Chương 14

    
ì máy điều hòa không khí tạm ngưng để tu bổ, tôi đẩy chiếc quạt máy hướng thẳng vào giường ngủ rồi đổi sang tốc độ nhanh nhất. Luồng gió hâm hấp nóng vùn vụt tạt vào người. Mồ hôi vẫn còn chờ dịp để thoát ra. Mái tóc như được ve vuốt, nhịp nhàng. Tôi nhớ những ngón tay mềm mại của Hiền luồn vào tóc tôi. Tôi nhớ thân thể ngà ngọc của Hiền trên tấm drap đầy hoa xanh nhạt…
Sau trưa ngày thứ hai cuồng nhiệt, dù đã hẹn gặp lại nhau thứ bảy, mới tối thứ năm tôi đã lò dò đến nhà nàng. Nhưng vì Dũng lúc nào cũng cạnh kề, cả khi ngủ nên Hiền và tôi không được giây phút nào riêng tư. Hy vọng ngày mai ba mẹ Hiền và Dũng lúc nào đó cùng đi vắng. Ngày mai, theo lời hứa, Hiền sẽ đích thân đi chợ và nấu ăn. Tôi như còn  nghe văng vẳng những lời thủ thỉ dễ thương: “Bắt đầu từ giờ phút này em đã là vợ anh. Vợ thì phải lo cơm cho chồng, phải biết nấu các món chồng ưa thích. Thứ bảy anh muốn ăn gì nào? Em sẽ chuẩn bị thịnh soạn để mừng năm mới và mừng ”chúng ta”. “Em cho ăn gì anh cũng thấy ngon”. “Mấy món mẹ nấu, chắc anh ngán rồi. Để em nấu các món Huế. Em có sách dạy nấu món Huế”. “Làm ơn đừng nấu món Huế. Tốt hơn là đừng nấu gì hết! Để anh ăn em là ngon nhất”. “Đó ăn đi!”…
- Thiếu úy! Thiếu úy!
Dường như tôi đã nghe tiếng gọi nhiều lần trước khi tỉnh giấc. Tôi hé mắt, nghe tiếng mình nhề nhệ:
- Gì đó anh?
- Có công điện, thiếu úy.
Tôi bực mình xẵng giọng:
- Thì để vào hồ sơ “công điện đến”
- Thưa công điện “thượng khẩn”
Tôi đưa tay nhận tờ giấy, nói cám ơn rồi lại chìm vào giấc ngủ…
Tiếng còi xoáy vào tai, rền rĩ trong óc. Tôi giật bắn người, tim thình thịch đập. Tôi đưa hai tay đè lên ngực lắng nghe những rung động, những mõi mệt lan dần. Thêm một hồi còi nữa. Khó ai ngủ yên với tiếng còi rùng rợn đó. Tùy âm nhịp phát ra, nó buộc nhân viên phải ý thức ngay việc sắp làm. Như tiếng nhịp đôi “tích te” ba lần, rồi tiếp tục, có nghĩa là mười lăm phút nữa sẽ đến giờ điểm danh và tiếng nhịp ba “te te tích” có nghĩa giờ làm việc bắt đầu.
Tôi ngồi bật dậy. Có tiếng sột soạt khi tôi xoay người rời khỏi giường. Tôi cầm mảnh giấy và chợt nhớ công điện thượng khẩn được trao tận tay. Mình ẩu thật. Tôi đọc vội vàng và càng thêm lo lắng: “Chiến hạm được đặt dưới quyền điều động của Vùng 4 Chiến thuật trong thời hạn 8 ngày kể từ ngày 2 tháng 1 năm 1965. Có mặt tại Đồng Tâm để họp với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 hồi 10:00 H. Mọi chậm trễ Hạm trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Ký tên và đóng dấu: “Hải quân Trung tá …Chỉ huy trưởng Hải lực”
Nhớ ra hôm nay ngày đầu năm, tôi tỉnh hẳn ngủ. Có mặt ngày 2 ở Đồng Tâm có nghĩa là phải khởi hành bất kỳ lúc nào hôm nay. Vậy mà khi nhận công điện, tôi vẫn tỉnh bơ ngủ tiếp. Tôi phóng qua buồng hạm phó. Bên trong tấm màn che cửa, căn phòng tối đen. Tôi gõ vào vách và tăng độ khẩn khi đánh thức:
- Hạm phó! Hạm phó! Có công điện “hỏa tốc”.
Hạm phó Được choàng dậy hỏi dồn:
- Đâu? Đâu? Đưa coi!
Đèn bật sáng. Hạm phó nhíu mày nhìn lướt tờ giấy rồi hấp tấp thay quần áo. Chợt nhớ trên người chỉ có mỗi chiếc quần đùi, tôi cũng vội về phòng mình. Tiếng Được vói theo:
- Này Bằng, chốc nửa điểm danh, báo tôi biết ngay nhân viên thiếu đủ thế nào. Tôi phải báo ngay với hạm trưởng.
- Nhận rõ.
Mặc xong quân phục, tiếng còi điểm danh buổi chiều cũng vừa ré lên. Khi ông quản nội trưởng báo cáo Hạ sĩ nhất Thành vắng mặt tôi mới chợt nhớ là sáng nay chính tôi cho phép Thành về nhà săn sóc con bị bệnh. Anh hứa sẽ về tàu trước điểm danh chiều. Tôi rất hiểu hoàn cảnh gia đình anh. Tôi cũng tin anh đã trở thành một nhân viên tốt từ sau khi thăng cấp hạ sĩ nhất gần một năm trước. Anh không vào tức là anh thực sự đang gặp khó khăn.
Tôi cho tan hàng và bước chầm chậm trong lòng tàu. Tôi sẽ trình bày ra sao với hạm phó về sự vắng mặt của Thành. Từ lần đầu nói chuyện khi mới đổi xuống tàu, tôi đã có cảm tình đặc biệt với Thành. Thỉnh thoảng tôi dành vài phút hỏi thăm gia cảnh và cười đùa với anh. Đôi lần anh kẹt tiền, tôi sốt sắng cho mượn. Gần đây nhất, anh cho biết hai đứa con lớn đã tới tuổi đi học nên một đứa gửi cho bên nội, một đứa gửi cho bên ngoại. Còn bốn đứa nhỏ thì gần như là do một mình vợ anh quán xuyến. Bởi vì rõ ràng là tàu thì cứ công tác liên miên mà về bến lại còn bị cấm trại. Tôi nghe thì nghe vậy nhưng không hề hình dung những thống khổ mà vợ con Thành phải trải qua.
Cho đến một lần, tàu đi công tác gấp, không đủ nhân viên đi gọi phân đội đi bờ về tàu, tôi tình nguyện đi tìm Thành vì lúc đó anh là nhân viên thuộc ban Vận chuyển của tôi. Theo địa chỉ, chiếc taxi chở tôi qua cầu Ông Lãnh, quẹo mặt chạy dọc theo bến Vân Đồn. Tôi cho taxi dừng đổ tôi xuống ở cái số nhà đầu tiên tiếp theo hai số tách nhau bằng hai dấu gạch nghiêng.
Tôi vào một con hẻm rồi tạt qua con hẻm khác nhỏ hơn. Đi một lúc thì đến khoảng trống nhỏ nhưng đầy các dãy thùng quanh một vòi nước máy. Cuối khoảng đất trống là một chòi canh. Tôi không thể gọi đó là nhà của Thành. Nó đúng là một chòi canh của nhân dân tự vệ mà do một “cơ duyên” nào đó trở thành nơi ăn chốn ở của gia đình anh. Căn chòi có hình khối vuông mỗi chiều bốn thước mà vách là những tấm ván gỗ thông lấy từ thùng đạn pháo binh. Nó được ngăn thành hai tầng. Tầng trên dành cho ba đứa nhỏ đã biết leo cầu thang, ngủ lăn lóc trên sàn. Tầng trệt, một bên đặt chiếc phản gỗ vừa vặn cho vợ chồng và đứa bé nhất. Phản gỗ cũng là nơi dọn thức ăn. Phần còn lại dành cho việc bếp núc. Còn cầu tiêu thì nằm nơi công cộng trên một con lạch gần đó. Tôi có hỏi Thành sao không xin nhà khu gia binh. Anh cho biết đã xin nhưng khu gia binh hiện tại thì đầy, phải chờ khu mới đang xây, mất chừng một năm nữa.
Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao Thành rất thường xin về nhà ngay khi sáng sớm trở lại tàu. Ăn ở chật chội như vậy, tại một chốn xô bồ dơ bẩn như vậy, gần như ngày nào các con anh không đứa này thì cũng đứa khác ngã bịnh. Nhưng anh đâu thể xin phép về mỗi ngày nên đành phó thác sinh mạng lũ con cho Phật Trời. Chỉ khi có đứa bịnh nặng cần đi bác sĩ thì anh không còn cách nào khác. Vợ anh không thể dắt ba đứa kia theo cùng, anh phải về đưa con vào bệnh xá Hải quân. Anh than là không ai cảm thông hoàn cảnh của anh, chỉ biết vắng mặt là phạt. Đó cũng là lý do trước đây anh không kềm chế được cơn nóng giận…
Bước gần đến mũi tàu, tôi quay trở lui rồi leo cầu thang đứng gần hạm phó đang nói điện thoại ở hạm kiều. Qua trao đổi, tôi hiểu người đầu máy kia là hạm trưởng. Anh dạ vâng một lúc rồi gác máy, quay sang tôi:
- Hạm trưởng đã biết tin và sắp về tàu. Nhân viên đủ không?
- Thưa chỉ thiếu hạ sĩ nhất Thành.
- Nó đi đâu? Ai cho nó rời tàu?
- Dạ tôi. Sáng nay Thành xin tôi vài tiếng về nhà lo cho con đau nặng.
- Sao anh không hỏi ý kiến của tôi?
- Thưa hạm phó, tôi tưởng việc lặt vặt này chỉ cần sĩ quan trực giải quyết.
Hạm phó Được quắt mắt:
- Với tôi thì không lặt vặt. Chuyện này tính sau. Bây giờ anh cho người đi tìm Hạ sĩ nhất Thành về tàu ngay.
Tôi thấy nên tình nguyện tìm Thành, vừa tỏ ra biết lỗi vừa lợi dụng dịp này tạt qua nhà cho Hiền biết là mai tôi không đến được:
- Thưa hạm phó, tôi xin đi tìm Thành.
Hạm phó gạt ngang:
- Anh trực mà đi đâu!
Tôi cố nhẫn nhục:
- Tôi có lỗi cho Thành rời tàu nên muốn đích thân gọi Thành về. Tôi sẽ nhờ người trực thế.
Giọng hạm phó lạnh lùng:
- Tôi bảo không! Việc anh cần làm bây giờ là thông báo các sĩ quan chuẩn bị họp với hạm trưởng lúc ba giờ. Họp để chuẩn bị tàu đi công tác.
Tôi buồn rầu đáp buông xuôi:
- Đáp nhận.
Chiến hạm tách bến lúc bốn giờ. Hạm trưởng quyết định khởi hành sớm vì radar chưa khiển dụng, vẫn còn chờ cơ phận thay thế. Sau chuyến công tác đi Trà Nóc, ông quá ớn với việc giang hành đêm như người mù. Khi mặt trời vừa lặn thì tàu cũng vừa ra khỏi cửa sông Soài Rạp. Hạm trưởng cho neo ngoài khơi chờ sáng sớm vào Cửa Tiểu cho ăn chắc.
Đúng như tính toán, chiến hạm vào cặp cầu vịnh Đồng Tâm lúc 9:30 H. Riêng phần tôi, tôi bị một vố ngoài dự đoán. Tôi đoán rằng việc Thành về tàu trước giờ khởi hành sẽ giúp mọi chuyện êm đẹp nhưng vừa khi hạm trưởng rời tàu đi họp hành quân,  Hạm phó Được cho gọi hạ sĩ nhất Thành trình diện ở phòng làm việc sĩ quan. Theo phép lịch sự, các sĩ quan đều rời phòng. Chỉ với riêng tôi, ông bảo:
-Thiếu úy Bằng cứ ngồi đó.
Với chút ngạc nhiên, tôi ngồi im theo dõi cuộc đối đáp. Hạm phó hỏi:
- Hạ sĩ nhất Thành có biết mình phạm lỗi gì không?
Thành liếc nhìn tôi, đáp khẽ:
- Thưa hạm phó, lỗi trình diện trễ, tôi nhận lỗi.
- Anh trình diện trễ như vầy là lần thứ mấy?
Thành sốt sắng trả lời:
- Thưa hạm phó, tôi chưa từng trình diện trễ?
Hạm phó sửa lại thế ngồi, quát lên:
- Anh giỡn với tôi hả?
Thành giật mình, lúng túng:
- Thưa, tôi nói thật. Vắng mặt thì có nhưng trình diện trễ thì chưa bao giờ!
Hạm phó vẫn giữ cao giọng:
- Vắng mặt bao nhiêu lần?
Thành gãi đầu:
- Thưa tính từ năm nào?
Giọng hạm phó bẳn gắt:
- Đúng là anh giỡn với tôi.
- Thưa, lâu rồi tôi cố gắng không vắng mặt. Bằng chứng là tôi được thăng cấp.
Hạm phó lật sổ phạt, xem xét tới lui. Một lúc sau ông ngẩn lên nghiêm nét mặt:
- Tôi mừng thấy anh hoàn toàn thay đổi. Ráng giữ mãi như vậy. Lần này cảnh cáo, nhớ đừng tái phạm. Thôi cám ơn anh.
Khi Thành đi khuất, Hạm phó bảo tôi:
- Tên đó có cái dĩ vãng khá lẫy lừng, anh có biết không?
- Tôi có nghe Hạm phó Đắc nói lại.
Ông đổi thế ngồi và đổi giọng khô khan:
- Bây giờ đến lượt xét xử anh. Mời thiếu úy đứng lên, nghiêm chỉnh.
Tôi trân trân nhìn ông. Hạm phó Được cũng chiếu tướng tôi không chớp. Xét xử tôi? Nghe như tôi phạm trọng tội! Mà nào tôi có phạm lỗi gì cho cam. Lại thêm cái giọng hách dịch khiến máu trong người tôi sôi sục. Tôi định ngồi lỳ xem ông sẽ làm được gì nhưng rồi cố dằn cơn giận. Tôi thấy giữ hòa khí là tốt hơn. Tôi thấy nên hòa điệu với bản tính hách xì xằng cố hữu của ông. Tôi đẩy nhẹ chiếc ghế ra sau và đứng thẳng người. Giọng hạm phó êm nhẹ như mang theo sự hài lòng:
- Về việc anh cho Hạ sĩ nhất Thành đi phép con đau, anh không thấy có lỗi gì sao?
Tôi mạnh dạn lắc đầu:
- Tôi thấy không có lỗi gì. Tôi chỉ áy náy là Thành không về tàu đúng giờ như đã hứa. Tôi có thể đề nghị phạt Thành về tội về trễ nhưng Hạm phó đã tha…
Hạm phó trở lại giọng khô khan, hách dịch:
- Tôi vẫn nghe các hạm trưởng đều khen anh là sĩ quan ưu tú nhưng tôi chả thấy anh ưu tú ở điểm nào! Kể cả hải quy cũng không thuộc. Anh vi phạm hải quy về quyền thâm niên hiện diện. Anh cho phép nhân viên rời tàu mà không tham khảo ý kiến của tôi với tư cách hạm phó có mặt trên tàu.
Tôi rủa thầm: “Đúng là hắc ám”. Tôi đã từng sống qua hai đời hạm phó, đã từng cho nhân viên đi phép đặc biệt trong ngày trực nhưng không ai quan tâm đến việc này. Quyền thâm niên hiện diện được đặt thành Hải quy là để áp dụng cho những trường hợp cần thống nhất chỉ huy hoặc cần đưa ra những quyết định quan trọng. Không ai đem áp dụng quyền thâm niên cho cái phép vài giờ.  Tôi nhìn ông bằng ánh mắt chán ngán pha chút xem thường:
- Hạm phó đã viện đến hải quy thì tôi xin chịu lỗi.
Được nói bằng giọng ân nghĩa:
- Nghĩ cái tình từng sống chết cùng nhau gần năm qua nên tôi chỉ đề nghị phạt  anh rất nhẹ là bốn ngày khinh cấm, chỉ để cảnh cáo. Hạm trưởng sẽ gọi anh trình diện sau. Anh có gì khiếu nại không?
Tôi nở nụ cười mai mỉa. Phạt là phạt, cảnh cáo là miễn phạt, như ông cảnh cáo hạ sĩ nhất Thành. Phạt để cảnh cáo thì Hải quân thế giới chắc chỉ có mình trung úy Được, hạm phó thân mến của tôi. Với người như vậy, tôi có nói gì cũng vô ích. Tôi lắc đầu:
- Thưa không! Và xin cám ơn hạm phó đã chỉ… cảnh cáo!
Hạm phó gật đầu, vui vẻ:
- Tốt!
Tôi thở ra một hơi dài! Vậy là sau chuyến công tác tám ngày, Hiền phải chờ thêm bốn ngày nữa. Nhưng vẫn còn hy vọng gặp nhau. Thường sau một chuyến công tác, chiến hạm cặp bến từ năm ngày đến một tuần để nhân viên đoàn tụ gia đình và để chiến hạm tu bổ và tái tiếp tế. Sau bốn ngày tù, tôi vẫn còn ít nhất một ngày được gần gụi Hiền…
Trong giờ cơm trưa, hạm trưởng nói qua về cuộc hành quân hỗn hợp liên binh. Cuộc hành quân sẽ diễn ra sáng sớm ngày mai ở khu vực Tây Bắc Hồng Ngự. Xem ra khá quy mô. Chiến hạm sẽ đổ bộ hai đại đội thuộc Sư đoàn 7 lên sát biên giới Kampuchia thuộc xã Thường Phước. Một đại đội khác được trực thăng vận xuống đồn Thường Thới, sâu trong đất liền. Hai cánh quân phối hợp tảo thanh tiêu diệt một đại đội Việt cộng vừa xuất hiện theo tin tình báo rất đáng tin cậy. Một giang đoàn tuần tiểu chận xét mọi ghe thuyền dọc Tiền giang từ biên giới đến Hồng Ngự. Trực thăng võ trang, một trung đội pháo binh và chiến hạm trách nhiệm yểm trợ hỏa pháo.
Ngày nào cũng đụng trận. Ngày nào ta và địch cũng có chết và bị thương. Đến ngày thứ tư, cánh quân Thường Thới đã tiến sát ven đô quận lỵ. Cánh quân từ chiến hạm tiến đến đồn Thường Phước ở khúc quanh nhìn qua phố chợ Tân Châu. Tàn quân Việt cộng tháo chạy qua Miên để lại 18 xác chết và nhiều người bị thương tích nặng. Giang đoàn bắt giữ một số tình nghi giải giao cho quận. Âm mưu pháo kích và tấn công  vào quận lỵ Hồng Ngự của đại đội Việt cộng đã hoàn toàn bị bẻ gãy. Chiến hạm tái nhận hai đại đội mang trả về Đồng Tâm, rồi trực chỉ Sài Gòn.
Hai giờ trưa thứ sáu chiến hạm cặp cầu C. Một nửa nhân viên hí hửng đi bờ. Một nửa vui vẻ chờ ngày mai đến lượt. Tôi thì chán chường chờ hạm trưởng gọi trình diện. Ông bảo là ông thấy sự việc không đáng nhưng hạm phó đã đề nghị thì ông không thể không xét. Nhưng nếu phạt tù thì rất có thể cái lon trung úy tự động hai năm của tôi sẽ bị treo một thời gian. Vì vậy ông dung hòa bằng cách đổi bốn ngày khinh cấm thành bảy ngày cấm trại.
Xét về “lý” thì sự thay đổi này quả là có lợi cho tôi về tương lai hải nghiệp nhưng xét về “tình” thì tôi và Hiền đều bị thiệt hại nặng. Chúng tôi sẽ không gặp nhau không phải chỉ thêm ba ngày mà có thể lâu hơn. Ba ngày tăng thêm đó là thời điểm tàu lại khởi hành công tác bất cứ lúc nào. Tất nhiên tôi không thể vì… chút tình mà đeo lon chậm hơn bè bạn.
Từ ngày đầu bị cấm trại, sau còi tan việc buổi chiều, tôi thường ngồi trên chiếc trụ sắt dùng buộc dây neo ở sân lái cho tới khi anh chiêu đãi viên mời xuống dùng cơm tối. Ngồi ở vị trí đó tôi có thể quan sát khắp công viên Bạch Đằng và suốt con đường Cường Để. Bất cứ bóng dáng áo dài trắng nào xuất hiện, tôi cũng nghĩ là Hiền. Nhưng ngày qua ngày, tôi vẫn mõi mòn ngóng trông.  Ông Trời sao cắc cớ. Lúc tôi không muốn gặp Hiền thì được dịp đi bờ liên miên, chừng khi muốn gần thì cơ hội cứ thi nhau lẫn trốn.
Tôi nhớ lần duy nhất Hiền xuống tàu thăm tôi và tôi đã tỏ ra hất hủi. Bây giờ tôi lại thiết tha mong Hiền xuất hiện. Có phải tại tôi không còn ai khác ngoài Hiền? Hay tại vì dư âm những xúc cảm thịt da khiến tôi điên cuồng thương nhớ? Tôi cứ muốn đi gặp Hiền rồi đào ngũ luôn bên Hiền. Nhưng cuối cùng tôi không phải ngồi trông mong vào chiều ngày thứ sáu thọ phạt. Đúng như tôi dự đoán, tàu nhận lệnh công tác sau năm ngày nghỉ bến. Công tác ngắn hạn thôi: Chỉ năm ngày cho chuyến đi Cần Thơ chở tù ra Phú Quốc. Hiền ơi! Đời thủy thủ của anh là thế. Hãy vì yêu anh mà cảm thông, không giận không hờn…
Cuối cùng, khi tàu trở lại Sài Gòn, tôi hưởng một may mắn nhỏ là được gặp Hiền sớm hơn một ngày. Thay vì tôi phải thi hành thêm một ngày cấm trại còn nợ, hạm trưởng và hạm phó hội ý ban đặc ân xí xóa cho tôi. Và tôi được đi bờ ngay cùng lúc phân đội không trực. Nhẫm tính sơ sơ, tôi và Hiền đã không gặp nhau đúng hai mươi mốt ngày…
Trên đường đến nhà Hiền, chưa bao giờ tôi thấy nôn nao đến thế. “Hiền ơi! Dù có ‘nguy hiểm’ đến thế nào, bữa nay anh cũng nhất định phải ôm em cho thỏa. Anh nhớ ngất ngây mùi da thịt kỳ diệu của em. Anh mong ba mẹ và Dũng đi vắng. Hẳn em cũng mong như anh?” Tôi đã tính toán đâu vào đó. Bốn giờ Hiền sẽ ra khỏi Đại học Sư phạm. Bốn giờ rưởi về đến nhà. Tôi sẽ gõ cửa nhà Hiền vào lúc năm giờ kém mười lăm. Hiền sẽ mở cửa và ngạc nhiên reo mừng…
Nhưng trái với mong ước, người mở cửa là mẹ Hiền. Như đã đợi giờ phút này từ lâu, bà buông lời vừa trách móc vừa cảnh báo:
- Con Hiền giận cháu lắm đó. Hôm trước nó nấu ăn linh đình, chờ mãi cháu không tới. Chốc nữa nó đi học về cháu liệu nói khéo với nó.
Tôi cười hứa chắc:
- Cháu sẽ xin lỗi Hiền. Chắc chắn là Hiền sẽ hết giận cháu.
- Có bác trai ở nhà. Cháu lên nói chuyện chơi với bác trai chờ nó về. Còn thằng Dũng thì chắc lại đang họp hành biểu tình chống ông đại tướng thủ tướng. Không biết đất nước bao giờ mới được bình yên cho người dân làm ăn…
Tôi lên lầu hai. Ba Hiền đang ngồi uống trà, đọc báo. Tôi hỏi thăm sức khỏe của ông và ông hỏi thăm những ngày đi biển của tôi. Chúng tôi bàn qua về tình hình thời sự. Ông chê ông tướng râu dê xử sự như tên hề và miền Nam đang thiếu người tài lãnh đạo. Tôi nói đùa rằng ông tướng đã cạo râu chắc rồi sẽ lãnh đạo khá hơn. Được nửa giờ, nhân lúc ông phải vào nhà tắm, tôi leo lên lầu ba, mở cửa phòng Hiền. Chiếc giường phẳng phiêu không còn một dấu vết gì của ngày nào quấn quít. Tấm drap đầy hoa xanh nhạt cũng đã được thay băng tấm drap trắng tinh…
Chiếc dồng hồ báo thức trên đầu giường chỉ năm giờ ba mươi. Hiền đi đâu mà về nhà trễ gần một tiếng rồi. Tôi ngồi vào bàn học của nàng. Sẵn viết và giấy, tôi vẻ những nét dọc nét ngang, những hình thù rối rắm vô nghĩa… Khi tờ giấy đã dày đặc mực đen, tôi vò nát rồi ném vào sọt rác cạnh bàn. Tôi nôn nóng và bắt đầu bực bội. Hiền đi đâu sau giờ học? Hiền không thích biểu tình, chẳng lẽ đi đến nhà Thanh? Không! Không thể! Hiền đã nói Thanh chỉ là bóng mờ. Hiền đã chứng minh bằng sự tự nguyện từ bỏ trinh trắng…
Tôi nhìn quanh tìm thời khóa biểu. Có thể tôi nhớ sai giờ tan học. Bức ảnh bán thân từ cuối bàn nhìn tôi mỉm cười duyên dáng. Tôi nở nụ cười tươi đáp lại. Tôi vói tay cầm khung ảnh định đặt môi nàng vào môi tôi thì nhận ra một điều đau lòng. Tôi đặt khung ảnh vào chỗ cũ và tưởng như có một lúc nào đó căn buồng tối sầm lại và quay mòng. Thế là nghĩa lý gì? Hiền đã trở lại với Thanh rồi sao? Hôm đó tôi đã yêu cầu Hiền vất cái khung ảnh do Thanh tặng sinh nhật nàng và nàng đã vui vẻ lấy bức ảnh ra rồi ném cái khung vào thùng rác. Thế mà bây giờ vẫn tấm ảnh cũ trong cái khung cũ và đặt đúng chỗ cũ. Hiền không đếm xỉa gì ước muốn của tôi. Mà làm sao lại có thể thay đổi dễ dàng bất chấp kỷ niệm sâu đậm đầu đời?
Không chừng Hiền giận tôi không đến như đã hứa nên lại diễn cái trò chọc giận tôi như trước? Tôi gật gù hài lòng với ý nghĩ này. Hiền vẫn trẻ con và nông nổi quá. Hiền đã tự cho là vợ tôi, đã hứa lo cho tôi miếng ăn giấc ngủ thì không thể xử sự như vầy được. Tôi úp khung ảnh lên mặt bàn. Một quyển sổ dầy cỡ nửa quyển vở học trò nằm phía sau khung ảnh trơ vơ hiện ra. Kẹp giữa trang sách là mảnh giấy viết thư màu xanh xếp đôi. Không ngăn được tò mò, tôi rút mảnh giấy ra cầm đọc:
“Hiền,
Mấy tháng nay dường như em giận anh điều gì thì phải. Anh đã cố gắng tìm hiểu mà vẫn không nghĩ ra nguyên do. Lúc nào anh cũng tha thiết yêu em. Nếu anh có lỗi, hãy vì mối thiết tha đó mà bỏ qua cho anh.
Em không đến nhà anh, đã đành, còn anh, ngày nào anh cũng đến với em mà em vẫn lạnh lùng lánh mặt. Anh đã nghi ngờ là em yêu Bằng nhưng thật vô lý vì suốt thời gian đó em cũng không gặp Bằng. Cho dù em có lần em bảo là em bận học thi nhưng đâu lẽ em bận đến độ không còn chút thì giờ nào ban cho anh lời chào xã giao!
Anh nhớ ngày xưa mà buồn.  Anh xưa mỗi lần anh đến nhà là em vồn vã, âu yếm. Chẳng lẽ không bao giờ anh còn được những giờ phút hạnh phúc đó nữa sao em? Đừng giận anh nữa! Giận hoài, anh khốn khổ, học hành không một chữ vào đầu đến thi rớt mất. Anh rất sợ thi rớt, không phải vì xấu hổ với bạn bè mà vì sợ phạm vào điều cấm của em. Em đã từng ra lệnh: “Cấm không được thi hỏng” kia mà. Giúp anh thi đỗ nghe em! Rất mong em đến nhà chiều mai, sau giờ học. Ngày mai là sinh nhật của anh. Không có em chắc anh buồn chết được. Nếu em không đến vì anh thì cũng nên vì ba mẹ anh. Ông bà đã quen sự hiện diện của em nhiều lần sinh nhật. Vắng em lần này thế nào anh cũng bị hỏi han và thật tình anh không biết câu trả lời! Ba mẹ có lần xúi anh cưới em sớm đi, kẻo chậm người khác rước mất. Anh thấy rất có lý. Thiếu gì cặp thành vợ thành chồng mà vẫn cắp sách đến trường. Nếu em bằng lòng, anh sẽ cưới em ngay… Không phải là lời nói đùa!
Anh sẽ đợi em đến bảy giờ tối. Quá giờ đó, anh tự hiểu là em đã thật sự hết yêu anh. Và nếu thật thế, đời anh sẽ ra sao?
Nhớ nhiều và… hôn em nhiều!
Thanh”
Tôi nghe nghèn nghẹn ở cổ và đăng đắng ở miệng. Tôi nhắm mắt, nín thở thật lâu. Nhưng tôi vẫn cứ muốn hét to và đập phá. Tôi nghe đau nhói ở lồng ngực. “Hôn em nhiều” nghĩa là họ từng hôn nhau và vẫn hôn nhau. Và hiển nhiên là giờ phút này họ lại đang hôn nhau. Tôi tưởng như thấy Hiền trần truồng bên Thanh cũng trần truồng… Tôi vẫn là kẻ chiến bại. Người con gái cuối cùng tôi từng đem hết dạ yêu thương cũng đã bỏ tôi. Thôi, về đi. Thôi, vĩnh biệt đi. Còn trông mong gì nữa. Tôi thở ra một hơi dài tưởng chừng như trút đi hết cơn giận. Nhưng cơn giận lại bùng thêm hơn. Hình ảnh Hiền quấn quít Thanh ngập tràn tâm não tôi. Chỉ mới ba tuần trước chính Hiền dâng tôi những quấn quít đó.  Liệu có đúng tôi là người đầu tiên hay chỉ là kẻ đến sau? Tôi run tay nhét là thư vào vị trí cũ rồi chống lên mép bàn cố gắng đứng thẳng lên. Khi quay người định bước ra khỏi phòng mắt tôi bỗng dán chặt vào quyển sổ. Tôi cầm lên, mở từng trang. Đến trang thứ tư mới bắt đầu những chữ dầy đặc. Hiền viết nhật ký, bắt đầu với ngày tháng trước hôm nay chưa tới một tuần:
“Chủ nhật 17/1/1965
Tối buồn mênh mang nghe Hồ Diệp ngâm thơ. Từng câu từng câu sao mà thắm thía. ‘Đứa con gái bỗng nhiên thành thiếu phụ. Mơ tương lai bằng dĩ vãng đau buồn’. Thơ của ai mà diễn tả đúng tâm trạng mình quá xá. Hôm kia“bỗng nhiên” thành thiếu phụ để rồi hôm nay không dám ước mong gì cho hạnh phúc mai sau!
Tôi căm thù anh. Trọn đời tôi sẽ căm thù anh. Tôi dâng anh một lần với niềm tin trọn đời được dâng riêng anh mà sao anh nỡ hưởng một lần rồi không trở lại? Có phải đó là cách trả thù những lần tôi làm anh đau khổ? Nếu quả thế thì lòng anh độc địa quá! Bây giờ anh đã toại nguyện và bắt đầu khinh tôi lắm phải không anh? Anh có quyền tự mãn nhưng đừng khinh tôi tội nghiệp. Bởi lẽ tôi vì tha thiết chân thành yêu anh nên mới thua không còn manh giáp. Anh không tin tôi ư? Anh không tin cũng phải vì chính tôi, tôi cũng không tin là có ngày tôi… dâng hiến cho anh! Tôi không còn cách nào chứng minh tôi yêu anh thật lòng.
Thứ bảy hẹn hò, anh không đến. Tôi tự nhủ là anh bị cấm trại hoặc công tác bất thường. Tôi buồn phiền nhưng vẫn chờ anh suốt tuần sau. Suốt hai tuần anh bặt tăm và không có lời giải thích nào? Tôi phải nghĩ gì đây? Tôi phải giải quyết sao đây nếu… chẳng may bụng tôi ngày một lớn? Anh đã không cho tôi một chọn lựa nào khác hơn là trở về với Thanh. Và sớm làm vợ Thanh.
Tôi phải quên đi. Phải cố mà quên tất cả đi! Quên để xây đắp tương lai cho người thiếu phụ chưa chồng…”
Tôi bàng hoàng thảng thốt đến không thể đọc tiếp. Hiền đã hiểu lầm một cách quá tai hại. Hiền cay đắng và căm thù tôi quá nông nổi, vội vàng. Sao Hiền có thể dễ dàng liệt tôi vào hạng người hạ cấp đến thế! Chính ba mẹ Hiền đã cho tôi nơi chốn ăn học, dĩ nhiên tôi không thể có hành động thấp hèn với Hiền. Với Hồng, dù nàng cho tôi cơ hội suốt ngày đêm tôi vẫn từ chối. Lúc đó tôi chưa có nhà cửa, chưa tiền bạc, tôi phải giữ gìn cho Hồng theo kế hoạch năm năm. Nhưng với Hiền, mọi sự đã sẵn sàng, tôi thấy không cần phải … bỏ chạy như bỏ chạy với Hồng. Tôi đã định bàn việc cưới hỏi với Hiền vào bữa ăn mừng năm mới nhưng cơ hội không đến. Hôm nay tôi sẽ nói hết. Tôi sẽ nói về Tuyết nhưng dấu biệt chuyện cưới hụt Hồng. Tôi nói tôi đã bịa ra nhân vật Hồng để Tuyết dứt khoát theo chồng về Mỹ. Hiền sẽ tin vì nàng còn giữ thư Tuyết. Hiền sẽ hiểu và hết giận! Và tôi và nàng sẽ …
- Ai cho phép anh vào buồng riêng của tôi? Ai cho phép anh lục lạo sách vở của tôi?
Giọng Hiền giận dữ truyền vang trong tiếng quát tháo. Tôi nhìn Hiền đang đứng cạnh Thanh ngoài khung cửa. Mặt nàng đỏ bừng, mắt sòng sọc long lên. Chân tôi chôn cứng, người lịm đi. Hiền đứng đó từ bao giờ? Sao tôi không nghe bước chân của nàng?
- Anh câm hả?
Câu hỏi xấc xược kéo tôi bừng tỉnh. Mắt tôi chiếu thẳng vào mắt Hiền nhưng vẫn thấy cánh tay Thanh vòng ngang lưng nàng và đôi môi Thanh đang nở nụ cười đắc thắng. Mặt tôi bắt đầu nóng bừng. Tôi muốn phóng tới đấm cho nát nụ cười đểu cáng đó. Tuy nhiên tôi vẫn đứng yên, giữ giọng nhỏ nhẹ với Hiền:
- Anh tưởng anh có quyền…
Hiền vẫn cao giọng:
- Quyền gì? Quyền ăn nhờ ở đậu? Quyền… bất lịch sự?
Tôi vẫn đăm đăm nhìn Hiền. Có thật Hiền vừa thốt ra những lời bất lịch sự đó? Cứ cho là tôi ăn nhờ ở đậu thì có dính dáng gì chuyện hôm nay. Và việc Hiền xem lén và tiếp tục giữ thư riêng của tôi thì không phải là hành động bất lịch sự? Hiền muốn làm nhục tôi trước mặt Thanh để chứng minh Hiền coi tôi như cái bóng mờ? Sẵn cầm lá thư của Thanh tự lúc nào, tôi bóp nhàu nó mà tưởng chừng bóp nát thân thể Hiền. Một ý tưởng thoáng hiện. Tôi chỉ có thể lấy lại thư Tuyết bằng cách trao đổi. Tôi vứt lá thư của Thanh vào thùng rác, dứ dứ quyển sổ nhật ký của Hiền:
- Anh xin lỗi đã tự tiện vào buồng Hiền. Anh chỉ muốn tìm quyển sổ tay và đã tìm thấy. Vẫn còn thất lạc hai lá thư của Tuyết, Hiền có tình cờ thấy đâu không?
Những nét đanh đá trên gương mặt Hiền tự dưng biến mất. Nàng cúi mặt, lặng thinh. Tôi lảo đảo đi ra phía cửa. Thanh kéo Hiền sát vào người để nhường lối. Tôi dừng trước nàng, định vung tay tát thật tàn bạo nhưng rồi chỉ nói bóng gió:
- Có lúc nào đó Hiền thấy hai lá thư của Tuyết, xin báo anh đến lấy.
Hiền ngẩng lên, mắt ngấn lệ. Tôi thất thểu bước xuống thang lầu. Đầu óc tôi rỗng không.
- Cháu về sao? Ở lại ăn cơm rồi hãy về…
Tôi giật mình chùn bước. Mẹ Hiền đang nấu ăn, nhìn tôi chờ câu trả lời. Tôi cố giữ giọng tự nhiên:
- Dạ, cám ơn bác. Nhưng cháu phải về tàu, cháu chỉ được đi vài tiếng.
- Bác nghe con Hiền lớn tiếng…
- Dạ không có gì đâu bác. Cháu đã xin lỗi…
Tôi băng ngang đường, đi dọc theo hè phố. Đường phố chưa lên đèn nhưng bên trong những căn phố đã bật sáng. Cái nóng và bụi và tiếng ồn làm tôi thêm choáng ngộp. Tôi cứ bước mà không biết về đâu. Hiền đã ném tôi ra đường khi dự định của tôi là bên nàng suốt đêm. Tôi quay lại nhìn về căn nhà của Hiền. Hiền và Thanh đang làm gì? Họ đang hôn nhau. Họ đang… Không, không thể. Ba mẹ Hiền đang ở nhà. Nhưng còn những tối vừa qua ở nhà Thanh? Hiền đến nhà Thanh bao nhiêu lần từ sau khi nhận được thư Thanh? Còn đêm sinh nhật?
Tôi nghe lòng chua xót đắng cay. Không, không còn gì cứu vãn. Nhật ký của Hiền đã ghi rõ. Nàng trở lại với Thanh và sẽ sớm làm vợ Thanh. Đứa con,  nếu chẳng may là của tôi, sẽ trở thành con của Thanh hoặc thực sự là con của Thanh. Không ai biết, kể cả Hiền! Kể cả con tôi! Tôi dừng lại dưới một mái hiên vắng người qua lại, mở quyển nhật ký. Hiền còn viết nhiều, chừng vài chục trang nữa. Tối nay về tàu, tôi sẽ đọc nhiều lần…
Mà sao Hiền không một phản ứng ngăn tôi cầm đi quyển nhật ký? Hiền muốn tôi đọc hay muốn tránh lôi thôi với Thanh? Có lẽ điều sau là đúng hơn vì chắn chắn là Thanh sẽ đòi đọc. Và chắc chắn Hiền không muốn Thanh biết nàng không còn trinh trắng. Tự dưng tôi thèm khát như điên dại thân thể của Hiền. Những gì xảy ra trong căn buồng chập choạng sáng lần lượt hiện lên. Nhưng từ nay sẽ không bao giờ còn được hưởng những giờ phút thần tiên đó nữa.
Bỗng dưng tôi nghĩ đến Lưu Ngọc Anh. Hồng đã lấy chồng và Hiền rồi cũng sớm lấy chồng. Tôi tiện tặn nữa để làm gì? Thôi thì vui chơi một bữa bù cho cả năm kham khổ. Và cũng để trả thù Hiền…Tôi gọi taxi và nói tên con đường của “chỗ quen biết”. Tôi không còn nhớ số nhà nhưng tôi vẫn nhớ như in cánh cổng sắt của ngôi biệt thự. Tôi nhấn chuông. Tiếng đàn bà còn rất quen tai:
- Ai đó?
- Bằng Hải quân, bạn Lê Vĩnh Tường.
- Dữ hôn! Vào đi!
Cánh cổng hé mở đủ cho tôi lách vào. Khi tới cửa căn biệt thự, cánh cửa cũng tự động mở, nhưng bằng chính tay bà chủ. Chị ôm choàng lấy tôi vui vẻ:
- Biến đâu biệt tích! Mang luôn cả người của chị đi mất.
Tôi ngạc nhiên:
- Chị bảo sao? Tôi có mang ai đi đâu đâu?  Lâu nay xa Sài Gòn, hôm nay mới trở về.  Chị cho gặp cái cô gì hôm trước…
- Chớ không phải cha nội xúi nó nghỉ.
- Thân tôi tôi lo chưa xong, sức đâu mà nuôi thêm người khác.
Chị chủ cười xòa:
- Nói giỡn anh thôi. Nó đã nghỉ từ bữa đó, hơn cả năm rồi. Để tôi giới thiệu cô khác, ngon hơn.
Tôi nhìn bà chủ. Bà vẫn như ngày nào, duyên dáng, hấp dẫn. Tôi cười:
- Khỏi giới thiệu! Giữ lời hứa lần trước, lần này tôi… “đi” chị!
Chị lắc đầu, nghiêm mặt:
- Đừng cà rỡn nữa, cha nội non!
Tôi lắc đầu, cũng làm mặt nghiêm:
- Tôi nói thiệt. Giá gấp đôi cũng đi.
- Gấp mười lần cũng không! Chị có chồng.
Tôi nhìn chị, ngờ vực:
- Có chồng? Chị nói thật?
Chị cười mỉm, gật đầu:
- Không có chồng mà được giá gấp đôi, ngu sao chê.
Chị hướng về cầu thang nói lớn:
- Huệ ơi! Có khách em.
Tôi cảm thấy mất hứng, vội xua tay:
- Thôi để lần khác! Tôi thích cô gì đó, hoặc thích… chị thôi.
Cô gái xuất hiện đầu cầu thang, từ từ bước xuống. Càng đến gần, đôi môi sơn đỏ càng nở tươi nụ cười. Cũng cỡ tuổi Lưu Ngọc Anh, cũng mơn mởn hồn nhiên duyên dáng. Nhưng cô không mặc áo trắng nữ sinh mà lại mặc chiếc jupe bó sát thân người thon thả. Hai đồi ngực vun cao như muốn xé toạt lớp vải màu hoa mang tên cô. Khi đến trước tôi, cô gập nghiêng lưng chào kiểu dân Nhật. Động tác cô thật chậm như để tôi có thì giờ nhìn vào đôi vú no tròn. Tôi chợt nhớ đến động tác cúi người lấy bia của Linda. Cả hai cùng một cách thức câu khách. Nhưng… với  hai cặp vú có cùng hình dạng và phẩm chất thì dại gì đi chọn thứ đắt tiền. Về với “tiểu muội”, uống vài chai bia giải sầu, và biết đâu còn được cùng nàng vào Hotel Catina để mặc sức nhớ Tuyết. Tôi bắt chước cúi gập người rồi cười nói:
- Anh chỉ muốn đến đây tìm một người. Cám ơn em đã… chào, nhưng xin hẹn lần sau. Cám ơn bà chị. Thứ lỗi cho cách ăn nói xớn xác lâu nay!
Tôi phớt lờ hai đôi mắt ngơ ngác nhìn theo, đi thẳng ra cổng. Tôi gọi taxi về đường Tự Do. “Tiểu muội” mừng rỡ tiếp đãi ân cần. Tôi uống năm sáu chai gì đó, nhiều hơn bao giờ. Tôi cảm thấy ngà ngà và ăn nói bạo dạn hơn. Khi “tiểu muội” thông báo đã đến giờ đóng cửa, tôi trả tiền bia và cho buộc hoa hậu hỉ. Tôi lè nhè nói một câu mà đáng lẽ tôi nên chỉ nói vào một hôm khác khi quen biết nhiều hơn:
- Nghĩa huynh đêm nay quá buồn, Linda hiền muội có hoan hỉ chia sẻ nỗi buồn cùng huynh chăng?
Linda cười cười khẳng khái:
- Chết chưa. Tiểu muội quá khinh suất, quên giới thiệu …hiền đệ của nghĩa huynh.
Linda chỉ một tên Mỹ trắng dềnh dàng đang thu dọn chiến trường:
- Gã tiểu tử đó không đêm nào là không kẻ lông mày cho tiểu muội. Bye bye. Tái kiến. Tái kiến. Xin bảo trọng!