ồi nhỏ, có lần tôi được cha dắt vào Tòa thượng thẩm để gặp ông bác họ làm thẩm phán. Tôi còn nhớ rõ như in cảm giác sợ hãi trước sự uy nghiêm khi bước vào tòa sảnh lớn, vòm nhà cao vòi vọi. Và khi xe tù đỗ xuống, từng hàng người đầu cắt ngắn, mặc chung một màu áo xám, lầm lũi đi dưới sự áp giải của cảnh sát. Cha dắt tôi đi qua rất nhanh, nhưng tôi thường trì níu tay ông lại. Tôi chưa ý thức được sự nguy hiểm của những con người lầm lũi ấy, chỉ cảm thấy họ như đang ở một thế giới nào khác, một thế giới u ám, đầy bí ẩn...Phòng xử án B hôm 11/3/1994 đông chật người đến dự, dễ khiến người ta liên tưởng đến một vụ án nghiêm trọng, nhưng đó chỉ là một phiên tòa bình thường, xét xử một vụ trộm nhỏ và người mặc áo tù là một thiếu niên phạm tội vào năm 16 tuổi. Những người có mặt hôm đó phần đông là gia đình bị cáo và bà con lối xóm. Tôi tự hỏi chuyện gì đã khiến mọi người đến dự phiên tòa đông đảo đến vậy?Vụ trộm khá đơn giản. Ba giờ sáng, bị cáo M lẻn vào nhà một người hàng xóm lấy trộm một tivi, một cassette và năm cuộn băng. Sau đó M đem những món đồ trộm được gửi vào nhà chị H ở gần đó, để nhờ chị H đem bán giùm. Chỉ trong ngày hôm sau, công an đã phát hiện, thu lại được toàn bộ tài sản mất trộm. M bị tạm giam từ tháng 10/1992 đến nay. Đã dự nhiều phiên tòa xét xử các bị cáo là người vị thành niên phạm pháp, nhưng tôi chưa gặp bị cáo nào có nét mặt ngây thơ như M. Trong quá trình thẩm vấn, một vị trong Hội đồng xét xử cũng đã nhận định bị cáo tuy hành động một mình khi lẻn vào nhà người lấy trộm, nhưng lại bộc lộ những suy nghĩ ngây thơ như “ăn trộm để phụ giúp gia đình” hoặc ăn trộm xong không tẩu tán tài sản ngay, mà lại đem gửi.... Ngồi bên cạnh tôi là một bà, thoạt đầu tôi cứ tưởng là mẹ của bị cáo, vì thấy bà cứ chạy lăng xăng. Bà giải thích sự có mặt của mình: “Hàng xóm! Đi ủng hộ tinh thần”, “Ủng hộ tinh thần?”. “Ờ, đây nè - Bà khoát tay về phía sau lưng - ở đây là hàng xóm không đó”. Mỗi lần luật sư bào chữa nêu lên một tình tiết giảm nhẹ, bà lại đệm thêm vào: “Đúng rồi, vụ trộm đâu có đáng gì, tài sản lấy lại được hết trơn. Đúng rồi, ai đời đi ăn trộm mà đem gởi. Bởi vậy thằng này còn khờ lắm. Chắc nhà nước sẽ tha cho nó thôi”. Mẹ của bị cáo có lẽ chỉ khoảng trên 40. Lúc tòa nghị án, mấy anh công an cho phép bà vào thăm con. Bà mẹ gầy còm, đen đúa ấy lấy tay vuốt tóc con, hỏi thăm nó chuyện ở tù, dấm dúi cho nó ít tiền rồi kéo tay áo chặm nước mắt.Trong thế giới u ám và bí ẩn của những nhà tù - bất kể thời gian, không gian nào cũng vậy - có lẽ không có chỗ dành riêng cho những tâm hồn ngây thơ, những con người lẽ ra vẫn phải còn được ấp iu trong hơi ấm bàn tay mẹ....!Vụ án xét xử chín bị cáo can tội cướp tài sản công dân ở phòng xử A đã được hoãn lại. Không biết phải làm gì, tôi đi tha thẩn dọc các hành lang, tình cờ gặp một thanh niên vốn là nạn nhân của vụ cướp được mời tới làm nhân chứng. Anh nói: “Mấy người giựt xe tôi còn trẻ lắm. Lúc đó, chỉ mới bảy giờ tối. Hai đứa nhảy ra chận đường, một đứa đánh vào mặt tôi, đứa kia cướp xe chạy đi, đứa thứ ba chạy Honda tới chở thằng còn lại..” Không lẽ chỉ có một chiếc xe đạp Trung Quốc mà tới chín người bị truy tố? Ngươi thanh niên nói: “Chắc băng này phải cướp nhiều vụ nữa”. Phòng xử A đóng cửa, nhưng chốc chốc lại có người ra vô, thấp thoáng trong đó sắc áo công an. Ba cô gái vừa bước ra từ cánh cửa mở hé ấy, họ còn rất trẻ, khoảng 16, 17 tuổi. Một người trong nhóm có đeo phù hiệu học sinh. Một cô cho biết hai trong số chín bị cáo là bạn của họ, tất cả đều là học sinh trường H.G. Các cô vừa được phép vào thăm bạn xong. Một cô - có lẽ lúng túng cách xưng hô, không biết gọi bạn là “anh” hay “nó” nên cô nói trống không ở những đại từ nhân xưng: “... bị bạn bè lôi kéo chứ... không biết gì đâu!”. Tôi hỏi: “Sao các em không về đi, phiên tòa hoãn xử rồi mà?”. “Tụi em chờ bạn ấy ra rồi về luôn”.Một ngày mà có tới hai vụ xử án, trong đó người phạm tội còn ở tuổi vị thành niên. Thấy tôi cứ bần thần, hai anh Thới, Trung - công an trại giam Chí Hòa - nói: “Giời ơi, tội phạm loại này nhiều lắm...”.Tôi nhớ câu thơ nổi tiếng: “Hoa huệ trắng trên bức tường cũng trắng, nhưng bóng của nó màu đen”. Tuổi trẻ ví như những nụ hồng vừa nở. Tôi cứ nghĩ, cứ mong những chiếc áo tù màu xám kia chỉ là bóng phản chiếu và khi màn đêm qua đi, hoa hồng sẽ trở lại sắc màu tươi thắm cũ...