Chương IV

     ỹ hối hận vì cô thiếu tế nhị, đã làm Tân đau khổ. Cô dỗ ngọt:
- Em xin lỗi đã chạm lòng anh. Thôi, hãy quẳng gánh ưu tư, chúng mình đi xem hát nhé anh?
Tân mâu thuẫn trong tình yêu Nguyệt. Yêu say nên cay đắng. Mất đối tượng cuồng si, tình yêu trở thành đi hoang như thuyền trôi trên sóng cả, bất chấp cặp bến nông, sâu. Giọng ngọt ngào của Mỹ đã cuốn hút lòng Tân. Cậu chấp nhận ngay lời đề nghị của cô:
- Vâng! Anh muốn cùng em sống trọn những niềm mơ ước thuở xưa.
Mỹ choàng vai Tân, đôi bạn rời bỏ hồ sen tiến về đình làng.
Quang cảnh ngày hội thật náo nhiệt. Người đông như kiến cỏ. Khán giả xem hát tràn ra đến sân đình. Tân cố len lỏi để đưa Mỹ vào trong, nhưng vô hiệu. Mỹ kề tai Tân bảo khẽ:
- Anh bạch diện thư sinh, bọn trai làng lực lưỡng, chúng chẳng nhượng anh đâu! Để em dẫn đầu, hy vọng họ sẽ cho qua.
Nói đoạn, cô nàng lách thật khéo. Trong phút chốc, cả hai đã vào đến tiền đình. Bấy giờ Tân mới thấy lời đồn về Mỹ chẳng ngoa. Thân đào thơ, vóc liễu yếu, nhưng nội lực thâm hậu. Cô đã đẩy lùi sức vóc của đám trai làng bằng thế và bằng trí, chứ chẳng kẻ nào nhường người nữ như lời cô khiêm nhượng.
Tuy nhiên sau cùng cả hai đành thúc thủ trước động lực ghiền xem hát của đại chúng. Cô và cậu đi tay không, thiên hạ kẻ xách ghế, người khuân cả chân ván gõ để làm chỗ ngự hầu xem cho mãn nhãn. Các chướng ngại vật đó xây hàng hàng lớp lớp tạo thành những vòng rào kiên cố. Mỗi khi đào thương, kép độc diễn trò cụp lạc, chẳng ai bảo ai, họ đồng loạt thân chồm miệng hét. Rừng người phía trước vừa xem hát bội vừa trình diễn thời trang uốn lưng, ngoáy thể. Thành phần đứng sau chỉ được thấy cảnh quan họ, xem mông đến phát chán chê!
Sự hứng khởi của tâm can là động lực gây chen lấn tích cực. Quần chúng đã đưa Tân và Mỹ đến tuyệt lộ là chiếc cột đình làng. Mỹ đành quay lưng lấy cột làm điểm tựa. Tân đem thế võ dỏm để giữ khoảng cách đôi đàng. Việc đi xem hát, vô tình tạo nên cơ hội hẹn hò. Câu chuyện bâng quơ về văn học nghệ thuật tiến dần thiện cảm sâu xa, trao nhau bằng ánh mắt đượm tình.
Bỗng trên sân khấu chuyển đoạn chị dâu cợt nhả em chồng; khán giả nháo nhào, nam nhân huýt còi, nữ lưu nguyền rủa mấy tên cơ hội thừa thế chạm thân ngà! Cơn sốt tình cảm làm điên đảo quần chúng; họ vùng lên, cố tràn về phía trước. Mỹ và Tân bị ép sát vào nhau như gà bị kẹt giỏ. Thân nhiệt làm đẫm mồ hôi. Cảm giác ngây ngất chen vào cơ thể. Mỹ nhắm nghiền đôi mắt, mắt từ từ ngẩng cao, môi hé mở theo nhịp tim dồn dập. Mùi hương kỳ diệu của mỹ nhân làm Tân choáng váng, cậu nhắm mắt để đón nhận nụ hôn thần thánh. Bỗng Mỹ thảng thốt:
- Ối! Đau em! Anh đừng...
Tân bừng mắt. Mỹ cúi gầm, hai tay đang che ngực. Sân khấu hạ màn, nghỉ giải lao. Khán giả tản mác. Mỹ nhờ thế, thoát khỏi hiện trường. Tân đuổi theo bén gót. Đến gốc đa đầu đình, Mỹ úp mặt vào thân đa, khóc thút thít:
- Anh kỳ quá đi! Em có tiếc gì với anh đâu, nhưng phải nhẹ nhàng một tí!
Tân sững sờ, phân trần:
- Chuyện gì thế em?
Mỹ nghẹn ngào:
- Anh bứt nút áo của em, và làm... em đau...
Tân giãi bày:
- Hai tay anh ôm trọn lấy em, nụ hôn còn chưa đạt, anh đâu dám bất lịch với em!
Mỹ quay lại làm biện chứng:
- Này!... Mảnh áo ngực bị rách rồi đó!
Tân nhặt sợi dây vàng bị đứt từ trên cổ của Mỹ, cậu trưng bằng:
- Kẻ gian đã đoạt mất mặt nữ trang, chỉ còn lại sợi dây đây này!
Nói đoạn cậu cởi áo ngoài khoác vào người cho Mỹ.
Mỹ cuống cuồng:
- Thôi! Nguy mất rồi!
Tân hồi hộp:
- Gì nữa hở em?
Mỹ khóc òa:
- Miếng ngọc gia truyền bị mất rồi!
Tân tròn xoe đôi mắt:
- Ngọc gia truyền? Dáng sắc ra làm sao?
Mỹ gục vào ngực Tân, thổn thức:
- Di ngọc của đời em đó! Nếu vì bội bạc, không muốn nên duyên thì anh cứ phụ, bày chi trò yêu hoa, đoạt ngọc! Tuyệt tích, kẻ cả lấy gì làm bằng để nói chuyện với nhau!
Tân thề bán mạng:
- Oan cho anh, anh không tước ngọc của em. Anh xin đưa em về, vừa đi, ta vừa có thời gian để giải quyết mối hệ lụy giữa nhau!
Mỹ lầm lũi đi. Tân lẽo đẽo theo sau, già hàm như Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê:
- Trước nhứt, xin em đừng nghĩ anh có hành động vũ phu; đành rằng nam nữ mới lớn lên, tâm tình khi đã hòa hợp, sự háo hức yêu đương không sao tránh khỏi, nhưng thuở ban sơ chỉ hôn hương, luyến sắc chứ nào dám tiến xa!
Thứ hai, vì chưa đạt đến mức độ biển hẹn non thề, tâm tưởng được thả lỏng nên có quyền đứng núi này trông núi nọ. Anh nặng tình cùng Nguyệt, nhưng Nguyệt hết có chuyện rắc rối cùng Côn, vừa sang tay anh, lại luyến tình cùng anh Tính. Nàng trở thành thứ duyên ảo, không có khả năng trấn áp tấm chân tình của anh đối với em.
Mỹ chưa nguôi:
- Duyên ảo? Tình chân? Có lẽ bóng thời gian đã xóa bao ký ức của anh rồi! Ngày em dùng hình ảnh giậu mồng tơi để đổi trao giàn thiên lý, là em nguyện dâng hiến tình em để gặt lấy nghĩa yêu thương của anh. Thế mà, gặp Nguyệt anh đã điêu đứng vì yêu. Anh giả vờ gợi chuyện cùng em để tìm hiểu đời tư của cô ta. Ngày nay em đóng vai nữ nhi trắc nết lên chùa ghẹo sư. Nhà sư Lỗ Trí Thâm xưa, hình ảnh của chàng áo trắng mồ côi mẹ, bị đau ban đến trọc đầu. Và nhà sư Lỗ Trí Thâm ngày nay, đầu bù tóc rối, mùi thoáng hoa lài, mùi hương mà Nguyệt tâm đắc. Gặp em, anh vẫn hỏi cung về Nguyệt.
Nếu quả là duyên ảo, tình chân, anh hãy trả lời em. Mùi hoa lài của Nguyệt vì sao vương vãi vào người của anh? Anh hỏi liên hệ thâm tình giữa em và Nguyệt để làm gì? Có phải khi được Nguyệt anh đĩ thõa, anh cố tìm duyên mới nơi em?
Tân ngẫm, Mỹ là một cô gái song toàn, vừa đẹp lại thông minh. Nàng nói câu nào, lý lẽ vững câu ấy. Nếu Nguyệt không phụ mình, có lẽ dù si Mỹ, mình cũng cố giữ thủy chung. Nhưng dù Nguyệt có phụ mình mà mình trưng cớ để lấy lòng Mỹ thì mình không xứng đáng với Nguyệt và cũng sẽ bị Mỹ đánh giá thấp hèn. Đã có một thời yêu thương thì hãy giữ tình yêu muôn thuở. Thăng trầm, tốt xấu là cung bậc của một tình yêu rất thật, rất đời. Nghĩ thế, Tân ôn tồn:
- Em đã khuyên anh đừng làm quân tử Tàu, hãy tìm người đồng tâm giao hưởng, nên anh muốn rõ ai coi anh là người đồng tâm để anh xin giao hưởng. Đây là câu đáp chân tình của anh đối với em.
Mỹ có lẽ đã hài lòng, nên cô trút tâm tình:
- Ngày em chỉ lên mười, gia đình đã bắt đầu khai hóa về chuyện mai hậu. Từ đó, em biết giữ thân để đãi người tình trong mộng. Nhưng giờ đây, công hóa ra dã tràng xe cát.
Ví dù, con tạo bắt ta kém sắc cũng khiến ta thành kẻ kỳ tài theo đúng luật bù trừ, huống hồ ngài đã cho em tất cả, đến đỗi kẻ xấu mồm đã gieo không biết bao nhiêu ngoa ngữ về em... Nhưng em không ngại, chỉ ngại người tình không kết mà thôi.
Suy cho cùng, một kẻ tiến tới có định chuẩn, một người đồng hành vô tri, thì sự giao cảm không thể xảy ra. Nếu trách người yêu thì ta là kẻ vô mục. Ta chỉ trách kẻ trưởng thượng không sớm khai thông ẩn tình cho đôi trẻ hiểu nhau.
Bây giờ, sự việc đã quá đà, dù có cải thiện, tình cũng chẳng đẹp như xưa!
Tân nghe đến đấy, đau lòng cho thân phận làm chiếc bóng bên đường! Cậu níu kéo tình yêu về mình:
- Em luận có chính lý, em buộc có oan tình. Ẩn tích anh chẳng hiểu ra sao! Chúng mình sơ ngộ đã gặp tai ương. Anh muốn làm tri kỷ cũng khó tựu thành. Anh như cổ thụ dưới trời, nắng thì hứng, mưa thì dầm, dông bão làm gãy cành, động rễ, cũng đành chờ mây tạnh, trời quang!
Mỹ trở cơn:
- Chính lý? Oan tình? Sơ ngộ? Tri kỷ? Ngọc thạch của anh đâu?
Tân cuống cuồng. Tình hai đứa có hy vọng đậm đà! Mỹ xử Tân như răn chồng phạm lỗi. Tân sợ Mỹ như chồng kính vợ yêu:
- Anh đang rối trong dạ, em cần gì, muốn gì thì từ từ bày giải, anh sẽ tường trình.
Mỹ làm già:
- Thuở trước anh đánh nhau với Côn, em đã nhìn ra truyền ngọc. Em mừng, nên xin anh cho xem. Anh lấy cớ ngọc kỵ nữ nhi, cứ mãi giữ tích, lơ là cùng em. Còn phần em, em đã nhận ra người mơ, em yêu anh và mãi tôn thờ. Bỗng một hôm, cả nhà nhận biết ông Cả và bác Giáo đã qua mặt ông Hội Đồng, rứt Nguyệt từ Côn đem chắp nối cho anh. Hành động ấy xem như là một bội hôn, một điếm nhục cho gia đình em, cá nhân em. Bây giờ, anh gắng mà giải thích cho em.
Mỹ nóng nảy, cô đổi ý:
- Khoan đã, hãy trình ngọc cho em, nếu còn lập luận, ngọc kỵ nữ nhi, thì hãy xa em tức thì.
Tân riu ríu, tháo ngọc trên cổ trao cho Mỹ. Mỹ ngắm nghía, mặt cô trở nên rạng rỡ:
- Mảnh ngọc của anh ghi chữ “nhật” ở trên, chữ “lưu” ở dưới. Mảnh ngọc của em vừa bị cướp có ghi chữ “nguyệt” ở trên, chữ “tình” ở dưới. Hợp ngọc thành trọn câu “nhật nguyệt lưu tình”. Nếu thuở ấy anh nghe lời em thì duyên mình đã đẹp.
Mắt của Mỹ long lanh, sống mũi hồng hồng, giọng khẽ rung động:
- Ngọc mất còn hy vọng Châu về Hợp Phố, nhưng ngôn ngữ viễn du, tình nhân lang bạt thì mộng nát, duyên tan!
Bậc trưởng thượng của chúng ta có giao nhưng chẳng kết. Ngoài mặt tỏ duyên, trong lòng nghi kỵ. Giữ hứa thì tốt, bội bạc vô can, không nặng gánh giang hồ như tục tảo hôn.
Thuật chơi chữ do đấy, xét ra cũng hời. Thay vì “loan phụng hòa minh” thì sửa “nhật nguyệt lưu tình” khiến chúng mình lỡ khóc lỡ cười. Nhật giữ ưu ái thì Nguyệt ém tâm tình. Anh không nói tiếng yêu em thì duyên em đành ẩn dạ. Cột tìm trâu chứ trâu nào tìm cột! Anh là vậy! Em là thế!
Tân yêu Mỹ vô cùng, nhưng chỉ có trời cao mới thấy cái đau khổ của kẻ vay tình người. Đôi trẻ sánh vai mà mỗi người riêng mang một thực trạng đau thương. Họ đã xa đình làng, cơn vui hè hội bị bỏ mặc sau lưng, tâm tình chìm sâu đáy vực. Sương sa, trời lạnh. Trăng trễ lững lờ. Gió lay cành cao. Côn trùng trò chuyện. Chó nhỏ khóc trăng, khiến đêm quê càng buồn thê thảm!
Mỹ phá tan sự yên lặng:
- Mộ đá trắng tinh trước mặt mà dân làng quen gọi mộ cổ nhà họ Quách, là nơi yên nghỉ của tổ tiên em. Mấy thế hệ trôi qua, đá mòn rêu phủ mà ân tình cứ mãi viễn du.
Tân thở dài:
- Anh có thấy, có nghe, nhưng mơ hồ lắm!
Mỹ hờn giỗi:
- Đem ruột thịt bỏ ngoài da là anh đó! Nhưng sự thật thà của anh làm em thương cảm, chín bỏ làm mười. Hãy vào trong mộ, em tĩnh tâm, thuật rõ đầu đuôi. Em quả thật không hiểu vì sao bác giáo chẳng khai thông cho anh!
Mỹ đưa Tân vào phần mộ. Cô chọn một chỗ kín đáo. Ngồi cận người yêu, tay cô mân mê bàn tay trắng xanh của Tân, cô vào đề:
- Thời liên quân Hoa Việt giao tranh với Pháp. Vào năm 1844, Millot, Tổng Tư Lệnh quân đội viễn chinh Pháp xua quân đánh Bắc Ninh. Hoàng Bá Viêm thương lượng với Hoàng Cảnh Tùng đem lực lượng trấn Bắc Ninh để tiện việc liên lạc với quân Cao Bắc Lạng, Hưng Hóa, Vĩnh Tường và Sơn Tây.
Trương Quang Đản, Tỉnh Biên Phó Sứ thấy Pháp chuẩn chiếm Bắc Ninh nên thông tri để Tổng Tư Lệnh Tàu là Đại tướng Hoàng Quốc Lan sang thống lĩnh liên quân Hoa Việt.
Tháng 3 năm 1884, Pháp vượt sông Hồng, giáp chiến liên quân Hoa Việt tại Mỹ Kiến, đồng thời đổ bộ đến phủ Lạng Thương, đánh đồn Naou của Tàu. Liên quân triệt thoái về Thái Nguyên.
Thừa thắng, tướng Négrier và Brière de l’Isle đánh Thái Nguyên. Tướng Thanh là Trần Đức Triều lui về Hưng Hóa.
Tháng 4 năm 1884, Pháp đánh Hưng Hóa. Tướng giặc Cờ Đen là Lưu Vĩnh Phúc rút vào Tuyên Quang.
Tháng 6 năm 1884, Trung tá Duchesme đánh tan giặc Cờ Đen tại Tuyên Quang.
Thất bại liên tiếp khiến Thanh triều ban hai sắc vụ đề ngày 12-4-1884, hài tội Tổng đốc và hai thượng quan thuộc tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, cùng xử tử cấp chỉ huy bại trận.
Chính trường Hoa Pháp xung khắc. Tại Paris, Pháp nhìn sứ thần Tăng Kỷ Trạch bằng ánh mắt lạnh lùng thì tại Bắc Kinh, Tàu cử công sứ Tricou thiếu đằm thắm.
Lúc ấy Trung tá Hải quân Fournier và Ủy viên Quan thuế Détring nhờ Lý Hồng Chương ký kết hòa ước Fournier với Thiếu tướng Lespes vào ngày 11-5-1884.
Mỹ tạm ngưng câu chuyện để nói rõ nguyên ủy, liên hệ tổ tông:
- Sở dĩ em dài dòng lịch sử là muốn nêu tâm tình ấm lạnh giữa bạn và thù, giữa kẻ cùng chiến tuyến với nhau. Vì lợi, Trung Hoa sát cánh Việt Nam để chống Pháp, theo sách lược môi hở răng lạnh. Khi bại chiến, thế nương tựa không còn cần thiết, tình Hoa Việt trở nên lạnh lùng. Tính tham lam và thói ỷ mạnh hiếp cô lại tái diễn. Tàn quân Trung quốc biến thành những toán cướp cạn các xóm làng quanh đấy.
Cấp to bị án đền bại trận, cấp nhỏ sợ vạ thanh trừng; một thiểu số bôn đào, dùng đất Việt để nương thân. Với chiếc đòn gánh, họ tạo cư lập nghiệp, sống trên lưng dân mình. Tuy nhiên cũng có một vài người tốt, được thổ dân kết nghĩa. Trong số đó có hai gia đình chúng ta. Bên anh ban ân, bên em dưỡng nghĩa. Sự rộng lượng của gia đình anh cảm hóa được sự bất xứng của gia đình em. Một hôm, nhân nhàn hứng, kẻ cả của chúng ta đã khai sinh ra sự tích của miếng ngọc bị xẻ đôi mà hiện trạng chỉ còn mình anh giữ được nửa mối ân tình.
Mỹ ngưng nghĩ vì xúc động. Cô thấp giọng:
- Anh nắm được trong tay nửa mảnh ân tình. Phần còn lại, anh đã đành tâm hiến dâng cho Nguyệt. Hành vi ấy đã bôi bác sự trung thuận của người yêu anh, khiến em nghi vấn đến tâm tình của đấng bẻ ngọc.
Nếu ngọc được bẻ dọc thành hai mảnh, “nhật lưu” và “nguyệt tình”, nhưng người nam vẫn nhởn nhơ vui chơi qua ngày tháng thì người nữ vẫn phải ôm mãi tình riêng.
Nếu ngọc được bẻ ngang thành hai mảnh, “nhật nguyệt” và “lưu tình”, nhưng chàng ngậm ngọc thì thiếp cũng ôm sầu.
Xét như vậy, dù ngọc bị chia đôi bằng cách nào, người nữ cũng rơi vào hoàn cảnh thụ động, luôn làm kẻ đợi chờ. Đó là sự bất công của bên anh. Như vậy, ân đã ban nửa vời thì nghĩa sẽ dưỡng lửng dạ!
Tân nghe xong, cậu càng chới với. Tình hờ bị gia trọng thêm thiếu chân thành, duyên nợ càng viễn du, nhưng quá yêu nên cố chữa:
- Nếu mình lỡ duyên vì cứ khư khư phiền tổ tông thiếu chân tình, thì người quá vãng đâu thể sống lại để sửa văn cho hợp ý trẻ!
Nếu ta xa nhau vì bảo cha mẹ không mở miệng nói lời đính ước thì cũng hơi vội vàng, bởi cha mẹ nào cũng muốn cho con thành thân, trước khi nên bề gia thất. Hơn nữa, cha mẹ của thế hệ chúng ta đang dành cho con quyền định đoạt mối lương duyên.
Vậy, theo anh, vấn đề nên đặt ra là chúng ta có yêu thương thật sự hay không? Còn kỷ vật chỉ là kim chỉ nam để hướng dẫn con đường tình ta đi mà thôi!
Mỹ không mấy hài lòng về các điều biện hộ của Tân. Cô tiến xa hơn:
- Em luôn luôn trọng chữ tín. Phần kỷ vật, đối với em là ván đóng thuyền. Em biết anh là kẻ lưu ngọc nên em xem anh là ý trung nhân. Do đó, dù anh đã giao du với Nguyệt, em vẫn đợi chờ một ngã lẽ. Nếu không, khi biết anh dan díu với Nguyệt, em đã chia xa từ lâu rồi! Duyên của đôi ta đã liền cánh, em còn kiên nhẫn để đưa anh về chung lối. Vậy, em xin anh nghe rõ những điều về Nguyệt. Em không phải nói xấu cô ta, nhưng bổn phận mà tất cả những kẻ muốn bảo vệ hạnh phúc của gia đình, đều phải làm.
Mỹ hắng giọng vào đề một cách trung thực:
- Ở đời, người lắm quyền, nhiều của chưa hẳn đều bạc ác, nhưng Nguyệt lại vướng sự tương quan với kẻ bất nhân.
Dân mình vốn hoài niệm cổ phong nên trọng nội, khinh ngoại. Khi Pháp mở rộng chương trình đào luyện cán bộ địa phương để phục vụ guồng máy đô hộ thêm phần hữu hiệu, họ cổ động thanh thiếu niên Việt Nam học chương trình Pháp. Một số ít con nhà nghèo tìm đường tiến thân. Phần lớn làm ngơ. Làng mình có cái nhìn quảng bác. Các cụ biết rằng đó là con đường để trở thành công cụ cho thực dân. Nhưng mình từ chối văn hóa của một xứ văn minh, là thiển cận. Do đấy, phụ huynh lần lượt cho con em theo học văn hóa Pháp. Trong số đó, có rất nhiều con của địa chủ và các quan chức ngày xưa, như Hổ, Côn, Nguyệt, Minh, Tính, Thiện, Ngôn, Thảo, Lương, kể cả anh và em.
Các người ấy thích chọn Mỹ Tho và Sài gòn. Sự xa nhà khiến họ nên thì nên lắm, hư thì hư nhiều.
Nguyệt, Minh và em học trường nữ. Lương, Thiện, Ngôn và anh thì học khắp các trường tư. Tính, Hổ, Côn học Chasseloup Laubat, Albert Sarraut. Họ thường chọn quartier européen. Riêng Côn sống ngoại trú nhằm tự do dan díu cùng Nguyệt, Minh.
Tân nhớ lại hiện trạng nên cay đắng:
- Tính cũng là dân chơi thứ thiệt, sao không ra tay thuở ấy, có hơn không?
Mỹ mỉa mai đáp lời:
- Đẹp dáng và lịch sự chỉ tổ rước bao phiền toái trước phường ỷ tiền, cậy sức mà thôi!
Mỹ nhích lại gần Tân hơn vì lạnh. Tân choàng vai để Mỹ ngả đầu lên gối. Mỹ thì thầm:
- Nguyệt càng lớn càng xinh. Minh càng ngày càng có dáng khiêu gợi. Hai nàng càng học cao, tinh thần càng lãng mạn. Họ sống trong xã hội càng đầy văn minh vật chất, phong cách càng đồi trụy. Chị em Nguyệt giao du rộng rãi, tự nhiên khiến các đấng si tình ai cũng ngỡ mình là sở hữu chủ của mỹ nhân. Ai càng lắm của thì hy vọng tình ái xác xuất càng cao. Nguyệt thông minh nên tiến xa hơn Minh một bậc. Cô du nhập nhiều chính kiến đương thời, khiến các bạn trai cũng đua đòi chung lối.
Trước tình cảnh đó, Côn thua thiệt trước anh tài tứ xứ. Gã dùng lợi thế đường xưa lối cũ để áp lực Nguyệt. Nguyệt càng trêu tức. Cô giao du với các đấng nổi danh. Côn đem đòn tự tử để thấu cáy Nguyệt. Ông Hội Đồng chạy sáng nhà sáng cửa về vụ đó. Chẳng rõ ông Hội Đồng và ông Hương Cả tính toán thế nào mà sang bác giáo để lấy anh làm tấm chắn ngăn Côn.
Tân thở dài, chặn lời Mỹ:
- Thằng ấy vẫn ngoan cố như thuở nào! Ngày xưa, làm nhục anh bằng vũ lực. Ngày nay, rút vòi với khách giang hồ, phải dùng đòn tự hủy vì tình!
Còn Nguyệt, ngày trước, đầu độc anh bằng tình cảm ỡm ờ. Nay, dùng duyên hờ để điên đảo quả tim anh.
Mỹ nâng tay Tân hôn nhẹ, đoạn tiếp:
- Côn hận anh, nhưng biết quyết định ấy là do kẻ cả nên vẫn lẽo đẽo theo Nguyệt và dùng thân xác Minh để bù trừ. Minh và Côn ăn chơi trác táng nhưng cả hai vẫn phải gắng học để khỏi bị đuổi về làng rước sự hổ ngươi. Ở đời, người trong xã hội có cấp tính riêng, công là công, gà là gà. Gà có nhốt lồng son, khi thả ra vẫn nhớ bươi rác tìm mồi. Ngày Côn sống với Nguyệt, còn giữ chút phong cách thanh cao. Khi Côn gần Minh, cả hai là cặp bài trùng sa đọa. Ngày vùi đầu với sách vở, đêm ngây ngất vũ trường, quán rượu. Một thời gian sau, Minh mang thai. Nguyệt biết được, thay vì trách, cô điểm nụ cười mãn nguyện. Cô chọn Tính làm người tình hờ một cách công khai. Tính có bản lĩnh nên không hờn ghen nhỏ nhen như Côn đã làm. Khi Nguyệt giao du với đám giang hồ, chính khách; Tính cũng tham dự, hợp đồng.
Ông Cả biết chuyện, nổi giận, đưa Minh về làng; trong khi ông Hội Đồng bình chân như vại, đổ càng nhiều của cho Côn chơi bời. Riêng Hổ, lúc nào cũng chăm học, giữ mực thước một người anh, chỉ khuyên khi nào cần, chỉ nói khi nào biết Côn lắng nghe. Với Nguyệt, Hổ đãi ngộ như một người anh cả, che chở, khuyên ngăn, khuyến dụ.
Tiếng sét ái tình từ Nguyệt đã đi xa do bài học nhục thể từ Minh mang đến, tiếp theo là lạc thú truy hoan tuyệt kỹ của mỹ nữ giang hồ, đào luyện Côn thành chàng họ Sở. Nguyệt lánh Côn, Côn xa Nguyệt. Gái làng chơi gần Côn, Côn xa Minh vì cái bầu oan nghiệt. Minh theo cha về làng, ôm hận trong chốn phòng the. Sợ nhục, cô quấn vải che lấp bụng bầu ngày càng phát triển. Sự gò thúc khiến cô bị sẩy thai. Để phi tang, thay vì đem chôn giấu, cô lại quấn thai nhi trong mo cau, đoạn đem thả trôi sông, nhờ nước xanh đưa tiễn. Do đó thiên hạ biết được gái hư. Tiếp theo cô gánh bao nhiêu hệ lụy do nhẹ dạ tin người. Không chịu nổi áp lực ngoại vi, nội thể, cô lén cha trở lại Sài gòn.
Tân thở dài:
- Nhục dục dưỡng tâm tà. Danh gia sa bể nhục!
Mỹ bồi thêm:
- Chưa thấm nhuần đâu anh! Ông Hội Đồng và ông Cả giục Côn xúc tiến hôn nhân với Minh cho vẹn đôi đàng. Côn làm ngơ! Minh hận đời, bỏ học. Cô chọn nghề vũ nữ để tìm vui và trả nghiệt. Vốn tuyệt sắc, trò chơi đầy màu mè đã luyện Minh thành đóa hồng rực rỡ đầy gai nhọn, khiến cho lắm vương tôn, công tử rướm máu con tim. Bấy giờ Côn quay lại làm kẻ ăn mày tình yêu, phong cách hạ tiện nhất trong nhóm tay chơi!
Tân hả hê, toan phát biểu cảm tưởng. Bỗng lời đối thoại ồn ào của đám con quan chức trong làng từ xa vọng lại. Cậu đưa Mỹ ẩn vào đám lức đầy hoa trắng.
Bọn trẻ tụ tập tại chòm mả đá ong, bên kia lộ. Côn mở lời:
- Tại sao mày cản tao quấy nhà con Nguyệt, hở Lương?
Lương tỏ ra cao kiến và biết điều:
- Trước hết, cha mẹ của nhau là bạn đồng liêu thuở xưa, nên giữ kẽ một chút. Thứ đến, ba tháng hè là dịp về quê để gây đậm thêm tình chòm xóm. Mình phá phách quá, người ta càng ác cảm với học trò. Sau cùng, Nguyệt và Tính lo du dương, dại gì về sớm để nhớ. Mày đến nhà Nguyệt cũng vô ích thôi!
Tao muốn nói thêm. Những lúc gần đây, thằng Tân học một nơi, con Nguyệt học khác chốn. Con bé sinh tâm tham gia hoạt động cho đoàn Phụ Nữ Cứu Quốc. Thằng Tính đeo đuổi con Nguyệt từ ngày còn ở trường làng. Thằng Tân cũng thầm yêu con Nguyệt. Mày được thế gần con bé, nhưng mày dùng đòn tự tử, khiến các cụ đem thằng Tân làm marque déposée của con Nguyệt để chặn mày làm càn. Thằng nhóc Tân lại lơ lửng con cá vàng với con bé Nguyệt nên thằng Tính khôn khéo sánh đôi luôn với con bé trong các buổi hội thảo và công tác thanh niên. Tao thì chân trong chân ngoài khiến lũ cách mạng cóc tin. Những công tác mật chúng thường chia cho nhau đảm trách. Mới đây chúng chỉ thị cho con Nguyệt và thằng Tính thi hành bản án cảnh cáo thằng Tân về tội bất hợp tác tại vùng Sài gòn và địa phương nhà. Tính, Nguyệt e bất thành nên chúng nhờ tao giúp. Tao nghĩ thằng Tân có lập trường quốc gia theo đường hướng riêng của nó. Tao thông báo cho chúng mày, chẳng những giải vây cho thằng Tân và giúp mày nối lại duyên xưa cùng Nguyệt, đưa nó về với bản năng riêng, bởi cao trào thanh niên đang trên đường quá đà.
Lương quay sang Hổ:
- Tao đồng ý với mày đến đây để thảo luận và hòa giải bất đồng giữa chúng mình.
Côn chen vào:
- Hòa giải? Không! Tao quyết ăn thua đủ. Thằng Tính đời nào chịu buông tha con Nguyệt.
Lương lắc đầu:
- Mày làm con Minh mang thai rồi đóng vai họ Sở. Con Nguyệt nó rét mày một nước!
Côn cau mày:
- Cám treo để heo nhịn đói à? Con Minh nó tình quá, ai mà chịu cho thấu!
Lương phì cười:
- Mày mâu thuẫn rồi! Tình quá sao không kết duyên? Đèo bồng con Nguyệt làm gì!
Côn thở dài:
- Khi ăn năn thì đã muộn! Em bây giờ cách biệt với tao hơi nhiều.
Lương mỉa mai:
- Với Nguyệt cũng thế thôi. Ông có dùng tứ mã cũng nan truy kịp nàng! Tôi như ông thí phát đi tu cho được việc!
Côn mắng xéo:
- Mày theo anh em tao đến đây để làm sư phụ hay sao?
Lương cao giọng:
- Tao là bạn của đôi bên, không muốn cho ai trong chúng mình bị ngã ngựa. Mày khinh tao không có khả năng hòa giải thì tao ở lại làm gì! Tính tao ăn cơm nhà đi vác ngà voi cho thiên hạ đã quen thói. Nghĩ lại hơi ridicule và sư tàng! Thôi, tao đi đây!
Lương bỏ đi. Hổ quay lại tâm tình cùng em:
- Xong mấy ngày hội, bõ nghỉ hè tại quê nhà, muốn lên Sài gòn tiêu tiền cho thỏa. Sau đó mình gắng học cho đàng hoàng.
Cha mẹ mình có của, không gia công học thì ngu lắm! Hãy học cao, tạo nên danh vị thì chuyện vợ chồng dễ đạt nguyện hơn. Mỹ nhân trong thiên hạ không thiếu. Tuy nhiên, giàu tiền mà mình nghèo kiến thức, nên danh mà vô tài, thiếu đức, gái nhà lành cũng quay mặt làm ngơ.
Chú đừng nghĩ rằng khi tay đã nhúng chàm, thân đã hư hỏng, rồi tha hồ lang chạ thì còn chi là nhân phẩm? Hãy thôi phá của vô lối. Tiền ăn chơi hãy đem vun bồi trí tuệ vậy.
Côn bướng bỉnh:
- Anh nghĩ cha không rõ việc chúng ta làm à?
Một hôm, trong lúc cha và bác giáo đàm đạo về sự xài phí của tôi, cha đã mượn lời của vị tham quan trong tuyển tập của ông Paulus Của để biện bạch: “Nếu mình làm quan đến trật phẩm mà vẫn thanh liêm thì không hậu súc. Nay, tôi tạo nên sự nghiệp này, không sao tránh khỏi hành vi bác tước của dân. Bởi vậy trời đã giả thủ ở con tôi, khiến cho nó phá. Nếu không thì, thiên phú bất đạo chi gia, để cha con tôi tọa hưởng của phi nghĩa hay sao?”
Hổ phì cười:
- Hay! Chú biết đem tiền tích để bênh vực lập trường phá của. Nhưng chú biết một mà không biết hai lời nói ấy, cha đã đóng vai con chiên ghẻ để ăn năn tội trước tông đồ của Chúa Jésus.
Đồng tiền làm ra, dù dưới hình thức nào, đều là núm ruột của kẻ đã thủ đắc. Chẳng ai đương nhiên đem tiền quăng ra cửa sổ. Cha thương chú nhiều, cha chi cho chú lắm. Cha gây tội để tích lũy đồng tiền cho con thành danh, chứ nào mong con đem tiền lót đường đưa tới sa đoạ!
Làm con không biết thương cha, làm quan không biết yêu dân là cảnh nhà ta đó chú ạ! Trên bất nghiêm, dưới bất xứng, ta đã đánh mất truyền thống quân, sư, phụ từ ngàn xưa!
Hổ hắng giọng:
- Anh cũng xin phép chú, anh đem truyện xưa tích cũ để bênh vực hệ thống trật tự xã hội và gia đình.
Một ngày nọ, sau khi tan học, anh thèm cơm Tây, anh đến một nhà hàng trên đường Pasteur. Khách đông vì ngon và rẻ. Chỗ ngồi không còn, anh mang ghế, xin phép ngồi chung bàn với một chàng trai dáng dấp trí thức. Trong lúc chờ cơm, anh bạn cùng bàn vui miệng, nói qua về các nhân vật mà thực khách bàn tán xôn xao:
Trần văn Thạch là học sinh externe của Chasseloup Laubat, bên ngoài có vẻ hách dịch, kén người giao tế, nhưng tâm tư chân thật. Thạch sang Pháp du học, nhiễm tư tưởng xã hội. Về sau là hội viên của Hội đồng Thành phố.
Phan văn Hùm, học Cao Đẳng Tạo Tác Hà Nội, giúp Nguyễn Tích Thiện lập Tích Thiện Học Đường để khai hóa giới trẻ. Sau, sang Pháp học Sorbonne, nhiễm tư tưởng xã hội.
Nguyễn An Ninh là con của nhà Cách Mạng Nguyễn An Khương. Trong khi ở Pháp, ông chịu ảnh hưởng của nhóm Libertaire. Năm 1925, ông cùng cụ Tây Hồ về xứ. Ông ở lại Sài gòn, đăng đàn diễn thuyết chống sự ngược đãi của thực dân Pháp đối với Việt dân. Ông dùng tờ La Cloche Fêlée làm phương tiện hành động. Ông bị bắt cùng với Jean de la Batie và Lâm Hiệp Châu. Ông là người của Đệ Tứ Quốc Tế, bị đày ra Côn đảo, chết tại đó.
Tạ Thu Thâu, người Long Xuyên, cha làm sở Tràng Tiền, khi trúng tuyển học bổng Chasseloup Laubat, thì cha mất sở, ông vừa đi học, vừa dạy học để nuôi gia đình. Ông đỗ cả Diplôm và Brevet. Ông từ chối sự giúp đỡ của Thạc sĩ Grandjean, lo tự cường dạy học ở trường Nguyễn Xích Hồng. Ông theo dõi hoạt động chính trị của Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, luật sư Morin. Ông lập đoàn thể chính trị mang tên Jeune Annam. Năm 1927, ông xuất bản tờ Le Nhà Quê, báo bị tịch thu. Sau đó, ông sang Pháp du học, giao tiếp với các văn nhân có khuynh hướng xã hội như Félicien, Challage Luc Durtain, Francis Jourdain. Ông gặp Nguyễn Thế Truyền và nhận lãnh đạo partie Annamite de l’indépendence. Năm 1930, ông tổ chức chống đối tử hình 13 liệt sĩ của Quốc Dân đảng, rước lấy hậu quả bị trục xuất về nước. Năm 1932, Tạ quân tổ chức nhiều buổi diễn thuyết được quần chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Năm 1934, đảng Cộng sản Pháp cử Vaillant Courtier đến Sài gòn để lập cơ quan ngôn luận, bênh vực cho giới lao động. Nhóm Đệ Tam Quốc Tế cử Nguyễn văn Tạo ra đón, lúc ấy có Nguyễn An Ninh và nhóm Đệ Tứ Quốc Tế gồm Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường tiếp rước. Nhóm Đệ Tam bất lực nên đành hợp tác với nhóm Đệ Tứ cho ra đời La Lutte vào 4-10-1934. Năm 1935, nhóm La Lutte sợ rạn nứt Mặt Trận Vô Sản Thống Nhất nên đành chấp nhận Dương Bạch Mai đứng chung liên danh tranh cử vào Hội Đồng Thành Phố Sài Gòn, vì lúc này chỉ có nhóm Đệ Tứ Quốc Tế gồm Tạ Thu Thâu, Trần văn Thạch, Phan văn Hùm, Phan văn Chánh mới có đủ tư cách tranh đấu với Pháp.