Tờ giấy không tâm hồn

     hiều 18/7/1994, Tòa án Nhân dân thành phố mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Lương Chí Cường, 17 tuổi, can tội trộm cắp tài sản công dân. Trước tòa, bị cáo phản cung, cho rằng vì bị đánh quá chịu không nổi, nên mới phải nhận tội. Hội đồng xét xử đưa ra những bằng chứng hùng hồn. Đại diện Viện Kiểm sát nêu nhiều lý lẽ đanh thép để buộc tội bị cáo. Trước những lý lẽ của đại diện các cơ quan thi hành pháp luật đó, bào chữa cho bị cáo chỉ là một tờ giấy...
Như thường thấy ở những bị cái vị thành niên, gương mặt của Cường vẫn còn nhiều nét trẻ thơ, dù rằng tiền án và tiền sự của Cường có thể liệt kê đầy một trang đánh máy: 13 tuổi bị bắt đưa vào Trường Thiếu niên 3 (trường nuôi dạy trẻ em bụi đời, lang thang, phạm pháp), được hai ba tháng gì đó rồi trốn; 15 tuổi bị công an quận 4 bắt giữ bảy ngày; 16 tuổi bị phạt 12 tháng tù vì liên can đến cướp giật... Tòa hỏi tên cha, đáp “không nhớ”, tên mẹ “không nhớ”, cả hai người đã chết từ khi Cường còn nhỏ lắm. Cường chỉ có một người anh ruột mà khi ra đứng trước tòa mặc bộ quần áo phai màu, xơ xác, chân mang đôi dép Lào mòn lẳn, tóc bù xù. Dường như anh chẳng biết gì về đứa em trai duy nhất của mình ngoài tên cùng năm sinh, và khi tôi hỏi Cường sống ở đâu, anh cũng không biết.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, lần phạm tội này của Cường xảy ra vào ngày 23/7/1993, trước hẻm 232 Tôn Đản, quận 4. Cường giật dây chuyền của một cô gái đi xe Dream, chạy đuợc một đoạn thì bị một người đi đường bắt giữ. Anh này định đưa Cưòng về công an phường thì bị Cường rút dao đe dọa, nên phải buông cho Cường chạy, nhưng chạy chưa được bao xa thì Cường bị công an phường bắt giữ.
Ngay từ đầu phiên tòa, Cường đã nói rằng mình không có tội. Trước đó, khi được tống đạt bản cáo trạng trong trại giam, Cường cũng không nhận và viết vào lý do là vì mình không có tội, có ký tên. Đến khi đại điện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng trước tòa, khi trả lời thẩm vấn của chủ tọa phiên tòa, Cường vẫn nói rằng nội dung của cáo trạng hoàn toàn không đúng, rằng Cường không hề bị bắt quả tang. Cường đang ngồi ăn kem, chạy ra đường chỉ vì nghe có tiếng la “cướp”, sợ quá, chạy thì bị bắt, Cường không cầm dao, cũng không cầm dây chuyền trên tay... Tòa hỏi: “Chữ ký trong biên bản phạm pháp quả tang có đúng là chữ ký của bị cáo không?”. “Dạ đúng!”. Tòa lại hỏi: “Thế tại sao bị cáo lại ký?”. Đáp: “Tại mấy anh đánh quá chịu không nổi, nên phải ký”. Sau đó, chủ tọa Hội đồng xét xử đã đưa ra những bằng chứng để chứng minh sự phạm pháp của Cường như đọc lời khai của anh thanh niên đã bắt giữ Cường: “Nhìn thấy một người giật dây chuyền và chạy, người đó trạc 16 tuổi...”, rồi đọc lời khai của cô gái bị giật dây chuyền mô tả màu áo của người giật đồ là màu trắng, đúng với màu áo Cường mặc hôm đó. Tòa còn nói thêm rằng bị cáo chẳng phải tay vừa, vì trong lần phạm pháp trước đây, khi bị công an Quận 1 bắt, bị cáo đã không khai tên thật mà khai tên Nguyễn văn Cường (bị cáo nói rằng mình có hai tên), ngoài ra, bị cáo còn có tên khác nữa là Trần Ngọc Phúc. Tòa cũng nhắc đến những tiền sự, tiền án của bị cáo như một minh chứng.
Đại diện Viện Kiểm sát nói bị cáo phạm tội có tính cách chuyên nghiệp, một tiền án, rất nhiều tiền sự, lại không nhận tội, cần phải được xét xử nghiêm khắc. Tuy nhiên, cũng xét yếu tố tuổi đời của bị cáo còn nhỏ, đề nghị mức án từ hai đến ba năm tù.
Tôi quan sát nét mặt bị cáo: đầu ngẩng cao, môi mím lại, nhưng cũng có lúc gương mặt cao ngạo ấy cúi xuống. Một sự bướng bỉnh cả quyết, muốn chứng tỏ bản lĩnh, muốn tỏ ra mình khôn ngoan, muốn làm người lớn như vẫn thương thấy trong tâm lý của những đứa trẻ bụi đời nhưng đã thất bại chăng? Sau khi tòa đưa ra những lời khai để làm bằng chứng, bị cáo không nói gì nữa, và khi tòa cho được nói lời cuối cùng trước khi tòa vào nghị án, bị cáo chỉ nói ngắn gọn xin tòa cho được hưởng bản án cố định.
Tôi không hiểu bị cáo muốn ám chỉ điều gì khi nói “bản án cố định”, chỉ đoán phải chăng vì nghe ai đó mách bảo cho rằng bản án cố định nghĩa là có thời hạn giam giữ rõ ràng, chứ không như loại hình, phạt cưỡng bách lao động, dễ bị kéo dài thời hạn. Điều đó chỉ là phỏng đoán, nhưng qua tất cả những gì tôi chứng kiến tại phiên tòa này, khiến tôi cảm thấy rất rõ một điều là cho dù bị cáo có cố tình gian dối, cố tình trả lời quanh co, cố ý phản cung đến đâu chăng nữa, bị cáo vẫn bộc lộ sự non nớt - phải có - của một đứa trẻ.
Nhưng đó chưa phải là điều tôi quan tâm nhất trong bài viết này. Tôi muốn nói về một tờ giấy, một tờ giấy không có tâm hồn, đó là bài bào chữa của luật sư. Như một quy định rất có tính nhân bản của luật Việt Nam, trong các phiên tòa xử bị cáo ở tuổi vị thành niên, Đoàn Luật sư phải chỉ định một người để bào chữa miễn phí cho bị cáo. Tôi đã được dự nhiều phiên tòa mà ở vào chỗ ngồi trang trọng được dành cho luật sư bên phía trái của Hội đồng xét xử, chỉ là... một tờ giấy. Đó là bài bào chữa do luật sư soạn sẵn, gởi tới, còn luật sư thì đang bận một công việc nào khác ở đâu đó... Sau khi phiên tòa kết thúc phần thẩm vấn và chuyển sang phần tranh luận, nghĩa là sau lúc đại diện Viện Kiểm sát công bố kết luận buộc tội của mình, thì thay cho lời tranh luận của luật sư với đại diện Viện Kiểm sát, thay cho những lời hỏi han thân chủ của mình để làm sáng tỏ thêm chứng cứ, thay cho nhũng lời bào chữa đanh thép, những minh chứng cảm động rơi nước mắt cho những hoàn cảnh thường là đáng thương của những bị cáo vị thành niên v.v... và v.v... người thư ký phiên tòa sẽ đọc môt bài bào chữa soạn sẵn. Lời bào chữa này thông thường có thể áp dụng được cho mọi trường hợp, chỉ cần thay đổi họ tên bị cáo và tội danh. Trong phiên tòa có nhiều tình tiết rối rắm vì bị cáo phản cung như đã kể trên, bài bào chữa soạn sẵn của luật sư V.P.L. là: “... bị cáo cũng đã nhận hết tội... bản thân không nhận thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không được chăm sóc, giáo dục tốt... nên xét giảm nhẹ mức án cho bị cáo...”. Quyết định của Hội đồng xét xử thế nào? Phát biểu của đại diện Viện Kiểm sát ra sao? Mức án bao nhiêu? Luật sư không hề hay biết.
Làm sao có thể đòi hỏi gì hơn nữa ở một tờ giấy?