Không sợ địch lợi dụng

Trần Lê Văn
(Nhân văn số 2, ra ngày 30.9.1956)
Hiện nay trong nhân dân quần chúng nói chung, trong giới Văn-nghệ nói riêng, không khí phê bình để xây dựng lãnh đạo thật là hào hứng sôi nổi. Sau lớp học tập lý luận văn nghệ do hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức, một trong những nguyện vọng tha thiết nhất của anh em văn nghệ sĩ là có thêm những tờ báo góp phần với báo Văn-nghệ xây dựng Đại-hội Văn-nghệ toàn quốc và tạo điều kiện cho "trăm hoa đua nở" lâu dài. Trong hoàn cảnh ấy, báo Nhân văn ra đời.
Số 1 vừa ra gây nên những luồng dư luận khá sôi nổi. Ơ± đây, chúng tôi chưa làm cái việc tổng kết dư luận cũng chưa đáp lại những ý kiến tán thành hay không đồng ý. Chúng tôi chỉ bàn về một vấn đề thường làm quan tâm một số bạn đọc, nhất là trong giới lãnh đạo: vấn đề "địch lợi dụng".
Trong cuộc đấu tranh chính trị gay go giữa ta và địch, nhất định kẻ địch lợi dụng mọi cơ hội để tấn công chế độ ta. Hoặc chúng cho tay sai lẻn lút vào hàng ngũ ta để phá hoại, hoặc chúng dùng lối tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt vu cáo để lừa gạt nhân dân ta hòng che đậy cái bản chất thối nát của chế độ chúng và những hành động cướp nước, bán nước đã bị lịch sử lên án từ lâu. Vì vậy, sáng suốt nhận rõ cái tầm phá hoại của địch để ngăn chặn, đề phòng là đúng. Chúng ta không bao giờ nên đánh giá địch quá thấp mà sinh ra chủ quan khinh địch.
Đánh giá địch quá thấp thì dễ xẩy ra những tai hại lớn. Ngược lại đánh giá địch quá cao cũng dễ xẩy ra những tai hại không phải là nhỏ.
Xét lại một số công tác từ trước tới nay, trong lề lối lãnh đạo, chúng tôi nhận thấy một trong những nguyên nhân của những sai lầm nghiêm trọng là đánh giá địch quá cao. Cán bộ khi chấp hành công tác, bị chi phối bởi tư tưởng sợ địch, rồi sinh ra cảnh giác quá trớn, đa nghi, mất bình tĩnh sáng suốt trong khi nhận định sự thật. Nhận định sai tất nhiên làm sai và gây ra những hậu quả đáng tiếc: tưởng ta là địch, lầm bạn là thù, thậm chí có khi đẩy bạn sang thù.
Thí dụ: Cải cách Ruộng đất đã đạt được một số thành công. Điều này không ai có thể phủ nhận. Nhưng bên cạnh những thành công đó, có những sai lầm, tổn thất khá đau xót. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân quan trọng: tư tưởng sợ địch, cảnh giác quá trớn.
Hầu hết các đội cải cách ở đợt 4 và đợt 5, về nông thôn nhìn chỗ nào cũng thấy địch bao vây, địch phá hoại, cho những chi bộ cũ là tổ chức của địch cả rồi làm ẩu, bắt ẩu, xử trí sai, gây nên nhiều hiện tượng bối rối mà hiện nay chính phủ và Đảng phải tốn rất nhiều công phu để sửa chữa.
Công tác Hộ khẩu ở các thành phố xuất phát từ một dụng ý tốt là củng cố trật tự an ninh cho nhân dân. Nhưng cái tinh thần sợ địch, cảnh giác quá trớn làm cho một số cán bộ có thái độ nghi ngờ, xét nét quá đáng xâm phạm đến đời tư và sinh hoạt của người dân, làm giảm sút tác dụng của một chính sách tốt.
Giả thử trong nhân dân, trên báo chí, sự phê bình công khai được tiến hành từ trước, mọi người được nói thẳng, nói thật, nói hết để lãnh đạo dần dần thấy cái đúng cái sai ngay trong khi đang thực hiện chính sách thì chắc chắn nhiều tai vạ lớn đã tránh được. Sở dĩ sự phê bình công khai và rộng rãi trước kia hoặc không có hoặc có nhưng chỉ vụ hình thức cũng chỉ vì quá lo xa: nào là sợ địch lợi dụng, nào là sợ quần chúng hoang mang. Những bộ phận trung gian, trong khi hạn chế phê bình công khai đã làm cách biệt quần chúng với Trung ương Đảng làm cho ở trên không nhìn thấy thật thấu đáo tình hình ở dưới để kịp thời uốn nắn những sai lầm. Sai lầm không kịp thời uốn nắn, quần chúng càng hoang mang, tự do và dân chủ càng bị hạn chế, thì địch càng có nhiều điều kiện để nói xấu chế độ ta. Thế là tư tưởng sợ địch đã làm cho ta bị động và ở trong một cái vòng luẩn quẩn!
- Để cho quần chúng phê bình công khai ư? Bất lợi! vì địch có thể lợi dụng.
- Không để cho quần chúng phê bình công khai ư? Thế thì thấy sao được sai lầm mà sửa chữa? Sai lầm không sửa chữa thì địch nó càng lợi dụng để phản tuyên truyền.
Tối thấy cần phải nhắc lại lời cụ X.Y.Z. trong bài Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng:
"Có nhiều cán bộ tưởng rằng: nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình thì sẽ có hại vì:
- Kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền.
- Giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền.
- Làm mất thể diện của Cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy.
- Chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi.
Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình..."
Quả thế, có những cán bộ lãnh đạo ở những bộ phận trung gian sợ địch lợi dụng nên sợ quần chúng phê bình, chỉ làm cái việc phê bình "qua loa ở nội bộ" bỏ phí cả cái "lực lượng phê bình" vĩ đại của quần chúng! Coi nhẹ "lực lượng phê bình" ấy tức là làm phương hại cho đường lối quần chúng của Đảng. Trong bản báo cáo về vấn đề sửa đổi điều lệ Đảng của đồng chí Đặng Tiểu Bình tại Đại hội lần thứ 8 của Đảng cộng sản Trung quốc có phản ảnh một thực trạng tương tự như ở nước ta: Đường lối quần chúng trong công tác dủa Đảng có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc về mặt lý luận và thực tế. Bệnh chủ quan đang nẩy nở trong nhiều nhân viên công tác của các tổ chức Đảng và của cơ quan Nhà nước. Những hiện tượng xấu đó chứng tỏ đường lối quần chúng trong công tác của Đảng còn chưa thực hiện hoàn toàn đầy đủ trong Đảng. Cần phải thường xuyên đấu tranh chống những hiện tượng thoát ly quần chúng và quan liêu đó."
Äy là chưa kể những phần tử xấu vin cớ tránh địch lợi dụng để che đậy lầm lỗi của mình, duy trì địa vị của mình. Trong công tác văn nghệ bao nhiêu cái ấm ức chất chứa trong lòng anh em văn nghệ sĩ hàng mười năm chưa được nói ra, đến nỗi có người ví nó như "cục máu đọng lại không tan được" chính vì thiếu sự mở rộng dân chủ, mở rộng phê bình để lấy ý kiến của quần chúng xây dựng đường lối văn nghệ thật đúng đắn. Giả sử "quần chúng văn nghệ" được luôn nói thẳng, nói thật, nói hết thì làm gì có chuyện thỉnh thoảng "vụ" này "vụ" khác nổ ra như những "trái bom".
Mỗi khi có cuộc tranh luận phê bình công khai nổi lên, nghe chừng cái đà nó bắt đầu hăng một tí, là bộ phận lãnh đạo đã vội vàng tìm cách cho dập tắt: "Äy chớ! hại cho đoàn kết địch nó lợi dụng xuyên tạc!" Thế là phong trào xẹp xuống, "quần chúng văn nghệ" lèn chặt cái ấm ức trong bụng. Lãnh đạo không nhìn thấy sự thật gì nữa, xa rời quần chúng, làm việc chủ quan, càng ngày càng đi sâu vào những sai lầm khuyết điểm nặng.
Trong lớp học tập lý luận vừa qua, lý luận gì học cũng không vào, anh em phát hiện ra một hiện tượng, hai hiện tượng rồi phong trào phê bình lãnh đạo lại nổi lên như sóng cồn. Lãnh đạo lúc đầu còn có thái độ quanh co đối phó nhưng rồi cũng dần dần nhìn ra sự thật. Trong buổi tổng kết, đồng chí Nguyễn Đình Thi nhận những khuyết điểm của lãnh đạo trước anh em, đồng chí Tố Hữu sơ bộ tự kiểm thảo. Quần chúng chưa thỏa mãn nhưng dù sao như thế cũng là triệu chứng tốt rồi! Báo Nhân văn ra đời chỉ là kế tục cái tinh thần phê bình công khai và rộng rãi của lớp học tập lý luận. Nó mạnh dạn mở đầu một phong trào đấu tranh công khai với cái cũ để xây dựng cái mới. Nó phê bình công khai những cái mà có người tưởng rằng chỉ nên phê bình trong nội bộ. Phê bình thì có nhiều cách. Người thì dùng lối văn mỉa mai châm biếm, khi cái xấu nó nặng quá có thể dùng lối văn đả kích. Tất nhiên trong khi phê bình không thể nào tránh được những cái lệch lạc, thậm chí những ý nghĩ sai nữa. Thiết tưởng muốn nhận định đúng một phong trào phải nhìn vào cái ý nghĩa căn bản, cái thực chất của nó. Nguyên nhân vì đâu? Quá trình thế nào? Hiện trạng ra sao? Giải quyết thế nào là đúng?
Đáng lý bình tĩnh mà làm như vậy thì một số anh em cán bộ chính trị lại xuất phát từ ý nghĩ quen công khai những sai lầm của đồng chí Stalin. Chẳng những kẻ địch ở nước ta mà toàn thể phe đế quốc trên thế giới đều nắm lấy cơ hội ấy mà vu cáo phe ta thế này thế nọ. Nhưng chúng ngăn sao nổi Đảng cộng sản Liên Xô và lực lượng dân chủ hòa bình thế giới ngày một lớn mạnh thêm sau khi gột bỏ những sai lầm cũ, bước vào một giai đoạn mới.
Thế là phe ta đã cân nhắc và đã kiên quyết làm một việc lúc đầu có thể làm cho nhiều người sửng sốt: phê bình công khai một lãnh tụ vĩ đại của cách mạng thế giới. Địch nó muốn xuyên tạc thì nó cứ xuyên tạc. Ta thấy cần phê bình công khai để đẩy cách mạng tiến lên thì ta cứ phải phê bình công khai.
Có người nói: bên Liên Xô không có vấn đề đấu tranh cho thống nhất thì làm thế được, ở ta hiện nay đang có vấn đề đấu tranh gay go để thực hiện thống nhất, tình hình rất phức tạp không nên làm cho nó phức tạp thêm. Y³ nói: phê bình công khai, nói thẳng, nói thật, nói hết là khiến cuộc đấu tranh cho thống nhất thêm khó khăn. Thiết tưởng không phải thế. Nếu việc phê bình Stalin bị địch lợi dụng - mà thực sự nó đã lợi dụng - thì toàn thể sự nghiệp cách mạng trên thế giới phải chịu thiệt thòi. Điều đó lại không đáng e ngại hay sao? Thế mà sao Liên Xô không e ngại? Sở dĩ Liên Xô cứ làm cái việc phê bình ấy là vì đã cân nhắc cái lợi cái hại: phê bình là cái lợi lớn, địch phản tuyên truyền là cái hại nhỏ.
Trở lại phong trào văn nghệ của ta hiện nay. Cần phải nhận định rằng: trải qua ngót 12 năm dưới chế độ Dân chủ cộng hòa, qua 9 năm kháng chiến và hơn 2 năm Hòa bình, văn nghệ của ta đã lớn mạnh. A±nh hưởng tốt của những phong trào mới mẻ nhất của Liên Xô, Trung quốc càng làm cho nó lớn mạnh thêm. Lề lối lãnh đạo cũ không còn phù hợp với cái lớn mạnh ấy nữa. Quan hệ giữa lãnh đạo văn nghệ và quần chúng văn nghệ có mâu thuẫn. Mâu thuẫn này chỉ là dấu hiệu của một cái mà người ta thường gọi là "khủng hoảng trưởng thành". Những cuộc phê bình "nẩy lửa" trong lớp lý luận vừa qua, những bài văn, bài báo có vẻ "táo bạo" mà ta thấy ít lâu nay, đều biểu thị cái khủng hoảng trưởng thành ấy. Phong trào có thể có những lệch lạc, nhưng nó đúng ở căn bản là đòi duyệt lại những sai lầm nghiêm trọng của lãnh đạo để xây dựng một đường lối tốt đẹp hơn, rộng rãi hơn, phù hợp với nhu cầu mới hơn. Trong khi nó phê bình công khai, đưa ra những hiện tượng xấu, dĩ nhiên kẻ địch lợi dụng, nhưng cũng như việc phê bình Stalin, cái hại là nhỏ, cái lợi là lớn.
Nếu không nhìn thấy rõ như vậy, nếu chỉ thấy ngọn mà không thấy gốc, cứ sốt ruột trước một vài thái độ lệch lạc của quần chúng, lo lắng về việc địch lợi dụng, tôi thiển nghĩ: lợi bất cập hại. Quan niệm hẹp hòi ấy dễ đưa đến những hành động hẹp hòi. Nói trắng ngay ra rằng: gần đây trong giới lãnh đạo có khuynh hướng cô lập hóa, đối lập hóa tờ báo Nhân văn. Nếu khuynh hướng này còn kéo dài và tăng cường lên nữa thì tác hại sẽ là: hạn chế tự do dân chủ, hạn chế phê bình công khai, tưởng ta là địch, tưởng bạn là thù, tự mình đối lập với quần chúng của mình. Thế là mắc mưu ly gián của kẻ địch nham hiểm. Thế mới thực là bị địch lợi dụng.
Chớ nên vì sợ hay vin cớ sợ địch lợi dụng mà chụp mũ nhau là bôi đen chế độ, là thoát ly chính trị v.v... và suy diễn rằng: phê bình công khai những cái sai trái của ta là "nối giáo cho giặc", cần phải đề phòng!
Phê bình công khai là một công tác cách mạng. Nó là một phương tiện giáo dục quần chúng rất cần thiết, đồng thời lấy áp lực của dư luận để sửa chữa những cái xấu mà sự đấu tranh nội bộ trong các tổ chức của Đảng và Nhà nước không đủ để giải quyết. Một vài nhận thức chưa sâu sắc, một vài thái độ chưa đúng mức của người phê bình sẽ dần dần được uốn nắn lại trong quá trình thảo luận, không nên thổi phồng những cái nhỏ nhặt đó để gạt bỏ những vấn đề trọng đại kia.
Để kết luận, tôi nượn ý của đồng chí Đặng Tiểu Bình trong bản báo cáo nói trên: "Trong cuộc đấu tranh để thực hiện đầy đủ đường lối quần chúng và chống bệnh quan liêu, việc hợp tác chặt chẽ với các nhân sĩ ngoài Đảng và thu hút rộng rãi các nhân sĩ ngoài Đảng tham gia cuộc đấu tranh đó có một ý nghĩa rất lớn... Nhiệm vụ của chúng ta là thật sự củng cố liên hệ giữa người lãnh đạo và quần chúng làm cho nguyên tắc dân chủ và đường lối của Đảng được thi hành triệt để về mọi mặt".