ÂM VANG CỦA CÁCH MẠNG THI CA

Theo ông Ruông, sở dĩ trong suy nghĩ có sự lưu chảy thế là để nhận thức sáng hơn, chứ không phải để làm cho tối tăm đi, mà ông gọi là nhịp điệu chẳng vui. Tất nhiên chẳng ai dại gì để lâm vào nhịp điệu chẳng vui. Nhưng rồi vẫn cứ lâm vào mà sinh bao rối rắm. Ví như anh Rác, con trai ông, có một năm đương cày ruộng yên ổn, bỗng nảy ra ý muốn lúa gặt được phải dư ăn dư để, chứ không phải thiếu trước hụt sau như bấy lâu, bằng cách thay giống lúa mới. Có điều đám ruộng nhà ông chẳng chìu theo ý con trai ông.
Kết quả là thóc gặt được chỉ còn một nửa.
Có nghĩa năm ấy nhà ông thiếu lúa ăn trầm trọng. Chị Rác đương chửa thằng Cỏ mà cũng phải cùng chồng vào rừng núi Tượng chặt củi trộm để bán mua gạo nấu. Trời chẳng dung kẻ gian phi. Kiểm lâm bắt được, thu cả củi cả rựa, còn bắt vợ chồng anh làm bản kiểm điểm, cam đoan không tái phạm. Bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống của chúng ta. Mấy ông kiểm lâm giảng giải. Nhưng trước mắt thì cái hậu quả do phá rừng chưa thấy, mà chỉ thấy hết gạo nấu, nên những kiểm điểm cam đoan vừa ráo mực, vợ chồng anh đã tái phạm. Lần này là bị phạt tiền. Có nghĩa cái nhịp điệu chẳng vui đang diễn ra trong suy nghĩ của vợ chồng anh ấy gòm hai nội dung: Một là không bám vào rừng núi Tượng coi như vô phương cứu chữa bệnh thiếu ăn. Và hai là bán hết đám gà heo vẫn chẳng đủ trả khoản tiền mượn bà con lối xóm để nộp phạt kiểm lâm. Ở trong bụng mẹ, thằng Cỏ nóng lòng trước cảnh rối rắm của đám nhân loại trong nhà mình, đã ra đời sớm hơn một tháng.
-Thằng con của con là đứa có hiếu. Biết sinh đúng lúc để chia xẻ nỗi khổ của nhà ta.
Anh Rác nói với ông Ruông.
Chị Rác cũng phụ họa:
-Từ hôm bị kiểm lâm phạt, không đi củi nữa, đêm nằm nghe nó đạp dữ quá, con cũng có nghĩ là nó nôn nóng muốn ra đời.
Dù nhà thêm miệng ăn, nhưng chính nhờ sự có mặt của đứa con trai đầu lòng, vợ chồng anh Rác đã đổi được thứ nhịp điệu chẳng vui trong suy nghĩ sang nhịp điệu vui.
Sắp đến ngày cúng đầy tháng cho con, anh Rác nói với ông Ruông:
-Để không quên hiếu hạnh của con, vợ chồng con muốn đặt tên cho thằng nhỏ là thằng Sớm.
Ông Ruông tính ra thằng cu Cỏ sinh sau anh Rác đúng mười tám năm, tám tháng Hơn mười tám năm qua cuộc cách mạng thi ca của ông đã tạo cho cỏ rác một thế đứng rõ ràng trong hoàn vũ. Có lẽ Người có mặt ở khắp nơi bỡi Người là cỏ rác… Những vần thơ vẫn còn làm rạo rực lòng ông. Một đời người thừa hưởng thành quả cách mạng do kẻ khác làm ra đã là quá lớn. Đàng này lại do chính tay ông làm ra. Ông Ruông nói với con trai trong niềm xúc động mười tám năm trước:
-Cha phải giảng nghĩa cho con nghe. Xưa, nước mình có ông Lý Văn Phức sưu tập được hai mươi bốn gương hiếu hạnh mà chép thành sách Nhị Thập Tứ Hiếu. Nhưng cha thấy không có sự hiếu hạnh nào trong sách ấy giống với hiếu hạnh của thằng con của con. Cha nghĩ thế nào cũng có người chép chuyện hiếu hạnh của nó vào sách. Còn việc đặt tên cho nó cha đã có chủ trương
Anh Rác có vẻ sốt ruột:
-Thế cha định đặt cho nó tên gì?
-Con là Lê Rác, thì nó là Lê Cỏ
Anh Rác liền thưa:
-Con có nghe mẹ kể hồi ấy sợ cái huôn khó nuôi con bà nội để lại, nên khi sinh con ra, cha đã lấy cỏ rác mà đặt tên cho con. Nhưng vợ chồng con thì khác với cha mẹ hồi ấy. Nghe nói cha mẹ gần bốn mươi mới đẻ ra con, nên con ốm yếu, sợ khó nuôi là phải. Còn giờ vợ chồng con mới mười tám đã chửa đẻ. Thằng con của con tuy có thiếu tháng, nhưng cha cũng thấy nó khỏe quá trời, sợ gì?
Chị Rác cũng thêm vào:
-Mới chửa nó ba tháng, con đã đi chặt củi. Gánh gánh củi ứ hự mà còn leo dốc. Bị kiểm lâm bắt, phải chịu đói cả đêm. Mà nhà mình có lúc nào ăn no đâu. Thằng con của con đã quen cực khổ từ trong bụng mẹ, không dễ gì đau ốm, cha đừng lo.
Ông Ruông nói:
-Lũ con hiểu sai ý cha rồi. Không phải sợ nó khó nuôi mà đặt tên là Cỏ.
Anh Rác nói:
-Con đã lỡ mang danh là rác rồi. Cha hãy thương cháu nội, kiếm cho nó tên gì nghe cho khá hơn
Ông Ruông nói:
-Con chưa rõ là tại cha chưa lần nào giải thích cho con rõ. Rác của con không phải là rác như mẹ con từng nói với con. Mà là do một cuộc cách mạng mà có.
Anh Rác có vẻ sợ hãi, ngồi im xo, chẳng còn dàm nhắc lại ý kiến của mình. Phải nói đã hơn mười tám năm mà nguồn thơ trong ông Ruông chẳng hề suy giảm. Do thiếu sữa bú, thằng Cỏ vừa mút vú mẹ vừa khóc la thế nhưng chẳng ảnh hưởng chi tới cảm hứng của ông. Ông ngâm nga bài Cỏ Rác đến ba bốn bận, rồi nói:
-Có cuộc cách mạng thi ca của cha mới có tên con. Và nay mới có tên thằng con của con.