Dịch giả: Hồ Thiệu
Chương 4 (tt)

Tôi chạy dưới ánh trăng trong hoang mạc rồi dọc theo bãi biển. Tôi chạy đi để cứu nguy quyền của tôi, để làm nhiệm vụ của tôi. tôi chạy về phía cây đèn pha sáng loé và đến đó trong gần một giờ. và khi sắp ngã gục vì mệt, tôi bước đi giữa những cồn cát cuối cùng về phía nhà của người gác với cái mái đen như một chiếc quan tài thì trông thấy cô ấy. Chiếc áo ngủ phập phồng xung quanh cô, cô đi như bay trên cát về phía cây đèn pha.
Anh chồng cao lớn, đen xỉn và râu ria, cầm dao đuổi theo cô.
Cô không ngừng kêu trong lúc chạy trốn và họ biến mất ở trong cây đèn pha. Tôi nghe tiếng kêu của cô vang lên trên hàng trăm bậc thang xoáy như một ngọn lửa đang xoắn lại và cuốn lên trời.
Tôi cố lay cửa đã  bị đóng chặt bên trong. Nhưng ngọn lửa đã phun ra  trên đỉnh, những tiếng kêu vang lên ở các lỗ châu mai. Chiếc áo trắng bay trên cao, anh gác chạy giơ cánh tay ra. Phía trên và xung quanh họ những tia sáng lượn trên bầu trời giống như những thiên thần ánh sáng.
Anh ta đã vứt dao đi và giơ hai cánh tay để ôm lấy cô, cứu cô. Nhưng trong cơn khiếp đảm cực độ, cô đã nhảy qua lan can trắng toát như một cụm tuyết. Còn anh cúi xuống, đen thui, gọi cô và từ hai cánh tay…
Tôi bò trên cát đến tận cái thây vỡ tan của cô và ngã vật xuống, tôi ôm hôn khuôn mặt cô để nói với cô lời vĩnh biệt và chết với cô.
Hình như tôi thấy máu của tôi cũng chảy cùng với máu của cô và tôi đã chết như cô ấy trong sự tắm thanh khiết này – Jacobus Uz giơ hai bàn tay xoè rộng về phía khuôn mặt không có thân, người ta có thể nói đó là hai cánh – lạy Chúa! Jacobus đã chết. Chính lúc bấy giờ là nó bắt đầu sống.
Trán nó cúi xuống, vai nó xoắn lại hình như càng nhô ra.
Anh có muốn biết bô tôi trở nên như thế nào không? Anh nghe nhé. Cái tin anh tôi chết đến với chúng tôi chậm hàng mấy tháng. Hồi đó ai mà nghĩ đến chúng tôi? Chúng tôi chỉ là thành phần quan hệ lủng lẻo với đất nước. tuy vậy lá thư đã tới đúng vào ngày sinh nhật của bố tôi mà ông ăn mừng rất linh đình với tất cả các con trai và nô lệ của ông.
Tôi trông thấy mồm ông mở ra như một vực sâu và tôi hiểu vì sao. Hiện giờ ông có hai kẻ thù trong số những người chết.
Rời bàn tiệc, ông về phòng mình, đóng cửa lại.
Từ ngày hôm đó, như hồi còn mẹ tôi, nhà vang lên tiếng hát và tiếng kêu. Ngồi trong góc phòng tôi lắng nghe, lắc đầu theo nhịp.
Đó chính là cái nhà tự hát lên, nó tự bỉêu lộ như anh tôi trong giấc mộng, cái nhà tự thú những bí mật với những ngọn sông, đến tận những đao phủ và những nạn nhân của chúng tôi để cho họ biết những gì xảy ra tại đây. Như một người già lẩm cẩm không biết giữ mồm giữ miệng, nó hát lên những bí mật của nó. Khi nào tiếng hát kết thúc, nó sẽ lao xuống đáy biển. vậy mà không, không phải thế, một hôm tôi ngồi trên ghế đang đập nhịp thì những âm thanh quen thuộc bỗng ngừng lại đột ngột. đầu tôi bị lòi dài ra phía trước như đầu một kẻ bị chém. Tôi vểnh tai nhưng không nghe thấy gì hết. Tuy nhiên ngôi nhà vẫn đứng nguyên và tôi ở trong đó một mình.
Khi tôi đẩy cửa vào phòng bố tôi, ông đã nằm vật trên sàn. Hình như trong mạch máu chưa bao giờ có chảy máu người. Hay là cái giá lạnh quá đột ngột, ở đây mặt đất thù địch với cuộc sống con người khiến cuộc sống phải mất đi trong nháy mắt như một giọt nước trên băng.
Một mình với xác chết đó, tôi bắt đầu ngẫm nghĩ về cuộc đời của bản thân tôi.
Tôi đã tự do! Tự do! Tôi ngắm những bức tường xám, cái cửa sổ chắn lưới, biển ở ngoài xa. Tôi tự ngắm mình, nhớ lại rằng tôi đã bốn mươi lăm tuổi.
Bất thình lình tôi lao vào cái xác không hồn, tôi cắn vào mớ tóc lạnh giá, vào cổ họng cứng đờ, vào ngực của ông. Nhưng cái nhìn của đôi mắt chết nói với tôi: con trai của ta, chúng ta là những con linh cẩu, cả hai ta, và tôi đứng lên với một tiếng kêu kinh hãi. Tôi muốn chạy trốn khỏi ông ấy, xa khỏi tôi, và rồi tinh thần nắm lấy tôi một lần nữa, tinh thần thiêng liêng của điệu nhảy.
Tôi thấy lại con bướm độc nhất ấy run rẩy bay trong ánh sáng của căn phòng buồn tẻ, trái với nền biển xám xịt, con bướm lại rất nhẹ nhàng và màu trắng sáng chói. Và tôi giơ tay để bắt nó, tôi chạy, nhảy bổ đến khác nào tôi có thể cuối cùng giũ bỏ được cái gánh nặng đè lên tôi, giải thoát cho tôi khỏi cái bướu, giải thoát tôi khỏi bố tôi. Tôi chạy vòng tròn quanh con bướm. Tôi đi ra khỏi bản thân tôi, tôi làm nổ cái vỏ bọc của tôi, tâm hồn tôi được giải thoát của tôi, con bướm bay đi. Cuối cùng tôi ngã xuống ngất xỉu trên thân thể của bố tôi
Sau đó tôi được giải thoát, chàng trẻ tuổi ạ. Như con bướm, tôi vươn lên trên những xác chết của tổ tiên tôi.
Còn hòn đảo, thì không phải là một nhà tù nữa, đó là thế giới. Tôi chỉ nhận ra điều đó từ lúc ấy và bây giờ thì tôi tin chắc là thế.
Chính ở đây tôi đã sinh ra, chính ở đây tôi sẽ chết. Bố tôi đã buộc tôi ở đây trong thời niên thiếu, cái bướu giữ tôi lại đây trong thời thanh niên. Giờ đây tôi bị gắn với những nơi này, vì sự tái sinh, vì những hối hận, vì công trình mà tôi phải làm trọn.
Cuối cùng tôi sẽ thắng lợi. Mọi người sẽ trông thấy tôi như anh trông thấy tôi bây giờ, thẳng người, dong dỏng cao trên ngọn núi Sonderbjaerg và không có bướu. Tôi sẽ làm xuất hiện lại khu rừng lam trên mảnh đất đã uống máu của tổ tiên tôi, những nạn nhân của tôi, và sẽ uống máu của tôi để kết thúc.
Vâng, tôi sẽ sáng tạo hòn đảo như tôi đã ước mơ, bằng thực thể của tôi và tôi sẽ cứu nó. Nếu không phải là trước thì sẽ là sau, sau khi tôi chết...Cũng như linh hồn của tôi đã thắng thể chất tôi, cũng như lòng tốt sẽ chiến thắng ý tưởng xấu xa độc ác. Lúc bấy giờ sẽ kết thúc truyền thuyết về họ hàng nhà Uz và tôi, người cuối cùng của nòi giống nhà tôi, tôi sẽ làm theo ý chí của Chúa”.
Ông lọt thỏm vào trong chiếc ghế bành và tôi chỉ còn trông thấy một khuôn mặt nhợt nhạt nhưng lại là một khuôn mặt rạng rỡ hạnh phúc. Tiếng nói của ông tiêu tan thành một tiếng thì thầm êm ả, hứng khởi. 
Bây giờ anh đã biết Jacobus Uz, và đã biết hòn đảo. Anh hãy đến thăm tôi khi nào thấy biển quá rộng và đảo quá bé, tôi sẽ chỉ cho anh thấy rằng anh đang ở ngay giữa thế giới, ở trong hòn đảo sống giữa những con sóng.
Nói xong ông đứng lên, khập khiễng đi ra, giơ hai cánh tay để mở cửa. rồi ông bước sang phòng ngoài và dừng lại hít vào thật mạnh không khí đêm lạnh toát. Chúng tôi trông thấy bầu trời và  biển khơi, bóng tối di động gần như bị cắt nhỏ bởi ánh sáng của những mào bọt nước. tiếng sóng rì rào trong không gian.
Jacobus Uz hất đầu về phía biển khơi rồi chỉ các cửa sổ bên phải và bên trái.
- Cô và dì tôi vẫn ngồi ở kia, mắt họ dán ra biển...Cô tôi tìm ở đấy người chồng đã rời bỏ cô ấy vừa vặn đúng sáu tháng sau ngày cưới và không bao giờ về nữa. Cô ấy khóc, tưởng rằng chồng đã chết, cho đến bảy năm sau nghe nói người ta trông thấy ông ấy ở một cảng ở Nam Mỹ. Từ đó, cô ấy ngồi ở cửa sổ và nhìn biển. Dì tôi đợi con trai, một đứa con bất hợp pháp mà khi mới mười ba tuổi đã bị bố tôi phái lên một trong những chiếc tàu thuỷ sắp đắm. Chiếc tàu đó người ta không bao giờ nghe nói đến nữa...Cả hai bàtìm người của họ như thể tìm trong số những người rượu đi không bao giờ có ai trở về.
Chúng tôi dừng lại lâu trên bậc thềm trước nhà họ Uz giữa những đụn cát. Không có chút ánh sáng nào chiếu trong nhà của nhân viên hải quan cũng như trong nhà của thương gia. Hồi đó, đầu đê chắn sóng không có đèn hiệu chiếu ánh sáng thăm dò xuống biển. Chỉ mình chúng tôi ở trong bóng tối xâm lăng, tưởng như chúng tôi là con người cuối cùng trên trái đất này. Hơi đêm lạnh buốt phồng lên trong ngực tôi.
Hình như Jacobus Uz đoán được ý nghĩ của tôi, vì ông lắc đầu:
- Đấy là sự an ủi, một ngày kia ở đây chỉ còn hơi thở của ban đêm. Hòn đảo này sẽ là đảo của những người chết. Nhưng một khi chúng ta cùng nhau ở đấy tôi sẽ là bạn của anh sau cái đêm này.
Ông siết chặt bàn tay tôi trong bàn tay ông và biến đi nơi cánh cửa như trong đêm ông đã hiện ra.
Tôi sờ soạng tìm giữa những cồn cát và mõm đá con đường về làng, về gian nhà của tôi rồi ngủ ở đấy.
Cũng đêm đó bão thổi từ biển vào. Kiệt sức, tôi ngủ như thể tôi đã để lại cả cuộc đời ở bên kia những ngọn sóng, nhưng trong giấc ngủ tôi không ngừng nghe vang vọng của một tiếng nói mạnh mẽ, tôi nghe nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Hình như tôi còn sống nữa, nhưng tôi đã bị cuốn đi xa hắn mọi người, mọi bến bờ, đến một dãy núi cách biệt chìm sâu bên trong và vươn lên bầu trời vô tận lấp lánh một vì sao đơn độc.
Cuối cùng tôi hiểu ra rằng tôi ở đâu, nhưng tôi có cảm tưởng rằng những ngọn sóng xô vào hòn đảo, vào tất cả chúng tôi và nhấn chìm chúng tôi. Tuy nhiên ngôi sao đơn độc nhất lấp lánh trên cao như một lời kêu gọi, phía trên sự tàn phá toàn thể. Bởi vì toàn thế giới đã ngập chìm và hòn đảo này là mảnh trôi dạt sống sót sau trận đắm lớn.
Chúng tôi lần đi, tất cả dắt tay nhau, Jacobus Uz đi đầu và hoàng thân ở cuốidây dài tiến tới vì sao, về với Chúa. Chúng tôi, những người sống sót cuối cùng của trái đất, đi tìm lại những anh em đã được cứu thoát trong con tàu mới của trời.
Tỉnh dậy, nhìn phong cảnh qua cửa kính bám sương tôi thật sự cảm thấy trong một lúc rằng mình đang ở trên chiếc thuyền con ở trên cao đó. Bầu trời xanh biếc, tôi có thể tưởng tượng rằng chúng tôi đã vượt qua mọi miền sương mù và bão tố. Đàng sau những mái rạ hay tảo dạt đã phủ rêu xanh, sau những bức tưởng trắng và tán lá vàng cuối cùng của các khu vườn, hoang mạc trải rộng một màu nâu đỏ. Biển long lanh trong nắn mặt trời àm cái bánh xe sáng chói đốt cháy hầu hết những cồn cát trắng.
Tôi rùng mình trong chiếc áo phong phanh. Không khí trong gian áp mái lạnh giá. Tôi thấy hình như cái ngày siêu nhiên không phải được tạo ra cho tôi, cả những ngày âm u hôm qua và hôm kia cũng vậy. Tôi đã bị đuổi ra khỏi bề mặt của bầu trời và tôi chưa hiểu được những dáng vẻ biến thiên của nó.
Bất thình lình một tiếng động làm tôi rùng mình, như một tiếng gọi của chính bầu trời xanh.
Mày có trông thấy ông ấy không? Ông ấy đến hôm thứ sáu bằng tàu Coquillage phải không? – một tiếng trẻ con nói dưới cửa sổ nhà tôi.
Tôi đứng dậy và cảm thấy hơi nắng ấm áp toả vào trong gian nhà ẩm thấp tối tăm của tôi.
Phải chăng ngày mới gọi tôi? Nó cần đến tôi ư? Tôi phải làm cho ai một cái gì chăng? Người ta chờ đợi tôi? Phải chăng tôi có một công việc phải làm và công việc đó là sự giải thoát của tôi?
Tôi vẫn nhớ lại nỗi hoảng sợ trẻ con trước những năm đã qua mặc dù người ta không bao giờ mừng sinh nhật tôi. Eberhard và tôi chỉ ăn mừng ngày Chúa giáng sinh, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình bị đẩy tới tuổi trung niên không thể nào cưỡng nổi. Những khi Eberhard cầm tay tôi đi dạo buổi tối, tôi thường lùi lại trước tiếng ồn ào nhộn nhịp, và sự sợ hãi tương lai đã khiến tôi quay mặt về phía gian nhà áp mái của chúng tôi. Giờ đây tôi đã là một người trưởng thành, nhưng liệu tôi có đi tìm lại căn phòng hồi  trẻ con của tôi ở trường tiểu học, nơi tôi sẽ chỉ có toàn trẻ con vây quanh? Giải toả được sức nặng của năm tháng tôi có thể lắng nghe tiếng thì thầm của biển và thời gian không?
Tôi nhảy xuống giường, chạy ra cửa sổ và mở cửa. Tôi hít thở không khí ẩm ướt hơi nước và sương mai ngát hương thạch thảo.
Lần đầu tiên tôi hít thở dưới bầu trời mênh mông. Lần đầu tiên tôi tự do vì được buộc vào mảnh đất này. Hòn đảo xa lạ và hoang dã này muốn tôi đúng là tôi, vì thế nó là đất nước tôi, là tổ ấm của tôi.
Trước cầu thang hoàng thân đi bách bộ. Mũi ngửa lên, ông hít vào hơi mát ban mai. Từ trên cửa sổ, quanh những cây to tôi nhìn thấy khu vườn của ông còn chìm trong bóng tối như bao bọc hơi nước và ánh sáng, những cửa sổ mở.
Dưới cửa sổ của tôi Malene đầu trần, cánh tay cùng trần khoanh trước ngực như vẽ ra một vầng hào quang dưới những lọn tóc xoăn vàng óng.
Những con thỏ rừng chạy trên hoang mạc đuổi theo chính những cái bóng của chúng, những chim mòng biển bay rạch ngang dọc không gian xanh. Ở đàng xa ngọn đèn pha chiếu lấp lánh như một cánh buồm.
Tôi cầm chiếc đồng hồ của tôi, chiếc đồng hồ nặng trịch của Khu Rừng Đen, vốn thuộc về Eberhard. Nó chỉ mới bảy giờ. chúng tôi mãi tám giờ mới bắt đầu. Thế thì đến đó tôi sẽ tà tà leo hẳn lên ngọn Sonderbjaerg, từ trên đó có thể nhìn bao quát cả đảo, như lời người ta nói, không biết có phải không.
Tôi thèm được xem hòn đảo của tôi trong buổi sáng xanh biếc này. Khi xuống cầu thang thẳng đứng của nhà khọ tôi thấy hình như những con ma của những ngày hôm trước phải nhận ra rằng mối lo sợ mà chúng gợi ra cho tôi và nỗi cô lập của tôi đã biến mất, cả hai đã bị bão đêm qua cuốn đi hết. Hòn đảo chẳng phải đang mỉm cười với tôi như như thể một bà mẹ nhận ra đứa con của mình đó ư?
Xuống dưới cầu thang tôi gặp ngay đôi mắt vàng ánh và đôi má rực lửa của Malene. Mặt trời chiếu lấp lánh những sợi lông tơ trên cánh tay trần của cô. Một nỗi đau đột ngột lại đến với tôi. Tôi có cảm tưởng một ngọn lửa bốc cháy lên trên đảo, tôi đang bước trên một ngọn núi lửa. Nhưng tôi biết rằng tôi không còn lo sợ bị thiêu cháy nữa.
Malene mỉm cười với tôi để lộ hàm răng trắng muốt.
Đã dậy rồi à? Anh có muốn uống sữa không?
Vừa làm bay cát dưới chân, tôi ấp úng rằng tôi muốn leo lên đỉnh Sonderbjaerg.
Malene đưa đôi mắt rực cháy nhìn tôi thật nhanh, rồi một nụ cười có lẽ dành để giảm bớt sức nóng.
Vậy thì chạy nhanh đi, ông sinh viên ạ.
Tôi không dám nhìn cô, bước bốn bậc một xuống dưới.
Hoàng thân dừng cuộc đi dạo. Ông tựa vào cây gậy như tựa lên một chân thứ ba, và tôi có thể nhìn sát mặt ông. Đó là một con người suy sụp, cái mặt nạ một xác chết của một dòng giống danh tiếng và anh hùng, tóc bạc rối bù, một cái trán nghiêm khắc, một cái mũi khum, một cái mồm xệ xuống, một chòm râu vàng khè. Giữa đôi lông mày với những mạch máu xanh hai con mắt bé tí nhấp nháy. Thân hình đồ sộ lảo đảo trên đôi chân khoèo.
Chào anh sinh viên trẻ - một giọng khàn khàn và rít gió nói với tôi trong lúc một bàn tay đeo găng vàng bộc lộ một cử chỉ thân thiện – Nếu tôi không nhầm thì tôi đang đứng trước một phụ tá mới của Ngài mục sư Rasmus Schwarzflugel.
Tôi cúi mình, cái mũ lưỡi trai áp sát vào tim đang đập loạn nhịp. Tôi đâu có cần thiết phải gặp ông ta đúng vào lúc này?
Tôi nghĩ đến những bàn tay tìm kiếm đó, những bàn tay tử thi của cái buổi tối đầu tiên, đến những câu chuyện mà thuyền trưởng và Malene nói ra. Một ánh sáng lo ngại loé lên trong cặp mắt ti hí của hoàng thân, tôi ngửi thấy mùi rượu cô nhắc trong hơi thở của ông. Ông ấy là chủ của hòn đảo, tất cả chúng tôi đều thuộc quyền sở hữu của ông ấy…
Chào mừng người mới đến đảo của tôi. Tôi vui lòng mỗi khi một người có học thức đến tăng thêm hội của chúng tôi. Hội bé thôi, nhưng thực tế là hạng sang đấy.
Bàn tay ông quắp vào vai tôi và kéo tôi vào bộ ngực ông nhưng lép kẹp dưới cái áo loè loẹt hình trang trí của ông.
Và tôi kinh hãi ru nlên như thể bất lực tự bảo vệ mình, tôi đã lao vào trong cái lò lửa đang bừng cháy trên hòn đảo theo ý thích của chủ nó…Và nói rằng tôi đã tin…Ôi lạy Chúa! Tôi đã tin…
Cảm thấy mình chết, tôi giương mắt đưa về phía hoàng thân một cái nhìn hàm ý "Tôi không phải sinh ra cho cuộc sống của người lớn, cho sức nóng, cho những thắng lợi của cuộc sống đó. Ông hãy hiểu cho và  buông tôi ra, trả tôi về với thời trẻ con".
Bỗng dưng bàn tay ông nới ra, màu đỏ phai trên đôi má hốc hác của ông biến mất, và ánh sáng sắc sảo của đôi mắt ông nhường chỗ cho một nụ cười mơ hồ.
Thôi nào, anh bạn nhỏ - ông nói, vừa đánh khẽ vào tôi như thể một người cha, trogn khi ở trên kia Malene cười với tôi – Anh đừng sợ, tôi là cha của đảo, hãy nhớ điều đó, người cha. Tôi không ăn thịt ai cả, hãy hỏi mọi người, họ sẽ nói cho an hbt. Anh là một chú bé tử tế, tôi thấy thế. Bây giờ thì đi nhanh đi đi, nhanh đi, nhưng hãy trở lại gặp tôi và anh sẽ được biết rằng hoàng thân Philip Gebhard 19 có một cuộc sống dễ chịu ở đây. Hừm! Hừm!
Ông lắc đầu làm bay những lọn tóc dưới cái mũ cao vành màu ghi. Rồi tựa vào cây gậy, ông đi bước thấp bước cao giữa những con đê mọc đầy cây guốc bê xám xanh.
Tôi nhìn theo đôi vai nặng nề, cái lưng dài, những cẳng chân khoèo của ông lảo đảo dưới chiếc áo khoác. Bàn tay của ông đeo găng vàng vung vẩy trong không khí, dưới vòm lá úa vàng và những quả cây cơm cháy chín nẫu. Bóng những lưới cá căng phơi rung rinh xung quanh ông.
Ông ấy là ai, ông ấy như thế nào? Ông ấy có đúng như tôi đã trông thấy buổi chiều đầu tiên, chính là thần chết đã đuổi những người sống khỏi đảo? Hay như ông ấy vừa nói cho tôi, và như cái nhìn của ông xác nhận, ông ấy là cha của vùng này, là ông già khốn khổ và khoan dung? Một tiếng thở dài khuây khoả buột ra khỏi ngực tôi. Tôi đã tránh khỏi ngọn lửa gớm guốc đốt cháy hòn đảo. Tôi đã thoát khỏi nó ở đó như con bồ câu trong truyền thuyết đã ra khỏi ngọn lửa, đôi cánh không hề gì. Tôi đã tránh được, thoát khỏi một sự hưởng thụ mà tôi tiên cảm với nỗi khiếp sợ, giải toả được một bổn phận mà tôi không có sức thực hiện.
Trước chân trời bao la và lung linh trong không khí lạnh buốt, tôi lên tới đỉnh núi Sonderbjaerf, hết cả hơi, tay chân sầy sướt vì chuyến leo trèo vất vả. Tôi hiểu ra rằng cũng giống như tôi một mình trên núi này, tôi sẽ bị tách biệt mãi mãi bởi vì tôi đã được giải thoát khỏi thế giới ở kia sau cái gờ lấp lánh và gợn sóng của bầu trời, được giải thoát khỏi sự học tập mà cả thể xác lẫn tinh thần của tôi đều không có sức theo đuổi, được miễn phải đáp ứng những chờ đợi hoặc của Eberhard, hoặc của ông tôi mà đối với tôi là hoàn toàn không kham nổi, được miễn một cuộc chiến đấu như Adam phải tiến hành vì danh dự và quyền lực, được miễn cuộc chiến đấu của Augustin vì đồng tiền.
Vâng, tôi đã tự do, miễn phải sống một cuộc đời với Dorete Honorius, một cuộc đời phong phú thêm vì lao động và tình yêu.
Tôi không quên nó đâu, nhưng lần đầu tiên lên đỉnh Sonderbjaerg, tôi run lên khi nghĩ rằng trái với những giấc mơ của Eberhard, hiện giờ tôi đang ở nơi mà tôi phải sống, bên ngoài những đồng bào của tôi và các điều kiện sống của họ, tránh khỏi niềm vui và nỗi khổ.
Chúa đã dìeu  bước chân tôi đến tận cửa Dorete Honorius. Hôm nay người đang hướng dẫn những bước chân đó lên đến đỉnh Sonderbjaerg và tôi cám ơn Người đã tạo ra những người như tôi.
Và tôi thề rằng một ngày kia Chúa sẽ thấy tôi ở đây, vì Người đã dẫn tôi đến bằng chính bàn tay của Người.
Rồi tôi ngắm lãnh địa mà Người đã cho tôi và là nơi mà Người đã buộc tôi  vào.
Tôi mười tám tuổi, có bảy dặm biển hay là hàng ngàn dặm cách xa nơi gần nhất. Tôi một mình, với những người ở ba ngôi nhà cách biệt, hoàng thân, Jacobus Uz, nhân viên hải quan, những người đang sống trong ba mươi lăm túp lều tụ tập dưới chân tôi. Nghĩa vụ của tôi là hoà lẫn vào với họ, quyền của tôi tuỳ thuộc vào họ.
Tôi lắng nghe, tôi thở trong tiếng gió rít và sóng thì thầm. một ngày kia tai tôi sẽ vĩnh viễn bưng lại và sự hô hấp của tôi ngừng lại nhưng tiếng gió và tiếng biển sẽ tồn tại không thay đổi.
Tôi lăng nghe hơi thở của vĩnh hằng đi qua hòn đảo với hơi thở yếu ớt của tôi, rồi tôi quay lại, leo xuống núi Sonderbjaerg, đi về trường để bắt đầu cuộc sống của tôi.
Nhưng trước tiên tôi vào một nhà nguyện nhỏ, theo như người ta nói với tôi thì nó được xây dựng một thời gian sớm hơn. Bây giờ nó còn đứng ở lối vào hoang mạc sau bức tường xám của nghĩa địa mới, nơi yên nghỉ của hoàng thân giữa những nấm mồ các thuỷ thủ của chúng tôi và thuỷ thủ ngoại quốc mọc đầy cỏ hiếm.
Ngập ngừng một lát trước ngưỡng cửa rồi tôi để cánh cửa mở hé và đi về phía bức tườngthành, dựa sát vào bức tường này là cái quan tài độc nhất mà tôi thoáng thấy buổi chiều khi mới đến. Tôi lùi ra xa, sững sờ như không được yêu  cầu mà dám đến bên giường người chết. Tôi tưởng là lúc bấy giờ một người chết đang đợi người ta đem chôn mình trong cái mồ đã mở này.
Hôm nay Malene cho tôi biết rằng cái quan tài này luôn luôn chờ đợi dưới cái nhìn của hoang mạc xám và bầu trời  xám, một ai đó có thể là vẫn thường khiêu vũ trên một boong tàu, ở trong một cảng nắng chói miền chí tuyến, có ngờ đâu bị đẩy không thể nào cưỡng nổi tới bờ  biển của chúng tôi, phải, lên đất của chúng tôi, đã bị ngâm nước, kiệt sức vì bị sóng và định mệnh đưa đi.
Ôi! Chỉ được có một lát, bởi vì tôi ngồi dậy ngay và bước ra ngoài quan tài, đậy nắp lại, phủi hết vỏ bào và bụi dính trên quần áo. Một phút sau tôi đã ở trên bãi cỏ và chạy đi làm việc. Nhưng từ đó, mỗi lần tôi về với chiếc quan tài, mặc dù không có ai nói gì với tôi, tôi vẫn chắc chắn rằng mình không phải là người duy nhất tìm sự nghỉ ngơi ở đó mà không ai biết. Những người khác đã để lại trên những vỏ bảo một dấu vết khác với dấu vết của cơ thể tôi. Chiếc quan tài giao cho chúng tôi mặt trời vĩnh cửu ở trên hòn đảo không  bóng tối này.
Trường học toạ lạc ở sau nhà thờ chật hẹp và thấp đến nỗi tôi khó mà đứng thẳng dưới những xà nhà đen ngòm. Ba  cửa sổ mở ra một đường phố ánh sáng mặt trời có những cây liễu mọt ruỗng và những lưới cá.
Học sinh ngồi sau những cái bàn kê sát vào nhau đến nỗi khi ra vào chồ phải bước qua. Sinh ra từ trên đất này  cũng như các tiền bối của chúng đã sinh ra ở đây từ bao thế kỷ, bọn trẻ này sẽ lớn lên và héo tàn đi ở đây, tôi cũng thế.
Tôi trông thấy gian phòng mà ở đấy tôi phải trải qua và tôi thấy những người mà vì họ đời tôi sẽ trải qua. Tôi thấy tấm bản đồ trái đất hoen ố treo trên tường. Tôi thấy cái cửa sổ mở ra vùng sóng biển. Trước mặt tôi, những đôi mắt mở to ra thế giới bao la.
Và trong khi tôi ngồi trên chiếc ghế rơm trên bục trước những khuôn mặt trẻ con, tôi có cảm tưởng rằng trong chỗ chật hẹp này chúng tôi đang ở ngay giữa trung tâm vũ trụ.
Mảnh đất nhỏ này của đảo đã được làm từ tro bụi của giống nòi chúng, trong từng giờ tập hợp lại những khoảnh khắc của quá khứ.
Trước chúng tôi, những người khác đã ngồi trên ghế thế này, trên những ghế dài kia trong một chuỗi dai năm tháng và một ngày ki khi những đứa trẻ này lớn lên cũng như những đứa con của những đứa con chúng rồi đến những đứa con của những đứa ấy nữa, tôi sẽ vẫn ở đây mãi mãi.
Tôi sẽ sống trong lòng những đứa trẻ ấy, tôi sẽ bảo đảm đời tôi trong khi bảo đảm đời của chúng.
Và tôi cảm thấy với một sự thừa nhận kinh hoàng rằng chỉ mới hơi thuộc được bảng tính nhân tôi đã được tạo lập để thành  giáo viên, giáo viên ở lớp học đó và cho những đứa  trẻ đó.
Tôi bắt đầu cái giờ đầu tiên của hàng nghìn giờ của tôi với nụ cười và đã được đáp lại bằng nụ cười của những đứa trẻ.
Vì vậy, các bạn – Cụ Bek thong thả ngoảnh đầu sang ba người trẻ tuổi – vì vậy nếu các bạn muốn biết đời tôi thì cứ đến trường. Phòng hoc, bục giảng, ghế dài đều nguyên như hồi ấy. Nhưng bây giờ, ông mục sư, chính ông sẽ đảm nhận chỗ của tôi như tôi đã nhận của mục sư Schwargflugel ngày xưa.
Đó là những ngày đầu tiên của tôi trên đảo. Vô vàn ngày khác tiếp theo những ngày ấy. Chúng đều giống nhau cả.
Ông bà bác sĩ đã sống ở đây khá lâu rồi  thì hẳn là biết rõ điều đó, còn ông mục sư thì tôi mong rằng ông cũng sẽ ở lại lâu để hiểu rằng không có một nơi nào trên thế giới này lại bị Chúa ruồng bỏ đến thế và đồng thời cũng lại gần gũi  với trái tim của Chúa như nơi này.
Ông sẽ am tường những ngày mà người ta lang thang như những bóng đen, lắng tai nghe từng tin tức đến từ bên kia những ngọn sóng để nhắc cho chúng ta biết về những người sống đàng sau chân trời.
Hoặc là những ngày mà cuộc sống và tình yêu đã ngừng cuỡng bức, chúng ta nằm ngủ giấc ngàn thu trong một ngôi mộ bị lãng quên như những con sâu trong hang chuột nhũi.
Có thể ông sẽ còn biết rõ cả những ngày mà màu trời lẫn với màu sóng khi vầng dương rực sáng, người ta thấy xuất hiện những đá ngầm chói lọi, những ngày mà người ta nhảy múa trên cát nóng bỏng trong cái không trung của Chúa cũng  bất diệt như Người, cũng quên trái đất đi như Người.
Ông đã run sợ trên hòn đảo này khi biển và trời phồng lên xung quanh, nó như nước lũ xung quanh một chiếc lá nhỏ trôi dạt lênh đênh\
Ông đã quan sát nó khi nó xuất hiện trắng như tuyết trên mặt biển âm u mùa đông, là chỗ náu cuối cùng của cái thế giới đang bị chìm nghỉm. Ông đã sống qua những ngày đầu tiên và những ngày cuối cùng của mảnh đất này – như thế ông sẽ hiểu cuộc sống của tôi cũng như tôi đã hiểu nó sau bốn mươi tám giờ lưu trú.
Jacobus Uz từng nói với tôi rằng con người ta không muốn sống tất cả thời gian dành cho nó, nhưng nó lại khát khao đốt cháy một cách say sưa cái chốc lát ngắn ngủi của mừng vui hay hăng hái.
Nó kéo mở cuộc đời của nó như tháo một chuỗi vòng kiềng để vui chơi với những hạt ngọc của khoảnh khắc cho tới khi nó đánh mất tất cả chúng và nó sẽ không còn gì. Nó sợ cuộc sống hơn cả cái chết. Nó chỉ có thể sống bằng cách biến cuộc sống thành cái chết, bằng cách quên đi cuộc đời.
Nhưng chúng ta thì không thể chạy trốn thời gian cũng như không thể chạy trốn khỏi đảo. Không có một ngày lễ hội nào được trao cho chúng ta từ trong cuộc sống thường nhật. Không có gì là mới cả bởi vì tất cả là vĩnh hằng. Mỗi buổi sáng chúng ta gặp người này người nọ trước mặt một chân trời như vậy. Chúng ta quen biết nhau, chúng ta lại quen biết nhau. Chúng ta nghe tiếng đập của trái tim chúng ta, nó không làm điếc tai chúng ta và chúng ta hiểu được rằng khoảnh khắc thì dài mà thời gian lại ngắn.
Bây giờ tôi sắp đi khỏi đây mà tôi thấy hình như tôi mới tới hôm qua. Tuy nhiên tôi nhớ được từng ngày của nửa thế kỷ này. Còn đối với những người đã chia sẻ với tôi những ngày đó thì làm sao tôi lại có thể quên được họ bao giờ?
Đã hơn ba mươi năm rồi Jacobus Uz và Agnete rời bỏ tôi thế mà mắt tôi vẫn còn nhìn thấy họ bên mỗi mỏm đá, trên mỗi quả đồi. Có nơi nào họ đã không đi qua, nơi nào tôi không gặp họ? những cuộc gặp gỡ của chúng ta không xảy ra trong một trường hợp đặc biệt, nó không chỉ diễn ra trong những ngày lễ hội, không, nó lặp đi lặp lại trong đời sống hàng ngày. Sự tĩnh lặng của khoảng thời gian và của cuộc sống hàng ngày đối với chúng tôi là một tài sản chung. Ở trên đảo chúng tôi đã học được cách tự chiếm lĩnh mình và chiếm lĩnh người khác, và phải chăng đó cũng là chiếm lĩnh thời gian?
Như vậy không phải là tôi đã vượt biển đến hòn đảo của những người chết mà đến đảo của những người đang sống.
Lần sau tôi sẽ nói chuyện với các bạn về cái thời kỳ khá dài mà cũng khá ngắn này, về những khoảnh khắc nhiều vô kể do chúng ở trong thời gian cũng như máu trong huyết quản của tôi. Mỗi khoảnh khắc đó chỉ là một giọt nhỏ, nhưng tất cả chúng họp lại chỉ tạo ra một dòng chảy duy nhất và nóng như nhau. Tôi sẽ nói với các bạn về tôi và về những người mà tôi đã biết rõ họ đến mức cảm thấy và hiểu biết Chúa trong họ.