ưa cuối mùa bao giờ cũng rả rích. Cứ tưởng mưa bắc cầu sang tận cuối thu. Vậy mà không. Nắng hanh vàng đã đẩy bổng mây lên, để lộ hẳn mênh mông khoảng trời xanh thẳm. Đồng quê dạt dào...“Làng tôi xanh bóng tre...”Không hiểu tại sao, cứ đến mùa thu thì tôi lại nhớ và thì thầm bài hát có câu hát ấy.Làng... cái tên gọi nghe đã xa xa, xa xưa... khi ai cũng quen nói: xã, xóm.Làng... nhắc nhở đến rặng cây và vòm xanh bao quanh những ngôi nhà thấp lè tè, sập sè trong khóm lá. Và nhẹ vẫy trên thinh không trắng lóa những cánh cò. Chỉ cần nhớ lại tới chừng ấy, đã thấy lòng êm dịu, bâng khuâng.Chóng thế đấy. Cứ thoảng nhanh như tiếng hót của bầy chim. Mới hôm nào bọn choai choai chúng tôi còn là một lũ “chíp hôi”, cứ tanh tách tựa đám cào cào, vậy mà bây giờ... Có đứa đã vỡ tiếng, vừa nảy ra ria mép. Một nửa số lộc ngộc trong bọn tôi, gồm những đứa hăng hái, hăm hở nhất, được chi đoàn chọn làm lớp đối tượng Đoàn. Lần đầu tiên, chúng tôi phải làm lý lịch, cần thiết phải kể đủ ba đời: Đời ông, đời cha rồi đến đời mình. Nghiêm túc đấy. Chẳng biết những đứa khác thế nào, chứ tôi thì cứ như con tàu đang chạy bị hãm đột ngột. Mà, các toa dồn nhau là những trò trẻ con và những ý nghĩ cóc nhảy. Mọi sự nhí nhố và bắng nhắng phải dừng lại nhường chỗ cho cái lúc nghĩ ngợi cần thiết. Đây là mục “Hoàn cảnh gia đình”. Bố... nghề nghiệp. Mẹ... nghề nghiệp... ông... nghề nghiệp. Hóa ra, đâu chỉ mình tôi. Tất cả đều ngớ ra và hỏi lẫn nhau. Tất nhiên, đứa nào cũng phải hỏi bố mẹ.Cậu Thắng “thoắng” bạn rất thân của tôi có vẻ hớn hở một cách... trẻ con.- Cậu có biết ông tớ làm nghề gì không?Tôi chịu.- Phó... cối nhớ!“Phó cối” là gì? Thấy tôi ngơ ngác, cậu ta cười hì hì:- Là người chuyên đóng cối xay thóc ấy mà!Thú thực, tôi chưa trông thấy cái cối ấy bao giờ. Để biết được, sau đó tôi và Thắng phải lên “Nhà Bảo tàng Cách mạng” của huyện, mới nhìn thấy... Cậu ta lại hỏi:- Thế... ông cậu làm nghề gì?- Nghề... đánh giậm!Thắng trợn cả mắt:- Đánh... giậm à? Thật không?Chỉ hai tiếng: “đánh giậm” thôi, nhưng đó là cả một câu chuyện dài có từ lâu lắm. Khi tôi hỏi bố tôi rằng: “Ông nội con làm nghề gì ạ?” Bố tôi đã bảo vậy. Muốn rõ đầu đuôi, tôi đã phải ngồi nghe bố tôi kể. Kể tới tận cái ngày xưa hầu như người dân tỉnh Thái Bình của tôi phần lớn là người nghèo. Nghèo đến nỗi phải bỏ quê hương đi kiếm ăn ở khắp nơi. Vào tận trong Nam, xuống biển, lên rừng, đâu đâu cũng thấy dân Thái Bình và được tặng cho cái tên: “Dân bị gậy” - tức là đi ăn mày - Không phải chỉ đi ăn xin, xin ăn, mà ăn mày cả trời đất, sông biển vì nghèo, ông nội tôi đi đánh giậm thật. Ruộng đất không có. Nhà cửa thì chỉ túp lều lợp rạ, tường và cửa cũng là rạ đan thành phên quây quanh. Không có tiền mua lưới để đánh cá, đánh tôm, thì đan giậm để đánh giậm vậy. Ngày ấy từ cái nồi, cái chậu đến cái bát ăn cơm, đều bằng đất - đất nung. Ngày bố tôi còn bé, nào có biết dép lê, dép nhựa “săm bô” săm piếc gì đâu. Bố tôi còn bảo: Suýt nữa thì bố chết đói vào cái đợt đói tháng ba năm 1945 ấy. Đói quá, vặt cả cỏ mà ăn. Đến nỗi trâu bò không có cỏ, đói theo lăn ra chết cùng với người... Dạo đó, bố tôi mới lên hai. May, bà tôi đem gửi bố tôi lên nhà cụ tôi ăn nhờ các ông bà là em ông nội tôi, bố tôi mới còn sống. Thật quá sức tưởng tượng của tôi.Tôi không hiểu. Bố tôi lại kể:- Vào lúc đói ấy thì có người của Việt Minh về hô hào dân làng đi phá kho thóc của Nhật, của bọn quan huyện, quan tỉnh để cứu dân rồi làm Cách mạng Tháng Tám.Thật là cả một bài lịch sử. Nhưng cứ như chuyện cổ tích thôi khi tôi được biết thêm đời ông tôi, ông mù chữ, mãi khi đã gần ba mươi tuổi, ông mới bắt đầu học “i-tờ”. Đến đời bố tôi thì khác. Giờ đến tôi...“Quê hương là chùm khế ngọt...”Ấy là khi bố tôi không phải đánh giậm mà nuôi tôi. Đến tôi, thì cả cái giậm, tôi vẫn chưa biết hình thù nó ra sao. Phải sang tận xã bên cạnh, tôi mới nhìn thấy cái giậm của một gia đình sống ở bãi sông làm nghề đánh cá.“Quê hương... nếu ai không nhớ...”Tôi luôn nhớ. Nhưng nỗi nhớ ấy sẽ không đầy đủ, không làm sao hình dung ra được rằng: mãi từ ngày xưa có người đánh giậm...Người ấy là ông tôi...Con trai người đánh giậm là bố tôi...Và tôi là cháu ông đánh giậm...Nhưng bố tôi không phải nuôi tôi bằng giậm. Đi bộ đội về, bố tôi cầm cày, cày ruộng, trồng lúa cùng mẹ tôi thay cho ông bà tôi đã già. Nhưng tôi thì lại được đi học. Tôi không phải đánh giậm, chưa cầm nổi cái cày... thế mà còn sung sướng hơn ông tôi nhiều quá. Mãi năm gần bốn chục tuổi, ông tôi mới biết xem phim là như thế nào...“Làng tôi xanh bóng tre...”Tôi cứ nhắm mắt, nhắm mắt để cố hình dung ra cảnh sau lũy tre xanh ấy, có mái tranh lụp xụp, có ông đánh giậm... chỉ sống lại, sống thật với vợ con kể từ hôm có lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên ngọn tre, trên nền trời mùa thu xanh thẳm ấy...Bản lý lịch tôi đã viết xong. Giá ông tôi còn sống, thấy tôi đã bắt đầu lớn, chắc ông tôi vui lắm...