CHƯƠNG 9
Cái sân gạch

     ố Hoàng Kỳ Trung ra đi, Nam và Vương lại tỏ ra thân thiện như trước.
 Nhưng mâu thuẫn lại bắt đầu nảy sinh ở những việc cỏn con từ con chó con gà. Loài vật chúng không phân biệt được ranh giới trên cái sân gạch thênh thang của gia tộc Hoàng Kỳ. Cái sân gạch giờ được chia làm năm phần cho năm gia đình. Khốn nạn, gà nhà nọ lại ăn thóc rồi ỉa ra phần sân của nhà kia. Lũ gà chúng không biết phân biệt đâu là ranh giới phân chia của con người, chúng bới thóc nhà nọ lẫn lộn với khoai nhà kia. Thằng Đào Vương tức khí hung hăng vác đòn gánh phang chết tươi con gà nhà cô Lùn đang ăn thóc nhà nó. Cô Lùn đứng giữa cửa chửi: Tiên sư cái đồ ác nghiệp, thằng bố thì giết người không run tay, thằng con thì hung hăng đập chết gà người ta (Cô Lùn chửi cạnh khoé bố Vương đã bắn chết ông nội Nam) giọng cô Lùn rít lên- từ nay con chó mực kia mà mò xuống đây bà đánh bả cho chết. Đồ chó đen phản chủ.
 Cô Cam xông ra giữa sân, dạng chân, hai tay chắp nách phưỡn cái bụng to kềnh càng chõ về phía nhà cô Lùn rủa:
- Cái con Lùn ế chồng kia! Mày nói mà không ngượng lỗ mồm, chẳng thằng đàn ông nào nó rước nên ganh gét chửi càn. Loại không chồng, không con chết không có người thắp hương.
 Mẹ  Hoàng Kỳ Nam đóng sập cửa, kéo Nam vào trong nhà lo lắng: Con chơi với thằng Vương phải thận trọng giữ gìn lấy thân.
Mọi mâu thuẫn vụn vặt rồi cũng qua. Làng Đoài lại được khơi dậy phong trào hợp tác xã. Lòng người phơi phới hát vang lời ca “Dân có ruộng dập dìu hợp tác- Lúa mượt đồng ấm áp làng quê- Chiêm mùa cờ đỏ ven đê...” Trước kia kinh tế nhà ai nấy lo, giờ người dân làng Đoài vô tư, sáng vác cuốc ra đồng, tối về ngủ khoèo, mọi chuyện đã có ban quản trị lo tuốt. Tất cả tập thể hoá. Lên án hộ làm ăn cá thể. Đào Kinh trở thành cán bộ văn hoá tuyên truyền suốt ngày cặp kè sà cột bên hông. Tuy là nông dân nhưng Đào Kinh thông thuộc mọi chủ trương chính sách của Đảng nhà nước. Đình Đoài bị phá bằng địa giờ đã mọc lên mười gian nhà kho mái ngói đỏ chót. Sân đình Đoài được mở rộng làm sân phơi của hợp tác xã. Tới mùa vụ nhìn những đống thóc lớn vàng óng mà sướng mắt. Những buổi họp xã viên, đứng trước bà con làng Đoài chú Đào Kinh giảng giải về tương lai sẽ tiến lên hợp tác xã cấp cao, mọi công việc có máy móc làm hết. Đào Kinh đưa ra quyết sách cứng rắn, trừng trị những hộ cá thể có tư tưởng bảo thủ tư hữu: Cấm hộ cá thể đi lại trên bờ vùng bờ thửa của hợp tác; Cấm hộ cá thể be bờ tháo nước qua ruộng hợp tác xã. Thực hiện đúng được lời Đào Kinh, những mảnh ruộng nào của cá thể nằm giữa cánh đồng hợp tác xã chỉ có mà bỏ hoang.
Quyết sách cứng rắn của Đào Kinh thật hữu hiệu, tới mùa sau các gia đình cá thể tự nguyện nộp đơn vào hợp tác hết. Làng Đoài dẫn đầu phong trào vào hợp tác xã, bằng khen, giấy khen treo đầy văn phòng chủ nhiệm. Đào Kinh đưa ra chủ trương tập thể hoá triệt để mọi ngành nghề. Trại lợn tập thể, trại gà tập thể, trâu, bò, kho giống tập thể tuốt. Rồi đây kinh tế phát triển, thóc lúa nhiều tha hồ ăn uống no nê. Lúc đó sẽ thực hiện chế độ làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Lũ trẻ con không còn phải chăn trâu cắt cỏ tát nước gàu sòng nhát một nhát hai nữa. Ruộng đã có máy cày máy bừa, nước tưới có máy bơm. Huyện đang chủ trương thành lập đội máy kéo, máy gặt, máy xay xát như ở nước Liên Xô ấy. Tối đến thanh thiếu niên tập trung trên sân kho tập hát, tập múa. Hoàng Kỳ Nam cùng Thằng Vương, cái Muôi, cái Muỗng, cái Thìa nhà bà Cháo quên hết mọi hiềm khích của bố mẹ, vô tư hát bài “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh- Kết đoàn chúng ta là sắt gang” Hát kết đoàn xong, chuyển sang điệu nhẩy tìm bạn. Hoàng Kỳ Nam cầm tay cái Muỗng nhảy dăng dăng thành vòng tròn hát “Một hai ba bốn năm sáu bẩy- Bạn của ta nay đang ở đâu- ở Liên Xô- ở Trung Hoa- Bạn của ta nay đang ở nơi này.” Tất cả đều hát vang, con trai con gái cầm tay nhau từng đôi một chạy vòng quanh sân kho đình Đoài. 
Hoàng Kỳ Nam và Đào Vương đã đến tuổi lao động xung phong làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm. Mùa vụ nhà nhà công việc ngập đầu từ sáng sớm đến nửa đêm. Thóc tốt đem đóng thuế cho nhà nước, còn lại cân đối công điểm chia cho từng nhà. Điểm thì nhiều, nhưng thóc lại ít, dân bắt đầu hoang mang, tháng ba ngày tám nhà nào cũng hết thóc đói vàng mắt. Các cụ bảo cấm sai “Đói ăn vụng, túng làm liều” ghen ghét đố kỵ ganh tỵ lẫn nhau. Trại chăn nuôi gà lợn ngày một xuống cấp lèo tèo vài chục chú lợn đói gầy teo tóp reo réo suốt ngày đêm đòi ăn. Trâu bò đem giết thịt hết. Đồng ruộng hợp tác đã có máy cày về thay thế. Hiện đại hoá, xã viên chả thấy sướng mà còn khổ hơn bởi công chi cho máy cày quá lớn. Vụ trước dắt trâu ra đồng còn được bát cơm, vụ này có máy cày về, xã viên lại phải ăn cháo. Lão Khi ngao ngán hát “Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà. Làm thật ăn cháo, làm láo nháo ăn cơm”. Tổ cào cỏ của thằng Vương đi làm muộn về sớm, công lại cao. Mỗi khoảnh ruộng nó chỉ cào quanh bờ cho đục nước để tính công. Thật ngược đời, đi làm hợp tác ngày công chỉ được lạng thóc, cô Lùn bỏ đi mót ngày lại được năm cân. Cái Muôi con bà Cháo bỏ việc hợp tác theo cô Lùn đi mót. Rồi cả làng nhà nào cũng có người đi mót. Đào Kinh ra lệnh cấm mót. Cấm mót thì thóc thối ra ruộng thành phân. Cả làng đi mót không có người làm ruộng thì vụ sau lấy lúa đâu ra mà mót. Khổ thế! Cấm đi mót thì chạy chợ. Chợ cũng cấm. Cấm chợ nhà thì dậy sớm đi chợ huyện. Ban quản trị cử đội cờ đỏ xuống chợ huyện ghi tên những ai bỏ việc hợp tác đi chợ sẽ bị phạt. Bà Cháo nuôi được con lợn, phải dậy từ nửa đêm lẻn xuống chợ huyện bán chẳng may bị cờ đỏ bắt phạt ba công lao động. Bà Cháo đứng dạng chân giữa giời chửi đổng: Cha bố nhà chúng mày, lợn tao, tao mất công nuôi, tao bán đâu là quyền tao. Tao nghe chúng mày xui dại bán cho cửa hàng nhà nước không đủ tiền rau cám, hoá ra tao nuôi công khống cho nhà chúng nó xơi à?
Xã viên đói nhưng hợp tác xã Chiến Thắng vẫn dẫn đầu toàn huyện về mọi mặt, vẫn trống rong cờ mở đón đoàn cán bộ huyện về thăm quan học tập mô hình tiên tiến. Để có thành tích chăn nuôi giỏi, Đào Kinh nghĩ ra sáng kiến vận động tất cả các gia đình xã viên có lợn tự giác dong đến thả vào trại lợn cho hợp tác mượn một ngày để chào mừng đón đoàn cán bộ huyện về thăm quan. Đào Kinh tuyên bố: Làm như vậy xã viên được lợi, hợp tác vẻ vang, vừa ích nước lợi nhà. Những ai tự nguyện mang lợn đến cho hợp tác mượn, lợn sẽ được ăn no hai bữa trong ngày và đến mùa sẽ được thưởng bảy cân thóc cho một con đối với lợn năm chục cân trở lên, năm cân thóc cho một con đối với lợn từ ba chục cân, và ba cân thóc đối với lợn từ dưới ba chục cân. Sáng kiến vừa được phát động buổi tối, sáng sớm hôm sau nhà nhà lợn kêu váng làng. Từng đoàn người lũ lượt rồng rắn dong dắt lợn đến trại chăn nuôi hợp tác để chuẩn bị đón đoàn khách từ Huyện về thăm quan học tập phong trào chăn nuôi giỏi của hợp tác xã Chiến Thắng. Nhìn từng đàn lợn trong các ô chuồng với đủ loại, từ lít nhít như đàn chuột đến loại sề nái vú dài chấm đất, đoàn khách thăm quan ai cũng nghiêng mình bái phục hợp tác xã Chiến Thắng có trại chăn nuôi lợn to nhất tỉnh nhà. Đoàn cán bộ huyện còn yêu cầu cô Mít trại trưởng chăn nuôi của hợp tác xã Chiến Thắng dành thời gian sáu tháng đi báo cáo điển hình về kinh nghiệm chăn nuôi giỏi toàn tỉnh.
Trong cuộc họp ban quản trị mở rộng bàn giải pháp đưa năng suất lúa vụ tới lên cao. Có nhiều ý kiến phát biểu nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, tất cả vì quyền lợi tập thể. Kiên quyết tiêu diệt tư tưởng cá nhân chủ nghĩa.
Hoàng Kỳ Nam theo mẹ đi họp hồi hộp khi mẹ đứng lên phát biểu. Mẹ xách chiếc đèn treo ở móc cửa đặt lên bàn. Ánh sáng hắt lên khuôn mặt mẹ rạng ngời đầy tự tin nhìn mọi người.
- Kính thưa toàn thể các đồng chí, giọng Yến Quyên dõng dạc, tôi nói hôm nay cũng vì ý thức trách nhiệm của một xã viên. Nếu chúng ta cứ giữ mãi cung cách làm ăn như hiện nay thì năng xuất lúa không những không tăng mà còn giảm. Dân mính sẽ còn đói to. Tất cả những biện pháp cứng rắn ta áp đặt vào từng nhà, từng người dân là phản tác dụng. Bà con đi làm hợp tác ngày công được một lạng thóc thì sống sao nổi. Ngày xưa chúng ta chẳng cần có phong trào phân xanh phân đỏ, chẳng cần có đội cờ đỏ cờ xanh nào mà cánh đồng làng Đoài ta lúa vẫn tốt ngập đầu. Người dân tha hồ đi chợ, tự do buôn bán. Ông bà tôi ngày xưa cày cấy trên đồng đất làng Đoài, anh Đào Kinh tính thử xem, chính anh chứ không phải ai khác, ngày ấy anh làm thuê cho ông bà tôi ngày công còn cao gấp mười lần bây giờ.
- Vậy là cô Yến Quyên cho rằng chủ trương của Đảng và nhà nước vận động toàn dân vào hợp tác xã là sai lầm sao? Đào Kinh vừa nghiêm giọng vừa mỉa mai, cô Yến Quyên nên nhớ thời buổi này khác xa rồi, cô đừng cố tình gieo rắc tư tưởng cá nhân chủ nghĩa.
- Khác gì thì khác, Yến Quyên gay gắt, cây lúa vẫn phải cần sự chăm bón ân cần của chúng ta, con trâu, con bò, con lợn vẫn cần có ăn mới lớn được. Không cần lý lẽ xa xôi, chúng ta thấy lợn trong trại chăn nuôi của hợp tác, so với lợn của các gia đình chúng ta nuôi thì rõ. Tôi kịch lịệt phê bình vụ việc đồng chí Đào Kinh mượn lợn của các gia đình xã viên thả vào trại lợn hợp tác để lấy thành tích. Hậu quả lợn nhà bà Chương cắn què lợn nhà ông Hào, hợp tác phải bồi thường thiệt hại. Ông Hinh và bà Bang đánh cãi nhau chỉ vì nhận lầm lợn của nhau. Ông Hinh bảo lợn nhà tôi có đánh dấu nhân bằng vôi trắng vào mông bên phải. Bà Bang cũng bảo mông bên phải con lợn nhà tôi cũng có dấu nhân bằng vôi trắng. Cuối cùng cả hai cái dấu nhân bằng vôi trắng ở mông bên phải của cả hai con lợn đều bị mầt bởi trước giờ khách đến thăm quan cô Mít trại trưởng lệnh cho trại viên phải tắm mát cho lợn bằng nước xà phòng thơm. Thế đấy!
Yến Quyên nói hùng hồn, cả phòng họp im phắc.
 Đào Kinh đứng bật dậy như phải bỏng, cầm cây đèn chai trên bàn giơ cao lên tận đỉnh đầu, nói:
- Kính thưa các đồng chí, trước ánh sáng cây đèn này, đêm nay có đầy đủ các đồng chí cán bộ đại diện cho dân làng Đoài đã nghe rõ lời của đồng chí Yến Quyên phát biểu. Một cán bộ như đồng chí Quyên mà phát biểu thiểu tinh thần xây dựng. Đồng chí Quyên đã cố tình bôi nhọ thanh danh cán bộ, chống lại đường lối chủ trương chính sách của Đảng Nhà nước. Đồng chí Yến Quyên tới bây giờ còn ca ngợi nuối tiếc chế độ phong kiến áp bức bóc lột. Kính thưa các đồng chí, sở dĩ tôi có vận động bà con cho mượn lợn cũng là vì tinh thần xây dựng tập thể, mong muốn cho hợp tác xã Chiến Thắng ta giật lá cờ đầu toàn huyện. Chúng ta hãy nghĩ đến cái lớn các đồng chí ạ. Đồng chí Yến Quyên chỉ vì quyền lợi cá nhân, thù gét tôi mà có thái độ phá đám, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Đề nghị đồng chí thư ký phải ghi cụ thể, ghi chi tiết lới phát biểu của đồng chí Yến Quyên vào biên bản nghị quyết cuộc họp hôm nay. Đặc biệt câu nói mang tính phản động của đồng chí Yế Quyên dám ví von so sánh “phân xanh phân đỏ với cờ đỏ cờ xanh” thì quá thể lắm. Tôi sẽ phải báo cáo vấn đề hệ trọng này lên huyện...
Buổi họp tan, Hoàng Kỳ Nam đi bên mẹ, ngọn đèn chai trên tay Yến Quyên nhập nhoà soi rõ từng bước chân của hai mẹ con trên đường làng Đoài. Hoàng Kỳ Nam lo lắng cho mẹ Yến Quyên bị Đào Kinh kết tội ăn phải bả của bọn nhân văn giai phẩm dám ví phân xanh phân đỏ với cờ đỏ cờ xanh.

 ***

 Đào Kinh không ngờ Yến Quyên lại dám bôi nhọ thanh danh của mình.
 Sáng sớm Đào Kinh khoác xà cột lên huyện. Huyện đường uy nghiêm. Kinh bước chầm chậm ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên ngọn cột cờ thẳng tắp cao vời vợi trước cổng huyện đường. Kinh xúc động, biết ơn Đảng Bác Hồ, ơn chính quyền cách mạng. Có Đảng Bác Hồ, Đào Kinh mới có ngày nay. Kinh bước vào phòng làm việc của Trần Tăng. Trần Tăng cười thân thiện:
- Có việc gì lên huyện sớm vậy?
- Báo cáo đồng chí chuyện hệ trọng.
- Lại bị cô Cam bắt nạt phải không?
- Chuyện này đồng chí không thể đùa được, phải có biện pháp trừng trị ngay.
Kinh ngồi xuống trước mặt Trần Tăng trình bày lại toàn bộ chuyện xảy ra trong cuộc họp cán bộ mở rộng tối qua. Trần Tăng chăm chú nghe gật đầu, nói lời an ủi Kinh:
 - Tất nhiên là phải có biện pháp rồi!- Trần Tăng đập tay xuống bàn đi lại suy tính- Cậu nên nhớ thời bây giờ không thể xử sự nông nổi như hồi cải cách muốn bắt ai thì bắt, bắn ai thì bắn. Cậu đừng để tôi bẽ mặt với dân làng Đoài. Yến Quyên là người thế nào cậu rõ hơn tôi. Chồng cô ta bây giờ là ai cậu cũng biết rồi. Nếu không chắc chắn, cậu đừng có mà…
- Chắc chứ sao không. Kinh trình trước mặt Trần Tăng quyển Nghị quyết ghi nội dung cuộc họp. Lời phát biểu của Yến Quyên được ghi lại bằng giấy trắng mực đen có đầy đủ chữ ký của ban chủ nhiệm.
 Kinh cao giọng đọc to đoạn ghi lời phát biểu của Yến Quyên.
- Anh nghe đây…Ngày xưa chúng ta chẳng cần phong trào “phân xanh, phân đỏ”, chẳng cần đội “cờ đỏ cờ xanh”... Anh hãy phân tích cho kỹ những từ tôi đã gạch chân dưới đây cô ta dám ví von “phân xanh phân đỏ” với “cở đỏ cờ xanh”, Ta phải nghĩ kỹ mới thấy rõ ý tứ sâu xa đểu cáng phản động của nó. Nó dám ví cờ đỏ cờ xanh với phân xanh phân đỏ thì thật quá quắt. Đem bỏ tù, đem bắn cũng không oan.
Đào Kinh khoái chí ngồi nhìn Trần Tăng đọc đi đọc lại đoạn Kinh đã gạch chân lời phát biểu của Yến Quyên. Trần Tăng lặng lẽ giữ lại quyển nghị quyết cho vào ngăn bàn.
- Cậu yên tâm, việc này để huyện giải quyết. Trần Tăng mở tủ lấy cân đường hộp sữa ấn vào tay Kinh- cậu mang về cho cô Cam bồi dưỡng. Nghe nói hồi này cậu không quan tâm gì đến vợ con. Nói để cậu biết, người cán bộ tốt trước hết phải có một gia đình tốt. Con Măng và cô Cam hồi này có khoẻ không?
- Cảm ơn đồng chí đã quan tâm! Mẹ con cháu khoẻ- Kinh bắt tay Trần Tăng rõ chặt- Anh phải xử rõ nghiêm vụ này. Cô ta đã làm thằng Kinh này bẽ mặt với dân làng Đoài.
Bước ra khỏi cổng huyện đường, Đào Kinh thấy lòng phơi phới. Phen này Yến Quyên sẽ không còn đường sống.

 ***

 Nam nghe người làng Đoài xì xào có mấy công an huyện về điều tra chuyện gì đó hệ trọng có liên quan đến mẹ yến Quyên.
Đúng như lời đồn đại, hai mẹ con Nam vừa ăn cơm trưa xong, công an bước vào nhà dẫn mẹ Yến Quyên lện huyện. Mẹ vẫn tỏ thái độ bình tĩnh, khẽ gật đầu chào tạm biệt Nam. Từ bé, Nam đã học những bài luân lý của ông nội, và cả những bài học lịch sử ca ngợi những người anh hùng dân tộc- Nam nhìn thái độ thản nhiên của mẹ lúc này cũng giống như một người anh hùng. Mẹ đã trải qua những tháng ngày cay đằng, với bao biến cố kinh hoàng, giờ chuyện bị công an gọi lên huyện đối với mẹ chảng ngại gì.
Mẹ bị dẫn lên huyện nhưng Nam vẫn đến trường, bạn bè cùng lớp đã biết hết chuyện mẹ Nam bị bắt. Thằng Vương, cái Muôi lo ngại bảo Nam vào huyện xem mẹ thế nào. Nam không nói gì lặng lẽ vào lớp ngồi.
Đầu giờ văn, thầy Nho kiểm tra bài cũ về tác phẩm “Tắt đèn”. Cả lớp ngồi im phắc, ánh mắt thầy Nho lướt một lượt qua các gương mặt trò rồi cất giọng:
- Đề nghị em Muôi đứng dậy trả lời câu hỏi: “Em có nhận xét gì về hai nhân vật chị Dậu và Nghị Quế trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố?.
Cái Muôi đứng dậy khẽ đưa mắt nhìn Nam rồi bất ngờ liên hệ ngay tới hoàn cảnh khốn khó nhà mình, nó nói tưng tửng:
- Thưa thầy! hoàn cảnh nhà chị Dậu trong tác phẩm Tắt Đèn cũng giống i hoàn cảnh nhà em. Nhà chị Dậu nghèo phải bán con, bán chó, còn nhà em cũng nghèo phải đi cày thuê cuốc mướn cho ông bà bố mẹ bạn Hoàng Kỳ Nam kia. Thưa thầy, đến bây giờ nhà em vẫn còn phải ở nhờ gian nhà dưới của gia đình bạn Nam.
Cả lớp lặng phắc trước câu trả lời bất ngờ của cái Muôi, Nam sững sờ trước ánh mắt các bạn nhìn mình. Hoàng Kỳ Nam đứng bật dậy chạy vụt ra khỏi lớp. Nam cắm đầu chạy theo con đường mòn qua rừng phi lao trước biển đang cuồn cuộn sóng. Những cồn cát trắng chập trùng nằm phơi dưới nắng chiều. Trong tâm trạng buồn chán, Nam thấy mình nhỏ nhoi cô đơn như triệu triệu hạt cát vô tri kia từ bao đời cứ chôn vùi, chồng lấp mãi lên nhau. Chúng có thấu hiểu nỗi cồn cào của những con sóng đang dâng trào từ biển xa. Nam đi dọc theo mép nước, những con còng còng đỏ vô tư phơi mình dưới nắng. Thấy Nam, chúng sợ hãi tụt lút xuống những cái lỗ sâu thun thút. Nam lội ào vào rừng sú vẹt um tùm. Những gốc sú già sấn sùi, hà bám tầng tầng lớp lớp từ gốc lên cành mà vòm lá vẫn xanh ngăn ngắt đầy sức sống. Những hàng sú dầy chi chít những chùm quả béo múp míp đầu nhọn hoắt như mũi chông sẵn sàng bâm xuống đất bất cứ lúc nào để rồi lại nẩy mầm thành những cây sú con. Rừng sú đời đời bền vững trước những cơn sóng cuồng phong dữ dội. Ý nghĩ về loài sú làm Nam bừng tỉnh bước nhanh ra khỏi rừng sú lầy lội. Bầy loi choi bống lác giật mình chạy tán loạn tìm lỗ chui rúc sủi lên lớp bong bóng lầy nhầy bùn đất. Về đến nhà, Nam chạy ra cầu ao rửa chân. Có tiếng thằng Vương và cái Muôi đi học về đang cãi nhau. Cái Muôi khóc nức nở. Nam từ cầu ao về, đứng sững trước mặt thằng Vương và cái Muôi. Vương đưa lại cho Nam tập vở.
 Cái Muôi lúng búng:
- Không phải Muôi cố tình nói xấu Nam đâu. Chú Kinh bảo Muôi phải thể hiện rõ quan điểm lập trường giai cấp trước các bạn thì mới được kết nạp đoàn.
- Đồ ngu! Vương giận dữ nắm tay cái Muôi lôi về nhà đứng sững trước mặt bố Đào Kinh:
- Bố là người tồi.
- Mày là thằng con trai vô tích sự! Đào Kinh mằng, mày có lớn mà chẳng có khôn không chịu phấn đấu, rõ ngu, rõ ngu!...

 ***

Trong huyện đường, Trần Tăng khoái chí nhìn Yến Quyên ngồi viết kiểm điểm. Bao lâu nay Trần Tăng vẫn đau đáu nỗi thèm khát Yến Quyên- người đàn bà đẹp hơn cả nàng Kiều. Yến Quyên vừa trắng hồng vừa đằm thắm thướt tha và kiêu sa đến lạ lùng. Trần Tăng hiểu hơn ai hết số kiếp oan khuất của gia tộc Hoàng Kỳ là do chính Trần Tăng gây nên. Suy cho cùng cũng tại giời đất này đã sinh ra thằng đàn ông nhiều đam mê nhiều tham vọng như ta lại còn sinh ra loại đàn bà đầy ma lực như Yến Quyên- tại hương sắc của nàng quyến rũ ta đến mê mẩn tâm thần. Ta phải dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt trái tim kiêu hãnh của nàng. Đã có lúc Trần Tăng này thề dù phải đánh đổi cả sự nghiệp công danh để có nàng. Trần Tăng cay đắng nhận ra quyền uy to lớn cuả mình đã bị Yến Quyên coi rẻ. Trần Tăng như con sói bị tổn thương lồng lộn lên, nếu không có nàng Cam Quýt, vợ Kinh bù đắp làm dịu vết thương lòng của Trần Tăng thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Cám ơn nàng Cam, nàng đã đến với ta đúng lúc ta cô đơn, nàng là liều thuốc an thần hiệu nghiệm nhất mà ta có.
Từ chiều, Trần Tăng đã đọc đi đọc lại bản kiểm điểm của Yến Quyên và hiểu ra một điều, có bắt nàng viết kiểm điểm cả trăm lần cũng chỉ có thế. Vẫn là lời lẽ lên án phê phán lối làm ăn trì trệ của ban quản trị hợp tác xã. Trần Tăng cầm bản kiểm điểm của Yến Quyên đặt trước bàn, rót nước mời nàng uống, giọng vỗ về:
-  Nhận thức của cậu Kình còn hạn chế, nhưng lòng nhiệt tình của cậu ta thì không thể chê được. Phong trào hợp tác xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, không ai được gây cản trở làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân. Cô cũng là thành viên ban quản trị, lẽ ra cô phải chung sức chung lòng gây dựng phong trào.
- Tôi làm điều gì không phải, đề nghị đồng chí nói thẳng, tôi sẵn sàng chịu kỷ luật.
- Tôi biết cậu Kinh có những sai trái, nhưng đã hao giờ cô chân tình góp ý cho người ta. Đành rằng trong quá khứ cậu Kinh và cả tôi cũng có những sai lầm với cô, với gia đình cô. Đó là do hạn chế của lịch sử. Cái gì đã qua, ta cho qua. Giờ đây chúng ta cùng nhau xây dựng lại cuộc sống mới ấm no hạnh phúc. Tôi nghe những lời phê phán của cô chứa đựng sự hằn học cay cú, cố tình bêu riếu chế độ. May cho cô là tôi xử lý vụ này. Nếu để người khác họ sẽ bỏ tù cô. Cô cố tình hay vô ý dám ví von bóng gió cờ đỏ cờ xanh với phân xanh phân đỏ. Tù đấy, cô rõ chưa! Trần Tăng nói và đứng dậy, đi ra khỏi bàn. Yến Quyên sững sờ trước lời kết tội của Trần Tăng.
 - Yến Quyên ơi là Yến Quyên, Trần Tăng dịu giọng, anh hiểu em, thậm chí anh si mê em Yến Quyên ạ! Chính anh si mê em nên mới dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong quá khứ. Anh ân hận lắm. Từ lâu, anh vẫn lặng lẽ theo dõi hình bóng em, anh muốn làm gì đó để chuộc lại lỗi lầm. Em là người đàn bà đẹp, đẹp lắm Yến Quyên ạ! Cho dù em coi anh là thằng cán bộ hư hỏng mất nết anh cũng chịu. Anh chỉ nói điều này với riêng em. Kể cả bây giờ và mãi mãi sau này anh vẫn ngưỡng mộ và đam mê em. Với em, anh có thể nói thật hết mọi điều. Kể cà những ý nghĩ xấu xa tội lỗi của mình. Với quyền của anh lúc này có thể bỏ tù em với tội danh em là phản động cấu kết với bọn nhân văn giai phẩm chống phá cách mạng bằng những lời lẽ cố tình nói xấu Đảng nhà nước. Em dám động đến cả biểu tượng thiêng liêng của dân tộc. Cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho ý chí đấu tranh bất khuất quật cường của nhân dân. Màu đỏ là máu của đồng bào đã đổ trong cuộc kháng chiến giành lại hoà bình độc lập cho ngày hôm nay. Yến Quyên ơi là Yến Quyên! Sở dĩ anh nói với em những lời tâm huyết này, chỉ mong em được tiến bộ. Vì em anh sẵn sàng kỷ luật cậu Kinh để lấy lại uy tín cho em trước bà con làng Đoài. Em nghe anh em sẽ có tất cả. Anh sẽ kỷ luật cậu Kinh, cơ cấu em vào ban chủ nhiệm.
- Anh làm những chuyện đó mà không sợ quỷ thần trừng phạt sao?
- Em rõ là người đàn bà ngoan đạo và ngây thơ, chẳng có quỷ thần, cũng chẳng có ma mãnh nào hết. Trên đời này chỉ có anh, có Trần Tăng này đang yêu em, đang mê em thôi.
Trần Tăng nói với Yến Quyên những lời ngọt ngào mà chính bản thân Trần Tăng cũng không ngờ. Yến Quyên ngồi lặng im, vừa khiêm nhường vừa kiêu sa sống động. Nếu đây không phải huyện đường Trần Tăng đã lao vào Yến Quyên để cướp lấy nàng, để thoả mãn nỗi khát thèm. Trần Tăng bất ngờ khẽ đặt bàn tay run run lên đôi vai Yến Quyê cố nén xúc động.
- Thôi em về đi! Nếu cứ để em ngồi đây, anh sẽ gây tội lỗi mất. Hôm nay anh chỉ nói với em rằng, anh yêu em và che chở cho em suốt đời.
 Bất giác Trần Tăng cúi xuống khẽ hôn lên mái tóc đen dày của Yến Quyên rồi vội vã bước nhanh ra khỏi cửa.
Làng Đoài một lần nữa hả hê nhìn Đào Kinh trở thành kẻ ngẩn ngơ để mọi người mỉa mai.
Bị kỷ luật, Đào Kinh bất mãn cay cú chửi Trần Tăng là “thằng sâu róm”. Thất thế, Kinh lại quay về với sở trường mò cua bắt cá, sống phớt đời như thời cày thuê cuốc mướn cho ông bà bố mẹ Hoàng Kỳ Nam xưa.
Buồn đời, Đào Kinh ra quán mụ Ruốc tu cả chai cuốc lủi. Nghe bọn trẻ con đặt vè nói xấu mình. Đào Kình tức giận chửi đổng:
- Tiên sư bố nhà chúng mày! Ông sẽ kiện cái thằng nào dám bêu diếu ông. Lũ trẻ trâu từ dưới bến sông lên thích thú bảo nhau hát rống lên bài vè nói ngược, chúng gọi cả cái tên cúng cơm của bố con Đào Kinh ra để diễu:
“Ve vẻ vè ve
Đặt vè nói ngược
Bố con Kình Vược
Tỉnh dậy mà nghe
Cái vè thằng Vọt
Bồ hòn thì ngọt
Bồ kết thì chua
Thằng dốt làm vua
Thông minh làm tớ
Tay Kình lớ ngớ
Được ông Trần tin
Qua mão tới thìn
Kiện người  bị vạ
Lại về bắt cá
Nấn ná qua ngày
Ớt ngọt đường cay
Uống vào say khướt
Nhìn gà hoá cuốc
Nhìn muôi thành thìa
Đong đếm ăn chia
Nong nia thành mẹt
Bốc phét thành thần
Không ai còn cần
Bố con Kình Vược”
Con Măng trốn nhà ra nghịch nước ngoài sông, nghe đám trẻ trâu hát vè về bố Kinh và anh Vương, nó đứng nghe thấy hay hay. Miệng lẩm bẩm hát theo những vần điệu dễ thuộc.
Có lúc nó cao hứng gào lên:
Kiện người bị vạ
Lại về bắt cá
Nấn ná qua ngày
Ớt ngọt đường cay
Uống vào say khướt
Cái Măng vừa đi vừa hát. Về tới  nhà, thấy Nam và Vương đang loay hoay bện bù nhìn rơm hình Ngô tổng thống.
- Hai anh tài thật. Bện rơm thành thằng người trông đến là ngộ- Con Măng còn bé chưa biết mặt Ngô Tổng Thống, nhưng được theo các anh đi hô khẩu hiệu nó cũng gân cổ lên gào “Đả đảo Ngô Tổng Thống”- “Đả đảo đế quốc Mỹ cút khỏi Miền Nam Việt Nam”. Ngô Tổng thống là tên phản dân hại nước. Bù nhìn Ngô Tổng Thống được Nam lấy nhọ nồi bôi lên mặt đen sì, đầu to sụ. Cái Măng thấy Nam và Vương không để ý tới nó, nó giận dỗi hát toáng lên bài vè:
Ve vẻ vè ve
Đặt vè nói ngược
Bố Kình con Vược
Tỉnh dậy mà nghe
Vượn ca chim hót
Bồ hòn thì ngọt
Bồ kết thì chua...
- Đồ ngu! Thằng Vương đứng dậy tóm cổ cái Măng, chúng chửi bố mà mày không hiểu sao. Đứa nào sai mày hát hả, để tao đấm vỡ mặt nó ra.
 Con Măng lắc đầu mếu máo.
- Nó trẻ con biết gì! Cả lũ trẻ trâu trong xóm chúng đâu biết gì- Nam bênh cái Măng. Để thằng Vương hả giận, Nam bàn với Vương vác bù nhìn Ngô tổng thống ra sân kho gọi bọn trẻ trâu bày trò tử hình tổng thống Ngô và tổng thổng Mỹ. Thằng Vương khoái chí leo lên cây ổi hái đầy một túi làm phần thưởng cho những đứa nào lập công ném trúng mục tiêu đầu Ngô Tổng Thống. Thằng Vương đứng trên bờ tường, tuyên bố luật chơi. Trước mặt lũ trẻ là bù nhìn tổng thống Ngô và tổng thống Mỹ. Chúng háo hức xếp thành hàng đôi, chăm chú nghe lời kêu gọi của thằng Vương.
- Chúng ta phải trút căm hờn lên kẻ phản dân hại nước Ngô Đình Diệm và bọn đế quốc Mỹ xâm lược. Hãy ném trúng đầu, hãy đâm trúng mặt kẻ thù! Ai có trứng thối dùng trứng thối, ai có dao liềm đòn gánh đòn càn hãy đến đây thi tài. Ai đạt thành tích cao sẽ trọng thưởng.
Thằng Vương hô rõ to, cúi xuống lấy gạch non kẻ vạch cách mục tiêu năm mét. Ai ném thì đứng chạm vạch ném, ai đâm thì bịt mặt tiến đến mục tiêu đâm. Bọn trẻ háo hức chạy về nhà lấy vũ khí.
Nam nhìn thằng Vương chỉ huy bọn trẻ giống như vị tướng ngoài mặt trận. Nó đứng nghiêm, đọc dõng dạc tên từng đứa một lên trổ tài. Trò chơi diễn ra chưa đầy nửa tiếng, mặt tổng thống Ngô và tổng thống Mỹ nát bươm. Túi ổi làm phần thưởng đã được phân chia hết cho những đứa đâm trúng, ném trúng kẻ thù. Hoan hô chiến thắng lẫy lừng. Nam và thằng Vương cùng bọn trẻ lại nối đuôi nhau đi vòng quanh sân kho hát vang bài hát: “Có anh nông dân vác cuốc ra thăm đồng, anh cuốc như thế này, anh cuốc như thế kia - như thế này là như thế kia. Có anh dân quân vác súng ra thao trường, anh bắn như thế này, anh bắn như thế kia- như thế này là như thế kia”. Lũ trẻ hoà cùng không khí sục sôi của cả nước với phong trào: Tất cả cho tiền tuyến- Tất cả vì Miền Nam ruột thịt- Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.