Biên tập Ngô Phan Châu
Chương 9
Công trường

“Những ngày đầu tiên khi mới đặt chân lên đến HongKong, ai ai cũng khao khát được làm gì đó để có ăn có mặc, hơn nữa là có tiền gửi về nhà trả cho những khoản nợ lãi cắt cổ. Nhưng cơ sự lại diễn ra chậm chạp hơn sự mong đợi rất nhiều, tất cả mọi người tỵ nạn đều phải sống chung trong các trại tập trung do Liên hiệp quốc dựng lên, trại này chật thì dựng thêm trại khác, vùng này là Kai Tak, vùng kia là Đầu bạc (white head), Shek Kong, còn chỗ kia là trung tâm giam giữ Đảo xanh (Green I sland) hay ShekKwo Chau...” (Theo lời kể của một người tỵ nạn)
 
Bên kia ngọn núi, mặt trời đãánh lên những tia nắng đầu tiên, những ngọn đèn rực rỡ của Hồng Kông dần dần mờ nhạt nhường chỗ cho sự ch ói chang của Thượng Đế đang ùa vào, Ngài muốn ai ai cũng phải lao động cật lực, liên tục như Ngài. Một buổi sáng oiả, một ngày làm việc trên công trường sắp bắt đầu.
 
Sau một đêm nghỉ ngơi, ai nấy đều hăng hái chuẩn bị, nào quần nào áo, nào mũ nào giầy, tất tần tật đều gọn gàng như chuẩn bị ra trận, họ khao khát được làm việc. Kiếm tiền và hòa nhập vào Hồng Kông, đó vừa là động cơ, vừa là mục đích của nhiều người.
 
Công trình xây dựng mới mở gần đây cần nhiều lao động, chủ thầu cũng muốn dùng người trong trại(1) để giải bài toán tiết kiệm chi phí của họ.
 
Một sáng, khi nhiều kẻ ăn sương vừa mới ngả lưng, khi còn chưa rõ mặt người mà Minh đã dậy, chắc anh lại bị chứng mất ngủ giầy vò đêm qua. Dù sao anh vẫn phải chuẩn bị vì hôm ấy khá nhiều việc phải làm, thợ cả khác thợ phụ là vậy. Đang uể oải ra bờ giếng thì nghe một giọng trầm ấm đánh tiếng từ phía sau, nhưng Minh làm như không thấy gì, thế là phải nghe một giọng như chai vỡ:
- Ông Minh, khinh người nhỉ, đêm qua làm quái gì mà sáng dậy sớm thế?
Minh chỉ quay lại nhìn thay cho lời chào. Hơn ai hết, anh hiểu mình muốn gì và ai đó muốn gì. Oanh và Nguyệt đều là học trò của Kiên, mỗi tuần trà ngon thuốc thơm, nghe Kiên nẩy Kiều(2) là chúng nó lại xoắn lấy hắn. Là bạn thân cùng lứa với Hùng, nhưng lại bám theo Minh mỗi ngày!
 
Oanh “ đồ tể” chứ ai, đanh đá mà xốc vác, nổi tiếng ở Chợ Con(3) Hải Phòng, hồi ấy sáng nào cũng phải bán hết một phản thịt mới chịu về. Bây giờ vẫn đanh đá và xốc vác thế, ở trại này nhiều người nể nó.
 
Là con nhà lao động, Oanh có một thân hình rắn chắc, cân đối tầm thước gần như một người đàn ông. Khuôn mặt tròn trịa, phúc hậu, nước da bánh mật chắc nịch, đôi mắt đen nhánh cực kỳ tinh anh.
 
Dưới cái mũi thanh tú, thẳng đều, duyên dáng và kín đáo, phảng phất đôi nét phương Tây của Oanh là đôi môi hồng nhạt, duyên dáng nhưng có vẻ đanh đá. Nét môi trên khá mỏng, như một đường cong cẩu thả trên một đường cong cẩu thả khác, ôm lấy những cái răng trắng bóng, chen chúc vào nhau.
 
Mỗi khi Oanh cất tiếng, hầu như không ai muốn chen vào. Giọng oanh vàng của nàng khi cao thì lảnh lót, khi nén xuống thì loảng xoảng đầy ấn tượng của sự đập phá. Nhưng cũng giống như tâm tính, đôi khi giọng nàng cũng ấm áp, thanh thoát êm tai. Mới nghe giọng thật khó mà đoán biết tính cách một con người.
 
Oanh có cảm tình và cố tạo điều kiện để gần gũi Minh từ lâu, anh ta cũng nhận ra tín hiệu “báo yêu” ấy nhưng không hề “ bật đèn xanh” cho Oanh. Nhiều lúc nàng bực bội muốn quên hẳn Minh nhưng vẫn còn cố gắng thêm. Minh càng lạnh nhạt, Oanh càng thấy khó hiểu, lại càng “phải” thử xem sao. Là đàn ông, đáng lẽ “anh ấy” phải tự tìm đến mình, nhưng “ông nghiện này thì khác, hãy để xem”?
 
Cùng đến Hồng Kong trên một chuyến thuyền với Oanh có Hùng Sẹo, mặt nó chỉ có một cái vết dài chừng ngón tay, rất nhỏ, thế mà người đời tặng nó cái tên đệm nghe như có cả một khay sẹo.
 
Hùng lớn hơn Oanh vài tuổi, chưa bao giờ nhẹ nhàng hay nói ngọt với ai, thường ngày nó vẫn để ý Oanh nhưng hình như chưa thổ lộ gì, cứ xưng hô mày tao như dân ngoài chợ. Là một người kín đáo, Hùng tự cho mình là người đàn ông duy nhất nhận ra cái eo, cái đường cong mỹ mãn của đàn bà, rất thon thả, rất đẹp dưới làn áo dầy của Oanh. Ấy là từ hồi công trường này chưa mở, Oanh còn như con chim lạc bầy, lo đi tìm việc khắp nơi, gặp Hùng trên một công trường khác, trong khi Nàng sẩy chân, Hùng đã kịp quàng tay vào eo của vòng của nàng.
 
Hôm công trình này mới mở, ai đi làm về cũng mệt lử, Hùng còn khỏe mạnh hơn người, lại nhanh tay nhanh mắt, chắc là mới “xoáy”(4) ở đâu được hai lon bẩy úp (7 up) giấu trong người. Về tới trại, nó lăng xăng đến gần Oanh đang ngồi nghỉ mệt bên thềm, cởi cúc áo lấy ra một lon 7up đưa cho ả:
- Ê, tí nhau(5), gọi tao bằng anh đi, cho uống cái này.
- Người mày thơm tho thế, ủ lon nước vào đấy để mời chị à?
Hùng vốn là một tay mặt trơ trán bóng(6), nhưng với Oanh thì khác. Bị đả kích   táo tợn quá, y đỏ mặt quay đi, nhưng Oanh gọi giật lại:
- Ê, mày nghĩ “chị mày” là ai mà cho xem rồi không cho uống thế hả?
Mặt nóng bừng, Hùng không nhìn thẳng mà chỉ nghiêng người nhìn chéo qua Oanh, cảm nhận được ngay cạnh mình là một người đàn bà hai tay chống nạnh đầy vẻ thách thức. Khuôn mặt nàng vẫn trắng hồng, vẫn rất ngang tàng mà thanh thản như mọi ngày, nàng đang trân trân nhìn y như muốn hỏi điều gì. Tung lon nước về phía Oanh, Hùng hơi gắt:
- Ê, nốc đi nhóc.
 
Đúng là trai giang hồ gái thuyền quyên, chẳng ai chịu ai một chữ. Là thợ phụ mới nhưng rất nhanh nhẹn trên công trường, Oanh giơ tay trái bắt gọn lon nước như bắt viên gạch, tay phải vung lên như phụ với tay trái, nhưng lợi dụng tình thế tát vào mặt Hùng. Bản chất nhanh nhẹn, lại đã từng học võ và lăn lộn trong các băng đảng, y đảo nhẹ, tay trái tóm chặt cổ tay Oanh. Như chợt nhận ra cổ tay nàng mềm và mát rượi, y ngã quỵ xuống, mặt tái đi.
 
Oanh cũng như bị điện giật, chạm phải một bàn tay cứng như sắt, người ả mềm nhũn, bủn rủn rồi lủi thủi lặng lẽ quay về chỗ ngồi bên thềm gạch. Đáng lẽ cùng với cái tát phải là tiếng quát, đại loại như “Láo, mày đưa nước cho chị thế à”.
 
Trong một “cái chuồng” hỗn độn như cái trại tỵ nạn này, đàn ông đàn bà cứ việc ngủ với nhau bừa phứa như không phải người... Oanh ngồi bần thần nghĩ ngợi mông lung, hình dung về cộng đồng trại qua một lăng kính(7) rất méo mó - Còn mình thì không thể chịu được thằng nào nên hôm nay mới bị “sét đánh” thế này, chứ “thằng Sẹo này” thì chắc là chẳng làm nên “cơm cháo gì”, đêm nay người mất ngủ phải là chú mày, chứ “chị” thì ngủ ngon hơn ấy chứ.
 
Oanh mỉm cười hóm hỉnh rồi về trại, tay nâng niu lon nước ngọt, âu yếm nhẩm đi nhẩm lại cái tên seven up.
 
Sau một ngày dài trên công trường, ai nấy đều thấm mệt, ngồi tán gẫu bên thềm trước khi tắm giặt. Từ phía cổng, hai người đang uể oải kia chắc phải là tốp cuối cùng đi làm về. Người đàn ông là Minh, còn người con gái trông rất mệt mỏi như đang chống chọi với cơn khát trên sa mạc là Nguyệt, họ là hai anh em, thương nhau lắm.
 
Trời đang tối sập xuống. “Thằng anh quá lứa, gần 40 rồi, không hề quan tâm tới đàn bà?”, phía sau Minh luôn là những lời thì thầm to nhỏ đại khái như thế. Người ta vẫn đệm cho Minh chữ “nghiện”, nhưng thực ra anh ta mang tên ấy là oan, “con em nghiện rất nặng, cứ trông cách nó “ vã”(8) thế kia thì biết, buổi trưa chắc là chỉ được một “tép” tạm bợ, chẳng thấm vào đâu”.
 
Nguyệt năm nay chừng 23 hay 24, nghe nói thất tình rồi nghiện, sinh ra và lớn lên ở Chợ Sắt, Hải Phòng. “Dân Chợ Sắt mà cũng không thoát được lưới tình?” chuyện ấy mới là chuyện đáng nghe đấy, nhưng chẳng ai biết.
 
Minh “nghiện” tính tình cộc cằn, thân hình gầy guộc xương xẩu, đôi mắt đen sâu thẳm, lạnh ngắt như băng. Người ta bình anh ta là người nói ngắn nhất. Với em mình thì chỉ toàn là “đứng lên, ngồi đó, đi ra, đưa cho tao... vv. vv”.
 
Ở Việt Nam, Minh đã từng là thợ xây rất khá, ở đây anh rất được chủ thầu tin dùng chỉ sau những giờ làm việc đầu tiên. Anh đi vượt biên chỉ vì phải theo để kèm cho em gái, bây giờ thì còn kèm thêm cả Hùng nữa.
 
Việc kèm cặp này chẳng mấy dễ chịu với ai, mà chính anh ta cũng không hiểu rõ tại sao, chỉ biết ông bố viết thư sang dặn thế. Hồi còn ở nước nhà, thỉnh thoảng cũng đi làm chung, Hùng biết Minh có cô em gái xinh xắn nên hay gần gũi làm quen, chẳng xơ múi gì được mà cũng không nản.
 
Mới đầu thấy Minh và Nguyệt quan tâm, Hùng cũng thấy vui vì có người nâng đỡ trong nghề xây dựng, được dịp chuyện trò với Nguyệt, nhưng càng về sau nó càng khó chịu trước sự cấm đoán và kèm cặp quá kỹ của Minh, vì y vốn là con một lại không cha nên quen thói tự do một thời.
 
Nguyệt có đôi lông mày mỏng đều, thẳng như hai đường kẻ, hơi cong xuống ở phần cuối trên đôi mắt đen nhánh, cái nhìn thẳng thắn nhưng hơi lạnh. Giữa cặp lông mày là một khoảng rộng, phẳng lặng và sáng sủa. Cái miệng rất có duyên, nét môi trên thanh thoát như đôi cánh chim. Đôi môi luôn khép, kín đáo, e ấp, Nàng chỉ thoáng cười rất ngắn sau mỗi câu nói. Thân hình mảnh mai yếu ớt, yểu điệu như tiểu thư, Nguyệt chẳng làm được gì nhiều nhưng có ưu điểm là học ngoại ngữ giỏi lại xinh và kín đáo. Nàng thường kiêm thêm việc chấm công và làm sổ lương. Mỗi chiều thứ bẩy cô vẫn gặp gỡ chủ thầu, có hôm còn được đi xe ô tô, nhiều đứa ghen tỵ ra mặt.
 
Thứ bẩy hàng tuần, Nguyệt phát lương, sau khi đọc tên thì bảo họ ký rồi cám ơn, nàng không mấy khi nói thừa chữ nào. Cánh đàn ông thì châm biếm là nó “nói ít vì không muốn ai thấy hàm răng sún”, nhưng thực ra hàm răng Nguyệt rất đẹp, đều như những hạt châu, không có răng khểnh. Nguyệt còn hơn người ở cái mũi, thanh tú lắm, sống mũi thẳng từ trên xuống, đầu mũi hơi nở. Mái tóc dài đến tận thắt lưng, đen nhánh, thỉnh thoảng để xõa sang một bên duyên dáng, làm cho khuôn mặt bừng sáng kiêu sa. Không dám ngắm gần nên Hùng vẫn đứng xa mà ngắm, y thường nhận lương sau cùng.
 
Nhiều người nói đôi mắt ấy yêu mãnh liệt lắm nên mới bị thất tình như thế, Nguyệt chỉ biết làm việc, chăm sóc anh mình rồi cặm cụi học ngoại ngữ, không để ý tới đàn ông. Nàng thật là một người đàn bà lý tưởng, “thằng người yêu cũ chắc là không đủ tài đức nên chẳng ra cơm cháo gì”(9). Nghe nói có ông chủ thầu nào đó giầu lắm, đang để ý Nguyệt nên cả hai anh em đều phải giữ gìn thanh danh cẩn thận.
 
Sáng thứ bẩy ở Hồng Kông rất lặng lẽ sau đêm thứ sáu tưng bừng, chờ đợi một buổi chiều náo nhiệt và một đêm ồn ã. Khác với mọi người, Nguyệt thường tranh thủ tắm gội rất sớm. Minh đang cặm cụi bên bếp lửa, cạnh bờ giếng, vừa vò quần áo vừa đun nước tắm cho em.
 
Oanh đã nhiều lần tò mò muốn biết “ ông nghiện” này “ lạnh” thế nào. Hơn nữa còn có Hùng sẹo luôn canh cánh trong lòng, mỗi lần nhìn thấy hắn “chẳng phải trong lòng mình có bão đó sao?!” Nếu không kết luận sớm tình trạng lấp lửng với “ông Nghiện” này thì gay to, làm vợ thằng sẹo kia thì “khác gì ở với trẻ con”.
 
Hôm nay nhân tiện ra giếng lại thấy có chút hứng thú, Oanh đằng hắng mấy tiếng, không thấy Minh nói gì, thế là ả vùng vằng rồi sẵn dịp Minh đang đun nước, vừa hỏi vừa lấy gáo đi tới nồi nước ấm của Nguyệt.
- Ê, muốn gì? Nước nóng à? Ít thôi, của em tao đấy! -Minh hơi gắt.
- Ồ thế à! Cái gì cũng “em tao”, làm như chúa lắm, Chợ Sắt với Chợ Con cả thôi.
 
Đã quen đanh đá, lại thất vọng trước sự cộc cằn và thờ ơ của Minh, Oanh chọi lại rồi lầu bầu:” Đàn ông mà tất cả đều như “thằng” này thì thà “chị” sống đời cô độc còn hơn”.
 
Minh luôn lo sợ em mình bị người đàn bà khác bắt nạt, hễ ai có ý đụng chạm tới Nguyệt thì không yên với anh. Minh cũng chưa quen với việc bị người khác gọi bằng “thằng” rất thiếu tôn trọng, nay thấy Oanh rủa thầm trong khi hàng ngày cùng trà nước trong nhóm. Anh nổi cơn cộc cằn: Này, mày nói ai là Chợ Sắt? Mày ở chợ nào? Biến đi, đĩ! (10)
- Ái chà! Tôi đĩ đấy, … bị hoạn(11) từ bé, biết thế nào là đĩ mà nói, đồ...
 
Oanh càng tỏ ra đanh đá hơn, tay đưa ca nước lên miệng, thổi cho bớt nóng phát ra tiếng kêu loạt xoạt. Minh chỉ cần đứng lên vô tình là chạm ngay vào một bên, ả thầm mong hắn đứng lên để chạm thử một cái.
 
Đã có ý xúc phạm Nguyệt, và đã được “nhắc nhở”, Oanh vẫn lấn thêm và đụng chạm đến cả Minh, anh ta giận sôi sục, gầm lên, mặt tím lại, kéo phắt con dao từ bên đống củi ra. Minh vừa đứng lên gặp lúc Oanh vẫn áp sát và nghênh mặt lên thách thức, may thay Oanh kịp nhận ra đau nhói một bên, hoảng hốt, hai tay ôm đầu chạy như bay về trại mình.
 
Minh trấn tĩnh lại và chợt nhận ra những giọt máu tươi chạy theo Oanh tới tận xa, cái ca nhựa lăn lóc bên bờ giếng, anh run lên, sợ đến lạnh người, đánh rơi con dao nghe tiếng “keng”. Trong trại nhiều người kháo nhau là Minh chém không được nên giận, chém vào gạch cho đỡ tức.
 
Mấy chị cùng trại đang chăm sóc vết thương cho Oanh, thấy Minh chạy vào vẫn còn thở hổn hển, lại nghĩ rằng anh còn đang truy sát. Họ vội vàng đứng thành vòng xung quanh. Trấn tĩnh lại một lúc, anh lên tiếng:
- Ló… có lặng(12) không?
- Mặc tôi, cút đi, thái giám!(13)
 
Oanh vẫn còn đanh đá như thường, ả còn lầu bầu thêm một câu “chắc thằng này mới trốn khỏi “Cấm cung” ra đây”, Minh không nghe thấy nên không nghĩ gì nữa, anh lững thững ra về, lại đi làm.
 
Hôm ấy Oanh nghỉ làm. Buổi tối Minh ghé thăm, trên cánh tay của ả là một vết cắt dài từ ngón áp út lên đến gần bả vai. Anh taân hận vì đã dùng dao lúc cơn nóng giận đang dữ dội. “Mình vừa đứng lên vừa kéo con dao, lại gặp lúc Oanh sấn tới nên không điều khiển được, chứ ai đời lại dùng vũ khí với nó, vừa mới chẻ củi xong đấy thôi”, Minh thanh minh với mọi người như thế. Oanh vẫn tỏ ra đanh đá như mọi ngày, cả hai cùng im lặng; “Có thể cô ta quay mặt đi, không nhìn mặt mình nên không nhận ra được một cái nhìn thân thiện, bao dung”, nhưng cũng chẳng sao. “Có lẽ vì anh đã từng phải chiến đấu chống lại một băng đàn bà du đãng ở Hải Phòng để bảo vệ Nguyệt”, có lẽ vì… Minh tự thông cảm rồi về trại mình. Khuôn mặt Oanh khả ái chứ không giống bọn du đãng Hải Phòng, lúc nàng giận dữ trông cũng được, mà chắc nàng cũng bỏ qua chuyện này.
 
Oanh có phần suy tư hơn khi nghĩ về lối sống, lời ăn tiếng nói của mình. Ở giang hồ, người ta tránh xúc xiểm, vì biết đâu lại đụng chạm, thậm chí hại người, hại mình, chẳng phải ông bà ta vẫn dậy “lời nói đọi máu” đó sao?! Điều đặc biệt là trong trại ai cũng bức xúc, nhiều khi người ta không làm chủ được hành vi của mình. Rồi Oanh tự hỏi “Mà không biết đàn bà của “Tên Nghiện” này là loại nào nhỉ”?
 
Trước đây Minh chưa hề có cử chỉ thân thiện với Oanh, nhưng riêng hôm nay thì khác. Anh đã hối tiếc, đã kiên nhẫn, đã ân cần khi đến thăm Oanh. Thực ra thì anh đã quen miệng nói “đĩ”, cũng rất xúc phạm nên bị trả đũa thôi, đáng tiếc là nàng không hề nhận ra sự thay đổi trong anh hôm nay. Cái duyên của hai người cứ thế trôi đi rất vô tình trong dòng thời gian chậm chạp của trại tỵ nạn.
 
Đời thật trớ trêu, thích một người đàn ông và lại bị chính anh ta hạ nhục?! Đã đến lúc phải nghĩ tới cuộc đời và bản thân mình một cách nghiêm túc hơn. Yêu ai và được ai yêu là hai mặt của chữ “YÊU”, cũng là hai khía cạnh quan trọng của cuộc đời này.
 
Buổi tối Hùng đi làm về, có một chị gặp ở ngay ngoài cổng báo cho biết là “Minh và Oanh xô xát chuyện gì đó, Oanh bị chém sã một bên vai, chảy nhiều máu lắm”. Biết tin là Oanh bị Minh “chém sã vai”, Hùng lầm lỳ không nói, chỉ đến đứng nhìn từ xa, thấy Minh đang còn đó, hắn bỏ về, nhưng sau rồi khi đá thúng, lúc đụng nia(14) rất đáng sợ. Từ đó y luôn dõi theo từng cử chỉ của Minh.
 
Minh ra về từ lâu mà Oanh vẫn quay mặt vào trong mà khóc thầm, buồn, hận trong nỗi cô đơn. Đáng lẽ muốn tấn công Minh, Oanh phải thân thiện với Nguyệt, thông qua cô em đến với anh thì dễ dàng hơn. Nhưng Oanh và Nguyệt không bao giờ có điểm chung nào, ngay cả khi thở dài cũng không thể sẻ chia được. Liệu giữa hai người đàn ông có khi nào lại có một “ biển băng giá” như thế không?!
 
Từ khi lớn lên, nhất là khi đã ở Hồng Kông, Hùng ít quan tâm tới những người xung quanh mà chỉ có “người đẹp”. Đã một thời Hùng theo Nguyệt như không thể rời ra được, nhưng sau bị Minh và cả Nguyệt cùng mắng rồi cấm nên thôi.
 
Bây giờ có chuyện xẩy ra giữa Minh và Oanh, Hùng như thấy anh ta dường như là khắc tinh hay ở cương vị bí ẩn nào đó với mình mà chưa thấy rõ được. Nhiều đêm Hùng trằn trọc tự hỏi rồi rắp tâm viết thư về hỏi mẹ, nhưng nghĩ không biết gửi thế nào nên lại thôi.
 
Ai ai cũng vậy, phần tương lai của mình luôn luôn bí ẩn, riêng với Hùng thì cả quá khứ cũng chẳng rõ ràng hơn tương lai là bao.
 
______________________
Chú thích:
1. Không gian của câu chuyện là trại mở, người ta cho phép làm việc để tự kiếm sống. Người ở trại cấm thì không được. người ở trại mở đi kiếm sống vất vấ hơn những gì mô tả trong truyện rất nhiều
2. Khi nói chuyện, gặp hoàn cảnh thì trích một vài câu tương ứng trong Truyện Kiều đó là nẩy Kiều
3. Chợ Con và Chợ Sắt là hai khu chợ ở Hải Phòng. Các chợ này lập ra từ thời Pháp (trước 1954), nay vẫn còn hoạt động, có tầm quan trọng trong kinh tế, thương mại nội địa của Hải Phòng.
4. An cắp, việc đi ăn cắp để có cơm ăn áo mặc cũng là chuyện thường của họ.
5. Tí nhau tiếng lóng nghĩa là cô bé con, dùng trong nội bộ những người bạn thân hay gia đình.
6. Không biết xấu hổ, trơ trẽn
7. Lăng kính (Prism): ánh sáng trng qua lăng kính thường chia thành 7 mầu, trong văn, ý nói sự việc bị phân tích. Lăng kính méo mó thì càng làm cho ảnh vật thay đổi, khác xa với hình thật của nó.
8. Thèm thuốc, lên cơn nghiện. Một mồi thuốc gọi là “tép”.
9. Ra cơm cháo gì: ý nói không có kết quả gì.
10. Đây chỉ là câu chửi thề thông thường của người dân, chỉ có ý ám chỉ “mày thiếu đàn ông à?”, không có ý là “mày là con điếm” như như nghĩa của chữ ấy. Ngôn từ của những năm 1970-1980.
11. Nhiều nơi gọi là bị thiến. Người ta dùng chữ này để chửi rủa.
12. “Nó có nặng không”, nhiều người bị ngọng chữ N như thế trong một số hoàn cảnh.
13. Thái giám là chức quan trong triều đình phong kiến phong cho những người bị thiến. Câu này ám chỉ Minh là người bị thiến
14. Chân tay luôn cố tình đụng chạm vào các đồ vật nhằm thể hiện cho người khác biết là trong lòng mình có sự bức xúc.