ào khoảng 1987-1988, anh có dịp quen biết một người đàn bà có tên là VNC mà tôi xin gọi là cô Châu, mà theo lời anh, và theo nhận xét của tôi, anh rất yêu quý người đàn bà này.Cô Châu là một người đàn bà có học, cô du học tại Mỹ trước năm 1975, cô rất đẹp, quý phái, thông minh và rất có nhân cách, cô lại hay làm việc từ thiện và rất thương người. Ðây là mẫu người đàn bà lý tưởng mà anh mong đợi. Cô sinh sống và làm việc trên San Francisco. Anh yêu quý cô ở chỗ cô là một người đàn bà rộng lượng và hiền lành. Cô rất yêu thương các em của cô còn ở lại Việt Nam và lo lắng giúp đỡ họ đủ điều.Cảm ơn Thượng Ðế, cảm ơn cô Châu, tôi mừng cho anh, cô yêu anh đủ để lo lắng săn sóc anh và đời sống tinh thần của anh. Anh tâm tình với tôi về cô cũng khá nhiều, luôn luôn lúc nào cũng nói những lời rất đẹp về người đàn bà này. Anh quen biết cô khoảng trên 2 năm trước khi anh chung sống cùng cô.Năm 1987 anh cho ra đời băng nhạc Có Tình Nào Không Phai, băng nhạc đầu tiên của anh tại hải ngoại. Băng nhạc này đã được anh thu âm lâu lắm rồi, khoảng năm 1984 hay 1985 gì đó, nhưng rồi vì chán nản, anh bỏ ca, bỏ hát, anh muốn cho nó ra đời cho xong để giã từ sân khấu. Trung tâm DX bấy giờ đang trong thời kỳ phôi thai, rất muốn mua lại băng nhạc này của anh. Vì tình bạn, anh nhượng lại băng nhạc ấy để cho trung tâm này khai thác mà vài năm sau đó họ trả cho anh một cái giá rất ư là khiêm nhượng không đầy phân nửa cái vốn mà anh đã bỏ ra. Bây giờ khi viết những dòng chữ này, tôi bỗng cảm thấy thương người nghệ sĩ vô cùng. Họ đã bỏ ra bao nhiêu công sức, của cải, và với tất cả sự tha thiết chân thành nhất của người nghệ sĩ, để hoàn thành những tác phẩm nghệ thuật giá trị cho người, cho đời, để rồi, cuối cùng thu lại những cái vặt vãnh không đáng gì. Sự an ủi quý báu nhất cho họ là, bằng cách nào đó, tiếng hát của họ được đi xa hơn, họ gần gũi với thính giả hơn, và sự thương yêu của thính giả dành cho họ.Tạm xa lìa thế giới âm nhạc, anh đi tìm một cuộc sống riêng tư, đơn giản và âm thầm.Nhưng cô Châu là một người đàn bà tháo vát, thích làm ăn, thích mạo hiểm, nên chiều ý cô, anh và cô cùng mở một nhà hàng khá sang trọng trên San Francisco. Lúc đầu theo anh thì công việc làm ăn rất khấm khá, có một dạo anh rất giàu. Nhưng vài năm sau, vì những hoàn cảnh bất lợi xảy ra, mà vụ động đất lớn ở San Francisco là một trong những nguyên nhân, nhà hàng thua lỗ, anh phải đóng cửa.Vợ chồng anh thu gọn lại, dọn về Fremont, mướn một căn nhà ở vùng ngoại ô để ở. Ngôi nhà mà cũng là tổ ấm của họ đầy những cây cối, chim chóc và thú vật. Anh rất mê thú vật và chim chóc, anh có hàng trăm những con chim hiếm quý, một số chó mèo. Anh cũng có khoảng vài cặp đà điểu (ostric) mà theo anh, thời bấy giờ chúng trị giá trên dưới vài chục đến một trăm ngàn đô la. Anh đọc sách rất nhiều về chim chóc, thú vật nhất là về chó và mèo nên kiến thức về chúng anh hiểu rất sâu rộng.Cô Châu, người bạn đường của anh lúc ấy, chán nản vì công việc làm ăn thua lỗ, bắt đầu đi về Việt Nam khoảng năm 1990, 1991. Cô về Việt Nam để xây nhà cửa cho các em cô, và cho chính cô cùng với anh. Cô định xây một căn nhà đơn sơ nho nhỏ mà theo lẽ sẽ là nơi họ sẽ về dưỡng già khi về hưu. Anh Sĩ Phú đã giúp cô vẽ họa đồ thiết kế cho căn nhà ấy. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi quá nhanh, vì các người em và những người thân thuộc của cô ở Việt Nam phụ giúp thêm ý kiến, cô lần lần thay đổi ý định, biến ngôi nhà đơn sơ thành một tòa nhà vĩ đại. Anh Sĩ Phú lại phải một lần nữa vẽ lại họa đồ cho tòa nhà này. Anh tâm tình với tôi:- Căn nhà không còn là của anh nữa, vì anh là người rất đơn sơ, anh thích cái gì cũng đơn sơ và giản dị, tòa lâu đài này không phải là anh, và không cho anh nữa.Tuy nhiên, vì anh là người vẽ lối kiến trúc cho ngôi nhà này, nên anh thuộc làu từng góc, từng cạnh, từng nơi chốn của ngôi nhà và từng viên gạch đặt trong ngôi nhà ấy. Anh có chụp rất nhiều bức hình về ngôi nhà này và có cho tôi xem. Ðấy là một tòa nhà khá đẹp ở bề ngoài vì có những tháp cao và nhọn, kiểu cách mới lạ. Khi tôi chê lối bày biện trong nhà đầy màu sắc rực rỡ, diêm dúa và thiếu mỹ thuật, anh đồng ý với tôi:- Em nói đúng, nó diêm dúa thật. Chính anh cũng thấy như vậy. Vì thế cho nên anh không cảm thấy thoải mái chút nào về ngôi nhà này.Căn nhà này tọa lạc ở Hốc Môn, và cho mãi đến ngày hôm nay được các du khách và chính quyền địa phương cho là tòa nhà đẹp nhất Sàigòn nếu chỉ nhìn phía bên ngoài mà thôi.Nhưng oái oăm thay, có nhà mà như không nhà, khi Sĩ Phú về Việt Nam thăm viếng con cái, anh đã không ở lại đây, vì như anh đã nói, tòa nhà này không phải cho anh. Và cũng vì muốn tránh người mẹ của các con anh, nên anh ở chung với gia đình của một người bạn thân.Mười chín ngày trước khi anh lìa đời, cô Châu muốn khoe với tôi nhà đẹp của cô, nên có gửi cho anh một lá thư và một quyển album nhỏ, trong có các hình ảnh đẹp về tòa nhà lộng lẫy của cô.Tôi hỏi anh:- Anh có muốn xem thư và quyển album này hay không cưng?Anh trả lời:- Không, anh không muốn xem. Anh không thích nhà đẹp lộng lẫy, anh là một người giản dị, anh thích cái gì cũng giản dị. Ðối với anh, nơi nào có trái tim anh ngự trị, nơi ấy sẽ là nhà anh. Ngọc Lan à, em hãy hứa với anh, là em sẽ bỏ cuốn album này đi, em nhé!Cô Châu đi về Việt Nam rất nhiều lần. Cô đem tất cả các giống chim quý của anh về VN để nuôi trong ngôi nhà mới đẹp của cô. Cô xây những chuồng, lồng và nhà rất sang trọng cho chúng ở.Ở bên đây bờ đại dương, Sĩ Phú lại một lần nữa bơ vơ đơn độc, trong thời gian cô thu dọn về Việt Nam, anh dọn nhà về vùng Sunnyvale, một thành phố xinh xinh gần San Jose để sống một mình. Tuy anh không hẳn là hoàn toàn xa cô Châu nhưng theo như anh và gia đình người sống chung với anh thời bấy giờ cho tôi biết là cô chưa từng bao giờ thăm viếng anh tại ngôi nhà này.Thỉnh thoảng khi cô về Mỹ, cô tạm trú tại nhà của cô em gái ở San Francisco. Anh lên thăm viếng cô như hai người bạn cũ, nhưng hình như tình yêu không còn như ngày xưa nữa. Dù vậy, anh vẫn muốn người yêu ở lại với anh, cùng nhau san sẻ những yêu thương, và gầy dựng lại hạnh phúc và mái ấm gia đình, thay vì kẻ ở người đi, lâu lâu gặp nhau một lần rồi lại tiếp tục chia xa.Nhưng, số trời đã định, và vì hai lý tưởng quá khác biệt, anh không muốn về Việt Nam sinh sống, còn cô thì rất tha thiết muốn gần các em cô và gần tòa nhà mới, nên cô đi về Việt Nam rất thường.Tình yêu càng ngày càng phai dần.Hai người chỉ gặp nhau để làm những gì cô ấy cần anh làm, rồi lại chia tay, ai về nhà nấy.Anh tiếp tục sống những ngày cô đơn, vô vị mãi đến năm 1995 khi anh bắt đầu quen tôi. Ðã có nhiều lần anh tâm sự:- Dạo đó anh rất cô đơn. Sự cô đơn rất khủng khiếp đã tàn phá đời anh. Nhưng dù vậy, tim anh đã đóng cửa suốt gần 5 năm trời từ ngày cô Châu ra đi, không một hình bóng của người đàn bà nào khác lọt vào tim anh từ dạo ấy. Từ một người có tất cả để trở thành người mất tất cả, mất luôn cả người đàn bà mà anh yêu quý, anh đau khổ vô cùng.Tuy nhiên, anh không bao giờ tỏ cho tôi thấy là anh tiếc tiền bạc đã mất, nhưng anh tiếc mãi mối tình mà anh nghĩ sẽ tồn tại cho đến trọn đời.Anh bứt rứt đau khổ nói với tôi:- Cả đời anh luôn đi tìm một tình yêu chân thật, anh khao khát có được một mái ấm với người mình yêu. Anh vô cùng thèm muốn một gia đình như bao nhiêu người khác, nhưng chưa bao giờ anh có, vì lúc vừa tìm thấy được thì lại bị rơi khỏi tầm tay và vụt mất.Không riêng gì anh, mà chính tôi cũng cùng một số kiếp như anh, rất vất vả trong đường tình yêu.Ðồng thanh tương ứngÐồng khí tương cầuChúng tôi quý nhau và thông cảm nhau hơn vì cùng chung một tâm sự, một nỗi lòng.Ðã buồn, giờ càng buồn hơn. Anh bỏ ăn, bỏ uống, bỏ việc. Anh ăn uống rất thất thường, có khi cả ngày chỉ uống một ly cà phê đậm, không có được một bát cơm. Ðó là lúc anh chán chường nhất, không còn tha thiết gì nữa.Hàng đêm, tôi gọi điện thoại để nhắc nhở anh phải đi ăn uống và tôi cúp điện thoại ngay để cho anh đi ăn. Vài tiếng đồng hồ sau tôi gọi lại để xem anh đã đi ăn chưa, thì anh cũng vẫn chưa ăn uống gì cả.Tôi biết, trong thời gian này, anh phải lo rất nhiều cho ba đứa con bên Việt Nam. Bao nhiêu tiền bạc làm ra, anh đều gửi hết về Việt Nam cho các con.Anh gửi về cho các con những đồng bạc cuối cùng.Cơ thể anh bị sa sút và anh gầy đi, hao mòn thấy rõ. Bên cạnh đó, anh rất quan tâm về ba đứa con, anh rất buồn vì đã không làm cách nào để xin cho các cháu qua Mỹ được.- Anh rất chán đời, không còn tha thiết gì nữa. Cả một cuộc đời cứ mãi lận đận lao đao. Làm cái gì cũng hỏng. Không có một ngày gọi là vui. Em có biết không, Sơn con anh, nó cũng mang một tâm trạng như anh, nó nói Bố ơi cả đời con không có một ngày vui. Anh rất buồn vì con anh quá bi quan. Có người cha nào nghe con nói một câu não nùng như vậy mà không buồn đâu em!Chúng ta có thể nhìn một người đàn ông mà biết rằng người ấy có được hạnh phúc hay không. Sự hạnh phúc làm cho họ hồng hào, khỏe mạnh, sung mãn và yêu đời. Anh Sĩ Phú đã không được cái may mắn như vậy.Có một vài người bạn thấy anh quá cô đơn, chiếc bóng, và nhất là một ca sĩ nổi tiếng mà sống giam hãm cuộc đời vào chốn cô liêu như vậy, đã giới thiệu anh cho những người đàn bà rất sang trọng, giàu có, và là những thính giả ái mộ anh, nhưng anh nhất định từ chối và chọn sự cô đơn riêng mình.Tôi nghĩ, có lẽ căn bệnh tàn nhẫn nhất đời của anh bắt đầu ngấm ngầm vào cơ thể anh từ lúc này.Tiền bạc, vật chất đối với anh không nghĩa lý gì nữa. Vinh quang phú quý đối với anh chỉ là phù du, chợt đến, chợt đi, tất cả chỉ là hư ảo. Hình ảnh u buồn và sa sút này quý vị có lẽ đều nhìn thấy trong Video Asia Những Tình Khúc Mùa Chinh Chiến, khi anh trình diễn bản nhạc Tuyết Trắng.Sau này cô Châu hối hận vì đã bỏ anh đi, cô đâu có ngờ người bạn đời của cô lúc đó chỉ cần tình yêu chứ đâu cần nhà cao cửa đẹp.Trước đó anh đã từng nghiên cứu về triết lý Phật Giáo, anh cũng đã theo học một hai lớp thiền, nhưng chưa bao giờ bằng lúc này, anh mải miết ngày đêm để đọc, và đọc rất nhiều sách. Anh quên thời gian, quên luôn cả chính bản thân. Anh tìm vào sách vở Phật Giáo, và thế giới tâm linh để tìm một lối thoát. Anh thích thú vật nên đã bỏ rất nhiều thì giờ để tìm hiểu nghiên cứu về chúng. Anh xem các chương trình trên TV về đời sống thế giới loài vật. Anh nghiên cứu về khoa học, kỹ thuật vốn là môn ruột của anh. Anh nghiên cứu và đọc sách rất nhiều về không gian, vũ trụ và những thành phần cấu tạo. Anh tìm tòi học hỏi rất nhiều về những sự kiện lịch sử trên thế giới. Lịch sử Việt Nam và Trung Hoa thì anh nằm lòng. Anh nhớ từng ngày từng tháng của mỗi sự kiện, anh nhớ vanh vách tên và quốc hiệu của từng vị vua.Trời cho anh một bộ óc, một trí nhớ hiếm có, anh nhớ hết những gì anh đọc. Chỉ cần nghe qua hay đọc một lần là anh có thể lập lại thật rõ ràng những điều đã đọc một cách rất là chi tiết. Tôi thường đùa với anh:- Anh là một cuốn tự điển bách khoa sống. Không ai có thể nhớ hết như vậy, thường thì người ta phải tham khảo, còn anh thì có sẵn trong đầu. Chính em cũng là người có một trí nhớ gần như anh vậy, nhưng lần này em xin chịu thua anh đó.Bây giờ nhìn lại, tôi càng thấy rõ hơn, một trong những lý do khiến anh nhớ nhiều, nhớ dai là vì anh là một người lắng nghe giỏi.Anh luôn theo dõi câu chuyện với tất cả sự chú tâm vì anh kính trọng người đối diện. Vì thế, đôi khi anh hơi bực tôi mỗi khi tôi không chú trọng lắng nghe, và hay hỏi lại những gì anh vừa nói.Anh dịu dàng mắng khéo tôi:- Em thì có bao giờ nghe anh nói gì đâu, cứ ờ ờ...mãi, mà khi anh hỏi lại thì không nhớ gì hết!Tôi lại chống chế:- Em chỉ muốn nhớ những gì em muốn nhớ mà thôi!Năm 1995, anh trở lại sân khấu vì những khuyến khích, thúc giục của bạn hữu và nhiều thính giả. Anh cho ra đời 2 CD Tà Áo Xanh và Trái Tim Hững Hờ (nhạc Mỹ lời Việt) và tổ chức một đêm ra mắt 2 CD này vào ngày 4 tháng 11 năm 1995 tại vũ trường Ritz ở thành phố Anaheim, tiểu bang California.Trong năm này, hoạt động văn nghệ của anh bắt đầu trổi dậy chút đỉnh. Anh đã thu cho trung tâm Asia hai bản nhạc mà anh rất yêu thích, để quay video tựa đề Tác Giả Tác Phẩm và Gửi Người Một Niềm Vui, đó là hai bản nhạc Mắt Biếc và Niệm Khúc Cuối của Ngô Thụy Miên.Trong video Tác Giả Tác Phẩm, trước khi bắt đầu vào bản nhạc Mắt Biếc, anh nói với thính giả rằng anh rất hân hạnh gặp lại họ sau mười năm xa vắng. Anh nói:- Tôi xin trình bày nhạc phẩm Mắt Biếc, vì tôi đã tìm thấy một khoảng đời của chính tôi trong đó!Cũng trong năm này, anh qua Canada để xuất hiện trong một chương trình ca vũ nhạc để quay video của Trung Tâm Trường Thanh. Anh phụ trách phần giới thiệu chương trình cùng với cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Trong video này, anh trông rất trẻ và khá đẹp trai, bên cạnh Kỳ Duyên. Có một đoạn, Kỳ Duyên hỏi anh định nghĩa tình yêu là gì, anh trả lời khá duyên dáng:- Tôi chỉ biết yêu thôi chứ không định nghĩa được tình yêu!Anh ăn nói chững chạc đàng hoàng và lưu loát mặc dù anh có cho tôi biết là trong show nhạc này, anh đã được mời làm MC rất trễ, chỉ hai hay ba ngày trước khi thu hình mà thôi.Vì không thích hợp với lối làm việc, tổ chức lỏng lẻo của họ gây quá nhiều trở ngại trong ngày thu hình, nên anh không dấu được nét nhăn nhó trên sân quay. Tôi lấy làm tiếc nói với anh:- Nếu em là anh thì có lẽ em sẽ không nhận lời làm MC cho show này vì anh không có thì giờ để soạn thảo, tập dượt. Các MC khác người ta bỏ cả tháng trời để soạn bài vở và tập dượt cho ăn khớp với nhau. Khán giả đâu có biết là anh không có thì giờ để làm việc và chuẩn bị đâu? Họ đâu có biết những trở ngại của anh, họ sẽ đánh giá anh qua những gì họ nghe thấy trong cuốn video mà thôi.Anh chắc lưỡi:- Anh vì nể tình anh em, bạn bè quen biết mà làm. Thôi em à, em đừng buồn, chuyện cũ đã qua rồi.Anh thu cho Video Trường Thanh hai lần. Nếu tôi nhớ không lầm thì lần đầu tiên vào năm 1993.Anh chết đi nhưng tiền thù lao anh làm MC và ca sĩ cho hai show này chưa từng được lãnh. Có một lần thấy anh cần tiền để gửi về Việt Nam cho các con, tôi bảo anh nên gọi người chủ show này để xin được trả tiền thù lao hầu có tiền gửi về cho các cháu. Anh bị tôi hối thúc nhiều lần, sau cùng buộc lòng phải nhấc điện thoại lên gọi, bên kia có tiếng người trả lời.Tôi nghe anh nói:- TT đó hả em?- TT đây, ai đó?- Anh Sĩ Phú đây em!Người bên kia đầu dây cúp điện thoại liền lập tức.Anh bỡ ngỡ gọi lại, người bên kia không trả lời nữa.Tôi xin tình nguyện gặp người ấy đòi tiền giùm anh, nhưng anh nhất quyết cản ngăn không cho tôi gặp con nợ và khẩn khoản van xin tôi đừng nhắc gì hết về con người đó với bất cứ ai. Anh không muốn tôi nói với người ngoài biết vì tội nghiệp người ta. Tôi buồn lắm vì sau đó, có lẽ vì ngán ngẩm tình đời, anh bị bệnh nhức đầu đến ba ngày mới khỏi.Ðấy, Sĩ Phú đúng là như vậy, anh sống cho tha nhân và vì tha nhân mà quên cả thân mình. Ôi đẹp thay một con người cao thượng và biết sống nhẫn nhục trong tất cả mọi hoàn cảnh!Trong thời gian ở San Jose, cứ đều đều mỗi tháng, anh nhận được một lá thư từ Việt Nam gửi sang, của một nữ thính giả rất trẻ ái mộ giọng hát anh. Cô viết không dài, nhưng mỗi lá thư là một khích lệ tinh thần cho anh, rất chân tình, rất ưu ái. Tên cô là Nguyễn Minh Châu. Trong lá thư đầu tiên cô gửi có để địa chỉ, nhưng vì anh bị lạc mất lá thư đó trong một lần dọn nhà, nên không biết địa chỉ của cô để hồi âm. Những lá thư sau đó, cô không ghi địa chỉ.Cô không hề hay biết anh dọn nhà, cứ tiếp tục gửi về cho anh ở địa chỉ cũ, may mắn là người bạn của anh ở nhà cũ vẫn tiếp tục trao thư lại cho anh.Cô gửi thư liên tục cho anh suốt 12 năm trời, sau này vì anh về quận Cam thường, ít còn liên lạc với người bạn cũ, nên anh không biết cô có còn gửi thư cho anh nữa hay không.Khi chúng tôi làm CD Còn Chút Gì Ðể Nhớ, Sĩ Phú có ghi một vài hàng chữ trong bìa CD này để cảm tạ tấm chân tình của cô đối với anh trong 12 năm qua. Tôi hy vọng là một ngày nào đó cô sẽ đọc được những hàng chữ này và liên lạc với tôi, vì chúng tôi rất mến cô và muốn liên lạc với cô.Trước khi qua đời, Sĩ Phú đã ký tặng cho cô một CD mới nhất của anh và mong rằng một ngày nào đó tôi sẽ gặp cô để trao lại tận tay món quà này vì tôi biết cô sẽ quý nó vô cùng.