ôi gọi điện thoại cho hạm trưởng theo tiêu lệnh của ông rồi đo hướng ba đối vật cố định, kẻ thành giao điểm vị trí chiến hạm. Tôi mở quyển Nhật ký hải hành, ghi chép:“ 0730 H: Vị trí: Vĩ độ…N. Kinh độ… E. Hướng lái 240. Hai máy tiến 4. Biển động nhẹ. Gió nhẹ.Trời trong. Báo hạm trưởng tàu sắp ngang hải đăng Vũng Tàu”. Tôi gấp quyển sổ, bỏ vào ngăn kéo dưới bàn hải đồ rồi leo ngồi trên chiếc bệ vành tròn của thành đài chỉ huy, chân đạp lên mảnh sắt nhỏ dùng làm mặt ghế cho sĩ quan đương phiên. Đây là một vị thế thiếu an toàn khi biển động nhưng trong những ngày trời trong bể lặng, ở vị trí này, tôi vừa hưởng thụ được những đợt gió mát lành lại vừa có thể quan sát khắp vùng biển bao la. Rồi khi xoay người vào ở thế thoải mái, mắt tôi không bỏ sót nhất cử nhất động của các nhân viên mà không biểu lộ mình không tin tưởng họ. Tôi đã chính thức trở thành sĩ quan trưởng phiên khởi từ chuyến công tác này. Ông hạm phó Trần Vĩnh Đắc bất ngờ rời tàu để đảm trách chức Hạm trưởng một tuần duyên hạm. Công điện từ Phòng nhân viên vẫn theo ưu tiên … thông lệ: “thi hành ngay khi nhận”. Hào được nâng lên chức hạm phó kiêm nhiệm sĩ quan Hải hành-Chiến tranh chính trị. Trung úy Được lên sĩ quan đệ tam đảm trách An ninh-Truyền tin.Tâm lãnh Trọng pháo. Riêng phần tôi thì khá ôm đồm. Ngoài cái chức cũ Ẩm thực, tôi lãnh thêm Trưởng ban Chuyển vận- Đổ bộ và Trưởng phiên hải hành. Đây là chức vụ lẽ ra tháng tới tôi mới được cứu xét. Trong năm ngày đêm của chuyến đi này, có đến bảy lần tôi thay hạm trưởng một mình chỉ huy chiến hạm. Không phải nói, dĩ nhiên là tôi rất lo ngại, nhất là về đêm. Dù mưa gió hay không, trong cái tối mịt mùng đe dọa, lòng tôi không sao ngưng thấp thỏm nghi ngờ chiến hạm sắp tông phải ghe thuyền hoặc đang chệch hướng vào vùng nước cạn đá ngầm. Có những khi thấy ánh đèn xanh hoặc đỏ xa xa là cứ phập phồng trong việc áp dụng nguyên tắc tránh đụng nhau “xanh đối xanh, đỏ đối đỏ”. Xanh là biểu hiệu mạn hữu, đỏ là mạn tả của một loại tàu thuyền lớn đủ để không còn được coi là ghe. Một lần khác cùng lúc tôi thấy đối vật có cả đèn đỏ lẫn đèn xanh, có nghĩa là hai tàu đang chạy ngược chiều trên cùng thủy trình. Vậy vận chuyển thế nào cho “xanh đối xanh, đỏ đối đỏ? Lần đó tôi đã có phần lúng túng khi vận dụng bài học và trí phán đoán để đưa ra quyết định đổi hướng. Kết quả là… thật may, chiếc thương thuyền khổng lồ kia chỉ suýt cắt đứt ngang hông chiến hạm! Tôi mừng là mỗi ngày trôi qua là một ngày tôi thấy bĩnh tĩnh hơn, tự tin hơn. Hạm trưởng lên đài chỉ huy theo sau là hạm phó Hào, thiếu úy Tâm. Tôi giao phiên từ 8 đến 12 cho Tâm và thấy nhẹ người khi trách nhiệm trưởng phiên chấm dứt. Tuy vậy, dù thèm ly cà phê, dù đói, tôi vẫn đứng nấn ná để thưởng thức cái quãng thời gian con tàu đi vào cửa sông, bỏ lại đàng sau những lớp sóng bạc đầu lúc nào cũng bủa vây chiến hạm. Hiện thời con tàu bị sóng đẩy từ sau lái trong vùng nước không sâu nên chỉ lướt tới êm ru như chiếc xe đò một mình trên xa lộ Biên Hòa. Ngõ nào cũng tới Sài Gòn. Giang lộ đang đưa tôi về với những quán kem có người đẹp ngồi quày, với những góc phố có lắm ông đi qua bà đi lại. Tôi đã gạt bỏ tên Hiền và Tuyết khỏi Sài Gòn yêu dấu của tôi… Hạm trưởng lên tiếng nhận quyền chỉ huy, cho lệnh đổi đường hướng vào vịnh. Tâm cười toe toét được thoát gánh nặng sau mới chỉ nửa giờ lên phiên. Anh trở thành sĩ quan quan sát và kiểm soát. Hạm trưởng quay sang tôi, giọng vui vẻ: - Khi anh ra đi, chưa đến với em môi sóng đã cười. Bây giờ anh trở về, môi sóng cũng đuổi theo. Còn đòi hỏi gì hơn cho cuộc đời thủy thủ, phải không thiếu úy Bằng? Tôi không biết trả lời sao, đành nở nụ cười vô tội vạ. Ông hứng khởi tiếp: - Đêm qua tôi mới làm được một bài thơ, anh nghe thử: “Em về biển hé môi cười. Gió lên vang động, khắp trời mây bay. Giao thừa dường thể hôm nay. Hồn tôi rào rực: Tết đầy trong tim”. (thơ Hữu Phương) Tôi bật thành lời trước khi nhận biết đó là lời khen thiếu nghiêm túc: - Bốn câu hay quá, thưa hạm trưởng. “Tết đầy tim” là một ý lạ mà súc tích, vừa diễn đạt được sự rộn rã của con tim như tiếng pháo, vừa cho thấy được sự hân hoan gặp lại em như gặp… tiền lì xì! Tâm che miệng cười, các nhân viên thản nhiên vờ như không nghe thấy. Ông cũng mỉm môi cất giọng cợt đùa: - Cựu hạm phó ra đi nhưng để lại một đệ tử chân truyền! Nhận xét nhạy bén và sắc sảo! Tôi mừng húm khi thấy ông không giận mà còn… hân hoan. Tuy vậy tôi cũng tự nhủ là mình phải ăn nói thận trọng hơn. Vì vậy khi ông đọc các đoạn kế tiếp tôi chỉ gật gù khen hay! Đúng ra, nếu tôi thật sự là đệ tử chân truyền, tôi phải có một phát biểu kết thúc, tương tự như một lần hạm phó Đắc nghe hạm trưởng đọc dứt một bài thơ: “Thưa hạm trưởng, nghe thơ hạm trưởng mà hứng khởi muốn bắt chước. Tiếc là tôi thiếu thi từ nên đành phải viết các mẫu tự cho vào nón rồi bắt thăm ráp lại. Không chừng nhờ thế mà thành bài thơ hay không kém bài này!” Ông hạm trưởng nhìn về phía mũi khi nhân viên báo cáo có thương thuyền đi ra ngược chiều. Tôi nhìn vào cửa sông. Nó còn xa tít mù, chỉ có vệt khói nhả ra thành một áng mây xám xịt. Hướng mắt về xa khơi tả hạm, đường giao tiếp giữa biển và trời mỗi lúc một mỏng dần cây cối để chỉ còn là một đường chân trời mong manh. Mặt biển đục ngầu sủi bọt, rải rác những chiếc ghe câu. Bên hữu hạm thì sắc nét hơn nhiều. Một nửa mặt trời còn thẩm đỏ nằm vắt bên trên đường viền của dãy núi lưng chừng vài ngôi nhà mái đỏ và vút cao ngọn hải đăng sơn trắng. Bên dưới là hình dáng phố xá hàng quán phơi bày, thậm chí thấy cả màu xanh vàng đỏ trắng của các cây dù cắm trên Bãi Trước. Ba chiếc thương thuyền bề thế có màu thân tàu khác nhau, chiếc đen, chiếc đỏ, chiếc đọt chuối đang buông neo xa cách như màu sơn của chúng. Trừ vài nét giống nhau là cùng có thượng tầng sơn trắng, cùng có những trụ cột to lớn hoặc đứng thẳng hoặc nghiêng nghiêng, chúng khác nhau về hình dạng như để phân loại chở dầu hay chở hàng… Trước đây, có lần thấy các thương thuyền buông neo phơi mình thảnh thơi nhàn hạ, tôi cất tiếng so đo với hạm phó Đắc là đời thủy thủ thương thuyền xem ra … ngon cơm hơn đời thủy thủ chiến thuyền. Hạm phó Đắc nghiêm túc giải thích rằng trông có vẻ là vậy chớ neo một ngày là mệt một ngày. Mệt vì nhân viên bị tù túng và chậm trễ ngày về. Thủ tục hải quan buộc họ phải chờ hoa tiêu Việt Nam hướng dẫn vào thương cảng Sài Gòn. Còn so về gian khổ sóng gió thì thủy thủ tàu nào chẳng là… thủy thủ? Mà kể ngon cơm thì chiến thuyền với súng đạn đầy mình phải ngon hơn thương thuyền trên dzăng dưới dzế! Cuộc đời thủy thủ của tôi tính đến hôm nay vừa được hơn năm tháng với mười hai chuyến đi. Chuyến đi Hoàng Sa dài nhất, lâu nhất và sóng gió nhất cho tôi cái kinh nghiệm về tính bạo tàn của biển cả. Chuyến đi nguy hiểm nhất là cuộc chuyển quân từ Năm Căn về Đại Ngãi, cho tôi cái tiên nghiệm về làn ranh sống chết trong chiến tranh. Trong chuyến này, cái chết mà tôi thấy kề cận nhất là khoảng không gian và thời gian đi vào và trở ra trên sông Bồ Đề nhưng lại bình an với chỉ vài tiếng súng lẻ tẻ làm trầy sơn vỏ chiến hạm. Trái lại, tại hai địa điểm ủi bãi trông an toàn trên bờ sông gần cửa Tranh Đề thì bị bắn khá nhiều. Chiến hạm bị thương một, tiểu đoàn bộ binh đổ bộ bị ba. Một bộ binh chết trên đường tản thương bằng trực thăng. Đáp lại, tiểu đoàn giết 15 địch, bắt sống năm và kịp thời giải tỏa hoàn toàn áp lực địch muốn tràn ngập hai tiền đồn án ngữ ven sông. Còn những chuyến công tác khác ngắn hạn hơn, ít sóng gió hơn, thường là phối hợp hành quân với các tiểu khu ven biển, tiếp tế đạn dược và triệt thối phế liệu cho các Quân đoàn, Hải khu. Bốn chuyến sau cùng biển khá động nhưng chưa đủ mức làm tôi nôn thốc nôn tháo. Biển có tệ nhất tôi cũng ăn được một bữa cho trọn ngày và còn cảm nhận được cái truyền cảm từ giọng ca Thanh Thúy nức nở, qua lời nhạc Trúc Phương nghẹn ngào vẳng đưa từ phòng lái… Con tàu lần lượt vượt qua các chiếc phao định lối thủy trình. Hạm trưởng ra lệnh lái tàu qua khoảng trống hẹp giữa hai hàng đáy để nhường thủy đạo sâu nhất cho chiếc tàu buôn dềnh dàng. Khi nó lướt ngang qua chúng tôi, tôi thấy từ trên cao, nhiều bàn tay vẩy chào và môi mấp máy như lời cám ơn. Chúng tôi vẩy chào đáp lễ. Rồi tôi thấy một phần chân vịt của tàu buôn quay chầm chậm trên mặt nước. Xem ra nó không có nhiều hàng mang theo chuyến trở về. Mặt trời đã vượt ngọn hải đăng, treo trơ vơ trên nền xanh dịu, phất phơ mây trắng. Cái dáng phố đã mờ nhạt. Hình ảnh ba chiếc thương thuyền buông neo đã nhỏ lại nhưng các ngọn sóng cao vẫn xủi đầy bọt đuổi theo chiến hạm. Tôi vươn vai hít sâu một làn gió thơm mát và thấy sảng khoái… Hạm trưởng và hạm phó cất tiếng cười vang sau câu chuyện gì đó do hạm trưởng kể. Ông thường kể chuyện tiếu lâm về thời gian một năm tu nghiệp ở Mỹ. Tôi cũng có nhiều chuyện tiếu lâm trong thời gian một tháng thực tập trên Đệ thất Hạm đội nhưng còn ngại ngùng. Ngộ nhỡ mình kể chuyện cười mà không ai cười… Tâm bước sang đứng cạnh tôi, tựa lưng vào thành bên trái đài chỉ huy. Tôi nhìn theo hướng anh đặt ống dòm. Chếch bên tả hạm là hàng lớp đáy cá chăng ngang. Cửa sông hẹp lại, bờ đất rõ dần. Nhưng cũng cần nửa tiếng để con tàu giả từ biển cả. Quay nhìn phía lái, con sông chia ba phần rõ rệt. Ở giữa khuấy động và hai bên sóng dạt đều. Hương rừng thoang thoảng từ các vòm tràm đước dọc hai bên bờ. Một chiếc ghe vừa vượt mũi tàu qua bờ bên trái. Cô gái ngưng tay chèo, hướng mặt về con tàu đang chạy ngang qua. Và cô ngước mặt nhìn lên đài chỉ huy. Bắt gặp các cặp ống dòm đang chỉa thẳng vào mình, cô gái cúi mặt, đưa tay nghiêng chiếc nón lá như muốn che dấu cả thân người. Mấy câu của bài thơ rất được ưa thích của Trần Quang Long phát xuất từ Quốc Học Huế bất chợt hiện ra: “Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón. Trời mùa thu mây che có nắng đâu. Nắng sẽ làm phai má tóc xanh màu. Và làm khô làn môi em dịu ướt. Còn tia mắt anh, có sao đâu mà em cúi đầu từ khước?” Vì trời đang chang chang nắng nên tôi biết mình chỉ tưởng tượng. Tuy nhiên mấy câu thơ đã đưa vào tâm tư tôi một bóng hình tưởng là mờ nhạt. Tôi có tệ lắm không khi suốt sáu tháng qua không viết cho nàng lấy một dòng! Hôm đó, lần đầu tôi được ra phố Nha Trang sau hơn một năm về Sài Gòn và sau ba tháng quân trường. Trong sự háo hức gặp lại Tuyết, tôi đã ngẩn ngơ khi người chủ mới của ngôi nhà khăng khăng cho biết Tuyết không để lại địa chỉ chuyển tiếp thư từ. Tôi thất vọng nhưng không mất hy vọng, chắc rằng Tuyết còn quanh quẩn đâu đây, ở nhà người thân nào đó. Mỗi cuối tuần tôi cứ lang thang qua lại nhiều lần con đường nhà nàng và phố Độc Lập đông người. Một hôm, tôi mừng rơn khi bắt gặp một dáng đi quen thuộc phía trước. Cái mái tóc thề óng ả buông ngang vai đó. Cái dáng đi hơi hấp tấp mà uyển chuyển của ngày nào. Tôi bước vội đến gần cất tiếng reo vui: - Tuyết! Cô gái sựng người, quay lui. Đôi mắt mở to vừa ngỡ ngàng vừa phiền trách đủ cho tôi thấy tôi nhầm trước khi cô xoay người bước tiếp. Tôi quýnh quáng bước theo, miệng thì rối rít xin lỗi mà mắt thì không chịu buông tha cái dáng người. “Nhà không xa sao em bỗng nhanh chân. Sao loanh quanh chẳng chịu chọn đường gần!” Cô gái vào nhà đóng cửa, cài then. Tôi thu hết can đảm đưa tay nhấn chuông. May quá, bộ quân phục trắng chững chạc tạo uy tín cho tôi được ba nàng cho phép vào nhà. Từ đó cuối tuần tôi ghé nhà nàng để ngồi nhâm nhi trà ngon, để nghe ba nàng vốn là cựu dân biểu luận bàn thế sự và để len lén thu hình ảnh khuôn mặt hài hòa kiêu sa. Và khuôn mặt đó đã xua tan khuôn mặt tươi vui hiền hậu của Tuyết. Thêm một trớ trêu, nàng tên Hồng nhưng không với Tuyết cùng nòi tình đồng điệu. Tuyết chiều tôi đi bất cứ nơi nào tôi thích. Còn với Hồng, tôi có rủ đi đâu nàng cũng nhất mực chối từ. Tuần nào nàng cũng lặng lẽ lo châm trà, thỉnh thoảng tặng tôi nụ cười bằng ánh mắt cho đến khi tôi từ giã. Chỉ thế thôi mà nàng giữ được chân tôi và chính nhờ vậy mà tôi nắm rất vững tình hình thời sự thế giới trong suốt hai năm thụ huấn. Nếu có thiếu sót thì chắc chắn chỉ thua có… ba nàng! Nghĩ đến Hồng, tôi bỗng tha thiết nhớ nàng. Đến bao giờ tàu mới có dịp ghé lại Nha Trang? Và đến bao giờ tôi mới khỏi lu bu để rảnh rang tâm trí thảo một tình thư! Tâm bỏ ống dòm treo ngang ngực, nghiêng mặt nói nhỏ: - Lúc ăn sáng, hạm trưởng thông báo có công điện cấm trại 100% và ông chỉ thị hạm phó chia nhân viên ra thành hai phân đội, mỗi phân đội đi bờ một ngày. Sau hai ngày đó, tùy tình hình, ông tính tiếp. Tao đã nài nỉ ỉ ôi với Hào cho tao và mày vào phân đội đi bờ hôm nay vì hôm nay là thứ ba. Còn đang mơ màng bóng dáng Hồng, tôi theo không kịp hàm ý của Tâm. Thứ ba hay cuối tuần thì có ăn nhậu gì đến cấm trại. Cấm trại thì ngày nào tôi cũng ôm lấy con tàu, còn tệ hơn đi biển. Đi biển thì biết chắc rằng mình đã thực sự xa Sài Gòn! Tâm tiếp: - Thứ ba, Tuyết đợi chúng mình. Thấy cơ hội đã đến, tôi nói: - Mày chịu khó đi một mình. Tao phải đến nhà Hiền. Hôm trước Hiền xuống tàu mời tao đến nhà ăn cơm mà từ đó đến nay tao chưa đến. Tâm trố mắt nhìn tôi: - Chưa đến? Lần về bến vừa rồi, mày đã chẳng bảo là không thể đến Tuyết vì phải đến nhà Hiền ăn cơm tối? Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi dứt khoát: - Tâm nè! Tao muốn nói với mày điều này từ lâu, từ sau lần mày đưa tao đến nhà Tuyết. Lẽ ra tao từ chối ngay hôm đó nhưng tao cũng có phần tò mò muốn nhìn lại Tuyết. Tao đã gặp và không còn gì thắc mắc. Vì vậy tao quyết định không đến nữa. Đó là lý do lâu nay tao tìm cách từ chối khi mày rủ rê. Tâm đăm đăm nhìn tôi: - Đi thẳng vào vấn đề. Mày biết tao ghét quanh co. Mày giận gì tao chăng? Thấy Tâm tỏ vẻ bực bội, tôi cười: - Tuyệt không! Vấn đề là mỗi tuần, vào ngày Thứ ba Tuyết dành riêng cho mày. Rõ ràng là vậy. Rõ ràng việc hẹn hò đó có trước khi tao xuất hiện. Và tao không muốn làm kẻ không được mời! Và tao phải biết tự xử cho phải đạo! Giọng Tâm đều đều: - Sẽ không có một ngày khác riêng cho mày. Tuyết làm việc sáu ngày một tuần, chỉ nghỉ ngày thứ ba. Sáng thứ ba ngủ dậy trễ. Sau đó giặt giũ, đi chợ. Tao không… phiền về sự có mặt của mày. Trái lại, vui hơn… - Mày thì vui nhưng còn Tuyết? - Tuyết yêu mày, tất nhiên càng vui! Hay là mày không muốn tao đi cùng? Tôi thấy không cần phải mất thì giờ chiêm nghiệm về tấm lòng vị tha của Tâm. Tôi đã từng “phá đám” một lần và Tâm rộng lượng xem như không có. Nay tôi nên dứt khoát để Tuyết…dứt khoát chọn Tâm. Tôi nói: - Mày cũng thấy đấy, tao đang yêu Hiền. Nghe mày xúi dại mò đến nhà Tuyết, lỡ Hiền biết được, tao chỉ còn nước khóc! Vậy, từ nay mày nên chấm dứt rủ rê! Cứ đến Thứ ba, khi về bến, mày đi đường mày, tao theo lối tao. Vả lại, hai đứa đeo đuổi một đứa, hoặc là chẳng ai được cái giải gì, hoặc là cả hai cùng ăn cái giải rút! - Nhưng Tuyết nó yêu mày! - Khó mà biết Tuyết đang yêu mày hay yêu tao nhưng theo ý Tuyết lần gặp rồi, là Tuyết sẽ yêu người nào cưới Tuyết làm vợ. Tuyết cho thấy đã quá mệt mỏi với cuộc sống độc thân và đang rất cần một người chồng, rất cần một mái ấm gia đình. Mày ra trường trước tao. Có lẽ mày sẵn sàng tạo cho nàng một mái ấm. - Nói thật là khi gặp lại Tuyết, tao đã có cái ý cưới Tuyết. Nhưng khi gặp lại mày, tao bỏ cái ý định đó. Thiếu gì đứa để cưới, việc gì phải cưới cái đứa bạn mình yêu hay yêu bạn mình! Tôi nói một cách mạnh dạn, dứt khoát: - Tao nói lại: Tao không còn yêu Tuyết. Thấy Tâm nhìn tỏ vẻ ngờ vực, tôi bồi thêm một điều mà gần đây không còn đúng sự thật: - Tao xác nhận một lần nữa là tao không còn yêu Tuyết. Bây giờ tao đang túi bụi bận rộn khổ sở vì Hiền… - Nếu mày nói chắc như vậy thì tao xét lại! Tao cũng quá mệt mỏi với việc ăn ngủ triền miên trên tàu. Có một tổ ấm thực sự vẫn… ấm hơn! Tâm vừa cười vừa nhìn con tàu không giảm tốc độ lượn vòng theo một khúc quanh khá gắt. Sóng dồn dập vỗ ven bờ khi phần lái tàu tạt sang gần sát hàng cây. Tôi nghĩ hạm trưởng hẳn đang nôn nóng về với gia đình. Tôi liếc nhìn ông, bắt gặp đôi mắt ông đang chiếu tướng vào mái tóc bờm xờm của tôi. Vài lần trong các bữa ăn, ông hạm trưởng cũng đã nhìn tóc tôi. Rất may cho đời tôi là có được một ông hạm trưởng với tâm hồn một nhà thơ. Tóc ông thường để dài chỉ vừa quá mức ấn định của một quân nhân. Còn tóc tôi thì đáng lẽ đã phải được hớt từ tháng trước. Tôi không cố tình nhưng quả là việc đưa tôi lên hai chức vụ cùng lúc làm tôi quên săn sóc bản thân mình. Rồi tàu đi công tác, tôi lại mãi mê bến lạ bờ xa. Cái nhìn của ông lần này khá nghiêm khắc như một nhắc nhở cuối cùng. Tôi không còn cách nào hơn là đi tìm nhân viên hớt tóc để kịp cho ông thấy trước khi ông rời tàu là tôi đã tiếp nhận cái nhìn của ông rõ ràng như cảm nhận thơ ông. Mặc xong bộ tiểu lễ tôi leo lên tả hạm đứng dàn chào cùng toàn thể thủy thủ đoàn. Chiến hạm vừa qua khỏi thương cảng, bắt đầu tiến về cột cờ Thủ Ngữ. Tiếng còi từ đài chỉ huy ré lên một hồi dài. Chúng tôi đồng loạt đưa tay chào thủ đô Sài Gòn yêu dấu. Con đường Nguyễn Huệ nhộn nhịp, lao xao tận tòa Đô chính. Tượng đài Hai bà Trưng bất kể tiếng xì xầm vẫn là hình tượng nhắc nhở công đức tiền nhân. Bộ tư lệnh Hải quân uy nghiêm với sân cờ thiết trí bốn khẩu súng đồng trấn thủ và tận đỉnh cao đang phất phới lá đại kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Những đôi nhân tình thì thầm trên ghế đá công viên mang thêm vẻ mộng mơ cho các biệt thự sang đẹp bên kia đường Bạch Đằng. Hai hàng cây chạy dọc đại lộ Cường Để tỏa cành thành hình cánh cung hun hút. Tất cả như còn mang nguyên vẹn hình ảnh của ngày đi. Chiến hạm tiến thẳng vào Thị Nghè rồi quay đầu cặp vào các ponton cầu R. Nửa giờ sau, trong bộ thường phục trẻ trung, tôi và Tâm rời tầu. Hạm phó Hào vừa tiễn chân hạm trưởng, còn đứng ở hạm kiều. Thấy chúng tôi, ông nói đùa: - Nè, hai cậu nhớ làm bản tường trình thám sát bãi ủi đấy nhé! Tôi cười gật đầu. Chúng tôi nhịp bước kiểu nhà binh qua khỏi cổng sở Hàng Hà. Trong khi đứng chờ taxi, Tâm lại rủ tôi đến nhà Tuyết và tôi lại nói dối là phải đến nhà Hiền. Khi taxi đến, Tâm nhường tôi đi trước. Mãi tới khi tài xế lên tiếng hỏi, tôi mới e dè nói số nhà và tên con đường tận ngả tư Bình Hòa. Đây là một căn biệt thự khang trang, biệt lập, “chỗ quen biết” của cựu hạm phó. Càng có thời gian gần ông, tôi càng khám phá ra con người tài hoa đa năng đa diện của ông. Ngoài cái nét điển trai trời cho, cái tài “hải nghiệp” thiên phú, ông còn có nhiều “biệt nghệ” đáng nể. Ông đàn giỏi, hát hay. Ông khiêu vũ tuyệt vời. Ông ăn nói hấp dẫn. Ông nhắm vào người đẹp nào, kể cả người đẹp xướng ngôn, là người đó hân hoan cặp kè với ông. Và một người đẹp thường được ông đề cập như một giai nhân hiếm và quý vừa trở thành vợ ông vài tháng trước. Cả thủy thủ đoàn được ông mời dự dạ tiệc tổ chức ở nhà hàng Caravelle. Quả là đúng lời ông: phu nhân là cô đầm chính gốc vô cùng xinh đẹp, con một ông Tây có thớ của tòa đại sứ “Phú Lãng Xa”. Bên cạnh “biệt nghệ”, ông cựu còn có cả một “biệt khu” mà ông dấu kín, chỉ trước khi giả từ cô đơn một thời gian ngắn ông mới “bàn giao” cho Hào. Theo ông cựu, biệt khu còn là mật khu, “người thường” không vào được. Muốn vào, khách phải được tiến cử và phải hội đủ hai thứ hào: hào hoa và hào sảng. Nhờ cái tên của mình, Hào đương nhiên được chọn. Nhưng trái với ông cựu có tính e dè thuộc cấp cười chê, ông tân xem việc “lăng nhăng” là chuyện thường tình. Ông bảo rằng đến Tú Xương mà còn thà bỏ rượu bỏ trà chứ nhất định không từ cái lăng nhăng đàn bà! Cho nên khi ông cựu rời tàu, ông tân rỉ tai cho từng sĩ quan cả mật khu lẫn mật khẩu. Từ ngày được bàn giao “chỗ quen biết”, Hào rất muốn thăm dân cho biết sự tình nhưng lòng vẫn phập phòng cho dù ông cựu bảo đảm là bãi ủi trăm phần trăm an toàn. Chính bản thân ông chưa bao giờ bị… bể ống khói! Hào xúi tôi lần về bến này tôi thử… thăm dò thủy đạo xem sao. Tôi mùng húm. Anh có ngờ đâu rằng đó là “mật khu” tôi đang cần và còn cần dài dài. Cho dù anh có đòi hối lộ bia và hột vịt lộn như anh từng chung cho Tâm thì tôi cũng đành thỏa mãn. Ra khỏi taxi, tôi nhìn cái biển số gắn ở cổng rồi đặt ngón tay lên núm chuông. Tôi ấn hai lần, ngưng lại rồi ấn tiếp hai lần. Mật hiệu dễ nhớ này đúng là của phó Đắc: Còi nhịp đôi là nhiệm sở tác chiến trên tàu. Tôi nghe giọng đàn bà phát ra từ chiếc loa nhỏ dấu kín trên núm chuông: - Ai đó? - Lê Vĩnh Tường. Tôi cười thầm khi chợt nhớ đến ông phủ Vĩnh Tường của bà Hồ Xuân Hương. Ông cựu phó Lê Vĩnh Đắc quả là tay đáo để. Hết dùng còi tác chiến làm mật hiệu đến việc chọn cái tên giả cũng cắc cớ. - Tường nào? Giọng đàn bà mang vẻ ngờ vực. Hạm phó Đắc khoe là “chỗ quen biết”, đâu lẽ chủ nhân lại cần thêm chi tiết. Nhưng đã lỡ, tôi đành nói khẻ vào loa: - Tường Hải quân. Dù nói khẻ, tôi vẫn thấy ngượng. Đây đâu phải chỗ thích hợp để dùng tên binh chủng của mình làm…chuyện tào lao. Nhưng chừng như nếu không dùng đến cái từ đó thì khó có đủ mã lực để đẩy khung sắt nặng nề. - Vào đi anh Tường. Anh tới đúng lúc. Em có quà đặc biệt cho anh! Tôi vừa lách người vào là cánh cổng khép chặt lại. Trên con đường sỏi đá dẫn vào ngôi biệt thự vắng lặng, tôi rút điếu thuốc gắn lên môi và châm lửa. Cái không gian tĩnh mịch gợi tôi thèm hơi khói hơn là để trấn áp nhịp đập tăng dần của trái tim. Cửa chính đóng kín. Tôi lại nhấn chuông. Nắm tròn của khóa cửa chầm chậm xoay. Khi cửa mở rộng, tôi nhìn sững người đàn bà hấp dẫn tuổi chưa quá bốn mươi. Những đường nét nẩy nở mà thanh tú. Nụ cười vụt tắt thay cho tia mắt ngạc nhiên. Người đàn bà trách nhẹ: - Sao lại mạo danh anh Tường. Lần sau đừng làm thế! Tôi cười, tình thật: - Sợ nói tên lạ, chị không cho vào. - Cứ nói là bạn anh Tường Hải quân. Hoặc nói tên anh. Anh tên gì? Bị hỏi bất ngờ tôi vọt miệng nhanh hơn tôi kịp nghĩ ra một tên giả: - Bằng! Lê Vĩnh Bằng. - Em của anh Tường? - Không, trùng họ! - Anh uống gì? Rượu, nước ngọt, cà phê? - Chị cho một ly cà phê đen, nóng. Người đàn bà bước nhịp nhàng đến chiếc bàn đủ loại ly tách. Tôi nhìn theo, nhủ thầm cần gì chọn ai khác. Một khối ngọc ngà kia rồi. Đến khi chị trao ly cà phê, tôi nói nửa đùa nửa thật: - Chị khoe có quà đặc biệt cho anh Tường. Tôi đang thay mặt ảnh. Vậy chị cứ tự nhiên đưa cái đặc biệt… của chị cho tôi xem! Người đàn bà nguýt dài: - Ấm ớ vừa thôi nghe! Giỡn mặt là đến sao về vậy đó! Nghe giọng kém vui, tôi hiểu là tôi đã đùa quá trớn cho lần đầu. Nhưng cần gì phải giữ kẽ ở chốn… lầu xanh, tôi nói chầm chậm: - Hãy coi tôi như anh Tường, tôi được cái đặc biệt của chị thì chị cũng được… tiền đặc biệt. Chị ngắm nghía tôi một lúc rồi nhoẻn miệng cười: - Đúng là Hải quân, lỳ lợm như nhau. Thôi được, ngồi chờ một chút! Tôi ngồi lên bộ sa lông êm ái, móc túi quần lôi ra gói thuốc lá. Tôi dụi tắt điếu đang hút và châm lửa điếu thứ hai. Nhân đặt gói thuốc lên bàn, tôi cầm tờ nhật báo lướt nhanh các tựa. Toàn tin tức bố ráp chùa chiền, bắt bớ chư tăng, biểu tình rầm rộ. Đàn áp thẳng tay. Những tin tức đáng buồn đó không thích hợp tâm trạng háo hức của tôi lúc này. Tôi vừa đọc lơ mơ vừa trách mình sao không nói thẳng là chọn… bà chủ để khỏi phải đợi chờ lâu lắc. Tôi ngước lên, hy vọng thấy người đàn bà hấp dẫn ngay trước mặt nhưng thay vào đó là một cô gái trẻ trung, tươi tắn đến không ngờ. Cô mặc nguyên bộ quần áo dài trắng mang dáng dấp nữ sinh. Cô nói, e ấp: - Chào anh! Hân hạnh được biết anh. Tôi đáp, có phần do dự: - Chào cô. Vui được gặp cô. Nói vậy mà không phải vậy. Tôi không vui. Các nơi bình dân khác cũng hay chơi cái trò “nữ sinh” này. Thì đàng nào cũng may mặc, tại sao không may mặc theo kiểu nữ sinh cho thêm phần… tâm lý! Đang ngỡ ngàng, tôi bị thêm một cú bồi bằng giọng của một tay chơi sành sỏi: - Phải anh là lính, mời anh lên lầu! Tôi nhìn gói Pall Mall nằm trên bàn. Cô vừa nói đùa mà cũng nói thiệt. Tuy vậy tôi vẫn ngồi yên ngắm nàng đang bước về phía thang lầu. Sao kỳ vậy? Ngay chính ở những ổ chuyên nghiệp, người ta cũng chưa hối thúc khách hàng như vậy. Gọi là biệt khu mà tôi chưa kịp nhấp một ngụm cà phê, chưa kịp rít vài ba hơi thuốc. Thấy tôi vẫn ngồi yên, người đàn bà quyến rũ lên tiếng: - Nhiều người tới đây sợ gặp người quen nên thường rút ngay vào buồng riêng. Như anh Tường chẳng hạn. Lỗi tại tôi dặn cô ấy chớ không phải do ý cô ấy. Chú em cứ mang theo cà phê, thuốc lá. Vào buồng, cứ nhởn nhơ. Giờ giấc thoải mái nhưng phải… lương thiện. Một nói một, hai nói hai. Không hài lòng cô này, tôi đổi ngay cô khác. Tôi rùn vai, cầm ly cà phê, nhặt gói thuốc lá. Tôi đến đây là để thỏa mãn một nhu cầu. Ai chẳng được. Có điều xem ra không như… quảng cáo. Nhưng thôi lỡ rồi, đang nóng sốt, chẳng lẽ bỏ về. Tôi dứt khoát bước theo cô gái. Tiếng bà chủ lại cất cao từ phía sau: - Khoan đã! Chú em tới lần đầu, cần nói rõ ràng về giá cả. Tôi dừng ở bực thang lầu, quay lại. Bà chủ lên giọng đàn chị: - Mỗi lần “đi” là một ngàn. Cứ thế mà tùy sức. Cả sức người lẫn sức của! Tôi không cần cái gọi là tiền đặc biệt chú em muốn dành cho tôi. Ngược lại, tôi giảm giá đặc biệt cho chú em như giá đặc biệt cho anh Tường. Giá bình thường là một ngàn. Giảm cho chú em hai trăm! Tôi mỉm cười, bắt đầu thực sự thích thú vị chủ nhà. Bà ăn nói cũng… tiếu lâm đấy chứ! Tôi định đùa: “Với cô gái, giá tám trăm vẫn còn mắc. Nhưng với chị, chị khỏi bớt tôi cũng đi” nhưng tôi kềm lại được. Tôi ỡm ờ: - Tôi cũng xin hỏi trước cho rõ ràng: Chị bớt như vậy là cho một lần “đi” hay lần nào cũng được bớt? Bà chủ cười, nói như thách đố: - Càng “đi” càng bớt! Tôi bắt trớn bồi thêm: - Nói thì nhớ nghe! Lần tới sẽ…“đi” chị. Chị xụ mặt xuống, đe dọa: - Tôi kêu chồng tôi là anh hết “đi” đó! Tôi vọt theo cô gái lên lầu. Căn phòng rộng rãi, sạch sẽ, giường đôi, drap và bao gối trắng tinh. Có phòng tắm riêng cửa đang mở rộng phô bày bồn rửa mặt và búp sen kiểu hiện đại. Tôi khen thầm tiền nào của nấy. Nhưng quan trọng hơn hết, cái của trước mặt là đắt tiền nhất lại chưa rõ có thật đáng tiền. Biểu hiệu đầu tiên xem ra có phần khích lệ. Không như các cô khác làm nghề này, vào buồng là cởi quần cởi áo, vừa kích thích vừa thúc hối để được thêm giờ thêm khách, cô gái ngồi lên mép giường, cúi mặt lặng thinh. Tôi bước đến nâng nàng đứng lên, nhìn sâu vào mắt nàng. Nàng nhắm mắt tránh né. Kích thích từ đôi mắt đẹp, đôi môi tươi, thân thể thon nhã mà nở nang, tôi bắt đầu hôn lên môi lên cổ… Nàng đứng yên và từ tốn hưởng ứng. Rồi tôi từ từ lột nàng quần ngoài quần trong, rồi áo ngoài áo trong. Nàng yêu cầu tôi tắt đèn. Tôi hăm hở nhưng nàng dịu dàng. Tôi nôn nả mà nàng từ tốn. Bằng vào những cử động xoay trở, bằng vào những vẻ e thẹn cố che dấu, tôi tin là nàng vào nghề chưa bao lâu. Nàng gần như không có một chút kinh nghiệm đàn ông. Nàng chỉ biết thụ động, bảo sao làm vậy hoặc xin khéo léo chối từ. Nhưng rõ ràng nàng như cục nam châm có cực âm cực mạnh đến độ biến tôi thành cực dương ngay phút đầu. Tôi nồng nàn ôm ấp nhưng nhẹ nhàng nâng niu. Nàng nhiệt cuồng bám víu mà ngượng ngùng hưởng ứng. Rồi đến một lúc chính nàng vô cùng hăm hở. Chính lúc đó tôi nghe giọng nàng thảng thốt: “Chắc em có mang với anh quá!” Tôi trấn an nàng trong cơn thúc hối: “Đừng nói khùng!” … Nàng chạy ngay vào buồng tắm khi tôi lật ngang, nằm ngửa thở dốc. Tôi vói tay rút một điếu thuốc, bật lửa. Khói bay lên cây quạt trần bất động giao phần việc cho cái máy lạnh tỏa hơi vừa đủ mát. Rồi tôi bỗng thoáng nhớ rằng tôi đã nói câu trên một lần, đâu đó…Đúng rồi, tôi đã có nói từ thuở học trò. Đêm vĩnh viễn rời xa ngôi trường vì hết lớp, tôi rủ Tuyết lang thang xuống bãi biển. Bãi biển vắng, chúng tôi mắc sức hôn hít nâng niu. Chợt Tuyết xô tôi ra hốt hoảng: “Anh! Em sợ có mang”. Tôi cười ngất: “Đừng nói khùng. Chỉ ôm ấp … sơ sơ thì có mang có miết gì được!”. “Nhưng mạ nói trai gái gần nhau là có mang”. Tuyết của tôi ngày xưa dại khờ, ngu ngơ thế đó. Còn Tuyết bây giờ, xem ra chững chạc, rành đời. Và hiện giờ, Tuyết và Tâm có đang làm những gì tôi đã làm với cô gái này? Tôi nghe tiếng nước xối xả trong nhà tắm và nghe cảm giác buồn buồn. Bỗng dưng tôi buông tiếng thở dài. Cô gái này, biết đâu đã gặp một vấn nạn còn đau thương hơn cả trường hợp của Tuyết? Một tai nạn xảy ra và Tuyết mất tất cả, khiến cuộc đời trâm anh phải lận đận lao đao. Cái kiểu cách của cô gái này xem ra cũng từ một gia đình nề nếp. Tôi thoáng thấy dáng nàng bước khỏi buồng tắm đi về phía cửa. Căn phòng bật sáng choang. Cô gái vẩy tay chào, hiện trở lại bộ cánh nữ sinh e ấp. Tôi hối hả nói: - Khoan đã! Anh muốn gần em thêm vài phút… Cô cười buồn: - Để làm gì? Anh muốn mất thêm tám trăm? Tôi bật cười: - Anh sẵn sàng mất sạch túi! Nàng bước đến ngồi lên giường, cúi hôn vào môi tôi thật lâu. Rồi nàng đứng lên, nói bằng giọng luyến tiếc mà dứt khoát: - Em rất tiếc là không thể. Nếu anh có thực ý, xin trở lại ngày mai cũng giờ này… Tôi thở dài thườn thượt: - Ngày mai anh bị trực. - Thì ngày mốt! - Ngày mốt anh bị cấm trại. Cô gái vạch cổ tay nhìn đồng hồ: - Anh có mười lăm phút. - Anh muốn suốt đêm… Nàng nhìn sững: - Đừng đùa anh. Đây là ngày đầu của em mà ở đây cũng không chứa khách qua đêm! - Thì đi nơi khác. - Bố ráp khắp nơi. Đi đâu! - Chỉ bố ráp ở chùa. Phòng ngủ, miễn. Nàng lại cúi xuống hôn tôi thắm thiết, thì thào: - Có lẽ em bắt đầu yêu anh. Em ra về trước. Anh đừng nói gì với bà chủ. Bây giờ, là ba giờ. Gặp em ở rạp Rex lúc 7 giờ. Tôi ôm chặt nàng, nói khẻ: - Lâu quá! - Tội nghiệp em mà! Đúng 7 giờ… - Em tên gì? - Gặp lại, em sẽ nói tên thực. Chúng tôi hôn thêm nụ hôn tạm biệt đắm say. Trong lúc hôn, tôi đưa tay vói lấy cái bóp trong túi quần vứt ở góc giường. Tôi kéo ra tờ hai trăm. Khi nàng nhả tôi ra, tôi nói: - Lúc nãy bà chủ có giảm giá do quen biết. Anh tặng lại em… Cô gái cúi nhìn hai trăm rồi trừng mắt: - Em không lấy! Và cả đêm nay cũng không… Nàng đi thẳng ra cửa, không ngoái lại. Đợi cửa đóng hẳn, tôi phóng vào nhà tắm, tẩy rửa thật sạch. Dù có lời “bảo đảm”, tôi vẫn cẩn tắc vô ưu, thà phòng bệnh hơn trị bệnh. Lau mình khô, tôi quấn chiếc khăn tắm màu trắng mềm mại quanh người bước ra ngồi lên chiếc ghế nệm nhỏ cạnh chiếc tủ đầu giường. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn quanh căn phòng. Tường và trần đều sơn màu trắng tinh khiết. Và một khung tranh khá lớn trên vách đối diện vách kê giường đôi. Bức tranh trông quen quá. Không phải tranh, chỉ là hình chụp bức tranh. Bức Starry Night của Vincent Van Gogh. À há, bà chủ còn là một tay… bí ẩn đáng tìm hiểu đây! Tôi uống cạn ly cà phê mà tôi biết đêm nay tôi cần nó. Tôi mặc lại áo quần, nhặt cái bóp lăn lóc trên giường cầm luôn trong tay đi xuống thang lầu. Tôi đếm đủ tám trăm đưa bà chủ. Chị không được vui: - Sao về nhanh vậy? Nếu không hài lòng, tôi kêu cô khác? - Cám ơn chị, quá hài lòng! Nhưng chắc hài lòng hơn nếu… là chị! - Nham nhở! Về đi! Bữa khác tới nghe! - Nếu chị hứa dắt tôi vào… buồng giải thích cái đẹp của bức tranh… Chị xua tay như đuổi tà ma: - Cút đi cha nội non! Dai như đỉa đói! Tôi cười bước nhanh ra cổng. Dừng lại đốt điếu thuốc, tôi quyết định: “Chỗ quen biết” của Vĩnh Tường nhứt định phải thành “chỗ quen biết” của Vĩnh Bằng”. Khi đứng đón taxi, tôi phân vân không biết về đâu. Tôi còn đến ba tiếng thênh thang mới tới giờ hẹn. Tôi bỗng nhớ Hiền da diết. Cái cớ rất hấp dẫn để tôi đến gặp nàng mà không thẹn với lòng là lâu rồi tôi chưa gặp… anh nàng. Nhưng khi lên taxi, tôi lại bảo đưa đến nhà Tuyết. Đến nhà Tuyết, tôi không cần lý do. Tôi chưa có lời vĩnh biệt Tuyết. Tôi chỉ muốn biết khi tôi nhấn chuông, thời gian sẽ mất bao lâu cho cửa nhà Tuyết rộng mở. Ơ hay! Mày đang ghen hả Bằng? Và bất ngờ trong một phút giây sáng suốt nhất tôi nhận ra rằng tôi còn có một người đẹp chờ tôi ở Rex. Xem phim là đam mê của tôi. Rex là rạp tôi ưa thích. Và cũng lâu rồi chưa trở lại nơi này. Sao tôi lại dại dột không chui vào chốn ưa thích để thỏa mãn nỗi đam mê mà khi trở ra đã thấy nàng đang đứng đợi? Và là của riêng tôi suốt đêm. Tôi nói với ông tài xế bằng giọng lịch sự nhất: - Xin lỗi bác tài. Nhờ bác đổi hướng về rạp Rex.