Dịch giả: Lm DUY ÂN MAI
Phần mở mục tín lý

Chương I: Ý NGHĨA ĐỨC TIN
Chương II: CÁC NGUỒN CỦA ĐỨC TIN
Chương III: NHÌN TỔNG QUÁT VỀ KHOA TÍN LÝ
"Phúc cho những kẻ không thấy mà lại tin"
(Jn 20,29)
CHƯƠNG I
Ý NGHĨA ĐỨC TIN
I. THẾ NÀO LÀ TIN?
Đối với mọi người, tin tức là chấp nhận đúng sự thật một quả quyết của kẻ khác.
Còn đối với chúng ta, người Kitô hữu, tin tức là chấp nhận đúng sự thật những gì Thiên Chúa nói, được Chúa Giêsu mạc khải, được Giáo hội dạy.
II. CẦN PHẢI TIN
Tất cả mọi người đều cần phải tin vào kẻ khác vì không ai tự mình mà có thể biết hết mọi sự. Chẳng hạn muốn học lịch sử hay địa lý, trước tiên phải tin vào chứng tá của kẻ khác. Cả trong đời sống hằng ngày nữa, nếu không tin vào những người xung quanh chúng ta thì sống làm sao được?
Còn chúng ta, người Kitô hữu, tin lại cần thiết: nếu trí óc chúng ta có thể nhận thấy Thiên Chúa hay linh hồn bất tử chúng ta không thể nào biết được những chân lý mà chỉ có Thiên Chúa mới tường được và nếu Người không mạc khải cho ta.
III. TIN LÀ MỘT HÀNH ĐỘNG HỢP LÝ
Tin vào lời nói của của người khác là một hành động hợp lý, miễn là người ấy đáng cho chúng ta tin cậy. Họ đáng cho chúng ta tin cậy khi con người của họ là một bảo đảm cho sự thật hay họ đưa ra đủ bằng chứng để quả quyết.
Đối với chúng ta, người Kitô hữu, tin cũng là hành động hợp lý vì lời của Chúa đến với chúng ta qua những đường lối rất đáng tin: những sử liệu bất khả kháng (Kinh thánh) và chuyển đạt bằng miệng qua những nhân vật có uy tín (Truyền thống). Lời Chúa còn được các phép lạ và các tiên tri xác thực hoá và tăng sức mạnh.
IV. TẠI SAO CHÚNG TA TIN?
Chúng ta tin các chân lý siêu nhiên không phải vì chúng ta đã thấu hiểu hay vì chúng đã được chứng minh một cách khoa học; cũng không phải vì chúng ta tốt đẹp hay có lợi, nhưng vì chúng ta đã nhận những chân lý ấy do Thiên Chúa và Lời Chúa có đủ bảo đảm. Đây hoàn toàn là vấn đề tin tưởng.
V. VẤN ĐỀ CÁC "MẦU NHIỆM"
Vì đức tin căn cứ trên Lời Chúa, chúng ta không nên lấy làm lạ, nếu đạo Kitô có những "mầu nhiệm", nghĩa là những sự thật siêu nhiên vượt quá khả năng con người và chúng ta có biết thì chỉ biết vì Thiên Chúa đã mạc khải thôi.
Nhìn nhận có những "mầu nhiệm" cũng không phải là phủ nhận trí khôn của chúng ta; trái lại chúng ta chỉ nhìn nhận cương giới tự nhiên của trí khôn chúng ta và trí thông minh của Chúa vượt hẳn khả năng hiểu biết của chúng ta. Một nhà bác học trứ danh, Charles Nicolle, khi trở lại đạo, có thốt ra câu này: "May mà còn có những mầu nhiệm của tôn giáo! Nếu không thì thật là khả nghi vì tôi sợ rằng đó chỉ là một sản phẩm giả tạo của trí óc loài người. Mầu nhiệm của tôn giáo làm tôi an tâm. Nó là biểu hiệu của Thiên Chúa". Gustave Thibon: "Mầu nhiệm không phải là một thứ vách tường chận đứng trí óc của chúng ta, mà là biển cả trong đó trí óc chìm đắm".
Cũng nên thêm rằng ngoài lãnh vực tôn giáo, còn có những lãnh vực khác mang nhiều mầu nhiệm nếu hiểu theo nghĩa là những điều chưa ai hiểu và còn rất khó hiểu. Mọi nhà học xứng danh đều thú nhận họ không sao hiểu nổi một số sự kiện: chẳng hạn hạt lúa nảy mầm làm sao? bản thể của vật chất là gì? Không ai hiểu thấu được. Nhà toán học Poincarré nói: "khoa học có phát triển đến đâu đi nữa, lãnh vực của nó vẫn có giới hạn, mầu nhiệm vẫn bao phủ biên giới của nó, càng lùi xa thì lại càng bao la".
VI. VẤN ĐỀ "CÁC PHÉP LẠ"
Cũng như Thiên Chúa có những chân lý chúng ta không hiểu được, thì Người còn có thể làm những việc mà tự lực chúng ta không thể làm được (phép lạ).
Một khi phép lạ có những lời chứng đáng tin, chúng ta phải thành thật chấp nhận và nhận đó là một bằng chứng có Thiên Chúa toàn năng. Người đã có thể dựng nên vũ trụ thì Người cũng có thể sửa đổi các định luật do Người đã đặt ra.
Chúng ta có nghe một vài người vô tín ngưỡng lập luận như thế này: "Không thể có phép lạ vì phép lạ biểu hiện siêu nhiên và siêu nhiên thì không thể có được". Lý luận như thế thì không xứng đáng với một nhà bác học chính danh. Không có bằng chứng mà quả quyết rằng một sự vật này nọ không có bởi vì chúng ta không thể hình dung nó ra làm sao cả, thì thật là một lối trốn tránh vấn đề không phù hợp với thái độ chân thành của người tìm chân lý.
VII. TRONG THỰC TẾ ĐỨC TIN ĐẾN VỚI CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?
Người Kitô hữu tin, tức là ẳm nhận chân lý siêu nhiên. Nhưng điểm riêng biệt cho đạo Công giáo và không có nơi các tôn giáo khác, là chân lý siêu nhiên ấy không phải chỉ là một thuyết vô danh, mà là một chân lý nhập thể trong một Người, cụ thể hoá trong một nhân vật lịch sử, trong Chúa Giêsu Kitô.
Do đó mà đạo Kitô không phải là một thứ tổng hợp các chân lý, một hệ thống tư tưởng, mà là một sự chọn lựa các gắn bó với một Đấng, một sự quyến luyến cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Và thời nay gắn bó với Chúa Giêsu tức là gắn bó với Giáo hội Công giáo vì chúng ta nhận thấy Chúa Kitô sống động trong Giáo hội ấy.
Người Kitô hữu chính là người đã gặp Đức Kitô trên đường đời và đã nhận thấy Ngài là "đường, là sự thật và là sự sống" (Jn 14,6).
Vậy trong thực tế, đức tin là cuộc gặp gỡ người sống với người sống.
Những người đồng thời với Chúa Giêsu đã tin Ngài như thế nào?
Có phải bởi vì trí óc họ đã thấy rõ ràng không? Không, họ tin Chúa Giêsu nhờ một sức mạnh thiêng liêng, nhờ nhân cách và uy thế toả ra tự Chúa Kitô: Họ trầm trồ với nhau: "Chưa bao giờ có ai ăn nói như Ngài" (Jn 7,46). "Chúng ta chưa bao giờ từng thấy như thế" (Mc 2,12).
Sau Chúa Kitô, các tông đồ đã làm cho nhiều người Do Thái và lương dân trở lại cũng chẳng phải vì đã đưa ra một lý thuyết thông minh, nhưng chỉ vì đã rao giảng Chúa Kitô sống, Chúa Kitô chịu đóng đanh, Chúa Kitô sống lại. (Công vụ Tông đồ 2,32; 3,15; 4,10; 5,30). Ngày nay cũng thế: chấp nhận các chân lý siêu nhiên là thái độ của con người đặt cả tin tưởng vào Chúa Kitô, Con Thiên Chúa. Người Kitô hữu tin chân lý siêu nhiên bởi vì chân lý ấy đã được Chúa Kitô quả quyết. Chúa Kitô là ánh sáng của thế gian (Jn 8,12) và Ngài có những lời hằng sống (Jn 6,69).
Vì vậy chúng ta phải xác nhận những điểm sau đây:
a) Bởi vì Kitô giáo là một sự gắn bó với Chúa Kitô sống động, nên công việc chính của chúng ta không phải là chứng minh đạo Công giáo như chứng minh một bài toán học, công việc chính là tìm cho được gặp gỡ Chúa Kitô trong Phúc âm và Giáo hội, bởi Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, tất cả những điều Ngài nói là của Thiên Chúa không cần phải được kiểm soát hay chứng minh là chân thật bằng những phương pháp loài người.
b) Bởi vì Kitô giáo là một sự gắn bó với Chúa Giêsu Kitô sống động, nên nếu một sự thắc mắc hay nghi ngờ trên một điểm nào của toàn bộ đạo lý của Người đã được nêu ra, chúng ta không có quyền nghi ngờ tất cả đạo ấy: vì đây không phải một vấn đề hiểu rõ của trí khôn cho bằng là một vấn đề tín nhiệm. Tôi tin không phải vì tôi thấy rõ một chân lý trong Phúc âm và trong Giáo hội cho bằng vì tôi đặt tin tưởng vào Chúa Kitô Con Thiên Chúa (Jn 1,1-14).
c) Bởi vì Kitô giáo là sự gắn bó với Chúa Kitô sống động nên so sánh đạo ấy với các tôn giáo khác là một việc không cần và xét theo một khía cạnh cũng không thể được. Các tôn giáo khác có thể so sánh với nhau vì tất cả đều là những cố gắng của con người để giải quyết mối tương quan giữa nhân loại và Thiên Chúa.
Còn đạo Chúa Kitô không phải là sản phẩm của con người mà là một cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô và chúng ta- sự gặp gỡ ấy cũng do Thiên Chúa mà đến. "Không ai có thể đến với Ta nếu Cha Ta, Đấng đã sai Ta, không kéo họ đến" (Jn 6,44) "không ai có thể đặt nền tảng khác nền tảng đã đặt tức là Chúa Kitô" (1 Cor 3,11).
VIII. PHẢI CÓ NHỮNG ĐIỀU KIỆN NÀO ĐỂ TIN?
Muốn tin phải có 3 điều kiện:
1. Mở trí óc đón nhận Lời Chúa.
2. Tâm linh thiên về sự thiện.
3. Được ơn Chúa giúp.
a) Phần trí óc:
Chúng ta không chủ trương thông hiểu hoàn toàn các mầu nhiệm nhưng chúng ta có thể tìm kiếm những bằng chứng để biết rằng chính Thiên Chúa đã nói với con người trong lịch sử nhân loại, học hỏi Lời Chúa để biết rõ ý nghĩa và tìm hiểu những Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn đời chúng ta thế nào.
b) Tâm linh thiên về sự thiện:
Tin không chỉ là hành động của lý trí mà là hành động của toàn con người. Con người còn là ý chí và tình cảm nữa. Để tin thực sự cần phải muốn nữa. Phải chấp nhận những cố gắng, những hy sinh cần thiết. Đức tin là ánh sáng cho đời sống, nếu tôi có đức tin, tôi phải sống khác những người không có đức tin. Phải có can đảm để khước từ lối sống theo xác thịt.
Người đòi hiểu cho được tất cả rồi mới tin thì sẽ không bao giờ tin. Người vô luân, thường sẽ khó mà chấp nhận Chúa Kitô.
c) Phần ơn thánh:
Chính là điều quan trọng nhất, bởi vì đức tin là một ơn siêu nhiên lệ thuộc Thiên Chúa trước hết. Gặp Chúa Kitô là một hiện trạng vượt phàm, hoàn toàn do quyền năng Chúa. Chúa Kitô đã tuyên bố rõ ràng như thế. Ngài nói: "Không ai có thể đến với Ta, nếu Cha Ta, Đấng đã sai Ta, không kéo họ đến". "Không ai có thể đến với Ta nếu Cha Ta không ban cho ơn ấy" (Jn 6,44). Khi Phêrô tuyên xưng Ngài là Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Ngài cũng xác định đó là do ơn Chúa Cha: "Simon, con có phúc bởi vì không phải là máu thịt đã tỏ ra điều đó cho con mà là chính Cha Ta trên trời" (Mt 16,17).
Vậy phải có ơn Chúa để ao ước tin, tin và giữ đức tin.
Nhờ kinh nguyện, nhờ các bí tích và nhờ những cố gắng của chúng ta sống theo ý Chúa, chúng ta có thể được Chúa giúp ơn.
IX. CHÚNG TA CÓ THỂ MẤT ĐỨC TIN KHÔNG?
Có, chúng ta có thể mất đức tin, cũng như chúng ta có thể mất một báu vật nếu không lo giữ gìn cho cẩn thận.
Mất đức tin vì thiếu học hỏi các chân lý siêu nhiên hay nhiễm lấy những tư tưởng nghịch lý đức tin.
Tuy nhiên, cần phải nói ngay rằng: Thái độ hoài nghi trong khi thành thật tìm hiểu một hay nhiều điểm giáo lý nào đó, tự nó không thể làm mất đức tin. Chân thành tìm hiểu là bổn phận của trí óc của chúng ta để trưởng thành trong đời sống tôn giáo, tìm hiểu với kinh nguyện, với suy nghĩ, với sự giúp đỡ của kẻ khôn ngoan.
- Đàng khác, sống bê tha, sống ngược lại các tôn chỉ của tôn giáo cũng có thể làm mất đức tin. Kiêu căng và vô luân thường là đường dẫn đến diệt vong đức tin.
- Không sống đạo, bỏ các nhiệm tích, bỏ kinh nguyện cũng làm tiêu hao đức tin.
X. PHẢI NGHĨ THẾ NÀO VỀ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ MẤT ĐỨC TIN:
Ai để mất đức tin thì hoàn toàn mang lấy trách nhiệm, không thể đổ tội cho kẻ khác. Không phải tại Chúa, vì Chúa muốn mọi người được cứu rỗi và Chúa ban đủ ơn cần thiết.
Nhưng chỉ có Chúa mới rõ trách nhiệm ấy.
Chúng ta chỉ có việc là cầu nguyện cho họ.
XI. PHẢI NGHĨ THẾ NÀO VỀ NHỮNG NGƯỜI SỐNG NGOÀI GIÁO HỘI SONG THÀNH THẬT
Người sống ngoài Giáo hội (hữu hình) song thành thật, không thể coi như người vì lỗi mình mà mất đức tin. Họ không biết đạo Kitô và đồng thời theo một tôn giáo khác.
Thật ra họ thuộc về Giáo hội một cách mặc nhiệm, nhờ thái độ sẵn sàng chấp nhận Chúa Kitô lúc có cơ hội hiểu biết.
Kẻ nào nghe theo tiếng lương tâm và thành thật phụng sự Chúa chắc chắn sẽ được rỗi linh hồn.
Chúa không thể loại bỏ những ai không đồng tình với sự sai lầm và cũng chưa biết chân lý. Họ thuộc về hạng con cái của Chúa bằng ước muốn.
Cả những ai bắt bớ Giáo hội nữa cũng có thể được cứu rỗi, nếu họ hành động vì lòng ngay lành. Thánh Phaolô chẳng hạn, phân trần: “Thuở trước tôi là một tên phạm thượng, một người bắt đạo, một kẻ chưởi bới hỗn xược, nhưng Chúa Kitô thương xót tôi vì tôi thành thực trong hành động vô đạo” (1 Tim 1,13).
XII. PHẢI NGHĨ GÌ VỀ NHỮNG AI BIẾT ĐẠO KITÔ, SONG SỐNG TRONG TÌNH TRẠNG VÔ ĐẠO, NGHĨA LÀ PHỦ NHẬN THIÊN CHÚA?
Có người không tin có Thiên Chúa vì trong đường lối suy luận và tìm tòi của họ, họ đi đến nhiều kết luận khác nhau hay hoàn toàn nghịch nhau và cũng có nhiều tâm trạng khác nhau trước vấn đề Thiên Chúa. Có những người không tin có Thiên Chúa vì chủ trương hưởng mọi lạc thú vật chất (libertin).
Có người vì cảm thấy và tưởng rằng cách người ta hình dung Thiên Chúa không hợp với phẩm giá con người và nhất là không hợp, không xứng đáng với bản tính Thiên Chúa. Lập trường của hạng người này có thể do lòng ngay lành và như vậy họ có thể được xếp vào hạng người chúng ta vừa nói trên (XI).
Người Kitô hữu có nhiệm vụ tìm hiểu người không tin có Thiên Chúa và đừng vội kết án ai, để Chúa toàn quyền định đoạt số phận của họ.
Công việc của chúng ta, những người Kitô hữu phải làm, là ý thức trách nhiệm của mình và tự hỏi có phải vì cái lối giữ đạo của ta đã làm Chúa khó lòng đến với họ, hay hơn nữa đã làm cho nhiều người không thể chấp nhận Chúa.
XIII. NHIỆM VỤ CHÚNG TA ĐỐI VỚI ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA
a) Tạ ơn Chúa đã ban cho ta của báu ấy.
b) Gìn giữ đức tin bằng cách tránh những nguy hiểm nói trên.
c) Làm cho đức tin thêm sáng suốt bằng công trình học hỏi đạo Chúa cho sâu rộng và nhất quyết hiểu biết Phúc âm cách trực tiếp.
d) Bênh vực đức tin, không mặc cảm khi người ta chế diễu...
e) Sống đức tin: Đây là nhiệm vụ chính.
Đức tin phải làm cho chúng ta phán đoán ngay thẳng, điều khiển đời sống của chúng ta trong gia đình, nơi xã hội và trước tiên, đặt đức ái trong lòng chúng ta, "Có thế người ta mới nhận ra chúng con là tín đồ của Thầy, nghĩa là nếu chúng con yêu thương lẫn nhau" (Jn 13,35).
f) Phổ biến đức tin bằng những sinh hoạt sau đây:
- nêu gương sáng bằng một đời sống đạo đầy đủ và phù hợp với giáo lý,
- cầu nguyện cho người chưa có hoặc đã mất đức tin,
- tham gia vào Công giáo tiến hành có tổ chức đàng hoàng,
- tham gia vào đời sống của họ đạo, vào công việc truyền giáo.
"Chúng con là ánh sáng của thế gian... người ta không thắp đèn để rồi giấu dưới đáy thùng..." (Mt 5,14-17).