho biết chuyện Khôprốp thế nhỉ?
- Biết được ai nói. Công an huyện báo cáo lại cho anh ấy, chắc chỉ thế thôi.
Radơmiốtnốp lẳng lặng hút một điếu thuốc nữa. Anh suy nghĩ về một điều gì lung lắm, đến nỗi quên cả mục đích mình đến thăm Nagunốp. Khi ra về, anh mỉm cười nhìn thẳng vào mắt Maka, nói:
- Thông rồi! Mai, tờ mờ sáng mình sẽ xuống đội một. Cậu có thể yên tâm, Maka ạ, đi làm cỏ mình sẽ không gượng nhẹ cái lưng mình đâu. Nhưng chủ nhật anh phải khao tôi nửa lít vốtka đấy, báo anh biết thế!
- Thì khao, và ta sẽ cùng nhau nhậu nhẹt nếu cậu làm cỏ tốt. Nhưng mai nhớ dậy sớm tí vào, làm gương cho các mẹ ấy thấy đi lao động phải như thế nào. Thôi, chúc ông thành công! – Chúc xong, Maka lại vùi đầu vào quyển sách.
Gần nửa đêm, trong không khí vắng lặng như tờ bao trùm lên làng xóm, anh và bác Suka lại trang trọng ngồi lắng nghe những tiếng gà gáy đầu tiên, mỗi người thưởng thức theo kiểu của mình cái bản nhạc mê tơi ấy.
- Cứ như trong nhà thờ! – Bác Suka thành kính thều thào, nhịu giọng đi vì quá ư xúc động.
- Như kỵ binh thao diễn! – Maka nói, mắt mơ màng nhìn chiếc bóng đèn ám khói.
Cái thú say mê kỳ quặc và lạ đời ấy, cái thú say mê ít lâu sau sẽ làm cho Maka suýt mất mạng, đã bắt đầu như thế đó.