ÔNG SÁU MƯƠI LĂM

Từ cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn, ông Ruông lội ngược lịch sử nước ông, để xem các cuộc chiến trước đó có quả như lời các vị sử gia đã chết hay không. Và ông đã đụng phải cây trụ đồng của Mã Viện.
Xin nhắc lại:
Năm 111 trước công nguyên vua Vũ Đế nhà Tây Hán (Tiền Hán) sai phục ba tướng quân Lộ Bác Đức sang đánh chiếm Au Lạc và chiếm miền đất phía nam Âu Lạc lập thêm quận Nhật Nam để gọp vào Giao Chỉ, Cửu Chân thành bộ Giao Chỉ ( tức nước Au Lạc mở rộng ) Trong đó, Tượng Lâm là huyện cực nam của quận Nhật nam, đến cuối thời Hậu Hán thì thành nước Lâm Áp.
Năm 40 trước công nguyên Hai Bà Trưng cầm đầu dân ba quận, đánh đưổi quan lại nhà Tây Hán, giành độc lập cho Au Lạc.
Năm 43 trước công nguyện vua Quang Võ nhà Đông Hán (Hậu Hán) sai phục ba tuớng quân Mã Viện đem hai vạn quân sang chiếm lại Au Lạc. Hai Bà Trưng chết, nước Au Lạc lại trở thành thuộc địa của đế quốc Trung Hoa như trước đó.
Mới đầu ông Ruông có hơi bực mình với cây trụ đồng đó. Nhưng về sau ông lại thấy hứng thú khi bàn về nó. Cái vật thể bằng đồng đó là được Mã Viện chôn để đánh dấu phạm vi của đế quốc Trung Hoa lúc đó. Chỉ trời mới biết ông có chôn cây cột móc đó đúng ở biên giới đế quốc mà Lộ Bác Đức đã chinh phục được một trăm rưởi năm trước hay không. Tất nhiên là Mã Viện phải chôn cây cột móc đó ở một nơi cụ thể nào đó (nếu như đó là chuyện thực). Nhưng những thế kỷ về sau thì cây trụ đồng đã mọc lên ở những nơi khác nhau. Để chứng minh cho việc mọc lung tung của cây trụ đồng, ông Ruông đã dẫn ra một số trích dẫn cổ sử Trung Hoa trong các cổ sử Việt Nam.
Theo sách Thông Giám, sử nhà Tuỳ (518-618), thì Lưu Phương đánh Lâm Ap, đuổi quá cột đồng Mã Viện tám ngày đến kinh đô nước ấy ( như thế cây trụ đồng này ở phía bắc Tượng Lâm )
Theo Đỗ Hựu trong sách Thông Điển, sử nhà Đường (618-906), thì phía nam Lâm Ap đi hơn hai nghìn dặm có cột đồng của Mã Viện. (cây trụ đồng này thì ở phía nam Tượng Lâm)
Theo sách Minh Thống Chí, sử nhà Minh (1368-1644), thì cột đồng ở trên động Cổ Sâm, châu Khâm (cây trụ đồng này thì ở phía bắc nước Âu Lạc )
Cứ theo những tư liệu trên, ông Ruông đúc kết thành hai kiểu trụ đồng: một là mọc trong nội địa Âu Lạc, hai là mọc ở bên ngoài Au Lạc. Điều này có nghĩa là sau khi Mã Viện không còn, các nhà chép sử Trung Hoa muốn qui hoạch lại nước Au Lạc thời thuộc Đông Hán. Quá khứ là chẳng thể cãi với các nhà chép sử. Nên vị nào phóng khoáng thì cho đất nước của tổ tiên ông Ruông phình ra một chút, vị nào keo kiệt thì bắt nó teo lại. Riêng tác giả cây trụ đồng ở châu Khâm thì có cách làm rất lạ. Trụ đồng mà mọc ở châu Khâm (một châu của Trung Hoa sát phía bắc Au Lạc) thì chẳng phải là xẻo bớt đất Trung Hoa để đắp vô Au Lạc hay sao? Luận đến đây ông Ruông cảm thấy cây cột móc biên giới của Mã Viện có vẻ lung linh. Khi thì hiện lên chốn này, khi hiện lên chốn kia. Ông nghĩ tiếp, thì thấy những cây cột móc biên giới của những nước khác hóa ra cũng có vẻ lung linh. Như khi chúng hiện lên chốn khác thì xứ Gaul liền biến thành một tỉnh của nước Ý, lục quốc Hàn, Ngụy, Triệu, Tống, Tề, Sở liền biến thành nước Tần. Điều này cũng có nghĩa là vào năm 51 trước công nguyên Cêsar đã qui hoạch lại Tây Âu, và vào năm 241 trước đó Tần Thủy Hoàng đã qui hoạch lại Trung Hoa. Cêsar của nước Ý, Tần Thủy Hoàng của Trung Hoa, hay Cyrus của Ba Tư, hay Alexand của Hy Lạp, chỉ là những ví dụ thuộc thời cổ đại. Có nghĩa thời nào cũng có những kẻ muốn qui hoạch lại việc cư trú của đồng loại mình. Ông Ruông cho là tại tổ tiên loài người đã sơ hở. Nếu các nhà tiền sử học đúng thì tự thuở ban đầu việc cư trú của loài người trên trái đất này là chẳng theo một qui hoạch nào cả. Từ cái nôi châu Phi (hay là từ nhiều cái nôi trên cựu thế giới) tổ tiên loài người tràn khắp châu Phi, châu Au, châu Á, rồi vượt eo Berinh, bước lên miền đất mới châu Mỹ, nơi nào săn bắn hái lượm được thì ở lại, khí trời tốt thì ở lại lâu, khí trời không tốt thì tìm đến nơi khác. Cho đến khi đã định cư để chăn nuôi trồng trọt thì loài người cũng chẳng theo một qui hoạch nào cả. Có một vùng lưỡi liềm phì nhiêu ở Tây Á, có một vùng dọc sông Nin ở Ai Cập, dọc sông Ấn sông Hằng ở An Độ, hay dọc Hoàng Hà ở Trung Hoa, dọc Hồng Hà ở Việt Nam. Nhưng đấy cũng chỉ là những định cư theo yêu cầu của chăn nuôi và trồng trọt, chứ không phải là theo qui hoạch. Không có qui hoạch gốc, nên về sau những kẻ có máu qui hoạch mới dám làm theo ý mình. Ví như Atila, thủ lĩnh rợ Hung thời Trung Cổ dẫn đám quân của mình lướt qua một cái là nhổ gần hết sạch các cây cột móc biên giới của các quốc gia từ Trung Á đến Tây Au, khiến rợ Goth phải dạt sang đế quốc La Mã, tạo nên một trong những nguyên nhân sụp đổ cho đế quốc này. Mỗi khi có qui hoạch lại như thế thì diện mạo thế giới lập tức thay đổi. Có thể là văn minh đẩy lùi dã man, hay ngược lại. Còn điều này nữa, là đang sống yên ổn chẳng ai dại chi để cho người ta thay đổi việc cư trú của mình, nên có qui hoạch lại là có chống qui hoạch lại. Mà thế thì rất tốn kém, cả của cải vật chật lẫn con người. Ông Ruông bảo, nếu coi thế chiến một là qui hoạch lại cái thế giới đã qui hoạch lại ở hội nghị Viên 1815, thì trong cuộc qui hoạch lai này đã tốn hằng chục triệu mạng người. Cứ thế, ông coi thế chiến hai là qui hoạch lại cái thế giới đã qui hoạch lại sau thế chiến một, cuộc chinh phục châu Mỹ và châu Phi của người châu Au là qui hoạch lại thế giới của người da đỏ và của người da đen. Với ông, lịch sử thế giới là lịch sử qui hoạch lại thế giới và chống qui hoạch lại thế giới. Hay nói gọn hơn là lịch sử của các cây cột móc biên giới của các quốc gia. Nhưng có một thế giới mà các cây cột móc biên giới của các quốc gia không hề thay đổi hay không? Có. Đấy là thế giới của các quốc gia lý tưởng của Lão Tử:
 Có xe thuyền mà không đi, có binh khí mà không bày ra, nghe tiếng gà của nước bên gáy mà không bao giờ đặt chân đến nước ấy. Nghĩ đến đấy ông Ruông thấy không ổn. Một thế giới như vậy tồn tại thì Khảo Cứu Địa Lý Học Lịch Sử về miền núi Tượng sông Tượng của ông trở nên vô ích. Mà ông thì ông muốn các bậc tổ phụ của mình đều trở nên vĩ đại với con cháu nên mới có khảo cứu đó. Nghĩ đến đó ông quyết định phải có một khảo cứu bổ sung cho khảo cứu đó.
Tức phải xác định lại rằng thời thuộc Đông Hán thì miền núi Tượng sông Tượng của ông nằm trong nước Au Lạc và là biên cảnh phía nam của nước này. Tức cây trụ đồng Mã Viện phải chôn ở đó (nếu đó là chuyện thực) Và vị tổ phụ thứ Sáu Mươi Lăm của nhà họ Lê vẫn còn sống sau cuộc chinh phục của Mã Viện. Hai vạn quân của Viện đánh bại nghĩa binh Hai Bà Trưng ở Giao Chỉ, tiêu diệt cánh nghĩa binh cuối cùng do Đô Dương cầm đầu ở Cửu Chân, cứ giả dụ khi tiến đến miền sông Tượng núi Tượng thì còn một nửa, một nửa là một vạn, đủ để gây đẫm máu ở đây, nên việc ông Sáu Mươi Lăm chết trong cuộc chinh phục đó là chuyện bình thường. Nhưng ông Ruông nói ông Sáu Mươi Lăm không chết. Vì ông chết thì làm sao dòng họ Lê nhà ông còn tồn tại đến đời ông.
Khảo Cứu Bổ Sung cho Khảo Cứu Địa Lý Học Lịch Sử về miền sông Tượng núi Tượng,
hay Thuyết Cột Đồng của Lê Ruông:
Viện hỏi đám dân làng Dầu:
-Đây có phải là biên giới phía nam của nước Au Lạc của bọn ngươi hay không?
Mọi người đều im lặng nhìn Viện, rồi nhìn ông Sáu Mưoi Lăm, như để nói ý kiến ông ấy cũng là ý kiến bọn họ
Ông Sáu Mươi Lăm nói:
-Ta là tộc trưởng tộc họ Lê ở làng này. Xưa nay chưa hề nghe mấy tiếng ấy, nên ta chẳng biết biên giới là gì.
Viện toan rút kiếm để làm công việc chém giết, nhưng lại thôi, mỉm cười với vị tộc trưởng họ Lê:
-Đám man di bọn ngươi quả là lũ ngu tối.
Không phải khi đến đây thì ngọn lửa tham tàn nguội đi trong lòng Viện. Chính là do đám dân làng Dầu làm cho Viện không còn thấy hứng thú chuyện chém giết. Lúc đại binh của Viện tiến vào làng thì hết thảy dân làng quả có đóng cửa ở hết trong nhà. Nhưng liền sau đó thì vẫn ăn uống, cười nói, và đi lại như thường. Viện chỉ thích chém giết khi có người chống lại mình. Nhưng ở đây cả sự ngạc nhiên hay sợ hãi cũng không có.
-Ta thường nghe nói dân ở xa thiên tử như xa ánh mặt trời. Cứ xem sự chất phác chẳng biết gì của đám dân nơi đây, thì đất này quả là biên địa phía nam của Âu Lạc.
Nghe Viện nói, viên quan tùy tùng của Viện có biết ít nhiều về đất Nam Lĩnh nói:
-Nhật Nam là quận cực nam của Au Lạc. Còn Tượng Lâm là huyện cực nam của Nhật Nam. Đây đúng là đất Tượng Lâm như dân làng đã khai với ta. Nhưng chỉ dựa vào sự chất phác ngu tối của bọn chúng thì chưa thể nói đây là đất biên địa.
Viện nói:
-Về khỏan này ngươi cũng ngu tối chẳng kém bọn chúng. Nhật Nam, hay Tượng Lâm, Chu Ngô, Tì Ảnh …là những tên đất trên giấy tờ Lộ Bác Đức đã dâng lên vua Vũ Đế. Còn ông ta, thì ta tin rằng, chưa hề đặt chân đến những nơi đó. Có nghĩa chưa hề có chiến chinh ở chốn biên địa này.
Viên tùy tùng của Viện lập tức nói nịnh Viện:
-Mã tướng quân đã làm cho kẻ hạ quan sáng mắt ra. Phải. Do chưa biết chiến chinh, hay chưa nghe nói đến chiến chinh, nên khi thấy đại binh của ta, đám dân làng chẳng hề kinh hãi.
Nhưng đám bò cày của dân làng thì tỏ ra kinh hãi. Con người là bạn chí cốt của con vật nuôi. Nên con vật nuôi không thể uống máu người. Trên đường hành binh, đám binh lính của Viện ngày đêm lo việc chém giết, chẳng được nghỉ ngơi. Đến khi nghe có lệnh dừng quân, không tiến nữa, bọn chúng mới ùa xuống sông Tượng tắm rửa giặt giũ. Ngày ấy máu người Đại Việt pha đỏ nước sông Tượng. Những máu đã khô đọng trên chiến bào và yên cương của đám binh lính Viện giờ tan ra trong nước.
Đám trẻ chăn bò trong làng đến mách với ông Sáu Mươi Lăm:
-Lúc xuống sông uống nước, nghe có mùi máu người, đám bò làng ta đã bỏ chạy lên núi hết..
Ông Sáu Mươi Lăm nói:
-Bỏ chạy là phải. Ai lại đi uống máu người.
Khi nghe có lệnh dân làng phải nộp cho Viện những đồ dùng bằng đồng, ông Sáu Mươi Lăm đến gặp Viện, nói:
-Xưa, làng này cũng có đồ bằng đồng. Nhưng đã đem đúc trống đồng hết cả.
Mắt Viện sáng rỡ:
-Trống đồng giờ cất ở đâu?
-Ta cũng chỉ nghe truyền lại là xưa kia dân làng này đã đúc trống đồng để thờ thần núi thần sông. Nhưng sau đó thì có lũ người phương bắc đến lấy đi.
Thực ra, ông Sáu Mươi Lăm cũng có biết nhiều thứ, chứ không như Viện tưởng. Ông biết từ thời cha ông của ông, thuế má của dân làng là nộp cho một vị vua ở phương bắc. Rồi trước khi có binh lính của Viện tới thì ông biết thuế má không còn nộp cho vua phương bắc, mà nộp cho vua của người mình, một vị vua là đàn bà. Ông biết được chuyện này là do có lời truyền của vị huyện lệnh Tượng Lâm. Cũng qua lời truyền của vị huyện lệnh mà ông biết là đám binh lính của vua phương bắc đã tràn qua đánh nhau với binh lính của vua người mình. Cả ông, cả dân làng, đều cho rằng nơi đây chẳng có chi để cướp, nên không tin là đám binh lính ấy sẽ tới.
Thực ra, số đồ đồng Viện đã thu được trên đường hành binh là đủ để đúc trụ đồng và còn dư để mang về phương bắc.
-Ta vâng mệnh vua Đại Hán mang quân sang đây là để xua sự ngu tối ra khỏi đầu óc bọn ngươi. Nhờ uy thiên tử, giặc Trưng Trắc Trưng Nhị đã dẹp yên, ba cõi Giao Chỉ Cửu Chân Nhật Nam đã được thái bình. Nay lập trụ đồng ở đây là để cho bọn ngươi được rõ biên cương của nước.
Viện bảo ban dân làng.
Rồi sai binh lính đem chôn trụ đồng ở giữa đồng Đất Sét.
Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt.
Tương truyền, đấy là chữ Viện khắc trên cây cột móc biên giới. Nói nôm na là Viện bảo dân Âu Lạc phải giữ cây trụ đồng đó, vì trụ đồng đổ thì quốc gia Au Lạc cũng mất.
Một nỗi lo sợ không hình thù ập xuống cuộc sống dân làng. Bỡi không ai hiểu quốc gia Au Lạc, hay nước Au Lạc, nó là cái gì. Có phải khi cái gì đó mất thì từ lũ bò cày đến đồng Đất Sét và sông Tượng núi Tượng cũng mất?
Những tháng năm sau đó ông Sáu Mươi Lăm quá già yếu. Sớm mai thức dậy, tựa cửa, thấy cặp bò trong chuồng còn, thấy núi Tượng còn, ông có phần yên tâm. Nhưng lại lo không biết đồng Đất Sét với con sông Tượng có chuyện gì không.
Rồi mưa gió làm cây trụ đồng ngã. Người nói nên dựng lại. Người bảo có cây trụ đồng đứng giữa ruộng thì rất khó cày bừa.
-Hay cứ đem để chỗ chân núi Tượng, rồi chờ xem có gì xảy ra không, sẽ liệu.
Ông Sáu Mươi Lăm khuyên dân làng thế, nhưng trong lòng không yên. Năm tháng cứ trôi qua. Và ông vẫn lo sợ một tai họa nào đó sẽ xảy ra. Cho đến hôm người ta đến nói cho ông biết cây trụ đồng đã mục rã thành đất, ông thật sự hoảng hốt. Cây trụ đồng mất, thì cái gì đó ( tức quốc gia Au Lạc, tức tổ quốc Au Lạc) cũng sắp mất? Có nghĩa những đồng ruộng và núi sông gắn bó với đời ông cũng sắp mất?
-Hãy đưa ta ra đồng Đất Sét để ta coi có chuyện gì không!
Ông Sáu Mươi Lăm hối con cháu. Bấy giờ ông không còn đi đứng nổi, chỉ ở yên trên giường. Tất nhiên là đám con cháu ông chẳng thể làm theo lời ông.
Đồng Đất Sét có còn không?
Sông Tượng núi Tượng có còn không?
Hầu như ngày nào ông cũng hỏi lũ con cháu. Ngày nào lũ chúng cũng đến bên giừơng ông bảo mọi thứ vẫn còn nguyên, khiến ông càng nghi ngờ hơn. Cây trụ đồng đã mất thì cái gì đó cũng mất ( tức tổ quốc của ông cũng mất ) Có nghĩa đồng Đất Sét của ông sông Tượng núi Tượng của ông cũng không còn? Ông cho rằng lũ con cháu sợ ông khổ, đã dối ông. Cuối cùng ông đã liều mạng nghĩ là có thể mất hết cũng được, nhưng phải chừa lại cho ông cánh đồng Đất Sét. Vì đồng ruộng không còn thì con cháu ông và dân làng ông sẽ sống bằng gì? Ông Sáu Mươi Lăm vẫn tiếp tục sống trong nỗi nghi ngờ là đã mất hết cả, nhưng con cháu ông đã không dám nói thật với ông.
Vào một ngày tháng chạp, ông Sáu Mươi Lăm nghe có mùi rạ mới hắt vào nhà. Ông ngồi dậy trên giừơng, nhìn thử ra ngoài, thấy đám con cháu ông đang gánh lúa vào sân. Bấy giờ ông vẫn chưa tin đấy là chuyện thật. Là đồng Đầt Sét vẫn còn, lúa đã chín, đã đến mùa gặt, và lũ con cháu ông đang gánh thóc về nhà. Mãi đến lúc lũ chúng đập lúa, thóc văng vào tận chỗ ông, ông nhặt mấy hạt cầm trong tay, mới tin là thật. Ông cắn thử một hạt coi lúa có chắc hạt không. Và bỗng bật cười. Không phải cười vì nhớ ra mình chẳng còn răng. Mà cười vì biết mình đã bị đám người Hán gạt. Có thể diễn lại sự hiểu biết đang diễn ra trong đầu ông lúc ấy: Tổ quốc là cánh đồng Đất Sét. Và cây trụ đồng của Mã Viện chẳng dính dáng chi với tổ quốc của ông.