- Ngọc Lan, em hãy nhìn kìa, ngoài khơi xa kia, trông như những hạt châu là những hòn đảo nhỏ mà anh vẫn thường đánh bắt ở đấy. Khi biển yên tĩnh, bọn anh ra xa hơn, khi động thì lại vào gần. Còn đây là Viện Hải Dương Học, vừa là nơi lưu giữ những kỷ vật về đại dương, vừa là nơi trưng bầy những thành tựu nghiên cứu của con người… Mà em mệt không? - Ồ, hôm nay cóc mới mở miệng, anh đâu phải hướng dẫn viên du lịch. Mà thuyết minh cũng được đấy, phải nỗi em có hiểu nhiều đâu. Từ nhỏ chỉ biết Hòa Vang, rồi Đà Nẵng, vườn và rẫy thôi. - Chúng mình chuẩn bị phải xa nời này, anh muốn em có ấn tượng tốt về nó. Quê mình rất đẹp em ạ. Phải nỗi con người, khi giao thời giữa hai chế độ, ăn ở với nhau chán lắm. Lại nghèo khổ nữa, anh không chịu ăn bo-bo mãi đâu. - Sau khi thành công trong việc dụ một người đẹp trốn nhà theo mình, chàng thể hiện rõ mình cũng là một trang nam nhi có tầm có cỡ. Trước là người yêu, bây giờ là vợ, họ đã trốn hai gia đình để ra đi. Ăn ở với nhau chưa hết tuần trăng mật, nhưng cả hai cũng đã thấy sự thay đổi rõ rệt trong nhau. Tình yêu và hạnh phúc đã làm cho cả hai cùng thăng hoa, cùng tỏa sáng. Nghe vợ đối đáp như Thị Lộ(69) đối Nguyễn Trãi, anh không tự tôn như nhiều người nên cảm thấy hạnh phúc vì biết thêm được một nét rất chân thật mà hóm hỉnh của vợ. Anh ôm chặt bả vai Ngọc Lan mà tặng một nụ hôn lên má nàng một cách cẩu thả. Ngọc Lan đáp lại chàng bằng một cái vuốt má nhẹ rồi cảm thán: - Mà buồn quá anh ạ. Mình đi rồi bao giờ mới lại về? Nàng hỏi lửng một câu làm Thường cảm thấy nhột nhạt, khó xử. Nha Trang vào đêm lặng lẽ trong tiếng sóng biển rì rào. Bãi biển hồi trước sầm uất là thế, mà bây giờ buồn tênh, chỉ thấy những người đi kiếm con cá con tôm, không thấy khách du lịch. Tẻ nhạt! Thường đưa Ngọc Lan trở lại trung tâm. Quán Nga hôm nay đông khách, đám ăn nhậu có phần nhiều hơn bên giải khát, họ nói chuyện ồn ào át cả tiếng nhạc. Mà họ toàn là dân lao động, chài lưới, lại nghe nhạc nhẹ mà uống bia thì khác gì bò nhai rơm. Vừa mới ra khỏi bãi giữ xe, Thường bất chợt xoay người bước qua trước mặt và chuyển Ngọc Lan từ tay phải sang tay trái. Cử chỉ nhẹ nhàng như bước nhảy samba làm Ngọc Lan bất ngờ cảm động, nhưng Thường làm thế không phải âu yếm vợ mà vì có cảm giác bị tấn công vào phía Ngọc Lan. - Hú, đại ca này có nghề nghe tụi bay. Ủa, em đẹp quá, theo tên da đen có đáng không? Anh đây nè. Cả bọn chúng có tới 5 đứa vây quanh hai người, thay nhau chòng ghẹo. Út Thường phì cười vì cái trò khiêu khích rẻ tiền này, anh đẩy Ngọc Lan ra xa hết tầm tay trái, bọn chúng thấy có cơ hội liền nhảy vào cướp Ngọc Lan. Bị bất ngờ đẩy vào vai, Ngọc Lan ngồi thụp xuống, cùng lúc nàng thấy ba tên lạ mặt văng ra xa tới 4-5 mét. - Hay quá, đủ rồi nghe tụi bay, màn này khá. Chào người anh em. Xem ai nào. Một người cao lớn, vừa vỗ tay vừa bước ra từ trong một góc tối, giọng nói chững chạc, khoan thai. - Ủa, Ba Sơn! Anh Ba đùa kỳ quá-Út Thường bị bất ngờ, nhưng rồi hai người nhận ra nhau. Đã hơn 5 năm, kể từ lần thi đấu giải võ Bình Định toàn quốc(toàn miền Nam) năm 1971 tổ chức ở Đà nẵng, họ gặp gỡ và coi nhau như huynh – đệ. Hôm nay mới tìm được cố nhân, họ thả sức hàn huyên. Ba Sơn không muốn chịu mãi nỗi đau mất Huệ khi nàng gieo mình xuống vực tự vẫn nên bỏ Đà Lạt xuống Nha trang mở lò võ. Bọn thanh niên ra tay với Thường ban nãy đều là võ sinh của Sơn. Quán Nga lại phải chiều khách tới khuya. Chủ quán là một phụ nữ gốc Nha Trang, học ở Nga về, lại tên Nga, chị dùng lợi thế này đặt ngay quán của mình tên NGA. Khu vực giải khát thanh lịch có đèn mầu trang trí sặc sỡ, sang trọng, có cái tên vừa có vẻ chữ nghĩa, vừa có vẻ phô trương phong cách của mình: GÓC GIẢI KHÁT XA-MÔ-VA. Ngay cạnh đó là một cái ấm xa-mô-va thật mang tận bên Nga về, mạ bạc sáng bóng, to bằng thùng bia 10 lít. Trên tường là một tấm đan nhỏ bằng mây trên đó có đôi câu thơ do một tay bút bán chuyên nghiệp đề tặng: Tiền Tam Nga, Vào Ba Tửu, Hậu Xa Mô Va, Ra Dăm Bẩy Thằng Say. Vì biết thơ mình thuộc đẳng cấp Bút Tre(70) nên tác giả không quên để lại một tấm bìa các-tôn to như cái bàn, ngay bên dưới cho khách thập phương phê bình hay họa theo vào đấy, nhìn sơ cũng thấy có vài dòng rồi. Thường-Lan-Sơn ngồi tới tận khuya trong một phòng riêng, họ thả sức hàn huyên nhưng rồi không quên bàn những chuyện quan trọng có liên quan đến cuộc sống và sự nghiệp của họ. Sau khi đã nhất trí hoàn toàn những đề xuất của mỗi người trong nhóm, ai nấy đều suy tư theo cách riêng của mình, im lặng nhâm nhi trà chanh đường pha theo kiểu Nga trong tiếng đàn ghi-ta rất trong trẻo và giọng ca lắng đọng của Khánh Ly trong băng (71) Sơn Ca số 7, nhưng Nga xuất hiện: “Chị và các anh cho em xin, gần tới nửa đêm rồi đó. Em phải tắt nhạc, đóng cửa, giới (72) nghiêm mà” Chị ta là một người đàn bà sắc sảo, thân hình mảnh mai, khuôn mặt trái xoan có nét rất quyết đoán và tháo vát, tầm tuổi Ba Sơn. Mặc dù không vừa lòng nhưng Út Thường cũng uể oải đứng lên, vươn vai rồi tiện tay quàng vai Ngọc Lan định đi ra. Nhìn thấy tấm bìa các-ton dưới hai câu thơ, anh buông Ngọc Lan ra, hỏi Nga: - Chị cho mượn cây bút lông được không? - À, anh là nhà thơ hả, có ngay. Ba Sơn hơi bất ngờ, nhưng nghĩ Thường cũng muốn góp vui thôi. Mọi người đứng lại cùng chăm chú theo dõi và trầm trồ khen trong khi Thường nắn nót ghi: Đây sơn hà, chốn con hồng cháu lạc, Kia xã tắc, nơi con lạc cháu hồng, Tiền Tam Nga, nhìn ra biển lớn, Hậu xa cha, tìm đến núi Thái Sơn, Ôi biển bạc, hỡi rừng vàng, Hãy ngủ yên, khi vắng bóng Thường Sơn. Ta sẽ … Nha Trang(73) ngày 15 tháng 11 năm 1977Nga đọc lướt mấy câu thơ, vì mới về nước còn chưa quen với văn Việt nên thấy không có gì vi phạm chính trị, chị khen một câu cho qua chuyện rồi cám ơn. Hai người đàn bà vui vẻ tạm biệt nhau, hẹn ngày gặp lại. Ngọc Lan bị bất ngờ vì bây giờ mới biết người chồng võ biền của mình lại có những nét đầy vẻ học giả như vậy. Còn Ba Sơn thì ôm lấy vai Út Thường rồi rỉ vào tai: - Mày không định làm cập thời vũ Tống Giang(74) Tống công minh ca ca của Việt Nam đấy chứ? Tao sẽ không cho mi viết nốt câu cuối đâu. Cả hai cùng cười ồ lên tâm đắc rồi họ chia tay. Ngoài đường vắng ngắt, đằng xa kia có một nhóm đang tụ tập xung quanh một vài cảnh sát, họ bị hỏi giấy tờ tùy thân. Luật giới nghiêm vẫn rất nghiêm. ______________________Chú thích:(69) Nguyễn Trãi gặp Thị Lộ trên đường đi bán chiếu, họ đối đáp với nhau rồi nên duyên. Đối đáp giữa Nguyễn Trãi và Thị Lộ là những câu đối thoại tiêu biểu của văn Việt trong lịch sử. (70) Thể loại thơ quan tâm đến gieo vần hơn là ý thơ. Thơ này gần với ca dao tục ngữ hơn, người ta vẫn gọi loại thơ cấp trung bình ấy là thơ Bút Tre. Tống Giang, lãnh tụ của Sơn Trại trong Thủy Hử truyện, trước khi ra Sơn Trại cũng Viết những vần thơ chống triều đình lên tường của một tửu quán. (71)Sơn ca 7 là một băng nhạc do ca sỹ Khánh Ly hát các bài do Trịnh Công Sơn sáng tác, phát hành trước 30-4-75. Băng này khá nổi tiếng, nhiều người còn lưu tới bây giờ. (72) Sau 30-4-75, luật giới nghiêm được áp dụng khá lâu cho tới mấy năm sau. (73) Những câu thơ và tấm bìa cac-ton vẫn được bạn bè và những người hâm mộ lưu giữ tại quán giải khát nổi tiếng NGA, tại số nhà 6613 Trần Nguyên Hãn, TP Nha Trang ngày nay. (74) Tống Giang là một nhân vật, thủ lĩnh Lương Sơn Bạc trong tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc-Thủy Hử truyện. Khi chưa làm thủ lĩnh, ông là một quan lại nhưng luôn lo lắng cho các anh hùng trong giang hồ, giúp họ đúng lúc họ cần, nên gọi là “cập thời vũ” tức là mưa đúng lúc hạn. Giới giang hồ yêu quý gọi là người anh cả công bằng và sáng suốt-Tống công minh ca ca. MẶT BIỂN BÌNH YÊN Mặt biển bình yên, vừng Đông hừng sáng, tiếng máy nổ giòn giã và tiếng gió rít ào ào, mọi người vẫn ngủ sau một đêm phải căng mắt, căng tai cảnh giới khi đi qua các đảo sát bờ biển. Hà ít ngủ nên dậy sớm, kéo vạt áo lau cặp kính dầy cộp một cách cẩu thả, uể oải vươn vai. Cặp mắt sắc sảo của Y đảo qua rồi dừng lại khi bắt gặp Út Thường đang cầm lái, hắn sững sờ thảng thốt, vui mừng khôn tả: - Hộ Pháp, tao đây! Út Thừơng nghe tiếng gọi, nhìn xuống khoang tầu rồi cũng thảng thốt: - Ô, Còi, Hà Còi, ngộ quá, mi lên tầu hồi đêm hả? - Anh, gọi ai đó, nghe như tên “cô bạn” thiếu thời của anh hả?-Ngọc Lan đang nằm co ro gần đó, nghe tiếng họ trao đổi cũng lồm cồm dậy, miệng còn đang ngậm cái bím tóc, hỏi đùa. - Ừ hắn đó, sao không ngủ nữa đi cưng? Sau nhiều năm yêu nhau, bây giờ là vợ chồng, Ngọc Lan luôn nghe Chàng nhắc đến người bạn thiếu thời của mình, anh nhắc nhiều tới mức Nàng cảm thấy ghen tỵ. Bây giờ mới gặp mặt “Nàng”. - “Bảnh thiệt, rõ là ấn tượng”! -Ngọc Lan chê bai hắn ra mặt. Chiều cao chưa quá 1.6 m, đầu tóc Hà bù xù phủ lên cặp kính cận dầy cộp. Thân hình còi cọc nhưng trên đó là một cái đầu to gồ ghề. Hắn thân với Hộ Pháp như để bù lại những thứ mà hắn không có. Trong những phút giây đầu tiên âu lo trên con đường ly hương vô định, Ngọc Lan thấy thương chồng bao nhiêu thì tỏ ra khó chịu với hắn bấy nhiêu. Những ngày cuối năm, người ta đang chuẩn bị đón xuân về, còn Thường và những người bạn anh thì đang xa dần nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Chiếc tầu đánh lưới văng mà anh mua rẻ được của một ông lão “nô lệ của nghề chài lưới”, đang chạy rất tốt, bỏ lại phía sau lưng tất cả. Bên tay trái, xa xa phía sau kia là Lý Sơn, thuộc Quảng Ngãi. Khởi hành từ Nha Trang, Thường men theo bờ biển chạy mãi miết theo hướng Bắc. Khi biết chắc không có ai bám theo mình, anh đổi hướng chạy thẳng Đông, rồi Đông-Bắc, núp sau Lý Sơn. Đây là hòn đảo trồng tỏi nổi tiếng ở vùng này. Mặc dù chạy cách xa đến cả mấy dặm, mà nhiều khi gió cũng đưa tới vài ba ngụm hơi tỏi thơm nồng. Bây giờ anh đã bỏ Lý Sơn rất xa, nó trông chỉ còn lờ mờ như một bãi cỏ sát mặt sóng biển. Giờ này chắc ông “Việt cộng già” nhận được tin nhắn rồi. Tội ổng thiệt! Cả đời chỉ mong Việt cộng về, khi có Việt cộng thì không giữ nỗi con trai bên mình. Ông bà già chắc lại ôm nhau khóc. Ổng thì cứng cỏi rồi, chỉ tội bả. - Anh ba ơi, hạ đèn và lưới xuống giùm. Cản gió quá, không cần ngụy trang nữa. Nghĩ tới cha mẹ mình, Út Thường khóc thầm mà mắt anh đẫm lệ, nhòa đi, song vẫn không quên nhắc Ba Sơn hạ những thứ ngụy trang đó xuống, vẫn vững vàng tay lái. - Ấy, coi chừng có thằng bám đuôi nghe. Phía Lý Sơn đó. Ba Sơn vừa nhanh chóng hạ mấy cột lưới xuống, vừa đảo mắt về phía Lý Sơn rồi báo ngay cho Thường. Cả hai cùng giương ống nhòm lên và thấy quả là có một chiếc tầu sắt của công an biên phòng, vừa mới rời Lý Sơn chạy thẳng về phía biển, hướng chặn đầu họ. Cuối tháng 11, sóng gió đều theo hướng Đông Bắc, đập vào mũi trái. Con tàu nặng nề ra khơi như một chú ngựa già rệu rã, đang cõng trên lưng mình gần 100 con người và lương thực thực phẩm. Út Thường, người thuyền trưởng hàng ngày vẫn chài lưới với bạn bè, nay đưa người vượt biển. Sự khác nhau tưởng chừng rất nhỏ bé ấy thực ra là rất lớn. Bây giờ anh không phải chỉ cần tìm ra bãi cá, quăng vài mẻ lưới rồi mang cá về trong tiếng reo vui của bà con, bè bạn đang đón chờ nơi bến cảng, mà phải mang tất cả những người này, trong đó có Ngọc Lan yêu quý, thoát khỏi Việt Nam sau đó là đến Hồng Kông an toàn. Mình đang nắm trong tay bao nhiêu sinh mạng, bao nhiêu là của cải và niềm hy vọng của biết bao nhiêu gia đình, bè bạn. Út Thường vừa thấy thoáng qua chút lo lắng, rồi anh chợt nhận ra sự bất lợi của mình. Trong khi ta đang chạy ĐôngBắc để gối sóng, chiếc tầu sắt của công an chạy hướng Đông để chặn đầu mình, nó chạy ngang, chạy đường tắt, lại có máy khỏe và không chở nặng như mình. Bằng mắt thường, thấy khoảng cách tới Lý sơn bây giờ cũng quá 12 hải lý rồi, tức là hết lãnh hải(75)Việt Nam. Vậy mà chiếc tầu sắt kia vẫn cứ chạy, rõ ràng là nó đuổi theo mình. Út Thường chuyển hướng từ từ sang Đông, nhưng không ổn, tầu của anh không chịu được trạng thái này, sóng ngang nguy hiểm quá. Anh chuyển sang Đông Nam, khoảng 125-150 độ. Sóng gió đều thốc bên trái(76), khá nguy hiểm. Nhưng chẳng còn thời gian nữa. Khi vừa ổn định hướng đi là lúc nhận ra tầu công an khá gần, chỉ khoảng vài hải lý, nó bắt đầu rú còi yêu cầu dừng lại. Thế là cuộc rượt đuổi không cân sức bắt đầu. - Có súng không? – Ba Sơn vội vã hỏi. - Có, khẩu Đại liên trên đầu tôi nè. Trên đầu Út Thường là một tấm thép dầy chừng 3 ly, là mái che nhưng chắc chắn, có khung gỗ bao quanh và có cả rào chắn cao chừng 30 hay 40 phân, như một công sự. Trên đó là một khẩu Đại Liên cũ, có sẵn một băng đạn. Tất cả sẵn sàng, chỉ chờ bóp cò. - Tụi này chắc là chỉ đưổi cho hết lãnh hải rồi thôi. Bọn Lý Sơn dễ thương lắm Anh Ba à. Út Thường đã từng gặp họ nên dặn trước Ba Sơn, không nên vội vàng. Bây giờ cả hai tầu đều chạy theo hướng Đông Nam, Út Thường bị thốc trái, rất nguy hiểm nhưng vẫn chạy hết ga, khói tung ra mù mịt, khoảng cách ngày một gần, bây giờ chỉ khoảng 500 mét. Tầu công an lại hú còi liên hồi. Bà con trên tầu ai nấy đều lo lắng, run rẩy. Mặc dù Thường và Hà nài nỷ Ngọc Lan xuống dưới khoang tầu cho an toàn nhưng nàng nhất định đòi ở bên Thường. Trên boong tầu bây giờ là 3 người đàn ông, một khẩu Đại Liên và Ngọc Lan. “Đoàng”- Một phát đạn bắn chỉ thiên. Ba Sơn vẫn chưa phản ứng, vì hiện nay khoảng cách giữa hai tầu còn quá xa. Sinh ra trong thời chiến, lớn lên gặp lúc bom đạn nhiều hơn cơm gạo. Họ đều đã quen với súng đạn, nhưng bây giờ vị trí của họ hoàn toàn khác xưa. Nhất là Ba Sơn, anh biết cầm súng vì được huấn luyện theo yêu cầu để trở thành huấn luyện viên võ bị cho sỹ quan lục quân và thám báo, còn thực tế chưa bao giờ nhả đạn vào ai. Út Thường rất thành thạo, vì anh được huấn luyện bài bản nhưng lại không bao giờ muốn cầm súng. Cha anh luôn nhắc nhở rằng, mặc dù có thể cầm súng để tự vệ, nhưng khi anh bắn để làm nao núng đối phương, làm lệch đường đạn đối phương thì có thể chấp nhận được. Còn xả súng vào đối phương với mục đích tiêu diệt thì thuộc loại cố tình sát nhân. Hà, là một tay dao, tay đoản kiếm kiệt xuất mà Thường biết khi học chung môn này, ngoài ra hắn lại thích dùng súng ngắn hơn. Bỗng nhiên, một con sóng bạc đầu bất ngờ xô tới từ phía sau, hất tung lái tầu lên rồi hạ xuống, tầu của Thường bị đảo mạnh, quay hẳn về hướng Đông. Ngọc Lan bị bứt ra khỏi chỗ ngồi, ngã xoài trên boong tầu, một tay còn đang bám vào một sợi dây thừng. Tầu công an chỉ còn cách vài trăm mét, đang trờm tới. Thường đánh hết lái về bên phải, con tầu lồng lên. Thường trả lái lại rồi đẩy Hà vào ngồi chỗ mình và ra lệnh: - “Lái thẳng thế” - Làm sao thẳng được?-Hà không phải thủy thủ nên lúng túng. - Gọi thằng Năm cho tao! Con khỉ! Mày không biết lái à? Dưới tay lái của Hà, tầu chao đảo. - “Ầm”- một con sóng nữa đập mạnh vào lái tầu. Ngọc Lan văng ra khỏi boong tầu, nàng chỉ còn bấu vứu vào mạn tầu và sợi dây thừng nhỏ bé đang tụt dần ra. Cả boong tầu ướt sũng nước biển. Thường kịp nhào tới bám lấy tay kia của Ngọc Lan kéo lên. “Đoàng, Đoàng, Đoàng” - Ba phát đạn tiếp theo bắn ra từ tầu công an. - Ngọc Lan, Ôi! Em bị bắn à, Đ. má bọn chó. Bắn đi, Ba Sơn, bắn! Ngọc Lan đã bị trúng đạn, nhận ra điều đó, Thường ra lệnh bắn. Ba Sơn liều lĩnh bóp cò, đạn bắn xối xả về phía tầu công an, nhằm thẳng vào buồng chỉ huy. Tầu công an như giảm tốc độ, khoảng cách xa dần. Ba Sơn cảnh giác, ngừng bắn để tiết kiệm đạn, đề phòng vì có thể cuộc đọ súng chưa kết thúc ở đây. Ngọc Lan bị một viên bắn xuyên vào sát bả vai. Đạn như hết tầm nên không xuyên qua mà nằm lại bên trong. Máu chảy ra rất nhiều, hòa vào nước biển thành một mầu đỏ rực chảy dài trên boong tầu. Một thủy thủ tên Năm đã lên thay cho Hà, tầu quay lại hướng Đông–Bắc, chạy ổn định và êm hơn. Ngọc Lan được đưa xuống khoang tầu, song mọi sự giúp đỡ và cầm máu đều vô hiệu, máu vẫn tuôn trào. Nàng không nói được nữa, mặc dù được bao bọc trong rất nhiều chăn mền, và trong vòng tay siết chặt của Thường, nhưng nàng vẫn cảm thấy như rét thấu xương. Tay ôm Ngọc Lan, miệng Thường hỏi liên tiếp xem trên boong tầu có ai thấy tầu lớn của ngoại quốc chạy qua hay không, nếu chạy từ phải qua trái thì vẫy. Theo dự định sau khi thoát khỏi lãnh hải Việt Nam là phải tính đến chuyện xin nhờ những tầu lớn trên tuyến từ Thái Lan hay Singapore đi Hồng Kông. Khu vực mà họ hiện đang chờ đợi là nơi có thể gặp gỡ tầu lớn. Thường ra lệnh chạy cầm chừng, giữ hướng Đông-Đông Bắc để chờ đợi. Tầu công an Việt Nam không đuổi theo nữa. Ngọc Lan không ăn uống, không nói năng được, nàng mất máu nhiều, nếu sau 12 giờ nữa không gặp tầu lớn cấp cứu thì không biết sự thể sẽ ra sao. Út Thường ôm Ngọc Lan trong im lặng, nước mắt trào ra từng đợt đầm đìa. Anh muốn chửi mắng, giãi bầy nỗi đau của mình, thậm chí đập nát một cái gì đó để giải tỏa sự căm giận trong lòng mà không thể. Mọi thứ đều không thể, chỉ có chết chìm trong nỗi đau thì có thể. Một ngày đã qua đi, mặt trời đang dần dần khuất dưới những lớp sóng lấp lánh bạc phía Tây. Với Thường đây là một khỏang thời gian dài nhất mà anh phải chịu đựng trong cuộc đời. Trên boong, Hà – Sơn ra sức nhìn khắp 4 phương, 8 hướng, cố công tìm kiếm cho ra một bóng tầu mà không có. Tầu họ vẫn đang chạy cầm chừng theo hướng Đông-Bắc, gió ngày một mạnh lên. Ngọc Lan đã rất yếu, nàng như nguội(77) hẳn, hai tay chỉ còn ôm lấy Thường một cách hờ hững. Anh cố ngậm nước cháo rồi mớm cho nàng hòng giữ mạng sống cho vợ tới sáng mai. Gần nửa đêm, bỗng nhiên Hà phát hiện ra một đốm sáng lập lòe từ phía Nam, đốm sáng rõ dần ra, rồi một đốm sáng nữa mầu đỏ cùng nhau rõ ra(78) . Thế là họ cầm cây đèn bão ra sức vẫy, khi thấy tầu kia tới gần, họ còn dùng cả một ngọn đuốc to đốt lên. Nhưng tầu kia như không đếm xỉa gì đến, nó kiên quyết chạy qua, bỏ lại họ bơ vơ giữa biển khơi. Ba Sơn không chịu để vuột mất cơ hội này, anh nạp 1 quả pháo thăng thiên mầu xanh vào khẩu Đại-liên, nhằm thẳng hướng tầu lớn kia mà bắn. Quả nhiên có hiệu quả ngay, chiếc tầu kia lượn một vòng rồi quay lại, ánh đèn từ quả pháo sáng còn chưa tắt thì họ đã có mặt. Trong ánh sáng đèn pha chói lòa, trong sự sững sờ, thất sắc của Út Thường và mọi người, Ngọc Lan ra đi. Hai cánh tay Nàng mềm nhũn, rơi từ trên vai Thường xuống, hai mắt nhắm nghiền, cổ nghẹo sang một bên. Chiếc tầu chở hàng khô treo cờ Panama, có một ông thuyền trưởng già người Hà Lan tên Rout Van Kurt. Ông ta đã quyết định dừng lại cứu họ sau khi đã nhận được sự đồng ý từ phía chủ tầu, còn bản thân ông đã muốn cứu họ ngay từ khi thấy họ vẫy đèn từ xa. Trong khi chờ đợi thủy thủ đưa người và hành lý lên tầu lớn, và bác sỹ đang cố công cấp cứu cho Ngọc Lan, Ba Sơn đi cùng với một người biết tiếng Anh để thương lượng với họ về việc đưa Ngọc Lan đi Hồng Kông. Nhưng mọi cuộc thương lượng đều không cần thiết nữa. Bác sỹ thông báo chính thức, nàng đã qua đời. Sau khi làm các thủ tục, giấy tờ cần thiết, người ta để Ngọc Lan nằm trong một khoang của chiếc tầu cá, phủ lên nàng một lớp chăn mỏng mầu trắng. Thuyền trưởng Kurt cho phép Ba Sơn bắn 3 phát đạn tiễn biệt. Nhật ký tầu ghi: PHẠM NGỌC LAN Sinh ngày 20-3 năm 1957 Qua đời ngày 24 tháng 12 năm 1977 tại Biển Đông, Tại vùng giáp ranh giữa Việt Nam, Philipin và Trung Quốc. Vùng biển này không thuộc quốc gia nào. Nàng đã ra đi trong khi mọi người đều yên lòng chờ ngày tới Hồng Kông. Sự chia tay sớm làm mọi người ai nấy đều nước mắt lưng tròng, đớn đau chờ đợi niềm vui đến với riêng mình. Út Thường vật vã muốn đập đầu vào lan can tầu. Anh không cam tâm, rồi anh vừa khóc vừa gào lên về phía đất liền: - Lũ chó chúng mày, tao sẽ không để yên chuyện này. Trời ơi, khốn kiếp. Ực... Ba Sơn không muốn Út Thường đau khổ thêm, anh đã điểm huyệt rất nhanh. Thường mềm nhũn ra rồi gục đầu vào vai Ba Sơn, họ đưa Thường vào một phòng yên tĩnh, anh chìm vào một giấc ngủ dài sau đó vài phút. Hà Còi lặng lẽ buồn rầu ngồi nhìn về phí Tây than thầm: thế là lại một vong hồn Việt nữa lang thang trên đại dương, người bạn yêu quý của ta, hãy ngủ yên. Trời rét như cắt, thịt da như đông cứng lại, tím ngắt, gió Bấc rít lên từng cơn ghê rợn. Nhưng lòng ai cũng ấm rực, niềm vui, hạnh phúc như đang ở phía trước. Mọi người lần lượt bước xuống cầu thang, sang một chiếc tầu nhỏ do cảnh sát Hồng Kông cung cấp để lên bờ. Chỉ trừ một người, Út Thường, như không chấp nhận được sự thiếu vắng Ngọc Lan bên mình nên chần chừ không muốn đi. Hà và Sơn vẫn kiên nhẫn đợi hai bên, họ kiên quyết không bỏ người bạn của mình trong mọi hoàn cảnh. Phía đất liền lấp lánh đèn mầu kia là Hống Kông, nơi mà hàng đêm họ vẫn mong được có một ngày, được có một thời ngang dọc nơi đây. Nơi được coi là hòn đá tảng quan trọng trên hầu hết mọi cuộc ra đi của người Hoa và người Việt. Đây cũng là nơi gắn liền với tên tuổi của những nhân vật, nhà chính trị quan trọng như Tôn Trung Sơn(79) , Hồ Chí Minh. Đồng thời Hồng Kông cũng gợi lại thời kỳ Tô Giới, khi đó nhà Thanh đã ở giai đoạn suy thoái nghiêm trọng, các nước phương Tây tranh nhau chiếm đất dựng lên một vùng cho riêng mình. Hồng Kông và Ma-Kao có thể coi như tô giới cuối cùng của phương Tây ở Trung Quốc. Hà, Sơn, Thường là những người Việt Nam cuối cùng trong năm đã đến xin tị nạn chính trị tại Hồng Kông. Họ được đưa đến Kai Tak vào tối ngày 31 tháng 12 năm 1977. ______________________Chú thích: (75) Luật hàng hải quốc tế quy định chung là lãnh thổ về phía biển của mỗi quốc gia lả 12 hải lý ( khoảng 12 x 1 852 m), các quốc gia có biển đều công bố ranh giới vùng đặc quyền kinh tế khá rộng, nhưng lãnh hải thì không khác với luật quốc tế(76)Gió từ phía sau thổi tới, từ phía trái gọi là thốc trái, ngược lại gọi là thốc phải. Từ phía mũi tầu thổi tới gọi là VÁT, có vát trái và VÁT phải. Thường chạy tầu trong điều kiện sóng gió thì Vát an toàn hơn, còn Thốc là trạng thái nguy hiểm. (77) Mệt lả hay trạng thái nửa tỉnh nửa mê. (78) Các tầu lớn có đèn cột cao và sáng, có thể nhìn thấy từ xa. Khi nhìn thấy đèn đỏ (mạn trái) hay xanh (mạn phải) là khoảng cách khá gần, chỉ khoảng 2 hải lý. Trường hợp này là tầu kia chạy từ phải qua trái của mình. (79) Tôn Trung Sơn là lãnh tụ nổi tiếng của Trung Quốc đầu thế kỷ 20. Cuộc cách mạng mà ông tiến hành được coi là tiền thân của mọi cuộc cách mạng sau này.