Như thế là sau khi tranh cãi với ông Rường, ông Ruông đã giải mã được lời trăn trối của ông nội mình. Ông Rường làm ra vẻ là mình cũng đồng tình với cách giảng giải đó, nhưng sự thật thì vẫn còn khúc mắc trong lòng. -Có phải ông đã nghĩ ra chuyện học thuyết này nọ, rồi đem gán cho công nghĩ ngợi của ông nội mình? Ông Ruông nói: -Muốn nghĩ được những chuyện như thế, đòi hỏi người đó phải là kẻ đi nhiều, và nghe thấy được nhiều. Mà tôi thì không phải là loại người đó. Câu nói này lập tức làm trổi dậy trong ông Rường niềm tự hào của một người coi như đã đi khắp năm châu bốn biển. Mười bảy tuổi ông Rường đi cạo mủ cao su ở một đồn điền cao su ở Nam Kỳ. Chủ đồn điền là một người Pháp da trắng ra tận miền núi Tượng sông Tượng để mộ phu. Người làng vì ghét tụi thực dân, khuyên cha mẹ ông Rường đừng cho ông đi. Song, ông đã trốn nhà ra đi. Ở đồn điền cao su, ông bị thực dân Pháp bắt vào lính viễn chinh với cái tên mới Lê Vi, và được đưa sang châu Phi. Thế chiến thứ hai bùng nổ. Đơn vị lính viễn chinh của ông ở Angiêri lại được đưa qua nước Pháp để đánh nhau với Hítle. Như thế là cuộc phiêu bạt của ông Rường đã trải qua các biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, và Địa Trung Hải, và trải qua các đất nước thuộc châu Á, châu Phi và châu Âu. Chiến tranh thế giới kết thúc, người Pháp trả ông về nước. Về đến quê là ông lập tức đem ra áp dụng những điều đã nghe thấy ở xứ người. Trước nhất là việc thắp sáng. Đêm đến thì người làng Dầu tụ tập ở sân nhà ông để tận hưởng niềm vui được ngồi dưới thứ ánh sáng sang trọng của cây đèn măng sông. Không phải có trăng là quên đèn. Có nghĩa vào những đêm có trăng, ông Rường vẫn đốt đèn măng sông lên cho bà con trong làng tới chơi. Con người thuộc thời văn minh là không nên đứng ở giữa trời để tắm nước giếng. Đây là lời khuyên đầu tiên của ông đối với bà con trong làng. Nhà tắm của ông kiến trúc như sau: Vách mầm trỉ trét đất, như vách nhà ở. Bồn chứa nước là chiếc chum sành đặt ở bên trên đầu vách. Chum có đục lỗ ở đáy, và có nút nhét. Khi tắm, mở nút nhét ra, thôi tắm thì nhét nút lại. Nước giếng là múc bằng gàu, rồi đứng lên ghế để đổ vào chum. Có ai hỏi có phải bên Tây người ta cũng làm thế hay không. Thì ông bảo cứ xem đấy thì rõ. Nhưng người đến xem đông nhất là lúc ông khai phá vùng rừng núi Tượng tiếp giáp với đồng Đất Sét để lập trang trại chăn nuôi. Một trăm con gà mái đẻ đợt đầu gần cả nghìn gà con. Quả là ở miền sông Tượng núi Tượng cả nghìn đời qua chưa ai làm được như ông. Có điều, do thiếu thức ăn và thuốc men, nên sau đó không lâu cả gà mẹ lẫn gà con đều chết sạch. Nhưng vấn đề không phải gà chết, mà là đầu óc đáng nể của một con người biết ứng dụng những thành tựu của văn minh. Những ngày cuối đời, niềm vui của ông là được kể cho mọi người nghe những gì ông đã nghe được, đã nhìn thấy được ở xứ người. Có dịp là bao nhiêu kiến thức lập tức được sắp xếp lại thành lớp lang. Châu Au châu Phi là những xứ sở thế nào. Thế chiến là sao. Đó là những câu chuyện tràng giang đại hải, nhưng lúc nào cũng có lời bình luận hẳn hoi. -Nếu tôi nói không sai thì ông là người đang truyền bá học thuyết nghe nhìn Ông Rường là cực kỳ thích câu nói ông Ruông đã dành riêng cho mình. Bữa đó là đang bàn về ông nội ông Ruông. Nhưng cũng chỉ vì một câu nói khác của ông Ruông, ông Rường đã khoái chí nói leo qua chuyện thế chiến. -Một triệu lính Đức đổ vào Ba Lan. Chưa đầy một tháng, Hít le đã chiếm xong nước ấy. Thế là thế chiến bùng nổ. -Tôi đọc sách cũng có biết chuyện ấy. -Nhưng đấy chỉ là sách. Còn tôi đây, nếu không nhìn tận mắt, thì cũng được nghe tận tai. -Phải. Tôi chỉ nhờ sách mà biết, không thể đem ra so với ông. -Ông biết không, lúc Hít le chưa chiếm Ba Lan, mới dọa sáp nhập Áo vào Đức, các vị thủ tướng Anh thủ tướng Pháp đã sợ cuống lên. Thủ tướng Anh một ngày đi không biết mấy lượt, hết đến Viên lại quay lại Béc lanh, máy bay tốn không biết bao nhiêu là xăng. Này, ông đã già rồi, hãy giao nước Áo cho người khác. Ông Săm béc lanh nói. Nước mắt của vị quốc trưởng thất thế chảy ướt hết bài diễn văn từ chức. -Chắc là ông đang nói đến việc thủ tướng Chamberlain khuyên bảo quốc trưởng Áo Schuschnigg hãy làm theo yêu sách của Hitle? -Đúng rồi. Hiểu biết của ông cũng rộng đấy. Bấy giờ thì đám lính Pháp ở Ang giê ri cười mũi, vì nghe đâu thời xưa đế quốc Phổ Áo cũng đã làm khổ nước Pháp. Nhưng điều làm tôi tức cười là khi nghe Đức đổ bộ Pháp, chiếm được Pa ri, thì bọn họ lại khóc. -Chứ ông bảo bọn họ phải cười hay sao? -Tôi đâu có bảo bọn họ phải cười. Là tôi thấy tức cười. Vì chuyện cười khóc ở thế gian là mỗi người theo mỗi cách. -Ông cứ làm tôi phải nghĩ ngợi. -Phải. Những người Pháp đứng trên đất nước họ đang chiếm đóng để khóc cho đất nuớc mình bị chiếm đóng. Những người Ang giê ri cũng đứng trên đất nước đang bị chiếm đóng của mình để khóc cho đất nước mình bị chiếm đóng. Nước mắt nào lại chẳng mặn. -Còn ông, chắc làbấy giờ chẳng còn nước mắt để khóc -Bấy giờ ở châu Âu lắm chuyện nực cười lắm. Lúc nước Pháp gặp hoạn nạn thì nước Anh muốn nuốt nước Pháp. Đức ký với Anh ký với Pháp ký với Nga, là không xâm phạm nhau. Nhưng đánh Anh đánh Pháp đánh Nga thì vẫn cứ đánh. Lúc xảy thế chiến thứ hai, chỉ trong vòng ba bốn năm, nước Pháp có đến ba bốn ông chính phủ. Lúc mới nổ chiến tranh là chính phủ Đa la đi ê, rồi Rây nô. Lúc Đức đã chiếm Pháp là chính phủ Pê tanh. Sau đó thì đơn vị lính hỗn hợp của bọn tôi ở Ang giê ri có cả người Việt Nam, người Ang giê ri, người Ma rốc, người Tuy ni di, người Pháp da trắng, người Pháp da đen, đạo thiên chúa có, đạo Hồi có, sau khi đầu hàng quân đồng minh, sau một đêm ngủ dậy, lại được nghe tuyên bố rằng từ bữa ấy bọn tôi thuộc chính phủ của những người Pháp tự do, đứng đầu chính phủ tự do đó là tướng Đờ Gôn. -Mỗi lần nghe ông kể chuyện, tôi lại thấy ông như một pho sử sống. -Chuyện đó đã rõ. Chỉ cần nói thêm với ông rằng Phan Rường thời trai trẻ đã dự vào trang sử oanh liệt của nước Phờ răng xe. -Ông muồn nói đến việc giải phóng nước Pháp khỏi ách phát xít Đức hồi năm bốn mươi bốn? -Phải. Từ ĐịaTrung Hải đổ bộ lên bờ biển phía nam Pháp. Rồi thọc sâu vào thung lũng sông Rôn, tiến về phía bắc. Rồi sau đó là hội quân ở Dijon. -Có nghĩa cánh quân đồng minh đổ bộ ở nam Pháp đã gặp cánh quân đồng minh đổ bộ ở Normangdi, bắc Pháp. -Phải. Tập đoàn quân thứ nhất của Pháp. Đó là đơn vị chiến đấu của tôi trong cánh quân đồng minh đổ bộ ở nam Pháp. Việc đuổi quân quốc xã ra khỏi nuớc Pháp trong đó có công của tôi. -Thì xưa nay ở làng ta có ai phủ nhận chuyện đó đâu. -Nhưng sẵn cuộc đây tôi phải tuyên bố thêm với ông rằng, việc tham gia đánh bại thằng cha Hít le, thằng cha đốt dân Do Thái, thằng cha đã làm chết mấy chục triệu người trên thế giới, là tôi đã dự vào trang sử oanh liệt của lịch sử thế giới. -Chuyện đó thì có thể nói như vậy. Vì bấy giờ cả thế giới chống phát xít, chứ riêng gì đám lính viễn chinh của ông. Nhưng chuyện dự vào trang sử nước Pháp thì phải xem xét lại. -Phải xem xét lại? Nhưng tại sao? -Lẽ ra lúc ấy ông phải làm công việc đuổi đám Pháp thực dân ra khỏi đất nước ông, chứ không phải sang giữ nhà cho nước Pháp, có phải vậy không? -Phải. -Thế đấy. Ông có tham chiến, nhưng là bị đưa đi tham chiến. Nên công của ông ở nước Pháp là công của một kiếm khách. -Là kiếm khách? Nhưng là kiếm khách của ai? -Thì cứ coi như là kiếm khách của Đờ Gôn. Lại một câu nói nữa của ông Ruông làm cho ông Rường thấy khoái chí. Sau cuộc chuyện trò ấy ông Rường đi khắp làng trên xóm dưới để nói cho mọi người biết một thời ông từng là kiếm khách của tướng Đờ Gôn..