Chương 2

Chương cắt ngang những lời kể lể dài dòng của thằng bạn cũ:
- Mày chỉ hoài công thôi Bình, tao thật không viết kịch bản phim được đâu. Mày nói đạo diễn tìm người khác đi.
Bình cố thuyết phục:
- Sao lại không được, mày có thể mà. Truyện đó của mày. Mày viết truyện đó được thì bây giờ chỉ việc kéo dài nó ra thành kịch bản sân khấu thôi, có gì đâu.
Chương lắc đầu:
- Tao có thể viết truyện ngắn, nhưng để chuyển thể thành kịch bản thì xin lỗi, tao làm không được.
Anh cười nói thêm:
- Vả lại đó chỉ là một mẩu truyện ngắn viết một cách ngẩu hứng từ năm ngoái kia, giờ mà viết lại đâu còn hứng cũ nữa. Cái vụ kéo dài mày nói không là sở trường của tao, xin kiếu vậy.
Bình chắt lưỡi nằm nì:
- Gì mà sở trường sở đoản. Có gì là khó đâu, Chương. Đã là dân trong nghề viết thì từ truyện ngắn chuyển sang kịch bản cũng được mà.
Chương vẫn cười:
- Tao cũng đâu phải là dân trong nghề viết như mày nói. Tao chỉ tùy hứng thôi. Mày đừng ép tao nữa, tao nói thật, không làm được đâu.
Bình xịu mặt. Đã biết ngay từ đầu là khó mà lay chuyển được hắn rồi mà. Thò tay búng tàn thuốc ra ngoài cửa sổ, anh ngán ngẩm lắc đầu. Tuy là bạn cũ, nhưng tình tình của Chương xưa nay anh hiểu cũng khá rõ. Đã quyết định cái gì là khăng khăng giữ nguyên lập trường của mình.
Vớ gói thuốc trên bàn, anh đốt thêm một điếu rồi rít mấy hơi như để lấy lại sức vì đã quá tốn hao nước bọt.
Thật ra Chương cũng có cái lý của mình. Hắn đối với nghiệp văn chương chỉ như khách lạ tình cờ ghé chơi. Đúng là hắn viết chỉ theo cảm hứng. Sáng tác của hắn không nhiều, nhưng ít ra cũng vài lần đoạt giải thưởng nhỏ ở các nhà báo.
Hắn không phải là một nhà văn, nghề văn không phải là tay nghề kiếm sống của hắn, nhưng đã có chút tài viết thì sao hắn không trở thành nhà biên kịch được, nhất lại là biên kịch từ tác phẩm truyện ngắn của mình?
Thấy Bình cứ chắt lưỡi thở ra hoài, Chương phì cười:
- Mày cũng lạ. Sao lại cứ đòi cho được tao chứ, tao đâu có quen làm.
Bình dàu dàu:
- Tại tao thấy nhà hát có người đòi dựng kịch từ truyện ngắn của mày, nghĩ mình là bạn bè, nên tính nhận nhiệm vụ liên hệ, nhờ mày viết kịch bản luôn, ai dè....
Chương cười:
- Ai dè là thuyết khách không được nên cứ vò đầu bứt tóc đến khổ sở chứ gì.
Thở ra đám khói, Bình oán than:
- Khổ sở vậy mà mày còn chưa chịu gật cho tao nhờ. Bạn bè thân cả năm cả đời mới năn nỉ nhờ vả một lần, mày lại làm mặt ngầu.
Dựa hẳn người vào lưng ghế, Chương lơ đãng nói:
- Nhà hát thiếu gì người biên kịch, mày gom vào một mối làm gì. Họ muốn xử dụng truyện ngắn của tao, thì cũng được thôi, thì cứ tìm người chuyển thể, cần gì phải chính tao.
Bình thở dài sườn sượt:
- Tại mày bàng quan nên nói vậy được, chứ mày không biết để dựng vở kịch từ truyện ngắn của mày, trong nhà hát đã bàn luận, cãi cọ dữ quá trời. Anh chàng đạo diễn cũng khổ sở lắm mới đạt được số ý kiến thuận cho dựng.
Chương kín đáo nhìn lên đồng hồ:
- Sao lại tới độ bàn luận rồi cãi nhau?
- Thì vì nhà hát đang muốn dựng thêm vở mới dành cho cuối năm. Mày biết ông Quốc Vĩnh không?
Chương gật:
- Quốc Vĩnh đạo diễn tên tuổi mà, ai lại không nghe đến tên.
- Ừ, ông Quốc Vĩnh thì có trong tay một kịch bản xịn lắm. Ông ta muốn dựng nó. Nhưng Nguyễn Bá Cường thì mê cái ý tứ gì đó trong truyện ngắn của mày nên nhất định thuyết phục mọi người để cậu ta chuyển thể và dàn dựng.
Chương nhướng mày:
- Thành hai phe à? Phức tạp nhỉ?
Bình kể với vẻ ủ ê:
- Thì đó. Nhà hát cứ phải họp bàn luận tính toán, cuối cùng thì cho dựng cả hai, nhưng vì truyện ngắn của mày có xu hướng cổ điển, khác hẳn kịch bản có sẳn kia nói về đề tài đương đại, nên kinh phí được duyệt ban đầu chỉ bằng một phần ba nhóm bên kia.
Ngần ngừ nhìn bạn, Bình chép miệng:
- Và...chỉ là vở dựng thể nghiệm.
Ngả người ra lưng ghế, Chương bật cười giòn:
- Chà, nói nãy giờ mới bật ra nguyên nhân chính yếu tại sao mày với cái anh chàng đạo diễn Bá Cường đó lại muốn nhờ tao chuyển thể kịch bản. Đó là vì thiếu kinh phí chứ gì? Vậy mà mày cứ dài dòng làm tao tưởng có ai mà ưu ái cái giọng văn của tao đến nổi nhất định mời cho kỳ được.
Bình gãi đầu ngượng nghịu:
- Thì....ai lại nói trắng ra như vậy, tao cũng nghĩ nếu mày nhận thì quá tốt, chính tác giả chuyển thể thành kịch thì giữ được nguyên vẹn cảm hứng tác phẩm mà không bị lai tạp, thêm vào đó mày cũng sẽ dễ nổi tiếng.
Chương nhún vai:
- Nổi tiếng thì tao không cần, vì tao không muốn đi sâu vào nghiệp văn chương hay sân khấu. Nhưng.....nếu mày nói cái kịch bản kia sẽ là một vở kịch thử nghiệm thì....
Bình sáng mắt:
- Thì sao? Mày nhận lời hả?
Chương gục gặc đầu ậm ừ:
- Cũng có thể.
Bình vui mừng phát ngay vào vai bạn hét lớn:
- Thằng quỷ, đã chịu làm thì gật đại từ đầu, làm khổ công tao nói nãy giờ khô cả cổ. Tao cũng biết dạo này mày bận lắm, nhưng mày làm được mà.
Chương thản nhiên:
- Làm được hay không thì liên quan gì đến chuyện này, ai bảo cái tật rề rà của mày. Tao thấy mày muốn diễn vai thuyết khách thì cho mày diễn luôn, nhập vai luôn cho thoa? chí.
Liếc lên đồng hồ lần nữa, anh vỗ tay như kết thúc buổi nói chuyện:
- Rồi thôi, tao nhận lời mày rồi đó, làm ơn về trước, tao còn cuộc họp chiều nay nữa.
Bình sốt sắng đứng dậy:
- Ừ, để tao báo cho Bá Cường biết, rồi nói cậu ta có gì thì liên hệ trực tiếp gặp mày. Nhiệm vụ thuyết khách đã xong, khoẻ ghê.
Chương thắt lại cravate, anh mỉm cười:
- Nhưng nói trước nhé, tao chưa từng làm biên kịch, hiệu quả chưa biết được đâu. Nếu đó là vở kịch thể nghiệm thì cũng tạm nhận thử sức cho vui.
Đã định rời đi, Bình còn khựng chân lại thắc mắc:
- Nhưng sao là vở thể nghiệm thì mày mới chịu nhận?
Chương cười giải thích:
- Là vở thể nghiệm thì mới là chỗ cho tay biên kịch cũng thể nghiệm như tao thử sức cho vui chứ. Vở kịch hoành tráng công phu thì dù mày có thể nào thì tao cũng không vây vào đâu, vì đó không là sân chơi của tao.
Bình khoát tay:
- Mày đừng lo, Nguyễn Bá Cường còn trẻ thật, nhưng là tay đạo diễn có tài. Mày có lạ lẫm thì cậu ấy sẽ hứng đỡ cho. Lấn sân qua phim quảng cáo, mà cậu ấy cũng có được mấy mẩu quảng cáo rất khá, chẳng hạn như....
Chương trợn mắt cắt ngang lời bạn:
- Nữa rồi, ông “dài hơi”. Có chịu nhổ neo cho tôi nhờ không? Trễ giờ họp của tôi bây giờ.
Bình sực nhớ, anh đành cầm lại chià khoá xe và cười khì:
- Ừ, quên mất, về cho mày đi họp chứ. Biết mà.
Đứng ngoài sân chờ Chương khoá cửa, Bình lại lên tiếng:
- À, mà tao có một thắc mắc nhỏ, cái gạt tàn thuốc hình chiếc lá của cô em xứ Huế mày quăng đâu mất rồi? Làm hồi nãy tao chẳng có chỗ mà gạt tàn. Bộ cô em dứt áo ra đi chưa đầy một tuần, mày đã thủ tiêu hết mấy món quà kỷ niệm đó luôn à? Gì mà tệ thế?
Chương nhếch môi cười không đáp. Anh nhìn thằng bạn búng mẩu thuốc vào gốc cây sứ trong sân mà lãng đãng nhớ đến chất giọng Huế ngọt ngào.
Giọng nói ấy êm tai thật nhưng giờ đã xa rồi. Giữ làm gì những kỷ vật vô tri. Bá Cường ngồi yên nhìn người đàn ông trẻ trước mặt.
Anh ta có phong cách lịch sự nhưng không dễ gần chút nào. Vẻ tự mãn ẩn giấu rất kỹ trong con người anh ta.
Cũng đúng thôi, con người này sinh ra đời đã may mắn hưởng được nhiều ưu đãi. Gia thế tốt, lại có lắm tài năng. Ai mà không nhiễm thói tự mãn.
Dù anh ta chỉ là một tay viết văn nghiệp dư, mà như lời anh ta nói viết cho vui, nhưng những mẩu văn chương viết cho vui ấy cũng đã gặt được vài thành tựu nho nhỏ. Nghề nghiệp ổn định, tài vặt cũng không tệ, có tự mãn cũng là tất nhiên.
Bá Cường rít khói thuốc mà ngẫm lại mình.
Anh ta không như anh, một người từ tấm bé đã phải lăn lộn với cuộc sống. Thất học và luôn túng thiết là gốc rễ của gia đình anh. Anh đã phải vất vả mưu sinh, đã thoát ly gia đình chật vật tự làm, tự học.
Mài miệt lâu năm anh mới bước được một bước đầu thành công với hoài bảo của mình. Anh mới có thể được người ta biết đến như một “đạo diễn trẻ”, một đạo diễn triển vọng với vài đoạn phim quảng cáo và một hai vở kịch tạm gọi là có tay nghề.
Mẩu truyện ngắn “Thắp lên niềm tin yêu” anh đã được xem trên một tờ tuần san từ khá lâu rồi, mẩu truyện rất ấn tượng nên đã làm anh tâm đắc và khi nghe phong thanh nhà hát đưa chương trình vở kịch mới, anh đã nảy ra ý tượng dựng kịch từ từ cốt truyện đó.
Tấm đắc và hâm mộ tác giả là thế, nhưng giờ đây, khi cùng đối mặt ngồi bàn luận về vở diễn, anh lại có cảm giác không thoải mái với anh ta chút nào.
Không đòi hỏi hay thắc mắc gì về tiền nhuận bút ít ỏi, nhưng anh ta lại có phong cách khó gần và khó hợp tác quá chừng, điều này quả thật là vướng mắc đầu tiên của một vở kịch thể nghiệm mà nhà hát chỉ e dè cho dựng.
- Nếu như ý anh thì có lẽ tôi không làm được đâu. – Chương kết luận gọn.
Câu kết luận gọn hơ lập tức làm căng thẳng cả bàn họp chỉ vỏn vẹn ba người. Liếc nhìn vẻ nhấp nhỏm của Bình ở cạnh, Bá Cường hắng giọng giải thích:
- Anh Minh Chương à, anh cứ nghe tôi đi. Tôi thật tình rất thích truyện ngắn của anh, nhưng thành kịch thì nhất định phải theo quy tắc riêng của kịch. Vở diễn dù có thêm vai cũng không lệch khỏi quỹ đạo của anh đâu.
- Cường nói phải đó Chương. – Bình nói vào – Thêm hai ba vai chứ mấy.
Chương khẽ lắc đầu. Đến đây với ý định tham gia vào một cuộc thử sức, nhưng anh không thích có người áp đặt sáng tác của mình. Anh đều giọng:
- Cái gì mà quỹ đạo của tôi? Tôi chẳng có quỹ đạo gì cả. Truyện ngắn chỉ là truyện ngắn, nhưng từ một truyện ngắn có hai nhân vật, mà anh bảo tôi dàn ra cho có bốn năm nhân vật. Người ở đâu mà lắm vậy?
Bá Cường cố thuyết phục:
- Vì truyện của anh là truyện ngắn, nên anh có thể chỉ cho hai nhân vật, người đọc vẫn chấp nhận được. Còn trên khấu sân, nếu chỉ có hai nhân vật mà lại là những nhân vật nội tâm, thì kịch rất đơn điệu và dễ tạo cảm giác nhàm chán cho người xem.
Chương lắc đầu:
- Cảm nhác nhàm chán là khi kịch dở, diễn viên yếu kìa, chứ số lượng nhân vật thì ăn nhập gì đến hiệu quả vở diễn.
- Sao lại không ăn nhập? Nếu....
Chương điềm nhiên ngắt lời:
- Tôi còn nhớ năm ngoái đã được xem những vở kịch thể nghiệm mà toàn vở chỉ có một, hoặc hai nhân vật. Những vở đó đầy tính sáng tạo và rất hay. Ví như vở “Hoàng hậu hai vui”...
Bá Cường nhăn mặt:
- “Hoàng hậu hai vui” là một vở tuyệt hay và đầy tính sáng tạo, anh nói đúng. Nhưng xin anh hãy ngẫm lại giữa họ và ta. Họ là nhà biên kịch lão luyện, là diễn viên xuất sắc và kỳ cựu, là đạo diễn có tay nghề cao. Còn chúng ta?
Anh nhếch môi:
- Tôi dù ngoài ba mươi tuổi, vẫn chỉ là một đạo diễn trẻ có triển vọng. Bỏ qua nghề chính kinh doanh, thì anh cũng chỉ là người khách lạ của văn chương và sân khấu. Kinh phí không có, có diễn viên chưa có tiếng tăm. Vậy thì làm sao có thể mạo hiểm như người ta được?
Những lời phân tích đó, so sánh đượm vẻ chua chát của Bá Cường làm cả gian phòng rơi vào im lặng.
Bình ở đầu bàn gãi đầu gãi tai. Anh biết thằng bạn mình chẳng thích bị người khác lên lớp hay áp đặt. Bá Cường thì cũng cố chấp không kém. Bàn luận cách dựng vở mà từ sáng đến giờ cứ chỏi và gây nhau như mổ bò thế này thì chỉ có chết. Anh muốn lên tiếng phân giải, nhưng chẳng biết nói gì.
Bá Cường và Chương, ai cũng tự cao và ngoan cố. Trời ạ, bây giờ Bình mới nhận ra điều này. Có hai người “cha” thế này, vở kịch không biết có ra đời được không.
Chương ngồi yên, ngẫm nghĩ lời Bá Cường. Đột nhiên, anh hắng giọng, rồi trước nét mặt chưng hửng của Bình, anh thẳng thắn nhận lỗi:
- Xin lỗi, có lẽ anh nói đúng. Tôi không biết nhiều về sân khấu mà đã quá chủ quan.
Bá Cường cũng bị bất ngờ, anh nhíu mày:
- Vậy....anh sẽ nghe tôi góp ý chứ?
Chương không đáp mà từ tốn hỏi lại:
- Cũng phải xem anh muốn thêm vào mấy nhân vật đã. Những nhân vật đó phải thế nào?
Bá Cường vui mừng:
- À, khoảng hai ba nhân vật được rồi.
- Tính cách nhân vật cần phải ra sao?
Ánh mắt sáng rực, Bá Cường hăm hở nói:
- Tôi nghĩ vì vở kịch mang nét sâu lắng kiểu cổ điển, anh nên cho một nhân vật có tính cách đơn giản hoặc hài hước, như vậy để vở kịch sinh động hơn, nhẹ hơn, được không?
Chương gật gù:
- Cũng có thể được.
- Còn những lời thoại cho họ thì tôi nghĩ anh nên viết cho dí dỏm mà dễ hiểu....
Ở tít đầu bàn, Bình thở phào. Không ngờ tự dưng đang găng mà lại có thể xui chèo mát mái. Chương và Bá Cường dường như đã quên mất cùng tranh cãi ban nãy. Bây giờ hai người đang vào cuộc với ý thức trách nhiệm của mình.
Đạo diễn và tác giả kịch bản mà tâm đồng ý hợp như vậy thì tốt rồi. Bình khoan khoái châm điếu thuốc tự thưởng cho mình.
Một lúc sau, Bá Cường xoa hai tay với vẻ thoải mái:
- Rồi, vậy nhé, kịch bản thì ta vừa viết vừa cùng sửa, xong kịch bản tôi đưa duyệt rồi chọn diễn viên luôn.
Xếp cuốn sổ nhỏ lại, Chương cười hỏi:
- Diễn viên chưa chọn được à?
- Hai diễn viên chính thì tôi đã chọn xong rồi.
Thấy Chương nhướng mày, Bá Cường nói luôn:
- Tôi định giao vai Hoài cho Nam Long, còn vai cô gái mù Nguyệt Cầm thì giao cho Hoàng Qùynh.
Gài viết vào túi áo ngực, Chương ngạc nhiên:
- Nam Long tôi có nghe qua, hình như vở kịch năm ngoái đoạt giải, anh ta đóng vai phụ, được báo chí khen quá nhiều, còn cô.....
- Hoàng Quỳnh. – Bá Cường nhắc.
- Hoành Quỳnh? Diễn viên mới à? - Chương thắc mắc – Tên nghe lạ quá.
Bá Cường cười giải thích:
- Không lạ lắm đâu, Hoàng Quỳnh chưa có tiếng tăm ở kịch thật, nhưng cô ấy khá lắm, vừa mới tốt nghiệp khoá ngắn hạn đào tạo diễn viên của Trường Sân Khấu- Điện Ảnh.
Chương nhíu mày:
- Vậy là diễn viên mới, chưa từng có vai à?
Bá Cường gật đầu:
- Chưa. Hoàng Quỳnh mới ra trường nhưng không phải là lính mới đối với nghệ thuật đâu. Cô đang làm người mẫu cho xưởng vẽ và phim quảng cáo. Anh có xem qua đoạn quảng cáo về dầu gội đầu Charming chưa?
Anh cao hứng khoe thêm:
- Cô ấy rất xinh đẹp và đoạn quảng cáo đó rất có hiệu quả.
Chương nhếch môi cười:
- Chắc đoạn phim quảng cáo đó là của anh?
Bá Cường khựng lại một giây rồi chợt hiểu ý tứ của câu nói kia. Ánh mắt giễu cợt và cái cưòi của Chương làm mối đồng cảm vừa nhen lên trong lòng anh vụt tắt. Bá Cường sầm mặt:
- Này anh, tôi đâu phải là con người lung tung bậy bạ đâu.
Chương nhướng mày:
- Thì tôi có nói anh như vậy đâu?
Bá Cường kêu lên:
- Nhưng cái kiểu cười của anh....
- Cái kiểu cười của tôi làm sao? Chương nghiêm giọng.
- Anh đang nghĩ xấu về tôi, tôi đâu phải là thứ đạo diễn ba mươi lăm, xăng xê mấy cô diễn viên trẻ đẹp.
Chương cười nhạt:
- Sao anh lại tự cho là thế? Anh biết trong đầu tôi nghĩ gì à?
Bá Cường mím môi nhìn Chương. Vừa thấy hợp nhau trong công việc, giờ lại trở lại cảm giác khó chịu ban đầu.
Anh tức tối nhưng biết làm sao mà tranh lý lại với gã đàn ông có cái cười hờ hững khinh khỉnh này. Chẳng lẽ sừng sộ với hắn là anh hiểu hắn đang nghĩ xấu gì về anh trong đầu. Vô chứng vô cớ, làm sao cãi lại hắn?
Bá Cường hậm hực giải thích:
- Phải. Đúng là tôi từng làm việc với Hoàng Quỳnh trong mẩu quảng cáo đó, nhưng không phải vì vậy mà tôi cố tình giành cho cô ấy vai nữ chính. Tôi và cô ấy....không có gì hết. Hoàng Quỳnh mới ra trường nhưng qua chuyến quay quảng cáo, tôi thấy cô có chút ít tài năng và lại rất đẹp, tôi tin rằng ai ai cũng sẽ....
- Ai ai đó chắc chắn không gồm tôi? – Chương ngắt lời.
Lờ đi nét tức giận của Bá Cường, Chương nói tiếp:
- Tôi chưa từng biết qua cô ta, và anh cũng nói cô ta chưa có vai diễn nào nên tôi cũng chưa thể góp ý cho anh là cô ta có tài năng thật sự hay không.
- Vậy tại sao anh lại phản đối Hoàng Quỳnh?
Chương mỉm cười:
- Vai nữ trong kịch bản của tôi là một cô gái mồ côi mù loà, tôi có nhấn mạnh là cô chỉ bình thường, không đẹp. Cái đẹp thu hút anh chàng Hoài là cái đẹp nhân cách toát ra từ bản tính ngây thơ thánh thiện của cô ta thôi.
Bá Cường cau mày:
- Ý anh là....
Chương nhún vai:
- Cô người mẫu của anh có thể rất rất đẹp trong mắt anh, và trong mắt những họa sĩ, nhưng đẹp cách mấy cũng thua. Cô ta không phải là nhân vật của kịch bản đâu.
Bá Cường cãi:
- Nhưng sân khấu đều cần tài kèm với sắc. Tôi không cố ý đi tìm người đẹp, nhưng nếu đã có sẵn diễn viên đẹp thì càng tốt chứ sao?
Chương lắc đầu:
- Tôi không nghĩ vậy, nếu anh thật sự muốn vở kịch này thành công, anh phải tìm người khác thôi, một người hợp với nhân vật.
- Nhưng tôi thấy cô ta hoàn toàn phù hợp. – Bá Cường khăng khăng – Đã là diễn viên thì phải biết cách thể hiện vai diễn chứ.
Chương nhướng mày. Anh nhìn thẳng nhà đạo diễn trẻ một lúc rồi khẽ lắc đầu:
- Tùy anh thôi, anh là đạo diễn mà.
Bá Cường ngớ ra với cách buông vũ khí quá ung dung của đối phương. Thay vì tranh cãi, Chương lại đứng dậy chià tay ra với câu chào:
- Tôi chỉ góp ý, anh tự quyết định đi. Vài ngày nữa viết xong sơ lược diễn biến, tôi sẽ gởi đến anh xem qua, đến chừng đó anh cũng có thể góp ý kiến cho tôi một cách thẳng thừng như vậy.
Bình đứng lên tiễn chân bạn ra ngoài, để lại Bá Cường ngồi trơ trong phòng với sự bực bội mới.
Ra đến hành lang bên ngoài, Bình hắng giọng:
- Sao hôm nay đặc biệt khó chịu vậy mày?
Chương ngạc nhiên nhìn qua:
- Tao khó chịu? Mày thấy tao khó chịu à? Chỗ nào đâu?
Bình chắt lưỡi:
- Còn nói, hắc ám như quỹ vậy, mày làm Bá Cường khó nghĩ rồi đây.
- Ý mày là chuyện tao góp ý về cô người mẫu kia chứ gì? – Chương cười cười – Tao chỉ góp ý thôi, quyết định vẫn là ở đạo diễn kia mà.
Bình lườm bạn:
- Mày góp ý kiểu đó như phản đối còn gì. Góp ý cho đã rồi còn nói thòng đại ý là tôi góp ý mà anh không nghe, thì khi anh góp ý với tôi cũng cóc cần biết tới. Mày đưa Bá Cường vào thế việt vị mất rồi.
Chương tủm tỉm:
- Đành vậy thôi. Tao nghĩ anh ta có thể đã có hứa hẹn với cô người mẫu kia rồi, nên quảng cáo tô vẽ. Tao dợm gạt cô nàng ra là anh ta sùng lên dữ quá chừng. Không có lửa làm sao có khói.
Bình tròn mắt:
- Vậy là mày muốn chọc tức Bá Cường chơi thôi chứ đâu phải cố tình gạt bỏ Hoàng Quỳnh, phải không?
Chương nhún vai:
- Không hẳn vậy, tao phản đối vì cả hai.
- Tại sao?
- Vì phản đối ngay từ đầu tốt hơn, chứ nếu cho cô ta đóng, nửa chừng mới phát hiện cô ta không hợp vai, như vậy càng khó ăn nói cho anh chàng Bá Cường đó.
Bình thắc mắc:
- Nhưng sao chưa biết Hoàng Quỳnh mà mày đã ác cảm vậy?
Chương đưa tay ngăn lời bạn:
- Xin đính chính, tao chẳng hề ác cảm với ai.
- Nhưng sao mày biết cô ấy không hợp?
- Những cô người mẫu vì quen phong cách trình diễn, sẽ luôn chú ý đến vẻ ngoài. Cô gái trong truyện của tao thì là một cô gái khá ngây thơ, đơn giản, và lại mù loà.
- Thì Hoàng Quỳnh cũng sẽ nhập vai để diễn được. – Bình ngắt lời.
Chương vẫn lắc đầu:
- Tao không tin cô ta có thể diễn được. Tao không nghĩ cô người mẫu kia lột tả được tính cách này, tao không muốn cô gái ấy bước lên sân khấu mà cứ xoay người õng ẹo tạo dáng để sao luôn ở hình tượng đẹp nhất.
- Đẹp không tốt sao? – Bình không hiểu.
Chương cười:
- Đã mù loà thì làm sao chú ý đến những tiểu tiết bề ngoài như vậy. Chuyện làm điệu sẽ phá hỏng tính cách nhân vật kịch này liền. Tao không thích vậy.
Bình ngẩn ra kinh ngạc:
- Nhưng Hoàng Quỳnh đâu có làm dáng điệu hạnh như mày nghĩ?
Chương thờ ơ phẩy tay:
- Mấy cô người mẫu hầu hết đều mắc cái bệnh này, họ quen chú trọng dáng vẻ bề ngoài đến nỗi thành bệnh mãn tính rồi.
Anh nhìn bạn:
- Hơn nữa, mày không nghe Bá Cường cứ nhắc tới nhắc lui rằng cô ta rất đẹp sao? Vai diễn trong kịch bản của tao không cần đẹp, chỉ cần nét thánh thiện, trinh nguyên mà thôi.
Bình nhăn mặt:
- Mày trở thành ông cụ non khó tính từ lúc nào vậy? Mày góp ý chọn lựa diễn viên mà tao nghe nhưng ông già hủ nho chọn vợ cho con trai vậy. Tại mày chưa gặp Hoàng Quỳnh nên chưa biết đó thôi....
- Còn mày gặp qua rồi à? – Chương quay qua ngắt lời.
Bình gật ngay:
- Rồi, nó đang tạm thế một chân trong ban ca múa phụ họa của nhà hát nè. Con nhỏ lanh lẹ, dễ thương và có chút bản lĩnh, chịu thương, chịu khó lắm. Ở nhà hát chỗ nào khuyết gọi nó, là nó nhận liền, mà gì cũng tạm làm tròn được. Tuy có hơi thiếu kinh nghiệm nhưng tao nghĩ nó sẽ hợp vai.
Chương cười ngất:
- Mày thuyết phục phản tác dụng rồi. Tao vừa nói cần nét thơ ngây thánh thiện, mày lại quảng cáo là có bản lĩnh rồi lại lanh lẹ gì đó.
Cười chán chê, anh chắt lưỡi giễu cợt:
- Cô Hoàng Quỳnh đó cũng lắm nghề đó chứ. Hết người mẫu, đóng quảng cáo, ca sĩ phụ họa, rồi bây giờ lại còn định nhảy qua kịch nghễ nữa. Nhiều nghề như vậy thì cần gì vai diễn này.
Bình gân cổ định cãi nhưng không kịp để bạn phân bua thêm. Chương khoát tay:
- Thôi đừng tranh luận nữa, chuyện diễn viên này cứ để Bá Cường giải quyết, mày đừng lo thêm làm gì.
Vỗ vai bạn, anh hỏi:
- Mà nè, giờ rảnh chưa?
- Chi? - Mặt Bình vẫn nguyên ấm ức.
- Uống ly cà phê với tao. Sáng mày đánh thức tao sớm quá, chưa có cữ cà phê, tao vẫn còn lừ đừ đây. Uống cho tỉnh, chút tao còn phải đi làm.
Bình ngần ngừ rồi dấm dẳng:
- Ừ thì uống, uống cho hạ hỏa. Tao cũng lấy làm lạ là hầu như lần nào gặp mày, tao cũng cãi cọ. Giờ đâu còn chung xóm nữa, đâu có học chung đâu, vậy mà còn đánh bạn với nhau hoài.
Theo bạn bước xuống sân, anh chép miệng:
- Nhiều lúc không muốn cãi với mày chi cho mệt, vậy mà xáp vào, mày lại tưng tửng móc lò, nói chận làm phải lấy gân cổ cãi tiếp.
Chương cười:
- Tại mày ghiền cãi, tao ghiền chọc tức, hai đứa có quay đi cũng không tìm được đối thủ tương xứng, vậy thì lại gặp nhau chứ có gì lạ.
Bình la lên:
- Nhưng tao cãi thua mà, hầu như lần nào cũng thua đến ức luôn được, ghiền cái khỉ khô gì.
Chương phá lên cười. Đúng là anh ghiền chọc tức thằng bạn thân mất rồi. Hễ lần nào nó ấm ức đến đỏ mặt tía tai là anh càng thấy thú vị. Thú vị cũng phải, phần thắng nghiêng luôn về anh mà.