Chương 6

Một ngọn gió hiếm hoi từ khuôn cửa sổ thổi tràn vào làm Quỳnh thầm thở phào sung sướng. Cô muốn rướn người đón ngọn gió mát ấy nhưng lại không dám. Cô ngồi yên trên cái bục vải trắng cao nghệu, không dám nhúc nhích lấy một ngón tay.
Ngọn gió mát ấy lùa vào cũng làm không khí trong xưởng vẽ đỡ ngột ngạt dù chỉ trong phút chốc.
Gian phòng dùng làm xưởng vẽ này đang có hơn mười người, nhưng ngoài những tiếng cọ phết lên mặt vải, ngồi cái giọng nho nhỏ chỉ bảo thỉnh thoảng của thầy An, hầu như chẳng còn âm thanh gì khác.
“Cứ như những ngài họa sĩ chẳng biết hít thở vậy” Quỳnh nghĩ cho vui tuy vẫn ngồi bất động trước họ.
Công việc này của Quỳnh là một những công việc mà Thúy Hoa gọi là táp nham và chị Hương thì nghĩ xiên xẹo nên lúc đầu suýt không cho cô làm.
Việc không có mỗi ngày, tiền công cũng không khá gì, nhưng Quỳnh quý thầy An, và lại đây cũng là một việc làm lương thiện và có dính dấp tí chút đến nghệ thuật nên cô đã theo suốt thời gian dài.
Thầy An là một giáo sư kỳ cựu của trường Mỹ Thuật xưa kia, tuy nay đã về hưu nhưng thầy vẫn còn được nhiều người mến tài theo học riêng. Xưởng dạy vẽ là nguyên tầng trên của một ngôi nhà rộng kiểu xưa của thầy.
Thầy có vài người mẫu nhưng thường xuyên và bền bỉ nhất vẫn là Quỳnh. Ngoài xưởng vẽ ở nhà, thầy còn giới thiệu Quỳnh thỉnh thoảng đến làm mẫu cho trường Mỹ Thuật nữa.
Cộng thêm những công việc “táp nham” khác như bán hàng mùa hội chợ, múa thay ai đó trong nhóm múa minh họa chương trình ca nhạc, diễn vai quần chúng trong mấy phim video, quay phim quảng cáo và kết áo diễn cho sân khấu cải lương, Quỳnh cũng có thể tự nuôi sống mình và tạm hài lòng với cuộc sống vì nghệ thuật ấy.
Đúng vậy, nhớ ngày nào cô và Thúy Hoa theo lời thuyết phục của chị Hương, hai đứa dắt nhau lên thành phố mưu sinh, đã bắt đầu bằng việc đi tiếp thị bán hàng và ôm lẵng hoa cho các quán cà phê, phòng trà buổi tối, thì ngẫm lại bây giờ đã có tiến bộ khá nhiều đó chứ.
Hết ngán cảnh lải nhải ỉ oi mỏi miệng để bán được chai dầu gội đầu, hoặc ớn cảnh cầm giỏ bán hoa bị những gã đàn ông nham nhở chọc ghẹo, Thúy Hoa học được nghề may. Còn cô, tuy ẹ hơn nó, nhưng những công việc bây giờ cũng tạm được. Nhọc mệt chút đỉnh thật nhưng cũng thoải mái tự tại, và hơn nữa những công việc ấy lại khá hứng thú vì đều phục vụ cho nghệ thuật.
Quỳnh vẫn ngồi y nguyên như đã quen với công việc cứng người này, cô còn đang lãng đãng nghĩ ngợi nhăng nhít cho quên thời gian thì một tiếng vo ve chợt ngân lên bên tai.
Thoạt đầu, Quỳnh không để ý, nhưng con ruồi bự rền, và tiếng vo ve của nó nghe như muốn quấy rầy luồng suy nghĩ tản mạn của cô, cô khẽ liếc nhìn.
“Làm ơn đi chỗ khác chơi nhé ruồi, tao đang làm việc đó. Có thể mày chẳng hiểu ngồi cứng nhắc như vậy là việc gì, nhưng tao đang làm việc nghiêm túc thật đó, đừng phá đám nhé”, cô nói thầm với nó.
Không biết có nghe được lời nói thầm ấy của cô không, đang lảng vảng bên vai, con ruồi ấy bỗng đổi hướng cứ vo ve trước mũi cô. Quỳnh lại lé mắt nhìn trộm nó. Chắc hẳn đoán được nỗi e ngại của cô, nó càng trêu già lượn qua, lượn lại rồi thoắt cái đã đậu xuống ngay chót mũi thon thon.
Quỳnh giật nảy người quơ tay loạn xạ để đuổi con ruồi quái ác. Cô quên mất mình đang ngồi cheo leo trên cái bục cao nên ngay lập tức ngã sầm xuống đất.
Tiếng động làm cả xưởng vẽ sửng sốt với những cặp mắt trố ra, thế rồi tất cả bỗng phá lên cười. Tiếng cười sặc sụa vang dội làm thầy An cũng phải ngớ ra.
Nện nguyên một bên mông xuống đất, Quỳnh đau ê ẩm, đau đến muốn khóc lên được. Cô còn đang hoảng viá và nhăn nhó với cơn đau thì một bàn tay đã chìa ra trước mặt cô. Hành động hào hiệp nhanh nhẹn kia có lẽ làm những người còn lại chột dạ. Tiếng cười tắt dần.
Đỡ cô ngồi lên chiếc bàn gần đó, anh chàng có hành động lịch sự đúng lúc ấy ân cần hỏi:
- Quỳnh có sao không?
Ê cẩm cả phần hông, cô bặm môi nén đau và chỉ lắc đầu.
Thầy An cũng đến hỏi han. Sau khi biết chắc cú té không làm cô bị nặng, Thầy nhìn đồng hồ rồi vỗ tay mấy cái. Cả xưởng vẽ yên lặng lại. Thầy hắng gịong:
- Hôm nay tạm nghỉ ở đây. Mai tiếp tục.
Tan lớp xong, thầy quay lại Quỳnh:
- Không sao thật chứ Quỳnh?
Cầm phong bì thầy đưa, Quỳnh thở ra và đáp qua loa:
- Dạ còn đau, nhưng chắc con không sao.
Thầy gật đầu rồi trước khi rời đi còn dặn:
- Nếu mai còn đau không đến được, con phải gọi điện báo trước nhé, thầy biết mà đổi chủ đề cho lớp.
- Dạ con nhớ ạ.
Đám học trò lần hồi đã thu xếp xong dụng cụ vẽ. Vài anh chàng còn cố sửa lại vài nét cọ nữa cho thật ưng ý mới chịu xếp giá vẽ.
Đợi cho bọn họ thưa bớt, Quỳnh mới khom người đứng lên. Chưa kịp đứng vững, cô đã bật tiếng suýt xoa. Khi nãy rớt mông xuống, vậy mà bây giờ lại đau nhói hông, kỳ lạ chưa.
- Để tôi giúp Quỳnh.
Anh chàng lịch sự khi nãy lại xuất hiện bên cạnh. Dìu Quỳnh đứng lên và lấy hộ cô túi xách, anh ta hỏi với một giọng đầy quan tâm:
- Tôi đưa Quỳnh đến bác sĩ nhé?
E dè rút tay lại nắn thử cái hông đau, cô bặm môi nén đau:
- Thôi khỏi ạ, té sơ thôi. Không cần đến bác sĩ làm gì.
- Cú té xem ra không nhẹ đâu.
Nắn mạnh tay hơn vào bên hông đau và bước vài bước thử, cô cười gượng:
- Quỳnh không sao rồi, cám ơn anh.
Anh chàng chắt lưỡi:
- Quỳnh đau đến mướt cả mồ hôi mà còn nói không sao.
Cảm thấy anh chàng ân cần thái quá, khoác túi xách lên vai, cô chép miệng:
- Đi đứng được là không sao rồi. Về sức dầu chắc đỡ đau.
Sự ngoan cố của cô làm chàng thanh niên phải chịu thua. Nhưng chừng như chưa được yên lòng, Quỳnh cà nhắc xuống hết mấy bậc tam cấp là anh chàng theo sát đằng sau nhìn chừng.
Tuy vẫn còn đau với từng bước đi nhưng cô phải phì cười quay qua. Anh chàng cũng cười:
- Tôi hơi phiền phức, phải không?
Vuốt mồ hôi mướt trên trán, Quỳnh tủm tỉm:
- Không hẳn vậy.
- Mà Quỳnh....không sao thật chứ? Xin lỗi vì hỏi hoài có câu này. Tại hồi nãy tôi thấy....
Cô ngắt lời:
- Tôi rất giỏi chịu đựng, té chút xíu không nhằm gì đâu, tại quê quê nên ngồi ì ra đó thôi, cám ơn anh đã giúp tôi.
- Chuyện phải làm mà. – Anh ta chìa tay ra luôn - Chắc Quỳnh chưa biết tên tôi. Có thể tự giới thiệu không? Tôi tên Hiển.
Quỳnh cười bắt tay anh ta:
- Cám ơn anh Hiển. Tên tôi thì anh gọi nãy giờ rồi, khỏi giới thiệu.
Hiển nháy mắt lém lỉnh:
- Nhưng chỉ biết vỏn vẹn có cái tên Quỳnh. Và hình như lớp nào thầy An cũng chỉ giới thiệu có mỗi cái tên.
- Ý anh là....
- Có thể cho tôi biết thêm một tí nữa không? Ví dụ như tên lót của Quỳnh. Coi như một đặc ân cho sự nhanh nhẹn lúc nãy của tôi.
Cách nói chuyện cũng nhanh nhẹn của anh chàng làm Quỳnh hơi ngạc nhiên, cô cười:
- Chẳng có gì mà anh gọi là đặc ân, tôi tên Hoàng Qùynh.
Hiển tươi tỉnh mặt mày:
- Chà, tên đẹp quá!
Quỳnh buồn cười. Có cái tên mà anh chàng cũng hí hửng dữ. Cô giữ mình không cà nhắc để xuống hết mấy bậc thang và bước ra sân, Hiển cũng song song bên cạnh.
Quỳnh hắng giọng:
- Quỳnh ngồi làm mẫu phải ngó một phiá, nên ít khi nhìn xuống các anh, nhưng Quỳnh cũng thấy hình như anh mới theo lớp đây thôi?
- Quỳnh nói đúng. Tôi chỉ mới đến lớp này mấy tuần lễ.
Đã ra đến cổng, anh chàng chỉ tay vào chiếc mô tô mới toanh dựng trong dãy xe đã thưa thớt:
- Xe tôi ở kia, tôi đưa Quỳnh về nhé?
Cô cười lắc đầu:
- Cám ơn anh, Quỳnh có xe rồi.
- Tôi biết. Chiếc xe đạp màu tím sát tường chứ gì. Nhưng hôm nay Quỳnh bị đau, đi xe làm chi, cứ gởi lại nhà thầy, mai tôi sẽ đem về tận nhà Quỳnh.
Cô vẫn lắc đầu:
- Không dám phiền anh đâu. Quỳnh đi xe về được rồi.
Nằn nì thêm vài câu nhưng vẫn không có kết quả, Hiển đành lấy chiếc xe đạp màu tím ra dùm cô.
Chào anh, cô lên xe, nhưng bặm môi đạp mới hết con đường, cô đã phải tấp xe vào lề. Hiển xề ngay lại hỏi han:
- Sao vậy Quỳnh? Đau lắm à?
Cô vừa thở vừa lắc đầu:
- Không đau, nhưng xin lỗi anh Hiển, Quỳnh không thích bị kèm như vậy.
Hiển ngẩn ra ngạc nhiên:
- Ý Quỳnh là không thích tôi chạy kè theo à? Quỳnh ngại tôi biết nhà.
Cô nhún vai thẳng thắn:
- Chẳng có gì phải ngại, có điều Quỳnh không thích bị kè sát bên kiểu ấy. Đường rộng quá chừng mà, anh cứ rồ ga về trước đi.
- Vậy.....tôi chạy đằng sau.
Cô nhăn mặt kêu lên:
- Đằng sau càng tệ hơn. Sao anh không mặc kệ Quỳnh mà về trước đi. Chiếc mô tô mà cứ kè bên nhấp nhấp như vậy trông thật kỳ.
- Vậy – Anh chàng nhăn nhó – Quỳnh khó nhỉ. Không dấu nơi ở nhưng không cho đưa về, làm sao biết được nhà Quỳnh?
Cô nhìn anh ngạc nhiên:
- Anh muốn biết nhà Quỳnh làm chi?
- Thì....ờ, chúng ta người thì học tập, người thì làm việc chung chỗ, có thể gọi là bạn bè rồi, biết nhà nhau sẽ thuận lợi lui tới thăm viếng giúp đỡ nhau hơn.
Cô phì cười:
- Làm bạn thì cũng có thể gặp nhau ở xưởng vẽ thầy An mà. Tuần nào mà Quỳnh không có mặt ở đó.
- Nhưng Quỳnh....
Cô hơi bực nên ngắt lời:
- Quỳnh ở trọ, không tiện để tiếp bạn bè đâu.
Lý do lần này khá chính đáng, Hiển ngần ngừ:
- Vậy....Quỳnh có thể cho tôi số điện thoại được không?
- Chỗ Quỳnh ở không có điện thoại anh Hiển ạ.
Hiển đăm đăm nhìn cô một lúc rồi chợt thở ra:
- Có lẽ tôi nhanh nhạy đâm ra khác thường làm Quỳnh ngại. Thôi cũng được, tôi sẽ chạy xe trước vậy, nhưng Quỳnh về nhà nhớ để ý xem có bị sao không nhé. Cẩn thận vẫn tốt hơn.
- Dạ cám ơn anh.
Đã nổ máy, anh còn nhoẻn cười:
- Tính tôi đôi khi hơi bộp chộp thật, mai mốt có thời gian hiểu nhau hơn, mong Quỳnh sẽ không phải e ngại nữa.
Quỳnh nhướng mày nhìn chiếc xe lao vút đi hoà lẫn vào dòng xe cộ. Câu nói không khó hiểu nhưng phong cách anh chàng này xem ra khó hiểu và khá đặc biệt đây. Chiêu làm quen tán tỉnh mới chắc.
Cô lắc đầu thở ra. Chỉ tại con ruồi thôi. Tự dưng nhảy lên mũi cô đậu làm cô phát té cái rầm. Thế rồi một anh chàng có dịp đỡ lên, để rồi là cú làm quen kết bạn chớp nhoáng.
Quỳnh không có tính quá khép nép, e lệ, nhưng cái kiểu tấn công liên tiếp của anh chàng này làm cô dị ứng. Dù rất biết ơn cái cử chỉ hào hiệp và đàn ông đúng mực khi nãy, nhưng cô cũng không thích mình bị đẩy vào tình thế thụ động một cách oan ức và dễ dàng như vậy.
Thong thả đạp xe tiếp, cái hông vẫn đau nhói nhưng Quỳnh không để ý đến nữa, cô đang nghĩ ngợi về kế hoạch của mình.
Qua Bình, cô được biết anh chàng Minh Chương kia thường đánh banh buổi chiều tại một câu lạc bộ. Cô đã tốn ba buổi rồi với “đạo cụ” là giỏ hoa hồng, vậy mà vẫn chưa thấy bóng dáng anh đâu.
Hay là bỏ cuộc quách. Dù gì mình cũng có thể đến trước anh ta mà khoe cái thành tích nhập vai của mình lần trước rồi. Cứ vậy mà nói anh ta giao vai đó cho mình? Chứng cứ bị lừa lần ấy có đủ thuyết phục không nhỉ?
Quỳnh chép miệng thở ra, cô cũng không hiểu tại sao cô bốc dữ vậy, tự dưng tuyên bố với anh Hùng và chị Hương là mình sẽ lập lại thành tích “ma mắt” gã Minh Chương đó lần nữa. Bốc đồng như vậy để làm cái quỷ gì nhỉ? Được anh Hùng và chị Hương công nhận tài gạt người của mình là vinh dự lắm sao? Quỳnh nhăn mặt và thầm rủa xả mình.
Thúy Hoa nhiều lần tức tối mắng cô ngốc, bây giờ đây cô mới nhận ra quả thật đôi khi mình cũng ngốc quá.
Nhưng đã lỡ ngốc, lỡ bốc rồi, bây giờ làm sao đây? Làm con rùa rút cổ xin chịu thua hay đã phóng lao thì cứ theo lao? Ngồi trên băng ghế đá đã mất gần tiếng rồi, Quỳnh sốt ruột đến nỗi suýt mấy lần dợm làm một cử chỉ quen thuộc là đưa cổ tay lên xem giờ. May mà cô sực tỉnh lại được.
Phải ráng thôi, ráng giả tỉnh như lần trước để thành công. Chỉ thêm lần này nữa thôi. Cô tự động viên mình trong ngán ngẩm.
Con Bin cứ tung tăng dưới chân, chốc chốc giằng lấy tay cô bằng sợi dây xích. Nó như không hiểu tại sao cô dẫn nó đến khuôn viên có nhiều cây cỏ này, lại không cho nó chạy nhảy vui đùa mà cứ ngồi nhấp nhỏm ở đó mãi để giữ sợi dây xích của nó.
Nhăn mặt vì con Bin cứ làm rộn, cô cúi người vỗ nhẹ lên đầu nó và lẩm bẩm:
- Đừng quậy quá nghe Bin, giật đau mấy ngón tay tao đây nè. Mày phải biết hôm nay tao không khoẻ, cái hông vẫn còn ê ẩm dữ lắm, mày làm tao lộ tẩy thì mai mốt ăn bánh mì phô mai, tao không thèm cho mày ké đâu.
Quả thật cô vẫn còn chịu hậu quả cú té buổi sáng. Mỗi khi đứng lên ngồi xuống là nhói hông tí chút đến nổi phải nhăn nhó mặt mày. Ngước nhìn màn trời qua đôi kính đen, Quỳnh chắt lưỡi thở ra.
Đành chịu thôi. Kể từ sau lễ tốt nghiệp khoá học kịch nghệ ngắn hạn cách đây gần một năm, chưa bao giờ cô có một vai diễn chính trong một vở kịch. Cho nên giờ đây, để đạt được điều ấy, cô lại phải khổ công diễn với đời thật một vở kịch khác với cùng một vai, vai cô gái mù loà.
Sắm tuồng thêm một lần nữa trước gã tác gỉa kịch bản, cô thật sự không biết mình có làm nổi không? Lúc ngoan cố với anh Hùng chị Hương, cô chưa ý thức nổi là mình đã tự mang luôn một cái gông vừa nặng nề vừa cứng nhắc cho mình.
Cô đã tập dượt thêm, đã tự nghĩ trước nhiều tình huống để thích ứng, nhưng giờ đây ngồi trong khuôn viên câu lạc bộ với giỏ hoa bên cạnh,cô cảm thấy như ngồi chờ để lên đoạn đầu đài, bao nhiêu tự tin, ương bướng hôm bữa bay biến đi đâu mất.
Đúng như anh Hùng nói, lần đầu may mắn có vụng về qua quít cũng xuôi, nhưng nếu gặp lại lần thứ hai, biết cái anh chàng Minh Chương kia có cảnh giác mà nhận ra sự giả mạo này không? Nếu nhận ra mình bị mắc lừa thì anh ta....sẽ ra sao nhỉ?
Tức giận? Là chắc rồi.
Sẽ bêu rếu cô trước anh Bá Cường, trước anh Bình, trước nhà hát, hoặc tệ hơn là với tất cả cái thành phố này? Ồ dám lắm chứ.
Còn nữa, sẽ không còn thái độ hoà nhã, tốt bụng nữa, thay vào đó nhất định anh ta sẽ trợn mắt nghiến răng quát mắng cô. Đại loại như: “Tôi đánh giá có sai đâu. Cô chỉ là một con nhãi làm đủ việc vặt vãnh, tài năng sân khấu thì là một con số không tổ bố. Vai chính trong vở kịch của tôi hả? Xin miễn đi.”
Quỳnh toát mồ hôi khi nghĩ đến đều khủng khiếp kia. Nếu quả thật lần này thất bại, cô sẽ tự chuốc lấy phút cáo chung cho sự nghiệp diễn viên của mình, cái sự nghiệp mà chưa kịp đi lên, đã bị gạt rơi tõm xuống chín tầng địa ngục.
Rồi ước vọng thành tựu trong làng văn nghệ cũng sẽ đi tong. Lúc đó, có thể cô sẽ nổi tiếng, nhưng nổi tiếng với tác dụng ngược. Nhìn thấy cô, thiên hạ sẽ mỉa mai, sẽ cười nhạo, sẽ diễu cợt, sẽ...
- Chào cô.
Giọng nói ngạc nhiên vang lên bên tai làm Quỳnh giật nảy cả người và ngẩng phắt lên.
Bằng đôi mắt bị dán chỉ còn ti hí và qua cặp kính mới toanh đen ngòm, cô kịp nhận ra người đàn ông mặc bộ đồ thể thao, vai vác túi dợt đứng trước mặt là ai. Ngay lập tức, y như bị điểm trúng huyệt, tay cô lại mướt mồ hôi, mặt mũi ngáo ra.
Con Bin cũng ngóc cổ sủa mấy cái, rồi như có chút trí nhớ, nó sán ngay đến chân anh ta mà hửi hửi mà ngúc ngoắc cái đuôi ra chiều mừng rỡ.
- Không ngờ gặp lại cô ở đây. À, xin lỗi tôi vô ý quá. Cô nghe giọng nói có nhận ra tôi không?
- À, tôi... tôi...
“Nhập vai, tỉnh hồn để nhập vai mau”, Quỳnh lén véo vào chân mình và tự nhủ như niệm chú. Cô không biết tại sao tự dưng mình lại mất bình tĩnh và lơ mơ như vây.
Chương cúi xuống vuốt đầu con Bin và hắng giọng:
- Cô đừng sợ, chúng ta gặp nhau rồi, tuần trước tình cờ gặp gần nhà hát, tôi đã đưa hộ cô đi mua vé xem ca nhạc nhưng không được, sau đó tôi đưa cô về nhà, có nhớ không?
Hít một hơi dài để trấn tĩnh lại, cô nương theo câu nói của anh để gật gật đầu:
- Dạ tôi nhớ rồi. Là anh à. Hèn gì tôi nghe giọng thấy... quen quen. Anh là người hôm trước tôi quá giang bằng xe hơi đó mà.
Chương cười xoà:
- Đúng rồi, không ngờ lại gặp cô ở đây.
- Nhà anh gần đây à? – Quỳnh cố tìm một câu hỏi ngớ ngẩn.
- Ồ không. Thỉnh thoảng tôi ghé đây đá banh, còn cô...
Đã kịp nhớ vai tuồng, cô đáp nhanh:
- Dạ. Tôi ngồi đây nghỉ mệt. Đi bán lòng vòng mỏi chân, nên tôi ngồi nghỉ một chút.
Chương chợt thấy cái giỏ đựng những cành hồng được bọc riêng rẽ trên băng ghế đá bên cạnh cô, anh kịp đoán ra ngay công việc của cô.
- Cô bán hoa à?
- Dạ.
Chương gật nhẹ đầu. Anh hơi ngạc nhiên vì sự tình cờ này. Vừa xong mấy hiệp banh, định ra xe về thì khựng chân vì bắt gặp hình dáng cô gái trong bộ áo dài trắng quen thuộc ngồi lẻ loi trên băng ghế đá, anh còn tưởng mình nhìn lầm.
Chương ngồi xuống bên kia chỗ trống của giỏ hoa:
- Hoa tươi đẹp quá!
Quỳnh cười:
- Cám ơn anh, tôi lấy mối quen, chứ thật tình cũng không biết hoa có tươi hay không nữa.
Giỏ hoa tươi đẹp và nụ cười ngây thơ của cô gái khiến Chương bỗng buột miệng:
- Cô có cần đi bán gấp không?
- Dạ chi ạ?
Chương hơi ngập ngừng, rồi anh mỉm cười mà ngạc nhiên với cảm giác vui vẻ của mình:
- Bên kia đường có một quán nước, không biết có thể mời cô uống ly nước không?
Tuy trong lòng chỉ muốn hét lên đắc thắng, nhưng Quỳnh cũng ráng ra vẻ ngần ngừ... một phút, rồi sau đó... khép nép gật nhẹ đầu:
- Dạ, được ạ.
Quỳnh vươn tay tìm giỏ hoa rồi đứng lên, cô thoáng nhăn mặt vì động đến cái hông đau. Đang quan sát nét mặt cô nên cái nhăn khẽ ấy Chương kịp nhìn ra. Khoác trở lên vai chiếc túi đựng vợt, anh lịch sự xin lỗi rồi cầm tay cô gái đưa qua đường.
Cái hông vẫn ê ê theo từng bước chân. Thêm nữa, con Bin cứ tung tẩy nhặng xị vì sợ lòng xe cộ đông đúc và những tiếng kèn điếc tai nó không dám kêu. Đang đắc ý nên cái dau kia trở thành yếu tố phụ.
Xem phen này anh Hùng và chị Hương có phục tài cô chưa, Quỳnh thầm nghĩ. Lần thứ hai gặp mặt, “hắn” cũng nhận ra trò đùa này đâu, cứ tự nguyện và vô tình là bạn diễn của cô trong cái màn chỉ có hai nhân vật. Vậy là cô thành công quá xá rồi.
Đã vậy vào quán, còn rất galant và lịch sự kéo ghế cho cô ngồi trước, sau đó cất hộ cô giỏ hoa, nhờ người phục vụ giữ dùm con Bin nữa chứ. Chà, bạn diễn ưng ý như vậy kiếm đâu ra.
- Cô uống gì? - Ngồi đối diện cô, Chương hỏi.
Đang khoái tỉ, câu hỏi quen thuộc khiến cô suýt buột miệng gọi ly cà phê đá. Ồ, chết thật! Gương mặt hí hửng thật nhanh chóng hiền lại:
- Dạ nhờ anh cho tôi một trà đường nóng.
Chương gật đầu, anh ngoắc người phục vụ gọi theo ý cô, thêm tách cà phê cho mình và một miếng bánh cho con Bin.
Mùi cà phê thơm lừng của người đối diện làm Quỳnh phồng mũi, nhưng cũng đành hài lòng với ly trà nóng của mình.
- Giỏ hoa này là công việc mỗi ngày của cô à? – Tay quậy đều tách cà phê, anh hỏi tự nhiên.
Nắn nhẹ mấy ngón tay bị hằn dấu cái khoen của con Bin, cô đáp:
- Thỉnh thoảng tôi cũng làm vài việc vặt khác nữa nhưng bán hoa vẫn là chính.
- Cô hay bán hoa ở đâu nhỉ?
- Ngày thường thì ở góc đường gần đây hoặc mấy phòng trà ca nhạc.
- Bán được chứ?
- Dạ cũng được, ở đó người ta hay mua tặng cho ca sĩ hoặc bạn bè.
- Cô không có chỗ bán nhất định à?
Quỳnh nghểnh cặp kính đen về phiá anh không hiểu, nhưng cô đáp y như lịch bán hoa ngày xưa của mình và Thúy Hoa:
- Chủ nhật tôi bán ở trước cửa nhà thờ Đức Bà.
Cảm nhận được sự thắc mắc của cô, anh nhẹ giọng:
- Xin cô đừng phiền, tôi có hơi tò mò. Vì...
Cô đỡ lời khi thấy anh ngắc ngứ:
- Dạ không sao ạ, tôi và anh cũng đâu phải xa lạ. Ý tôi là....tôi và anh cũng có quen biết qua rồi.
Chương cười nhẹ nhõm:
- Vậy nếu tôi có tò mò hỏi chuyện, cô chắc không trách chứ?
Cô lắc đầu thành thật nói:
- Dạ không đâu. Nếu có những điều mà không tiện nói, thì tôi xin lỗi để giữ kín thôi. Cuộc sống của tôi thật ra cũng đơn giản, không có chi đặc biệt.
Chương mỉm cười ngắm cô. Với câu nói, cách nói của cô, anh lại thấy cô vừa đơn giản nhưng vẫn khác lạ. Cô vừa có nét kín đáo, ngây thơ, nhưng lại vừa thẳng thắn và tự nhiên.
- Hồi nãy anh nói anh chơi thể thao ở đây à?
- Vâng.
- Anh chơi môn gì vậy?
- Tôi đánh quần vợt.
“Môn thể thao của giới thượng lưu đây”. Nếu không nhớ vai đang diễn đóng, Quỳnh đã bỉu đôi môi ra tí chút rồi. Quỳnh đã từng nghe qua nhũng cặp vợt chơi môn này trị giá đến mấy trăm hoặc ngàn đô.
Giàu có, sang trọng, giải trí cũng phải theo đúng môn thể thao của nhà giàu. Cứ sống với phong cách thời thượng mẫu mực như thế hỏi sao không luyện được cái tính ngạo mạn và dễ dàng xem thường người khác, dù người ấy mình chưa từng gặp mặt.
Có ngọn lửa ấm ức từ lâu dồn nén trong lòng, tự dưng bây giờ muốn bùng lên làm cô mím môi. Đang nâng tách cà phê, Chương bỗng bỏ ngay xuống:
- Cô sao vậy?
- Sao là sao?
Anh nhíu mày:
- Cô không khoẻ à? Sắc mặt cô nhợt nhạt quá.
Nuốt cơn nghẹn, cô dấm dẳng:
- Không có gì!
- Hồi lúc nãy đỡ cô qua đường, tôi để ý thấy dường như cô bước đi không thoải mái. Đôi giày làm cô đau chân à?
Quỳnh ngẩng lên, cô hơi ngạc nhiên vì ánh mắt tinh nhạy của anh nhưng cũng trả lời thành thật:
- Không phải đôi giày, thật ra lúc sáng tôi bị té, nên giờ vẫn còn đau nhói hông.
- Bị té à? Cô có đi khám bác sĩ không?
“Luận điệu của người dư tiền, y như anh chàng ban sáng vậy”.
Quỳnh lắc đầu cười:
- Không. Tôi chỉ té nhẹ thôi, đâu cần tốn tiền khám bác sĩ. Anh không biết đó thôi, người nhà nghèo rất giỏi chịu đựng. Hồi sáng lúc té xong, tôi đứng dậy không muốn nổi, đau đến muốn khóc được, nhưng bây giờ đỡ rồi, chỉ còn nhói bên hông một chút khi đi thôi. Về bóp dần chắc hết.
Anh chăm chú nhìn cô. Anh có cảm giác giọng cô bây giờ đang chuyển qua âm điệu hơi mai mỉa tuy vẫn rất thành thật:
- Cô....buồn chuyện gì à?
Quỳnh lắc đầu:
- Có buồn gì đâu?
- Cô có bạn bè thân không nhỉ?
- Bạn thân cũng có một đứa, nhưng....- Nhớ đến Thúy Hoa, giọng cô buồn thiu – nó đi xa làm việc rồi.
Chương chân thành:
- Hôm trước vì bận bịu phải đi gấp, không thể đưa cô đến tận nhà. Hẻm đó nhỏ và dường như khá lắt léo, con chó hôm đó lại có vẻ quấy quá, tôi cứ ái ngại cho cô.
Quỳnh tủm tỉm:
- Chỗ tôi trọ cũng vào sâu lắm ạ. Không dám làm phiền anh.
- Cô trọ Ở đó lâu chưa?
- Dạ từ khi lên Sài Gòn. Cũng mấy năm.
Chương im lặng một chút rồi chợt buông giọng:
- Sống một mình và còn phải tự mưu sinh, chắc là cô khó khăn lắm?
- Tôi quen rồi, có thể tự làm việc nuôi thân, có thể sống lương thiện như mọi người, tôi cũng thấy hài lòng về mình.
Chợt nhận ra nãy giờ cô cứ phải nắn mấy ngón tay, anh hỏi:
- Tay cô làm sao thế?
Chìa ra bàn tay phải, cô than phiền:
- Sợi dây xích đó cầm thật đau tay quá, con Bin lại cứ quậy hoài. Để mai mốt tôi đổi cái khoen khác đỡ đau tay hơn.
Chương nhìn mấy ngón tay nhỏ nhắn vẫn còn hằn vết đỏ ửng của cô gái. Anh chợt muốn giúp cô, nhưng chẳng biết giúp bằng cách nào. Cô gái lại bặm môi tự xoa nắn lấy, Chương im lặng nâng tách cà phê lên môi.
Hai lần gặp mặt thôi, nhưng cô gái mù này lại khiến anh cởi mở hơn cả người gặp mặt mỗi ngày. Hớp ngụm cà phê đắng, anh lia mắt ngắm cử chỉ khá dễ thương của cô.
Cô ăn mặc hơi luộm thuộm, tóc lại cứ buông loà xoà, cái bớt hôm nay dường như lại đẫm màu hơn lần trước, nhưng không hiểu tại sao anh lại có cảm giác thân mật gần gũi với cô như vậy.
Với đề nghị của tay đạo diễn, anh đang phải dàn trải truyện ngắn của mình thành một kịch bản sân khấu đầy cao trào, kịch tính, một việc không thuận tay của anh, nhưng anh cũng mày mò tự thử sức.
Nhân vật Nguyện Cầm của anh là hư cấu, vậy mà thật tấu xảo là anh lại quen một cô gái mù bằng xương bằng thịt. Cô gái cũng ngây thơ, trong sáng như cái nhân vật hư cấu kia.
Cô có một mái tóc dài thả suông quá vai, mái tóc tự nhiên không cầu kỳ, nhưng mềm mại và rất nữ tính. Cặp kính đen che đi mặc cảm về đôi mắt, cũng che một phần cái bớt khó nhìn trên gương mặt.
Mắt Chương lơ đãng ngưng lại ở bàn tay cô gái trên bàn. Cô có đôi bàn tay thật đẹp. Những ngón tay thon thon không sơn phết nhưng rất tinh khôi. Chúng như cô chủ, đơn giản và mỏng mảnh lạ thường.
Đang ngắm đôi bàn tay, bỗng dưng có điều gì đó làm anh nheo mắt lại khó hiểu. Anh trầm ngâm một chút rồi vụt nhìn thẳng lên mặt cô.
Linh tính làm Quỳnh đang thư giản với mấy ngón tay tự xoa dịu chợt nhướng lên. Bắt gặp ánh mắt anh, cô kinh ngạc mấp máy môi định hỏi nhưng sực nhớ ra vai trò mù của mình, đành nín bặt.
Ngả người dựa lưng vào ghế, Chương im lặng mất cả phút. Quỳnh thầm liếc trộm anh. Trán anh cau lại làm hai hàng lông mày như nối thẳng hàng trông thật là hắc ám làm cô khó thở.
Giữa lúc cô hồi hộp không hiểu chuyện gì đang xảy ra thì anh chợt ngẩng lên nhìn thẳng vào cô và cười nhạt:
- Tôi vô ý thật, tôi tên Chương. Gặp cô đã hai lần mà chưa lần nào hỏi để biết tên cô.
Quỳnh hấp tấp đáp:
- Tôi à? À tôi tên....Thúy Hoa.
Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào mà Quỳnh lại vụt ngay tên con bạn thân ra như vậy. Nói xong, cô thầm nhủ đứa bạn thân phương trời xa có bắt xì vì tình bạn lâu năm mà bỏ qua cho cô.
Chương vẫn chăm chú vào gương mặt cô. Cảm thấy bất an, Quỳnh băn khoăn lên tiếng:
- Không biết bây giờ là mấy giờ rồi?
Chương nhếch môi cười, anh liếc qua đồng hồ rồi đáp:
- Gần sáu giờ rồi.
- Ồ, đã sáu giờ rồi à?
Có ngay lý do rút lui, cô rục rịch đứng dậy:
- Trễ rồi, tôi phải đi đây.
- Cô đi đâu? – Chương hỏi bằng một giọng thờ ơ rất lạ.
- Tôi phải đi bán hết giỏ hoa. Chiều đến giờ chỉ bán được một ít thôi.
- Vậy à? – Chương nhướng mày - Vậy chúc cô mau bán hết hàng.
Lừng khừng một giây, anh mới đứng dậy kéo ghế giúp cô. Quỳnh theo tay anh ra cửa, Chương đợi cô bước hẳn ra cửa mới cười nhạt nhắc nhở:
- Cô Hoa quên có con chó rồi. Tên nó là gì nhỉ? Bình An hay....gì đó?
Quỳnh bỗng đỏ mặt. Tay chân đâm ra lýnh quýnh. Trời ạ! Sao giọng anh ta kỳ khôi quá. Mình lộ tẩy rồi sao? Chỗ nào cà?
- Cô đừng quên nó nhé. Không có nó làm sao cô đi lại được. – Anh ta lại cười nhắc.
Cô ngượng quá nên đáp bừa:
- Tôi quên mất. Tính tôi lâu lâu lại hay quên. Tôi...
Một tràng tiếng kêu bíp bíp vang lên cắt ngang câu nói của Quỳnh. Cô đờ người. Trời ạ! Máy nhắn của cô. Làm sao cô có thể lãng trí đến độ đó?
Tiếng máy kêu vang mấy lượt rồi im. Chương cười gằn, tia mắt ẩn sự tức giận. Anh ra hiệu cho người phục vụ đem lại con chó và trao đầu sợi dây xích qua tay cô:
- Chào cô, chúc cô mau bán hết.
Cái giọng vừa lạnh lẽo, vừa giễu cợt của anh làm cô lại thấy khó thở. Cô ngắc ngứ chào lại rồi giật con Bin đi khỏi một cách khó nhọc.
Anh ta biết rồi? Có phải vậy không? Vì vậy anh ta mới đổi thái độ? Nhưng sao anh ta lại lạnh nhạt như vậy? Vẻ hồ hởi lúc đầu biến mất tăm. Cả nét cảm thông thương cảm cũng chẳng còn.
Kéo con Bin đi một quảng, cơn tức giận vô cớ từ đâu bỗng dâng lên. Không cần nghĩ đến tà áo dài trắng, cô ngồi bệt trước một cổng nhà đóng kín, ấm ức lột kiếng, lột mấy miếng băng keo dán mi mắt ra, chùi bằng cườm tay luôn bệt nám giả tạo trên mặt.
Không biết vì tủi thân hay vì miếng băng keo giả mà nước mắt cô chảy tràn ra đôi má. Cô mím môi nén lại tiếng khóc hu hu hờn dỗi chỉ muốn bật ra.
Đang hoà nhã thân thiện, tự dưng lại đổi khác. Tại sao mau như vậy? Quỳnh ấm ức nhớ đến cái cười gằn mỉa mai của anh ta.
Chỉ tại cái máy nhắn quái quỉ thôi. Sao cô lại vô ý đến như vậy. Đã giả mù còn cứ kè kè nó trong ba lô. Sao cô không nhớ cái chuyện nhỏ nhặt này mà bỏ nó ở nhà.
Nhưng.....có thắc mắc gì sao anh ta không hỏi để mình có cơ hội thanh minh? Mình có thể nói là của chị Hương, của ai đó, mình chỉ giữ giùm thôi. Trời ơi, sao lúc đó mình không lanh trí nói đại như vậy đi? Sao cứ đứng trơ ở đó?
Cô tuôn nước mắt tự trách mình. Tại mình tất cả. Ngu quá! Ngu quá xá. Khiến người ta tự dưng cũng thay đổi thái độ. Đang hiền lành, ân cần, lại trở thành lạt lẽo, khó chịu và cứ nhìn mình bằng ánh mắt mỉa mai.
Mình không chịu nổi thái độ ấy, mình thật khó thở bị đối xử như khinh rẻ như thế. Cô quệt nước mắt đang chảy ràn rụa. Vừa mới ân cần mời nước, thoắt cái đã lạnh lùng như xua đuổi. Vậy là sao?
Một chiếc xe quen thuộc lướt qua. Quỳnh ngẩng phắt lên nhìn theo xe. Cô không kịp nhìn thấy dáng người bên trong, nhưng có thể hình dung được vẻ thản nhiên mà như cố kềm cơn tức giận của anh ta.
Sao con người có thể mau thay đổi đến như vậy? Cô ngẩn ngơ tự hỏi.