Dịch giả : Lê Kim
Chương 45
Thanh Sơn phụ trách Campuchia
Uỷ viên quân sự về Nguyễn Bình







































Nguyễn Bình tại An Phú Xã
Huỳnh Văn Một kể chuyện miền Đông

Đây nói về Thanh Sơn, Nguyễn Văn Tây, một nhân vật tên tuổi của Nam Bộ. Có chuyện này ít người biết: Thanh Sơn không phải họ Nguyễn. Nội tổ Thanh Sơn là một nghĩa quân của Bình Tây Đại Nguyên Soái Dân Phong - tức Quản cơ Trương Định. Ông nghĩa quân này tên là Phạm Tự. Em của Phạm Tự là Phạm Thị Hiền, tức bà cô của Thanh Sơn, rất giỏi võ, lập ra đội nữ dân binh cùng với anh quyết chí đánh Tây. Khi Trương Định bị tên Việt gian Huỳnh Công Tấn (đội Tấn) hãm hại ở Đám Lá Tối Trời (Gò Công), bà Phạm Thị Hiền bị Tây giết và tru di tam tộc. Ông Phạm Tự chạy về Rạch Rầy, xã Hựu Thạnh, Cầu Kè, nay là Trà Ôn. Vẫn chưa trốn thoát, Tây bắt chặt đầu, ném xác xuống bưng Đập Vong cũng trong xã Hựu Thạnh. Trước nạn tru di tam tộc, ông nội của Thanh Sơn tên Phạm Cao Y đổi là Nguyễn Văn Bằng, cha Thanh Sơn tên Phạm Văn Hiến đổi là Nguyễn Vinh Hiển. Ông Nguyễn Văn Bằng gia nhập “Việt Nam Phục Quốc Hội” của cụ Phan Bội Châu còn ông Nguyễn Vinh Hiển thì làm làng để dễ hoạt động theo lý tưởng của cha ông.
Thanh Sơn nhớ hồi nhỏ thường bị cha bắt chép mấy câu chừ nho “trung hiếu tiết nghĩa”, “trung can nghĩa khí” không phải chỉ chép vài trăm hàng mà chép đầy ba mảnh giấy học trò. Nhờ chép nhiều như vậy mà Thanh Sơn có nét chữ đẹp. Đến khi bị Tây đày ra Côn Đảo cái hoa tay đó có chỗ đắc dụng. Thanh Sơn được đưa vào tổ phục vụ học tập, chép tài liệu Duy vật lịch sử, Duy vật sử quan, Duy vật biện chứng pháp. Đang học collège Cần Thơ dưới Ung Văn Khiêm một lớp, hai anh em bỏ trường theo cách mạng.
Thanh Sơn trốn sang Tàu học trường Hoàng Phố và được vinh dự sớm là học trò của Nguyễn Ái Quốc...
Nhưng hãy trở lại Nam Bộ trong những ngày nước sôi lửa bỏng cuối 1945. Khi ta cướp chánh quyền vào 25-8, Thanh Sơn là uỷ viên trong Lâm uỷ Hành chánh Nam Bộ kiêm Thanh tra chính trị miền Tây.
Mặt trận Cần Thơ đã bao vây địch trong 90 ngày, một thành tích đáng hãnh diện so với 29 ngày Sài Gòn sống trong độc lập tự do (25-8 đến 23-9-1945). Đầu tháng 2-1946 mặt trận Cần Thơ vỡ, Trung ương Quân sự uỷ viên Hội mà chủ tịch là Võ Nguyên Giáp - lúc đó chưa có Bộ Quốc Phòng - rút Thanh Sơn về Trung ương để lo vấn đề chi viện cho kháng chiến trong Nam. Thanh Sơn lên đường ra Bắc với trợ lý là kỹ sư Nguyễn Đăng. Nguyễn Đăng là kỹ sư canh nông làm việc ở Cần Thơ đã theo Thanh Sơn từ đầu năm 1945.
Hai anh em cùng trên đường ra Hà Nội dự kỳ họp Quốc Hội đầu tiên. Tới Vàm Láng (Gò Công) hai anh mướn ghe cửa mua gạo chở ra Phú Yên vừa là cải trang làm dân thương lái vừa tiếp tế miền Trung đang đói.
Lúc đó chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Miền Nam Việt Nam đóng ở Quảng Ngãi là Nguyễn Sơn, nguyên là chánh uỷ quân đoàn Diên An, từng tham gia cuộc Vạn lý trường chinh với quân giải phóng Trung Hoa thời kháng Nhật. Anh em ở Nam Bộ ra thấy tướng Nguyễn Sơn xây dựng vừng Quảng Ngãi như một thủ đô cách mạng, tập trung các thứ Trung ương chi viện cho Nam Bộ để biến căn cứ Quảng Ngãi như một Diên An. Là dân Nam Bộ ăn ngay nói thẳng, Thanh Sơn đã đụng Nguyễn Sơn nhiều trận, rõ ràng là hai ngọn núi không tống chung trên một mảnh đất.
Đụng nhau về chuyện võ khí. Nam Bộ cần súng đạn đánh Tây, được Trung ương chi viện súng đạn là mừng. Thanh Sơn tìm ghe thuyền đưa về Nam Bộ.
Còn Nguyễn Sơn thì cương quyết giữ số súng đạn đó lại cho Quảng Ngãi viện lý do: Tây cắt đường giao thông, làm sao đưa võ khí vào nam Bộ? Thanh Sơn cự: “ Sao không được, ngày xưa Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc giải phóng Thăng Long bằng cách nào? Ghe bầu ở đây thiếu gì!”
Thành Sơn còn tố thêm:
- Nếu anh muốn đánh Pháp, xin mời anh vô Nam Bộ. Còn nếu không thì anh phải trả võ khí lại cho Nam Bộ.
Đúng vào lúc đó Trung ương bổ nhiệm Thanh Sơn, Phó chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Miền Nam Việt Nam với nhiệm vụ lo tiếp tế cho Nam Bộ để đẩy mạnh kháng chiến chống xâm lăng. Công việc cấp bách lúc đó là xây dựng các kho chứa vũ khí, tìm ghe thuyền đưa võ khí về Nam Bộ. Một trong các kho đó là Vũng Rô mà thủ kho là đồng chí Tất. Chính từ kho Vũng Rô này mà bà Nguyễn Thị Định nhận võ khí chi viện cho Nam Bộ. Các thuyền trưởng Trần Văn Hoài (Hoài Râu), Đặng Văn Qua, Mười Thôi cũng xuất phát từ đó đưa súng đạn về cho ba khu 7, 8, 9.
Tháng 7-1947 Thanh Sơn về Nam Bộ. Cũng trong thời điểm đó hội nghị Xứ đại biểu họp tại Đồng Tháp Mười. Trong cuộc họp này có các đồng chí Lé Duẩn, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Trần Văn Trà. Hội nghị giải quyết các mâu thuẫn giữa Việt Minh Mới, Việt Minh Cũ, thống nhất hai hệ Uỷ ban Hành chánh và Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ và các liên tỉnh, tránh tình trạng không ăn khớp trước đó. Cũng trong thời điểm này, đồng chí Phạm Văn Đồng đại diện Trung ương ở phía Nam điện vào ra lịnh cho Thanh Sơn mở mặt trận Kampuchia để cầm chân Pháp bên đó đồng thời giải toả cho Khu 5 đang bị Pháp cô lập.
Thanh Sơn tiếp nhận sứ mạng đó với sự han hoan khó tả: Năm 1946 khi ra Trung ương, Thanh Sơn đã dựa vào Khu Năm, cái ơn đó anh định sẽ trả thì dịp may đến: Trung ương giao cho anh nhiệm vụ giải toả áp lực Pháp đang đè lên Khu 5 đồng thời tiếp tế cho Khu 5 bằng cách mở bến bãi ở Nam Bộ và Kampuchia, cho thuyền ghe chở lúa gạo, khô mắm cho miền Trung. Để thực hiện kế hoạch này, bộ trưởng Canh Nông Ngô Tấn Nhơn (thay Huỳnh Thiện Lộc) đưa hai chục ký vàng vô Nam để chi dụng. Lúc đó Thanh Sơn là uỷ viên Quân sự kiêm Ngoại vụ. Đến năm 48, anh là Trưởng Phân Ban của uỷ viên Kháng chiến hành chánh Nam Bộ ở Miền Tây Nam Bộ. Vì tầm quan trọng của mặt trận Kampuchia, Thanh Sơn giao đại nhiệm vụ uỷ viên Quân sự Nam Bộ cho người khác để tập trung nỗ lực vào trọng trách mới trên đất Chùa Tháp.
Giao cho ai chức uỷ viên quân sự Nam Bộ đây?
Xứ uỷ và Uỷ ban Nam Bộ thấy không ai xứng đáng hơn trung tướng Nguyễn Bình. Vị phái viên quân sự của Bộ Tổng được Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp phái vô Nam trong tháng 10-1945 đã nắm được tình hình quân sự và chính trị ở miền Đông Nam Bộ, kịp thời thống nhất các lực lượng võ trang địa phương mà sừng sỏ nhất là Bình Xuyên. Ở vùng giải phóng, Khu trưởng Khu 7 đã chánh quy hoá các bộ đội tổ chức thành các trung đoàn sinh hoạt có nề nếp và tác chiến có bài bản, kỹ thuật và kỷ luật. Ở vùng tạm chiếm, Nguyễn Bình tổ chức các Ban công tác chuyên hoạt động trong thành phố rải truyền đơn, ném lựu đạn, trừng trị giặc Pháp và bọn Việt gian phản động. Tuy có một số đội viên quen tác phong giang hồ vô tổ chức gây nhiều tác hại đáng tiếc, nhưng nói chung thì các đội quyết tử trong nội thành đã gây được nhiều tiếng vang, ảnh hưởng tới tận Paris làm bọn thực dân ăn ngủ không yên.
Sau khi cân nhắc, Xứ uỷ và Uỷ ban Nam Bộ nhất trí cử trung tướng Nguyễn Bình giữ chức Phó chủ tịch Uỷ ban Hành chánh - Kháng chiến Nam Bộ kiêm uỷ viên quân sự Nam Bộ. Đưa Nguyễn Bình lên Nam Bộ cũng có nghĩa là khép vị trung tướng vào khuôn khổ với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, một nguyên tắc mà trước đây khu trưởng Khu 7 không mấy quan tâm, dẫn đến những quyết định có tánh cách cá nhân như “hành động của một viên tướng ngoài cõi” bất chấp triều đình.
Ngoài ra Xứ uỷ và Uỷ ban Nam Bộ cũng bàn việc chọn ai giữ chức Khu trưởng Khu 7. Đa số nhất trí chọn anh Tám Nghệ (Huỳnh Văn Nghệ) đang lâ khu phó, một chỉ huy quân sự tuyệt vời đã lập nhiều chiến công hiển hách như Là Ngà, Đồng Xoài, Bàu Cá.