Dịch giả: Hồ Thiệu
Chương 8

Ngôi nhà của cụ Bek nấp dưới mái tảo dạt như bị đè nặng hơn thường ngày, hình như nó phải mang trên lưng tất cả các cơn giận của biển, của cơn bão và nó bị lún xuống, nhục nhã, giữa những cây tùng vàng úa và khô héo.
Chiều nay các cuộc đắm tàu đáng sợ lắm đây – Cụ già nói khi hai người bước vào trong gian nhà bé nhỏ thân mật, có cái lò đang bập bùng ngọn lửa thạch thảo toả tro xuống sàn.
Cụ tin như thế ư?
Tôi sợ thế, ồ, ông bác sĩ ạ, trong một cơn bão như thế này biết bao kỷ niệm lại trở về trong trí tôi, từ hồi chưa có con tàu cứu nạn và người ta phải liều mạng đi ra trên những chiếc thuyền thường, bị sóng ném từng đợt lên bờ. Hoặc là họ bất lực đứng nhìn tai họa của người khác.
Erik và Ellen nhìn nhau. Họ còn phải học hỏi nhiều mới hiểu được thế nào là sống trên đảo. Họ cũng đã phần nào cảm thấy nỗi sợ bão tố, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến bản thân họ, cũng không hề nghĩ đến những người khác phải đi ra khơi và còn cô đơn hơn họ nhiều, vì đối với những người này thì mảnh đất bé nhỏ này là sự cứu nguy hay là cái chết. Hòn đảo rải những mỏm đá ngầm ra xa hàng dặm. Người ta đã nói với họ rằng hòn đảo này giữa biển Bắc là nỗi kinh hoàng của các thuỷ thủ toàn thế giới, nhưng trong hai năm họ sống ở đây thì chỉ có một vụ đắm tàu và mọi thuỷ thủ đều được cứu sống. Erik đã được mời đến săn sóc cho một người trong số họ, một người Nga bị thương ở háng và vai. Nhưng hồi đó thì hòn đảo có quan trọng gì đối với anh đâu! Anh còn phải thăm khám cho bao nhiêu khách nữa nếu biển làm tăng thêm nạn nhân?
Trong mười năm cuối của thế kỷ qua – cụ Bek nói – có hơn ba mươi vụ đắm tàu, hẳn là ông đã thấy được người dân đảo trong trường hợp đó, ông đã mong được là người  của họ và ông đã hiểu được ước muốn của chúng tôi, của mamzelle Camrath và của tôi, là được quyền làm công dân ở đây.
Cụ cười, Erik thâh mật gật đầu với cụ.
Nhưng cụ hãy kể tiếp chuyện của Eberhard đi – anh nói với giọng khẩn khoản – cụ kể cho chúng tôi về lúc anh ấy đến Copenhague.
Tôi cảm thấy rất lo lắng hôm nay – ông già nói – và tôi chắc là tôi không nhầm đâu, tôi đã sống quá lâu trên đảo này rồi, tôi biết rõ là khi nào thì tai hoạ uy hiếp bờ biển của nó, nhưng ông bà muốn nghe thì cũng xin kể tiếp chuyện của tôi cho đến khi nào tôi bị ngắt lại.
Cụ ngồi, những chiếc gối chèn kỹ sau lưng và cụ nhìn qua cửa sổ mở ra hoang mạc, thấy những cột cát như những con ma dài chệnh choạng phía trên những mỏm đá đỏ và những đống đá lửa. Những cột đó ngã xuống, đứng lên, bị đẩy ra xa hơn. Có lúc, trong một tia mặt trời, cái đèn pha hiên ra để rồi lại biến mất. Những bóng ma đi tuần tra xung quanh ngôi nhà cuối cùng của đảo. Chúng cố tắt nguồn ánh sáng đang chỉ cho thuỷ thủ con đường phải theo, và chú ý chạy vào mũi đất để tìm mồi. tiếng súng ầm ầm xung quanh túp lều, những bức tường đổ nát thở dài. Từ cửa sổ con của tầng áp mái phát ra những lời cảnh báo như những tiếng gọi, những chiếc đồng hồ lại vang lên tiếng tích tắc đều đặn và thuỷ chung của nó. Không hề biết tí gì về nỗi kinh hoàng trong giờ phút hiện tại, nó vẫn đi theo đường đi đến vĩnh hằng.
Cụ Bek xua tay trong một cử chỉ bất lực:
Không, tôi không thể tiếp tục chuyện kể của tôi hôm nay, hãy thứ lỗi cho tôi. Tôi tiên cảm một tai hoạ, tôi đoán là có chuyện thê thảm ngoài kia, trên biển. Lắng nghe gió thổi kìa.
Đúng đấy – Erik nói.
Và anh đứng dậy đi ra cửa sổ. cơn lốc cát vừa đập vào đây, trong khi đó, dưới áp lực không khí, khói và những ngọn lửa nhảy ra ngoài lò và tiếng sóng gầm rú càng inh ỏi.
Dù sao, hai năm nay có những trận bão cũng mạnh như thế, nhưng lại không có đắm tàu.
Quả đúng là không phải thời tiết – cụ Bek nói, đôi mắt xanh lơ của cụ quay về cửa sổ - nhưng khi người ta sống lâu năm như tôi giữa biển, cơ thể đoán trước được một cách mơ hồ tai hoạ, như trường hợp ở các loài vật, Jacobus Uz…nhưng ông bà không biết ông ấy là ai, cả những người trẻ tuổi cũng không biết ông ấy đâu, dù rằng đã có ngày cái tên này đồng nghĩa với tên của hòn đảo. Ông ấy lẽ ra đã có thể mua tất cả, kể cả ông hoàng, bằng tiền của ông ấy, và ông ấy thực tế đã mua chúng tôi bằng cuộc sống của ông ấy giữa chúng ta, Jacobus luôn luôn đoán được sự đắm tàu sắp tới và ông đau khổ về chuyện đó hơn tất cả, bởi vì, như ông ấy nói, nếu chúng tôi không có ở đây, đe doạ các tàu bè thì chúng đã có thể đi qua hãnh diện, nhưng để cho dải đất nghèo khổ này có thể mang chúng ta, thì những người con của những bến bờ sướng hơn phải chết. Và ông nguyền rủa hòn đảo. Uz không phải sinh ra để sống ở đây, nhưng ông ta đã phải ở lại đây cho đến khi chết. Biển, sau khi đã ngăn cách ông ta khỏi cái thế giới mà lẽ ra ông phải thực hiện hoạt động con người của ông. Lúc đó ông giấu đầu vào hai bàn tay, run lên vì hoảng sợ trước những cơn sóng mà ông phải trông thấy hàng ngày, ở đâu ông đi tới. Ông đang nằm ngủ ở nghĩa trang giữa bao người đến từ phía nam và phía bắc mà biển đã lấy mất cuộc sống, cũng như nó đã lấy đi của ông. Nhưng tôi tưởng tượng thấy ông ta nhận thức được khi biển phô trương sức mạnh, cũng như là những người ở quanh ông, những nạn nhân của sóng như ông ấy.
Tôi nói càn rồi, nhưng hãy tin tôi, tôi bị lây nhiễm tinh thần lo lắng của Jacobus. Hồi trẻ tôi đã trông thấy ông ta chạy trong những gian nhà tối tăm của bố mẹ ông, cánh tay giơ ra, mắt nhìn lên những chiếc xà nặng trên trần, vừa khóc than vừa vặn cái thân gù lùn tịt. Tôi biết rõ là sự nhạy cảm bệnh hoạn của Uz đã gây ra những lầm lạc đó, không phải chúng tôi đã cắm hòn đảo của chúng tôi ở giữa biển, tôi nghĩ rằng không ai làm việc đó cả. chúng tôi không chịu trách nhiệm về những tảng đá và mỏm đá ngầm ấy. Nhưng trái lại có thể là chúng được đặt ở đây để biếu tặng sự giúp đỡ của chúng tôi hay ít ra cũng để che chở nhẹ nhàng cho chúng tôi trên mảnh đất bé nhỏ này giữa cái độ sâu thù địch. Biết bao lần rồi trước khi thiết lập ra cái tàu đèn pha và trạm cứu nạn, tôi đã thức dậy trong đêm, lòng buồn phiền lo lắng? Hay còn nữa, trong cái trường học nhỏ bé của tôi mà tôi cảm thấy luôn luôn có nước ngập đàng sau mình và cũng như Jacobus tôi nghĩ rằng mình có tội khi được bình yên ở ngoài tai nạn. Biển thật là khủng khiếp, nó chẳng bao giờ đem lại cái gì cả.
Ông già cúi người về phía trước. Bản thân cụ giữa đống chăn lông, trong căn phòng nửa tối, nửa sáng, làn tóc bạc trắng như bọt nước cũng giống như một người chết đuối đến để báo tin những tai nạn khác. Ngay lúc đó, mọi người rùng mình. Những âm thanh ngắn, nhanh và giật, tan mất trong tiếng sóng rồi lại phát ra.
Đấy! Đấy! – cụ Bek kêu.
Cánh cửa trước mở mạnh và mamzelle Camrath bị ném vào trong phòng, hai  bàn tay đỡ đầu, váy phần phật quanh đùi, bão ập vào nhà làm rung kính cửa, Erik lao ra cửa, đóng nó lại rất khó nhọc\
Mamzelle Camrath, ở đâu thế? – cụ Bek kêu.
Ở Stensore – cô rên rỉ - cầu Chúa cứu giúp.
Có một lúc im lặng, họ chỉ còn nghe tiếng chuông chống chọi với cơn bão.
Greis Terner đã trông thấy nó và đã chạy đến điện thoại, đó là thuyền hai buồm dọc lớn, chắc thế.
Họ đã kia rồi, cầu Chúa che chở cho họ.
Cụ Bek chỉ về cái cửa sổ mở ra phía tây, giọng run run.
Như một đám mây bão, người và phương tiện cứu nạn xồng xộc lướt qua dưới bầu trời âm u và chuyển động, tám con ngựa chồm lên ngược gió, tàu cứu nạn màu đỏ lửa, mười một ngư dân mang dây thừng, thắt lưng cứu hộ và đèn lồng chạy hối hả! Cát xoáy đàng sau họ.
Ồ lạy Chúa! – cụ Bek rên rỉ - tôi đã trông thấy cảnh này luôn, nhất là  vào ban đêm, khi bỗng nhiên một tiếng kêu trên đảo xé tan im lặng. một con tàu ở các mõm đá ngầm tây bắc, ở các đá ngầm phía đông, ở Stensore! Và bao nhiêu quan tài, tôi không theo dõi!
Thưa cụ Bek thân mến – Lange cúi xuống, cảm động, về phía cụ già- Không nên nhập tâm chuyện đó, hãy nhớ là cụ đang ốm.
Phải nhập tâm chứ! Ồ, ông Lange, ông có thể chịu đựng được cái đó không nào?
Erik lắc đầu, rồi nhìn Ellen. Cúi về phía cửa sổ, hơi thở ngắt quãng, cô áp khăn mùi xoa vào môi, một bàn tay ép lên ngực. Mamzelle Camrath đứng giữa nhà, đầu cúi xuống, hai bàn tay chắp lại, cô im lặng cầu nguyện.