Chương VI
ĐƯỜNG TA ĐI

VI/1 .- TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI VIẾT

    
hững phần quý độc giả vừa đọc là tài nguyên tư tưởng của tổ tiên hiền triết Việt tộc, của các triết gia, sử gia, học giả, khoa học khảo cổ… Đông Tây cổ kim mà tôi cố gắng học hỏi, lý giải, tổng hợp, lập luận và phát huy… để làm sáng tỏ hơn nữa những nghi vấn lịch sử và văn hóa còn tồn đọng quá nhiều giữa hai dân tộc Việt-Hoa và những sai lầm nghiêm trọng của văn minh thế giới ngày nay.
Nhằm mục đích giúp cho tác phẩm bớt nặng nề, rườm rà vì phải gánh thêm những ghi chú khô khan, ngoài những ghi chú sách trích dẫn hoặc tên tác giả, chúng tôi tập trung toàn bộ tên sách và tên tác giả trích dẫn vào những trang cuối cùng. Các loại tin tức này đã được phổ biến rất rộng trên sách báo, tài liệu và hầu như ai có lòng quan tâm đến văn hóa nước nhà đều ít nhiều đã đọc qua. Phần khác, việc làm của các người đi trước là cung cấp tin tức sưu khảo và kiến thức văn hóa Việt Nam, còn tôi chỉ dựa vào đó để gợi ý về một lối đi mới mà cố triết gia Lương Kim Định đã đề xướng từ hơn 40 năm qua. Đó là triết lý An Vi, một minh triết cực kỳ thâm sâu, dẫn dắt con người hướng về đời sống chân thiện mỹ mà thế giới ngày nay đang tìm kiếm.
Tôi xin thẳng thắn minh định: Có rất nhiều sự kiện văn hóa Việt tộc quan trọng đã bị chôn vùi hàng bốn, năm ngàn năm cần phải được làm sáng tỏ trước dư luận:
- Các giá trị tư tưởng và truyền thống văn hóa nông nghiệp Việt tộc đã bị người du mục Hoa tộc cổ vay mượn và pha trộn, biến chế bằng truyền thống cường bạo của họ trong suốt nhiều ngàn năm kể từ sau chiến tranh Trác Lộc 2704 tr.CN.
Hình thức vay mượn văn hóa giữa các dân tộc láng giềng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ở đây sự vay mượn mang chủ tâm chiếm đoạt của Hoa tộc cổ bằng cách thay quốc tịch nền văn hóa nông nghiệp định canh Miêu tộc tức Viêm, Việt thành quốc tịch Trung Hoa. Bằng mọi giá, kẻ cường bạo trong suốt dòng lịch sử lập quốc và kiến quốc của họ, mỗi khi có cơ hội đều tìm cách tước đoạt mọi tài sản văn hóa Việt tộc với chủ trương làm cho người Việt quên đi nguồn gốc tổ tiên và văn hóa của họ. Nặng nề nhất, trong suốt giai đoạn 1000 năm đô hộ Việt tộc, người Trung Hoa cổ đã dùng mọi thủ đoạn gian trá và ác độc bôi xóa mọi ký ức văn hóa truyền thống của Việt tộc mà cha ông đã truyền lại từ ngàn xưa.
Do vậy, từ năm 939 là năm Việt tộc tự giải thoát ách đô hộ của Hoa tộc đến nay, hậu duệ Miêu tộc tức Viêm, Việt không còn nhận ra mình là ai?
Ngày nay, nhờ những nhân chứng quan trọng như đức Khổng Phu Tử và học trò của ông, nhờ các cổ vật tìm được từ dưới lòng đất ở Bắc Việt Nam, ở phía Nam Trung Hoa, của các thời đại trước khi du mục Hoa tộc lấn chiếm; nhờ hệ thống ca dao, tục ngữ, phong dao, ca vũ, hát ru em…; nhờ hệ thống làng xã Việt Nam như những bảo tàng viện sống, đã lưu giữ những giá trị văn hóa tuyệt vời đó cho đến ngày nay; nhờ các nước có nhiều liên hệ đến Việt Nam như Pháp, Vatican, Nhật, Mỹ và nhất là Trung Hoa… đã bảo tồn những tài liệu cổ quý gia của Việt tộc… Người Việt Nam đã dần tìn tìm lại được gia tài cực kỳ quý giá của cha ông để lại.
Ngày nay, việc lấy ra dùng lại hoặc cải sửa và phối hợp với nền văn minh Tây phương hiện hữu để làm tăng thêm hiệu quả xây dựng cuộc sống hạnh phúc dân tộc thì đấy là một việc làm vô cùng cần thiết không thể bỏ lỡ!
Khởi sự cho việc làm đó, chúng tôi xin mạo muội trình ra trước công luận tài liệu gợi ý mang dạng những ý niệm khởi đầu được nhen nhúm từ một tấm lòng để cùng hàng ngàn hàng triệu tấm lòng khác mạnh dạn tiến lên:
ĐƯỜNG TA ĐI
Đường đi của người Việt Nam ngày nay không khác gì đường Voi Đi trong truyện ngắn thay lời Phi Lộ ở đầu sách. Con đường huyết mạch và hồ nước linh thiêng ngàn đời của dân ta đã bị bít kín khiến toàn dân khao khát tìm về thanh bình, hạnh phúc của non nước cũ!
Gầy dựng lại Việt Nam trong tương lai quả là một công tác cực kỳ cần thiết và phủ đầy chông gai sau khi xẩy ra biết bao biến cố tàn khốc cho dân tộc. Nhưng không thể nào chúng ta ngồi nhìn và chờ đợi sự bất động tự nhiên thành!!
Chúng tôi vững tin rằng, với tài năng, óc sáng tạo, lòng kiên nhẫn, tính can đảm và nhất là tình yêu tổ quốc nồng nàn của dân tộc Việt Nam, kẻ sĩ Việt Nam… Chắc chắn một nước Việt Nam thanh bình, thịnh vượng, người vị người sẽ xuất hiện.
Chẳng riêng gì người Việt yêu tự do làm được mà người Việt cộng sản cũng làm được nếu các anh chị ấy thật tâm muốn tìm cho Việt Nam một lối thoát trong danh dự cho tổ quốc, nòi giống và cả cho các anh. Lịch sử sẽ ghi lại công ơn các anh hay nguyền rủa các anh đều nằm trong sự quyết định hôm nay. Việc đó vô cùng cấp bách không thể chần chờ được nữa!!
Chúng ta đã thấy, ngoài nhu yếu vật chất mà con người dựa vào khoa học để có, còn một thứ nhu yếu khác là tinh thần gồm cả một hệ thống cực kỳ thâm sâu: lương tri, tình cảm, luân lý, đạo đức, tâm linh, tiềm thức, thần linh… Những nhu yếu ấy chẳng những không thể thiếu được trong mọi tầng lớp xã hội Việt tộc mà còn giúp cho nhân loại sớm đạt được thái hòa.
Dựa vào những hệ luận phát sinh từ suy lý, con người ngày nay được thế giới Tây phương cổ vũ cho việc vận dụng lý trí để suy diễn, để tranh thủ quyền lợi, tiền tài, danh vọng… cho dù phải dẫm lên lương tri, đạo đức, luân lý, tôn giáo… Cán cân công lý Tây phương đã nhiều lần chứng tỏ sự yếu kém của nó trước miệng lưỡi của suy lý…
Tại sao phía Tây phương mới mở được một vế trong việc xây dựng hạnh phúc cho xã hội loài người thì đã đứng khựng lại?
Dùng vế suy lý ấy viện dẫn hiến chương, hiến pháp, luật lệ để khống chế, đàn áp, hủy diệt những truyền thống luân lý, đạo đức, tâm linh tốt đẹp của loài người? Đó là một việc làm lầm lẫn vô cùng tai hại khiến nhân loại đi mãi từ xáo trộn này đến hỗn loạn khác mà không bao giờ chấm dứt được. Bởi vì, không thể dùng vế suy lý để khống chế vế tinh thần hoặc ngược lại, đó là chân lý. Trước một vấn đề, nhất là vấn đề liên hệ đến tính cảm, đến tâm linh, suy lý có nhiều đường để quyến rủ người nghe đi vào sai lầm. Tỉ dụ thực tế: Người Đức đã dùng suy lý để dẫn dắt dân tộc Đức đi vào chiến tranh thế giới, tiêu diệt hàng chục triệu sinh mạng. Người cộng sản đã dùng suy lý dẫn tới duy vật biện chứng để tạo hận thù giai cấp, hủy diệt tôn giáo, giết chết hoặc lôi cuốn hàng tỷ người vào cảnh lầm than, thống khổ hàng hai phần ba thế kỷ…
Chẳng những thế, càng về sau sự rối loạn của thế giới loài người càng phức tạp, càng tinh vi, càng khó chữa trị.
Bởi đó, chúng tôi mạnh dạn đề nghị với người Việt trong nước cũng như ở hải ngoại, hãy can đảm ngồi lại với nhau, tháo gỡ mọi hận thù dĩ vãng, mọi dị biệt tư tưởng để hướng về một Việt Nam sáng ngời trong tương lai:
VI/2.- XIN XEM ĐƯỜNG TA ĐI NHƯ GỢI Ý CHO MỘT LỘ TRÌNH SƠ THẢO
Hãy chấp nhận và quyết tâm xây dụng một quốc gia Nhân chủ, Nhân trị, Tự do, Dân chủ và Bình sản cho tổ quốc, dân tộc Việt Nam.
Dựa trên năm nguyên lý căn bản như sau:
VI/2A.- NGUYÊN LÝ NHÂN CHỦ
Mẫu người Nhân chủ là mục tiêu để chính quyền dẫn dắt, giáo dục toàn dân noi theo đồng thời là nền móng để tiến tới xã hội nhân bản toàn diện. Xã hội này được xây dựng trên ba yếu tố chính:
1: Lấy con người làm căn bản, mọi vấn đề đều khởi điểm từ con người trên căn bản Nhất nguyên Lưỡng cực. Con người làm chủ Giao ước để có xã hội trật tự. Giao ước đó được xây dựng trên năm đức tính căn bản: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
2 : Con người là sự kết hợp hoàn thiện giữa thể xác và tinh thần mà đỉnh cao là con người Nhân chủ. Lấy con người Nhân chủ làm đối tượng phấn đấu để góp sức cùng nhau xây dựng xã hội hoàn thiện đó là xã hội Tự do, Dân chủ, Nhân trị và Bình sản.
3: Con người Nhân chủ ngoài sự phấn đấu để trở thành mẫu người hoàn thiện nghĩa là làm chủ bản thân, làm chủ công ích, công sản, quốc ước, thiên nhiên… còn có một đời sống tư riêng, đó là đời sống tinh thần. Biểu hiệu của đời sống tinh thần là: đạo đức, luân lý, lương tri, tín ngưỡng tâm linh, tiềm thức… Đề cao và cổ vũ đời sống tinh thần, một trong hai cực nền tảng của triết lý Nhất nguyên Lưỡng cực. Đây là đường lối hay nhất tạo sự quân bình trong cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình dòng tộc hay từng cộng đồng trong xã hội.
Nói chung, con người Nhân chủ là tự mình biết phấn đấu sống theo đạo lý gọi là quốc đạo, tự mình kềm chế các tính hư nết xấu và tự mình chăm lo cho cuộc sống của mình, từ đó con người mỗi ngày một trở nên hoàn thiện hơn.
Khi xã hội đã có những bước tiến vững vàng, mẫu người Nhân chủ tiến thêm một bước cao hơn. Đó là con người toàn thiện với Tam tính: tính Dũng, tính Trung dung và tính Thích nghi để xã hội có thái hòa. (Xin xem thêm Mục III/6.- “Thương Em Từ Thủa Tiên Rồng, Tiểu mục III/6B)
VI/2B.- NGUYÊN LÝ NHÂN TRỊ
Nhân trị là trị nước theo cái đức của người, dùng nhân ái để cảm hóa con người cởi bỏ điều xấu, thi hành điều tốt. Chế độ Nhân trị dùng Quốc ước thay cho Hiến pháp. Quốc ước tức là giao ước của toàn dân, do Quốc hội soạn thảo và Tổng thống ban hành. Triết lý Nhất nguyên Lưỡng cực là minh triết chủ đạo trong việc xây dựng và lãnh đạo quốc gia xã hội, nền tảng thiết lập Quốc ước, trong đó, mọi vấn đề phải được giải quyết linh động, hợp tình, hợp lý tùy theo mỗi trường hợp. Quốc ước có khen thưởng có khuyên răn và trách phạt chứ không cứng ngắt một chiều suy lý và xử phạt tính theo suy luận và cân đo mang dạng toán học của các tòa án dựa vào Hiến pháp và Luật pháp hiện nay.
VI/2C.- NGUYÊN LÝ DÂN CHỦ
Một trong những hình thức chính quyền mà điều đặc trưng là việc tuyên bố chính thức và thực hiện trọn vẹn nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số cũng như thừa nhận quyền tự do và bình đẳng của mọi công dân.
Toàn dân làm chủ quốc gia. thể hiện vị thế làm chủ bằng ứng cử và bầu cử tự do trong các cuộc đầu phiếu trên toàn quốc để chọn ra các cơ cấu lãnh đạo quốc gia gồm ba cơ quan: Lập ước, Hành ước và Tôi cao Quốc ước.
Ở các địa phương như tỉnh, quận, làng xã, phường hay thành phố, thị trấn… các cơ cấu điều hành đều do người dân bầu ra. Tất cả mọi chức vụ dân cử đều có nhiệm kỳ cố định do Quốc hội Lập ước quyết nghị, Hành pháp ban hành và Tối cao Quốc ước minh chứng.
VI/2D.- NGUYÊN LÝ TỰ DO
Tự do trong ý thức Nhân chủ
Tự do trong niềm tin, quý trọng và yêu thương Quốc ước
Tự do theo bản tuyên ngôn nhân quyền Liên hiệp quốc.
VI/2E.- NGUYÊN LÝ BÌNH SẢN
Hạnh phúc lâu bền và thực sự của xã hội, luôn luôn phải được xây dựng trên hai yếu tố: Đời sống no ấm và tinh thần an nhiên tự tại của một người có ý thức Nhân chủ thực sự. Muốn có ấm no, an nhiên tự tại cho người dân… Quốc gia phải tạo điều kiện hợp tình hợp lý cho người dân có công việc làm ăn, đồng thời hạ thấp cách biệt giàu nghèo và ngăn chặn cảnh người bóc lột người, hà hiếp người.
Để thực hiện chủ trương bình sản, chúng tôi xin gợi ý vài điểm chính:
- Chuyển hướng dần thói quen cá nhân chủ nghĩa, anh hùng chủ nghĩa trở thành mẫu người phát triển cộng đồng°
° Phát triển cộng đồng tức là vận động, hướng dẫn, giúp đở, mở rọng thêm nhiều lãnh vực sinh hoạt trong xã hội để vận động người dân tham gia các công tác cộng đồng trong các lãnh vực xã hội, bác ái, công ích… Nói chung, đó là tất cả mọi người cùng chung sức nhau mở mang tiện ích, mở rộng kiến thức làm cho đời sống người dân trong khu vực hướng thiện, tốt đẹp hơn.
- Thay đổi dần cách làm ăn cá thể bằng hợp tác công ty có tính cách đại chúng hay gia tộc, đồng hương, đồng nghề, đồng phái tính, đồng đạo, đồng môn…
- Mọi công nhân đều có quyền lợi trên tài nguyên và tài sản mà họ đã tham gia góp công, góp của để kiến tạo. Từ đó họ được chuyển đổi dần dần để trở thành thành viên có quyền lợi trong công ty mà họ đã cộng tác.
- Phân chia lại ruộng đất và yểm trợ tích cực cho nông dân phát triển nông nghiệp. Chúng tôi xin gợi ý một số phương cách như sau:
1) Nông dân lãnh ruộng của địa chủ, chính phủ, làm rẽ và đóng địa tô cho chủ trong một thời gian nhất định. Sau đó, phần ruộng làm rẽ ấy sẽ thuộc quyền sở hửu của người nông dân ấy với sự giúp đỡ tích cực của chính quyền trung ương và địa phương.
2) Nông dân góp ít nhất là 1/10 tiền đất, chính quyền cho vay với lãi xuất nhẹ số tiền còn lại để mua đứt thửa ruộng. Sau đó nông dân sẽ trả góp trở lại chính phủ cho đến khi hết nợ.
3) Ấn định mỗi địa chủ chỉ được giữ một số đất tối đa, số còn lại phải bán cho chính phủ theo hình thức mua quốc trái. Chính phủ cung cấp đất ấy cho nông dân canh tác.
Các công tác đào kinh dẫn nước nhập ruộng, rửa phèn, xã mặn, phân bón, thuốc sâu rầy, hạt giống tốt, cung cấp các loại thiết bị, máy móc cơ khí nông nghiệp… cho đến việc tổ chức các khóa huấn luyện cán bộ nông nghiệp đều phải được chính quyền chuyên tâm chăm sóc lo lắng.
VI/3.- XÂY DỰNG CON NGƯỜI VÀ XÂY DỰNG XÃ HỘI
Những ý kiến trên chỉ là khái niệm tổng quát suy ra từ kiến thức rất hạn chế của người viết về vấn đề nông nghiệp trong việc xây dựng đời sống ấm no cho người dân. Chúng tôi tin rằng, các chuyên gia về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, kỹ nghệ, xã hội, chính trị… với kinh nghiệm và tài năng sẵn có, chắc chắn có thể vạch ra được con đường xây dựng bình sản hợp tình hợp lý để xây dựng đất nước theo chiều hướng mới.
Hãy hướng về một Việt Nam ngày mai bằng một chương trình xây dựng đất nước song song trên hai lãnh vực quan trọng nhất của loài người, đó là nhân văn và xã hội, bằng quyết tâm:
XÂY DỰNG CON NGƯỜI và XÂY DỰNG XÃ HỘI
Hãy nâng cao công tác xây dựng con người lên hàng quốc sách. Hãy thành lập ngay một cơ quan nghiên cứu và chỉ đạo văn hóa như một hàn lâm viện với các khả năng đại học chuyên ngành với sự tham gia của những triết gia, học giả, giáo sư, nhà văn, nhân sĩ, tu sĩ… thiết tha với tổ quốc dân tộc, có khả năng, đạo đức, uy tín và nhất là chấp nhận đường lối chung trong công tác dựng nước này.
Thành viên của Hàn lâm viện phải được tổng thống tuyển chọn và quốc hội tấn phong. Họ có thể bị quốc hội biểu quyết yêu cầu từ tức hoặc bãi nhiệm với sự đồng thuận của tổng thống nếu họ phạm lỗi. Bình thường, họ sẽ làm việc liên tục cho đến ngày về hưu.
Nhiệm vụ của các Hàn lâm viện là nghiên cứu kế hoạch, chương trình giúp đở chính phủ dẫn dắt quốc gia xây dựng một xã hội nhân bản toàn diện qua mẫu người nhân chủ. Đào tạo cấp thời các cán bộ văn hóa để đáp ứng nhu cầu trên toàn quốc.
Để đạt được thành quả, lẽ dĩ nhiên chương trình hoạt động phải qua nhiều giai đoạn đào tạo, xây dựng. Phải đi từ dễ đến khó; từ thấp lên cao; từ đơn giản đến đa diện. Khoa học có thể đánh giá khả năng hoặc kiến thức của mỗi người, nhưng đạo đức, luân lý, tâm linh… vốn thuộc hệ thống tinh thần, trừu tượng, có tổ chức thi cử thì cũng chỉ cân đo được cái bên ngoài mà thôi. Còn nội tâm thì chỉ thể hiện lâu dài trong đời sống của mỗi người.
Cụ thể trong việc xây dựng người, hãy xử dụng ngay các loại trường tiểu, trung, đại học trên toàn quốc; các trường chuyên ngành, các lớp đào tạo nhân viên, cán bộ, công nhân; Các trường huấn luyện quân đội, cảnh sát, hàng hải, hàng không, kiểm lâm, quan thuế, y tế xã hội, điều dưỡng… để làm phương tiện truyền đạt, giáo dục, huấn luyện
Cao nhất là mở thêm các phân khoa đại học triết Việt nhằm cung ứng cho quốc gia các cử nhân triết, tiến sĩ triết… nhất định không bỏ sót một cơ hội nào cho việc truyền bá quốc đạo.
Kế hoạch phải khởi đầu từ cơ quan các ngành cao nhất của quốc gia từ trung ương ra dần các tỉnh, quận, làng, phường… Tất cả mọi nhân viên chính quyền đều phải tham gia học tập, nghiên cứu, thảo luận và thực thi đạo lý trước tiên trên chính bản thân, gia đình và công việc làm của mình.
Đối với đại chúng, cần xử dụng mọi phương tiện truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, bích chương, biểu ngữ, truyền đơn… chọn những câu ca dao, tục ngữ, chuyện cổ, thi ca thích hợp với đạo lý. Đặt các giải thi đua viết chuyện ngắn, chuyện dài, kịch bản, truyện phim, thơ, văn, ca nhạc, thể dục, thể thao… phổ biến rộng rãi từ thành thị tới thôn quê, từ duyên hải lên miền ngược… tạo thành một phong trào truyền thống đi sâu vào mọi sinh hoạt hàng ngày của đại chúng, dần dần trở thành thói quen, nền nếp, thâm nhập vào tiềm thức người dân.
Trong rừng nhân thoại (vẫn thường gọi là huyền thoại), truyện cổ, ca dao, tục ngữ hay trong thi ca… lẫn lộn bên những lời di huấn của tổ tiên, vẫn không thiếu những hủ tục mê tín, dị đoan hoăc những quan niệm dị biệt của văn hóa ngoại lai… Cần được tẩy rửa để vừa đem lại tính hoàn mỹ của quốc đạo vừa dễ dàng hòa nhịp với văn minh nhân loại ngày nay.
Hãy lập những hệ thống cấp bằng, tưởng lệ, sắc phong… cho cá nhân, tập thể, địa phương có thành tích tiến bộ trong việc giữ gìn và phát triển đạo lý. Những bằng, sắc phong, tưởng lệ này nên kèm theo một số tưởng thưởng vật chất và tinh thần do chính quyền hoặc tư nhân biếu tặng. Chẳng hạn được mời làm khách danh dự trong các dịp lễ, tiếp tân, thi đấu thể dục thể thao, hội Tết… tại địa phương hoặc thủ đô; Tặng vé du lịch, phụ cấp học bổng, thẻ giảm giá mua hàng, công nhân viên, quân nhân, công chức… được tăng lương, lên cấp, tù nhân được giảm án…
Trong lãnh vực công kỹ nghệ, thương mãi hay tuyển sinh tham dự huấn nghiệp các ngành hãy đề cao giá trị đạo đức và nhân tính làm nền tảng tuyển chọn thành viên cũng như làm nền tảng xét xử khi có tranh chấp hay sai phạm…
Hãy đề cao gia đình, hội đồng chi tôc, gia tộc và dành cho họ phần nào quyền giải quyết những vấn đề trong phạm vi gia đình, dòng tộc liên quan đến việc Hộ (Thuộc về tài sản, vườn đất, thuế má, sinh tử, giá thú, gia tộc, dòng tộc, quyền thừa kế…). Khi gia đình, gia tộc… không giải quyết được mới dùng đến công lý của tòa Quốc ước.
Tinh thần Nhân chủ nội trị của làng, xã cần phải được chính quyền cấp cao hơn tôn trọng; ngược lại, làng xã phải thi hành các chủ trương, đường lối của chính quyền cấp trên. Trường hợp có mâu thuẫn không giải quyết được, tòa Quốc ước các cấp sẽ ra quyết nghị xác minh ai đúng ai sai. Một khi nội vụ lên tới tòa Tối cao Quốc ước thì toàn quốc phải tuân hành mọi phán quyết của tòa này.
VI/4.- QUAN NIỆM HỌC ĐƯỜNG MỚI
Gần cả trăm năm nay, nền Giáo dục Việt Nam chạy theo khuôn mẫu học đường Âu Mỹ với một số thay đổi tùy theo chủ trương của mỗi chế độ (Thực dân, Quốc gia Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa, Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Đã đẩy học sinh, sinh viên và xã hội chạy theo quan niệm Nhân bản Suy lý, và Duy Vật của Âu Mỹ. Do vậy các bộ môn quan trọng, liên hệ đến đời sống con người như Công dân Giáo dục, Sinh hoạt Thanh niên, Nghệ thuật và lan đến cả các môn Sử ký, Địa lý, Văn chương… bị xem thường một cách tệ hại. Đó là một điều cực kỳlầm lẫn. Học sinh, sinh viên Việt Nam không nhiều thì ít đã vong thân ngay khi bước chân tới cổng trường.
Bởi đó, trong lãnh vực văn hóa giáo dục, học đường là một đại bộ phận trong công việc xây dựng con người Nhân chủ. Để mạnh bước trên con đường xây dựng lại đất nước, xin hãy thay đổi quan niệm coi thường các môn học thuộc bộ môn Văn chương, nhất là đối với môn Công dân, Sinh hoạt thanh niên và Sử, Địa. Đề cao và cổ vũ các môn học này đồng thời lợi dụng các môn còn lại như Văn, Sinh ngữ, Nghệ thuật, Âm nhạc… để đưa chủ đề Nhân chủ cho học sinh, sinh viên nghiên cứu, thảo luận, làm bài, học bài…
Chúng tôi đề nghị dùng danh xưng Nhân chủ thay cho môn học Công dân và danh xưng Nhập thế thay cho môn học Sinh hoạt thanh niên. Giáo sư môn Nhân chủ sẽ giảng dạy phần lý thuyết còn môn Nhập thế sẽ thực hiện bài học vào đời sống thực tế. Như thế, hai môn học này sẽ cùng chung một chương trình, giáo án mà giáo viên hay giáo sư phải hỗ trợ, bổ túc cho nhau trong suốt cả niên học. Ở bộ môn Nhập thế, thầy giáo sử dụng ngay bối cảnh xã hội ở địa phương để dẫn dắt học sinh bằng những bài học phát triển cộng đồng, bảo vệ môi sinh, giúp ích xã hội, quan sát và suy luận, thích nghi hoàn cảnh…
Để học sinh tích cực tham gia môn học “Làm người” cực kỳ quan trọng này, nên dựa theo các sinh hoạt của tổ chức Hướng đạo Việt Nam, Hướng đạo Thế giới bằng những trò chơi giáo dục, cắm trại, lửa trại, thám du, trại bay… với những bài học “chuyên môn Hướng đạo” chẳng những giúp cho thanh thiếu niên dễ dàng thích ứng và đối phó trong mọi hoàn cảnh còn tạo nên những mẫu người Nhân chủ rất đáng mến từ khi còn nhỏ tuổi.
Hiện thực tư tưởng Nhân chủ trong Học đường sẽ đem lại những kết quả chắc chắn, hiệu quả sẽ xuất hiện sau vài năm. Chẳng những thế, nó ảnh hưởng dây chuyền đến mỗi gia đình, dòng tộc, làng xóm… một cách nhẹ nhàng nhưng rất thiết thực.
Môn học Nhân chủ có thể khởi sự từ lớp ba tiểu học và chấm dứt ở lớp 12 trung học. Nếu tính mỗi tuần lễ có 1 giờ học Nhân chủ và 2 giờ học Nhập thế thì từ lớp 3 đến lớp 12 sẽ có trên 1000 giờ học lý thuyết và thực hành cộng thêm 1000 giờ ôn học ở nhà. Đó là chưa kể ở các môn khác như Văn, Sử, Địa, Nghệ thuật, Âm nhạc… học sinh cũng có nhiều cơ hội thảo luận, nghiên cứu, làm bài… những vấn đề liên quan đến mẫu người Nhân chủ.
Thiết tưởng, hàng năm đất nước chúng ta sẽ có nhiều trăm ngàn công dân ra trường với hành trang hàng ba, bốn ngàn giờ tu luyện làm Người, chắc chắn khối nhân lực đông đảo này sẽ là những nhân tố cực kỳ hữu ích thúc đẩy xã hội, đất nước tiến tới con đường Nhân chủ, Nhân trị.
Nhiệm vụ Học đường còn cần quan tâm tới môt vấn đề quan trọng không kém, đó là công tác gột rửa, xóa bỏ một số thói quen trong đại chúng và hầu như trở thành cá tính của dân tộc từ sau hơn 1000 năm chịu đựng ách nô lệ Hoa tộc và 1000 năm độc lập dưới các nền quân chủ chuyên chế, thực dân Pháp đô hộ và Cộng sản toàn trị. Những cá tính đó chính người Việt cũng tự thấy với nhau. Sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược đã viết: “Người Việt Nam có tính quỷ quyệt, hay nhạo báng, bài bác. Tâm địa nông nổi, liều lĩnh, thiếu kiên nhẫn. Hay khoe khoang, thích danh vọng, ham chơi bời cờ bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, kiêu ngạo và hay nói khoác…
Chẳng những thế, với một dân tộc đất ít, người đông, quanh năm bão lụt, hạn hán phũ phàng; địa thế lại nằm trên một tọa độ nối liền các khu vực sầm uất: lục địa Trung Hoa ở phía Bắc, quần đảo Đông Á ở phía Đông, Lục địa Ấn Độ cùng với bán đảo Malaysia, Thái Lan, Miện Điện, Lào và Cambodia ở Tây Nam. Việt Nam trở thành một vùng đất trung tâm cho mọi dòm ngó, chiếm đoạt. Trong hoàn cảnh phải tranh thủ từng giờ, từng ngày để sống còn, người Việt không ít thì nhiều học theo những thủ đoạn “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”. Khiến cho nhân phẩm con người mỗi ngày một lụn bại.
Dù sao, người Việt cũng đã được nhiều báo chí ngoại quốc chú ý ca ngợi như: Lòng can đảm, thông minh, tính hiếu khách rất cao, tính thương người, dễ mủi lòng trước niềm đau của kẻ khác, có hiếu với cha mẹ, ông bà…
Dù khen hay chê, công tác gột rửa những cá tính bất thiện hoặc thiếu lòng khiêm tốn, vị tha, bác ái… nói trên phải được hệ thống trường học lưu tâm uốn nắn ngay từ khi các cháu học sinh bước vào dưới cổng nhà trường. Hai môn học Nhân chủ và Nhập thế sẽ là những chất xúc tác quan trọng để chuyển hướng từ cái thiếu thiện lên cái hoàn thiện một cách cụ thể. Để rồi sau một thời gian, những cá tính tốt đẹp của người Việt cổ dần dần ăn sâu vào tâm thức người Việt ngày nay đồng thời phát triển vững mạnh và lâu dài trong sinh hoạt quốc dân.
Trong phạm vi tín ngưỡng tâm linh, tôn giáo là những thực thể vô giá trong công cuộc xây dựng con người trở nên lương thiện và duy trì sự ổn định vững chắc trong cộng đồng xã hội. Đồng thời là một sự cân bằng tuyệt diệu làm cho đời sống con người dễ dàng thích nghi trong nhiều hoàn cảnh phức tạp. Chẳng những Quốc ước chấp nhận và cổ vũ tự do tôn giáo mà còn tạo sự hỗ tương đằm thắm giữa các tôn giáo. Chính quyền cần thường xuyên quan tâm trợ giúp cũng như thăm dò ý kiến các tổ chức này trên nhiều lãnh vực từ xây dựng đến lãnh đạo đất nước.
Các ý kiến nêu trên chỉ là muôn một trong công tác xây dựng một xã hội Nhân bản Toàn diện bằng mẫu người Nhân chủ và chế độ Nhân trị. Đây là một cuộc cách mạng vĩ đại, một cuộc cách mạng văn hóa vô cùng thiết thực, chuyển đổi con người từ vị thế vong thân qua vị thế Nhân chủ.
Triết gia Lương Kim Định cho rằng: “Cuộc cách mạng văn hóa này, chẳng những riêng cho dân tộc Việt Nam mà còn là khởi điểm cho nhân loại ngày nay”.
Người xưa nói: “Trăm năm trồng người” có nghĩa là thực hiện một kế hoạch cải tổ văn hóa phải liên tục áp dụng trên nhiều thế hệ và phải mất hàng trăm năm mới có thể tạo thành thói quen, truyền thống trong xã hội. Tuy nhiên thời thế hiện nay đã khác ngày xưa rất nhiều, kế hoạch trồng người của chúng ta chỉ mất khoảng mười lăm, hai mươi năm thì có thể đã thấy kết quả.
Tại sao? Xin thưa ngày nay là thời đại mà tin tức chỉ cần vài phút, vài giờ là cả nước, cả thế giới đều biết. Ngày nay toàn dân đều đi học, nhân lực và phương tiện truyền bá vô hạn và hơn hết là dân trí và nếp sống người dân đã vượt lên rất cao so với thế kỷ trước. Đó là những điểm vô cùng thuận lợi để chúng ta áp dụng thuật trồng Người vậy.
Phải đưa kế hoạch Trồng Người ấy vào Quốc Ước để nó không bị làm mất sự liên tục vì nhiệm kỳ của cơ quan Hành Pháp thường chỉ có 4, 5 năm với những chủ trương đường lối riêng biệt của các vị Tổng Thống hoặc đảng phái của vị Tổng thống đương nhiệm ấy.
VI/5.- TỔ CHỨC CÁC LỄ HỘI QUỐC GIA
Chúng tôi xin đề nghị thiết lập năm ngày lễ mang sắc thái văn hóa truyền thống mới trong sinh hoạt lễ hội của quốc gia:
- NGÀY NHÂN CHỦ: Nếu chọn cùng một ngày với lễ kỷ niệm đức Khổng Phu Tử thì hợp tình nhất.
- NGÀY DÂN CHỦ: Có thể tổ chức trước ngày tông tuyển cử các cơ chế quốc gia một vài ngày, nhân dịp này chính quyền vận động nhân dân tham gia đầu phiếu.
- NGÀY TỰ DO: Có thể tổ chức cùng một ngày với ngày Quốc tế Nhân quyền
- NGÀY BÌNH SẢN
- NGÀY QUỐC ƯỚC
Vào năm ngày truyền thống này, chính quyền và toàn dân tổ chức những sinh hoạt đặc thù truyền thống dân tộc như hội hè, ca múa, liên hoan, thi đấu thể dục, thể thao, tuyển chọn học sinh, sinh viên, học viên xuất sắc trên mỗi lãnh vực… phối hợp với những buổi học tập, hội thảo, thuyết trình… theo chủ đích của ngày hội. Vào dịp này, chính quyền các cấp trao tặng các cơ quan, đoàn thể, cá nhân xuất sắc… các cấp bằng, sắc phong, tưởng lệ và các phần thưởng có giá trị thiết thực để nâng cao tinh thần dân chúng.
Hãy yểm trợ tích cực cho các đoàn thể có chủ trương cổ súy đạo lý và truyền thống văn hóa dân tộc. Quan tâm đến việc thành lập các đoàn thanh niên nam, nữ nhằm phát triển Quốc đạo, Việt đạo… hoặc vận động các đoàn thể đã có quá trình hoạt động hữu hiệu như: Hướng đạo Việt Nam, Thanh niên Thiện chí, Gia đình Phật tử (Phật giáo), Thiếu nhi Thánh thể (Công giáo), Hướng đạo đoàn (Cao Đài), Thiếu niên Tin Lành, Vô vi Nam… nêu cao tinh thần xây dựng đất nước và phát triển Đạo lý Việt tộc.
Hãy thường xuyên mở ra các cuộc hội thảo để toàn dân có sự hiểu biết sâu rộng các hoạt động của quốc gia, các sinh hoạt của gia đình, dòng tộc, xóm phường, làng xã… Giúp mọi người ý thức vững vàng thế nào là Nhân chủ, Dân chủ, Tự do, Bình sản, Quốc ước và các cơ cấu quốc gia, nhất là các tòa Quốc ước trong xã hội Nhân trị.
Chuyện cổ, Ca dao, Phong dao, Tục ngữ, Hò, Vè… truyền thống làng xã, gia đình, dòng tộc, kinh điển, di vật cổ, nghi lễ, đạo đức, luân lý… nói chung là văn hóa truyền thống Việt mà chúng tôi đã đề cập trong sách này y hệt như mỏm nhô của những tảng băng trên mặt đại dương. Bảy phần tám của những tảng băng này chìm dưới mặt nước, chỉ có mỏm tảng băng nhô lên trên mặt nước mà thôi. Bảy phần tám nằm dưới mặt nước ấy đúng là nền tảng, là căn bản, là cái “đế” vô cùng quan trọng mà chúng ta không thấy được, nhưng chúng ta biết chắc rằng cái “đế” ấy đang nằm đó.
VI/6.- TỔNG LUẬN
Kể từ khi Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ Trung Hoa, dân tộc ta hầu như chưa bao giờ lấy lại được phong độ của một nước Nhân chủ, Nhân trị. Ảnh hưởng của văn hóa du mục Hoa tộc với chế độ quân chủ chuyên chế đã như một sợi xích kiên cố kéo dân tộc ta đi theo con đường đầy hiểm trở và bất trắc. Để rồi tổ quốc chúng ta, dân tộc chúng ta cứ phải trồi lên hụp xuống theo những chu kỳ thịnh suy của mỗi dòng họ vua chúa. Nếu không thì cũng nồi da xáo thịt, ngoại bang xâm lấn.
Nhiều học giả cho rằng, đấy là quy luật, là bánh xe lịch sử… Chúng tôi không nghĩ như thế, và cho dù là quy luật, là bánh xe lịch sử thì đó cũng chỉ áp dụng cho những giai đoạn đất nước đặt dưới quyền cai trị của chế độ quân chủ chuyên chế. Ở những nước có dân chủ có tự do, thực sự đã chứng minh được điều đó: Đất nước họ không còn bị cái hỗn loạn của “những ông vua cuối cùng của dòng họ trở nên hư đốn, sa đọa… gây tai họa cho đất nước” vốn là đặc tính của nền quân chủ chuyên chế trước đây. Tuy nhiên, đất nước họ lại gặp cái hỗn loạn khác, phản ảnh của xã hội Nhân bản một chiều suy lý như đã trình bày.
Lại kể từ khi cất bước lưu vong trên đất khách, nhìn thấy đất nước người giàu mạnh nhưng dân chúng thì luôn luôn bất mãn, tinh thần sa sút, luân thường đạo lý suy đồi. Đời sống người dân nhiều âu lo, gia đình bất trắc, xã hội lọc lừa, mạnh được yếu thua… Vậy thì họ thiếu cái gì ngoài cái giàu mạnh sung mãn đó?
- Rõ ràng dân tộc Việt Nam có một triết lý siêu Việt mà nhân loại ngày nay đang thiếu.
- Rõ ràng dân tộc chúng ta may mắn được tổ tiên để lại một di sản vô cùng quý báu mà chúng ta coi thường, bỏ xó suốt nhiều ngàn năm!
- Rõ ràng cả thế giới đang hướng về Đông Á, đang chúi mũi vào tủ sách Khổng Nho, vào những di vật cổ đại như trống đồng, khạp đồng, vào truyện cổ, huyền thoại, ca dao tục ngữ, vào truyền thống xã hội làng xã… tìm tòi gạn lọc một cách khó khăn nhưng đầy tin tưởng và thống khoái.
- Rõ ràng người Trung Hoa cổ đã dại dột đem trộn lộn truyền thống du mục của họ với nền văn hóa tuyệt diệu của tổ tiên Việt tộc khiến xã hội Trung Hoa suốt nhiều ngàn năm cứ vật vờ trong cái vòng lẩn quẩn “bạo chúa kế tiếp anh quân, minh vương nhường ngôi ác đế” làm cho nền tảng Nhân trị của Việt tộc không phát huy được chân giá trị của nó.
- Rõ ràng việc xây dựng một xã hội Nhân chủ, Nhân trị, Dân chủ, Tự do và Bình sản là một việc làm cấp thiết không thể thiếu được trong chính sách của bất cứ chính quyền nào hiện nay hay sắp tới của quốc gia Việt Nam.
Thưa quý độc giả,
Ngày nay, cho dù đứng ở vị trí nào, người có tư tưởng Quốc gia hay theo chủ nghĩa Cộng sản đều không khỏi thấy lòng nặng chĩu cay đắng, tủi nhục, đau thương cho quê hương Việt Nam. Bởi vì cảnh người bóc lột người, dối trá, lường gạt, tham nhũng, phạm pháp… đã xem ra như một chuyện thường tình của người dân trong xã hội Việt Nam ngày nay.
Toàn bộ tập sách Đường Ta Đi quý độc giả vừa đọc là những ý kiến được quy góp từ nhiều tài liệu quý giá của nhiều triết gia, học giả hằng quan tâm đến vận mệnh của đất nước. Người viết chỉ làm công việc sưu khảo, suy luận, liên kết và hệ thống hóa tạo thành một tổng luận, một hướng đi mà người viết tin chắc rằng sẽ đưa Việt Nam thoát khỏi giai đoạn tang thương chồng chất hiện nay.
Đức Khổng Phu Tử trước khi nhắm mắt lìa trần, đã nói một câu cuối cùng với học trò của ngài:
Xuất kỳ ngôn thiện, tắc thiên lý ứng chi”.
Nói ra một điều lành, thì trời cũng ứng theo.
Tôi thấy đây là một chuyện ích quốc, lợi dân đáng làm, phải làm thì đem hết tâm lực xông pha vào việc công ích mà không ngại cam khổ.
Tôi chân thành gửi đến quý độc giả suy tư tôi viết trong cuốn sách này bằng một niềm tin bất diệt rằng:
Con đường duy nhất dẫn đưa dân tộc Việt Nam tiến lên thanh bình, hạnh phúc và thịnh vượng lâu dài nhất định phải kết hợp giữa văn minh Tây phương cùng với những đường lối mà Tổ tiên chúng ta đã thực hiện thời trước. Những kinh nghiệm sống ấy không phải thành hình sau một vài trăm năm mà phải trải qua hàng năm bẩy ngàn năm miệt mài tìm kiếm mới có được. Cả một kho tàng tư tưởng thân yêu, hợp tình hợp lý ấy, chúng ta đành đoạn dứt bỏ để chạy theo cái văn hóa đang là niềm đau của xã hội loài người hiện nay sao?
Xin hãy cùng nhau hướng về tổ quốc yêu thương, đem chân tình mà đãi thiên hạ, thì dẫu về sau có gặp được tổ tiên, có nhìn ra nhau là con cháu Lạc Hồng thì lòng cũng mãn nguyện rằng ta đã đi đúng đường vậy.
Mong lắm thay!
USA, ngày 01 tháng 7 năm 2003
An Phong Nguyễn Văn Diễn