VŨ KHÚC MÁU

Sau cuộc chuyện trò ấy thì ông Ruông cảm tác được thơ:
Là tên lính thuộc địa đi canh giữ thuộc địa
Anh đang mất tất cả
Cái đơn giản nhất là tên gọi của anh
Cũng mất
Nói chi cái lớn lao là tổ quốc
Bỗng chiến tranh thế giới nổ ra.
Anh liền bước vô trang sử oanh liệt của nhân loại.
Phẩm giá con người liền được trả lại cho anh
Ông Ruông làm thơ là để tặng ông Rường. Nhưng thơ lại tác động lại ông. Cả ngày lẫn đêm, ông bị ám ảnh bỡi một cuộc chiến ông nhớ là mình đã đọc ở đâu đó.
Ông Rưởng sang:
-Thơ ông làm cho tôi đã có kẻ đem ra bình đấy.
-Bình như thế nào?
-Cứ theo lời lẽ của thơ, người ta luận ra rằng nhờ có Hít le xâm lăng nước Pháp, tên lính thuộc địa là tôi mới lấy lại được phẩm giá làm người. Như thế chẳng khác nào nói Hít le đã mang lại phẩm giá cho tôi. Ông nghe có buồn cười không?
-Nghe cũng buồn cười.
Ông Ruông chỉ nói thế, rồi tiếp tục tìm kiếm gì đó trong đám sách ở trên giá.
-Ông đang có chuyện gì phải không?
-Đang chờ một vị kiếm khách
-Một vị kiếm khách? Mà vị kiếm khách ấy là ai?
Ông Ruông vẫn chúi mắt vô sách:
-Sắp nhìn thấy rồi. Đừng hỏi
Ông Rường quần ra nhà sau, nói riêng với vợ chồng anh Rác:
-Coi chừng cha lũ bay sắp lâm bệnh đó. Theo tao, không chừng là bệnh lọan sách cũng nên.
Vợ chồng anh Rác rất lo.
Nhưng thằng cu Cỏ thì cứ theo nài nĩ ông nó:
-Ông dẹp hết sách đi, kể chuyện sứ nhà trời với con rắn lừa đảo cho cháu nghe thôi.
-Ừ, rồi ông sẽ kể.
Phải khất với cháu, vì ông đang bị cuốn hút vào cuộc chiến giữa hai vương quốc Ăng Co và Chăm Pa
Kinh đô Vijaya năm 1176.
Quốc vương Indravarman III hỏi người tạc tượng:
-Ta lên ngôi đến nay đã mười năm, ngót mười năm người vẫn chưa làm xong tượng thần vũ nữ là cớ làm sao?
Người tạc tượng đăm nhìn về ngọn tháp phía nam kinh thành:
-Thưa đức vua, sở dĩ phải phá đi làm lại như thế vì mỗi lần khắc xong lại thấy hình dạng thần nữ apsaras chưa hiện lên đầy đủ trong bản khắc.
-Ngươi dựa vào đâu để nói thế?
-Thưa, dựa vào trái tim hèn mọn của kẻ tiện dân này.
Mười năm thầm yêu người vũ nữ nô lệ trong đám vũ nữ chốn cung đình Vijaya, người tạc tượng cố thể hiện trong bản khắc của mình một nụ cười huyền diệu mà lạnh lẽo u buồn. Mười năm để tạc một nụ cười của người con gái mình yêu. Và chàng đã làm được. Và cũng chỉ có mỗi mình nàng là nhận ra điều ấy
-Hãy nói ra lời chàng dấu kín với em tự bấy nay.
Nàng quì xuốn g chân chàng, nói.
Người tạc tượng cũng quì, ôm lấy vũ nữ:
-Em là thần nữ apsaras của ta, mãi mãi là của riêng ta
Kinh thành không phải xôn xao vì cuộc tình của hai người, mà vì thần vũ nữ apsaras trẻ trung lộng lẫy đang hiện lên nơi tường thành kinh đô Vijaya.
-Chính bàn tay ngươi đã tạo cho vương quốc ta nét kiều diễm của trần gian. Công lao kia là đáng giá ngàn vàng.
Vua Chăm Pa lệnh cho quan giữ kho của triều xuất đúng một nghìn cân vàng để thưởng công người tạc tượng.
Người tạc tượng cũng mang đúng một nghìn cân vàng lại trả cho vua.
-Như thế là sao? Hay cho rằng chừng ấy vàng là chưa xứng với công lao của ngươi?
-Thưa đức vua, nếu gộp hết của cải làm ra từ đời vị thủy tổ của dòng họ tiện dân đến đời kẻ tiện dân này thì cũng chưa bằng một phần nhỏ số vàng kia. Nhưng thưa đức vua, có một thứ còn quí hơn vàng kẻ tiện dân này luôn mong mỏi.
-Nó là thứ gì vậy?
-Thưa, không còn là thân nô lệ
Quốc vương Indravarman III nhìn người tạc tượng:
-Ta chỉ có vàng để cho ngươi. Còn thứ ngươi muốn thì phải cầu xin đấng Brahma.
Vương quốc Chăm Pa và vương quốc Ang Co năm 1177.
Vua Indravarman III muốn đất nước mình phía tây phải đến tận sông Salween và bán đảo Malaixia. Có nghĩa phải đánh chiếm vương quốc Ang Co. Hết thảy đàn ông trong nước, chẳng chừa ai, phải cầm gươm ra trận.
-Ta cũng thân nô lệ như em, nên có chết trong lần chinh chiến này thì cũng chẳng phải là sự mất mát lớn lao gì đối với vua.
Người tạc tượng nói với người con gái mình yêu. Nàng chỉ còn biết khóc để thay lời tiễn biệt.
Vua Indravarman III bận áo cổ bối bạch diệp ra khỏi hoàng cung, thổi ốc, đánh trống, tức thì năm nghìn thị vệ theo hầu. Và đấy là chuyện thật: Ông đã đốt cháy kinh thành Angco Wát. Nơi đền Bantay Samrê đám vũ nữ của vua Ăng Co phải cử vũ khúc mừng thần vương mới của đất nước Ăng Co.
-Kể từ nay lũ ngươi được trở về quê quán làm ăn sinh sống và sinh con đẻ cái.
Trong niềm vui biên cương của đất nước được nới rộng, vua Indravarman III đã để cho người tạc tượng và người con gái chàng yêu được làm người không phải nô lệ.
Vương quốc Chăm Pa và vương quốc Ang Co năm 1181.
Ở miền núi Tượng sông Tượng người tạc tượng đã khắc xong tượng thần vũ nữ ở
bệ tháp thần Shiva.
-Em là nữ thần apsaras của ta, mãi mãi là của ta, nên hình ảnh em phải có mặt ở mọi nơi chốn trên mặt đất này.
Người tạc tượng nói với với người con gái mình yêu, bấy giờ đã là vợ chàng.
Ở đất nước Ang Co, Jayavarman VII đã mở trận thủy chiến trên sông Tônlêsáp.
Tàu chiến của Chăm Pa bị đốt. Trên đất liền, bộ binh Chăm Pa cũng bị bại. Những gì của Ăng Co, Chăm Pa phải trả lại cho Ang Co. Đến lúc này cứ coi như huề nhau. Chăm Pa chiếm Ăng Co trong bốn năm, cũng bằng thời gian vua Suryavarman II (ông vua hùng cường của Ăng Co) chiếm Chăm Pa trước đó.
Vua Jayavarman VII đào hồ chứa nước, đào kênh dẫn nước, cố làm cho ruộng đồng được nhiều thóc, xây thêm đền đài chùa tháp, cố làm cho kinh đô Ang Co mỗi ngày một to lớn hơn. Và có một thứ mỗi ngày cũng một to lớn hơn ở trong lòng vua: Muốn biến Chăm Pa vĩnh viễn thành thuộc quốc của ông.
Vương quốc Chăm Pa và vương quốc Ang Co năm 119O.
Lịch sử loài người như một cuộc chơi luôn làm náo động mặt đất. Trong cuộc chơi xảy ra vào năm 1190 thì vua Jayavarman VII đã thực hiện được phần đầu giấc mộng của ông. Vua Chăm Pa Indravarman IV đã bị bắt làm tù binh. Còn dân Chăm Pa thì bị bắt làm phu và làm lính. Làm lính đi chiếm đất người Lào ở thượng nguồn sông Mêkông, lấn đất người Môn ở lưu vực sông Irrawaddy. Làm phu đi đắp đường nối kinh đô Ang Co với Vijaya, đi xây đền Bayon, xây Angco Thom.
-Ngày trước, đức vua Chăm Pa đã cho kẻ tiện dân được trở về miền sông Tượng núi Tượng này để sinh sống làm ăn.
Người tạc tượng nói với thuộc hạ của vua Jayavarman VII.
Nhưng người ấy bảo giờ chàng là thần dân của vua Ang Co, phải làm theo ý muốn của vua Ang Co, tức phải tiếp tục làm công việc tạc tượng ở kinh đô Ang Co.
-Nay chàng phải đi làm thân nô lệ cho vua khác tức sẽ đi vào kiếp khác. Hai ta cũng đã có con trai nối dõi. Nên em xin đi trước chàng đây.
Nói xong lời ấy, nàng liền tự vẫn.
Đêm đêm có tiếng hát cất lên nơi khu đền Bayon ở đất nước Ang Co.
-Apsaras, em mãi mãi là của ta, mãi mãi là của riêng ta.
Dân kinh đô Ang Co ai nghe được cũng thầm nguyện cầu, vì cho rằng đấy là tiếng nói của một vị thần đa tình nào đó đang dạo chơi trên bầu trời kinh đô. Nhưng cũng lắm kẻ phát hiện ra rằng đây là tiếng hát của người tạc tượng mới từ Chăm Pa đưa đến để xây đền Bayon.
Có một đêm, đám lính canh của vua Jayavarman VII vì nể người tạc tượng tài hoa đã cho chàng vào gặp vua Chăm Pa.
-Là ngươi đó ư? Lịch sử đối với ta tựa một vũ khúc nhiều tầng cảnh. Ta vừa làm con đại bàng uốn lượn trên nỗi khiếp sợ của nhân gian, vừa làm con chuồn chuồn gãy cánh, không phải bay, mà trườn bò trên đất.
Vua Indravarman IV nhìn người tạc tượng, rưng rưng nước mắt.
Chàng cũng nhìn vua:
-Thưa, có phải đức vua muốn nói là người đang vất vả sống những ngày như xưa kia ở đất nước Chăm Pa kẻ tiện dân này đã sống.
Vua Chăm Pa gạt nước mắt:
-Thì ngươi chẳng phải cũng đương là thân nô lệ đó sao?
Người tạc tượng ngước mặt lên bầu trời sao:
-Kẻ tiện dân này sắp thóat được rồi
-Thoát bằng cách nào?
-Thưa, xóa bỏ cả sự sống lẫn sự chết.
Sáng hôm sau người ta phát hiện thấy tất cả các tượng thần Shiva và Vichnu ở khu đền Bayon đều bị chặt cụt đầu. Còn người tạc tượng thì đang ôm chặt lấy tượng thần vũ nữ chàng vừa mới tạc xong. Máu từ nơi lưỡi kiếm đâm xuyên ngực chàng vẫn còn chảy nhuộm đỏ cả người chàng lẫn tượng thần vũ nữ apsaras.
Sau đó thì đám vũ nữ kinh thành Vijaya đã chế ra được một vũ khúc mà khi xem cứ thấy như máu đương tuông trào ra từ những xiêm y.
Người tạc tượng ông Ruông tả trên là vị tổ phụ thứ bốn mươi ba của dòng họ ông.