Dịch giả: Hồ Thiệu
Chương 3

Bây giờ chúng ta nói về những cư dân đó của đảo, giữa họ tôi đã thấy từ năm mươi năm nay. Tôi đã dạy tất cả những người còn sống hôm nay, tôi nắm vững những cái nhìn của họ, tâm hồn trẻ thơ cchọ trong ngôi trường nhỏ của tôi, tôi đã đi theo họ trong lễ kiên tín, trong lễ kết hôn và  bên giường hấp hối của họ.
Chỉ có hai người trong số họ trượt khỏi tôi, bởi vì không ai rời khỏi đảo và ngay cả người đã đi xa nhất cũng trở về đây.
Tôi đã có mặt trong các hội hè, trong các vụ kiện, trong các cuộc chia đất, các cuộc chè chén, các cuộc sum vầy buổi tối của họ. Tôi đã theo dõi họ trong các công việc lao động hàng ngày, các vụ hái cây guốc bê, vụ  gặt lúa mì ít ỏi, việc cày Saint Michel, vụ gieo hạt, việc chăm sóc gia súc, việc nhặt phân cừu để đốt trong mùa đông.
Tôi đã đi biển với họ trong những ngày xuân và thu và trong những đêm hè, tôi đã câu cá như họ, tôi đã nhặt trong lưới cá tráp và cá lưỡi bò. Tôi đã sống với họ. tôi đã thức đêm cùng họ những giờ dằng dặc khi cá trích về và đảo lấp lánh đèn lồng đèn chiếu của hàng trăm chiếc tàu đánh cá của chúng tôi và của người Thuỵ Điển.
Ai tham dự vào cảnh này từ trên cao ngọn đồi nhà thờ có thể tin rằng lục địa bỗng nhiên lôi chúng tôi vào trong cánh tay lấp lánh của nó, trong vòng tròn các thành phố lễ hội.
Tôi đã lắng nghe những chuyện phiếm trong đêm lạnh dưới ánh sao và trong hơi ấm của những túp lều có xà lớn, nơi những người đàn bà xe và dệt những bó sợi đay. Họ cung cấp quần áo cho chồng con và bản thân họ. Họ chế ra các màu bằng những cây thuốc nhuộm và phèn, giúp đỡ đàn ông trong việc đan lưới, cắt phao bằng cây bần hay bằng gỗ, trong những gian nhà của họ nặc mùi dầu cá voi và có cái lò sưởi nóng như một lò hấp.
Bão thổi xung quanh chúng tôi, một chiếc xe trượt cũ kêu kèn kẹt ở nhà kho, người ta yên trí là có những cuộc đắm tàu, không khí vang lên những tiếng kêu lạ lùng, những truyền thuyết truyền từ miệng người này sang người khác.
Những người ngoại quốc nằm dưới cát của nghĩa địa không thể nào yên nghỉ, họ bị đau khổ vì rét và nhớ tổ quốc. họ chạy xung quanh các cồn cát lún trượt, gọi các tàu của nước họ mà họ biết là gần đấy và lôi cuốn các tàu và thuỷ thủ đoàn bị nhầm vì tiếng nói quen thuộc vào với bất hạnh của họ.
Người ta đã tìm thấy một hôm ở tận đầu phía bắc của hoang mạc, nơi cả năm ròng không một bóng người đặt chân tới, tất cả các thuỷ thủ của một chiếc tàu  đều chết, mắt mở trợn tròn nhìn về phía chân trời.
Vậy họ đã mắc cạn ở đấy tự bao giờ, những con người đó. Không ai nhìn thấy chiếc tàu bị nạn, không có một mảnh gỗ dạt nào  trên bờ biển. đó là thuỷ thủ đoàn ma quỷ đã tìm được chỗ nghỉ ngơi trên đảo sau khi bị đuổi từ cảng này đến cảng khác trong bao thế kỷ.
Ở bờ biển tây bắc một chiếc thuyền Anh quốc đã mất cả tàu lẫn hàng. Biển đầy ứ xác chết. Người ta chôn trong ba tuần. Cái đêm mà tất cả họ được mai táng, không ai ngủ được.
Những cửa nhỏ có vạch vàng, dưới những mái nhà bằng tảo dạt, rung lên trong những đêm bão như thể bị lay bởi những bàn tay đã từng biết vặn nắm đấm. những mùi hương ngoại lai trôi trong gian nhà, những đồ gỗ khảm trai từ trên các tàu bị đắm kêu rắc như có các khách dòng dõi quý tộc ngồi ở đấy.
Tấm khăn trải bàn thêu cây cọ còn giữ lại được ở nhà mục sư và dùng cho tất cả các lễ rửa tội đã được tìm thấy trên bờ biển. Nó phủ xác một đứa bé lạ mặt, có những lọn tóc vàng đẹp như một thiên thần.
Biển còn giữ đến những bảo vật kỳ lạ, những đồ vật mà người ta không biết giá trị và cách dùng.
Nhà thờ đã do một người ngoại quốc xây dựng, một người Nga. Để tỏ lòng  biết ơn, con cừu của nhà thờ chạy dọc bờ biển mỗi khi một chiếc thuyền Nga được trông thấy từ những đá ngầm, và không có cơn bão nào át được tiếng kêu của nó.
Xung quanh các ngôi nhà người ta nghe tiếng giẫm chân của những con ngựa mà người ta chỉ lùa về chuồng trong dịp Noel để có thể đủ cỏ khô. Thường chúng hay bị chết rét trong tuyết của hoang mạc. Những con cừu cố đào khoai tây trong các hầm ủ tươi của làng và ăn hết thực phẩm của người. hoặc chúng cắn giật cả mái nhà  trên đầu chúng để ăn no rơm và tảo dạt. Trong lúc đó người ta thì thào những chuyện cổ hàng mấy trăm năm và tuy nhiên vẫn rất gần, chuyện những mục sư, những pháp quan, chuyện những thù hằn, những cãi lộn, những cơn say rượu, những sự trơ trẽn của họ.
Chuyện của pháp quan đòi hỏi những sản phẩm đầu mùa của từng tấc đất trong đầm lầy, cũng như những tác phẩm đầu tay của tất cả các phụ nữ trên đảo, chiếm đoạt mất cả một phần ba các của cải trôi dạt…
Cho tới một buổi sáng, người ta thấy ông ta bị đâm xuyên trên một chạc cành cây ở đỉnh núi Sonderbjaerg, hai cánh tay chết giương lên trời và hai lưỡi hái thọc vào trong ngực.
Chuyện một mục sư mà cảnh quạnh hiu làm phát điên thốt ra từ trên giảng đài những lời nói kinh khủng. Theo ông ta, không phải là Chúa mà là quỷ Satan đã sáng tạo ra đảo. có thể dễ dàng biết được điều đó qua các tác phẩm của ông ấy. Việc tôn vinh tệ nghiện ngập, thói truỵ lạc, tội giết người, thói ngoại tình đã trở lại với ông.
Chuyện một mục sư khác tin rằng Chúa nấp mình trong cát của hoang mạc và ông đã quỳ xuống đấy ngày đêm đào đất và gọi như toàn đao gọi Đấng Cứu Thế đã biến mất.
Người ta nói về "chiếc tàu thanh niên" – chiếc thuyền to đẹp đó làm bằng mảnh dạt của một chiếc tàu mắc cạn. Giữa những cơn sóng của biển động dữ dội "chiếc tàu thanh niên" hình như có một sự bảo vệ thiêng liêng. Một con bồ câu trắng không ngừng bay liệng phía trên ngăn cản những đám mây đen dông tố và soi sáng đường về. Chắc hẳn là con chim của Đức Thánh thần giấu trên chiếc tàu đắm đã được đưa lên "chiếc tàu thanh niên".
Người ta nói có ẩn ý về những mụ phù thuỷ và những hoạt động phá hoại của chúng, về tất cả niềm vui, về tất cả tuổi xuân. Một số bà già mệt mỏi vì luôn luôn sống giữa những người như thể đã khai ra nọc độc của những lời nguyền rủa vào bọn trẻ con, vào những con vật nhỏ, vào mùa xuân. Nhưng sự trừng phạt đã đến với họ. Trong khi mục sư to giọng cầu nguyện trước bàn thờ, dân chúng được chuông Noel che chở đã xông vào đấm đá họ túi bụi, mà họ thì chỉ có vũ khí là những chiếc nạng chống. Chân tay của họ bị xé nát và rải rác, chảy máu trong gió đêm.
Người ta nhắc lại những buổi sáng Phục Sinh nào đó trước khi bác sĩ Orebro, thầy thuốc đầu tiên của đảo đến, hồi ấy những người bị bệnh sốt rét nhảy múa trên "nước thanh khiết".
Người ta kể những tên cướp Thuỵ Điển ngày xưa đột nhập và nỗi hoảng sợ của dân đảo bằng những cây kích và ngọn thương của chúng. Người ta kể những trận chiến đấu dã man trên hoang mạc khi những người chết giơ ra trước các con chúa họ các mũi tên và rìu đá.
Chừng nào bão tố dọc các bờ biển có thể đưa đến những bộ xương người chết đuối, dù cho đã lâu hàng chục hay hàng trăm năm thì chừng ấy những chuyện trò buổi tối thuật lại tất cả sự khốn cùng ngày xưa của hòn đảo chúng tôi.
Đó là năm đói, cái năm những người sắp chết kéo lê trên bờ  biển, nhìn ra biển bằng cái nhìn cầu khẩn và bật lên những tiếng kêu tuyệt vọng mà không một tai con người nào nghe được.
Đó là năm bệnh dịch tả. Số người sống sót ít ỏi trốn tránh lẫn nhau vì sợ lây và chạy vội đến biển để thoát khỏi mảnh đất truyền nhiễm của họ.
Ôi! Bầu không khí thật nặng nề vì những dày vò và hình phạt trên cái đảo bị Chúa ruồng bỏ này!
Tôi đã nghe nhắc đến kỷ niệm những người chiếm cứ đầu tiên, cái lều đầu tiên dựng trên bờ biển chưa khám phá, chiếc thuyền của những ngư dân thời tiền sử đầu tiên cố ý dừng lại trên đảo, những bước chân bước dọc bờ biển, cuộc đi đầy lo âu dẫn đến những dấu vết chính của hòn đảo.
Trong tiếng nói của nhân dân còn vọng lại tiếng kêu của những thuỷ thủ thấy họ bị bao quanh giữa biển cả và hiểu rằng không bao giờ họ còn tìm thấy lại những lều da thú và  bóng mát của các khu rừng quê hương.
Và trong các lỗ tai còn lại tiếng rì rào của Khu Rừng Lớn, xưa kia chạy dài trên đảo, khu rừng này chưa ai trông thấy, đã từ lâu không còn nữa, nhưng những cái rễ của nó cắm vào trong mọi trái tim như vào trong cát của hoang mạc, nơi mà cứ mỗi mùa xuân đến các gốc lại phủ đầy chấm vàng của những cây liễu lùn.
Ở đấy, hiện giờ chỉ mình cây guốc bê ghi lại trên cát chuyện về cảnh cô đơn tại nơi mà con mòng biển sợ chính tiếng kêu của nó, trong những ngày bão lớn người ta nghe thấy tiếng đàn du dương của khu rừng mênh mông, người ta trông thấy cuộn tròn những làn sóng lá xanh, người ta nó thấy mùi rêu ẩm, mát rượi như một dòng suối.
Khu rừng đầy tiếng chim trải dài trên đỉnh Sonderbjaerg, và biến bộ ngực rườm rà lá cây cho những làn gió ngoài khơi. Rừng ném ra phía trước những làn gió biển, từ trong cái hồ đầy cá, sự phong phú phi thường của thực vật mùa xuân.
Chính tôi đã nghe tiếng thì thào của Khu rừng Lam trong cây đoạn của đỉnh núi sonderbgjaerg chào tôi buổi chiều tôi đến đảo từ phía những rừng cây nhìn thấy rất muộn nhưng lại khuất đi rất nhanh từ bờ biển Seeland. Ngực tôi mỏi mệt vì gió lộng, đã thở ozone của lá xanh và tôi trông thấy rừng sáng rực trong những màu sắc mùa thu.
Khi cây đoạn, ngọn cây cuối cùng của Khu Rừng Lam đến luợt đổ xuống, tiếng thở dài của những cái rễ đã vang lên trong tim tôi cũng như trong tim những người khác. Đó là lời chào vĩnh  biệt cuối cùng của chúng tôi với khu rừng.
Những người già, Svente Salme và Maerged Duun, không kể ba goá Abel, bà già bất tử, đã kể cho chúng tôi rằng ông của họ đã dự vào đám đại hoả hoạn. một người đàn bà đã để lửa ở Khu Rừng Lam và những ngọn lửa được trông thấy từ Jutland và Thuỵ Điển. Những người của lục địa đã làm dấu thánh giá, nghĩ là cả đảo đã cháy rụi.
Các bạn ạ, tôi đã biết những ngày xưa nhất và những ngày mới đây nhất của đảo. Tôi đã đến nghĩa trang tất cả những người đã ở đây khi tôi đến. và với mọi người trong số họ tôi đã chôn đi một thắng lợi, thắng lợi của cuộc sống đối với hoàn cảnh.
Các bạn ở đây từ khá lâu để xác nhận lời nói của một vị pháp quan xuất sắc đồng thời là mục sư của chúng tôi trong thời kỳ mà không một thầy tu nào dám tin rằng đến được tận đảo.
Khi một người dân đảo chết – vị pháp quan nói – đó là một người bị cầm tù được người ta đưa về đất, tôi sẽ tham dự vào việc mai táng và sẽ tặng người đó mọi vinh dự trong quyền lực của tôi.
Tuy nhiên các bạn không biết thời gian mà đảo không có lấy một bến cảng, người ta không biết lấy một động cơm, hồ cho hết đáy bằng cây xanh, chúa đất lấy mất của chúng tôi nửa số thu nhập, và mục sư lấy đi một nửa còn lại. Hồi bấy giờ chúng tôi chẳng có tổ chức cứu nạn, chúng tôi không liên lạc với đất liền bằng điện tín, các vua sinh ra và băng hà, nhiều cuộc chiến bùng nổ và kết thúc chúng tôi đều chẳng biết gì hết trước sáu tháng.
Nhưng các bạn hãy đi vào trong hoang mạc, lên tận chỗ đèn pha, men theo vịnh nhà kho và ở lại đấy trong khi những cây guốc bê rì rào bên tai và gió thổi vào mặt các bạn cát và bọt sóng khô rát. Các bạn hãy nhớ lại rằng người ta đã mệnh danh cho đảo này là của "Ấn Độ" vì công nhận là những cây guốc bê mọc ở đây rất thẳng, cho chúng tôi thu hoạc được nhiều cho gia súc ăn thay cỏ tươi và cỏ khô.
Tôi đã sống ngay bên cạnh những người dân đảo, gồm cả quá khứ và hiện tại của họ trong niềm vui, vận rủi của họ, có lẽ tôi đã đau khổ hơn tất cả họ, thế mà tôi vẫn luôn luôn cô đơn ngay giữa họ.
Phần vì tôi chưa hiểu rõ tiếng địa phương khi họ nói với nhau, phần vì tôi không bao giờ thấm nhuần hoàn toàn ý nghĩ của họ. Cuộc sống của họ đã diễn ra trong một sự tách biệt gay go và lâu dài khiến họ không thể tha thứ cho một sự can dự bên ngoài nào. Vì thế những công chức, nhất là hồi trước đây đã cực khổ rất nhiều, vì thế cuộc sống của tôi vẫn rất bó hẹp.
Người ta ít khi tỏ ra thù địch đối với tôi. Anh thanh niên ném đá vào tôi hôm đầu, đã thôi không có người bắt chước làm theo, à bây giờ vẫn có nhưng không nhiều. phần lớn dân đảo không ghét người ngoại quốc chúng ta vì lý do chúng ta đã lãng quên họ, đã để cho họ cô độc, chúng ta thờ ơ với họ, thế thôi. Lạy Chúa, tôi mà thờ ơ với họ! Cho đến những đứa trẻ mà trong một thời tôi đã giữ trái tim trong tya tôi, vì tôi tìm ở đấy một gia đình, một chỗ trú, cho đến những đứa trẻ đã tuột khỏi tôi khi lớn lên. Chúng đi đâu, tôi không biết. Chắc chúng lại ngập vào trong sự cô lập, huyền bí, những bóng tối lâu đời mà không bao giờ một người ngoại quốc đi vào.
Thật vậy, tôi biết nhiều người đã bỉêu lộ cho tôi một bộ mặt thân thiện, mỉm cười với tôi, cho tôi những lời khuyên, giúp đỡ tôi. Đó không phải là những con người độc ác. Nhưng tôi e là tôi không tạo lập được chỗ ở trong lòng một ai. Không một người nào sẽ nhớ đến tôi sau khi tôi chết. Họ chỉ sống giữa họ với nhau.
Hãy nhìn họ xem. Họ có giống chúng ta không? Hãy nhìn bộ mặt không bình thường và tái mét, tóc và râu đen xanh…và những con mắt nhỏ đen của họ!  
Các bạn có nhận ra được một tia sáng nào đến từ những thời đại xa xưa?
Tôi tin rằng họ không bao giờ bị đánh bại vì sự cô lập quá lâu dài của họ. Họ ở một thế kỷ khác với của chúng ta.
Tôi đã sống trong số họ như người xa lạ. hãy nghĩ rằng cùng một dòng máu chảy trong huyết quản của họ, tất cả đều là anh chị em, kết hôn với nhau, người này sống bởi người kia, nuôi nhau từ đêm tối của bao đời.
Tất cả họ đều từ cùng một giống người mà một trận bão thời kỳ đồ đá đã đẩy đến hòn đảo hoang vu này của chúng tôi.
Họ thuộc một thời đại khác, một loại người khác với chúng ta nhưng lại buộc chặt với nhau như những rễ cây ở Khu Rừng Lam.
Không có một nhóm cứu nạn nào can đảm hơn trên tất cả các bờ biển Đan Mạch.
Trong những đêm giông bão, tôi đã lắng nghe tiếng ầm ầm của trời biển. Gió đuổi cát vào tận lều của tôi, thổi bay tóc tôi, xào xạo trong răng tôi. Lúc đó tôi nghĩ đến những người canh cứ hai người một đi dọc bờ biển, rình dò những tín hiệu báo nạn trên mặt nước bao la đen ngòm cuộn sóng.
Trước khi chúng tôi có điện thoại (tôi gần năm mươi tuổi lúc người ta lắp đặt), người ta phải vượt qua hoang mạc để báo động cho bạn làng. Tiếng động nhẹ nhàng của những chiếc ủng nặng nề trước cửa sổ của tôi rồi sau đó tiếng kẹt cửa phía trên cao ở buồng điện thoại cho tôi biết một chiếc tàu đã va vào đảo vỡ vụn. Như Jacobus Uz, tôi không thể nào nguôi ngoai khi nghĩ rằng cái đống đá nâng chúng tôi lên trên mặt nước, giữ gìn cuộc sống khốn khổ của chúng tôi ấy chính là nguyên nhân tổn thất của những người khác trên biển.
Những tiếng kêu thét, sự nhộn nhạo bùng nổ trong làng. Tất cả các cửa đều mở, những câu hỏi và trả lời bay trong gió bão, những chiếc đèn lồng đỏ lên, chiếc thuyền cứu hộ được kéo ra khỏi lán. Tám ngựa kéo và đoàn thuỷ thủ đẩy thuyền qua hoang mạc trong sương mù, bão cát và tuyết, đến tận mặt biển đang gầm rú.
Sau đó, bám vào những bụi guốc bê của một cồn cát, tôi trông thấy chiếc thuyền biến mất trong sóng với tiếng chèo vang to, ngập xuống, hiện lên với chiếc đèn lồng của nó. Nhịp thở hổn hển của những người đàn bà tăng gấp, nóng bừng bên cạnh tôi trong không khí lạnh giá và nhịp đập trái tim họ tôi nghe như át cả tiếng gầm rít của bão.
Bấy giờ tôi cảm thấy dân tộc này đã trả tiên chuộc cho chỗ trú ẩn này của họ và tôi buộc phải thú nhận rằng tôi chẳng có quyền gì được sống ở đây.
Tuy nhiên trong lúc cứu nạn, khi chiếc thuyền vào bờ với những người khách cứu được gần như sắp chết để tìm chỗ náu, hay trong giờ nguy khốn, khi biển nổi giận ném vứt nhào thuyền bất lực và để trừng trị thuyền dám đọ với cái sức mạnh mù quáng của nó đã vứt hết một nửa số người trên đó, tôi đã quên mất trong niềm vui hay thất vọng của mình, rằng tôi là người ngoại quốc…
Tôi nhớ lại tất cả những người lạ đó mà giữa lòng họ tôi đã trải qua những ngày của tôi, tôi nhớ lại nét mặt của họ, nghề nghiệp của họ, thói quen của họ, những nụ cười của họ, nhưng tôi không biết gì về đời sống riêng tư trong gia đình họ. TG đã sống với họ cửa liền cửa, nhưng không bao giờ cửa của họ mở ra với tôi, tôi đã thở dưới cùng một bầu trỡi với họ nhưng tôi không biết họ đã trông thấy gì trên đó.
Ở đây có bà cụ già Maerged Duum, suốt năm, ngày nào cũng vậy bất kể thời tiết thế nào, đều chống nạng lê lên tận đỉnh núi Sonderbjaerg cúi rạp mình về phía trước để nhìn dò sát mặt biển. Liệu nó có trả lại con trai cho bà không? Sự chờ đợi dài lâu đó của bà đã cô lập bà với xung quanh và vì thế mỗi khi đi về quá kiệt quệ do đuối sức và già nua bà đã vào chỗ tôi chuyện phiếm một vài câu.
Tôi bèn kể với bà rằng thế giới thực tế có tồn tại ở bên kia các ngọn sóng. Người ta đi bộ không bị ướt và có thể tìm thấy hạnh phúc ở đấy…Nhưng mỗi lần bà đều thở dài ngắt lời tôi, rồi chống nạng đứng dậy kêu to:
Nhưng thế giới đó không phải để cho những người sinh ra trên đảo. Chính vì thế tôi biết nó sẽ trở về.
Cuối cùng tôi rất khó làm cho bà tin rằng có tồn tại những bờ biển khác và tôi tin như bà ấy rằng con trai bà ấy nhất định phải trở về na anh ta đã không từ lâu tìm nơi an nghỉ trên cát của đáy biển.
Lại còn có anh ngư dân Lavrus Potter ốm vì cảnh quạnh hiu của đảo, vì cuộc sống khép lại với chính nó, vì quan hệ cùng dòng máu lâu đời. Những cội rễ của nòi giống anh ta trộn lẫn với nhau quá chặt chẽ đã làm thành một cái nút thắt ở trong ngực anh, ngăn không để anh thở. Anh ấy cảm thấy càng ngày càng bị đè nén. Cũng như người tù trong Edgar Poe trông thấy những bức tường của mình bốn bề là đảo. Anh ta cố thử thoát khỏi số phận của mình bằng cách tự nguỵ trang, bằng cách nắm lấy một tâm hồn mới. Một quyển Thánh Kinh bằng tiếng Anh lấy từ một chiếc tàu mắc cạn đã cho phép anh ta học tiếng Anh bằng cách so sánh từng chữ một của các bài kinh. Nhưng tiếng Anh đó cổ quá rồi, không dùng được nữa, chẳng ích lợi gì trong việc buôn bán và tìm hiểu tâm tính hiện nay.
Thế là anh chàng Lavrus Potter đành chịu khép kín trong hòn đảo và trong quá khứ của mình.
Anh nổi cơn giận dữ dội với giống nòi của anh (Ôi, tất cả những người an hgp đều là dòng giống của anh) và tìm cách tự cứu bên cạnh tôi và một vài người ngoại quốc hiếm hoi – bác sĩ Orebro, bà Éléonore – nhưng vì không ai ở đây có thể hiểu những gì người ta kể về những xứ sở ở bên kia biển khơi, và không hiểu tiếng nói của chúng ta.
Thế là anh chẳng biết làm gì nữa, quên mất cả chính tên mình. Những câu hỏi, những lời nói nóng hổi của anh biến thành một bài hát không lời. Mắt anh nói hộ môi anh. Rồi anh biến mất và người ta đã tìm thấy xác anh trong cát sa mạc.
Anh đã đâm thật sâu vào trong đó, hình như muốn được hút vào trong đất của hòn đảo.
Sau nhà thờ có một người đàn bà mà chúng tôi gọi là bà góa Abel, mặc dù không ai biết chồng bà ấy, Silads người đánh chuông, người giữ đồ thờ, là cái tên luôn luôn ở đầu lưỡi của mọi người.
Làm sao mà chúng tôi biết được anh ta, vả lại ngay cả trên đảo này những cái chết cũng rất ít, thậm chí những người chết, ngư dân, mục sư, pháp quan của thế kỷ trước vẫn tiếp tục đi trong chúng tôi trên những lối đi cổ xưa?
Làm sao chúng ta có thể biết anh t akhi người vợ goá của anh ta nói với chúng tôi an hta đã thắt cổ từ hồi còn trẻ vì quá thất vọng không bao giờ được nghe một tiếng chuông khác trả lời tiếng chuông của anh?
Ở đây, ngay cả những người già nhất, không người nào biết bà goá Abel là ai.
Ông già Svente Salme và bà  già Maerged Duum chỉ nhớ là bà góa đó được coi như đã hơn một trăm tuổi khi họ còn là trẻ con, nhưng hồi đó nnta không biết gì về bà ấy cả.
Bây giờ chúng ta im lặng khi bà ấy đi qua, rạp người trên cây gậy. Bà leo lên ngọn Blabjaerg và trên đó giống như một đống cát nhô, bà ấy quan sát biển khơi. Bà ấy tìm ai? Bà ấy tìm Silads, người đánh chuông, hay tìm cái chết?
Maerged Duum cúi mình trước bà, cúi thấp hơn chúng tôi, bởi vì – bà nói – mất một đứa con có nghĩa lý gì so với một thử thách như thế: bị cái chết lãng quên.
Tôi lục tìm tên bà goá Abelm người sống sót của Silads – đánh chuông – trong các sổ của nhà thờ, cảm thấy chắc rằng những tìm kiếm của tôi liên quan đến tất cả chúng tôi, rằng tìm ra được sẽ xua tan hết mọi băn khoăn của chúng tôi. Nhưng sau khi giở vô ích đến tận những trang của thời kỳ Gia Tô giáo, tôi đành chán nản bỏ cuộc.
Chúng ta đã sống dù cho ở ngoài lề thế giới và cuộc sống quên chúng ta,vậy chúng ta lại cũng bị cái chết quên đi sao?
Tên của một người đàn bà nói rằng đã sinh ra, đã được rửa tội và kết hôn trên hòn đảo mà bà không thể hề rời khỏi lấy một giờ, đã không được chỉ bằng một nét gạch bút chì.
Chúng tôi không sợ những người chết, họ lẫn lộn vào chúng tôi như những người sống. Trong điện thờ, bên bờ hoang mạc, quan tài luôn luôn mở. những người chết bước ra khỏi mồ và chào  chúng tôi như trẻ con chào người lớn. Nhưng bà goá Abel như một hồn ma, một người sống, thế mà lại là một người chết.
Tôi đã đến thăm bà tại phòng của bà, nơi bà sống cô độc như trong thời đại của bà. Tất cả mọi người tránh không vào nhà bà, trừ Jacobus Uz. Trong sự im lặng sâu bao quanh, người ta nghe bà nói không ngừng và không ai chịu đựng được khi nghe những lời buột ra từ đôi môi sần sùi của bà giống như từ một khe nứt của mặt đất thoát ra những thì thầm của những người được chôn ở đấy.
Nhưng tôi đã đánh liều đi vào trong túp lều dù cho mùi xông lên ở đó khiến tôi buồn nôn. Tôi muốn đọc ra những bí mật khắc trên khuôn mặt xanh xao của bà.
Tôi lắng nghe giọng nói, không màu sắc như nét mặt của bà, như mùi của bà, một giọng nói vô nhân xưng.
Bà gợi ra cho tôi những tên và những nhân vật mà tôi biết người thì đã mất từ nhiều thế kỷ, người thì tôi nhớ rõ là đã trông thấy dấu vết trên những quyển sổ của nhà thờ. Đó là cả một đoàn người chết diễu qua trong căn phòng, họ nhô lên trên hoang mạc từ những thời đại xa xưa.
Bất thình lình tôi nghe thấy những tiếng nói, tôi nhận ra những bộ mặt giống như ánh sáng của phát súng nổ trên cao trong nhà thờ, đã chiếu sáng lên. Trong lúc mục sư chúc phúc lành cho hôn nhân của một đôi nam nữ không ai quen biết, đến đảo trong đêm thì ai đó đã bắn súng lục vào họ, giết chết cả hai người. bây giờ cũng như hồi đó trogn bóng tối đã giấu kẻ đi theo những đôi vợ chồng ở trên biển và biển đã xoá mất mọi dấu vết.
Hôm sau tôi trông thấy trước điện thờ vết máu tươi đó, và từ đó tôi còn thấy lại mãi…
Abel nói, cái nhà kho hiện lên nặng nề và đen ngòm phía trước những làn sóng ở nơi ngày nay chỉ còn tên gọi của vịnh mà thôi. Những chiếc neo gỉ hiện ra trong bóng tối không chìm xuống đáy được. Những tấm vàng lấp lánh ở dưới đáy sâu, những kho báu bị bỏ quên làm hiệu vào bờ biển, nơi đang hoành hành nạn đói. Rồi đến một cuộc chơi bài với những quân bài vấy mỡ trên những bàn tay của người chơi, đầu cúi xuống, chơi với cả cuộc sống và cả cái chết. 
Bỗng nhiên tất cả rơi vào trong đêm tối, chỉ có gió và sóng dồi tung hoành như là sự lãng quên ở những nơi đó.
Một chiếc tàu buồm đen, rách, thủng hiện ra trước một mảnh trời đỏ máu và trên nước rải rác có những chấm máu, hàng triệu con chuột bơi không ai trông thấy chúng trong giờ này của buổi sáng. Những con chuột sau khi ăn hết hàng trên tàu và cả đoàn thuỷ thủ, đã đến gần đảo như Sự Phán xử cuối cùng.
Vì sao vậy? trước kia không khi nào người ta trông thấy một con chuột trên đảo, không khi nào người ta trông thấy lại nó nữa kể từ đấy.
Nhưng sau khi chiếc tàu đổ những người mắc bệnh dịch hạch lên mũi cuối cùng của đảo, dân chúng đã sợ hãi và tức giận ném đá vào những người khốn khổ bị bệnh tật làm mù mắt, run cầm cập và thở khò khè, rồi vứt hết cả xuống biển.
Những linh hồn bị đày xuống địa ngục bây giờ trở về báo thù hòn đảo, chúng đòi hỏi ở đảo chỉ một ít đất công giáo.
Và hoang mạc, sự đe doạ thường xuyên rộn lên, lúc nhúc những chuột. dòng thác răng thép, và đuôi chảy trong làng, ở nhà thờ, tấn công vào người.
Họ đã chếg trong trận dịch hạch đen này, những cụ già lảo đảo, trẻ con, người lớn, đàn ông đàn bà, chết trong những ngôi nhà đổ sụp, những cánh đồng trơ trụi và những chiếc thuyền bị ngốn hết.
Những chiếc thuyền! Chúng thử cố ra khơi, và đây, những ngọn sóng chao đảo một chiếc thuyền màu trắng chói loá. Tất cả trèo lên thuyền, chen lấn đấm nhau, danh em, vợ chồng, con cái chen lấn nhau để thoát nạn. Nhưng chiếc thuyền không bỏ lại một ai. Khi họ ngạc nhiên ngẩng mặt lên thì thấy phía trên họ con bồ câu của "Tàu thanh niên".
Họ khóc oà lên trước mặt nhau, tự hiểu với nhau rằng đã được tha thứ và cứu thoát.
Và họ đi trong nhiêu tháng trên chiếc thuyền nhỏ này, thuyền đã lớn lên, đủ để nhận một nửa đảo. Người ta uống nước mưa, ăn cá, dưới những cánh trắng của bồ câu. Mắt họ nhìn về phía đảo háo hức muốn biết liệu đảo có được trả lại cho họ không.
Họ trông thấy chuột bớt đi, rồi mất hẳn trong hoang mạc như những giọt mưa đã biến đi.
Một hôm, họ khóc lóc, còng lưng xuống cập bờ và kéo thành hàng đi qua xứ sở của họ, ở đấy không có lấy một cái gì nuôi sống một con chuột. Giống như tổ tiên của họ, họ đã đến không dụng cụ, không một chỗ trú trên cát trống không, nơi họ tìm thấy những bộ xương của cha mẹ và con cái họ. Phải làm lại tất cả từ đầu.
Làm thế nào kể lại toàn vẹn những gì tôi đã học được trong chính tiếng nói của thời gian. Muốn được thế tôi phải giống như bà góa Abel bị cái chết quên đi, cái số phận làm rùng mình đứa trẻ bé nhất, người trưởng thành khỏe nhất, cô thiếu nữ vui vẻ nhất.
Abel, người đàn bà bị bỏ quên, đã tìm cái chết ở nơi mà bà không tìm được, trong hoang mạc, trong những ngọn sóng. Khi bà tìm nó ở chỗtb, bà đã tìm được nó một buổi sáng đầu năm. Người đánh chuông phát hiện ra bà trong gác chuông, treo cổ trên dây buộc chuông. Bà đung đưa ở đấy như chồng bà, người đánh chuông Silads đã làm trong một ngày cuối năm để ngăn không cho năm mới len vào, ngăn nó đánh thức ông dậy.
Chúng tôi đều có mặt tất cả khi người ta đưa xác bà vào quan tài, trên nền gạch lát cũ trước cửa nhà thờ.
Và chúng tôi có thể đọc trên khuôn mặt cái chết phục hồi lại của bà, những sự tàn phá của thời gian mà chúng tôi không hiểu ý nghĩa.
Khi trong nhà thờ, tiếng chuông và lời của Chúa vang lên trong tai chúng tôi, thì đấy không phải chỉ là đoán chắc của sự phục sinh mà còn là đoan chắc của cái chêt khiến cho lòng chúng tôi hoan hỉ. Amen!
Tôi biết những người bệnh khác của cái quan hệ cùng họ hàng bên nội với nhau, một người đần độn, một người bị kích động, một người âu sầu mà bệnh ám đã đẩy đến tự tử.
Dân cư cằn cỗi đi cũng như chính hòn  đảo vậy, dân số đã không tăng từ nhiều năm nay và nói chung mỗi năm chỉ có một đứa trẻ sinh ra ở đây, và cũng thế chỉ có một người chết đi.
Đảo không bao giờ sản sinh ra người xuất chúng, có thể chỉ trừ ra Lavrus Potter và ông này thì đảo giữ lại cho mình. Người ta không chép lại một tiếng nào của bài hát không ngừng của ông. Nhưng kỷ niệm về giai điệu vẫn còn, người ta vẫn còn hát. Đó là tiếng nói của đảo.
Chắc là các bạn ít khi nghe cười to, và các bạn không trông thấy trẻ con vừa chơi đùa vừa cất lên những tiếng reo vui. Nhưng các bạn cũng lại không gặp những người say rượu và những kẻ nói dối.
Tóm lại sự thuần khiết về huyết thống đã tạo cho dân tộc này sức mạnh và sự đồng nhất.
Còn những người khác, các công chức, vợ con của họ thì sao?
Ôi! Khi tôi nghĩ đến họ tôi thấy hình như đã biết hết cả nhân loại rồi. Và tôi cũng thấy hình như tôi tuy bị quên đi trong cái xó hẻo lánh này nhưng tôi đã sống ở một trung tâm đông nhất của thế giới. Đôi khi tôi tưởng gần như mình được phú cho cái nhìn của Chúa, cái nhìn đo được những trái tim và những quả thận.
Bởi vì ở đây con người không thể giấu giếm cái gì được, có nghĩa là những người ngoại quốc, những người bị tội đày biệt xứ, phải bám vào nhau một cách thành thực tuyệt đối, như những người đắm tàu cùng bám vào một mảnh ván cuối cùng do sóng cuốn đi.
Về sau tôi hiểu ra rằng không có gì là mới dưới mặt trời, và cuộc đời mà chúng ta đang sống cũng là cuộc đời mà ông cha ta đã sống trong những thời đại mà chúng ta cho là đã biến mất.
Họ là những người biệt xứ ở trên đảo, họ không  biết điều đó. Họ tưởng là những người đầu tiên tồn tại trên bờ biển này và trong những hoàn cảnh này. Họ ném vào gió những than vãn, những tiếng kêu tự nguyện và gió trả lại những tiếng đó trong những tiếng thì thào rời rạc, gãy vụn.
Cuối cùng mỗi người nguôi đi trong cái tổ mà họ tưởng là đã tự xây lấy một mình, nhưng trong cái tổ đó tôi đã thấy Jacobus Uz, bác sĩ Orebro, bà Éléonore tìm một chốn nương thân.
Linh cảm ngày đầu của tôi không đánh lừa tôi. Một hôm một chàng trai thanh niên, giống như tôi, đã sống ở đây, và từ đó một người thứ ba sẽ bắt đầu lại cuộc sống của chúng tôi, di truyền lại cuộc sống đó cho một người kế tiếp không hề biết gì về anh thanh niên và về  chúng tôi.
Một hạt cát nhỏ của đảo này một hôm đã là một con người và trận bão mùa thu cuối cùng sẽ cuốn hết tất cả chúng ta vào một ngày nào đó, vào trong lòng Chúa của chúng ta.
Bảy mươi năm của tôi ở trên hòn đảo mà các người con chết rồi của nó đã giữ lại mọi thế kỷ trong lòng nó, có nghĩa là  gì?
Là cái mảnh đất mà cuối cùng tôi đã nhận là của mình vì mỗi một hòn đá, mỗi bụi guốc bê là bộ phận cấu thành của tôi. Là tôi phải vững tin rằng còn phải nghe tiếng thở dài từ bên kia các con sóng, tôi phải hiểu rằng mỗi lần tôi hoà mình vào niềm vui nỗi buồn của những người khác là tôi nói với tư cách người ngoại quốc không có quyền khai sinh, không có cái quyền được tổ tiên tôi truyền lại.
Như thế tôi đã sớm quả quyết được rằng dưới vòm trời này chúng ta không có chỗ ở cố định.
Bây giờ thời hạn lâm chung đã gần và tôi sắp khôi phục được những gì người ta cho tôi vay, người ta nói rằng tôi sắp được cho phép như tất cả mọi người khác gọi là của tôi một chỗ ở trên trái đất và có những anh em. Khi người ta cho phép, cho mamzelle Lucie và cho tôi, thì không những lần dit tôi được đưa mắt nhìn xung quanh tôi, cái nhìn tự tin của đứa con trong nhà cha đẻ, mà tôi có cảm tưởng rằng sự phục vụ lâu dài nhưng kém cỏi của tôi ở đây chẳng qua cũng chỉ là sự chuộc tội quên lãng lâu đời của chúng tôi với hòn đảo. Do chúng tôi hòn đảo đã được đưa trở về với đất liền, trong cánh tay của Đan Mạch.
Như chúng ta biết, ở đây không ai nghèo khổ như chúng tôi sau những năm phục vụ, chúng tôi có thể, tôi tin thế, nhận món quà của đảo cho số thời gian ít ỏi còn lại để sống.
Lần sau tôi sẽ nói về bà, mamzelle Lucie ạ, nhưng bà phải đóng cửa lại và ở ngoài kia, nếu không chắc chắn bà sẽ không cho phép tôi nói bà đã là gì đối với tôi.
Và cụ Bek mic với bà bằng một nụ cười làm đỏ mặt một cô gái già.
Chương 5
Erik Lange, Ellen và Honorius dừng lại khi bước ra khỏi túp lều, đầu lối đi vượt qua đầm lầy rồi con đường làng, để đến bến cảng và đến nhà bác sĩ.
Ánh sáng ngọn đèn pha chiếu lên cảnh vật, nó biến mất, loé lên nữa để rồi tan đi sau những đám mây bay liên tục trên hòn đảo. Tuyết phủ mặt đất, tất cả đều im lìm.
Tạm biệt ông Honorius, chúng tôi đi về phía này, bởi vì tôi biết rõ Ellen đang nghĩ đến ai – Erik nói.
Ellen nắm chặt cánh tay chồng. Honorius mỉm cười:
Cảm ơn bà Lange. Bà tự bảo rằng chồng bà không nên nói đến đứa bé và đến tổ ấm của ông bà mà bà sắp tìm lại được trong khi đó tôi trở về căn nhà trống vắng của tôi chỉ có những hồn ma  của những người tiền nhiệm của tôi mà cụ Bek đã nói với chúng ta. Nhưng họ ít nhất cũng sẽ chuyện  trò với tôi về đời sống trên đảo. Chúng tôi là mục sư, bà thấy đấy, theo nghề nghiệp, chúng tôi là người của ngày chủ nhật. Cái tốt là chúng tôi biết tin rằng bên cạnh những thứ khác, họ đã hiểu bài thơ những ngày làm việc như thế nào để rồi đến lúc mong muốn đi đầu đoàn tín đồ, chúng tôi có thể làm cho những ngày ấy thành ngày lễ lớn độc nhất. Và tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ được dẫn đến đầu tiên trong số những cộng đồng tín đồ trước ngôi của Chúa. Tất cả chúng tôi từ vị linh mục của Odin xa xưa đến bản thân tôi,qua đến các cha Công giáo, các nhà cải cách râu xám và luật gia đã trong cả một thế hệ, dạy cho dân  chúng rằng Chúa là hiện hữu. Tôi không loại trừ cả ông mục sư say rượu bị đuổi đi ở các nơi khác và ông mục sư truỵ lạc vì họ cũng là đầy tớ của Người. Bị cả thế giới quên đi, chúng tôi không quên Người.
Sau một cái bắt tay nhanh, Honorius rời hai bạn đường như thể những lời nói của ông đã làm ông e sợ, rồi ông đi nhanh trên lối đi dẫn đến nhà mục sư.