Dịch giả : Lê Kim
Chương 37
Phong trung tướng, Nguyễn Bình nở mặt
Huỳnh Thế Phương tiếp khách Sài Gòn































Nguyễn Bình tại An Phú Xã
Huỳnh Văn Một kể chuyện miền Đông

Ngày 25-1-1948 chánh phủ Trung ương kiện toàn bộ máy quân dân chánh ở Việt Bắc, Bác Hồ phong quân hàm tướng cho các cán bộ quân sự cao cấp. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong đại tướng, Nguyễn Bình ở Nam Bộ được phong trung tướng và Nguyễn Sơn phụ trách miền Trung được phong thiếu tướng. Ở cấp thiếu tướng còn có năm vị nữa. Đây là tám vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Điện phong trung tướng cho Nguyễn Bình tới Nam Bộ tạo một niềm phấn khỏi cho toàn thể quân và dân miền Nam. Ai nấy đều hồ hởi vì Trung ương thấy công lao của vị phái viên Trung ương đã giữ được miền Nam trong những năm cuồng phong bão tố bẻ gãy được mũi nhọn viễn chinh của danh tướng Leclerc đã từng giải phóng mrớc Pháp và dẫn đầu Sư đoàn 2 thiết giáp thừa tháng xốc tới vượt hai sông Rhin và Danube góp phần đánh bại quân Đức hung hăng của Hítle. Dưới sự lãnh đạo tài ba của Nguyễn Bình, các bộ đội địa phương được tập hợp lại: chánh qui hoá, đi vào nề nếp, đặt trọng tâm đánh Tây lên trên hết, dẹp bỏ nhưng tị hiềm cá nhân kiểu thập nhị sứ quân. Thống nhất được các bộ đội giang hồ mà đứng đầu là Bình Xuyên là một thành công lớn không ai phủ nhận được. Kế đó là sáng kiến tuyệt vời: đào tạo binh chủng tinh nhuệ luồn sâu đánh hiểm, đột nhập vào thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn là hang ổ của địch, ngày đêm khuấy rối, rải truyền đơn, ném lựu đạn, làm cho địch ăn không ngon, ngủ không yên: biến thiên đàng thành địa ngục. Thời chiến quốc bên Tàu chỉ có một Kinh Kha, một Tào Mạt, một Chuyên Chư, một Dự Nhượng, một Nhiếp Chính, một Cao Tiệm Ly mà để lại cho ngàn đời sau những trang sử hào hùng. Nhưng với sáng kiến lập 10 Ban công tác Thành, Nguyễn Bình đã tạo ra không biết bao nhiêu Kinh Kha, Nhiếp Chính Việt Nam.
Trước tin điện phong trung tướng không bao lâu thì báo chí Sài Gòn loan tin một thợ hớt tóc cắt cổ tên đại tá uỷ viên cộng hoà Pháp tại Lào tên là Hans Imfelt. Vụ ám sát diễn ra trong phòng số 28 khách sạn Hotel des Nations số 68A Charner (Nguyễn Huệ). Anh thợ hớt tóc này là một đội viên Ban Công Tác Thành tên là Vô Hồng Tâm, mới mười tám tuổi. Điều quan trọng là tên đại tá Imfelt không chỉ là uỷ viên cộng hoà (tương đương thống đốc cũ) ở Lào mà thật ra là một sĩ quan tình báo lợi lại. Chính Imfelt đã vạch kế hoạch tấn công Việt Bắc, định diệt đầu não chánh phủ Trung ương. Sau đó chính nó lại vạch kế hoạch đánh toàn lực vào Đồng Tháp Mười để “hốt trọn” Uỷ ban kháng chiến - hiành chánh Nam Bộ. Hắn chưa kịp ra tay thì ta đã đánh trước. Ngày 8-4-1946 ta đốt kho đạn lớn nhất của địch tại Thị Nghè. Kho đạn này Tây gọi là Pyrotechnie, ở góc đường Chasseloup Laubat-doctetư Angier (Xô viết Nghệ Tĩnh- Nguyễn Bỉnh Khiêm). Kho đạn chiếm một diện tích lớn, mặt tiền ngó ra đài phát thanh Sài Gòn, còn mặt hậu thì chạy dài tới rạch Thị Nghè. Bởi vậy mới được gọi là Kho đạn Thị Nghè. Vụ nổ cháy này kéo dài trong ba ngày ba đêm. Khói bốc lên đen cả một góc trời. Tây hoang mang không kể xiết. Càng hoang mang dữ khi biết hệ thống phòng vệ kho đạn này thật kiên cố, lính gác nhiều vòng trong vòng ngoài. Thế mà vẫn bị Việt Minh đánh phá. Có tin được xác nhận là Việt Minh đã đột nhập kho đạn bằng đường cống ngầm trổ miệng ra con rạch Thị Nghè từ trong Sở thú bên kia đường Chasseloup.
Như sóng trường giang lớp sau đè lớp trước, cơn chấn động về kho đạn Thị Nghè chưa tan thì xảy ra chuyện đại tá uỷ viên cộng hoà Pháp ở Lào bị cắt cổ ngay trong phòng khách sạn giữa trung tâm Sài Gòn...
Đánh địch một lúc hai chiến trường, tiền tuyến và hậu phương, mỗi chiến trường có một thứ binh chủng tinh nhuệ. Trong vùng giải phóng có Vệ Quốc Đoàn, ở vùng tạm chiếm có Ban công tác Thành. Về sau có thêm các đội Công an xung phong cũng không kém lợi hại... Tóm lại, với tài chỉ huy của Nguyễn Bình, kháng chiến đã bẻ gãy các mưu đồ xâm chiếm của địch về quân sự cũng như về chính trị. Vụ giết tên bác sĩ Trần Tấn Phát, báo chí Sài Gòn đều đăng tin sôi nổi. Các báo Pháp còn nói rõ hơn: Nguyễn Bình đã bóp nát chánh phủ Nam Kỳ tự trị từ trong trứng nước khi loại trừ vị thủ tướng đã được quan thầy Pháp chọn. Cố nhiên là không có Trần Tấn Phát thì cũng có Nguyễn Văn Thinh. Nhưng Nguyễn Văn Thinh bản chất hiền lành, không hiếu chiến như Trần Tấn Phát. Đưa Thinh lên là vì nhu cầu cấp thời mà thôi. Quả đúng như chúng nhận định, Nguyễn Văn Thinh vừa ra mắt chánh phủ ở nhà thờ Đức Bà ngày 1-6-1946 thì năm tháng chín ngày sau, ngày 9-11-1946, Thinh đã thắt cổ tự tử vì ăn năn đã đi ngược lại con đường của dân tộc.
Công điện phong chức trung tướng cho Nguyễn Bình tạo một không khí tưng bừng chưa từng thấy. Tất cả ba khu 7, 8 và 9 đều đánh điện về chia vui.
Nhưng không đâu hồ hởi cho bằng Khu 7 là nơi đầu sóng ngọn gió. Tất cả các trung đoàn đều làm lễ liên hoan ăn mừng thắng lợi tuy là vinh dự dành riêng cho vị uỷ viên quân sự Nam Bộ nhưng cũng là niềm vinh dự chung của mọi người trong chiến khu.
Lễ thụ phong trung tướng được Bộ tư lệnh Nam Bộ tổ chức hết sức trọng thể. Cả nước Việt Nam chỉ có một vị trung tướng. Đó là nhân vật số hai, sau đại tướng Võ Nguyên Giáp. Địa điểm làm lễ là xã Nhơn Hoà Lập, nơi các cơ quan Nam Bộ đóng. Xã này chạy dài theo con kinh Lagrange, vừa được đổi tên kinh Dương Văn Dương, vị lãnh tụ của Bình Xuyên đã tử trận sau Tết Bính Tuất (1946) tại Châu Bình (Bến Tre).
Để có đủ thành phần xã hội tham dự, ban tổ chức mời một số nhân sĩ trí thức ở Sài Gòn ra. Tất nhiên giới văn nhân ký giả được nghĩ tới đầu tiên. Trong danh sách được liên lạc thành tới mời và đưa đón có nhà báo Thiếu Sơn Lê Sỹ Quý, Tam Ích (XXX) và nhà văn Lý Văn Sâm. Ba vị này viết báo công khai tỏ quan điểm ủng hộ kháng chiến, là ba tay cự phách trong làng báo chí thống nhất bút chiến ác liệt với nhóm báo chí phân ly mà dẫn đầu là hai tờ Phục Hưng và Tương Lai.
Mời trí thức ở thành ra, phải có người đón tiếp cẩn thận. Người được trung tướng giao trọng trách đó là trung đoàn phó Huỳnh Thế Phương. Anh Phương là ai vậy? Phương là dân miền Trung lưu lạc giang hồ từ nhỏ, đã từng ra Huế học Lycéum Việt Anh, qua Nam Vang học Lycée Sisawath. Năm 1945 về Sài Gòn học trường sĩ quan Nhật sau ngày 9-3. Ta cướp chánh quyền, Phương vận động binh lính Heiho (do Nhật đào tạo) gia nhập Cộng hoà vệ binh cũng gọi là Đệ nhất sư đoàn. Do vậy mà số Heiho trong Cộng hoà vệ binh rất đông, chỉ đứng sau anh em Garde Civile Locale và Brigade Mobile tức lính Bảo an mà dân Nam gọi là “mã tà chân xanh mắt ếch”. Đơn vị Phương thủ ở Bình Điền, đánh một trận ra trò tại Gò Đen. Lúc đó Phương đã là trung đội trưởng. Trận này báo Kèn gọi lính của Trần Bửu Kiếm đã viết bài tường thuật. Tây đánh mạnh, ta rút xuống Mỹ Tho rồi Bến Tre. Tại mặt trận An Hoá - Giao Hoà, Phương đã gặp anh Ba Dương, và sau khi Ba Dương hy sinh, Phương đã yểm trợ bộ đội Bình Xuyên lúc đó do Sáu Đối chỉ huy về Rừng Sác. Ban đầu định đi đường biển. Xuống tới Bình Đại thì có tin Tây chiếm Bà Rịa. Phải đi đường bộ. Bộ chỉ huy họp bàn lộ trình hành quân. Anh em vẽ bản đồ trên cát. Đang phân vân không biết đi qua những nơi nào thì Sáu Đối rút gươm thọc một đường thẳng trên bản đồ cát nói: “Đi đường này”. Thế là “đại quân” gồm khoảng bốn trăm binh sĩ cứ cương quyết ra đi, đụng địch thì đánh mở đường máu. Ngày nghỉ đêm đi. Về tới Rừng Sác, một bất ngờ khó chịu chờ đón anh Phương: Bảy Viễn muốn “Bình Xuyên hoá” cánh quân Cộng hoà vệ binh của Huỳnh Thế Phương. Tất nhiên Phương không đồng ý. Anh đã làm xong nghĩa vụ yểm trợ Bộ đội Bình Xuyên trở về Rừng Sác an toàn. Giờ thì anh phải đưa quân của mình về Khu Tám. Trong cuộc tranh chấp này, anh Phương thất thế vì anh chỉ là một nhóm nhỏ. Mà luật giang hồ bây giờ là cá lớn nuốt cá bé. Thời may có Mai Văn Vĩnh can thiệp. Bảy Viễn nể Chi đội 7 của cha con ông Tám Mạnh - Hai Vĩnh bỏ ý định sát nhập Cộng hoà vệ binh của Huỳnh Thế Phương. Trở về Khu Tám, Phương làm phó cho ông Đồng Văn Cống (Trung đoàn 99) một thời gian rồi qua bộ đội hải ngoại Trần Phú. Có thể nói cuộc đời của Huỳnh Thế Phương từ lúc đi học tới lúc đánh giặc rất long đong, không ở nơi nào lâu.
Long đong vì tánh tình ngay thẳng, thấy sai không thể làm ngơ, chẳng hạn như trong chủ trương tảo thanh Hoà Hảo ở hai Khu 8 và 9, Phương rất xót xa vì cảnh nồi da xáo thịt.
Trong trận vây bắt Hoà Hảo hành quân trong xã Bình Tiên, ngoại vi thị xã Sa Đéc, lần đầu tiên Phương trông thấy nữ binh Hoà Hảo xuất viện. Thật không thể tưởng tượng được. Nữ tướng tự xưng là Phàn Lê Huê được khiêng trên kiệu. Cô còn trẻ măng, khoảng mười tám. Nữ binh Hoà Hảo với gươm giáo làm sao đương cự với bộ đội Hải ngoại là đơn vị có súng ống tối tân từ Xiêm về.
Phương cho bao vây và bắt sống Phàn Lê Huê sau khi đánh tan đội bảo vệ. Cô ta khai tên là Thanh, quê xã Bình Tiên học trên Sài Gòn năm thứ tư trung học. Sắp thi đíp-lôm thì xảy ra chiến tranh. Về làng cô được Hoà Hảo chọn làm nữ tướng Phàn Lê Huê nhờ đẹp gái và có ăn học... Phương nhìn kỹ trong lúc thẩm vấn, nữ tướng mặc bộ đồ hàng đen viền chỉ vành. Trước khi đóng vai Phàn Lê Huê, cô Thanh làm y tế huyện. Phương suy nghĩ: phải cứu cô gái này. Cô ta chỉ là nạn nhân của Hoà Hảo. Nếu giao đám nữ binh Hoà Hảo này vào các tay hiếu sát thì cái chết rùng rợn chờ đợi các cô: mò tôm. Lúc đó ta không có chánh sách tù binh. Giam giữ vừa tốn cơm vừa tốn người canh gác. Khử là nhanh gọn nhất. Anh chuyển Phàn Lê Huê tới một trại tù binh mới thành lập mà trưởng trại là người hiền lành. (Về sau, năm 63, anh Phương gặp lại cô Thanh tại Hà Nội, bấy giờ nguyên nữ tướng Phàn Lê Huê nghiễm nhiên là bác sĩ quân y)
Nhưng hãy trở lại lễ thụ phong trung tướng của Nguyễn Bình. Trong một cuộc họp quân sự cao cấp ở Nam Bộ, Nguyễn Bình đã để mắt xanh tới trung đoàn phó Huỳnh Thế Phương: “Đây là cán bộ trung đoàn trẻ nhất, có trình độ văn hoá, có khả năng chỉ huy”. Lời nhận xét này khiến Phương phục Nguyễn Bình là “quân tử” vì trước đó anh đã từng “nói lén” trung tướng với một số anh em: “Nguyễn Bình nặng đầu óc huynh trưởng, pha thêm chất lưu manh. Ông dùng đám giang hồ tự do phóng túng chỉ biết phục tùng cá nhân Nguyễn Bình, còn chánh uỷ Hai Trí thì coi không có ra ký lô nào hết. Về cái mà thiên hạ thán phục, gọi là dũng cảm phi thường như mạo hiểm về thành quan sát tình hình, tôi cho là liều mạng làm hy sinh cả trung đội có nhiệm vụ yểm trợ...“. Không ngờ trong đánh bạn bè thân cận có người lén “méc” anh Ba. Nếu là kẻ tiểu nhân thì Nguyễn Bình đã “đì” kẻ nói xấu mình. Nhưng không, anh Ba còn chọn Phương thay mặt cho mình đón tiếp đoàn nhà văn nhà báo Sài Gòn. Suốt mấy ngày ba anh Lý Văn Sâm, Thiếu Sơn, Tam Ích xuống Đồng Tháp Mười, Phương lo cho họ thật chu đáo. Sáng đưa họ đi ăn hủ tiếu; tối đưa họ đi ăn chè ở quán Dì Ba, một quán của nhóm Dân Chủ lập trên bờ kinh Nhơn Hoà Lập để cho căn cứ Nam Bộ có chất tươi mát, giải trí anh em cán bộ xa nhà. Từ ngày đầu đến ngày cuối ba anh em trí thức Sài Gòn rất hài lòng về tổ chức trong lễ thụ phong trung tướng. Họ được thấy tận mắt sinh hoạt vui tươi, lạc quan, tin tưởng của nhân dân trong Đồng Tháp Mười. Người mà họ khoái nhất tất nhiên là trung đoàn phó Huỳnh Thế Phương đã phục vụ hết mình “khách đô thành viếng chiến khu xanh”.