Độc giả đọc tới đây có thể rút ra một kết luận tương đối bi quan. Chúng ta đất hẹp, người đông, thiên nhiên bị tàn phá, lại đang rất nghèo nàn lạc hậu. Lợi thế của chúng ta là biển và vị trí thì lại hầu như hoàn toàn chưa được khai thác và dân ta còn phải học hỏi nhiều mới có thể sử dụng được. Như thế có lẽ tương lai của ta mờ mịt lắm. Tôi xin cảnh giác trước độc giả về hai điều mâu thuẫn với nhau. Điều thứ nhất là độc giả sẽ còn phải chờ đợi ở những phần sau nhiều yếu tố tiêu cực hơn nữa, việc kiềm kê những điểm yếu của nước ta mới chỉ bắt đầu mà thôi. Điều thứ hai là, ngược lại, tất cả những nhược điềm vừa kể về địa lý thiên nhiên thực ra không quan trọng lắm và không đáng khiến ta phải quá bi quan, nhất là địa lý của chúng ta cũng không đến nỗi quá bất lợi. Xin dẫn chứng một câu chuyện có thực mà tôi đã sống. Trại học tập cải tạo của chúng tôi ngoài các sĩ quan công chức của chế độ cũ ra còn có cả một số thường phạm. Điều đó chứng tỏ là chúng tôi là tù chứ chẳng phải là cải tạo viên gì cả. Số tù thường phạm gồm đủ loại: móc túi, đánh bài, buôn lậu, ăn trộm, ăn cướp và có một số cán bộ cộng sản bị phạt tù vì những lý do ngoài chính trị thí dụ như một anh được sĩ bán thuốc nhà nước cho chợ trời, một anh đại đội trưởng bắn chết người. Trong số những thường phạm có Nguyễn Văn Khánh, một thành phần bất hảo rất nguy hiểm bị giam chung với tôi. Khánh là cháu ngoại Sáu Cường, võ sĩ khét tiếng miền Nam hồi thập niên 1930 đã từng thi đấu nhiều lần và chưa hề thua ai bao giờ. Mẹ Khánh cũng là một cao thủ võ lâm với cuộc sống rất phóng đãng. Khánh nói với tôi: Ông thầy biết không, mẹ tôi đã qua tất cả mọi binh chủng. ý Khánh muốn nói mẹ nó đã chung chạ với rất nhiều người, trong đó có những quân nhân thuộc mọi binh chủng của quân đội miền Nam. Khánh cũng như các anh em của nó đều mang họ mẹ vì không biết cha là ai. Khánh vạm vỡ khỏe mạnh và lúc nào cũng sẵn sàng ẩu đả, lại sân có máu con nhà võ nên chẳng sợ ai cả. Lúc đó Khánh mới 20 tuổi mà thành tích đã ghê gớm, không biết bao nhiêu lần vào tù ra khám dưới chế độ cũ và chỉ sáu tháng dưới chế độ cộng sản Khánh đã là bộ mặt rất quen thuộc đối với công an tỉnh Cà Mau. Tất cả là những tội trạng giống nhau: trộm cướp, đánh lộn, đưa dẫn và làm tiền gái bán dâm. Khánh không biết đọc, không biết viết không biết gì cả, lại rất lười biếng và chỉ có một trí thông minh dưới mức trung bình. Khánh bị bắt trong một đợt càn quét tệ đoan xã hội và bị đưa đi cải tạo vô hạn định. Vì là thành phần bất hảo, gan lì, Khánh bị quyện cả hai chân. Lúc vào tù, Khánh chỉ có một bộ quan áo, và dĩ nhiên không có người thăm nuôi. Mẹ Khánh không biết đã lưu lạc nơi nào, các anh em Khánh hoặc đang sống lang thang vô gia cư, hoặc cũng đang ở tù với một tội trạng tương tự như Khánh. Nói chung, Khánh đang ở trong một hiện tại bi đát, không có một tương lai nào và cũng không có ai ưa Khánh đễ có thể dìu dắt, giúp đỡ. Trong một đêm giao thừa Khánh nói với tôi: Cuộc đời tôi tàn rồi!. Đêm hôm đó, từ chiếc radio của người công an gác đêm vọng ra lời chúc Tết của chủ tịch Tôn Đức Thắng. Cả nước biết ông Tôn Đức Thắng đã xấp xỉ chín mươi tuổi và đã yếu lắm. Tôi hỏi Khánh: - Mày nói đời mày tàn rồi, thế nếu đổi cuộc đời mày lấy cuộc đời của chủ tịch Tôn Đức Thắng mày có chịu không? Khánh giẫy nẩy lên:- Đâu được? Ông nói giỡn sao, ông ấy sắp chết đến nơi rồi. Cả hai chúng tôi đều phá ra cười. Thì ra, cũng như hầu hết mọi người, Khánh quá chú tâm đến những thành công và danh vọng đề quên rằng thực ra điều quí giá nhất trong một đời người là sức khỏe và tuổi trẻ. Còn sức khỏe và còn trẻ là còn hy vọng. đối với một đất nước, điều quan trọng nhất là con người, còn con người là còn tất cả dù tình trạng hiện tại ra sao. Bởi vì con người có thể làm ra tất cả. Nước Pháp không xa Hòa Lan. Tôi có nhiều người bạn ở đó, và có cả một nghĩa tử. Năm nào tôi cũng qua Hòa Lan nhiều lần. Đường đi lại dễ dàng, chỉ cần vài giờ lái xe. Từ cửa nhà tôi tới cửa nhà Đặng Minh Kỷ, phối trí viên của nhóm Thông Luận Hòa Lan, chỉ có 500 cây số. Nước Hòa Lan chỉ rộng bằng một phần mười diện tích của Việt nam, với một dân số 15 triệu. Hòa Lan có mật độ dân số cao vào bậc nhất thế giới, gần gấp hai lần Việt nam, gấp bốn lan nước Pháp. Ngoài một mỏ khí đốt ở miền Bắc, tại Groningen, Hòa Lan không có một tài nguyên nào đáng kề cả. Đất của Hòa Lan thấp hơn mức nước biền nên ngập lụt là một đe dọa thường trực. Tên của nước Hòa Lan là Nederland, có nghĩa là đất thấp. Đất hẹp và bất lợi, người đông, tài nguyên thiên nhiên ít ỏi, nhưng Hòa Lan là một thiên đàng hạ giới, do chính con người tạo ra. Người Hòa Lan thường tự hào: Thượng Đế đã tạo ra thế giới, nhưng chính chúng tôi đã làm ra đất nước này. Hoàn toàn đúng. Dù nhỏ bé về cả đất đai lẫn dân số, nhưng Hòa Lan là một cường quốc kinh tế. Tổng sản lượng quốc gia của Hòa Lan trên 300 tỷ USD, gần 15 lần tổng sản lượng của Việt nam với 78 triệu dân, gấp rưỡi tổng sản lượng gộp lại của tất cả lục địa châu Phi với trên 600 triệu dân. Hòa Lan có mặt một cách tích cực trên mọi thị trường thế giới. Trên thềm thế kỷ 21, ngoại thương của Hòa Lan cao hơn hẳn ngoại thương của Trung Quốc ngay cả sau hơn hai thập niên theo đuổi chủ trương giàu có là vinh quang, gấp năm lần ngoại thương của ấn Độ và lúc nào cũng xuất siêu. Các công ty lớn của Hòa Lan như Philips, Royal Dutch, Unilever có chi nhánh trên khắp các lục địa và tại tất cả các quốc gia phát triển. Nông phẩm của Hòa Lan, nhất là sữa và thịt, tràn ngập các thị trường châu Âu. Đất nước Hòa Lan đẹp đẽ với những xa lộ tuyệt vời chạy qua những cánh đồng xanh tốt, với những đàn bò béo mập và những cây xanh rất thẩm mỹ. Hòa Lan chưa phải trải qua một cuộc cách mạng nào, nhưng Hòa Lan là một nước dân chủ và tự do nhất thế giới. Không ở đâu con người được quí trọng như ở Hòa Lan và có lẽ cũng không ở đâu cái thú làm dân lại có thể lớn hơn ở Hòa Lan. Tôi ưa sang Hòa Lan vì những người bạn quí ở đó, nhưng cũng vì tôi ngưỡng mộ vô cùng đất nước và con người Hòa Lan. Người Hòa Lan đã làm cho tôi hiểu một cách âm thầm và chắc chắn rằng mưu sự tại nhân mà thành sự cũng tại nhân. Tôi cám ơn sâu xa và thành thực Hòa Lan đã cho tôi hy vọng và niềm tin, nhờ đó mặc dầu những khó khăn và trở ngại ngày hôm nay tôi không bao giờ mất niềm tin rằng vẫn còn có thể có một nước Việt nam tương lai xứng đáng đề những người Việt hôm nay đầu tư cố gắng và đề cho các thế hệ ngày mai có thể yêu mến và tự hào.