Dịch giả: Lm DUY ÂN MAI
Chương III
LUYỆN NGỤC

I. CÓ LUYỆN NGỤC LÀ ĐIỀU CHẮC CHẮN
Có một nơi trong đó những linh hồn chết trong ơn nghĩa Chúa nhưng chưa thánh thiện đủ để hưởng mặt Chúa đời đời nên còn phải luyện lọc. Đó chẳng những là một chân lý hợp lý và đúng với những điều chúng ta biết về sự khôn ngoan và sự công bình của Thiên Chúa, mà đó còn là chân lý đức tin, dựa trên Thánh Kinh và đã được Giáo hội xác định long trọng.
Chân lý này dựa trên Thánh Kinh. Cựu ước kể: “Juđa Macabêo, sau một trận giặc, quyên tiền và gửi vào đền Jêrusalem để xin lễ cho các linh hồn những binh sĩ đã tử trận. Tác giả Kinh Thánh thêm: “Cầu nguyện cho những người đã chết cho họ được sạch mọi tội lỗi là một việc lành và có giá trị cứu thoát” (II Macb 2, 12-46).
Những linh hồn ở đây chưa lên trời (vì còn tội phải đền) cũng không xuống hỏa ngục (vì còn có thể cứu thoát khỏi tội lỗi họ). Như thế là còn có một đời sống trong đó linh hồn còn phải đền tội: đó là luyện ngục.
Chân lý này đã được Giáo hội xác định. Tại Công đồng II Lyon 1274, tại công đồng Florence 1439 và công đồng Trentinô 1563. Các tín hữu còn sống có thể cầu nguyện cho các linh hồn dưới luyện ngục được giảm bớt hình phạt.
II. ĐAU KHỔ VÀ VUI MỪNG CỦA CÁC LINH HỒN TRONG LUYỆN NGỤC
a. Các linh hồn dưới luyện ngục chịu những hình phạt, những đau khổ, mà chúng ta không thể hiểu bản tính được. Sự đau khổ chính là phải xa cách Chúa.
b. Các linh hồn dưới luyện ngục chết trong ơn nghĩa Chúa, biết chắc mình sẽ được hưởng mặt Chúa, nên chắc họ cũng vui mừng và sự vui mừng ấy giúp họ can đảm chịu đau khổ.
III. CÁC LINH HỒN DƯỚI LUYỆN NGỤC CÓ THỂ HƯỞNG NHỜ NHỮNG VIỆC LÀNH PHÚC ĐỨC CỦA CHÚNG TA.
Chân lý này an ủi những ai phải xa lìa những kẻ thân yêu. Các tín hữu có thể cho các linh hồn dưới luyện ngục hưởng nhờ các phúc đức và kinh nguyện của mình. Nhất là có thể xin lễ cho các linh hồn.
Bù lại, các linh hồn ở trong ơn nghĩa Chúa có thể cầu nguyện cho chúng ta.
Luyện ngục chỉ có tính cách tạm thời. Sau khi xác thịt sống lại, sẽ chỉ còn hỏa ngục và Thiên Đàng.