Phần 4 Vài trang bị cho tương lai
Laissez-faire?

Nhưng chúng ta có cần một chính sách kinh tế không? Tôi lại có thể bị coi là khiêu khích nếu trả lời thực ra cũng không cần lắm. Nhưng quả thực là như thế. Những biện pháp mà chúng ta thường gọi là kinh tế như đào tạo chuyên môn, gởi sinh viên ra nước ngoài thực tập, khuyến khích hay hạn chế tín dụng, mở mang đường giao thông, xây dựng thương cảng, nhà kho, v.v... thực ra phải xuất phát từ nhu cầu thị trường và một phần lớn cũng phải do tư nhân làm chứ không do nhà nước tự ý quyết định và thực hiện một mình. Trong một sinh hoạt kinh tế thị trường, thông thường nhà nước chỉ có thể nghiên cứu, tiên liệu và thông tin cho doanh nhân để họ có thể quyết định đúng. Nhưng những điều này các công ty tư cũng có thể làm được, và thường nên để họ làm vì họ làm đúng hơn.
Một khi đã chấp nhận kinh tế thị trường, nhà nước chỉ còn rất ít việc phải làm vì mọi chọn lựa đều giản dị và rõ rệt, hầu như bắt buộc: phải khuyến khích sản xuất, nội thương, ngoại thương; phải giản dị hóa công việc của doanh nhân, phải có thông tin kinh tế chính xác và kịp thời; phải cố gắng trải đều hoạt động kinh tế trên khắp lãnh thổ thay vì tập trung vào một số địa phương, v.v... Chẳng cần gì một chính sách kinh tế, tất cả những việc đó đều hiển nhiên phải làm và phải làm tối đa. Làm thế nào là một chuyện khác, nhưng không còn là những vấn đề kinh tế nữa. Nếu có một bí quyết thì đó chỉ là bí quyết mà ai cũng biết, đó là phải đối thoại thường xuyên và đầy đủ với doanh nhân, để biết những yêu cầu và khó khăn của họ. Và nhà nước càng làm ít chừng nào càng tốt chừng ấy. Adam Smith từng được coi, có lẽ hơi oan, là sáng tổ của trường phái cứ để họ làm (laissez-faire), nghĩa là cứ để các tác nhân kinh tế tự tìm lấy cách làm việc rồi đâu sẽ có đó, sẽ có một bàn tay vô hình an bài tất cả một cách tốt đẹp. Không nên hiểu Smith một cách quá khích, cứ để họ làm không có nghĩa là cứ để nó chết hay cứ để mặc chúng nó tàn sát nhau. Đó chỉ là một cách để nói rằng các tác viên kinh tế qua cọ sát và trao đổi thường ngày, mỗi người theo đuổi mục đích lợi nhuận riêng của mình, dần dần sẽ đi đến một thăng bằng trong đó mọi người đều có phần và đều đóng góp cho phát triển của xã hội; nhà nước nên giới hạn ở mức tối thiểu những can thiệp của mình, nhất là không nên áp đặt những kế hoạch và mục tiêu. Như thế không có nghĩa là vai trò của nhà nước không quan trọng. Trái lại nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định thăng bằng đó sẽ như thế nào. Sẽ là một thăng bằng rừng rú trong đó kẻ mạnh đề bẹp kẻ yếu hay là một thăng bằng văn minh và nhân bản. Sẽ là một thăng bằng ở mức độ thấp hay cao. Nhưng đây không phải là một vấn đề thuần túy kinh tế, mà là một vấn đề văn hóa và chính trị.
Vai trò chính của nhà nước là vai trò của một trọng tài, bảo đảm pháp luật, trật tự và an ninh, diệt trừ tham nhũng và tạo những quan hệ ngoại giao tốt đẹp đồng thời thông tin chính xác về sinh hoạt kinh tế thế giới để giúp doanh nhân tìm thị trường và tránh những sai lầm tai hại. Muốn giúp doanh nhân tìm thị trường xuất cảng thì phải bổ nhiệm ở các tòa đại sứ những tùy viên thương mại có khả năng nhất, nhưng đó không phải là một vấn đề kinh tế mà chỉ là vấn đề làm việc đứng đắn, không tham nhũng, không phe đảng.
Kinh tế phát triển là do những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật làm gia tăng năng suất, nhưng gia tăng năng suất là một vấn đề của các chuyên viên trong các xí nghiệp.
Kinh tế cũng phát triển nhờ tìm được các thị trường mới hoặc cải thiện các thị trường có sẵn, trong cũng như ngoài nước. Nhưng trong một nền kinh tế thị trường cố gắng này là của các công ty chứ không phải của nhà nước. Vai trò của nhà nước trong hoạt động kinh tế là tạo điều kiện để doanh nhân hoạt động dễ dàng và bảo đảm cạnh tranh công bằng. Chỉ có thể. Chấm, và chấm hết.
Những điều mà chúng ta thường coi là nằm trong một chính sách kinh tế thường thường là những việc chớ nên làm, thí dụ như nâng đỡ một ngành này, hạn chế một ngành khác, cho nhập cảng một loại hàng này, cấm nhập cảng một mặt hàng khác hay đánh thuế nặng một số mặt hàng. Nhưng can thiệp đó làm lệch lạc đi qui luật thị trường và tạo ra những hậu quả tai hại gấp nhiều lần lợi ích trước mắt mà thường người ta chỉ khám phá ra sau khi đã quá trễ. Tại sao? Bởi vì không ai có thể nắm vững được hết những liên hệ đan xen chằng chịt của một thị trường với hàng chục triệu đối tác, mọi tính toán đề chỉ có thể là giản đơn và do đó đều sai. Việc khuyến khích phát triển các vùng nghèo khó thực ra cũng không nằm trong một chính sách kinh tế. Giải pháp cũng rất hiển nhiên: mở mang đường giao thông và viễn thông và tản quyền tối đa để doanh nhân có thể giải quyết mọi vấn đề thủ tục và hành chánh ngay tại chỗ. Lúc đó không cần khuyến khích doanh nhân cũng sẽ tìm đến những vùng nhà đất rẻ, nhân lực rẻ và dồi dào, thị trường chưa được cũng ứng đúng mức. Nhưng nếu kế hoạch không nên có, chính sách cũng không cần thiết thì vẫn còn lại vấn đề quản lý kinh tế. ở đây vấn đề cũng khá giản dị và trong lô gích thị trường các giải pháp cũng khá hiển nhiên. Vai trò quản lý kinh tế của nhà nước thực ra không có gì phức tạp.
Trước hết cần có luật lệ kinh doanh đúng đắn và giản dị. Đây có lẽ là điều khó nhất về mặt chuyên môn. Cần đối thoại thường trực với doanh nhân và các nghiệp đoàn để hiểu biết các vấn đề đặt ra cho các xí nghiệp và các ngành nghề; cần hiểu biết luật lệ và thông tục thương mại quốc tế. Luật pháp một mặt phải thích nghi thường trực với thực tế nhưng mặt khác cũng không được thay đổi quá đột ngột, đặt doanh nhân trước những bất ngờ bối rối. Luật cũng phải được mọi người thấu hiểu và hiểu như nhau. Xét cho cùng thì cách để làm luật hay nhất vẫn là thảo luận tự do. Đó cũng là cách để mọi người biết đến luật và hiểu luật. Vấn đề sau đó là áp dụng luật pháp một cách công minh, điều này cần những luật sư và những thẩm phán có khả năng và một bô máy tư pháp không tham nhũng, nhưng đây không phải là một vấn đề kinh tế, mà là một vấn đề chính trị và đào tạo.
Vấn đề quan trọng thực sự là quản lý tiền tệ, nhưng ở đây kinh nghiệm đã chứng tỏ rằng giải pháp cũng khá hiển nhiên, chỉ cần áp dụng đúng đắn:
- Không nên áp đặt một hối suất cố định cho đồng tiền, trái lại nên thả nỗi hối suất để nó thích nghi hàng ngày với thực tế, và như thế tránh được những đầu cơ trên hối suất;
Kiểm soát lãi suất căn bản (lãi suất chiết khấu) để giữ cho lạm phát đừng quá cao và cũng đừng quá thấp, đâu đó ở mức từ 3 tới 5 % đối với một nước như Việt nam. Tìm ra một tỷ lệ lạm phát thích hợp là một điều rất khó, chỉ có thể làm được sau một thời gian dò dẫm, một khi đã tìm được rồi canh chừng nó, nếu mức lạm phát lên cao hơn mức thích hợp thì tăng lãi suất chiết khấu, nếu mức lạm phát xuống dưới mức thích hợp thì giảm lãi suất chiết khấu.
Quản lý tiền tệ không phức tạp nhưng phải dò dẫm một cách thận trọng. Trên thực tế khuynh hướng chung của thế giới là không trao quyền phát hành tiền và quản lý lãi suất cho nhà nước mà trao cho một ngân hàng trung ương với một thống đốc và một hội đồng quản trị do chính phủ bổ nhiệm nhưng hoạt động độc lập, hay gần như độc lập, với chính quyền. Như vậy trách nhiệm quản lý kinh tế của nhà nước thực ra càng ngày càng nhẹ đi. Vấn đề khó khăn nhất, và cũng hoàn toàn thuộc quyền của chính quyền, là quyết định mức thuế cho từng khoản lợi tức (lương bổng, lãi xí nghiệp, lời chứng khoán, v.v...) và cho từng ngành, từng mặt hàng. ở đây cũng có một trường phái đòi giản dị hóa thuế bằng cách đánh một thuế suất gộp cho tất cả (flat tax). Có thể đây chỉ là một sự giản dị hóa quá đáng và không thực tiễn nhưng ít nhất nó cũng chứng tỏ có một chiều hướng giảm thiểu vai trò quản lý kinh tế của nhà nước. Chính sách thuế tùy thuộc trước hết ở triết lý chính trị. Thuế là phương tiện để nhà nước thực hiện những nhiệm vụ cơ bản của mình: bảo vệ lãnh thổ, an ninh quốc gia, công lý, giáo dục, y tế, và nhất là liên đới xã hội. Mức thuế cao thì doanh nhân sẽ chán nản, không phấn khởi đầu tư nữa và hoạt động kinh tế sẽ suy giảm kéo theo sự suy giảm của tổng sản lượng quốc gia và mức sống. Ngược lại, thuế không đủ (thế nào là đủ là một vấn đề khác) thì nhà nước sẽ không làm tròn được nhiệm vụ của mình, nhất là nhiệm vụ cứu trợ và liên đới, xã hội sẽ căng thẳng và hỗn loạn, trật tự trị an không được bảo đảm, giáo dục và đào tạo sẽ xuống cấp với hậu quả sau cùng là chính hoạt động kinh tế cũng sẽ suy sụp. ở đây cũng thế, không có một lý thuyết nào cả, phải dò dẫm và rút kinh nghiệm mà thôi và chỉ có thể thay đổi một cách rất chậm chạp và thận trọng. Vấn đề xem ra có vẻ phức tạp, nhưng thực ra không phức tạp vì việc tăng hay giảm thuế thường thường chỉ ở mức độ một hay một nửa phần trăm.
Tóm lại, quản lý kinh tế là trách nhiệm thực sự và cần thiết của nhà nước, nhưng không phải là khó. Có thể nói một nhà nước chỉ bảo đảm được luật pháp, trật tự an ninh và nhất là không tham nhũng cũng đã rất tốt rồi.
Tuy nhiên có một vấn đề quan trọng liên quan đến triết lý chính trị là có nên tách rời trách nhiệm liên đới.xã hội và hoạt động của các xí nghiệp hay không. Nói một cách khác, có nên buộc các xí nghiệp phải trực tiếp đảm nhiệm một phần công tác liên đới xã hội như qui định một số ngày huấn luyện nhất định trong năm, tôn trọng một số ngày nghỉ lớn (như năm hay sáu tuần lễ tại châu Âu), trả lương những ngày nghỉ bệnh, chịu một số ràng buộc trong việc sa thải v.v... hay không?
Mọi xã hội văn minh đều phải đặc biệt quan tâm đến liên đới xã hội. Xã hội văn minh không thể từ chối cho người què một cặp nạng. Không một ưu tư phát triển nào có thể biện minh cho sự bỏ rơi những người nghèo khó, thương tật. Giúp đỡ những người yếu đuối hoặc thiếu may mắn để họ vươn lên đóng góp cho sự phận vinh chung, không những chỉ là một phản xạ nhân bản mà còn là một hành động thông minh của cộng đồng quốc gia.
Dĩ nhiên là các xí nghiệp phải tham gia vào công tác liên đới xã hội, nhưng tham gia như thế nào và đến một mức độ nào tùy thuộc ở triết lý chính trị. Quan niệm của tôi là phải tách rời hai nhiệm vụ. Liên đới xã hội là trách nhiệm của nhà nước, bỏn phận của các công ty là sản xuất thực nhiều và tìm lợi nhuận tối đa; không nên bắt các xí nghiệp phải đảm nhận một nhiệm vụ không nằm trong chức năng tự nhiên của nó. Điều này có nghĩa là các qui định về trách nhiệm của các công ty phải thực sự là tối thiểu, phần còn lại là thỏa thuận giữa xí nghiệp và công nhân theo từng trường hợp. Nhà nước chỉ bảo đảm sự thực hiện đứng đắn của hợp đồng. Liên đới xã hội sẽ do nhà nước thực hiện với sự hợp tác của các tổ chức thiện nguyện thuộc xã hội dân sự. Và nhà nước đảm nhiệm chức năng liên đới xã hội của mình qua thuế. Nếu thấy cần tăng thêm các trợ cấp xã hội, nhà nước sẽ tăng thuế, ngược lại, nếu thấy nhu cầu bớt căng thẳng nhà nước có thể giảm thuế. Và nhà nước sẽ phải có những sáng kiến để động viên xã hội dân sự đóng góp và tham gia vào các công tác liên đới xã hội.
Tới đây, để chấm dứt với huyên thoại về sự phức tạp và cao siêu của kinh tế, xin thêm vài ghi chú về lạm phát và thất nghiệp: Các vấn đề quản lý kinh tế có thể rất nhức nhối nhưng đều giản dị về mặt lý thuyết. Riêng hai vấn đề lạm phát và thất nghiệp thường hay gây một số ngộ nhận, các ngộ nhận này lại thường được các nhà kinh tế khuếch đại ra trong mục đích làm cho mình có vẻ thông thái hơn. Hậu quả là quần chúng hoang mang và nghĩ rằng đó là những vấn đề rất phức tạp.
Khẩu hiệu thông thường là chống lạm phát, nhưng chống lạm phát không có nghĩa là đem tỷ lệ lạm phát xuống số không. ở một mức độ thấp, lạm phát không những có lợi mà còn cần thiết. Thí dụ, một mặt, nhiều khi cần giảm lương công nhân trong một số ngành nghề đang suy thoái không còn khả năng sử dụng số lượng nhân công mà chúng đang sử dụng nữa để thúc đẩy các công nhân tự cố gắng di chuyển sang những hoạt động khác đang phát triển, có như thế sinh hoạt kinh tế mới năng động và không ngừng thích nghi với tiến hóa, có như thế kinh tế mới lành mạnh. Nhưng, mặt khác, các xí nghiệp không thể cắt giảm lương mà không gây bất mãn và xáo trộn. Giải pháp, cần thiết vì lý do tâm lý, là vẫn tăng lương mà thực sự là giảm. ở một mức lạm phát 5%, xí nghiệp (và cả nhà nước) có thể tăng lương cho công nhân (hay công chức) 2 %. Thực tế là lương đã giảm 3% và công nhân thấy rõ điều đó, nhưng sẽ không phản ứng giận dữ.
Khẩu hiệu thông thường cũng là toàn dụng, nghĩa là mọi người đều có công ăn việc làm, nhưng một tỷ lệ thất nghiệp quá thấp không cần phải ở số không, cũng làm cho các hoạt động kinh tế mất đi sự co giãn, và đưa tới bế tắc vì một mặt cản trở sự phát triển của các ngành cần công nhân, một mặt đưa tới tăng lương và lạm phát, chưa kể là còn không kích thích sự học hỏi và cầu tiến. Vả lại một tỷ lệ thất nghiệp thấp, ở mức 4% hay 5%, hoàn toàn có thể quản lý được trong một quốc gia đã dự trù các biện pháp liên đới xã hội. Vậy phải nói một cách bộc trực là quốc gia nào cũng cần duy trì một mức lạm phát vừa đúng và một tỷ lệ thất nghiệp thích nghi.Vấn dề khó là làm thế nào để định ra tỷ lệ lạm phát vừa đúng và tỷ lệ thất nghiệp thích nghi. Đây cũng không phải là một vấn đề lý thuyết mà chỉ là kết quả của một sự quan sát trong một thời gian dài. Hai tỷ lệ này thay đổi theo từng quốc gia, và trong mỗi quốc gia theo từng thời kỳ. Sau khi đã tìm ra các tỷ lệ này, đụng cụ chính để giữ lạm phát và thất nghiệp ở đó là lãi suất cơ bản. Một cách giản dị, trừ khi có những biến cố đặc biệt, khi lãi suất cơ bản được hạ thấp thì tín dụng và đầu tư sẽ gia tăng, kéo theo sự tăng trưởng của sản lượng quốc gia và số công ăn việc làm, nghĩa là sẽ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhưng đương thời cũng làm gia tăng tỷ lệ lạm phát. Ngược lại, khi lãi suất cơ bản tăng lên thì tín dụng và đầu tư sẽ giảm, lạm phát sẽ giảm nhưng hoạt động kinh tế cũng giảm và thất nghiệp sẽ tăng. Nhà nước, hoặc ngân hàng trung ương, phải hết sức thận trọng trong việc giảm lãi suất mặc dầu nó có tác dụng kích thích các hoạt động kinh tế vì kinh nghiệm ở mọi nước cho thấy chống lạm phát là một việc rất tốn kém, tốn kém gấp bội lợi ích có được vào lúc hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng.
Cần lưu ý một sự kiện mà chính quyền tại các nước phát triển nào cũng biết nhưng không nhìn nhận: tỷ lệ lạm phát thay đổi chậm hơn so với tỷ lệ thất nghiệp. Do đó các ngân hàng trung ương thường quan sát tỷ lệ thất nghiệp để có thể hành động nhanh chóng. Khi cảm thấy tỷ lệ thất nghiệp xuống quá thấp so với tỷ lệ thất nghiệp tối ưu họ gia tăng lãi suất để nâng số người thất nghiệp lên. Dĩ nhiên mục đích tốt là để trả lại cho kinh tế mức độ co giãn cần thiết và tránh lạm phát, nhưng thực tế là họ đã căn cứ vào tỷ lệ thất nghiệp để canh chừng lạm phát và cố tình gia tăng mức độ thất nghiệp khi thấy nó xuống quá thấp. Điều này họ làm và phải làm nhưng không bao giờ dám công khai nhìn nhận vì đối với công chúng nó quá phũ phàng. Họ biện bạch loanh quanh. Hậu quả là cuộc thảo luận về kinh tế càng trở thành khó hiểu. Nhưng cuộc tranh cãi về kinh tế trong các nước dân chủ thường hay rất sôi nổi vì chúng đụng chạm tới túi tiền của mọi người, và do đó được chăm chú theo dõi, chúng cũng rác rối vì phải dung hòa những quyền lợi mâu thuẫn, nhưng không phải vì chúng thực sự cao siêu và phức tạp.

Truyện Tổ quốc ăn năn Lời đầu Cảm tạ Ghi chú về tài liệu tham khảo và bố cục Sơn hà gấm vóc Rất đượm hương và rộn tiếng chim Sơn xuyên chi cương vực ký thù Nước non nghìn dặm Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình Nước non nghìn dặm (II) Mưu sự tại nhân... Một dân tộc tinh anh? Một dân tộc hiếu học? Một dân tộc sáng dạ? Chuồng lợn và cái cày Hai bằng tiến sĩ Người Việt, người Nhật Một dân tộc bất khuất và tự hào? Yêu nước Ils ne s aiment pas Đôi bạn Phương pháp và gắn bó Phá vỡ định luật 8 Hợp tan Anh hùng nước Nam Thằng nào đây? Tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi Máu chảy ruột mềm Mấy ngàn năm lịch sử con cháu tiên rồng Mở mắt và nhỏ lệ ảo ảnh Lý Trần Hồ Quí Ly và Mạc Đăng Dung Người trong một nước? Đem tâm tình viết lịch sử? Trở lại trường hợp Nguyễn Huệ Rước voi về dày mả tổ Cõng rắn cắn gà nhà Cho những người đã nằm xuống Chấp nhất kỷ chi kiến Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau Cướp đất của ai? Dừng chân nghĩ lại Tám mươi năm Pháp thuộc Một bài học lịch sử Soi lại chân dung, ba nét đậm của đất nước Một chuyển tiếp tự nhiên Bốn ngàn năm văn hiến Một phép mầu, một may mắn và một bài học Kinh nghiệm Cao Ly Đoạn Trường Tân Thanh Thua kém và nguyên nhân Khổng Giáo và Khổng Tử Sự nghiệp và nhân cách của Khổng Tử Di sản Xuân Thu Chiến Quốc Đạo lý thánh hiền Việt Nho Mặt thật của ai? Giết hại công thần Anh không biết gì về cộng sản Ưu đạo bất ưu bần? Tổ quốc của kẻ sĩ Một chân dung tráng lệ của kẻ sĩ Chuyện cổ tích Mười triệu năm đánh đu Mười triệu năm đánh đu Cái tuổi dại khờ và ánh sáng bừng lên Hòa Lan: cái gì đã xảy ra? Anh: một dân tộc bán tiệm Hoa Kỳ: Nhật Bản: tự do trá hình và dân chủ giấu mặt Những xã hội phồn vinh khác Cùng một hiện tượng Những thí dụ phản bác? Singapore: một thị trưởng xuất sắc Mã Lai: dân chủ ngay từ khi thành lập Đại Hàn Dân Quốc: Thái Lan: mãi đến 1992 Philíppin: sự bịp bợm của Marcos Inđonesia: sự ra đời vội vã của một nước lớn Đài Loan: từ một chiến khu tới một quốc gia Châu Mỹ La Tinh: một thế kỷ rưỡi trong bóng đêm Những lập luận phản bác? Những định luật cho một xã hội phát triển? Kinh bang tế thế Huyền thoại kế hoạch Laissez-faire? Quốc gia, dân tộc Quốc gia Nhà nước Nhà nước- quốc gia Dân tộc Chủ quyền Quốc gia, nhà nước và dân chủ Đất nước ta Vài vấn đề về dân chủ Đi xa hơn dân chủ Các giá trị châu á? Thập nhị sứ quân Phản xạ tổng thống chuyện của các luật sư Một thoáng suy tư về châu Phi Tổ quốc ăn năn Gởi vào giấc mộng, nhắn ra cuộc đời Một số nhận định về Tỏ QUốC ĂN NĂN và tác giả Bình luận