Cụ Bek nói tiếp, mặt ngoảnh về phía những bông hoa và mặt trời, hai tay chắp lại trên những trang giấy. Chẳng bao giờ có ai biết được Eberhard đi được từ Gutach đến Copenhague như thế nào đâu. Ta có thể tưởng tượng anh ta đã phải chịu đói, chịu khổ, chịu vất vả như thế nào trong chuyến đi, khi hình dung ra việc đi lại của thời ấy và cái túi tiền nhẹ tênh của Eberhard. Cũng nên nghĩ rằng anh không bao giờ thờ ơ đi qua một sinh linh bị ruồng bỏ trên đường đi. Nhưng rồi một buổi chiều tháng mười một rầu rĩ, cái thân hình cao to với khuôn mặt khắc khổ, đầy đặn, đôi mắt sắc, xuất hiện với cái hòm và túi dết ở ngưỡng cửa cái nhà ở phố Pistolet. Anh mặc áo có đuôi dài, gilê chéo có hai hàng cúc, quần qui lốt ngắn có vòng khuyên sắt tây và tất len đan. Nghe có bước chân đàn ông, các cô gái chạy vội ra cửa riêng của mình, đã đánh mất tiếng cười và buông thõng những bàn tay đang ôm những bó hoa đầy bụi bặm. Bà chủ nhà, bà Gundlachsen, ấp úng mấy lời chào mừng. mắt Eberhard không hề bối rối nhìn vào tất cả các cô, rồi anh bỏ cái hòm nặng xuống, chẳng phải anh đã đi tới đích ư? Và với giọng Đức nghiêm nghị anh nói mấy tiếng độc nhất anh học được trên boong tàu Semange ở Eckernforde: Tôi đến để đưa em gái Christine của tôi về. Một sự run rẩy lướt trên khuôn mặt ở các cửa, những khuôn mặt béo ị, đỏ chót, những khuôn mặt hốc hác, bự phấn. Em gái tôi! tất cả các cô gái này trong lúc đó đều nhớ đến một cái phòng nhỏ, một người cha, một người anh và hy vọng giải thoát của họ mà các cô đã quên đi từ lâu. Các cô cũng đã tin rằng có một ngày, ai đó sẽ xuất hiện trước ngưỡng cửa và nói: tôi đến để tìm em gái tôi. Cái hình bóng mục sư cao lớn của Eberhard có lẽ cũng đã gợi ra cho họ một nhà thuyết giáo hoặc một nhân vật được tôn trọng khác của xứ đạo mà trước mặt họ các cô phải cúi mình trong lúc đang chạy trên các nẻo đường của truông. Các cô thấy ở ông ta Đức Chúa mà các cô đã học trong các bài giảng của Pontoppidan. Bà Gundlachsen cúi chào và ngập ngừng hỏi: Có phải ngài muốn nói đến cô gái người Đức không ạ? Eberhard trả lời bằng giọng khàn khàn rằng đúng là cô gái người Đức. Bà Gundlachsen, vẫn còn ngập ngừng yêu cầu anh đi theo bà. Khi Eberhard vào trong căn phòng tối tăm với những bức tường ẩm chảy nước, trần bục, có cái giường đã tháo ra ở đàng sau những bức màn bằng lụa hoa và anh nhìn thấy Christine trên cái hòm cạnh cửa sổ trông ra một bức tường bẩn thỉu và thâm đen vì nước mưa, anh cảm thấy lảo đảo lần đầu tiên. Lần đầu tiên tiếng kêu này buột ra khỏi môi một tín đồ: Chúa ơi! Chúa ơi! Tại sao Người ruồng bỏ con? Anh đổ sụp xuống chiếc ghế khập khiễng, giấu mặt vào hai bàn tay và khóc nức nở rất to. Bởi vì người đàn bà anh trông thấy kia phồng lên như chiếc chăn lông trong chiếc áo màu hồng, trán bao bọc bởi những mớ tóc ướt vì đổ mồ hôi, đôi mắt buồn tẻ và vô cảm, hai bàn tay béo đeo đầy nhẫn, đặt trên đầu gối, người đàn bà này anh sẽ không đưa đi theo. Cô ấy không biết gì nữa về Gutach, về ngôi nhà nhỏ ở thung lũng. Đó không còn là một con người nữa, mà là một con vật. Đó là những gì mười hai năm của thành phố lớn đã làm cho bé Christine. Cô không nhích khỏi chiếc hòm của cô, nhưng khi cô nghe Eberhard khóc thì góc miệng của cô sệ xuống, mí mắt nặng nề đập đập và những giọt lệ to lăn trên đôi má bự phấn. Cô khóc to với những tiếng kêu như gà mái, vừa lắc lư cái đầu to, vừa nhỏ dài trên đôi vú trần với những vết thương lồ lộ. Bà Gundlachsen và các cô gái ép vào nhau im lặng ở cửa. Đầu cúi xuống, cánh tay vòng lại, họ ở đấy, thở dài và hít mạnh, lắc lư từ phải sang trái như một đàn cừu nháo nhác nghe thấy người chăn cừu đến. Lúc bấy giờ Eberhard đứng thẳng dậy, mớ tóc bù xù của anh quét cả những mạng nhện trên trần, anh chìa hai bàn tay ra và kêu to giọng "Chúa ơi, Người rủ lòng thương!" Rồi anh quỳ thụp xuống và cầu nguyện cho sự cứu vớt những cô gái khốn khổ đó. Anh cầu xin Chúa cho anh sức mạnh để dìu dắt họ, để chịu đựng sống trong nhà này cho đến khi Christine rời bỏ nó được và cả cái nhà này cũng biến khỏi mặt đất. Các cô gái khóc lên xung quanh anh. Christine hít mạnh và lắc lư trên chiếc hòm của cô. Các cô gái khốn khổ tiên cảm cái điều mà các cô không hiểu gì cả. Ông chồng bà Gundlachsen nhập vào trong nhóm. Ông bỏ bộ tóc giả bé nhỏ ra để lau cái đầu đang ra mồ hôi, cười với vẻ sợ sệt và cởi cúc áo vét canmúc. Eberhard đã đi vào căn nhà ở phố Pistolet như vậy đấy. Anh ở lại đó trong hai mươi ba năm sau, dưới tầng áp mái, trong một gian phòng tồi tàn nhìn xuống cái mái đỏ cáu bẩn của nhà bên cạnh, xuống những ống khói đang đung đưa, những tấm kính vỡ, một cái máng mà nước bẩn bắn lên tận cửa sổ của anh, và nhìn ra một mảnh trời mong manh luôn luôn tối sầm vì khói và mây. Những con chuột nô đùa bên cánh cửa mục, tiếng kêu gào của những người say rượu, tiếng cãi nhau và những cuộc ẩu đả bằng gậy, bằng ghế, tiếng chai vỡ loảng xoảng đưa đến tai anh. Anh nghe cả tiếng người gác đêm hát các điệp khúc của mình. Ngồi thẳng đứng và cứng đờ trước cái cửa sổ thấp trong bộ trang phục màu hạt dẻ có đuôi áo, áo gilê chéo và đôi ghệt, mái tóc cứng có đuôi gáy, anh trao đổi thư tín hoặc dịch các hợp đồng của một nhà buôn Đức, hoặc chữa bài văn cho học trò mà anh đã tập hợp được. Lông mày anh dựng như bụi rậm trên trán. Hai nếp nhăn lớn chạy từ lỗ mũi lồi xuống cái miệng khô khan. Chiếc ngòi bút lông ngỗng chạy trên những tờ giấy lớn kẻ hàng xanh. Xung quanh anh, trên giấy dán tường ẩm, anh treo các tranh khắc sùng đas.o, những điếu văn với cha mẹ và bằng tốt gnhiệp đại học Halle. Những cuốn sách của anh xếp trên giá phía trên chiếc tủ nhỏ bằng gỗ tùng. Tất cả những quyển sách đó hiện nay ở trên tủ và các ngăn của tôi. Bề ngoài thì Eberhard không nghe gì hết, không thấy gì hết, anh trung thực viết, không để chệch hướng công việc của mình. Tuy nhiên chẳng có gì tuột khỏi anh. Không còn những tiếng cười, những chuyện eo sèo của các cô gái với các nhân tình khi anh vừa xuống cầu thang vừa nghiến răng để co họ những bài học. Không còn những lời nói thô tục và ồn ào ở ngoài phố vào buổi tôi khi anh đi về sau buổi họp cầu nguyện trong phòng của cộng đồng Herrenhut. Anh cũng nhận thấy những con mắt đẫm lệ và sợ hãi của các cô gái, tiếng khóc và tiếng rên của họ vào chủ nhật, mỗi khi các cánh cửa đóng lại với khách chơi trong một hoặc hai giờ (điều mà đối với uy tín thanh bình của anh người ta không cưỡng lại, đã đạt được), anh giảng Kinh Thánh cho các khách trọ của bà gundlachsen. Ngọn lửa lốp đốp của cây nến chiếu sáng các nữ thính giả. Christine ngồi trong đám các cô gái đó là u mê và sa ngã hơn cả. Eberhard đọc cho họ nghe vườn thiên đường của Arudl và những suy tư về dục vọng của Rambach. Anh giảng giải Kinh Thánh cho họ, trước tiên anh đọc nguyên bản tiếng Hy Lạp để cho họ nghe chính tiếng của Chúa Jesus. Rồi anh dịch ra bằng tiếng Đan Mạch lủng củng của mình. Anh hát cho họ nghe lời của tuyển tập Halle, của nhạc Freylinghausen. Họ không hiểu tiếng Đức nhưng rất nhạy cảm với những chỗ nhấn làm xúc động trái tim họ và họ đòi hỏi những bản tiếng Đức khi Eberhard muốn hát các bài thánh ca Đan Mạch. Eberhard cầu nguyện cho đàn cừu bé nhỏ của mình,khuôn mặt gầy và nghiêm khắc hướng lên trần nhà thấp trệt. Anh xin Chúa cứu thế làm lại sự hy sinh trên giá chữ thập cho mỗi con chiên lạc đường và mặc lại cho họ những đồ trang sức trắng của các bà vợ của Người. Thực ra, một vài người trong số các cô gái đã đứng lên được. Họ đã từ biệt nhà chứa và trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng cô gái mà vì cô ta anh đã phải cất công cả một chuyến đi dài thì không thể cứu vớt được. Cô đã bị buộc chặt với nghề của mình như một con vật với cái ách của nó. Đành thở dài khi anh nhìn mình, cô bất lực không thể nào hiểu và làm theo lời anh. Cô khóc khi nhìn những bức tranh sùng đạo của Eberhard treo trên tường và những đoạn thơ điếu cha mẹ cô. Cô run rẩy khi anh đặt lên cô một bàn tay nài nỉ và gợi lên sự phán xét của Chúa và thời hạn ban cho con người. Không ai có quyền lơ là với cái Terminus peremptorius salutis, sau đó sẽ đến sự đày địa ngục vĩnh viễn. Christine thổn thức khi anh nhắc đến Gutach, những khu rừng tùng, cây anh đào nở hoa cạnh cửa và những quả hồ đào có mùi táo. Một hôm anh đã đưa cô đi ra xa ngôi nhà phố Pistolet để tìm một chỗ ở khác. Một lần khác anh đã có được cơ hội đưa cô xuống một con tàu đi Kiel, nhưng anh chỉ vừa quay lưng đi là cô đã chuồn mất và sau khi buông tiếng thở dài, cầm lại cây gậy, với bước chân nặng nề, cứng đờ, anh đã phải quay trở về đuổi theo em gái. Cuối cùng anh đành bỏ mọi hy vọng ra đi, cúi đầu và ở lại phố Pistolet để giúp đỡ Christine khi đến giờ của Chúa, khi tâm hồn con người trong trắng không vết gợn xuất hiện lại trên vũng bùn tội lỗi. Eberhard không tin vào cái Terminus mà người ta đã nói với anh ở trường đại học Halle. Sau khi quỳ nhiều trước vị Chúa không thể cảm nhận được này anh nhận thấy người anh hùng máu me đã phá cửa địa ngục, đã thăm ngay cả bóng tối của những người hiện đang sống mà đối với họ chẳng tồn tại một terminus salutis nào cả. Trong những đêm đông dài anh đã quỳ trên sàn lạnh của gian gác nhỏ, đầu cúi áp xuống gỗ cứng thành giường trong lúc những tiếng cười vì say khướt của em gái và các cô gái khác lẫn vào những tiếng kêu dâm đãng của bọn đàn ông. Anh chiến đấu cùng với Chúa Trời, lê từ mép áo đến đầu gối, đến ngực, đến tim anh để cứu vớt Christine, không phải trong cuộc đời sắp kết thúc này, mà vì một cuộc đời khác, cuộc đời vĩnh hằng. Chỉ buổi sáng, khi sự yên lặng lập lại ở các tầng dưới, Eberhard rời vào được một giấc ngủ ngắn, đầy run rẩy. Lúc bấy giờ anh trông thấy bố mẹ anh cầm tay nhau như những ngày hè sáng chủ nhật họ đi lễ dưới những cây hồ đào. Họ hứa với anh một phần thưởng tức thì nếu anh đứng vững, vẫy chào anh và biến mất. Nhưng đối với các thánh thì ngàn năm cũng chỉ như một ngày. Thời gian không trôi nhanh với Eberhard, người vẫn ở mãi phố Pistolet. Tuy nhiên, một hôm anh đã tìm được một người em đến giúp anh trong cuộc chiến đấu để cứu vớt em gái anh, tất cả các em gái anh và trong những cố gắng để đưa họ về nhà của Cha. Một tia sáng mặt trời chiếu vào các căn gác thiếu nắng. Chúa Trời gửi đến cho Eberhard một sứ giả đặc biệt. Đó là một đứa trẻ, một đứa trẻ sinh ra trong cái nhà mà sự trừng phạt và phúc lành do Chúa phán truyền cho một đôi trai gái đã bị quên đi. Một đứa trẻ sẽ khóc trong nơi ở những gái điếm. Nó đã làm cái mà Eberhard đã không bao giờ làm được, nó hé mở cửa cho hoà bình vĩnh cửu. Tôi đã là đứa trẻ được ý Trời chọn lựa ấy, mà không hề xứng đáng tí nào. Cụ Bek im lặng một lát và một biểu hiện cao cả loé sáng nét mặt của cụ, rồi cụ nói tiếp. Một hôm một trong số cô gái trở về cùng với một cô gái lạ. Đó là một tối trời mưa âm u của tháng mười một, chín năm, theo đúng từng ngày sau ngày Eberhard đến nhà ấy. Nước nhỏ giọt từ quần áo của cô khách lạ. Cô lảo đảo như trong cơn say. Các cô gái tụ tập xung quanh cô, và trong ngọn lửa cây nến của bà Gundlachsen họ nhận thấy rằng cô ta rất trẻ và điều ngạc nhiên hơn hết là quần áo bê bết bùn và rách bươm của cô là bằng vải tốt. Mặt và bàn tay trắng trẻo đang run vì sốt cho thấy đó là một quý bà thượng lưu. Khi cô gái dẫn cô này tới cởi chiếc áo khoác ướt ra cho cô, tất cả các cô khác đều buông tiếng thở dài, vóc dáng chỉ rõ lý do việc cô đến đây. Tôi dẫn cô ấy đến – cô bạn của cô ấy nói rất khẽ - vì tôi thấy cô ấy ở dưới cảng. cô ấy đã xuống thang của bể tắm và ngắm nhìn nước. Đó là con gái của một mục sư. Bà Gundlachsen xoa mũi rồi với một dấu hiệu miễn cưỡng, thôi, phải cho cô ấy trú trong lúc này. Trong một buổi tối như thế một giáo dân không đuổi ra đường một cô gái ở hoàn cảnh này. Nhưng Christine theo thói quen ngồi xa phía sau những người khác trên một chiếc hòm, lắc lư từ phải sang trái, bỗng ngừng lại khi cô gái cầm tay người lạ dẫn vào phòng cô phía trên cùng cầu thang. Cô ngồi nhìn xoáy vào người kia, nghển nửa người dậy và theo dõi bằng một cái nhìn mỗi lúc một cố định hơn. Cuối cùng cô oà khóc nức nở. Tôi chào đời một tuần lễ sau trong cái phòng nhỏ của nhà chứa gái mãi dâm. Tất cả các cô gái tụ tập lại sau cửa, chắp hai tay, không dám thở, lắng nghe những tiếng kêu phát ra từ căn phòng. Nhiều người trong số các cô hình như bị lạc đi trong sự chiêm ngưỡng một c'ai gì đặt ở rất xa, họ rên rỉ rất khẽ. Những cô khác tựa vào nhau, vặn bàn tay. Khi Eberhard trở về, quần áo nặng vì nước mưa, anh tưởng rằng họ lắng nghe một bài giảng đạo. Nhưng lúc bấy giờ, hai tay nắm những cái đuôi áo, mắt cúi xuống, anh thấy Christine toả sáng như trong cơn điên. Eberhard, Eberhard, - cô rên rỉ - Anh coi chừng để lần nay người ta không lấy nó mất của em – Và đây là bỗng nhiễn cô ấy nói thổ ngữ quê nhà. Eberhard run run cúi xuống phía cô, hai cánh tay giang ra: Chúa ơi, cuối cùng em chấp thuận anh rồi ư? Nhưng những tiếng kêu ngưng lại ở trong phòng và sau đó một lát bà Gundlachsen mở cửa. Mọi cái nhìn liền quay về phía bà, bà lau mặt mồ hôi và nói: Vâng, đứa bé sống nhưng mẹ nó thì chết. Những cái đầu cúi xuống và những giọng nói khàn khàn thì thào: Chúng tôi có thể xem nó không? Bà Gundlachsen ngập ngừng một lúc rồi gật đầu với vẻ long trọng và các cô gái hai người một đi qua ngưỡng cửa tối đen ra căn phòng sáng ở đầu hành lang. Christine đứng lên, anh dũng: Dẫn em đến bên nó. Eberhard, để em có thể ôm nó áp vào ngực của em. Eberhard đỡ cô, đưa cô vào và khi cảm thấy trong tay mình bàn tay của Christine hình như lại sống trở lại nhưng run lên vì sốt, anh cầu Trời tha thứ cho anh nếu trong một giây lát sự ra đời này đã làm anh nhớ đến một sự ra đời khác diễn ra trong một túp lều tồi tàn giữa những người nghèo khổ lâu, lâu lắm rồi. Christine chết trong đêm đó, nhưng Eberhard đặt đứa bé sơ sinh vào những cánh tay cô cho tới giờ phút cuối cùng ấy. Cô từ giã trái đất với nụ cười rạng rỡ, vừa lầm rầm hát bài hát ru thiêng liêng cổ mà mẹ họ đã ru họ trong ngôi nhà nhỏ trên chiếc nôi có khắc dòng chữ Memento mori. Lúc đó Eberhard đứng thẳng đơ bên cạnh Christine và hát to những bài thánh ca của Halle, thụp xuống đầu giường. Anh nhận được cái nhìn hạnh phúc cuối cùng của em gái, vuốt mắt cho cô, đặt quyển thánh ca của mẹ dưới cằm Christine rồi ngắm nhìn cô trong ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn ngủ. Anh thấy cô mỉm cười giống như khuôn mặt trẻ thơ của cô cười khi cha đọc Kinh Thánh. Rồi anh hôn vào bàn tay cô, thì thầm: Em ngủ bình yên, em đã chịu một nỗi thống khổ vô song – rồi anh ngước mắt lên và nói rằng cô hạnh phúc, dù cho anh đã chia sẻ với cô nhiều đau khổ và đau khổ vì chuyện đó nhiều hơn những đau khổ của mình, phải chuộc tội nhiều hơn vì tội lỗi của mình. Sự sụp đổ của Christine không còn đáng kể nữa. Chúa đã để cho cô trả giá tội lỗi của cô bằng cách tước đi lý trí của cô. Trong những năm cuối cùng của đời cô, cô đã đeo thánh giá của Đấng Cứu Thế cho những tội lỗi của thế gian. Eberhard trong khi nối bàn tay mình vào bàn tay của Christine đã cầu xin cho cái chết của chính anh cũng được giải thoát tội lỗi, cũng được tha thứ như cái chết của em gái. Anh nghiêng trán vào thành giọng với tiếng thở dài biết ơn và mệt mỏi. Anh thức dậy khi chạm vào một bàn tay nhỏ ẩm ướt và trông thấy một khuôn mặt đỏ ửng non choẹt với đôi mắt xanh lơ. Đôi lông mày bụi rậm của anh chau lại. Anh đặt bàn tay to lớn cứng đờ của anh lên đứa bé. Nhân danh Chúa, anh thì thầm và anh không dám không vâng lời Chúa, bằng bàn tay trẻ con này Người đã kéo Christine về thiên đường của Người. Thực vậy, Chúa đã hy vọng nhiều thứ đối với đứa bé này, từ khi nó sinh ra đã dùng nó làm công cụ. Eberhard thề rằng anh sẽ trở thành Saint-Christophe của nó qua những sóng gió của thế gian này. Nhưng Chúa còn có một sứ mệnh nữa giao cho Eberhard. Anh rời căn phòng áp mái của mình. Bế đứa bé trong một tay, tay kia xách cái hòm cũ nằm trong xó từ chín năm nay. Đi xuống câu thang. Ý định của anh là rời khỏi nhà này và tìm một chỗ ở trong thành phố, chờ cho đứa bé lớn hơn tí nữa anh có thể đưa nó về xứ sở Bade ở với những tín đồ miền rừng núi. Nhưng anh thấy các cô gái mãi dâm tụ tập ở chân cầu thang trước cửa, run rẩy và lặng lẽ chắn lại. Khi gặp cái nhìn đầy sợ hãi và cầu khẩn của họ, anh cảm thấy bị bắn trúng vào tim và đoán rằng anh sẽ không bao giờ đặt chân lên mảnh đất của cha ông nữa. Cánh cửa dưới cây anh đào sẽ đóng lại mãi mãi. Số phận của Eberhard cũng như của Christine là chết ở đất khách. Anh thụp quỳ xuống dưới chân cầu thang, đầu úp vào hai bàn tay và đấu tranh cùng với Chúa. Khi anh ngẩng lên, khuôn mặt anh, hai cánh tay giang ra của anh chỉ rằng anh đã giành thắng lợi. Các cô có lý, các cô đều là em gái tôi như đứa em đã chết. Đứa bé sinh ra trong nhà này để cứu các cô cũng như để cứu nó, tôi có quyền lấy nó đi. Các cô hãy mang cái hòm của tôi lên phòng của tôi và kê vào đấy một cái giường khác. Thằng bé và tôi sẽ ở lại đây, nơi mà Chúa Trời đã sắp đặt chúng ta. Mong sao ý nguyện của Chúa Trời được thực hiện, chúng ta hãy ca ngợi Chúa Trời. Người ta chôn Christine và mẹ tôi cùng ngày ở nghĩa địa người nghèo. Các cô gái mại dâm làm một cuộc quyên góp trong bọn họ và dựng lên trên mộ của cả hai người chết một cây thánh giá chung bằng gỗ. Nói về mẹ tôi chẳng ai biết gì ngoài chuyện bà đã thổ lộ với người con gái đã đưa bà ra xa bến cảng đến nhà này. Là con gái của mục sư ở Seeland bà đã có một người tình là dòng dõi thượng lưu, rồi ông ấy đã ruồng bỏ bà. Cha bà đã đuổi bà ra khỏi nhà, và bà quyết định đi tìm người tình ở Copenhague. Nhưng bà đã bị từ chối không cho vào nhà mặc dù bà đã viết thư trước nói rõ tình cảnh của mình và tính nghiêm khắc của người cha. Bà không muốn nói ra tên của bố và tên của người tình. Bố tôi – bà nói thêm – đã tuyên bố là tôi không xứng đáng với tên của ông và người tình cũng cho rằng tôi không xứng đáng mang họ hắn. Đừng cố tìm họ làm gì. Chỉ mong sao đích thân Chúa, một ngày kia sẽ con chon tôi tên nó và quyền của nó, nếu không vì tội của tôi, mà tôi đã đánh mất đi của cả hai mẹ con. Rồi cơn sốt đã đưa bà đi và bà không còn cần đến một tên nào cả. Eberhard đặt tên đứa trẻ là Benedict Clemens Bek. Cô gái đã đưa mẹ nó đến tên là Bek. Đứa bé đã được gửi đến như một việc chúc phúc của Chúa. Nó hoà nhã như ý nguyện của Chúa. Eberhard tôn trọng ý nguyện của mẹ đứa trẻ và không đi tìm bố và người tình của bà. Họ cũng không hề ra mặt và Bennedict lớn lên trong căn nhà ở phố Pistolet, trong phòng xép tầng áp mái bên cạnh Eberhard Sébestien Baden.