ôi lái xe đi sau xe cứu thương chở anh vào bệnh viện UCI. Một tiếng đồng hồ sau, họ đưa anh vào lầu năm của khu lầu chuyên trị ung thư. Nơi đó, họ gọi là khu Oncology. Tôi đi theo anh sát nút. Nắm tay anh để cho anh yên lòng biết là tôi lúc nào cũng có mặt bên anh. Căn phòng mới thật nhỏ hẹp, đã vậy mà lại có hai cái giường kê sát nhau rất chật chội và giuờng kia có một ông Mỹ đang nằm, bệnh khá nặng. So với cái phòng rộng thênh thang và rất sạch sẽ của bệnh viện cũ, phòng này nhỏ chỉ bằng phân nửa. Tôi thất vọng, nếu như vầy thì làm sao tôi ở lại qua đêm để lo cho anh và làm sao anh có thể thoải mái được?Sau khi họ đưa anh vào giường đàng hoàng, tôi đi rảo một vòng khu này. Tôi thấy có một hai phòng còn trống, không những trống mà chỉ có một cái giường mà thôi. Tôi vào trạm y tá, nói chuyện với người y tá trưởng khu:- Thưa cô, tôi là vợ của ông Phú Nguyễn, một bệnh nhân mới đến. Chỗ ông ấy nằm bây giờ rất chật chội, tôi thấy gần đây có một vài căn phòng bỏ trống mà lại chỉ có một cái giường, nếu có thể được, xin cô vui lòng cho chồng tôi được dọn qua phòng đó cho rộng rãi hơn!Cô y tá nhìn tôi có vẻ không vui:- Tôi không thể hứa với cô được. Tôi sẽ cố gắng. Ðể chúng tôi xem lại và cho cô biết sau?Rồi cô ngập ngừng:- Chúng tôi đã đăng tên ông vào computer của chúng tôi cho căn phòng này, bây giờ nếu dọn qua phòng mới, chúng tôi phải sửa lại hết. Hơi rắc rối, tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng.Một tiếng đồng hồ sau, cô trở lại cho tôi biết:- Có một căn phòng rất tốt, chỉ có một cái giường, rộng hơn cả cái phòng mà cô muốn qua, mà lại kín đáo nữa, các y công đang dọn dẹp trải drap giường cho chồng cô, họ sẽ đưa ông ấy qua đó khi xong việc.Tôi vui mừng cảm ơn cô y tá.Nửa tiếng đồng hồ sau, anh được đưa qua phòng mới, rộng rãi hơn, riêng tư hơn vì anh không có nằm chung với ai cả. Một lần nữa, anh nhìn tôi trân trối:- Em làm cái gì nữa đấy? Có phải tại em không? Tại sao anh được nằm ở phòng này?Tôi cười sung sướng nói với anh:- Em xin họ cho anh được qua phòng này. Phòng kia nhỏ bằng cái hộp, cựa quậy không nổi, làm sao em ở đây được để chăm sóc cho anh ban đêm?Anh nhắm mắt lại.Tối hôm đó các cô y tá ra vô phòng anh nườm nượp để thăm viếng anh.Người y tá trưởng hỏi tôi:- Ông ấy nói được tiếng Mỹ không?- Ông ấy nói tiếng Mỹ rất lưu loát.Cô chào anh:- Chào ông Phú, tôi là Nancy, y tá trưởng ở đây.- Chào cô Nancy!- Hôm nay tôi là y tá chính của ông. Có cần gì thì ông cứ gọi tôi. Nếu tôi không giúp được ông, thì các nhân viên khác sẽ sẵn sàng.- Cảm ơn cô.Rồi anh nói chuyện rất cởi mở với cô về bệnh trạng của anh, làm cô rất ngạc nhiên. Một người bệnh nặng như anh mà còn có một thái độ rất từ tốn, ôn hòa, và lịch sự như vậy.Khi cô nói đùa, anh cũng nói đùa lại, làm cho cô cười to và khoái chí vì đã gặp người đúng một tầng số với cô về mặt khôi hài dí dỏm.Cô Nancy nói với tôi sau này:- Khi tôi nói chuyện với chồng cô, tôi không nghĩ là ông ấy bị bệnh ung thư, ông ấy rất bình tĩnh, nhận thức và không bi quan. Và đó là một thái độ rất tốt cho một bệnh nhân mang bệnh ung thư. Chúng tôi rất may mắn tiếp một bệnh nhân như ông Phú.Khuya hôm đó, sau khi anh ngủ yên, tôi trở vô sở làm việc khoảng hai tiếng đồng hồ, ba giờ sáng, tôi về thẳng nhà, lấy cái giường ngủ bằng ghế xếp mà ngày xưa tôi đã thường dùng lúc nuôi mẹ tôi ở nhà thương, để đem vào phòng của anh.Ba ngày rồi, tôi không có thì giờ để tắm, bây giờ tôi phải cố gắng lắm tranh thủ mười lăm phút đồng hồ để lo cho thân tôi một chút kẻo không...khi tôi ra đường hôi hám, thiên hạ và nhất là các cô y tá sẽ tránh xa tôi.Bốn giờ sáng tôi trở vào nhà thương. Cửa chính của họ đóng kín, tôi phải đi vòng phía cứu cấp thật xa, nơi đó mở cửa suốt đêm. Một tay tôi khuân cái giường xếp, một tay tôi xách lỉnh kỉnh những đồ cần thiết cho anh nặng chình chịch. Người tôi rệu xuống. Tôi rón rén đi vào phòng anh, lúc anh còn đang ngủ. Tôi không dám mở cái giường xếp ra để nằm vì sợ nó khua to. Tôi lẳng lặng ngủ ngồi trên cái ghế của nhà thương sau khi đã cẩn thận trải lên tấm drap giường thật sạch.Nhưng anh biết tôi vào, anh đưa tay ra dấu, tôi đến bên giường anh. Nắm tay anh, hôn tay anh, hôn lên má anh.Tôi thì thào bên tai anh:- Ngủ đi anh, đừng bận lòng vì em. I am OK. Em cũng đi ngủ đây cưng!!Tôi rùng mình vì tôi đem cái lạnh từ ngoài trời vào phòng.Sáu giờ sáng y tá vào khua om sòm đánh thức anh và tôi dậy. Anh bảo tôi:- Em ráng ngủ thêm chút nữa đi. Em mà không ngủ và phí sức như vậy thì sẽ mang bệnh cho mà xem. Ráng ngủ đi em. Ngủ cho đến 7 giờ 30 hãy dậy.Tôi nghe lời anh, cố nằm ráng thêm một chút nữa.Bảy giờ rưỡi đúng, tôi thức dậy.Tôi đi rửa mặt, đánh răng vừa xong là một toán gần cả chục người bước vào phòng anh. Dẫn đầu là một bác sĩ giáo sư, và theo sau là một nhóm, vừa là bác sĩ đã ra trường, vừa là bác sĩ đang thực tập, vừa là sinh viên. Tất cả trừ ông giáo sư ra còn rất trẻ. Họ ở vào tuổi hai mươi lăm trở lên.Ông bác sĩ giáo sư giới thiệu:- Chào quý vị, tôi là Bác sĩ McLeon. Chào ông Phú.- Chào Bác sĩ McLeon, chào tất cả quý vị.- Thưa bà có phải bà là vợ của ông Phú không?- Chào bác sĩ, tôi là vợ của ông Phú.Ông ta thăm hỏi về bệnh trạng của anh. Anh kể lại cho họ biết những gì đã xảy ra cho anh trong một tuần lễ qua. Ông ghi nhận những điều anh nói vào một trang giấy.Vị bác sĩ này hứa là bệnh viện UCI sẽ cố gắng điều trị cho anh trong thời gian anh ở đây.Sau khi trao đổi một vài câu nói với học trò và với anh, họ kéo nhau đi qua căn phòng khác.Sau buổi ăn sáng, một bác sĩ khác gõ cửa bước vào phòng anh. Ông giới thiệu:- Kính chào ông Phú, tôi là Bác Sĩ Mario Ammirati.- Chào Bác sĩ Ammirati!Ông day qua tôi, hơi cúi đầu:- Bà có phải là vợ của ông Phú không?- Chào bác sĩ, thưa ông,tôi là vợ của ông Phú.Ông này có một gương mặt của một người thông minh, đĩnh ngộ. Mặt ông rất sáng, mắt tinh anh, trán cao, nước da sáng đẹp hồng hào, trông ông rất phúc hậu.Ông gốc người Ý có lẽ sinh bên Ý nên tiếng Anh của ông có rất nhiều ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ. Giọng nói của ông đối với anh Phú thì hơi khó nghe, nhưng vì tôi đi làm chung với người ngoại quốc đã lâu, nhất là người Âu Châu, nên tôi nghe đã quen mà tôi lại còn thích nghe là đằng khác nhất là giọng của người Anh.Ông hỏi anh Phú:- Tôi đã có dịp xem các kết quả thử nghiệm từ hồ sơ bệnh lý của ông bên bệnh viện Placentia Linda. Ông Phú có biết vì sao ông động kinh không?- Chúng tôi đã biết!- Tôi chuyên về khoa giải phẫu thần kinh và giải phẩu sọ cho những ca về ung thư. Tôi sẽ là bác sĩ để chữa cái bướu trong đầu ông. Trong những ngày sắp đến, tôi sẽ giúp ông để diệt bỏ cái bướu đó đi. Tôi có hai phương pháp chữa trị cho ông, tôi muốn cả ông lẫn bà cho tôi biết phương pháp nào ông bà muốn tôi chữa thì tôi sẽ làm theo phương pháp ấy.Anh nói:- Chúng tôi sẵn sàng, xin ông cho tôi biết hai phương pháp ấy!Ông bác sĩ nhìn tôi rồi nhìn anh, cặp mắt rất tinh anh, ông nói:- Cục bướu của ông ở về phía bên mặt ở trong đầu ông. May mắn lắm nó ở phía ngoài, nếu ông muốn tôi mổ để lấy nó ra thì rất dễ dàng. Phương pháp này rất giản dị, tôi chỉ mổ và lấy cục bướu ra. Phương pháp thứ hai là dùng tia quang tuyến cực mạnh để đốt nó. Sẽ không có mổ xẻ gì hết và sẽ không đau đớn gì cả. Phương pháp này được gọi là Radio surgery. Tuy nhiên, để làm phương pháp này, tôi phải gắn trên đầu của ông hai con ốc (screw). Ðây là một phương pháp mới để giúp định vị trí thật đúng để làm Radio surgery.Tôi hỏi ông:- Tôi nghe người ta nói rằng, bất cứ khi nào bệnh nhân ung thư mà bị mổ thì hình như sau đó, ung thư lan ra nhanh hơn. Vì chỉ cần một tế bào ung thư còn sót lại thôi cũng đủ làm cho ung thư có cơ hội phát triển. Có đúng như vậy không ông?- Cũng không hẳn đúng, mà không hẳn sai. Khi ung thư đã vào máu rồi thì dịp rủi sẽ xảy đến nhiều hơn dịp may. Không ai biết được. Có khi người ta được mổ xong rồi, thì bệnh nhân sẽ không còn ung thư nữa trong một thời gian thật lâu. Tùy trường hợp của từng người.- Theo ông, phương pháp nào tốt nhất?- Tôi thấy tùy theo người lựa chọn, phương pháp nào cũng có cái tốt của nó cũng như cái không được tốt. Chẳng hạn như nếu mổ để lấy cục bướu ra, bệnh nhân sẽ bị đau đớn vì mổ xẻ. Nhưng cái tốt là cả một cục bướu được lấy ra ngoài. Còn phương pháp radiation thì không bị đau đớn gì hết, nhưng cơ hội cả cục bướu bị tiêu diệt không chắc chắn một trăm phần trăm. Có khi phải làm hai ba lần thì cục bướu mới bị tiêu diệt. Có khi chỉ một lần.Tôi nhìn anh, để bàn tay của tôi xoa xoa ngực của anh:- Anh có muốn hỏi ông ta cái gì không? Anh có thắc mắc gì không?- Anh chưa biết, anh đang suy nghĩ. Lối nào cũng chữa trị mà thôi. Lối mổ nghe cũng giản tiện, radiation lại càng giản tiện hơn. Nhưng anh không biết việc bắt hai con ốc trên đầu là như thế nào.Anh ngước lên hỏi ông Ammirati:- Lúc nãy ông nói gì về việc đặt hai con ốc lên đầu bệnh nhân nếu chọn lối radiation. Phương pháp này mới mẻ, mới là mới bao lâu?- Chỉ mới 6 tháng nay.- Ông có thể cho tôi biết bao nhiêu bệnh nhân đã được ông giải phẫu theo lối này từ sáu tháng nay?- Khoảng 50 người.- 50 người trong vòng 6 tháng?- Vâng- Ông có thành công trong tất cả 50 trường hợp này hay không?- Tất cả tương đối thành công.Tôi hỏi:- Khi đặt hai con ốc vào đầu bệnh nhân, người ta có bị đau đớn gì không?- Không, chỉ hơi ê thôi, vì nó ở ngoài da đầu. Chừng vài ngày thì hết.Anh hỏi thêm vị bác sĩ:- Khi radiation đi vào trong đầu bệnh nhân, những tissue chung quanh cục bướu, tức là những chỗ lành lặn, có bị hư, bị ảnh hưởng gì không?- Không, nếu có thì rất ít, và không hề hấn gì, vì trọng tâm tia quang tuyến chiếu vào là cục bướu chứ không phải phần chung quanh, phương pháp để hai con ốc vào sẽ giúp định vị trí rất chính xác, để khi tia quang tuyến bắn vào, sẽ bắn đúng chỗ bị bệnh mà thôi.- Nhưng... thưa bác sĩ, tôi có thể sẽ bị mất một phần mất trí nhớ nào chăng vì theo tôi được biết, tia radiation cực mạnh.- Ông yên tâm, chữa radiation theo phương pháp mới này rất an toàn.Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ta:- Thưa Bác Sĩ Ammirati, nếu ông Phú là người anh ruột của ông, đang bị bệnh nặng cần một bác sĩ thần kinh như ông chữa trị, và biết những gì như ông đã biết về hai lối chữa trị này, ông sẽ khuyên ông Phú nên chọn lối chữa trị nào.Ông nhìn tôi, không chút lưỡng lự:- Tôi sẽ khuyên anh tôi chọn phương pháp Radiation Surgery.- Vì sao?- Ðấy là phương pháp an toàn nhất. Không đau đớn.- Xin ông cho chúng tôi thì giờ để quyết định.- Rất đồng ý với cô, khi nào cô cần gặp tôi, hãy nhờ các cô y tá gọi tôi.Ông bác sĩ đi rồi, tôi hỏi anh muốn giải phẫu bằng cách nào, anh trả lời:- Em muốn quyết định thế nào thì anh sẽ làm theo lối đó.Tôi lắc đầu:- Anh phải quyết định đi chứ, anh muốn gì thì mình làm cái đó.Tôi đi chỗ khác để anh suy nghĩ.Một lúc sau, anh gọi tôi đến rồi chậm rãi nói:- Anh chọn phương pháp radiation. Nếu phương pháp này không có hiệu quả thì mình sẽ tính đến chuyện giải phẫu sau.Tôi gọi Bác Sĩ Ammirati để cho ông biết sự lựa chọn của anh. Ông tỏ vẻ vui mừng vì phương pháp này, theo ông nói là an toàn ít đau đớn hơn.Ông trở vào cho chúng tôi biết, vào ngày 26 tháng 4, năm 1999, người ta sẽ làm thủ tục đầu tiên trước là đặt hai con ốc vào đầu anh. Ngày 27 tháng 4 sẽ bắt đầu phương pháp chữa bệnh bằng chiếu quang tuyến.Khoảng một tiếng đồng hồ sau đó, anh Nguyễn Sĩ Bảo cùng cô con gái của anh vào thăm anh Sĩ Phú. Anh Bảo từ một tiểu bang ở miền Ðông được anh Phú báo tin vội vàng qua thăm người em trai duy nhất của anh.Anh Sĩ Phú rất mừng rỡ khi thấy ông anh, mặt anh sáng lên. Hai anh em chào hỏi nhau qua loa và nói chuyện rất bình thường. Anh Sĩ Phú giới thiệu tôi với anh Bảo, tôi cúi đầu chào anh. Anh Bảo và anh Sĩ Phú tuy là hai anh em ruột nhưng tôi không thấy giống nhau tí nào. Anh Phú giống cha, cao lớn, rỏng rảnh, anh Bảo có lẽ giống mẹ, thấp hơn anh Phú độ vài ba inches. Anh Phú nói với anh Bảo:- Tôi ủy quyền cho Ngọc Lan tất cả để lo mọi chuyện cho tôi và cho đám tang của tôi, anh có bằng lòng không?Anh Bảo nói:- Ừ, thì chú cứ làm, không sao.Ðể cho hai anh em có dịp tâm tình riêng tư, tôi đi ra ngoài phòng chờ đợi bên ngoài ngồi. Khi tôi trở về thì hai bố con anh Bảo cũng sắp sửa ra về.Buổi chiều, tôi đi ra nhà hàng. Ðã hơn một tuần qua, tôi không có thì giờ rỗi rảnh chút nào để lo công việc ở đây. Mặc dù bị nhân viên ở đây réo gọi suốt ngày, tôi chỉ có thể nói chuyện và điều hành công việc nhà hàng bằng điện thoại mà thôi. Gia đình anh chị em tôi rất đông, nhưng vì ai cũng có đời sống riêng tư, rất xa cách, không gần gũi với nhau như ngày còn bé, không ai biết tôi mở nhà hàng, mà nếu có biết cũng không ai có thể giúp tôi vì ai cũng có công ăn việc làm. Người em nhỏ nhất trong gia đình tên Sang, cậu rất quý tôi và tỏ lòng lo lắng thương yêu tôi, nhưng vì cậu phải đi làm, cho nên cậu đã không thể giúp gì tôi được. Không có ai trong gia đình có thể giúp tôi trong lúc này, chúng tôi đơn chiếc quá, buộc lòng phải nhờ người ngoài.Khi tôi vào nhà hàng, mọi người đều vui mừng gặp lại tôi, họ vồn vã hỏi thăm anh Phú và đòi đi thăm anh, tất cả mọi người đều hướng về anh làm cho tôi vô cùng cảm động. Ít ra tôi cũng còn chút an ủi là, dù cho họ không phải là bà con ruột thịt, nhưng họ đã có lòng với chúng tôi, nhất là trong lúc này, lúc chúng tôi cần họ nhất. Tất cả cũng chỉ vì anh Sĩ Phú ăn ở rất được lòng của tất cả mọi người chung quanh và một phần họ rất quý mến tôi về những gì tôi đã làm cho họ, và đã tin tưởng giao phó công việc cho họ.Khi tôi ngỏ ý định sang lại nhà hàng, người bếp chính của tôi ngỏ lời muốn sang lại vì cô nói cô rất thích nhà hàng này và rất thoải mái khi làm việc tại đây. Tôi rất mừng mọi sự đều tốt đẹp cho hai bên chúng tôi và cho tất cả mọi người ở đây sau đó. Chúng tôi liền ký giấy tờ sang nhượng và họ sẽ bắt đầu hoạt động ngày 2 tháng 5 năm 1999. Trước khi chia tay, tôi bỏ một số tiền để quảng cáo nhà hàng này gần một tháng trên hai đài phát thanh chính. Cũng nhờ đó, sau khi tôi ra đi, rất nhiều khách hàng biết đến nhà hàng này để có dịp vào thử món nem nướng Nha Trang chính gốc tuyệt vời của chị Liên và món bún bò Huế mà tôi rất thích.Những chân tình của họ đã làm cho tôi rơi nước mắt nên những gì tôi làm cho họ, tôi không tiếc. Họ nấu thức ăn cho anh Phú, nài ép tôi mang vào nhà thương cho anh và khuyên tôi nên để cho họ nấu ăn mỗi ngày, tôi chỉ việc đến lấy đem vào cho anh mà thôi. Dĩ nhiên, tôi không dám mong chờ như vậy, và vì quá bận rộn, đầu tắt mặt tối lo cho anh Phú về sau này, tôi cũng ít đến với họ.Với trang sách này, tâm tình này, tôi xin trân trọng cảm ơn những cảm tình chân thật quý giá của các anh chị Của Liên, chị Em và Loan, Hiếu, Chi đã tận tình giúp tôi đến ngày cuối cùng