Chương 7

– Cho em nè! Hải Âu!
Ông Bính bất ngờ chìa bó bông cúc ra trước mặt Hải Âu khi cô vừa dắt xe đi ngang cổng bảo vệ khiến cô nhăn mặt:
– Tôi không đùa đâu nhé, đã nói rõ ràng rồi mà!
– Qua cũng đâu có ý đùa cợt gì với em! Qua đi coi tuổi rồi, nếu chúng ta kết hợp với nhau thì...
Hải Âu cắt ngang lời ông Bính:
– Thôi đi, nói nữa tôi không nể mặt đâu đó! Người gì mà kỳ cục, lớn tuổi rồi mà không nên nết chút nào. Phải để cho con cháu nể chứ...
Hải Âu vừa cằn nhằn vừa hậm hực dắt xe đi, Ông Bính lẽo đẽo theo cô ra tận bên ngoài cổng. Cô vừa leo lên yên, ông đã níu boọc-ba-ga xe cô lại:
– Khoan đi đã, Hải Âu! Qua còn chưa nói hết ý mà.
– Tôi không thích nghe mấy lời nhảm nhí của ông, làm ơn bỏ tay ra khi tôi còn lịch sự.
– Nếu không, em làm gì qua đây?
Hải Âu nhìn quanh quất, rồi chỉ tay về phía ngã tư:
– Ông nhìn thấy mấy ông công an chứ? Tôi sẽ báo cho họ biết sự quấy nhiễu của ông. Tôi sẽ hét toáng lên. Chưa hết đâu. Ngay ngày mai, tôi sẽ viết tường trình lên lãnh đạo...
Ông Bính bĩu môi:
– Thưa qua hả? Em có nghĩ đến hậu quả xấu cho mình hay không? Phó giám đốc xí nghiệp này là cháu kếu qua bằng cậu đấy.
– Tôi mặc kệ! Nếu ông làm phiền tôi, tôi nhất định không để ông yên đâu.
Bất quá là nghỉ việc, tôi không tin người ta lại bao che kẻ xấu đâu.
Ông Bính thả tay khỏi boọc-ba-ga xe của Hải Âu. Ông nhìn cô gườm gườm, giọng đầy đe doạ:
– Hừ! Em lý luận nghe hay lắm. Cứ chờ đi, để rồi xem em làm cao được bao lâu!
Hải Âu không thèm trả lời, cô lên xe đạp thật nhanh về phía trước. Trong lòng Hải Âu bực vô cùng. Cứ cái đà này chắc cô không thể yên lặng được, phải trình báo việc này lên cấp trên thôi. Nhưng ông ta có nói thật không nhỉ? Không biết có phải cháu ông ta là phó giám đốc không? Hải Âu băn khoăn...Cô cũng muốn tranh đấu nhưng lại sợ bị trù dập.
Cuối cùng cô quyết định cứ viết đơn thưa ông bảo vệ có máu dê này rồi ra sao thì ra. Cô còn trẻ, cho dù mất việc ở đây cô cũng sẽ xin là chỗ khác. Chỉ cần cô kiên nhẫ và có lòng tin.
– Sao con về muộn vậy, Hải Âu? Có khách đến tìm con và đợi lâu rồi đó.
Bà Thuyên lên tiếng ngay khi Hải Âu vừa dắt xe vào cửa. Cô nhìn thấy một đống quà to tướng đặt trên bàn, còn...Khải Tuấn thì đang ngồi ở ghế xa-lông mỉm cười chào cô.
Hải Âu ngạc nhiên:
– Ủa! Làm sao anh biết nhà em?
Khải Tuấn Cười:
– Muốn biết thì chịu khó hỏi thăm sẽ biết. Việc này anh giỏi lắm, em không cần thắc mắc làm gì. Em đi làm về muộn vậy?
Không biết nói sao, Hải Âu đành trả lời mình bị bể bánh xe. Cô dựng xe đạp vào góc nhà, đến bàn ngồi đối diện Khải Tuấn. Bà Thuyên lịch sự bỏ đi vào sau nhà. Hải Âu liếc mấy gói quà lớn, nhỏ chất trên bàn khẽ hỏi:
– Quà của anh à?
Thấy Khải Tuấn gật đầu. Cô nhăn mặt:
– Sao tự dưng lại mua quà cho em? Lại còn tự ý đến nhà mà không thèm nói trước, có phải anh sống ở nước ngoài nên quen thói tự do kiểu Mỹ không?
– Coi kìa? Sao Hải Âu lại nói anh như vậy? Anh...anh thành thật xin lỗi vì ghé thăm gia đình mà không hỏi ý em, nhưng thật lòng anh rất muốn biết nơi ở của em, em đã rất tốt với Khải Tú. Em trai anh tuy không còn, nhưng nếu vong hồn cậu ấy có linh thiêng thì thì cậu ấy sẽ rất xúc động vì nghĩa cử của em. Anh tin rằng Khải Tú cũng muốn anh thay mặt cậu ấy gởi đến Hải Âu và gia đình lời cảm ơn sâu sắc. Những món quà này chỉ là cách để thể hiện sự ghi nhớ của phía gia đình anh đối với việc em làm, nó không thể sánh được với công sức của em nên em đừng ngại. Em hãy nhận để anh vui!
– Chớ không phải anh mang những thứ này đến để trả công em sao? Chính anh bảo sẽ thuê em tiếp tục làm việc đó trong khi chờ coi ngày bốc mộ kia mà...
Khải Tuấn ngớ ra. Anh ngồi im suy nghĩ và chợt hiểu. Thái độ của Hải Âu khiến anh nhận ra cô đang giận, mà người làm cô giận là anh. Bây giờ thì Khải Tuấn đã hiểu ý Hải Âu, việc cô thích thì làm, cô không muốn nhắc đến chuyện tiền bạc. Hoá ra lời nói vô tình của anh đã khiến Hải Âu phật lòng...
Khải Tuấn hạ giọng:
– Hải Âu à! Hôm nọ, anh lỡ lời, cho anh xin lỗi. Em đừng giận, không phải anh có ý coi thường em đâu. Anh biết việc làm đó hoàn toàn do tự nguyện, em không có sự tính toán gì. Xin lỗi nha, Hải Âu...anh không cố ý. Sau này anh sẽ ăn nói cẩn thận hơn.
Sự thành khẩn của Khải Tuấn làm nỗi phiền muộn trong lòng của Hải Âu tan biến. Cô dịu dàng:
– Thôi được rồi, bỏ qua chuyện đó đi! Nhưng anh đừng tặng quà gì cho em nữa. Em không thích bị hiểu lầm đang lợi dụng người ta, nhất là với một Việt kiều như anh...
– Có ai nghĩ vậy đâu, sao em nghĩ làm chi chuyện xa vời và...không có thật như thế chứ. Em không thích nhận quà, sau này anh không mua. Còn những món quà hôm nay là cả một tấm lòng, em đừng từ chối.
Hải Âu hơi mỉm cười. Cô nhìn đống quà rồi so vai:
– Lòng dạ anh mênh mông vậy sao? Anh liệu mà thu hẹp lại đi. Về đây mà chi tiêu rộng rãi qúa coi chừng bị mắc bẫy...
Khải Tuấn cau mày:
– Mắc bẫy gì?
– Không hiểu ư? Thì là “bẫy tình” chứ bẫy gì. Thời bây giờ nhiều cô thích Việt kiều lắm. Anh đừng để phạm lỗi với vợ con.
Khải Tuấn nghe xong bật cười:
– Thì ra em lo cho anh. Nhưng nè, anh chưa có gia đình. Nếu em biết cô nào thích Việt kiều thì giới thiệu giùm anh đi nhé.
– Chuyện đó khỏi cần em giới thiệu. Anh đi chơi là gặp chứ gì? Các cô gái hiện đại có cặp mắt nhìn người sẽ có cơ hội liền hà...
– Em làm hướng dẫn viên cho anh đi. Anh không có người thân nào bên này thì đi với ai?
– Bộ anh không có bạn bè sao?
– Có, nhưng bọn nó đều xuất cảnh hết mấy người, ở lại thì cũng vợ con và về tỉnh làm ăn.
– Vậy anh về rồi ở với nhà ai?
– Anh vẫn ở khách sạn. Giá như có ai đó cho anh ở nhờ thì hay quá.
Khải Tuấn vừa nói vừa liếc khẽ Hải Âu. Cô hiểu ý, lắc đầu lia lịa:
– Nhà em chật chội, lại có chị và cháu gái ở cùng...Với lại, nói anh đừng buồn, em không thích có người lạ ở. Nhất là... đàn ông.
Đang nói, bụng Hải Âu chợt sôi lên, phát ra thành tiếng. Cô đỏ mặt, đưa mắt nhìn đồng hồ. Mãi nói chuyện, đã 20 giờ mà cô không hay. Quá giờ cơm rồi, hèn gì...
– Hải Âu à...
– Gì ạ?
– Anh muốn mời bác gái và em cùng đi dùng bữa, em nhận lời nha?
Hải Âu từ chối ngay:
– Thôi đi, giờ này còn ăn uống cái gì. Anh đừng có nghe bụng em kêu rồi cho rằng em đang đói, không phải đâu nghe. Lúc nãy em ăn cơm ở xí nghiệp rồi.
– Lúc nãy giờ anh nói chuyện với mẹ em đã biết được nhiều điểm về em đấy.
Em đi làm về và ăn cơm một mình ở trên phòng, không thích ăn vặt, nếu có ăn cơm ngoài thì sẽ gọi điện về báo trước. Thường thì em ăn tối ở nhà. Lúc nãy em còn nói, không biết sao hôm nay Hải Âu về muộn. Mẹ đang chờ cơm em...nhân dịp này, anh muốn mời bác và em dùng bữa. Thật sự là...anh cũng đang đói bụng. Hải Âu nhận lời đi, anh xin phép ngay. Anh tin bác sẽ vui vẻ nhận lời đi cùng...
Khải Tuấn vừa dứt lời thì thấy bà Thuyên từ nhà sau đi lên. Anh vội vàng đứng dậy, khoanh tay lễ phép mời:
– Thưa bác, cháu mạn phép mời bác và Hải Âu dùng bữa ở bên ngoài. Đây là tấm lòng thành của cháu, mong bác không từ chối.
Hải Âu lén nháy mắt mẹ nói mẹ đừng nhận lời, bà Thuyên thấy, nhưng nói tỉnh bơ:
– Ừ. Bác đây cũng rất muốn nhận lời cháu, nhưng ngặt nỗi...bác vừa ăn cơm xong. Thôi thì để Hải Âu đi cùng cháu vậy. Hải Âu, cùng con đi thay quần áo rồi đi với anh Tuấn đi!
Hải Âu lắc đầu:
– Thôi mẹ ạ, hôm nay con hơi mệt. Anh Tuấn cho em hẹn lại dịp khác nha!
Khải Tuấn sa sầm nét mặt:
– Hải Âu ngại hay là ghét anh? Anh mời với tất cả chân tình, em từ chối là anh buồn lắm đấy.
Rồi anh quay sang cầu cứu bà Thuyên:
– Hay bác cùng đi để Hải Âu không ngại. Đây là lần đầu tiên cháu mời vì muốn làm thân với gia đình, mong bác ủng hộ.
Bà Thuyên gật đầu:
– Thôi được rồi. Cả ba người cùng đi. Hải Âu, thay quần áo đi...
– Mặc thế này có sao đâu mẹ?
– Con nhỏ này còn ở đó cãi mẹ à?
Cực chẳng đã, Hải Âu đành phải làm theo lời mẹ. Bà Thuyên cũng đi thay bộ quần áo lịch sự hơn. Một mình Khải Tuấn ngồi trong phòng khách nhà Hải Âu, anh đưa mắt quan sát khắp nhà. Gia đình cô cũng thuộc hàng khá giả, bà mẹ cũng dễ tính, hiền lành. Qua câu chuyện với bà, anh được biết khá nhiều thông tin về Hải Âu. Cô nói chuyện có duyên, có một chút ngang tàng nhưng chân thật và có một tấm lòng bao dung. Có lẽ những lời kể của ông già Sáu giữ nghĩa trang đã tạo cho Khải Tuấn một ấn tượng rất tốt về hình ảnh Hải Âu nên anh không hề quan tâm gì đến vết nám trên gương mặt của cô. Khải Tuấn là một bác sĩ rất giỏi về phẫu thuật thẩm mỹ. Anh có cả một thẩm mỹ viện ở nước ngoài.
Do hàng ngày tiếp xúc với đủ loại người, gặp gỡ nhiều trường hợp con người có khuyết tật hoặc làm bẩm sinh hay hình thù kỳ dị, cho nên với trường hợp của Hải Âu, anh thấy rất bình thường. Anh đang định tìm hiểu xem Hải Âu là người như thế nào. Nếu thật sự cô có đức tính nhân hậu như vẻ ngoài dung dị của mình thì Khải Tuấn sẽ tìm cách để giúp cô, coi như anh thay mặt gia đình trả ơn cho cô vậy.
Hai mẹ con Hải Âu về đến nhà, kim đồng hồ đã chỉ hơn 21giờ. Hải Âu cằn nhằn mẹ:
– Sao tự dưng mẹ đâm ra dễ dãi đến mức làm con kinh ngạc thế? Người ta chỉ mời ghé lại đây lần đầu, mới quen biết mà mẹ đã nhận lời mời, lại còn hỏi anh ta nhiều chuyện riêng tư. Mẹ làm vậy...người ta hiểu lầm đấy.
Bà Thuyên cười:
– Hiểu lầm cái gì! Mẹ thấy Khải Tuấn có vẻ mến con mà.
– Mến không có nghĩa là anh ta sẽ yêu con, anh ta chỉ đến vì muốn tỏ lòng biết ơn con thôi, mẹ làm như người ta đi xem mắt không bằng. Con không muốn Khải Tuấn nghĩ rằng nhà mình thấy ảnh Việt kiều nên cố ý làm thân, con dị ứng với chuyện đó lắm.
Bà Thuyên không cười nữa, ánh mắt nghiêm khắc nhìn Hải Âu:
– Con nói vậy là xúc phạm mẹ đấy, biết không hả? Hay là con nghĩ mẹ như thế? Hải Âu! Chắc con cũng biết là mình bao nhiêu tuổi. Ở tuổi của con, người ta đã lập gia đình hoặc có bạn trai rồi. Vậy mà con vẫn đi sớm về khuya một mình, con bảo mẹ không lo sao được?
– Con rất hiểu tấm lòng của mẹ, nhưng chắc mẹ cũng biết vì sao ở độ tuổi này rồi mà con vẫn chưa được chàng trai nào để ý, có phải là con kén cá chọn canh đâu. Đôi lúc con cũng buồn cho thân phận mình. Nhưng mỗi người có một cuộc đời, một số phận khác nhau, con đâu dám so sánh hay đua đòi với các cô gái cùng trang lứa.
– Nhưng... không phải bây giờ ông trời đang cho con cơ hội đó sao? Khải Tuấn là bác sĩ kia đấy. Cậu ấy chưa có người yêu...hãy nghĩ là Khải Tú giúp con đi. Anh cậu ta về đây, cậu ta chắc cũng muốn anh mình gặp một cô gái tốt...
Hải Âu lắc đầu, giọng buồn buồn:
– Thôi đi mẹ, mẹ cho rằng một đứa xấu xí dị hình như con xứng với Khải Tuấn sao? Là một người đàn ông bình thường thôi, là công nhân viên chức nghèo thôi, con cũng chưa từng dám dệt mộng tương lai, huống gì là một bác sĩ đẹp trai thanh tú. Lẽ ra mẹ phải nhắc nhở con mới đúng. Mẹ phải cảnh giác con đừng mơ mộng viển vông đi. Con rất cần những lời những như thế hơn là sự động viên. Cho dù con đang cô đơn, đang khát khao tình cảm, con cũng không được phép quên mình là ai để mơ xa những gì vượt khỏi tầm tay. Tư tưởng con đã xác định rồi, mẹ hãy để con sống an phận như thế...
– Mẹ nói cho con biết, mẹ già rồi nên chẳng thể lột da sống đời với con đâu.
Con phải biết tính toán cho tương lai, cho cuộc đời mình chứ. Sẵn dịp không có hai mẹ con Phi Yến ở nhà, mẹ nói với con chuyện này luôn. Mẹ lo mai kia mẹ nhắm mắt xuôi tay, con sẽ khó ở yên trong ngôi nhà này. Chị Hai con đâu phải người dễ tính. Tốt hơn hết là con nên tìm cho mình một người để có thể cũng nhau nương tựa suốt đời...
– Dạ con biết rồi. Mẹ cứ để từ từ con lo.
Bà Thuyên tặc lưỡi:
– Lúc nào con cũng nói câu đó! Con còn muốn đợi đến bao giờ? Mẹ thấy cậu Khải Tuấn trông có vẻ đẹp người đẹp nết, nếu đây là duyên phận, con cố gắng đừng để lỡ nghe chưa...
Hải Âu chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Bà Thuyên che miệng ngáp dài rồi bỏ về phòng. Còn lại một mình, Hải Âu ngồi lặng lẽ nơi phòng khách. Cô tựa đầu vào thành ghế xa-lông, suy nghĩ lung tung. Phải thừa nhận là Khải Tuấn đẹp trai và ăn nói có duyên, ở nơi anh có một sự thu hút kỳ có khả năng làm rung động bất cứ người con gái nào lần đầu tiên tiếp xúc. Anh lại tỏ ra quá chu đáo, ân cần với mẹ con cô. Hải Âu đang lo lắng cho mình. Điều làm cô sợ hãi không phải là chuyện mình không thể có tình cảm với anh, mà chính là cô không kềm nổi sự xao xuyến của trái tim mình. Nếu như vậy, cô càng đau khổ...