Phần 3
Chương 54

Tháng 5-1964, cuốn Trước tác của Mao Chủ tịch một cuốn sách nhỏ ghi lại những câu cách ngôn và những câu văn của Mao lần đầu tiên xuất hiện, khởi đầu cho sự tôn sùng Mao. Đồng thời, cũng trong thời gian này, đòi hỏi xây dựng một nền kinh tế kiểu mới có khả năng tồn tại được đã bị lãng quên. Chẳng ai thể hiện là đã rút ra được bài học từ chiến dịch đại nhảy vọt.
Sự sùng bái Mao bắt đầu.
Các nhà lãnh đạo đất nước chẳng học được gì trong thời gian thảm hoạ đại nhảy vọt
Trong sạch về tư tưởng - không phải chứng thực khoa học - là cái mà nó có giá trị.
Lâm Bưu coi trọng sự thuần nhất về tư tưởng hơn cả kiến thức chuyên môn. Ông là tác giả của khẩu hiệu Bốn điều trước tiên: trước tiên là con người, trước tiên là công tác chính trị, trước tiên là công tác tư tưởng và trước tiên là những sáng kiến năng động.
Mao rất thích kiểu bợ đở này và đáp bằng những lời khen. Ông nói:
- Bốn điều trước tiên của đồng chí Lâm Bưu thật là một sáng kiến tuyệt vời. Ai nói rằng người Trung quốc chúng ta không phát minh và sáng chế được mọi thứ.
Ông lệnh cho toàn dân - tất cả mọi người trong các trường học, nhà máy, công xã - phải học tập Lâm Bưu và Quân giải phóng nhân dân. Mao nhấn mạnh:
- Công lao đặc biệt quan trọng của Quân giải phóng nhân dân là ở chỗ tư tưởng chính trị của quân đội rất đúng đắn.
Quân đội đã thành lập những Ban công tác chính trị ở khắp nơi để truyền bá tư tưởng của Mao. Mao nói:
- Chỉ có thế chúng ta mới có thể phát động được tinh thần cách mạng của hàng triệu cán bộ và công nhân trong các ngành công nghiệp, thương mại và nông nghiệp của chúng ta.
Bỗng nhiên, cả đất nước Trung hoa say sưa nghiên cứu chính trị. Người ta đọc những tác phẩm của Mao và thậm chí còn học thuộc lòng cả những suy nghĩ tầm thường nhất của ông. Sự tôn sùng Mao lan tỏa trong các trường học, nhà máy và các công xã.
Và Người cầm lái vĩ đại đã trở thành chúa trời.
Nhưng không phải ai cũng đồng tình hoặc quảng bá cho sự tôn sùng Mao của Lâm Bưu. Những người có cách nhìn thực dụng và tỉnh táo trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng đã công khai chỉ trích Lâm Bưu. Đặng Tiểu Bình, Tổng bí thư ủy ban trung ương đảng và Lục Đỉnh Nhất, chủ nhiệm ủy ban tuyên truyền trung ương đảng cho rằng cuốn sách nhỏ màu đỏ đó về Mao là quá xoàng so với chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng của Mao hạ thấp giá trị của những tư tưởng đó.
Cả La Thụy Khanh, hồi đó là Tổng tham mưu trưởng và bí thư đảng của ủy bộ quốc phòng cũng tỏ ra hoảng hốt. Nếu tư tưởng của Mao Trạch Đông thực sự là tiến bộ nhất và thiên tài nhất, thì có nghĩa là cả chủ nghĩa Mác - Lê nin và Mao không thể phát triển hơn nữa được hay sao? La Thụy Khanh cho việc nghiền ngẫm cuốn sách đỏ là sự luyện tập trí nhớ một cách vô bổ.
Tiếp đó La Thụy Khanh lại mâu thuẫn với Lâm Bưu về quan điểm quân sự. Lâm Bưu vẫn khăng khăng cho rằng, chiến thuật du kích là con đường duy nhất để dành được thắng lợi trong cuộc chiến và ông viện cớ rằng tư tưởng quan trọng hơn vũ khí nhiều, lý tưởng cách mạng quan trọng hơn chiến lược nhiều.
Năm 1964, quan hệ Trung- Xô xấu đi, đến nỗi Trung quốc ngấp nghé một cuộc chiến tranh chống lại người anh cũ của mình. Lâm Bưu tuyên bố: trong cuộc chiến này, Trung quốc chỉ dành được thắng lợi khi quân đội được trang bị bằng tư tưởng Mao Trạch Đông. Trái lại, La Thụy Khanh thực tế hơn nhiều. Theo La Thụy Khanh, binh lính phải được trang bị vũ khí tương đối khá và ông muốn chuẩn bị cho quân đội Trung quốc quen với chiến lược chiến tranh hiện đại.
Dĩ nhiên, Mao không hài lòng với những cán bộ đảng đã lên án sự tôn sùng ông. Nhưng ông văn chưa đủ mạnh để trực tiếp ra tay với họ. Thay vào đó, ông lại giận cả chém thớt. Một trong những kẻ chịu đòn thay đó là Ban y tế trung ương.
Mùa thu năm 1964, trong khi ban lãnh đạo đảng vẫn đang cãi vã nhau về cuốn sách đỏ, thì Lưu Thiếu Kỳ mắc bệnh lao. Từ Vẫn Bắc thứ trưởng Bộ y tế thông báo cho tôi biết việc này. Tôi có nhiệm vụ phải cho Chủ tịch biết và viết một báo cáo chính thức cho ông về tình hình sức khỏe của Lưu Thiếu Kỳ.
Mao chẳng ngạc nhiên và cũng chẳng tỏ ra ngại, khi nghe báo cáo về tình trạng sức khỏe của Lưu Thiếu Kỳ. Ngược lại, ông nở một nụ cười mãn nguyện. Ông hỏi:
- Làm gì mà hoảng lên thế. Nếu đồng chí ấy bị bệnh thì đồng chí ấy phải nghỉ ngơi và các bác sĩ phải điều trị cho đồng chí ấy. Còn việc này không liên quan gì đến đồng chí cả. Đồng chí đừng có xen vào!
Nhưng bệnh của Lưu làm cho Mao hoạt bát hẳn lên. Nếu Mao không thể trực tiếp tấn công đối thủ của mình, thì ông có thể tìm mọi cách gây khó khăn cho Lưu Thiếu Kỳ. Ông lệnh cho Bộ y tế chấm dứt ngay những đặc ân về y tế cho các cán bộ cao cấp và không được cử những bác sĩ riêng cho họ nữa. Ban y tế trung ương, cơ quan có nhiệm vụ đặc biệt lo về vấn đề y tế cho các cán bộ cao cấp của đảng bị giải tán. Rồi Mao chỉ thị cho Bệnh viện Bắc Kinh, nơi chuyên điều trị những nhân vật quan trọng của đất nước, phải đổi tên thành Bệnh viện của những kẻ đầy tớ
Từ lâu, Mao đã chỉ trích Ban y tế trung ương và Bệnh viện Bắc Kinh. Có lần, ông phê phán lối sống của những cán bộ lãnh đạo: Những ông quan này sống trong xa hoa. Họ luôn được hưởng những ưu đãi về y tế. Hơi một tý, họ cũng được chăm sóc hết lòng.
Ban y tế trung ương sững sờ trước đòn đánh của Mao. Thạch Thụ Hán, trưởng Ban y tế trung ương kinh ngạc. Cả bộ y tế náo động. Giới lãnh đạo do Lưu Thiếu Kỳ đứng đầu rất bực tức.
Tuy không ai dám cả gan cưỡng lại lệnh của Mao, nhưng người ta cũng không thể đột nhiên bãi bỏ cơ chế cấp phát y tế cho các cán bộ lãnh đạo. Người ta phải tìm ra một giải pháp sao cho: một mặt, lệnh của Mao vẫn được thi hành; mặt khác chế độ chăm sóc y tế đặc biệt cho các cán bộ lãnh đạo vẫn được duy trì.
Sau những cuộc thảo luận liên tục giữa các đại diện của Ban y tế trung ương và Hội đồng y tế của chính phủ. rốt cuộc người ta đã đi đến một thỏa hiệp: Ban y tế Trụng ương cũng như Phân ban y tế chịu sự điều khiển của Ban y tế trung ương và bãi bỏ Ban An ninh ở Trung Nam Hải. Thạch Thụ Hán và Hoàng Thụ Trạch những người phụ trách Ban y tế trung ương, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Về cơ bản, họ vẫn đảm trách việc chăm sóc sức khỏe cho những cán bộ lãnh đạo. Đa số các bác sĩ riêng của cán bộ cao cấp, được bổ nhiệm về làm các trưởng khoa trong Bệnh viện Bắc Kinh. Họ sẵn sàng trở về Trung Nam Hải khi có lệnh. Mặc dù Mao chỉ thị cho Bệnh viện Bắc Kinh mở cửa đón tất cả mọi người, nhưng nó vẫn tiếp tục được dùng để điều trị cho cán bộ cao cấp. Bộ y tế hạn chế người được nhập viện để đảm bảo an toàn cho cán bộ cao cấp trong thời gian điều trị.
Dĩ nhiên, Mao vẫn có bác sĩ riêng, nhưng cơ quan cấp trên của tôi là Phân ban y tế ở Trung Nam Hải không còn nữa. Đó đó, một ủy ban Y học trực thuộc Bộ y tế đã được thành lập, ủy ban này có nhiệm vụ phối bợp và chỉ đạo nghiên cứu y học ở cấp cao nhất. Tôi được bổ nhiệm làm Phó bí thư cho ủy ban trên. Buổi sáng, tôi làm việc tại đó buổi chiều và buổi tối tôi lại trở về chỗ Mao ở Trung Nam Hải.
Tôi đồng ý rằng Mao cần phải có bác sĩ riêng, ông được phục vụ quen thế rồi.
Chỉ có nhiều vấn đề về sau này tôi cho là không đúng như thế.
Còn một điều nữa vẫn chưa được giải quyết: không ai trong ngành y tế muốn thấy Bệnh viện Bắc Kinh bị đổi tên thành Bệnh viện của những kẻ đầy tớ. Tuy nhiên, vì chính Mao đã ra lệnh đổi tên, nên chỉ có ông mới có thể bãi bỏ lệnh này. Theo Từ Vẫn Bắc và Thạch Thụ Hán.
Tôi thuyết phục Mao thay đổi ý định. Tôi thông báo cho Mao về việc bãi bỏ Ban y tế trung ương và việc thành lập ủy ban Y học trung ương. Tôi nói tiếp: Chỉ còn một vấn đề là cái tên Bệnh viện của những kẻ đầy tớ, nghe không được hay cho lắm. Bệnh viện được người Đức xây dựng từ những năm hai mươi và đã có tên là Bệnh viện Bắc Kinh. Chẳng lẽ chúng ta không thể giữ cái tên cũ lại được hay sao?
Mao không phản đối gì. Thế thì các đồng chí cứ gọi nó là Bệnh viện Bắc Kinh. Bây giờ công chúng cũng được vào là tôi vui rồi.
Việc thay đổi chế độ y tế cho hàng ngũ lãnh đạo cao cấp, chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống riêng của Mao. Giang Thanh cũng vậy. Vì tình trạng sức khỏe, bà vẫn được rất nhiều y tá chăm sóc, còn tôi vẫn là bác sĩ riêng của Mao. Tuy buổi sáng tôi vẫn làm việc ở ủy ban Y học trung ương, nhưng nhiệm vụ của tôi ở dó vẫn không thể tách rời Mao. Do Mao hay bị viêm khí quản và cảm lạnh nên tôi cố công nghiên cứu phương pháp ngăn ngừa và điều trị hai chứng bệnh này.
Về cá nhân tôi, sự an bài mới đã dẫn đến hậu quả là gia đình tôi phải chuyển ra khỏi Trung Nam Hải. Vì Ban y tế trung ương không còn nữa, nên chúng tôi không có quyền ở lại trong đó. Nhưng chúng tôi ở gần nơi ở của Mao. Việc giải tán Ban y tế trung ương đã để lại nhiều căn phòng trống trong một tòa nhà tuyệt đẹp, được xây cất theo kiểu cổ ở phố Công Tiên, bên trong có nhiều khoảnh sân. Đó là nơi số phận xui khiến tôi gặp Phó Liêm Chương lần đầu tiên vào năm 1949, sau khi tôi trở về Trung quốc. Lý Liên, hai đứa con của chúng tôi và tôi được phân cho một căn hộ tiện nghi gồm bốn phòng trong tòa nhà này. Tôi rất hài lòng với cảnh vật xung quanh. Chiếc sân trong của chúng tôi được trồng nhiều hoa và những cây phong tín tử trắng như sữa trổ bông quanh năm. Khi mới dọn về đây, chúng tôi trồng thêm một cây chà là. Chẳng bao lâu, nó đã trĩu những quả ngọt. Ngoài ra, từ nơi ở của chúng tôi đến những địa điểm mà chúng tôi cho là quan trọng, như chợ bán thực phẩm ở Long Phú Tây và trung tâm thương mại náo nhiệt ở Vương Phủ Tinh rất tiện.
Cậu con trai lớn nhà tôi có thể đi xe đạp đi học, còn tôi được một tài xế đưa đến Trung Nam Hải rồi lại đón về. Trong thời gian chúng tôi chuyển nhà cũng là lúc sứ quán Ba Lan tân trang lại chỗ ở của họ, nên chúng tôi có thể mua lại những đồ gỗ cũ với giá rất phải chẳng, để trang bị cho căn nhà mới của chúng tôi.
Tôi chẳng hề thấy tiếc rẻ khi phải rời khỏi Trung Nam Hải, ở đó, nơi ở của chúng tôi không thể coi là nhà được, bởi vì chứng tôi phải khai rất nhiều giấy tờ mà vẫn không thể mời bạn bè hoặc họ hàng của chúng tôi đến thăm. Giờ đây, nếu tôi ngồi bên cửa sổ mà nhìn ra sân đầy những bông hoa tươi thắm, tôi có thể quên bẵng là chúng tôi đã từng phải rời bỏ ngôi nhà mà tổ tiên tôi đã để lại. Thậm chí quên cả nhóm Một và Mao nữa.
Nhưng việc giải tán Ban y tế trung ương ở Trung Nam Hải đã ảnh hưởng ngay đến Mao. Một đêm, vào lúc ba giờ sáng, ông muốn gọi tôi đến, nhưng lúc đó tôi đã về nhà ở phố Công Tiên rồi.
Hôm sau, Mao nói:
- Tôi không ngờ là chỉ thị của tôi lại hại chính tôi
Thế là tôi phải đặt một chiếc giường trong phòng làm việc của tôi ở Trung Nam Hải để ngay cả ban đêm tôi cũng sẵn sàng mỗi khi Mao cần. Tiếc là tôi thường phải ngủ lại đó, nên vẫn không có thời gian dành cho gia đình.
Quan hệ của Mao với Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình ngày càng xấu đi. Tháng 1-1965 Đặng Tiểu Bình tổ chức hội nghị công nhân bàn về vấn đề chống tham nhũng thối nát trong các cán bộ nông nghiệp với khẩu hiệu bốn sạch về 4 vấn đề vựa thóc, tài chính, sở hữu, chỗ làm việc...
Khi họp, Mao cảm thấy không quan trọng và Đặng Tiểu Bình khuyên Mao đừng đến. Mao không nghe, ông đến đó đọc bài phát biểu chứng minh rằng vấn đề ở nông thôn đó là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.
Lưu Thiếu Kỳ cắt lời Mao và cho rằng mâu thuẫn ở nông thôn không những chỉ là vấn đề giai cấp, đó là mâu thuẫn giữa 4 sạch và 4 bẩn phát sinh trong đảng và ngoài đảng.
Hôm sau, Mao đem bản hiến pháp Trung quốc và điều lệ đảng bắt đầu nói rằng mình có quyền phát biểu quan điểm với tư cách một công dân Trung hoa. Mao nói là một trong các đồng chí - ám chỉ Đặng Tiểu Bình - cản không cho ông tới cuộc họp, và người kia - ám chỉ Lưu Thiếu Kỳ - không cho ông bày tỏ quan điểm của mình.
Bầu không khí sặc mùi thuốc súng.
Kỳ họp Quốc hội lần thứ ba diễn ra từ ngày 21-12-1964 đến ngày 4-l-1965.
Trong Bản báo cáo hoạt động của chính phủ của Chu Ân Lai, Mao đóng góp thêm rất nhiều đoạn chứng tỏ ông vẫn nghĩ đến ý tưởng của chiến dịch đại nhảy vọt, mặc dù giờ đây ông trình bày điều đó dưới hình thức khác. Ông nói:
- Chúng ta không thể đi từng bước bằng con đường thông thường để đuổi kịp các nước khác. Chúng ta phải bỏ qua mọi khuôn mẫu, phải áp dụng những công nghệ tiên tiến, để trong một thòi gian ngắn đưa đất nước Trung hoa trở thành một nhà nước xã hội chủ nghĩa tiên tiến. vững mạnh. Đó là ý tưởng của chiến dịch đại nhảy vọt... Một nhà lãnh đạo cách mạng lớn của Trung quốc, vị tiền bối Tôn Dật Tiên của chúng ta, đã tiên đoán rằng, đầu thế kỷ này, Trung quốc sẽ có những bước tiến nhảy vọt.
Sau cái Tết ở Trung quốc năm 1965. Mao từ Bắc Kinh đi Vũ Hán. Trong số những người cùng đi với ông có hai cô thư ký riêng và Vương Hải Dung, cháu gái của em họ Mao - Vương Thanh Phương. Trên tàu, Mao luôn luôn được Trương Ngọc Phượng phục vụ. Đến Vũ Hán, vô số những phụ nữ quây quanh Mao và giành nhau sự ưu ái của Mao. Một buổi sáng Vương Hải Dung hớt hải đến phòng làm việc của tôi và phàn nàn:
- Tại sao đồng chí lại có thể để cho một người đàn bà như Trương Ngọc Phượng làm việc ở đây? Cô ta là một kẻ trơ trẽn, lố bịch và ăn nói láo xược với Chủ tịch. Tối hôm qua Chủ tịch nói với tôi là Trương Ngọc Phượng làm ông bực tức. Chủ tịch không còn trẻ nữa và chúng ta cũng không để cho Trương Ngọc Phượng thóa mạ Chủ tịch như vậy được. Nếu đồng chí không có biện pháp đối với cô ta, tôi sẽ báo cáo cấp trên.
Tôi nói:
- Đồng chí bình tĩnh. Hãy kể xem có chuyện gì xảy ra.
- Tôi không thể bình tĩnh được nữa. Tôi không thể chịu được khi Chủ tịch bị con người này hạ nhục.
Cô ta bỏ đi tìm Uông Đông Hưng.
Đúng lúc này, anh vệ sĩ Tiểu Chương bước vào và nói:
- Chủ tịch đang tức giận, Chủ tịch nói Trương Ngọc Phượng thật là quá quắt. Ông muốn triệu tập một cuộc họp để kiểm điểm Trương Ngọc Phượng.
Khi được nghe kể về việc này. Uông Đông Hưng bực bội nói:
- Lúc nào chúng ta cũng phải giải quyết những chuyện vớ vẩn như thế này sao? Làm sao chúng ta có thể vì việc này mà triệu tập một cuộc họp? Quan hệ riêng của Mao với bọn đàn bà thật rách việc. Phải quyết định như thế nào trong cuộc họp đây?
Nhưng Mao đã yêu cầu phải có một cuộc họp và vì vậy một cuộc họp cũng được tổ chức tại phòng ăn của ông, trong nhà khách. Chỉ lát sau, Uông Đông Hưng đã cáo lui và nhường lại chức chủ tọa cho tôi. Vương Hải Dung lặp lại lời buộc tội của cô ta.
Trương Ngọc Phượng cự:
- Khi tôi và Mao Chủ tịch cãi nhau. Ông đã chửi tôi và thậm chí còn chửi cả mẹ tôi, nên tôi mới chửi lại.
Khi Trương Ngọc Phượng định kể vụ cãi cọ đó được bắt đầu như thế nào, thì tôi cho rằng, cuộc họp nên tạm hoãn tại đây là hay hơn. Nếu không, cô ta sẽ còn kể tiếp về mối quan hệ tệ hại của cô ta và Mao. Nếu tôi để cho cuộc họp tiếp diễn, có lẽ Mao sẽ có cảm tưởng rằng một số người trong chúng tôi muốn can thiệp vào đòi tư của ông, mặc dù cuộc họp do chính ông yêu cầu.
Nhưng Vương Hải Dung vẫn cương quyết và đòi phải có một quyết định. Tôi cảm thấy tình hình có vẻ căng, nên giao lại cho Uông Đông Hưng để ông ta phân tích cho Vương Hải Dung. Ngoài ra, tôi yêu cầu y tá trưởng là Ngô Từ Tuân phải thuyết phục Trương Ngọc Phượng đến gặp Mao và tự kiểm điểm.
Vương Hải Dung vẫn không bằng lòng với cách giải quyết của chúng tôi. Cô ta phê phán tôi và Uông Đông Hưng là thiếu công bằng. Cô bực tức lên đường trở về Bắc Kinh.
Còn Trương Ngọc Phượng vẫn ấm ức. Cô chất vấn tại sao cô phải tự kiểm điểm trước Mao, ông đã chửi mẹ cô cơ mà. Trương Ngọc Phượng rời nhà khách và lên đoàn tàu của Mao.
Chẳng bao lâu sau, tình hình trở lại bình thường.
Sau đó ít lâu, Mao bị nhiễm lạnh khiến ông bị viêm phế quản, ho và sốt. Mặc dù tôi đã giảm được nhiệt độ và những trận ho của ông, nhưng Mao lại bị viêm thanh quản và không thể nói được. Vì sợ bị câm lâu dài. nên ông nài nỉ tôi hãy chữa cho ông. Tôi giải thích cho ông rằng, phải đợi đến lúc bệnh viêm phế quản thuyên giảm đã. Nhưng ông cứ khăng khăng đòi được điều trị.
Tôi điều trị ông bằng phương pháp vật lý trị liệu, nhưng ông bỏ cuộc ngay sau buổi đầu tiên, nên tôi đã pha chế một thứ được liệu từ những thảo được của Trung quốc vốn được coi là rất hiệu nghiệm. Chỉ sau hai ngày ông đã có thể nói được vài câu, sau ba ngày nữa ông đã nói chuyện được bình thường. Ông đòi đi bơi. Ông bỏ ngoài tai lời khuyên của tôi và nói:
- Tất cả những phương pháp điều trị của đồng chí bằng y học rrung Quốc hay y học Tây phương thực ra chẳng có tác dụng. Bơi là phương pháp điều trị tốt nhất.
Nói rồi ông bỏ đi đến bể bơi và bơi vài vòng.
Sau ngày lễ mồng một tháng 5 năm 1965. Mao quyết định đến thăm Tinh Cương Sơn, một vùng giáp ranh giữa tỉnh Hồ Nam và Giang Tây. Đó là nơi ông lập căn cứ du kích hồi năm 1927 và cuộc cách mạng của ông bắt nguồn từ đó.
Chúng tôi đi tàu đến Trường Sa, thuộc tỉnh Hồ Nam, và từ đó lại đi tiếp bằng ô tô. Vì còn giận dỗi, nên Trương Ngọc Phượng không chịu đi cùng. Qua chuyến ngao du đến Tinh Cương Sơn, căn cứ địa cũ của Mao, ông muốn đổi mới lại đảng và quân đội trong trường hợp chính phủ trung ương không chịu nghe theo ý kiến của ông. Chuyến chu du này cũng là một phần trong chiến dịch lâu dài chống lại đối thủ của Mao là Lưu Thiếu Kỳ.
Trong chuyến đi, bí thư tỉnh ủy tỉnh Hồ Nam cùng đi với Mao. Không có nhân vật nào của tỉnh Giang Tây cùng đi trong chuyến đi này, bởi vì Uông Đông Hưng đã biết rất rõ những nơi chúng tôi muốn tới thăm. Trước kia. trong thời gian cải tạo gần năm năm, Uông Đông Hưng đã từng làm phó tỉnh trưởng tỉnh này. Chúng tôi nghỉ đêm tại huyện Trác Lâm ở Hồ Nam. Ban hành chính huyện phải dọn những phòng làm việẹ của họ để lấy chỗ cho chúng tôi. Khắp các phòng. muỗi bay như trấu. Chúng tôi cũng có lọ xịt côn trùng, nhưng chỉ có Mao mới được dùng nó. Còn chúng tôi phải đốt cây cỏ để đuổi muỗi và phải ngủ trong những chiếc màn bằng vải gai dày đầy khói. Sáng hôm sau tôi cảm thấy người nôn nao.
ở Tinh Cương Sơn, chúng tôi sống trong một nhà khách hai tầng trong làng Mao Bình, cạnh một cánh đồng lúa. Phía nam của làng có một cửa hàng bán đồ thủ công. Trong một cãn phòng có bày một chiếc đòn gánh, nghe nói nguyên soái Chu Đức đã dùng để gánh nước trong những năm hai mươi. (Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, người ta nghe nói Lâm Bưu đã sử dụng chiếc đòn gánh này - một ví dụ nữa cho việc bóp méo lịch sử trong thời kỳ này)
Tinh Cương Sơn có vô số những rừng tre và trong một xưởng làm giấy, một loại giấy trắng tinh có thể nhìn xuyên qua được đã được sản xuất từ tre. Loại giấy này tôi đã từng biết đến từ thời niên thiếu.
Ngày 29-5, chúng tôi rời Tinh Cương Sơn và giữa tháng 6, chúng tôi lại có mặt ở Bắc Kinh. Mao vẫn tỏ ra bất bình với Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, vì vậy ông lại chuẩn bị tấn công Bộ Y tế. Ngày 26. 6. 1965, ông nói với tôi:
- Tôi muốn đồng chí thông báo cho những người trong Bộ y tế rằng, họ chỉ đáp ứng được nhu cầu y tế cho khoảng 15% dân chúng. Trong số 15% này, những ông lớn của nhà nước và địa phương được cung cấp chu đáo nhất. Có lẽ Bộ y tế cho rằng, chỉ cần thỏa mãn nhu cầu của các ông lớn này là đủ. Nhưng đại đa số nhân dân ở nông thôn chẳng được chăm sóc gì về y tế - không có thuốc thang, không có bác sĩ. Tôi định tặng cho Bộ y tế một bài thơ, rằng sự cung cấp y tế của họ chỉ dành cho những cán bộ cấp cao. trong khi những người nông dân chẳng được ai đoái hoài tới.
Mao nói tiếp:
- Bộ y tế không phục vụ nhân dân. Đó không phải là một bộ của toàn dân. Nó chỉ chăm lo cho nhân dân ở thành thị và những nhân vật tai to mặt lớn. Vậy, chúng ta đặt cho nó một cái tên khác: Bộ y tế cho các thành phố, Bộ y tế cho các ông lớn. Các bệnh viện của chúng ta có đầy đủ những máy móc, y cụ tối tân, nhưng chúng chẳng được dùng cho những người dân ở nông thôn. Chúng ta đào tạo ra những nhà y khoa để họ phục vụ cho các đô thị. Nhưng Trung quốc có tới 500 triệu nông dân.
Mao yêu cầu phải cải tổ toàn bộ hệ thống y tế, hướng vào phục vụ quần chúng thay vì những cán bộ cao cấp, hướng về nông thôn thay vì các đô thị.
Kể cả việc đào tạo y khoa ông cũng muốn cải tổ. Ông quả quyết:
- Các sinh viên y khoa không cần đọc nhiều sách đến như vậy! Những thầy thuốc nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung quốc như Hoa Đào và Lý Thời Trân chưa bao giờ học đại học cả. Thực ra chỉ cần tốt nghiệp phổ thông là đủ để học ngành y rồi. Người ta có thể thu nhận được những kiến thức y khoa tốt nhất trong thực hành.
Mao nói:
- Loại bác sĩ mà chúng ta cần ở các làng xã không cần phải được đào tạo cao siêu. Anh ta giỏi hơn những thầy phù thủy là đủ.
Mao chỉ trích Bộ y tế cũng vì họ đã tốn kém rất nhiều sức lao động và của cải vào việc nghiên cứu những căn bệnh lạ, mà không quan tâm đến những biện pháp phòng ngừa và điều trị những bệnh thông thường. Mao giải thích:
- Tôi không muốn nói chúng ta không cần nghiên cứu y học, mà chúng ta cần phải sử dụng phần lớn những phương tiện của chúng ta đáp ứng cho nhu cầu của quần chúng.
Ông chuyển đề tài:
- Và còn một chuyện lạ nữa. Các bác sĩ lúc nào cũng mang khẩu trao mỗi khi điều trị cho bệnh nhân. Có phải họ sợ họ sẽ truyền những căn bệnh mà họ có cho bệnh nhân không. Không! Tôi nghĩ rằng họ sợ bị lây bệnh của bệnh nhân. Theo ý tôi, các bác sĩ chỉ nên mang khẩu trao khi nào thực sự cần thiết. Bằng không họ sẽ xây lớp rào ngăn cách giữa bác sĩ và bệnh nhân.
Ông còn muốn đề nghị một điều nữa: ông muốn bổ nhiệm những y, bác sĩ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm gì về nghề nghiệp vào những bênh viện của các thành phố. Những bác sĩ già dặn, nhiều kinh nghiệm phải được đưa về nông thôn.
- Trong tương lai các nhà y khoa của chúng ta phải đặt trọng tâm công việc của họ ở các làng xóm.
Tôi bàng hoàng về sự công kích của Mao đối với những nhà y khoa. Nhưng Mao chỉ thị cho tôi phải thông báo cho Bộ y tế những ý kiến của ông. Tôi soạn lại một bản hồi ký dài về cuộc nói chuyện của chúng tôi, rồi lập tức nộp cho Bộ Y tế. Hồi đó, tất nhiên tôi không dám nghĩ tới một điều, trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa cái Chỉ thị ngày 26 tháng 6 này lại được dùng làm cơ sở để phát động một chiến dịch sẵn sàng phục vụ của những thầy thuốc chân đất trên phạm vi toàn quốc. Những kẻ cực đoan đã sử dụng chỉ thị này để xúi giục đấu tranh giai cấp trong ngành y tế và phá hoại hệ thống y tế của Trung quốc.
Ngoài ra, hồi đó tôi không thể nghĩ rằng, Mao sẽ điều tôi về nông thôn.
Việc giải tán và tổ chức lại Ban y tế trung ương đã tạo ra những căng thẳng và hỗn loạn mà trong sự căng thẳng và hỗn loạn đó, những ý nghĩ của Mao đã hoàn toàn lắng xuống. Mao ra lệnh chấm dứt sự ưu đãi y tế đối với cán bộ lãnh đạo, khi ông biết Lưu Thiếu Kỳ mắc bệnh lao. Tất cả những người trong nhóm Một chúng tôi đều biết rằng, hành động này của Mao đối với cơ chế y tế cũng chính là một đòn giấu mặt nhằm đánh vào Lưu Thiếu Kỳ. Trước những sự kiện này, Điền Gia Anh rút ra một điều: Bây giờ vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định Lưu Thiếu Kỳ sẽ là người kế nhiệm Chủ tịch. Chúng ta cũng còn chưa biết một điều, không phải Mao luôn luôn ủng hộ Lưu Thiếu Kỳ. Hôm nay nói thế này, mai nói thế khác. Không ai có thể hiểu ông ta nghĩ gì.
Chúng tôi đâm ra nghi ngờ chính mình. Tôi không bao giờ nói với ai rằng chính căn bệnh của Lưu Thiếu Kỳ đã khiến Mao cải tổ hệ thống y tế.
Những ai nghe được lời chế giễu của Mao nhằm vào Lưu Thiếu Kỳ, không bao giờ dám nói lại với người khác, trừ những người trong cuộc. Người duy nhất tôi chia xẻ ý nghĩ, đó là Uông Đông Hưng.