ăm 1962Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệtXếp bút nghiên theo việc đao cungRời đại học, anh ghi tên vào binh chủng Hải Quân, anh học ban B, giỏi toán, nên luôn luôn có ý định xin vào Hải Quân, nhưng giấy tờ bị trục trặc vì một lý do nào đó, anh không gia nhập binh chủng này được. Anh đổi qua xin gia nhập vào binh chủng Không Quân. Anh nói suýt chút nữa là anh không được gia nhập vào binh chủng này vì lúc khám sức khỏe, người ta cho rằng anh bị bệnh phổi vì hình quang tuyến cho thấy có những dấu vết không bình thường bên phổi mặt của anh. Anh nhất quyết tranh đấu, cho rằng anh không thấy gì bất bình thường về sức khỏe, và hơn nữa, anh chưa từng bị bệnh phổi bao giờ. Người ta khám sức khỏe cho anh lần thứ hai, cũng không khác gì lần đầu, họ vẫn cho rằng anh bị bệnh phổi.Nhưng đến lần thứ ba, vì không tìm được gì khác hơn, người ta kết luận là anh có một vết sẹo trên lá phổi mặt do bẩm sinh. Sau cùng thì anh được nhận vào binh chủng Không Quân. Từ giã gia đình bố mẹ, và những bạn bè thân yêu, anh thụ huấn khóa huấn luyện quân sự 62A tại Nha Trang. Số quân của anh là 62/600.534Từ năm 1963 cho đến 1965, anh được gửi qua Hoa Kỳ 3 lần để học lái trực thăng chiến đấu và các lớp huấn luyện quân sự khác.Nhờ nói chuyện với anh Nguyễn Bá Bình, tôi mới được biết thêm một vài chi tiết về anh Phú:Khi anh Phú được Bộ Tư Lệnh Không Quân gửi cho đi Mỹ để học lái trực thăng chiến đấu, Sĩ Phú rất buồn và đã khóc với anh Bình. Lý do là vì anh Sĩ Phú rất mong muốn được học lái chiến đấu cơ phản lực, anh muốn là một phi công lái chiến đấu cơ để xông pha ra chiến trường. Anh than thở với anh Bình:- Tao cao lớn dềnh dàng có sức lực như vầy mà tại sao lại không được chọn để lái chiến đấu cơ?Anh không bao giờ chê trực thăng, nhưng ước mơ của anh là được lái chiến đấu cơ ra chiến trường.Về sau này, chúng tôi mới biết nguyên do nào Sĩ Phú đã không được chọn để theo học khóa lái chiến đấu cơ. Theo lời một người bạn thân của anh Bình trước làm ở Phủ Tổng Thống nói thì vì lý do an ninh. Lúc bấy giờ là thời của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, muốn được lái những loại chiến đấu cơ, cha mẹ người được tuyển phải là những công chức làm việc lâu năm trong chính quyền hay có gốc gác và phải được chọn lựa thật kỹ. Bố của anh Sĩ Phú là một tư chức không có làm việc cho chính quyền, nên anh đã không may mắn được chọn. Có lẽ họ sợ chiến đấu cơ có thể dội bom Dinh Ðộc Lập một cách chớp nhoáng chăng?Trong thời gian huấn luyện ở Hoa Kỳ, anh làm quen và gần gũi hơn với nghệ thuật của Hoa Kỳ. Anh tâm sự là anh rất thích xem show của Ed Sullivan. Anh say mê âm nhạc nghệ thuật Hoa Kỳ vì đấy là thời buổi của những bản nhạc vàng ca tụng tình yêu chân chính, chất phác, thơ ngây, của một xã hội còn trật tự và đầy những truyền thống tốt. Anh nhớ thuộc làu những bản nhạc Mỹ đó, mà về sau này, khi có dịp, anh hát nho nhỏ cho tôi nghe. Anh kể về những buổi cơm đơn sơ nhưng ấm áp đầy tình người của bạn bè xa xứ tụ tập lại sau giờ học tập, để cùng nhau thưởng thức hương vị ngọt ngào của nồi cơm dẻo thật ngon, như những ngày còn thơ lẩn quẩn bên mẹ. Anh yêu mùi gạo nấu tỏa hương thơm ngào ngạt, ấm áp đầy khắp nhà, anh yêu bếp lửa hồng, nơi có một nồi cá thu kho riềng... một nồi canh nóng, kỷ niệm của những ngày còn xanh, anh kể lại với một sự luyến tiếc vô cùng. Anh là một người sống rất nhiều về nội tâm, và không bao giờ quên một kỷ niệm nào, dù là kỷ niệm nhỏ nhất. Anh trân quý kỷ niệm, những bạn bè cũ, vì kỷ niệm và bạn cũ là một phần đời của anh. Anh Hải Nguyễn đã nói với tôi như thế này:" Khi Phú nổi tiếng, Phú vẫn gọi cho tôi và tìm lại tôi, tôi quý Phú ở cái tính trung hậu, không quên bạn bè xưa".Năm 1965, trở về Việt Nam sau lần sang Mỹ lần thứ hai, chỉ mới 23 tuổi đầu, anh đã phải đương đầu với một bế tắc nan giải. Một thay đổi trong cuộc đời mà đây cũng là một trong những đầu dây mối nhợ đã gây ra những đau khổ triền miên trong suốt cuộc đời còn lại của anh.Cho tôi được phép ngừng ở đây để mở và đóng một dấu ngoặc đơn là, tôi không muốn viết nhiều và đào sâu chuyện này vì tôi tôn trọng người quá cố cũng như người còn sống. Tôi chỉ muốn viết lên những sự thật một cách rất tế nhị. Nhưng, sự thật phải được viết lên để câu chuyện được mạch lạc và liên tục, xin tất cả độc giả từ mọi phía thông cảm cho tôi.Anh ở một cái thế bị kẹt, phải lập gia đình không chính thức với một người đàn bà lớn hơn anh 6 hay 7 tuổi, mà trước đó, anh đã ra tay nghĩa hiệp, với ước mong duy nhất rằng anh sẽ giúp người đàn bà này làm lại được cuộc đời, tạo dựng cho bà ấy một tương lai sáng đẹp hơn và với một đời sống khả kính, đúng nghĩa hơn.Bất cứ một người bạn nào của Sĩ Phú cũng đều nhìn nhận rằng, Sĩ Phú rất hiền, rất thương bạn và ăn ở rất có tình nghĩa. Anh là người rất thông minh, nhưng vì anh sống quá nhiều bằng tình cảm, bằng trái tim, không bằng khối óc, cho nên đôi khi trong cuộc đời đã chịu quá nhiều mất mát, thiệt thòi.Anh hy sinh bản thân và tự nguyện giúp người đàn bà này làm lại cuộc đời vì tội nghiệp cho hoàn cảnh của bà ta. Nhưng, trước một Sĩ Phú rất đẹp trai, ngơ ngác như một con nai vàng, và là một chàng trai tơ vừa mới lớn lên, con cờ lật ngược, anh đã trở thành nạn nhân và anh phải sống với kinh nghiệm đau xót và nhức nhối này cho đến hết cuộc đời còn lại của anh.Khi anh kể lại, anh đã nghẹn lời bao nhiêu lần. Tôi phải ngừng lại, chờ đợi, tôn trọng giây phút đó, yên lặng không hỏi thêm gì nữa. Vì Sĩ Phú là Sĩ Phú, là một người đàn ông với một biển tình cảm trong tim, và một trời chịu đựng trong thân thể, anh đau đớn chấp nhận nó khi đã lỡ uống một liều thuốc thật đắng vào rồi. Hai mươi bốn tuổi đầu, một anh lính mới tò te rất là nhút nhát và ít kinh nghiệm về đàn bà như Sĩ Phú đã học một bài học thật đắt giá, anh đã là cha của một đứa bé trai, may mắn thay, đứa bé rất kháu khỉnh bụ bẫm dễ thương.Anh rất sợ cha mẹ già buồn khổ, vì gia đình anh là một gia đình nho giáo, nề nếp. Anh dấu gia đình, sống chui sống nhủi trong một thời gian dài. Nhưng rồi gia đình anh cũng biết, một ngày đẹp trời, một chị vú em theo lệnh của người đàn bà, bồng đứa bé 3 tuổi đến tìm ông bà nội và cho biết đứa bé này là con trai của Nguyễn Sĩ Phú. Ðứa bé này là Nguyễn Sĩ Trường Sơn, người con trưởng của Sĩ Phú bây giờ.Theo lời chị Phúc, Ông Bà Nội rất thương đứa bé vì nó đẹp tuyệt vời và giống bố nó như đúc.Nhưng họ không bao giờ chấp nhận người đàn bà mẹ đứa bé này là con dâu, vì lúc ấy gia đình bố mẹ anh đang dạm hỏi mối mai cho anh một người con gái hiền lành con nhà đàng hoàng tử tế.Vì người đàn bà mẹ của đứa bé đã đăng trên báo chí Việt Nam ngày đó để bêu xấu anh và dọa rằng sẽ tự tử nếu Sĩ Phú có ý định bỏ bà ta. Sĩ Phú biết rằng mình đã bị vướng vào một cái bẫy, và bị ràng buộc từ đây. Người đàn bà này rất mong muốn làm hôn thú với anh, nhưng anh nhất định không bằng lòng. Anh cũng như chị Phúc đã nói với tôi rất nhiều lần là anh không hề yêu người đàn bà này bao giờ. Anh chỉ bị sập vào cái bẫy của bà ta mà thôi.Anh tâm sự:- Anh không thể tưởng tượng nổi làm thế nào mà anh có thể chịu đựng và sống trong một hoàn cảnh như vậy được đến gần mười năm trời!Sau này, khi tôi gọi điện thoại về Việt Nam để thăm hỏi, được những người thân của bà cho biết rằng bà có tâm sự với họ về Sĩ Phú và theo lời bà kể lại, ngày đó, anh gọi người đàn bà này bằng " Chị Hai " và cho đến ngày anh xa bà, chưa từng một lần trong đời anh, đi chung với bà ta ngoài chỗ công cộng và cực chẳng đã nếu có ai đến nhà, anh buộc lòng phải giới thiệu rằng đây là Chị Hai. Mặc cho ai muốn hiểu như thế nào thì hiểu.Anh tâm sự tiếp:- Anh có cảm tưởng như anh bị sụp vào một cái hố sâu, muốn chui ra nhưng bị vướng lại. Bạn bè khuyên anh nên dứt khoát và bỏ đi để làm lại cuộc đời, nhưng anh còn con, còn trách nhiệm, anh không thể bỏ đi đuợc. Mấy người bạn anh đứa nào cũng tháo chạy, đứa nào cũng nói anh ngu ở lại chịu trận!Sĩ Phú rất thương con, bao nhiêu tình thương anh dành hết cho con. Nhưng anh hãy còn quá trẻ để lâm vào một tình trạng như vậy. Anh chỉ là một gã con trai mới lớn lên, vì làm chuyện nghĩa hiệp cho nên đã vướng khổ đau.Cũng theo lời anh Bình kể, khi chỉ mới là Thiếu Úy, vì muốn được thoát khỏi tay người đàn bà này, anh đã trút hết bao nhiêu tiền bạc anh có lúc đó cho bà ta, xem số tiền này như tiền tử, với hy vọng đó là một nghĩa cử cao đẹp trước khi chia tay. Rồi anh tình nguyện đệ đơn lên Bộ Tư Lệnh Không Quân xin được làm phi công lái cho lực lượng Lôi Hổ Biệt Kích để thả dù những anh hùng cảm tử quân ra Bắc. Ðấy là một trách nhiệm vô cùng to tát và nguy hiểm, thông thường thì ai cũng sợ một công tác đi không hẹn ngày về như vậy, nhưng anh thì lại tình nguyện xin đi. Nhưng Bộ Tư Lệnh Không Quân đã không chấp nhận đơn xin của anh. Có lẽ, anh chỉ muốn đi xa người đàn bà này mà không kể gì đến tính mạng, hay là cũng có thể, anh muốn chết, vì chết là cách giải quyết dễ nhất. Sống bên một người đàn bà mà mình không yêu thương, mà lại không thể xa rời được vì trách nhiệm và lương tâm thì không có một sự đau đớn mất mát nào hơn. Hơn nữa, người đàn bà này lúc ấy lại cứ hăm dọa là sẽ tự tử nếu Sĩ Phú bỏ bà và đăng báo rêu rao, nói xấu anh. Có thể nói, đây là một sự sách nhiễu tình dục trắng trợn, mà nạn nhân là một người đàn ông quá hiền lành đến độ không thể tưởng được. Anh thuật lại với tôi:- Có một thời gian anh bị thuyên chuyển đi về đơn vị xa ở Phan Rang, đôi khi một năm mấy hai năm không về nhà, nhưng khi vừa về đến nhà, bà ấy lại đem trình anh một đứa con vừa mới sinh và nói đứa bé là con của anh.- Rồi anh xử sự như thế nào với bà ấy?- Thì anh đành nhận làm con anh luôn vậy, anh xin khai sinh cho đứa nhỏ dù biết không phải là con của anh. Anh biết cả bố của đứa nhỏ. Về sau này bà ấy nói làm như vậy để dằn mặt anh chơi cho đỡ tức.- Anh lạ quá, em không thể tưởng được trên đời này còn có nhiều chuyện lạ lùng như vậy.- Sau khi biết chắc rằng anh sẽ không bỏ bà ấy, vào lúc cuộc chiến bắt đầu sôi nổi ở chiến trường, có lần một người bạn nhắc đến việc xin cho anh một lá bùa hộ mạng, thì lúc ấy bà ta mới ra mặt giới thiệu anh đến một ông thầy bùa tên là Thầy Tư mà bà ấy bảo là thầy bùa của bà bao lâu nay. Lúc đó anh mới vỡ lẽ.Tinh thần anh bị tổn thương rất nặng nề, nó đã lôi kéo cả một tương lai tươi sáng của anh vào bóng đêm sâu thẳm. Cuộc sống tình cảm của anh đi xuống, nhưng cũng từ đó, một giọng hát thật trữ tình, dịu dàng, đầm ấm đi lên. Qua ca khúc, anh đã gửi gấm, tâm tình đến người nghe nỗi lòng u uất của mình từ đó.Sau biến cố Mậu Thân, từ phi đoàn, anh được Bộ Tư Lệnh Không Quân gọi về để giao phó một chức vụ mới. Anh được giao phó chức Trưởng Khối Cổ Ðộng Tuyên Truyền và Trưởng Ban Tâm Lý Chiến cho Sư Ðoàn 5. Anh phụ trách các chương trình phát thanh, phát hình của Không Quân trong đó, có chương trình Tuyển Mộ Phi Công cho binh chủng Không Quân ở Ðài Truyền Hình Quân Ðội. Anh cất tiếng hát bài hùng ca đầu tiên trên Ðài Truyền Hình Sài Gòn vào năm 1968 trong dịp kỷ niệm ngày thành lập binh chủng Không Quân.Hào hùng trong bộ đồ bay và với vóc dáng cao lớn, khôi trai của anh, lại thêm giọng hát thiên phú rất đàn ông, rất quyến rũ, tên tuổi của anh bỗng nhiên trở thành câu chuyện bàn tán của thanh niên nam nữ thời bấy giờ. Chẳng mấy chốc thanh niên gia nhập binh chủng Không Quân rất đông, tạo nên một phong trào gia nhập Không Quân ồ ạt. Lực lượng Không Quân từ một con số khiêm nhường đã trở nên lớn mạnh gấp chục lần.Anh tâm tình với tôi: " Ðó là lúc mà anh cảm thấy vui mừng nhất em à (anh không dám dùng chữ hãnh diện) vì anh đã làm một cái gì đó cho quê hương, cho quân đội."Một trong những trung tâm băng nhạc nổi tiếng thời bấy giờ là trung tâm Tú Quỳnh của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đã liên lạc với anh và mời anh ký giao kèo cộng tác. Trong thời gian này, anh đã thu rất nhiều nhạc phẩm cho trung tâm Tú Quỳnh. Cũng chính những nhạc phẩm này đã góp phần đưa tên tuổi anh lên cao và tiếng hát của anh cũng bắt đầu đi sâu vào mọi thành phần và mọi lứa tuổi.Anh cũng đã từng nhắc nhở với tôi nhiều lần về nhạc sĩ Ngọc Chánh và những tình cảm trân quý và sự giúp đỡ của ông cho anh trong những ngày đầu bước chân vào cuộc đời văn nghệ. Sau này, tôi có dịp nói chuyện với ông Ngọc Chánh thì được ông cho biết là Sĩ Phú đã từng hát cho trung tâm băng nhạc Shotgun trong thời gian từ 1969 đến 1974. Tổng cộng, anh góp tiếng hát của mình cho khoảng 50 băng nhạc của trung tâm Shotgun. Ông Ngọc Chánh cho tôi biết anh hát cho ông trên dưới khoảng 100 bài hát đa số là những ca khúc tiền chiến nổi tiếng. Ông Ngọc Chánh cũng cho biết rằng Sĩ Phú là hiện tượng, là giọng hát số một của thời bấy giờ. Nhưng rất tiếc vì nhiệm vụ với quê hương, một sĩ quan trong Không Quân, nên Sĩ Phú đã không hát được cho ông nhiều như các ca sĩ khác. Nên mỗi một băng nhạc, chỉ có hai bài của Sĩ Phú mà thôi. Nhưng với tôi, con số một trăm bài cũng là con số đáng kể. Ðáng tiếc thay, những bản nhạc này nay đã bị thất lạc gần hết.Song song với bổn phận của một sĩ quan Không Quân, anh đã cộng tác một thời gian dài trong " Chương Trình Phạm Mạnh Cương" phát hình hàng tuần trên Ðài Truyền Hình Việt Nam từ năm 1969. Cũng trong thời kỳ này, anh còn hợp tác với chương trình " Chiến Sĩ Và Ðời Sống " trên Ðài Phát Thanh Quân Ðội.Ngày 20 tháng 10 năm 1970, anh được bộ Tư Lệnh Không Quân gửi qua Mỹ du học về bộ môn báo chí và phim ảnh tại Fort Benjamin Harrison, tiểu bang Indiana.Trong thời gian này, nhờ vào trí thông minh, bộ óc linh động, tài ăn nói lưu loát, sau khi trình lên một bản luận án, anh đậu cao và được một phần thưởng quý giá không những đem lại danh dự cho anh, mà luôn cả cho binh chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Anh đã được Bộ Tư Lệnh Không Quân Hoa Kỳ trao tặng bằng thưởng " Người Hùng Biện Giỏi Nhất " (Best Lecturer and Best Speaker).Họ nói rằng anh là người ngoại quốc đầu tiên được giải thưởng cao quý này. Bộ Tư Lệnh Không Quân Việt Nam đã được thông báo về sự việc này. Cũng với tài hùng biện, anh thảo một bài viết nói về chính sách của người Mỹ tại Việt Nam, nhưng, thay vì khen ngợi, anh đã trình bày cảm tưởng về chính sách và âm mưu của Hoa Kỳ tại Việt Nam thời bấy giờ. Vì sự thật ít nhiều bị phơi bày dưới ngọn bút độc đáo của vị thủ khoa và nhất là một sĩ quan Việt Nam, đối với Hoa Kỳ, là một vi phạm đến quyền lợi và an ninh quốc gia, nên anh bị họ "hộ tống" ra máy bay để trở về Việt Nam ngay lập tức.Ðó là chuyến đi huấn luyện cuối cùng của anh tại Hoa Kỳ.Về nước, có một thời gian anh hợp tác với nhà xuất bản Sóng của nhà văn quá cố Nguyễn Ðông Ngạc, cũng là một người bạn khá thân của anh. Với một khả năng Anh Văn thông thạo lưu loát, cùng với các nhà văn khác thời bấy giờ như Ðinh Nguyên và Phan Lệ Thanh, anh đã góp phần phiên dịch các tác phẩm nổi tiếng do nhà xuất bản Sóng ấn hành như Một Thời Ðể Yêu Và Một Thời Ðể Chết (A Time To Love and A Time to Die) và Chuyện Tình (Love Story).Thời đó, tôi thích nhất là tác phẩm Một Thời Ðể Yêu Và Một Thời Ðể Chết của nhà văn Mỹ gốc Ðức là ông Erich Maria Remarque (1898-1970). Quyển sách nói về cuộc tình của một cặp trai gái rất trẻ trong trận Ðệ Nhị Thế Chiến tại Ðức.Ðã trên hai mươi lăm năm từ ngày đọc quyển sách này nên tôi không còn nhớ những chi tiết rõ ràng, tuy nhiên tôi có thể sơ lược như sau:Nàng là con gái một vị bác sĩ, thầy học của chàng. Chàng là một quân nhân trong quân đội Ðức Quốc thời bấy giờ. Chàng đi nghỉ phép hai tuần, về thăm nhà, thì nhà cửa bị tan nát, gia đình mẹ chàng bị thất lạc. Tìm thầy, thầy đã mất, chỉ gặp con gái của thầy. Hai người gặp nhau trong hoàn cảnh chiến tranh tao loạn, đổ nát vì mưa bom. Trong những hầm trú bom, họ yêu nhau, cưới nhau, sống chung rồi chia tay nhau trong vòng 2 tuần lễ. Trở lại chiến trường, chàng bỏ thây, để lại người vợ vừa mới cưới được hai tuần.Chưa bao giờ trong đời, tôi đọc một tác phẩm nào hai lần như tôi đã đọc tác phẩm này vì tôi rất thích nó, và tôi không bao giờ ngờ rằng, người phụ dịch ra quyển sách đó lại là anh Sĩ Phú, người bạn yêu quý suốt đời mà tôi đã gặp trên 20 năm sau.Năm 1973, hình ảnh của Sĩ Phú trong cuốn phim tài liệu Cánh Chim Tự Do (Wings of Freedom) do chính phủ Hoa Kỳ thực hiện đã làm nổi bật hình ảnh hào hùng của một chiến sĩ Không Quân Việt Nam Cộng Hòa.Trong thời gian này, anh có đóng thêm một cuốn phim nữa cũng do chính phủ Hoa Kỳ thực hiện, nhưng rất ít người biết đến cuốn phim tài liệu này. Tôi không nhớ tên của cuốn phim này.Ðầu năm 1974, anh chia tay người đàn bà anh sống chung. Anh tâm tình cùng tôi:- Bỗng nhiên, có một sự thúc đẩy vô cùng mãnh liệt đã đưa anh vượt ra khỏi bùa mê thuốc lú. Anh bắt đầu nhận thức được tất cả. Anh đã thoát ra khỏi một cơn ác mộng. Nhìn lại, anh bàng hoàng hối tiếc quãng đời đã đi qua. Ðó là một kinh nghiệm đau thương mà anh mang canh cánh trong lòng bao nhiêu năm trời.Với tất cả sự chân thành, anh nói tiếp:- Nhưng dù sao đi nữa, dù không yêu nhưng anh cũng phải mang ơn người đàn bà này, người đã mang nặng đẻ đau và nuôi nấng các con của anh được nên người.Thanh niên nam nữ thời bấy giờ đua nhau đi tìm thần tượng nghệ thuật của họ.Sĩ Phú là một hiện tượng mới lạ thời bấy giờ. Cả một xã hội, một thế hệ đang chao đảo vì cuộc chiến tàn khốc, lòng người chùng xuống, lao đao, bỗng dưng bùng lên một sức sống tươi mát hơn, có ý nghĩa hơn. Tình ca bỗng dưng trở về với vị trí nguyên thủy của chính nó: trong lòng của tất cả mọi con người đang yêu, được yêu và sẽ yêu, vì người lái đò chuyên chở tình ca Sĩ Phú đã mang đến tận con tim của họ những suối nguồn âm nhạc cuồn cuộn bằng giọng hát thiên phú trữ tình bất hủ của anh. Cũng chính giọng hát này, anh đã đem bao hạnh phúc đến cho những người yêu nhau nhưng không diễn tả được bằng lời nói, cũng như xoa dịu bao thương nhớ, đớn đau, xót xa của những người phải xa nhau.Nhưng Sĩ Phú lúc nào cũng là Sĩ Phú, anh không thay đổi dù rất nổi tiếng. Như một con chim đã bị đạn, anh rụt rè, lo sợ tất cả. Anh nghĩ rằng anh không xứng đáng với ai nữa cả. Hằng ngàn người ái mộ đến với anh, anh đều trốn lánh vì anh nghĩ rằng anh không còn gì để dâng hiến nữa. Một người sống nội tâm như anh, thật khó để quên được quá khứ.Lúc này cũng là lúc cực thịnh của anh, tên tuổi anh ngày càng lan rộng và thanh niên gia nhập binh chủng Không Quân càng ngày càng đông.Tuy nổi tiếng, nhưng anh vẫn luôn luôn khiêm nhường.Với Sĩ Phú, đức tính đó là do thiên phú. Càng nổi tiếng, anh càng khiêm nhường và luôn luôn đi tìm những bạn bè và kỷ niệm cũ. Những ai đã từng làm việc với anh cũng đều đi đến một kết luận, anh là một người chỉ huy, một thuộc cấp rất khả kính, rất dễ thương. Anh được lòng hầu hết tất cả bạn bè, không phân biệt cấp bực và ngôi thứ, anh là bạn của tất cả, và là một người bạn tốt. Một cựu sĩ quan Không Quân đến chia buồn, thăm viếng trong ngày tang lễ của anh đã chia sẻ với tôi như sau:- Tôi không trách các bà, các cô nào mê Sĩ Phú hết, vì chính chúng tôi là đàn ông, mà chúng tôi còn mê Sĩ Phú, huống hồ gì các cô, vì?..Sĩ Phú rất dễ thương " (Xin lỗi, rất tiếc vì tôi quá bận rộn trong những ngày tang lễ và cũng vô ý không hỏi quý danh của vị sĩ quan này, nhưng cho phép tôi lập lại nguyên văn của ông).Có rất nhiều thính giả ái mộ đã ào ạt viết thư và tìm đến anh. Nhưng vì đã trải qua một kinh nghiệm chua xót, nên anh chỉ muốn rút vào tổ để tìm sự che chở.Khi tôi hỏi Sĩ Phú về những cuộc tình trong giai đoạn này, anh nói:- Anh chẳng có một cuộc tình nào hết vào lúc đó. Có rất nhiều người đã đến với anh, nhưng không có gì phải nói vì đó chỉ là tình cảm cao quý của thính giả dành cho một ca sĩ mà họ yêu thích. Nhưng chính vì thế, mà anh rất trân quý tình cảm này. Anh không bao giờ quên những người đã đến với anh với một tình bạn thật đơn sơ, trong sạch. Còn những người đã đến với anh như những người yêu, dù với bất cứ hình thức nào, bộc lộ bằng lời nói hay âm thầm, anh cầu mong cho họ sẽ có hạnh phúc sau này với người họ yêu, vì anh không thể nào đem đến hạnh phúc cho họ được. Ðôi khi, anh cảm thấy anh chỉ là một con người bình thường mà thôi, bản thân anh, anh không bao giờ nghĩ anh xứng đáng với những tình cảm nồng hậu mà người ta dành cho anh.Ðã lỡ lầm một lầnTừ đó thật ngại ngùngSợ thêm tâm sự đắng...(Nhớ Một Người - Thanh Bình)Khi tôi nói với anh là tôi không muốn đi tìm anh ngày ấy vì biết không thể nào với tới anh được. Anh tiếc nuối hỏi tôi:- Tại sao ngày ấy em không đi tìm anh? Nếu như có duyên với nhau và có em ngày ấy, thì biết đâu chừng mọi sự việc sẽ khác rất nhiều. Cuộc đời anh có lẽ sẽ không thế nào buồn như ngày hôm nay. Ngọc Lan ơi, where were you when I needed you?Một lần khác, anh kể một câu chuyện về một cô gái rất trẻ. Cô có một gương mặt xinh như búp bê, rất dễ thương, thơ ngây và trong sạch. Ngày ấy, cô rất thương Sĩ Phú, cô đi theo anh ở khắp mọi nơi, trên 4 vùng chiến thuật. Nơi nào có sự xuất hiện của anh, là có cô gái đó. Cô nói cô rất yêu mến " chú" Sĩ Phú và tiếng hát của "chú". Cảm tình cô gái ấy dành cho anh rất cao quý, rất đơn sơ, và trong sạch. Cô không màu mè, không săn đón, cô chỉ lặng lẽ có mặt ở những nơi mà anh sẽ đi qua.Vì trân quý cảm tình của cô gái, anh đã rất đặc biệt lo lắng cho cô và gìn giữ đời cho cô cho đến một ngày cô chia tay.- Em có tin anh không? Anh chưa từng bao giờ chạm vào người cô ấy!- Rồi khi nào thì cô ấy xa anh?- Sau 4 năm dài lặng lẽ.- Bốn năm trời cũng là một thời gian khá lâu. Cô ấy phải quý anh lắm mới âm thầm theo chân anh trên khắp bốn vùng chiến thuật! Rồi sao nữa anh? Anh có gặp lại cô gái ấy sau này không?- Không, nhưng anh nghe nói cô ấy cũng có sang Mỹ và hiện giờ đang ở một tiểu bang miền Ðông Bắc.- Kỷ niệm đẹp quá, làm sao mà cô ấy có thể quên anh được.- Anh hy vọng là cô ấy sẽ quên anh mặc dù anh không nghĩ là cô ấy sẽ quên anh. Anh hy vọng hạnh phúc hiện tại của cô sẽ là một phần thưởng an ủi cho cô và cho chính anh nữa.Ðó, Sĩ Phú là như vậy đó, có những mối tình trong sạch đã đến với anh, nhưng thà để cho qua đi, vì, đối với anh, nếu không gần nhau được, thì xin hãy giữ gìn cho nhau.Trong ngày lễ cầu siêu 49 ngày cho anh ở chùa Liên Hoa, tôi được một người bạn Không Quân rất thân với anh là KQ Nguyễn Hồng Vân kể lại chuyện cô gái này với tôi như nhắc lại một trong những nghĩa cử cao đẹp của Sĩ Phú. Từ những gì anh Hồng Vân nói ra, tôi thấy những gì anh Sĩ Phú nói về cô đều đúng, không thêm, không bớt.Tôi rất trân trọng tình cảm cô đã dành cho Sĩ Phú, một tình cảm đẹp tuyệt vời. Tôi biết rõ hơn ai hết, cô sẽ không bao giờ quên được Sĩ Phú, người tình trong mộng đầu đời của cô, vì cũng như cô, tôi không bao giờ có thể quên được Sĩ Phú, người bạn tri kỷ cuối đời của tôi.Tôi xin thay mặt cô, thắp cho anh Sĩ Phú một nén hương để tưởng niệm và vĩnh biệt người bạn lòng năm cũ của cô.** Không Quân Nguyễn Sĩ Phú, đó là một cách xưng hô về một người quân nhân trong binh chủng Không Quân.