Chương V
Chân thiện mỹ trong chuyện ÔNG BÀN CỔ

V/1.- NGUỒN GỐC

    
ên “Ông Bàn Cổ” còn gọi là Ông Bàn Hồ hay Ông Bàn Vũ hay Ông Bành Tổ… xưa nay ai cũng nói là người Tầu, riết rồi thành nếp, hễ ai nói khác là sai. Sự thực đây là một truyện là của dân tộc Dao° ở Quảng Tây đã được một viên quan Tầu tại quận Uất Lâm tên Từ Chỉnh đời Tam quốc sao chép (quá trể) vào sách Tam Ngũ Lược Chí năm 225 sau CN. Chúng ta đã biết, từ thời nhà Hán trở về trước, đất Quảng Đông và Quảng Tây tức là Lưỡng Quảng cũng gọi là Lưỡng Việt. Đất Quảng Tây có hai quận Uất Lâm và Thương Ngô vốn là hai quận trong tổng số chín quận nước ta thời nhà Triệu (179-111 tr.CN) trở về trước.
Năm 111 tr. CN nước ta bị nhà Hán (Hán Vũ Vương) xâm lược và đô hộ. Thời đó, đa số các tộc họ người Dao cư trú ở quận Uất Lâm. Người Dao thuộc chủng Bách Việt cũng như các tộc họ khác Mường, Mán, Thái, Lô Lô… mà người Trung Hoa cổ gọi chung là Man di, Nam man.
° Người Dao là một dân tộc khá đông dân, ngày nay họ sống rải rác từ các tỉnh phía Nam nước Tầu, suốt dọc biên giới Hoa Việt, vùng thượng du Bắc Việt xuống tới các tỉnh phía Bắc của miền Trung Việt Nam. Đời sống và tổ chức xã hội của họ gần giống người Mường. Những năm 1961- 63, khi còn làm phụ tá quản đốc các đồn điền chính phủ ở Banmêthuột, Darlac, người viết có nhận một số người Dao, Mường, Mán… di cư từ Thanh Hóa, Nghệ An vào làm việc cho đồn điền. Họ nói tiếng Việt với nhiều thổ ngữ rất khó nghe.
Sách Lịch sử Việt Nam của nhóm sử gia Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh ghi: “Giang Nam, vùng đất ở phía Nam sông Trường Giang, ngoài hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây còn có vài tỉnh khác nữa, đến cuối Hậu Hán, cư dân Thái, Dao, Mèo, Tạng, Miến… vẫn chiếm đa số phần lãnh thổ. Lúc đầu cư dân Trung Hoa tập trung ở đồng bằng hạ lưu Dương Tử… Dần dần Hoa tộc đẩy các cư dân này bị dồn lên miền núi và gọi là “Sơn Việt”. Các cư dân Sơn Việt này dần dần đồng hóa thành Trung Hoa…”
Chính người Trung Hoa cổ khi chọn chuyện này làm thời điểm khai thiên lập địa và khởi nguyên của con người, cũng đã chủ tâm đặt trước nhiều chuyện cổ khác… cho đến khi vua Hoàng Đế (Hiên Viên) lập quốc là năm 2.704/TCN.
Chẳng riêng gì chuyện BÀN CỔ, những chuyện khác như NỮ OA, PHỤC HI… đều phản ảnh tư tưởng nông nghiệp xuất phát từ các dân tộc ở miền Nam Trường Giang đã cho chúng ta một giải đáp khá rõ ràng về nguồn gốc của chúng. Toàn bản văn cổ chuyện Ông BÀN CỔ được viết thành từng câu 4 chữ như sau:
Hỗn mang chi sơ
Vị phân Thiên Địa
Bàn cổ thủ xuất
Thủy phân âm dương
Thiên khai ư Tý
Địa tịch ư Sửu
Nhân sinh ư Dần
…..
Bản dịch:
Thái hoang ban sơ
Trời đất chưa phân
Bàn Cổ ra tay
Trước phân âm dương
Khai Trời giờ Chuột
Dựng Đất giờ Trâu
Sinh Nguời giờ Cọp° …
° Tý, sửu, dần là 3 con thú đầu trong số 12 con thú biểu tượng của 12 năm để tính thời gian của văn hóa Bách Việt từ thời đại Phục Hy.
Sách kể rằng mỗi ngày ông Bàn Cổ biến đổi chín lần, mỗi lần cao thêm 10 thước. Khi ông lớn lên bao nhiêu thì đất dầy thêm bấy nhiêu, trời cao thêm bấy nhiêu. Ông Bàn Cổ sống tới 18.000 năm nên đất cực dầy, trời cực cao, còn thân hình ông thì cực kỳ to lớn. Khi ông khóc, nước mắt chảy ra làm thành những dòng sông lớn. Hơi thở của ông là gió và khi ông liếc mắt nhìn đây đó thì tạo ra chớp nháy trên trời. Lúc ông vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc thì trời đất êm đềm, khí hậu tốt đẹp. Lúc ông buồn rầu, đau ốm thì mây mù phủ kín, trời đất ảm đạm, lạnh giá; lúc ông giận dữ, thì mưa gió, bão bùng, sấm sét, lụt lội tràn ngập khắp nơi. Đầu đội trời, chân đạp đất, ông sống an nhiên tự tại và xử dụng thiên nhiên để làm cho đời sống của ông mỗi ngày một thêm tốt đẹp.
Khi ông chết, xác ông rã ra từng mảnh làm thành những vùng đất núi lớn trong Thiên hạ. Máu, mỡ chảy ra thành biển cả, hồ, ao. Hai con mắt ông trở thành mặt trăng và mặt trời. Lông, tóc đâm rễ xuống đất mọc thành cây cối. Những loài sâu bọ sống trên thân xác ông trở thành loài người.
V/2.- TƯ TƯỞNG ẨN DẤU TRONG CHUYỆN ÔNG BÀN CỔ
Câu chuyện thoạt nghe có vẻ hoang đường, phóng đại đến độ hài hước, tức cười. Tuy nhiên nếu chịu khó suy nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy rằng, tổ tiên người Dao chắc chắn không truyền tụng một câu chuyện hài hước cho vui. Người Trung Hoa cổ cũng không ngu dại gì khi vay mượn một chuyện tiếu lâm của dân “man di” nô lệ để tôn lên thành ông tổ của họ!
Chúng tôi nghĩ, khi ông quan thuộc địa quận Uất Lâm (một quận của Giao châu Đô hộ phủ) tên là Từ Chỉnh viết sách Tam Ngũ Lược Chí (Sơ lược 35 truyện có ý nghĩa) vào năm 225 là lúc bên Tàu chia làm ba nước (Tam quốc) Bắc Ngụy, Tây Thục và Đông Ngô. Đông Ngô chính là nước đang đô hộ nước ta, đã rất quan tâm đến chuyện ông Bàn Cổ:
Giá trị tư tưởng cùng với mẫu người kỳ vĩ của chuyện ông Bàn Cổ đã làm cho nhà Đông Ngô sững sốt, lo âu khi biết thêm rằng, dòng giống “Nam man” Bách Việt có những suy tư thâm trầm về con người trước vũ trụ. Chủ trương chiếm đoạt và bôi xóa dấu vết tư tưởng văn hóa các dân tộc Bách Việt đồng thời tạo điều kiện dễ dàng cho chủ trương đồng hóa đã khiến cho họ dành ngay làm của riêng. Chẳng những thế, để thỏa mãn tính tự cao tự đại của nước lớn, họ phong ngay ông Bàn Cổ lên làm tổ tiên dòng Hoa tộc mà quên rằng tổ tiên Hoa tộc khi chưa vào Đông Á vốn là Rợ du mục từ Tân Cương, Thanh Hải thì làm gì có những suy tư của cư dân nông nghiệp?
Lời ghi chú vô tư, rất đáng khen của ông quan đô hộ Từ Chỉnh đã vô tình làm lộ bộ mặt của những kẻ ăn vụng mà không biết chùi mép!!
Từ việc học lóm câu chuyện ông Bàn Cổ đi tới quyết định tôn ông Bàn Cổ làm ông tổ người Trung Hoa của triều đình Đông Ngô, quý độc giả có thấy buồn cười, khi ta nói: “Ông tổ của người Trung Hoa ngày nay là man di Dao, dòng Bách Việt ở Quảng Tây!!!
Giáo sư, triết gia Lương Kim Định trong sách Nhân chủ, cho rằng, chuyện ông Bàn Cổ là khởi điểm của triết học Đông Á mà đỉnh cao là mẫu người quân tử cũng đã xuất phát từ chuyện này.
Có người đặt nghi vấn, con người làm sao lại có thể góp phần vào việc kiến tạo vũ trụ, thiên nhiên như chuyện ông Bàn Cổ, để xưng là nhân chủ? Vô lý và khoa ngôn chăng?
Thưa, trước hết chúng ta không lấy con mắt khoa học kỹ thuật để nhìn về chuyện ông Bàn Cổ mà hãy nhìn đấy là một ẩn dụ mang tính chất triết học thì câu chuyện sẽ trở nên sáng sủa và đơn giản đến độ một trẻ nhỏ cũng cảm nhận dễ dàng. Khởi thủy ông Bàn Cổ không kiến tạo vũ trụ từ không đến có, vì trước ông Bàn Cổ đã có trời, đất… hoang sơ, mà theo nghĩa con người nắm phần xếp đặt, cải sửa và xử dụng thiên nhiên theo ý mình. Chúng ta có thể nói, nhờ có Người mà thiên nhiên, vũ trụ được biết tới, được đặt tên và được xử dụng. Nếu không có người, vũ trụ chỉ là khối vật chất vô danh, có cũng như không.
Trang Tử diễn đạt ý trên bằng câu:
Thiên địa dữ ngã tịnh sinh
(Trời, Đất cùng với Ta sinh ra).
Khi chưa có Người tức là chưa có nhận xét thì tất cả là thái hoang. Đâu có tên Hồng Hà, Hương Giang, Cửu long… Đâu có tên Kim Tinh, Thủy Tinh, Hỏa Tinh… Chỉ sau khi con Người sinh ra, thiên nhiên, vũ trụ mới được biết tới, mới được “kiến tạo tên tuổi” dần dần cùng với sự hiểu biết và bàn tay của Người mà thôi.
Để sự diễn đạt được cụ thể hơn, xin đưa một tỉ dụ: Anh Y lúc chưa sinh ra thì vũ trụ chưa có đối với riêng anh. Khi anh Y mới sinh thì vũ trụ của anh thật là nhỏ: chiếc vú của mẹ, vòng tay của cha, là tiếng ru ạ ời, là sáng, là tối… Lớn lên một tí, vũ trụ của anh Y là khuôn mặt của các anh, các chị, là ngôi nhà thân yêu, là tiếng nói của mỗi người thân trong gia đình… Cứ thế, anh Y lớn lên bao nhiêu anh, vũ trụ quanh anh càng lớn lên, rộng ra, dày đặc bấy nhiêu… Anh là thầy giáo thì vũ trụ của anh trong phạm trù thầy giáo với học sinh, trường học, tài liệu, bài vở, đồng nghiệp, kỷ luật, tác phong thầy giáo… anh là nông dân thì vũ trụ của anh trong phạm trù nhà nông với đất đai, mùa màng, mưa nắng, thủy triều, con trâu, cái cày, hạt giống… cao hơn nữa, anh nhà thiên văn thì vũ trụ của anh trong phạm trù mặt trăng, mặt trời, các tinh tú với biết bao hệ lụy phức tạp của nó…
Anh Y xử dụng và cải sửa vũ trụ cho thích hợp với cuộc sống và việc làm của anh và của xã hội. Anh sống an nhiên tự tại trong khung cảnh an hoà với ý niệm anh là một người chủ (nhân chủ) có trách nhiệm đối với thiên nhiên và xã hội từ dĩ vãng, hiện tại cũng như trong tương lai.
Khi nhắm mắt lìa trần anh Y để lại cho con cháu biết bao tài sản vô giá: Vật chất là những tài nguyên anh đã cải sửa, xây dựng lên. Lý trí là tư tưởng, là kinh nghiệm thành bại trên đường đời. Tinh thần là nếp sống đạo đức, luân lý anh đã sống, đã khuyên dạy con cháu, đã dẫn dắt những người chung quanh. Tâm linh của anh, hiên ngang như mặt trời, dịu dàng như mặt trăng, soi sáng cho đời sau. Con cháu, hậu thế cứ theo đó mà dựng xây, sáng tạo… tiếp nối cuộc sống.
Bằng vào nền tảng đó, quan niẹm nhân sinh Bách Việt mang tầm vóc một minh triết diệu kỳ, sinh động, soi sáng toàn bộ đời sống con người từ lúc chào đời cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay.
Từ chuyện ông Bàn Cổ chúng ta thấy được quan niệm nhân sinh của người Bách Việt cổ đã thoát khỏi cái mặc cảm tự ti, hèn kém của kiếp người trước thiên nhiên vũ trụ. Con người Bách Việt đầu đôi trời, chân đạp đất, sống an nhiên tự tại trong ý thức làm chủ. Lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín để làm phương châm hành xử chẳng riêng gì với tha nhân mà cả với chính mình.
V/3.- NHÌN SƠ VỀ TÂY PHƯƠNG CỔ ĐẠI
Quay nhìn về thế giới Tây phương cổ đại để xem họ suy tư như thế nào: Khởi đầu họ quan niệm con người là nô lệ của thần minh đến độ lấy cả mạng sống con người để tế lễ thần minh. Về sau họ lại chối bỏ thần minh mà đề cao nhân bản. Khi triết gia Socrates (470-399 Tr.CN) và những người đồng thời nối tiếp công việc của ông như Platon, Antisthène, Diogènes, Aristote… của Hi Lạp cổ đại, định nghĩa: “Người là con vật biết suy lý” (animal raisonable), là các ông đã đặt con người vào phạm trù sự vật. Do đó, trong gần 25 thế kỷ, tư tưởng nhân bản suy lý của Aristote được xem là một hảo ý nhằm giải phóng con người ra khỏi thần minh hầu trả lại độc lập cho con người.
Thế kỷ 17, 18 khi Âu châu thoát khỏi ảnh hưởng giáo hội Công giáo, các bậc thầy Voltaire, Descartes, Galilée, Leibnitz, Képler, Pascal, Newton… phục hưng nền nhân bản suy lý tạo thành ý thức mới trong việc xây đắp nền móng khoa học thực dụng hiện đại. Địa cầu nhờ đó phát triển rất nhanh trên nhiều lãnh vực khoa học, đáp ứng được phần nào nhu cầu vật chất của con người. Xã hội dần dần chạy theo nguyên tắc suy lý và nhà nước pháp trị. Quán tính đã đẩy nó đi rất xa, từ suy lý° tới duy lý°°rồi duy vật°°° hiện sinh°°°° vô tình đưa con người ra khỏi khả năng kiểm soát giá trị thực tế của nó.
° Suy lý: Sự suy diễn theo căn bản lý luận, dựa vào lý lẽ phải, trái mà kết luận. Tỉ dụ: Mẹ thương con là do tình cảm chứ không do suy lý. Chủ tiệm buôn tặng quà cho khách hành là do suy lý chứ không do tình cảm. Thầy dạy học trò vừa do tình cảm vừa do suy lý…
°° Duy lý: Chỉ có lý tính, luận thuyết cho rằng con người vốn sẵn có lý tính tự nhiên mà nhận thức tất cả sự việc trên đời, những kinh nghiệm, tín ngưỡng, huyền niệm… đều không đáng kể…
°°° Duy vật: Con đẻ của Duy lý, cháu nội của Suy lý. Duy vật thiên về vật chất hoàn toàn, tinh thần chỉ là phụ thuộc hoặc không đáng kể. Từ duy vật mà phát sinh ra Duy vật Biện chứng pháp, Duy vật sử quan, Duy vật chủ nghĩa, Cộng sản chủ nghĩa, Xã hội chủ nghĩa…
°°°° Hiện sinh: một quan niệm sống chối bỏ tất cả mọi ràng buộc của xã hội, luân lý, văn hóa, truyền thống, tín ngưỡng, luật pháp… Họ cho những điều đó là rác rến, làm cản trở tự do của con người (xin đọc thêm cuối Chương IV).
Triết gia Lương Kim Đinh viết: “Thế giới thế kỷ 20 là một cơn sốt duy lý, duy vật và hiện sinh vô cùng nghiệt ngã, tạo nên biết bao thảm cảnh trên địa cầu. Đó là hậu quả của sự dẹp bỏ nền tảng đạo đức do tôn giáo xây dựng gần 2.000 năm để thay thế và phát triển tư tưởng nhân bản duy lý chưa được hoàn chỉnh
Chúng ta dễ dàng nhận thấy nhân sinh và vũ trụ quan của người Tây Phương thời cổ là vong thân. Con người được sinh ra từ những loại thần cực kỳ hung dữ. Thân phận con người là những kẻ nô lệ thần minh, nếu lầm lỗi có thể bị thần minh tiêu diệt không thương xót.
Ta thử đặt vài chữ Nếu để thấy vị trí chuyện Ông Bàn Cổ không thể hình dung được:
Nếu chàng Prométhée tuổi trẻ (thần thoại Hy Lạp) trong dịp lên núi Olympie trong chuyến đi chơi đã ăn cắp lửa trời đem về soi sáng cho trần gian khỏi tăm tối để rồi bị Trời (thần Zeus) trừng phạt, trả thù cực kỳ tàn nhẫn!
Nếu Abraham, tổ phụ người Do Thái phải đem con trai độc nhất sát tế thần Ya-Vê (Yéhova) để chứng tỏ lòng tuân phục tuyệt đối của mình!
Nếu mỗi năm người Babilon phải giết hàng trăm thiếu niên nam nữ đồng trinh để tế thần Mo-Áp!
Nếu người Ấn Độ vì sợ dơ bẩn lời cầu kinh Bàlamôn mà phạt tội người Padi° phải bị đổ chì vào lỗ tai (một cách giết người cực kỳ tàn khốc)!
Nếu vua chúa Trung Hoa cổ giết hàng trăm sinh mạng con người để tế thần xã tắc trước khi ra trận hay tế thái miếu để tạ ơn “thần” tổ tiên dòng họ sau một cuộc chiến thắng!…
Thì ông Bàn Cổ, chỉ một cái liếc mắt là phát sinh ra sấm chớp, chỉ một hơi thở là gió nổi lên, bỏ ra chút mồ hôi, nước mắt là đầy ắp công ích như nước các dòng sông lớn, nhỏ…! Ông đặt tên cho các giải thiên hà, các chòm sao, Thái dương hệ, cho sông núi… Chẳng những thế, ông sửa đổi thiên nhiên, vũ trụ để xây dựng cuộc sống…
Thì chuyện ông Bàn Cổ khiến cho chúng ta thật sự kinh hoàng trước cái giá trị tuyệt vời của con người Việt cổ đối với vũ trụ. Đó là vị thế nhân bản hoàn mỹ hợp tình hợp lý ở chỗ con người đã nhận diện được mình là chủ của chính mình đồng thời là chủ của cái thiên nhiên bao la hùng vĩ chung quanh.
°Padi, tiếng gọi miệt thị dành cho thổ dân Dravidien, “kẻ vô loại”, tiện dân… có nghĩa là không được phân loại trong 4 giai cấp của xã hội Ấn Độ.
V/4.- TỪ CHUYỆN ÔNG BÀN CỔ ĐẾN HUYỀN SỬ DÂN TỘC.
Tiếp nối chuyện ông Bàn Cổ là huyền sử Nữ Oa và Phục Hy (4480 Tr.CN)°. Hình khắc trên thạp đồng cho thấy đuôi hai vị cuốn vào nhau biểu hiện sự gắn bó keo sơn của quan niệm âm dương. Nữ Oa cầm linh vật, dụng cụ vẽ hình tròn, biểu hiệu trời, thuộc về tâm linh. Phục Hy cầm tứ vật, dụng cụ vẽ hình vuông, biểu hiệu dất, thuộc về lý trí, đã xác nhận nền tảng Nhất nguyên Lưỡng cực của triết học Đông Á.
Thời đại Hữu Sào°, người Bách Việt rời hang động, bước xuống đồng bằng, dựng nhà mà ở. Cái nhà mái cong (mái nhà cong biểu tượng trời, nền nhà hình vuông biểu trượng đất, con người sinh sống và giao cảm với trời đất trong căn nhà đó). Người ta gọi đấy là Tam thông: Trời, Đất, Người thông nhau qua hình ảnh trời che đất dưỡng đầy sinh động và mật thiết.
Thời Toại Nhân° thì minh triết thành hình và xã hội Bách Việt đã đáp ứng được nhu yếu thâm sâu của con người. Đó là chế độ nhân chủ, nhân trị. Tuy nhiên đó chỉ mới bước một: Con người nhận chân giá trị đích thực của mình và xử dụng thiên nhiên cho đời sống của mình.
Thời Thần Nông (3118 Tr.CN)° còn gọi là Viêm Đế, vị vua sáng chế ra cái cày và thuần hóa trâu bò để kéo cày làm ruộng. Nếm rễ cây để làm thuốc và lập chợ để người dân trao đổi của dư của thiếu. Xã hội Miêu tộc thời Thần Nông chứng tỏ đã đạt được sự dư ăn, dư mặc và khi bệnh hoạn đã có thuốc thang.
Các thời đại nói trên đều nằm trong giai đoạn Văn hóa Bắc Sơn (7000 đến 1000 năm tr. CN)
° Sách “Trung Quốc Sử Cương” chép: “Người Trung Hoa sau khi tràn xuống lưu vực sông Hoàng Hà, đánh đuổi người Miêu tộc đi, rồi mỗi họ chiếm lấy một khu vực, có người tộc trưởng cai quản gọi là hậu. Các hậu chọn một hậu mạnh nhất tôn làm thủ lĩnh. Tương truyền rằng khi mới khai thiên lập địa chỉ có người là Bàn Cổ. Sau có những thủ lĩnh mà công trình khai hóa còn để lại di tích là Tam Hoàng, Ngũ Đế. Nhưng Tam Hoàng, Ngũ Đế thì mỗi sách nói mỗi khác”…
“Lịch sử Thế giới, Nguyễn Hiến Lê ghi”: “Tương truyền ông tổ của dân tộc Trung Hoa là ông Bàn Cổ rồi tới các đời Tam hoàng (Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng): Hữu Sào (dạy dân làm nhà), Toại Nhân (dạy dân nấu ăn); Phục Hy, (dùng lưới đánh cá, đặt ra chữ viết để thay cái tục lấy dây thắt nút, dạy dân phép cưới vợ gã chồng), Thần Nông (dạy dân cày ruộng, lập chợ, nếm cây cỏ để làm thuốc trị bệnh).
Những điều người Trung Hoa viết có thể có thật về các hoạt động của tiền nhân cư dân bổn xứ vốn là những dân tộc nông nghiệp định canh lúa nước gọi là Miêu chứ không phải của du mục Trung Hoa. Vì cho đến năm 2704 tr.CN, Hậu chủ Hiên Viên mới được các hậu du mục dã man Tây Bắc công kênh lên làm Cộng chủ để đối phó với Liên Minh Xích Quỷ (Nước Xích Quỷ, Nam Miêu từ phía Nam kéo lên hổ trợ cho Bắc Miêu thì không thể có những vị tổ của du mục Trung Hoa ở đất Miêu từ 4480 cho đến 3118 tr.CN. như họ viết. Bởi vì dân du mục thì có bao giờ có thể phát minh ra cầy bừa, làm ruộng nước? Thuần hóa trâu, bò để cày ruộng? Đánh cá? Nếm thảo mộc để làm thuốc? Lập chợ búa…? Có chăng họ thuần hóa ngựa để cởi và kéo xe; dùng sửa bò để chế tạo thực phẩm; dùng da bò, cừu để làm lều, làm áo mặc; dùng nô lệ để giúp việc chăn nuôi và cao nhất là cầm vũ khí, chinh phạt…
Chính người Trung Hoa sau khi chiếm đất nước Xích Thần (Bắc Miêu) và Xích Quỷ (Nam Miêu) đã cướp công lao và cướp luôn cả tên họ của tổ tiên dân bổn xứ.
Từ vua Đế Viêm cũng gọi là Thần Nông cho tới cháu ba đời là vua Đế Minh, cuộc cách mạng nông nghiệp (thuần hóa trâu bò và chế tác cái cày, chế thuốc trị bệnh từ thảo mộc, lập chợ… ) thành công rực rỡ là bước thứ hai: xã hội tiến lên giai đoạn bình sản, ấm no và hạnh phúc.
Tuy nhiên buồn thay! Cũng đồng thời dẫn đến sự thèm thuồng của các bộ lạc di dân du mục hiếu chiến Hoa tộc. Sự thảm bại tất nhiên của nông nghiệp Miêu tức Viêm, Việt trong cuộc chiến tranh tại Trác Lộc và cái chết của vua Đế Lai ở Bản Tuyền kéo theo sự tan rã liên minh Xích Quỷ của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đây là điều phải xẩy đến như lịch sử của các dân tộc nông nghiệp cổ trên thế giới mỗi khi đụng phải cường lực du mục.
V/5 -. BA GIAI ĐOẠN MINH TRIẾT ĐÔNG Á
Kể từ thời điểm Trác Lộc, chúng tôi tạm chia minh triết Đông Á làm ba giai đoạn:
V/5A.- Giai đoạn Việt Nho° nguyên thủy
° Danh xưng Việt Nho do triết gia Lương Kim Định đặt và chính ông đã đề xướng triết lý An Vi.
Từ Toại Nhân (Khoảng 4.000 tr. CN) đến Đế Lai (2.704 tr.CN) và kéo dài với quốc gia Văn Lang với các vua Hùng vương. Đây là giai đoạn văn hóa nông nghiệp Bách Việt thuần túy, xã hội Bách Việt được lãnh đạo bằng chế độ nhân trị mà biểu tượng là mẫu người nhân chủ. Giai đoạn này tương ứng với các nền văn minh nông nghiệp khác trên thế giới thời đó như các vùng châu thổ Lưỡng Hà ở I Raq, sông Nil ở Ai Cập, sông Hằng ở Ấn Độ…
V/5B.- Giai đoạn tiền Khổng Nho
Từ cộng chủ Hiên Viên (sau đổi tên là vua Hoàng Đế chiếm được nước Xích Thần (2.704 tr.CN)° đến đức Khổng Phu Tử (554-479 tr.CN). Đây là giai đoạn hai nền văn hóa du mục và nông nghiệp tranh dành ảnh hưởng vào xã hội thái cổ. Một bên là các dân tộc du mục Hoa tộc (kẻ chiến thắng); Một bên là các dân tộc nông nghiệp Miêu tộc (kẻ bị xâm lăng). Cho đến đầu thời nhà Chu thì xã hội Hoa tộc đã hoàn thành được một nền văn hóa khá ổn định: quân chủ phong kiến với guồng máy triều đình, quan lại và đội quân chuyên nghiệp của du mục hội nhập với truyền thống nhân chủ, nhân trị cùng với toàn bộ tư tưởng minh triết của nông nghiệp Miêu tộc.
Mẫu người Nhân chủ vốn là biệt sắc tư tưởng cao đẳng mang tính giáo hóa đại chúng Bách Việt bị vua chúa Hoa tộc chiếm lấy, biến thành mẫu người quân tử (kế tự) của giai cấp quý tộc. Mất tính Nhân chủ, xã hội Bách Việt chỉ còn là những người hạ lưu, chế độ Nhân trị teo lại, rút vào hệ thống làng xã. Bởi đó, ngày nay, nếu muốn biết giá trị văn hóa Việt cổ, người làm văn hóa phải tìm học làng xã Việt Nam là vậy.
° Các bộ tộc nước Xích Thần sau trận Trác Lộc 2704 tr.CN bị đồng hóa trong hệ thống Hậu của du mục và gọi chung là chư hầu. Do đó, thời này có hàng vạn chư hầu. Mỗi chư hầu có những truyền thống văn hóa, xã hội, chính trị, tôn giáo mà triều đình trung ương phải tôn trọng. Đến khi các chư hầu thôn tính nhau còn lại vài ngàn, rồi vài trăm, vài chục… thì những biệt sắc đặc thù nông nghiệp của xã hội Miêu, Viêm dần dần tràn ngập xã hội hợp chủng mới đồng thời mang quốc tịch mới: Văn minh Trung Hoa với nền quân chủ chuyên chế và xã hội phụ hệ.
Trong khi đó, nước Xích Quỷ non yếu ở phía Nam suýt tan rã (sau Trác Lộc) vì bị mất lãnh đạo, đã được bà Âu Cơ giúp đỡ lập quốc trở lại với quốc hiệu mới là Văn Lang. Hệ thống làng xã Việt tộc về sau dù bị cường lực Hoa tộc đô hộ suốt một ngàn năm vẫn kiên trì giữ vững truyền thống tự trị làng xã cho đến giữa thế kỷ 20 thì chế độ cộng sản làm cho tàn lụi. Tôi tin rằng, tinh thần tự trị của làng xã vẫn tiếp tục sống tiềm ẩn và chắc chắn sẽ có ngày hồi sinh khi có điều kiện.
V/5C.- Giai đoạn Khổng Nho
Từ Khổng Tử trở về sau gọi là Khổng Nho hay là Nho giáo do đức Khổng Tử sưu tầm và san định (sắp xếp lại cho có hệ thống) khi mà nền văn hóa hợp chủng Hoa-Việt đang càng ngày càng sa sút vì xã hội nhà Chu đi vào thời li loạn, đạo đức, luân lý suy đồi. Truyền thống quân tử kế tự nhờ Khổng Tử mà chuyển thành quân tử kế hiền°
° Danh xưng quân tử không còn là đặc quyền kế tự của giai cấp quý tộc nữa mà dành cho bất cứ ai có đạo đức, luân lý gọi là kế hiền. Một vài danh xưng khác có phần khiêm nhượng hơn: Hiền nhân, Kẻ sĩ, Thức giả…
Nhìn sâu hơn vào lịch sử, xã hội Trung Hoa từ ngày lập quốc cho đến giai đoạn này, sự chuyển hướng rất rõ nét: Khi Hoa tộc mới chiếm được đất Miêu thì vua chúa Hoa tộc dành hết những gì cao quý nhất của Miêu cho giai cấp quý tộc của họ, như:
- Người là chủ (Nhân chủ) vốn là luận đề giáo dục rất thực tiển mà mỗi người dân Miêu phải cố gắng đạt tới. Khi chuyển qua Hoa tộc thì “người là chủ” biến thành “vua là chủ (quân chủ), người là tôi… tớ”.
- Đất đai trong thiên hạ là của muôn dân, dân làm được tới đâu ăn tới đó. Đất đai, gia súc của cấp lãnh đạo Miêu tộc được chia cho dân làm hộ, nuôi hộ, ăn chia theo phép tỉnh điền… Khi chuyển qua Hoa tộc thì mọi đất đai, tài sản kể cả người đều là của nhà vua.
- Vua Miêu đối với dân như cha mẹ đối với con, thầy đối với trò… trong chế độ Nhân trị – Khi chuyển qua Hoa tộc thì trở thành chuyên chính, pháp trị “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung!”(vua bảo dân chết, dân không chịu chết là phản nghịch, là phản quốc)…
Tuy nhiên, sau một thời gian dài sống với Miêu tộc, người Hoa cũng học được đạo làm người, đạo làm vua của Miêu dân, nhưng họ chỉ học mà thôi, còn ứng dụng thì không, để “làm cảnh mà thôi”. Tỉ dụ như chuyện kế hiền vừa kể ở trên. Chuyện: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (dân là quý nhất, kế đến là thần xã tắc, cuối cùng mới là vua). Chuyện: hàm vị phụ mẫu chi dân của các vua quan. Chuyện: Đem vương hóa mà vỗ về trăm họ hay thương dân như con đỏ… Những chuyện vừa kể quả nhiên là những bài giảng vô cùng giá trị mà Nho giáo đã phóng tác từ xã hội Miêu tộc để làm bài học thuộc lòng cho các bậc quân vương…Tuy nhiên, hình như suốt 5000 năm kể từ ngày Hoa tộc lập quốc chỉ có vài ông vua đầu tiên như Nghiêu, Thuấn… là có lưu tâm. Còn về sau thì thả nổi!
Có người thắc mắc tại sao một nền văn hóa sáng chói như thế mà lịch sử Đông Á trong suốt nhiều ngàn năm vẫn không xây dựng được một xã hội thái hòa? Chẳng những thế lại còn đi vào suy thoái khi kề cận với văn minh Tây phương?
Đúng là đã có những nghịch lý xã hội.
V/6.- NHỮNG NGHỊCH LÝ TRONG XÃ HỘI TRUNG HOA CỔ
V/6A.- Nghịch lý giữa 2 nền văn hóa dị biệt
Khởi đầu, khi nhân loại sống theo phương thức hái lượm và trồng trọt gọi chung là nông nghiệp thì tất cả mọi dân tộc sống theo chế độ mẫu hệ, gọi là Thị tộc (phái nữ cầm quyền trong gia đình). Khi một phần loài người chuyển qua phương thức chăn nuôi gia súc, thì giới này đổi thành chế độ phụ hệ (phái nam cầm quyền).
Ở xã hội mẫu hệ, những hoạt động của cộng đồng xã hội được phân định thành lệ hầu như không bao giờ thay đổi. Trong một gia đình, người mẹ là chính, có thể có vài người chồng để có nam nhân thay nhau làm việc đồng áng. Con cái theo họ mẹ. Một gia đình như vậy gọi là thị.
Nhiều gia đình cùng một thị họp lại thành một thị tộc. Những người mẹ cùng một thị tộc cử ra một người có tài đức, sức khỏe đảm nhiệm chức vụ trưởng thị hay trưởng tộc.
Các trưởng thị, trưởng tộc (của nhiều họ khác nhau) trong cùng một khu vực họp lại thành một bộ và công cử ra một người đứng đầu gọi là bộ tộc trưởng hay tù trưởng bộ lạc. Trong sách này, chúng tôi thường dùng danh xưng tộc trưởng bộ tộc để gọi các bộ tộc trưởng. Tưởng cũng nên nhắc, các tộc trưỏng bộ tộc Miêu tức Viêm ở châu thổ sông Hoàng Hà và trung Trung Hoa sau chiến tranh Trác Lộc đã được cộng chủ Hiên Viên (vua Hoàng Đế) phong làm thành vạn vua chư hầu hoặc vua phụ dung…
Trong bối cảnh cộng đồng các bộ tộc như thế, thông thường vị tù trưởng bộ tộc xã hội mẫu hệ nhẹ về quyền uy và tài sản nhưng lại nặng về trách nhiệm dẫn dắt, giáo huấn và tế tự. Cho đến sau chiến tranh Trác Lộc, nước Văn Lang được thành lập thì các bộ tộc, bộc lạc này dần dần chuyển thành làng xã.
Xã hội nông nghiệp Miêu tức Viêm, về sau gọi là Bách Việt có hàng ngàn, hàng vạn bộ tộc, bộ lạc như thế và gọi chung là thiên hạ. Thiên hạ khai hoang lập ấp khắp nơi và hầu như không có biên giới. Các tộc trưởng trong Thiên hạ họp nhau công cử lên một vị vua gọi là Thiên tử.
Thiên tử có nhiệm vụ vừa là đại tù trưởng, vừa là đại tư tế, đại phán quan… do vậy, chính sách cai trị của Thiên tử đi theo đường lối gọi là vương đạo
°, thi hành vương đạo thì gọi là vương hóa. Khi có loạn, Thiên tử kêu gọi các bộ tộc, bộ lạc góp dân quân, lương thực, vũ khí để thi hành công đạo. Xã hội đó gọi là xã hội Nhân trị, con người trong xã hội đó lấy mẫu người Nhân chủ để duy trì luân thường, đạo lý…
° Vương đạo: Dùng đức nhân để trị nước, dùng nghĩa để thu phục nhân tâm, dùng lễ nhạc để cải hóa dân tình, lo cho dân như lo cho mình…; đó là đạo của bực vương. Trái lại, bá đạo là dùng hình phạt để cai trị cho công bằng, dùng kỹ thuật để làm nước giàu, mạnh, dùng binh lực để chiếm đất đai; đó là đạo của các bực bá. Đại đa số các vua chúa Trung Hoa cổ xưng là dùng chính sách vương đạo nhưng đấy chỉ là khẩu hiệu mà thôi, hầu như triều đại nào cũng áp dụng bá đạo để trị dân.
Con cháu của Thiên tử trong văn hóa Việt cổ mang họ mẹ, do đó không có chuyện nhường ngôi cho con để duy trì dòng họ. Dù vậy vẫn có vấn đề vận động truyền ngôi cho anh em để duy trì chức vị Thiên tử cho người thân trong thị tộc. Sau một thời gian vài anh em của Thiên tử dựa vào nhau để tạo áp lực công cử trong Đại hội các Tộc trưởng thì cũng phải đến giai đoạn hết người và việc tuyển chọn của Đại hội các Tộc trưởng lại bắt đầu căn cứ trên đức độ, tài năng mới° của nhân sĩ các Thị tộc khác…
° Đế Minh, cháu ba đời vua Đế Viêm, sau vài triều đại thuộc họ khác, đã được công cử lại. – Đế Nghi có lẽ thiếu tài đức đã không được công cử. Lộc Tục là em, lại được công cử nhưng không nhận. Cuối cùng, giải pháp chia làm hai nước Xích Thần (Đế Nghi) và Xích Quỷ (Lộc Tục) đã được chấp nhận. – Con trưởng Lạc Long Quân thuộc họ Hồng Bàng Thị phải thuyết phục 15 Bộ tộc và được bà Âu Cơ ủng hộ mới được công cử lên ngôi Hùng vương. – Tiết Liệu là em thứ 12 của vua Hùng thứ 6, đã chứng tỏ am hiểu đạo lý, luân thường trong việc chế tạo bánh chưng, bánh dầy đã được chọn làm vua
Làm Thiên tử là tiếp nhận trách nhiệm hơn là danh vọng, quyền uy và của cải. Do vậy, người được công cử thường không muốn nhận và đề bạt lại người khác. Do vậy mà có truyền thống nhún nhường nhiều lần trước khi lên ngôi. Cuối cùng khi không thể từ chối mới lễ độ tiếp nhận chứ không dành dựt tàn khốc, đầy máu và nước mắt như các chế độ quân chủ chuyên chế sau này.
Triết gia Lương Kim Định nhận định về hai xã hội nông nghiệp và du mục như sau: “Người nông nghiệp bản chất hiền lành nhưng tư tưởng thâm trầm do phải sống thích nghi với thiên nhiên. Họ thường xuyên quan sát vũ trụ, khí hậu, sông nước, cỏ cây… rồi theo thời gian họ rút ra những kinh nghiệm sống: Hợp với thiên nhiên thì tốt mà nghịch lại thì xấu. Trời, đất, vạn vật cùng một thể và những thứ đối chọi nhau như âm dương, sáng tối, nắng mưa, đực cái… phải nương nhau sinh tồn và tiến hóa tạo thành nhân sinh quan và vũ trụ quan của người nông nghiệp Đông Nam Á. Người du mục thì trái lại, họ thiên về cường lực, chuộng thực tiễn, mạnh được yếu thua… Truyền thống văn hóa người du mục do đó hoàn toàn khác hẳn người nông nghiệp” (Sách Nhân Chủ).
Xã hội nhân trị của Miêu tức Viêm mà về sau gọi là Bách Việt đã tồn tại nhiều ngàn năm trước công nguyên trên môt vùng đất rộng lớn gồm từ châu thổ sông Hoàng Hà vượt qua sông Dương Tử, sông Hồng Hà xuống đến sông Cả và sông Mã. Vị Thiên tử của chế độ Nhân trị này không ăn thuế … Bù lại, hàng năm vua và triều đình được cung ứng “đồ tuế cống” của các bộ tộc, và được thụ hưởng hoa lợi từ những công điền cung cấp tùy theo từng nhiệm vụ. Ruộng đất riêng của vua và quan chức triều đình được người dân canh tác và phân chia theo phép tỉnh điền°
° Điền sản của mỗi vị được chia làm 9 phần bằng nhau, dân chúng chia nhau canh tác 8 phần để hưởng lợi, đồng thời cùng nhau làm phần còn lại, 100% huê lợi phần còn lại đó sẽ nạp cho người chủ đất đang có công tác lãnh đạo đất nước.
Luật lệ Bách Việt có 10 điều, chủ yếu khuyên răn dân chúng gìn giữ đạo đức, luân lý của một xã hội nhân nhủ. Vua và dân cùng thờ cúng trời, đất và tổ tiên và những anh hùng dân tộc có công với đất nước gọi là đạo Tam Thông. Về sau biến dạng thành đạo thờ Ông Bà, vì chỉ có vua (trong giai đoạn phong kiến và chuyên chế) mới thông với trời, đất trong lễ tế giao).
Văn hóa truyền thống, nền tảng Nhân chủ và chế độ Nhân trị của Miêu tức Viêm còn gọi là Bách Việt hình thành một xã hội thái hòa vững chải kéo dài không dưới 4.000 năm kể từ năm 2704 tr.CN trở về trước (Thời kỳ Văn hóa Bắc Sơn).
Về sau, khi cuộc chiến tranh vệ quốc của Liên minh Xích Quỷ (2704 tr.CN) thất bại thảm hại, nền văn hóa nông nghiệp tuyệt diệu này còn được duy trì ở phương Nam thêm 2.446 năm với 18 dòng họ nối nhau làm Hùng vương nước Văn Lang.
Phải cho đến năm 111 tr. CN, khi Hoa tộc thôn tính nước Nam Việt (nhà Triệu) đặt ách nô lệ lên nước ta thì xã hội mẫu hệ và truyền thống tốt đẹp Việt tộc mới dần dần đổi qua chế độ phụ hệ. Tuy nhiên một điều cực kỳ may mắn cho con cháu Việt tộc là nền văn hóa siêu việt này vẫn tồn tại sau lũy tre làng nhờ sự sống còn của làng xã Việt Nam. Khẩu hiệu “Phép vua thua lệ làng” là một niềm hãnh diện của làng xã mà hầu như các thế lực quân chủ chuyên chế Việt Nam muốn dẹp đi nhưng không thể nào phá đổ nổi.
Mặc dù khi người ta nhận ra được giá trị của làng xã Việt Nam thì nó đã không còn như nguyên thủy của nhiều ngàn năm về trước. Rõ ràng làng xã Việt Nam đã phải thi thố khả năng tuyệt diệu của nó một cách vô cùng cam go trong những căn cứ nhỏ hẹp dưới áp lực của các chế độ quân chủ chuyên chế luôn luôn tìm cách trấn áp, phá bỏ để độc quyền cai trị. Cuộc đấu tranh để sống còn này được thể hiện qua một khẩu hiệu cực kỳ khi quân, phạm thượng của người dân trong làng xã Việt Nam: “Phép vua thua lệ làng”. Nó mạnh mẽ đến độ trong suốt nhiều ngàn năm, quyền hành của nhà vua chỉ về đến quận, huyện mà thôi. Tinh thần Nhân chủ, Nhân trị và ý niệm an nhiên tự tại của người dân trong làng xã Việt Nam thực đáng cho người đời sau suy gẫm!
Làng xã Việt Nam như những bang tự trị trong một liên bang mà quận, huyện chỉ là cơ chế điều hợp trong suốt 2000 năm kể cả những giai đoạn bị Tầu và Pháp đô hộ °.
° Xin xem III/4 Tập quán làng xã
Như thế, nghịch lý đã xẩy ra khi Hoa tộc pha trộn nền văn hóa du mục của họ với nền văn hóa nông nghiệp Bách Việt. Vì vậy trong nhiều ngàn năm, xã hội Hoa tộc dù được xây dựng ít nhất 75% trên nền tảng văn hóa Bách Việt đã không đạt được thành quả như xã hội Việt cổ nguyên thủy. Trái lại đã chất chứa đầy mâu thuẩn trên nhiều lãnh vực khiến đất nước chỉ tạo được thanh bình từng giai đoạn ngắn ngủi mà thôi.
V/6B.- Nghịch lý xuất phát từ chế độ quân chủ chuyên chế
Truyền thống du mục Hoa tộc từ giai đoạn quân chủ phong kiến đến quân chủ chuyên chế với những dòng vua cha truyền con nối mà hầu hết các triều đình Việt Nam về sau cũng noi theo. Truyền thống này đã tỏ ra vô cùng gượng ép khi chung sống với nền văn hóa tiền Nho lẫn Khổng Nho. Đấy là nghịch lý đã làm giảm hiệu năng của nền văn hóa đặc thù nông nghiệp Bách Việt.
Bởi vì khi cố hòa giải cho mối tình du mục Hoa tộc và nông nghiệp Bách Việt, đức Khổng Phu Tử đã hết sức đề cao thuyết thiên mệnh để tránh đi cái tiếng làm cách mạng vô cùng nguy hiểm cho bản thân ông. Thuyết thiên mệnh dựa vào danh xưng Thiên tử và Thiên hạ của Miêu tộc để hóa giải mâu thuẫn của chế độ quân chủ chuyên chế và truyền thống Nhân chủ, Nhân trị đang tồn tại trong dân chúng. Tuy nhiên, ngay vào thời đại của ông, vua chúa các nước chỉ khoái tôn quyền nhà vua mà thôi và rất ngán cái chuyện “dân vi quý, quân vi khinh”. Vì thế, chẳng những ông bị thất nghiệp dài dài mà có lúc còn bị giới này đối xử rất bạc bẽo, thô bạo.
Xã hội Trung Hoa và các xã hội ở Đông Á với chế độ quân chủ chuyên chế, nếu may mắn gặp được vị vua hiền đức, anh minh thì còn giữ được vài phần nhân trị. Còn chẳng may gặp phải thứ hôn quân vô đạo thì nhân trị chỉ có thể… ở trong tù.
Xã hội Việt Nam trong suốt 10 thế kỷ (939-1900) dù tổ chức chính quyền theo đường hướng quân chủ chuyên chế Hoa tộc nhưng may mắn nhờ hệ thống hàng ngàn làng xã tiếp tục giữ vững cái gốc Nhân chủ, Nhân trị. Quan lại triều đình Việt đa số xuất thân từ làng xã đã ảnh hưởng rất mạnh lên đường lối trị quốc của chính quyền trung ương.
Tỉ dụ: Khi nhà vua muốn làm một việc gì có thể gây tổn hại cho dân, cho nước thì thường bị các quan cản trở, tìm cách bác đi. Và, nếu triều đình không ngăn chặn được, khi lệnh xuống đến cấp làng xã lại bị phản ứng của dân nếu lệnh vua đụng đến lệ làng.
Du khách thế giới thường ca ngợi những kỳ quan thế giới như Vạn lý trường thành, Kim tự tháp, vườn treo Babilon, tượng thần Jupiter, lăng vua Alicarnate… hay những trường giác đấu ở La mã, điện Louvre ở Pháp… có lẽ những du khách ấy quên rằng, biết bao triệu người đã bị đày đọa và gục chết dưới chân những kỳ quan ấy. Những thứ ấy được dựng lên để phục vụ một ông vua oai quyền mà không đem lại lợi ích gì cho ai cả, có chăng để lại trong lịch sử nhân loại những vết bẩn không bao giờ rửa sạch được.
Khác hẳn với những nước có kỳ quan nói trên, nước Việt dù là một nước đông dân và hùng mạnh hơn các nước trong vùng như Chiêm Thành, Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện… nhưng cung điện, lăng miếu, đền đài, thành quách của nước Việt không đồ sộ, nguy nga, tráng lệ bằng các nước kia. Trái lại những việc ích quốc lợi dân như đắp hàng chục ngàn cây số đê điều chống lũ lụt, đào hàng chục ngàn cây số sông đào dẫn nước tưới ruộng khắp toàn quốc, mở mang lưu thông đường thủy, xây đập giữ nước chống hạn… Những con số vừa kể quả đáng được gọi là những kỳ quan đầy nhân tính hiếm có đã được các triều đình Việt tộc xưa quan tâm thực hiện.
Hàng năm, trong những dịp lễ hội đầu mùa, vua quan nước Việt có truyền thống xắn quần, cột áo lội xuống ruộng, cầm cày thúc trâu vở luống đất đầu tiên hoặc tự tay nhà vua đánh trống cổ vũ dân chúng hăng hái tham gia công tác khởi công đào kinh, đắp đê, xây đập… Để cho muôn đời nhân dân an cư lạc nghiệp.
Chỉ một vài tỉ dụ nêu trên đã nói lên dấu ấn tư tưởng Nhân chủ và xã hội Nhân trị trong xã hội Việt Nam dù đã bị mờ nhạt đi rất nhiều so với các thời đại Hùng vương trở về trước.
V/7.- VÀI MẪU NGƯỜI ĐẶC TRƯNG TRÊN THẾ GIỚI
Nhân đây xin ghi lại một vài mẫu người đặc trưng của các nước trên thế giới mà triết gia Lương Kim Định ghi lại trong sách Nhân Chủ:
Thiên tài: Vĩ nhân, người có biệt tài về một ngành chuyên môn: mỹ thuật, khoa học, văn nghệ, quân sự, xã hội…triết gia Nietzsche nhận xét:“thiên tài vị tất đã là nhân!”
Người hùng: Có tài về quân sự, mưu lược hay vũ dũng, tung hoành ngang dọc để tranh đoạt chiến công, quyền lợi… Mẫu người này ít quan tâm tới nhân nghĩa
Chính nhân: Mẫu người của Âu châu thế kỷ 17, là kẻ biết xã giao, lịch thiệp, có uy tín, được dân chúng yêu quý và giới quí tộc nể vì.
Gentlemen: Người quí phái trong xã hội Anh quốc. Mẫu người này thuờng tỏ ra mình thông minh, trầm tĩnh, cương nghị hơn người nhằm đề cao đẳng cấp giới mình trong xã hội. Gentlemen như một loại hàm vị dành cho giới thượng lưu, quý tộc do đó họ cũng có những ưu đãi trước nhiều giới trong xã hội Anh.
Cán bộ đảng viên: Cán bộ, đảng viên trong chế độ cọng sản đa số vốn xuất thân từ giai cấp thợ thuyền và nông dân. Họ được học tập một số bài bản, kinh điển chủ nghĩa duy vật biện chứng. Họ cuồng tín phụng sự đảng hay tôn thờ lãnh tụ đảng đã được lý tưởng hóa một cách giả tạo. Họ thường tự xưng là đẳng cấp “siêu việt”, là “đỉnh cao của trí tuệ loài người”. Để đạt cứu cánh, họ bất chấp phương tiện.
Người quân tử.- Mẫu người có đạo đức, luân lý, cao đẹp của các nước Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản… trước đây. Họ là những người rất được xã hội tôn trọng và coi đó là mẫu người lý tưởng. Các bậc vua chúa cũng phải dựa vào uy tín của họ để bảo vệ ngai vàng.
Bằng con mắt vô tư, chúng ta thấy những mẫu người nói trên đều được các xã hội Đông, Tây tôn trọng ngoại trừ cán bộ đảng viên đảng cộng sản thì hoàn toàn ngược lại mặc dù họ được đảng và chính quyền cộng sản tôn họ lên hàng “ưu việt” và “đỉnh cao trí tuệ của loài người” và dành cho họ nhiều đặc quyền, đặc lợi.