Hồn ai có đi về trên khói sóngVà giờ đây thông cảm với hồn taThì lắng tai nghe mấy lời caGở vào giấc mộng, nhắn ra cuộc đời.Vũ Hoàng ChươngXin cảm ơn các độc giả đã chiếu cố đến cuốn sách này. Nếu bạn đã đọc đến đây thì hẳn bạn phải là một người khá đặc biệt, một người không cần đọc cuốn sách này để tìm những kiến thức và ý kiến. Bạn đã đọc hết cuốn sách vì đã tìm thấy ở đây một phần tư duy của chính mình.Vậy xin kết thúc cuốn sách bằng một lời phi lộ. Một lời riêng nhưng cũng là chung.Tôi ra đời vào giữa thế chiến II, lúc đất nước còn đang bị ngoại thuộc và, hơn thế nữa, bị ngoại thuộc một cách ô nhục nhất. Một nắm nhỏ người Pháp, đã thua trận và mất nước, vẫn còn duy trì được một ách thống trị khắc nghiệt trên cả nước. Họ đã chỉ bị quân Nhật lật đổ chứ không phải bị người Việt nam đứng lên đánh bại. Đã có nhiều người Việt nam đứng lên, nhưng trước mặt họ lại có một số người Việt nam đông đảo hơn nhiều tiếp tay giúp người Pháp duy trì ách thống trị trên dân tộc mình. Điều này mãi mãi là một vết thương đầu cho tôi bởi vì nó không cho phép tôi tự hào về dân tộc mình.Từ đó đến nay đất nước không ngừng thua kém hơn so với thế giới, trong khi chúng ta đã phải trả những cái giá rất khủng khiếp. Nhưng thất vọng liên tục chồng chất đã làm đại đa số người Việt mất lòng tin vào đất nước, không còn nghĩ tới nước nữa. Chúng ta không còn dự định chung, do đó chúng ta rã hàng và bất lực. Và đất nước trôi giạt về một tương lai đầy bất trắc.Khi tôi ngồi viết những dòng này, tình hình đất nước cũng tương tự như khi tôi ra chào đời. Một nhóm người rất nhỏ, theo đuổi một chủ nghĩa đã hoàn toàn phá sản, lấy làm quan thầy và mẫu mực một chế độ đã sụp đổ, vẫn tiếp tục duy trì được ách thống trị thô bạo và chặn đường tiến của dân tộc về tương lai mà không gặp một chống đối đáng kể nào. Tôi vẫn không thể hãnh diện là người Việt. Tôi đã có dịp sống và làm việc trong lòng chế độ cộng sản, đã trao đổi thân mật và hiện nay vẫn thường xuyên được tiếp xúc với nhiều người của chế độ, có khi ở những cấp bậc khá cao. Tất cả đầu đồng ý rằng chế độ này phải dân chủ hóa, nó không thể và không được quyền tiếp tục như hiện nay. Nhưng chế độ vẫn còn đó, và tiếp tục cai trị một cách thô bạo. Cũng như trong thời thế chiến II, mọi người đều muốn dân chủ nhưng chỉ có một số ít đứng lên, trước mặt họ là một số đông đảo gấp bội cố luồn lách để sống yên và, để sống yên, phải hợp tác với chế độ và giúp chế độ tiếp tục tồn tại. Sau hơn một nửa thế kỷ thăng trầm và đổ vở, thảm kịch của Việt nam vẫn thế. Đó là thảm kịch của ý chí và niềm tin.Tôi đã là một đứa trẻ may mắn. Cả làng tôi, và có lẽ cả huyện tôi, đã chỉ có một mình tôi được đi học đến nơi đến chốn, được đi du học sớm, được quan sát thế giới và cũng được một địa vị tương đối khá trên cả quê mình lẫn quê người. Dù đã trải qua nhiều khổ đau và mất mát, tôi vẫn là người rất được số phận ưu đãi so với đồng bào tôi. Có thể nói ngày nay tôi là một trong những người Việt ít ỏi không cần đất nước, nếu chỉ cầu mong một cuộc sống thoải mái cho mình. Những lòng không thể yên. Vẫn còn cái tâm sự bẽ bằng của một đứa con nhà nghèo đi làm con nuôi nhà giàu bỏ rơi anh em. Vẫn có sự hổ nhục âm thầm như khi đạp ga cho xe chạy nhanh, làm như không nhìn thấy gia đình người quen hư xe bên đường giữa một đêm mưa gió. Và một niềm ân hận rằng mình đã không phát huy được hết khả năng của mình, đã không làm được tất cả những gì mình muốn làm và có thể làm vì không ở trong môi trường tự nhiên của mình; cuộc đời mình nhỏ lại và thấp xuống.Điều làm tôi dằn vặt nhất hiện nay là hình như đại đa số người Việt không nhìn thấy một mối nguy lớn cho đất nước. Chúng ta đều đồng ý ràng tình hình hiện nay rất tệ hại cho đất nước và phải chấm dứt. Nhưng hình như chúng ta chỉ nghĩ rằng nếu tình hình này cứ tiếp tục thì đất nước sẽ trì trệ, sẽ chậm tiến và bị thua kém thế giới mà thôi. Chúng ta chưa ý thức rằng tình hình này có thể đưa đất nước đến chỗ giải thể. Thế giới đã đi vào một kỷ nguyên mới, trong đó ý thức quốc gia dân tộc bị xét lại một cách triệt đẻ. Những quốc gia không được hiểu như một dự án tương lai chung, một tình cảm và một không gian tương trợ cho cố gắng vươn lên của mọi người sẽ không còn lý do tồn tại và sẽ không thể tồn tại. Những quốc gia như thế sẽ giải thể trong lòng người, rồi giải thể thực sự. Chúng ta đã chứng kiến nhiều quốc gia tự tan vỡ mà không bị ngoại xâm. Chúng ta cũng đã thấy nhiều quốc gia rất dân chủ và phồn vinh mà vẫn bị chao đảo vì những chủ trương ly khai chỉ vì người dân không còn nhìn thấy công dụng thực sự của quốc gia nữa. Sẽ còn nhiều quốc gia khác bị tan vỡ, và những quốc gia tan vỡ đầu tiên sẽ là những quốc gia mà biên giới được coi là hàng rào ngăn cản những giá trị phổ cập của loài người, mà chủ quyền dân tộc được hiểu như quyền tự do lộng hành của một tập đoàn cầm quyền. Chúng ta đang là một quốc gia như thế và chúng ta đang đứng trước một tình trạng khẩn cấp.Một dằn vặt khác của tôi là hình như đa số người Việt không nhìn thấy sự cần thiết của đất nước cho chính đời mình. Chúng ta mơ ước, hoặc hài lòng với một cuộc sống trung bình tại hải ngoại. Chúng ta thoả mãn khi tìm được một việc làm vừa đủ sống và không bị công an hạch sách ở trong nước. Những khổ đau và chịu đựng quá lớn và quá lâu đã làm cho chúng ta mất tham vọng và nhỏ lại. Chúng ta định cư trong sự nhỏ bé tinh thần và vật chất. Chúng ta đã mất đi sự cao cả trong trí tuệ và tâm hồn. Chúng ta không thấy rằng một quốc gia lành mạnh sẽ là một không gian phát triển cho phép đời ta vươn tới một tầm vóc lớn hơn, dù chúng ta sống ở trong nước hay ở nước ngoài.Tôi đã sống lâu năm tại Pháp, trong tuổi sinh viên và trong tuổi hành nghề. Cuộc sống tại Pháp đã cho phép tôi nhìn thấy một vài điều. Nước Pháp có 60 triệu dân và có hơn nửa triệu xí nghiệp hoạt động một cách lành mạnh. Nước Pháp có khoảng một triệu cấp lãnh đạo, trong đó ít nhất một trăm ngàn cấp lãnh đạo rất quan trọng. Trong khi tôi đang viết những dòng này thì tổng sản lượng quốc gia của Pháp bằng 60 lần Việt nam, lợi tức của mỗi người Pháp bằng 80 lần mỗi người Việt. Pháp không phải là một mẫu mực tại Tây Âu. Ho thua kém nhiều nước châu Âu khác. Tổ chức chính quyền của họ tập trong và kềnh càng. Các hoạt động phân phối một cách không đồng đều trên lãnh thổ. Tâm lý người Pháp cũng không lành mạnh. Nước Pháp gần như bị chia đôi, một nửa dân Pháp năng động và sáng tạo trong khi nửa kia vô trách nhiệm và trông đợi ở bao cấp. Nhưng nếu chúng ta bằng được nước Pháp? Đất nước chúng ta sẽ là một môi trường bao la cho biết bao tham vọng chính đáng, sẽ là đất dụng võ cho biết bao tài năng, sẽ là biết bao trách nhiệm vẻ vang cho biết bao nhiêu người. Chúng ta sẽ thiếu rất nhiều người cho rất nhiều công việc quan trọng và đầy say mê. Mọi người, trước hết là những người có kiến thức, sẽ đều có nhưng trách nhiệm đáng tự hào, sẽ không ai phải lo âu không có được một chỗ đứng xứng đáng. Và chúng ta sẽ không còn phải hổ thẹn trước mặt người ngoại quốc.Chúng ta sẽ hãnh diện mà gọi tên đất nước mình.Và tại sao chúng ta lại không thể bằng nước Pháp? Tôi học với họ và làm việc với họ, tôi rất ngưỡng mộ người Pháp, nhưng tôi cũng không thấy họ hơn người Việt nam, hay có hơn cũng không bao nhiêu. Con người Việt nam có chất liệu tốt, chúng ta khá thông minh, hiếu học, rất chăm làm và cũng giỏi chịu đựng. Chúng ta có thể bắt đầu ngay bằng cái sở trường của chúng ta là chịu học và chăm làm. Dĩ nhiên về lâu về dài như thế chưa đủ; chỗ đứng sau cùng của một dân tộc vắn được quyết định bởi óc sáng tạo và tinh thần mạo hiểm, hai đặc tính mà chúng ta rất thiếu và cần phát minh ra; nhưng trong tình trạng thua kém bi đát hiện nay, hiếu học, chăm làm và chịu đựng cũng là khá đủ để vươn lên. Rồi trong quá trình vươn lên chúng ta sẽ phát triển óc sáng tạo và tinh thần mạo hiểm. Rất nhiều dân tộc chậm tiến không có nổi tiềm năng con người của chúng ta. Về lâu về dài chúng ta cũng không phải là không có thể mạnh. Chúng ta là một quốc gia bờ biển, biển mở rộng lãnh thổ của chúng ta, mở cửa đất nước chúng ta ra thế giới và đem thế giới đến với chúng ta. Chúng ta lại có một vị trí tuyệt vời, nằm ngay giữa trung tâm của một vùng đầy hứa hẹn và ngay sát nhiều trục giao thông quan trọng. Chúng ta có thể phát triển rất mạnh và, hơn thế nữa, còn có thể hưởng thụ được cả sự phát triển của các nước khác, bởi vì trong một châu á phồn vinh sau này, chúng ta là bờ biển Thái Bình Dương của cả Thái Lan, Kampuchea, Lào và Việt Nam. Điều mà chúng ta thiếu chỉ là ý chí và tham vọng.Hiện nay chúng ta đang đứng trước một ngã ba đường đặc biệt. Một ngả là sự giải thể quốc gia và cơn hấp hối rất dài, trong đó người Việt sẽ lầm lũi, bơ vơ, bị thế giới khinh thường và hắt hủi. Một ngả khác là một nước Việt nam phồn vinh đem lại hạnh phúc và tự hào cho mọi người. Chúng ta chỉ có hai lối đi: một bên là đường hầm đen tối và lầy lội dẫn tới cái chết, một bên là đại lộ thênh thang dẫn tới vinh quang.Đại lộ vinh quang, hơn nữa, cũng là đại lộ an toàn. Dân tộc ta đã phải trả giá quá đắt cho hận thù và chia rẽ, cho óc độc quyền lẽ phải, cho sự cuồng tín và tôn thờ bạo lực. Chúng ta đã hiểu bằng máu và nước mắt và đã chấp nhận trong da thịt những giá trị giản dị nhưng mầu nhiệm như hòa bình, tự do, dân chủ và bao dung. Chế độ độc tài này sẽ là chế độ độc tài cuối cùng tại Việt nam, với điều kiện là chúng ta vẫn còn là một quốc gia sau cuộc thử thách này. Rũ bỏ được nó, chúng ta sẽ vĩnh viễn đi vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tự do, dân chủ, kỷ nguyên của những cố gắng chung và của thành công chung. Con đường tiến tới tương lai của chúng ta như vậy sẽ không quanh co. Mặt khác, trong khi các nước châu á khác, vì chưa trải qua những kinh nghiệm đắt giá của chúng ta, còn lưỡng tự giữa truyền thống và tiến bộ, chúng ta sẽ chấp nhận một cách quả quyết và nhiệt tình những giá trị phổ cập của loài người tiến bộ, sẽ lấy tự do làm động lực để tiến tới, và chúng ta chắc chắn sẽ mau chóng bắt kịp được sự chậm trễ.Sự chọn lựa là hiển nhiên. Tất cả vấn đề là chúng ta có còn đủ lạc quan và tin tưởng để chọn con đường thênh thang, và thực ra dễ dàng, dẫn tới vinh quang không, hay sẽ để cho sự mệt mỏi và tuyệt vọng xô đẩy vào con đường chông gai và tăm tối dẫn đến sự tiêu vong?Chính vì thế mà, hơn lúc nào hết, đất nước đang cần những con người hiếm hoi còn giữ được niềm tin và lòng yêu nước, như một cơ thể suy nhược cố tập trung sức lực còn lại. Những người này phải ý thức được rằng họ là một sắc tộc thiểu sổ phải dựa vào nhau để sống và vươn lên. Giữa họ phải có tinh thần kết nghĩa, phải chưa gặp đã là anh em, chưa quen đã là chí hữu. Phải kết hợp nhanh chóng, mạnh dạn, nhiệt tình.Họ phải hãnh diện vì sứ mạng trọng đại và cao cả của mình. Đổi lại dòng lịch sử, đổi số phận của cả một dân tộc đông đảo gần một trăm triệu người không phải là một cơ hội mà đời người nào cũng có thể có.Họ phải nhận diện đúng những trở ngại trước mắt. Trở ngại lớn nhất không phải là sự ngoan cố của chế độ cộng sản mà là sự mệt mỏi và tâm lý bỏ cuộc của người Việt. Thắng được sự thụ động của quần chúng, tạo được một sức bật mới của lòng yêu nước và của ý chí làm lại đất nước thì sự ngoan cố của chế độ cộng sản sẽ tan biến mau chóng. Chế độ này thiếu cả sức mạnh lẫn quyết tâm, nó xấc xược chỉ vì chúng ta nhu nhược.Họ sẽ phục hồi thế giá cho hoạt động chính trị và cho những người đấu tranh vì đất nước bằng thái độ và hành động. Họ sẽ không mất thì giờ cho những hành động mị dân nhằm giành giật cảm tình của một quần chúng cần được thức tỉnh thay vì mơn trớn. Họ sẽ đốt đuốc đi tìm nhau. Họ sẽ nhận diện nhau như những tinh hoa của đất nước và như ý chí còn lại của dân tộc. Họ sẽ kính trọng nhau và truyền sự kính trọng đó cho quần chúng, gây lại niềm tin cho quần chúng và tranh thủ sự hưởng ứng của quần chúng.Nếu trong cái rủi cũng có cái may thì trong cái khó cũng có cái dễ. Cái khó là với tình trạng quần chúng hiện nay chúng ta không thể hy vọng hình thành nhanh chóng được một kết hợp lớn. Cái dễ là trong tình trạng phân rã hiện nay chúng ta không cần một lực lượng lớn mà vẫn có thể là lực lượng áp đảo nhất, và thành công. Trước hết hãy tự giới hạ trong thành phần tinh nhuệ, nghĩa là thành phần có đạo đức, lý tưởng, quyết tâm, có trình độ hiểu biết tạm đủ, và có khả năng hội nhập trong một đội ngũ. Một ngàn người như thế có thể là một lực lượng đủ để hành động. Hình thành được một tập hợp như vậy là chúng ta đã có thể báo tin mừng cho dân tộc về sự ra đời của hy vọng, bởi vì sau đó mọi việc đều dễ và tình hình đất nước có thể thay đổi rất nhanh chóng.Chúng ta có cả một kho tàng nhân sự chưa được khai thác.Nhưng người muốn đổi đời không thiếu trong nước cũng như ngoài nước, trong cũng như ngoài bộ máy nhà nước, kể cả đa số đảng viên cộng sản. Điều chúng ta thiếu là một tụ điểm cho những khát vọng. Một tập hợp của khoảng một ngàn người có trí tuệ và trái tim đủ để làm tụ điểm đó. Khó khăn là tạo ra tập hợp này. Nhưng đó là mục tiêu trong tầm tay.Chúng ta không khởi hành từ số không. Chúng ta đã sẵn có một số người. Chúng ta có khát vọng thay đổi của tám mươi triệu người. Chúng ta cũng có cả một kho tàng những người muốn làm một cái gì cho đất nước nhưng còn cảm thấy bất lực vì cô đơn và đang chờ đợi một kết hợp dân chủ đáng tin cậy.Nhưng hành trang quan trọng nhất của chúng ta vẫn là một niềm tin và hãnh diện âm thầm nhưng mãnh liệt ở trong lòng. Chúng ta đang phấn đấu để cứu đất nước do ông cha để lại và để chuyền nhượng lại một đất nước đẹp hơn và đáng tự hào hơn. Đó là một cuộc đấu tranh cao cả vì nó không nhằm tiêu diệt hay hạ nhục một ai, mà nhàm giải thoát và thăng hoa mọi người. Đó là một cuộc đấu tranh chính nghĩa. Lòng dân hôm nay là của ta, chúng ta thực hiện di chúc dựng nước của người xưa với tình yêu nồng nàn dành cho các thế hệ mai sau. Chúng ta có đồng bào, tổ tiên và con cháu. Chúng ta có hiện tại, nghìn trước và nghìn sau.Vậy thì chúng ta hãy nắm tay nhau cùng phấn đấu và cùng mơ ước một tương lai Việt nam chung. Ngay hôm nay và bây giờ. Paris, ngày 8 tháng 11 năm 2000