Vụ án làm bột ngọt giả

     iả dụ...
TÔI LÀ MỘT NHÀ THI HÀNH LUẬT PHÁP. Điều 167 Luật hình sự xử phạt tội làm hàng giả có 3 khoản. Khoản 1: Những người làm hoặc buôn bán hàng giả bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Khoản 2: Phạm tội thuộc trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm: Hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; có tổ chức hoặc có tính chất chuyên nghiệp; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; hàng giả có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn; tái phạm nguy hiểm. Khoản 3: Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Bị cáo Trịnh thị Hồng Thảo đã bị bắt quả tang sản xuất bột ngọt giả tại căn nhà số... thuê của bà N. Bị cáo đã trộn hàn the vào bột ngọt, theo tỉ lệ 10 ký bột ngọt, 4 ký hàn the. Một ngày làm 6 thùng bột ngọt như vậy, bị cáo phải dùng tới 13 ký hàn the. Tội làm hàng giả là một trong những tội cần phải xử phạt nghiêm khắc, để có tác dụng trừng trị riêng và phòng ngừa chung. Trong trường hợp này, bị cáo đã làm giả bột ngọt, là mặt hàng thực phẩm, mà lại dùng hàn the - là chất độc hại, Vì vậy, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị truy tố bị cáo ở khoản 3, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
TÔI LÀ MỘT THẨM PHÁN. Trong phần thẩm vấn trước tòa [1], bị cáo Thảo khai trong 4 tháng đầu, bị cáo chỉ trộn đường vào bột ngọt, nhưng sau đó, do đường cát để lâu dễ bị chảy nước, nên bị cáo đã thay đường bằng hàn the, và chỉ một tháng sau thì bị bắt quả tang (ngày 7/10/1993). Ngay khi vừa mới bắt đầu tiến hành thẩm vấn, chưa trả lời những câu hỏi về hành vi phạm tội, bị cáo đã nói rằng mình làm mà không nghĩ hành động đó có thể gây hậu quả nguy hiểm đến tính mạng người mua. Chỉ nghĩ rằng trộn hàn the tiện lợi hơn đường, vì không chảy nước, mặc dầu hàn the mắc hơn, 8.000 đồng một ký, trong khi đường chỉ có 5.200 đồng. Một bịch bột ngọt mua 7.800, bán cũng 7.800 đồng, trộn đường - và sau này là hàn the - vào, bị cáo lời được 400 đồng mỗi bịch. Sau khi trừ chi phí, còn được 150 - 200 đồng. Bị cáo đã thuê bốn người làm các phần việc như pha trộn, đóng gói, trả lương 100.000 - 200.000 đồng tùy theo hàng bán được nhiều hay ít. Những người này khai họ phải làm lén lút vì sợ bị phát hiện. Tính ra trong một thời gian ngắn, bị cáo đã tung ra thị trường một số lượng lớn sản phẩm độc hại, thu lợi 11 triệu đồng. Xét xử bị cáo ở khoản 3 là đúng tính chất hành vi phạm pháp. Cần phải có hình phạt nghiêm khắc tương xúng.
TÔI LÀ GÌ ĐI NỮA THÌ CUỐI CÙNG TÔI CŨNG LÀ MỘT NGƯỜI TIÊU DÙNG. Nhà nào mà chẳng dùng bột ngọt? Và với một số lượng lớn bột ngọt giả như thế thì liệu gia đình tôi có tránh khỏi một lần - hoặc nhiều lần - đã sử dụng nhằm thứ bột ngọt giả ấy? Hàn the là một chất độc hại cho sức khỏe con người, đã bị nhiều nước trên thế giới cấm sử dụng. Đối với trẻ em, chỉ cần liều dùng rất nhỏ 5-10 gram là đã có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong. Cứ thử tưởng tượng mỗi ngày gia đình, bạn bè và bản thân mình đã bị đầu độc, ngày này sang ngày khác. Mà phải chi người bán thu được một món lời to tát gì cho cam: Mỗi gói bột ngọt chỉ lời có vài trăm đồng bạc. Càng nghĩ càng thấy đáng sợ.
NHƯNG TÔI CŨNG LÀ NGƯỜI, và là một con người dễ mềm lòng. Bị cáo là một phụ nữ mà tất cả từ hình dáng, cử chỉ, nét mặt... đều in đậm dấu ấn của một cuộc sống nghèo khó, vất vả và dốt nát. “Trình độ văn hóa” lớp 2 không thể cho con người đó biết cái tên gọi Natri borate của hàn the và những độc tính của nó một cách tường tận. Trong lúc chờ tòa nghị án, không đừng được, tôi đã trò chuyện với chị ta. “Ai gợi cho chị cái ý trộn hàn the?”. “Có nhiều người trước đó đã từng làm và người ta bày cho”. “Vậy chị mua hàn the ở đâu?”. “Ở chợ Bình Tây”. “Người ta bán công khai à?”. Chị ta nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên. “Người ta bán chung với các thứ đồ khô như đậu xanh, đường, bột mì... Không chỉ Chợ Lớn mà chợ nào cũng có và muốn mua bao nhiêu cũng được”. Con người đau khổ đó nói như than vãn: “Tôi đâu nghĩ nó độc, bởi thấy người ta làm thức ăn cũng mua nó trộn vào như mấy chỗ làm mứt, làm dưa cải đó...”. Người phụ nữ không biết lý luận, nếu không chị đã trình bày trước tòa để bào chữa cho mình: Mặc dầu có lệnh cấm sử dụng, thế nhưng tại sao chất độc ấy vẫn được bán, mua và sử dụng hàng ngày? Trên tay chị là một đứa bé mới hơn 1 tuổi. Sinh ra trong tù. Hai con. Chồng bỏ. Tòa kêu án 20 năm tù giam. Gương mặt tái xanh, nước mắt giàn giụa. Gần như phải có người dìu chị vào trong. Một người thân của chị nói gì đó, chị gần như thét lên: “Hai mươi năm tù. Trời ơi. Về tới trại, tao tự tử tao chết liền. Tao không sống đâu!...”.
Người phụ nữ đó đã sống gần nửa cuộc đời trong bóng tối của sự thất học. Và có lẽ cho tới khi hết hạn tù - Lúc đã gần hết cuộc đời, chị ta cũng vẫn không thể nào hiểu nổi vì sao hành vi trộn vào bột ngọt chất hàn the - một chất được bán rộng rãi ngoài chợ - lại phải chịu một hình phạt nặng nề đến vậy?
Chú thích:
[1] Phiên tòa ngày 17/1/1995.