ôi quen anh một chiều chớm thu năm 1995 khi đi dự một tiệc cưới của con một người bạn không thân lắm, ở một thành phố khá thơ mộng trên miền Bắc California. Rất tình cờ, vì bàn tiệc nơi tôi ngồi còn trống quá nhiều, nên người ta sát nhập tôi qua bên bàn của Sĩ Phú, ghế kế bên anh còn trống, tôi được người ta sắp xếp cho ngồi chiếc ghế đó. Trước đó, tôi chưa từng gặp Sĩ Phú bao giờ, cũng như chưa từng được may mắn xem anh trong các chương trình nhạc của Đài Truyền Hình Việt Nam ngày xưa. Nhưng tôi rất thích giọng hát của anh qua các ca khúc được nghe trên đài phát thanh như Trở Về Bến Mơ, Hoài Cảm, Em Tôi, Chiều Vàng, Cô Láng Giềng, Thu Quyến Rũ vân vân...Thời đó, mặc dù rất ái mộ giọng hát anh, nhưng được gặp Sĩ Phú ngoài đời là một điều tôi không bao giờ mơ đến. Anh cao vời vợi và quá xa xôi cho tôi. Một nam danh ca có hằng triệu người yêu mến tiếng hát, nhất là bao nhiêu cô gái quý phái hay sang trọng hơn tôi rất nhiều đang say mê anh thời bấy giờ, làm gì mà đến lượt tôi. Hơn nữa, tôi là một người hình như chưa bao giờ biết đam mê một cái gì trên đời. Cái gì đẹp, hay, thì khen, thì ngưỡng mộ chút ít thôi chứ không nhất thiết phải theo đuổi cho bằng được. Thế nên, đi tìm để làm quen Sĩ Phú thời bấy giờ là một điều không tưởng đối với tôi. Vì thế khi được người bạn giới thiệu với Sĩ Phú, tôi trố mắt ra nhìn anh:- Ủa, anh là Sĩ Phú, ca sĩ Sĩ Phú hát bài Cô Láng Giềng đó phải không?...Ô, Lan rất hân hạnh được gặp anh.Anh cười rất hiền:- Vâng, tôi cũng rất hân hạnh được gặp côĐấy là những giây phút đầu gặp nhau, tôi hơi bối rối, xúc động nhưng lòng vui vui vì vừa gặp được thần tượng trong một giây phút không ngờ nhất. Tôi muốn nói với anh tôi là thính giả rất ái mộ giọng hát của anh và rất vui mừng hân hạnh đã gặp được anh, nhưng lại không biết phải nói như thế nào để không bị vụng về, lừng khừng mãi, tôi đành làm thinh.Giữa buổi tiệc, có một người đem đến cho anh một quyển sách, nói dăm ba câu thăm hỏi thông thường rồi bỏ đi, anh cảm ơn anh ta rồi một cách rất từ tốn, anh hỏi tôi:- Người bạn tôi biết tôi đang tìm quyển sách này nên anh ấy mua tặng tôi, cô có đọc quyển sách này chưa?- Quyển sách gì vậy, thưa anh?- À, quyển này nói rất nhiều về Phật Giáo Tây Tạng và Mật Tông, sách cũ lắm rồi, nhưng tôi chưa có dịp đọc lại.- Em không biết nhiều về Tây Tạng, chỉ biết rằng Tây Tạng là một xứ huyền bí, một cao nguyên có nhiều sương mù quanh năm, một quốc gia mà Phật Giáo là Quốc Giáo và người lãnh đạo cũng là các vị Lạt Ma phải không anh?- Cũng gần như vậy, rồi sao nữa?- Một quốc gia mà vị trí cũng khá đặc biệt, Trung Quốc đã chiếm Tây Tạng có lẽ cũng vì lý do đó...- Khi nào có dịp, tôi sẽ nói nhiều cho cô nghe những gì tôi biết về lịch sử Phật Giáo Tây Tạng. Bây giờ thì mời cô ăn đi.Rồi anh gắp thức ăn, bỏ vào chén cho tôi.Suốt buổi tiệc, anh rất vui và cởi mở. Những câu đối thoại khôi hài rất dí dỏm của anh đã làm cả bàn tiệc cùng cười. Tôi thấy nhiều người nhìn anh một cách thích thú, theo dõi từng cử chỉ của anh với một vẻ thán phục.Khi tiệc gần tàn, chợt nhớ ra điều gì, tôi hỏi anh:- Trên thành phố này có nhiều nhà sách Việt Nam không, thưa anh?- Cũng khá nhiều, cô muốn mua sách à?- Dạ, chị của em cần mua hai quyển sách, mà ở dưới ấy em tìm mãi không ra, các nhà sách bán hết rồi và họ bảo là người ta không tái bản nữa.- Cô đang tìm sách gì vậy?- Dạ thưa quyển Thép Đen của tác giả Đặng Chí Bình, một bộ gồm 4 cuốn, nhưng có hai cuốn em không tìm ra, em định ngày mai sẽ đi tìm nhưng chắc không có đủ thì giờ vì chuyến bay bị thay đổi sớm hơn dự định...- Cô đi về dưới ấy sớm vậy à?- Dạ, mười giờ sáng là phải có mặt tại phi trường.- Thôi cũng được, như thế này, tôi sẽ hỏi bạn tôi, anh ta là chủ một tiệm sách ở đây, nếu anh tìm ra sách cô cần, tôi sẽ gửi xuống cho cô, được không?Tôi mừng quá, vội nói:- Ô, thưa anh, thế còn gì quý cho bằng, nếu không gây bất tiện thì xin anh hỏi giùm, Lan cảm ơn anh nhiều lắm.Tôi cho anh địa chỉ, số phone, và đưa tiền cho anh nhưng anh nhất định không lấy, anh lấy lý do là không biết giá tiền.Tiệc tàn, chia tay, có một chút gì xao xuyến, lưu luyến trong tôi, nhưng vì bản tánh tự trọng, cẩn thận, tôi cố không tỏ lộ ra ngoài.Một tuần sau, anh gửi xuống cho tôi hai cuốn sách, tôi rất vui mừng. Lần đầu tiên, tôi thấy được nét chữ của anh, cứng rắn nhưng rất tao nhã. Tôi cắt cái địa chỉ của anh để dành kỷ niệm. Đem 2 cuốn sách cho bà chị và đòi tiền để trả lại cho anh. Theo địa chỉ của anh, tôi gửi thư trả tiền lại và cảm ơn anh, nhưng anh đã không lãnh tiền cái chi phiếu đó mà lại ký gửi tặng một hội từ thiện cho trẻ em. Và cũng từ đó, tôi và anh bặt tin nhau. Anh không hề gọi hay viết trả lời dù anh có địa chỉ và điện thoại của tôi.Vài tháng sau đó, tôi nghe anh sắp sửa ra mắt CD Tà Áo Xanh tại khiêu vũ trường Ritz ở thành phố Anaheim. Tôi chưa từng đi vũ trường bao giờ, nhưng tôi sẽ đi vì Sĩ Phú. Tôi mời một chị bạn quen cùng đi đêm hôm ấy. Một vị thính giả khác của anh mà tôi mới vừa quen, từ Việt Nam sang được hai năm, khi biết tôi đi dự đêm ra mắt CD này, đã vội vàng nhờ tôi đưa cho anh một lá thư của bà. Bà ấy cho biết lá thư chỉ là một danh sách những bản nhạc yêu cầu mà bà muốn anh hát sau này.Đêm ra mắt CD Tà Áo Xanh được tổ chức ngày 4 tháng 11 năm 1995. Mặc dù thành phần ca sĩ rất ít, ngoài những ca sĩ hát thường trực của vũ trường, nhưng vẫn rất đông khán thính giả của anh đến dự.Tôi ngồi chung bàn với một cặp vợ chồng đến từ thành phố Simi Valley, thành phố này cách vũ trường một tiếng rưỡi đến hai tiếng đồng hồ. Chị cho tôi biết:- Tôi chưa từng bao giờ đi vũ trường, đây là lần đầu tiên tôi đến đây, cũng chỉ vì chúng tôi rất thích Sĩ Phú.Tôi cho chị biết tôi cũng như trường hợp của chị.Đêm ấy anh hát rất nhiều và hát rất hay những bản nhạc mà chúng tôi rất thích như Mắt Biếc, Niệm Khúc Cuối, Trở Về Bến Mơ, Cô Láng Giềng... Người bạn tôi khen giọng anh vẫn còn quá hay, và rất đầm ấm trữ tình. Mặc dù, anh vừa bị một tai nạn trước đó hai tuần, chân anh vẫn còn rất đau nhức khi trình diễn.Một vài lần, khi anh đứng gần chỗ ngồi của chúng tôi, đã có lúc tôi muốn đưa cho anh phong thư của người đàn bà cho rảnh tay, nhưng sự nhút nhát làm tôi khựng lại.Một lúc sau đó, anh MC Việt Thảo đi vòng quanh thính giả để tiếp nhận các mảnh giấy họ viết tên các bản nhạc để yêu cầu Sĩ Phú ca. Giá lúc ấy mà tôi bạo dạn một chút nhờ anh Việt Thảo trao giùm lá thư cho anh thì xong rồi, đâu còn gì để nói, nhưng tôi lại nhút nhát quá chừng, cứ lưỡng lự rồi ngồi yên không nhúc nhích. Lá thư vẫn còn trong ví tôi. Tôi còn nhớ khi anh Việt Thảo đọc từ một mảnh giấy của một thính giả nào đó yêu cầu anh Sĩ Phú hát bản Sao Chưa Thấy Hồi Âm, tôi thấy anh Sĩ Phú hơi nhăn mặt. Làm sao anh nhớ lời bản nhạc này cho được vì hình như anh chưa từng hát bản nhạc này bao giờ. Có lẽ vị thính giả này chỉ chọc anh cho vui vậy thôi.Sân khấu trở lại yên tĩnh khi anh cất tiếng hát bài Niệm Khúc Cuối. Trong lúc anh đang say sưa ru hồn vào bản nhạc, một cô gái rất trẻ, lên sàn nhảy, tặng anh một đóa hoa hồng, rồi bỗng nhiên cô ôm vội anh vào lòng, và cùng anh nhịp nhàng trong tiếng nhạc. Tất cả mọi người đêm hôm ấy đều trố mắt ra nhìn. Tôi buột miệng nói với người khách ngồi chung bàn:- Ô đẹp quá hở chị, cô ấy còn quá trẻ vậy mà đã yêu tiếng hát Sĩ Phú rồi. Sao mà cô ấy tự nhiên quá!Tôi bỗng thèm cái tự nhiên ấy. Tôi ước gì tôi dạn dĩ thêm một chút nữa.Khi Sĩ Phú hát xong một loạt 6, 7 bài hát, chương trình tạm ngưng, tiếng nhạc quá ồn, chúng tôi chịu không được vì không quen nghe nhạc náo động, bèn mua vội hai CD anh ra mắt đêm ấy là Tà Áo Xanh và Trái Tim Hững Hờ từ chị Diễm Phúc rồi cùng cô bạn ra về vì cô ta phải đi làm sớm ngày hôm sau. Lại một lần nữa, tôi và anh vẫn xa cách.Cuối năm 1995, tôi vẫn còn giữ lá thư của người đàn bà viết cho Sĩ Phú. Tự trách mình là đã không gửi lá thư đến anh cho rồi để khỏi thắc mắc, bận tâm. Theo số điện thoại trên bìa CD Tà Áo Xanh, tôi gọi anh. May mắn cho tôi, đầu giây bên kia là Sĩ Phú.- Anh Sĩ Phú đó hả, Lan đây, Ngọc Lan đây, anh còn nhớ Lan không?- À...à nhớ, anh vẫn nhớ Lan, có gì lạ không Ngọc Lan?- Anh vẫn mạnh khỏe chứ?- Cảm ơn Lan, anh vẫn khỏe, Lan cũng vậy hả?- Dạ, cảm ơn anh. Tháng mười một vừa qua Lan có đi dự đêm ra mắt CD Tà Áo Xanh của anh. Có thấy anh nhưng không tiện chạy lên say hello với anh. Thưa anh, có một vài chuyện Lan cần nói, anh có thì giờ nghe không?- Anh sắp sửa đi ra ngoài với một người bạn kiếm một chút gì ăn, nhưng không sao đâu, Ngọc Lan có gì muốn nói thì cứ nói đi.- Có một người quen nhờ Lan đưa một lá thư cho anh lâu rồi, Lan giữ mãi chưa gửi lên cho anh vì bà ấy muốn giao tận tay anh. Bà ấy nói đã từng nhờ trung tâm băng nhạc chuyển thư lại cho anh một lần nhưng không thấy hồi âm. Có thể là anh không nhận được nên lần này bà muốn nhờ Lan đưa thẳng cho anh trong đêm ra mắt nhưng thấy anh bận hát suốt buổi tối, Lan chẳng tìm được giây phút nào rảnh để đưa cho anh.- À vậy sao?- Dạ, rồi đài phát thanh VNCR ở dưới này thỉnh thoảng hát nhạc của anh nhưng họ nói là không có nhiều CD của anh. Nếu có thể, thì xin anh một số CD để Lan sẽ đưa cho họ để thỉnh thoảng họ phát nhạc của anh cho thính giả nghe đỡ buồn. Và điều cuối cùng Lan muốn hỏi, ai là người dịch ra lời Việt những bản nhạc ngoại quốc trong CD số hai của anh, lời Việt rất là sâu sắc, dịch sát nghĩa nhưng lại rất trữ tình, Lan thích CD này lắm!Tôi nói một hơi không nghỉ vì sợ anh sắp đi không có thì giờ để nghe tôi.Anh yên lặng một chốc, rồi với một giọng thật trầm buồn và rất dịu dàng, anh từ tốn đáp:- Anh sẽ gửi cho Lan một số CD của anh, để Lan muốn tặng ai cũng được. Còn những bản nhạc lời Việt là do anh dịch lấy, cũng thường thôi Lan ạ, không có gì Lan phải khen. Thế…Lan thích bản nhạc nào nhất?- Lan thích nhất bài số 7 Hey, bài số 2 Si Tình, và Where Is Your Heart. Bài Three Times A Lady anh hát hay hơn ca sĩ Mỹ. Trong cuối thập niên 1970, Lan nghe bản nhạc đó hàng ngày trên các đài phát thanh Mỹ, nhưng Lan không ngờ anh hát hay đến như vậy!- Anh rất mừng là có người thích CD này, đó là một an ủi lớn cho anh!- Sao vậy anh? Thính giả của anh không thích CD này sao?- Anh làm CD này cốt yếu cho những thính giả trẻ và luôn cả cho những thính giả lớn tuổi, những ai biết thưởng thức nhạc Mỹ thì cùng nghe. Anh muốn tạo thêm một sắc thái mới lạ, nhưng anh thất vọng, vì thính giả chỉ muốn nghe anh hát tình ca Việt Nam mà thôi. Hình như tiếng hát của anh gắn liền với nhạc tình của mình mà thôi, họ không chấp nhận CD nhạc ngoại quốc này.- Sao anh biết?- Vì CD này bán chậm, các trung tâm băng nhạc không đẩy băng đi được, có nhiều trung tâm lại không muốn mua vô nữa Lan à!- Em thì trái lại, từ ngày có CD này đến giờ, em nghe nó suốt ngày, nghe mãi rồi ghiền luôn, lên xe là mở cassette ngay. Anh hát bản Si Tình hay lắm. Lan nói thật đó, không nịnh anh đâu. Lan có nghe Julio Iglesias hát bản nhạc này, nhưng giọng anh ta nghe không rõ, vì anh ta ngân nhiều quá, không nghe được lời, còn giọng anh rất rõ ràng, nghe thích lắm. Lan cho mấy người Mỹ làm chung sở nghe CD của anh, họ khen anh đấy, không những họ chỉ khen, mà còn khen hết lòng nữa.- Cảm ơn Ngọc Lan, thật vậy sao?- Dạ thật, có một bà người Mỹ sau khi đem CD của anh về nghe, hôm sau trở lại đòi mua CD và nói với Lan như thế này “ Việt Nam lại có người hát hay như thế sao? Ông ta hát mà không có một chút gì chứng tỏ ông ta là người ngoại quốc. Nước Mỹ của chúng tôi đang cần những người ca sĩ như ông này. Nhạc bây giờ tôi rất chán, nghe nhức cái đầu, thật là vô giá trị. Nếu ông này còn ra thêm CD nhạc Mỹ, thì tôi chắc chắn sẽ là khách hàng của ông ấy!” Và...anh à, luôn cả người Tàu họ cũng thích tiếng hát của anh nữa.Anh làm thinh chẳng nói gì cả trước những lời nói rất chân tình của tôi.- Anh Sĩ Phú à, vẫn biết rằng là ca sĩ thì ai cũng muốn tiếng hát của mình được đi xa hơn, nhiều người biết đến hơn. Nhưng trong trường hợp này, anh nên nghĩ rằng dù sao đi nữa, có ít nhất là em và các bạn Mỹ trong sở mến phục và cảm ơn anh đã thực hiện nên CD đó là đủ rồi.Anh nói rất từ tốn:- Cảm ơn Ngọc Lan rất nhiều. Bây giờ thì anh nhờ Lan đọc lá thư của bà thính giả giùm anh đi, bà tên gì vậy em?- Thưa anh, bà ấy tên là Nguyễn Thị Minh Hương, để Lan đọc thư bà ấy cho anh nghe nhé.Tôi mở vội phong thư của bà rồi đọc cho anh nghe.Những hàng chữ đầu bà khen tặng anh hết lời, bà cho biết tên bà là Hương. Khi còn ở Việt Nam bà có mấy cuốn băng nhạc rất cũ có tiếng hát Sĩ Phú, nghe tới nghe lui bao nhiêu năm trời, các cuộn băng hư tả tơi nhưng bà vẫn còn giữ đến bây giờ. Phần còn lại, bà viết một cái danh sách dài của những bản nhạc mà bà muốn anh Sĩ Phú hát cho bà. Tôi e ngại, không biết anh có muốn nghe hết hay không:- Bà ấy kể nhiều bài nhạc quá anh à, không biết anh có thì giờ để nghe không?- Không sao đâu, Lan cứ đọc đi, anh muốn nghe, anh đang chờ một người bạn, chừng nào anh ấy tới thì thôi.Tôi bắt đầu đọc:- Bến Xuân,Bên Cầu Biên Giới, Xuân Tha Hương, Em Còn Nhớ Mùa Xuân, Suối Mơ, Em Tôi, Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Lá Thư,Hoài Cảm, Tiếc Thu, Thu Quyến Rũ, Bây Giờ Tháng Mấy, Hoa Xuân, Nhớ Người Ra Đi, Lá Đổ Muôn Chiều... và khoảng 10 bài nữa mà tôi không nhớ hết.Tôi kết luận:- Phần lớn những bản nhạc này Lan cũng rất thích, khi nào có dịp mong nghe anh hát.- Bà Hương chọn nhạc khá lắm, đây là những bản ruột của anh, anh đã từng hát một số những bản nhạc này ngày xưa trước 75. Mấy lúc gần đây anh không còn hát nữa. Không phải lúc nào anh cũng hát được đâu Lan à. Đôi khi còn phải tùy theo cảm hứng nữa. Bản nhạc nào mà khi hát, anh có sự rung động thật đầy thì anh hát mới hay được. Còn nếu không, anh hát chẳng ra sao cả. Tuy nhiên, anh sẽ chiều bà ấy. Anh sẽ cố gắng ở các CD sau của anh.Anh chợt kêu lên:- Có tiếng chuông, anh bạn đã đến rồi, thôi anh phải đi, Lan còn gì để nói nữa không?- Còn nhiều lắm, nhưng để khi khác đi anh. Thôi Lan chúc anh đi ăn ngon!- Cảm ơn Lan, thôi Lan ngủ ngon nhé!Một tuần sau tôi nhận được 5 CD và 5 băng nhạc anh gửi tặng. Tôi gọi điện thoại để cảm ơn anh, nhưng anh như bóng chim tăm cá, không có ở nhà, tôi để lại lời nhắn. Một lần nữa, anh và tôi lại xa cách, nghìn trùng xa cách. Anh đã về Việt Nam.Tháng hai năm 1996, từ Việt Nam trở về, anh gọi cho tôi trong một lúc mà tôi không ngờ nhất. Tôi vì quá bận rộn với đời sống gia đình và công việc nên đã tạm quên hình bóng anh.Anh cho tôi biết anh đã về Việt Nam để dự hôn lễ của đứa con trai thứ và vừa trở về Mỹ được hai ngày.- Hai ngày nay anh ngủ vùi vì giờ giấc thay đổi, anh mới vừa thức giấc. Chợt nhớ đến Lan nên anh gọi để nói chuyện.- Ồ, cảm ơn anh đã gọi lại cho Lan, em tưởng là anh đã quên em rồi chứ!- Anh không quên Lan, nhưng thường thì anh ít gọi cho ai, anh lười lắm. Hơn nữa là anh không biết phải nói gì. Anh không muốn làm phiền người khác về những chuyện vu vơ của mình.Rồi anh xin lỗi vì đã không nói về chuyến đi này với tôi trước khi anh ra đi.Thật ra, anh nào có lỗi gì đâu, anh và tôi vẫn còn là hai người xa lạ mà.Nhưng lần này tôi thấy anh có vẻ gần gũi, thân mật hơn chứ không có vẻ xa cách như trước. Hay, có lẽ sau chuyến đi về Việt Nam, anh thoải mái hơn vì trách nhiệm đã hoàn thành?Tôi lẩm cẩm hỏi anh đủ chuyện về quê hương, về kinh tế, về đời sống, giáo dục, học đường, thời trang vân vân...- Còn đàn bà con gái bên đó như thế nào, thưa anh, chắc con gái lớn lên sau năm 1975 thay đổi nhiều? Họ có đẹp không anh?- Anh có nhìn ngắm ai đâu mà biết, và anh cũng hoàn toàn chẳng thấy gì cả. Đẹp hay xấu là do cái tâm mà ra. Đối với anh, đẹp không phải là một cái gì sẽ tồn tại với thời gian, nhưng cái tính tình rất quan trọng với anh.Tôi vụt hỏi anh một câu thật vô duyên:- Anh Phú ơi, người đàn bà lý tưởng đối với anh phải như thế nào?- Hiền, chịu đựng và thông minh.- Anh có tìm ra người ấy chưa? Người thông minh thì chưa chắc gì thích chịu đựng. Hiền thì có thể, nhưng chịu đựng thì đâu có dễ?- Anh không có đi tìm ai hết, anh tin ở định mệnh. Đã lâu rồi anh không còn có một sự liên lạc về tình cảm với ai hết, anh tự chôn mình nơi chốn này...Tôi nghe anh thở dài, giọng nói anh bỗng dưng trầm xuống, rất nhỏ.Tôi cũng hạ thấp giọng lại, xao xuyến hỏi anh:- Anh có buồn gì không? Em có cảm tưởng anh buồn lắm lắm.- Tại sao Lan lại nghĩ rằng anh buồn?- Tại vì... em cảm nhận như thế! Giọng nói của anh đã diễn tả rất nhiều những gì anh nghĩ và khi anh nói thì hình như có một cái gì đó chất chứa từ đáy lòng.Rồi tôi ngập ngừng hỏi anh:- Anh có muốn tâm sự điều gì với em không?Anh yên lặng rất lâu, khi tôi tưởng chừng như anh đã ngủ, anh mới lên tiếng:- Thôi em đi ngủ đi, đêm đã khuya rồi, ngày mai, anh sẽ gọi lại cho em. Good night em!Ngày mai là một ngày thật dài, tôi mong trời mau tối để nói chuyện với anh. Tám giờ rưỡi anh gọi tôi, hôm đó anh có vẻ đỡ hơn ngày hôm trước, giọng nói của anh vui tươi hơn, hồn nhiên hơn. Anh tâm tình với tôi rất nhiều trong đêm đó. Chúng tôi nói chuyện rất hào hứng và rất sôi nổi đến nỗi không còn để ý đến thì giờ trôi qua nữa.Cú điện thoại này kéo dài 11 tiếng đồng hồ. Chúng tôi đi ngủ vào lúc 8 giờ sáng hôm sau. Đêm tâm tình này đã mở đầu cho một chuyện tình thật đẹp và thật cao quý giữa Sĩ Phú và tôi.Những ngày sau đó tôi và anh là hai người bạn hình như không rời nhau trong tư tưởng, chúng tôi có ngay một tình bạn rất thân mặc dù không gặp mặt nhau.Kẻ ở phương Bắc người ở phương Nam, chúng tôi bỗng nhiên là hai người bạn tri kỷ, hình như đã quen nhau từ kiếp nào rồi.Cuộc tình viễn liên này kéo dài 3 năm trời cho đến khi anh về với tôi. Dĩ nhiên là trong thời kỳ này, chúng tôi gặp nhau rất thường, nhưng chúng tôi vẫn chia ly trong đời sống vì anh không chịu dời về miền Nam California.Còn tôi thì không thể dời chỗ ở vì các ràng buộc khác trong cuộc đời. Hơn nữa, anh nói anh muốn hai chúng tôi giữ mãi tình bạn như thế này và sẽ không có gì khác hơn là tình bạn cao quý mà thôi. Tôi tôn trọng ước muốn của anh. Tôi biết anh có những ràng buộc và trách nhiệm, nên, lặng lẽ nơi này, tôi chấp nhận, tôi cố gắng sống một cuộc sống bình thường và vẫn liên lạc thường xuyên với anh. Ngày cũng như đêm, khi nào rảnh rỗi chúng tôi gọi nhau và tâm sự rất nhiều, thường là 4 hay 5 tiếng đồng hồ một ngày.Tiền điện thoại hằng tháng của chúng tôi thường là trên dưới 300 đô la cho mỗi người.Chúng tôi quấn quít nhau trong tư tưởng, chúng tôi mân mê nhau trong lờøi nói. Chúng tôi đọc được tư tưởng, ý nghĩ của nhau. Hình như mỗi lời nói và tư tưởng của chúng tôi đều là những tư tưởng của nhau. Anh nghĩ như tôi nghĩ, anh nói những gì tôi muốn nói, anh thích những gì tôi thích, anh yêu những gì tôi yêu.Tôi không thể, và không thể nào không nghĩ rằng, có lẽ chúng tôi là anh em sinh đôi ở kiếp này, nhưng vì bị chia cách lúc sinh ra, thất lạc đến bây giờ mới tìm được nhau. Một sự trùng hợp về tư tưởng lạ lùng. Chỉ có anh em sinh đôi thì mới có thể đạt được sự trùng hợp hiếm hoi như vậy.Tôi bàng hoàng nói với anh:- Không lẽ anh và em là anh em sinh đôi hay sao? Em có cảm tưởng anh và em đã gặp nhau trên trăm năm rồi, anh ạ!Anh cười thật hiền và đùa với tôi:- Em là người tình trăm năm của anh đấy!Rồi anh tiếp:- Đây là một cơ duyên, Ngọc Lan ạ! Chúng ta phải có duyên lắm mới gặp nhau như thế. Đây có lẽ là định mệnh run rủi cho chúng ta gặp nhau ở cuối đoạn đời này vậy.- Anh có hối hận là đã gọi cho em không?- Không bao giờ anh hối hận gì cả vì em rất xứng đáng Ngọc Lan à!- Em cũng cảm nhận như vậy về anh. Em may mắn lắm mới được quen anh!- Em đừng nghĩ như thế nữa, Ngọc Lan à. Chúng ta may mắn lắm mới gặp nhau trên đời này. Thế thôi!- Anh Phú ơi, em kể cho anh nghe một điều mà em giữ kín bao nhiêu năm nay. Anh có muốn nghe không?- Cái gì em nói, anh cũng muốn nghe, em cứ kể đi.- Năm 1984, một hôm trên đường đi làm, đang lái xe trên Freeway 91, em còn nhớ rất rõ, bỗng dưng, có một cái gì đó thôi thúc lạ thường, em nghĩ đến anh, em tự hỏi “ Sĩ Phú bây giờ ở đâu? Nơi chân trời góc biển nào? Anh đang làm gì và sống với ai? Nhất định phải đi tìm và đem Sĩ Phú về”. Anh có biết không, từ ngày sang Mỹ, 1975 cho đến 1984, em chưa từng bao giờ nghe anh hát, chưa từng bao giờ nghĩ đến anh, dù một lần. Nhưng bỗng nhiên có một cái gì đó làm cho em phải thốt ra những lời như vậy ngày hôm đó. Hay có lẽ từ tiền kiếp chúng ta đã quen nhau mà kiếp này em chợt nhớ đến anh, trong tiềm thức?Rồi tôi kể cho anh nghe về việc tôi gặp thầy tử vi Nhân Quang vài tháng trước khi tôi gặp anh ở tiệc cưới. Thầy Nhân Quang là thầy tử vi đầu tiên mà tôi phải tốn tiền trong đời. Tôi ít có bao giờ xem bói hoặc tử vi, tôi là một người rất thực tế, và không bao giờ tin những chuyện bói toán lẩm cẩm.Số là, một người quen của tôi, chủ nhân của một nhà hàng nổi tiếng ở khu Little Saigon, cứ nhất quyết bảo là tôi phải đi xem tử vi. Chị giục mãi, chị nhắc nhở rằng tôi phải gặp thầy Nhân Quang một lần cho biết.Sau cùng, tôi chiều chị, lấy một cái hẹn với thầy để được nghe thầy nói như thế này:- Đến tháng chín năm nay (lúc tôi gặp thầy là tháng hai năm 1995), cô sẽ gặp một người đàn ông mà cô sẽ có nhiều liên hệ sau này. Tôi thấy cô có sao Song Hỷ trong cung tình duyên, nhưng cô phải chờ tới tháng chín này lận. Người đàn ông này vóc dáng cao đẹp, là một người văn hay chữ giỏi, rất giỏi về nghệ thuật, có thể ông ta là một người ca sĩ hay văn sĩ gì đó. Nhưng nhất định, người này phải là một người làm nghệ thuật vì tôi thấy có sao Văn Khôi, Văn Xương chiếu. Cô sẽ có rất nhiều liên hệ với người đàn ông này và chỉ người này mới đem đến hạnh phúc cho cô mà thôi.Thầy Nhân Quang cũng nói thêm là trong tháng hai này, tôi sẽ thay đổi việc làm, lúc đó còn chỉ ba ngày là hết tháng hai, làm thế nào mà tôi có thể thay đổi job nhanh như vậy được. Tôi hỏi thầy lại một lần nữa:- Tháng hai này sắp hết rồi thầy ơi, làm sao mà con kiếm được công việc nhanh như vậy?Thật sự lúc đó tôi đang làm việc tại một công ty thật lớn của Mỹ, tôi không có ý định thay đổi công việc làm.Tôi hỏi thầy:- Thưa thầy, thầy có nói nhầm không?- Không, thầy không nhầm đâu, còn ba ngày nữa mới hết tháng Hai mà!Quả nhiên, hai ngày sau đó, tôi có một người bạn đã từng làm chung ngày xưa ở một công ty nọ bây giờ trở thành nhân vật quan trọng của một công ty thật lớn ở quận Cam. Anh ta lục được số điện thoại cũ và lần hồi tìm ra số điện thoại mới của tôi, anh ta nài nỉ nhất quyết mời tôi về cộng tác, và tặng tôi một số lương rất cao, vào thời buổi đó.Vì tôi là một tham khảo gia điện toán, làm việc bằng công tra, cho nên tôi phải đợi cho công tra mãn hạn. Tôi nói với công ty tôi đang làm là tôi đã được một công ty khác mời làm việc, và không muốn ký tái giao kèo với họ nữa. Họ rất tiếc là tôi ra đi, nhưng hứa là sẽ mời gọi tôi trở lại một ngày rất gần.Mà quả thật sau này, tôi trở lại làm việc cho họ thêm nhiều năm nữa.Đến đây tôi xin dừng lại để có đôi lời chú thích: tôi không quen biết thầy Nhân Quang và không có ý định quảng cáo cho thầy hay bất cứ ai ở trong cuốn sách này. Tôi chỉ xin được kể lại những sự thật đã diễn ra trong đời tôi mà thôi.Bây giờ trở lại với chuyện anh Sĩ Phú. Sau khi tôi kể cho anh nghe về những gì thầy Nhân Quang nói với tôi, anh không khỏi bàng hoàng. Nhất là sau đó, khi tôi gửi cho anh nghe cái băng cassette do thầy Nhân Quang thu trong buổi nói chuyện với tôi, anh lại càng không thể ngờ được. Anh không thể không tin là có một sự sắp đặt nào đó từ bề trên. Anh nói:- Có lẽ mình có duyên với nhau từ kiếp trước nên kiếp này mới gặp lại nhau.Còn riêng tôi, vì ít bao giờ chịu chú trọng đến bói toán hay tử vi, nên tôi đã quên lửng những gì thầy nói, ngay cả khi gặp anh Sĩ Phú trong tiệc cưới sau này.Bây giờ nhìn lại, tôi không khỏi bàng hoàng, xúc động... sự gặp gỡ của chúng tôi đã được báo trước, cũng như sự ra đi khỏi cuộc đời này của anh cũng đã được báo trước...