Biên tập Ngô Phan Châu
Chương 8
THOÁT

TẠM BIỆT CỬA ÔNG

Đêm đông, gió Bấc(80)rít lên từng cơn, rét như cắt. Đầy quằn quại với cái bụng đau quặn lên từng cơn dữ dội, đói khát đang hành hạ cơ thể hắn. Từ chiều hôm qua tới bây giờ, được duy nhất một miếng bánh mì nhỏ bằng 2 ngón tay để dành từ hôm trước và một hớp nước mưa.
 
Bọn biên phòng mỗi ngày một ráo riết hơn, cứ như chúng biết có người đang ẩn nấp ở đây vậy. Những nơi nào ở trong núi đáng gọi là hang, họ đều viếng thăm thường xuyên, chỉ có cái hốc bẩn thỉu này là không đến, hắn còn yên thân ở đây là vì thế. Những lúc cơn đói dịu đi là khi nỗi đau khác lại tràn về, muốn thảnh thơi mà không xong, những lúc phải chật vật với số kiếp thế này, nếu hỏi sống để làm gì thì rất khó trả lời.
 
Một năm trước, vợ Đầy đẻ con trai đầu lòng, thằng bé đẹp như một thiên thần, nhất làng Hầu, Y yêu vợ thương con lắm. Còn bây giờ, chắc là gầy guộc xanh xao, không biết nó thế nào rồi., nước mắt Y trào ra như chưa từng được khóc bao giờ.
 
Hết ân hận, ăn năn rồi lại căm uất chính bản thân mình. Hắn tự giễu cợt, vừa được nghĩ về con cái, gia đình, vừa được giải khát, nước mắt còn có thêm một tác dụng nữa mà không phải ai cũng cảm nhận được. Đầy nhếch mép cười trong điệp khúc đắng cay, khoé mắt hằn dấu chân chim đang chìm về quá khứ.
 
Ở làng, Đầy là một trong những thanh niên học giỏi và chăm chỉ, học hết phổ thông, đi bộ đội rồi đơn vị lại cho đi học. Mới 25 tuổi đã là sỹ quan, lấy được vợ đẹp ở làng bên, cứ vài tuần lại thấy Y về nhà, mặc đồng phục sỹ quan, đeo súng lục, xà cột da(81), gia đình Y trở thành một mẫu lý tưởng ở làng xã. Mới sau giải phóng miền Nam vài năm, ai ai cũng khó khăn, cả làng chật vật với nghèo túng, chỉ có nhà Y là dư giả, một phần cũng nhờ vào đồng lương sỹ quan của Y.
 
Sau mỗi vụ thu hoạch những khu tăng gia của đơn vị, các sỹ quan thường được chia quà mang về cho gia đình, lần này là 2 cân lạc, 2 cân đỗ xanh và một số đường sữa, vải vóc, Hắn xếp gọn gàng vào ba lô, nhưng vẫn cố xách thêm một bó bồ kết về làm quà cho vợ.
 
Hạ, vợ Đầy mới vừa 18, chưa học hết phổ thông đã bén duyên chú(82)bộ đội, bỏ học lấy chồng. Tình yêu đẹp, hạnh phúc tràn trề, bao giờ trông Hạ cũng tràn đầy nhựa sống, đúng là gái một con trông mòn con mắt. Tình yêu có khả năng kỳ diệu đến thế, làm cho cây cỏ cũng tỏa hương, cuộc sống đời thường cũng thăng hoa như mùa hội, người ta có thể từ bỏ tất cả để được chung sống với người mình yêu.
 
Sáng đi làm đồng, Hạ nghe người bạn cùng làng, cũng lấy chồng ở gần nhà, nói chuyện về Vũ. Không biết mùa màng thất bát thế nào mà hiện đang sống rất khổ cực.
 
Vũ ở cách nhà bố mẹ Hạ một con mương, hai đứa chơi với nhau từ nhỏ, nhà một mẹ một con, mẹ Vũ còn rất duyên dáng mặc dù đã luống tuổi, bà hiền thục và đoan trang lắm, mẹ Hạ không ưa bà ta, nhưng cũng không bao giờ biểu cảm thô lỗ.
 
Thằng Vũ trông lớn tộc ngộc nhưng kém Hạ một tuổi, vụ mùa vừa qua thóc lúa hợp tác xã chia cho chẳng được bao nhiêu, vườn nhà lại hỏng. Mía mà gặp sâu đục thân thì chẳng còn bán được cho ai, thế là Vũ bỏ học đi làm thuê cho người trong làng để nuôi mẹ. Nó làm quần quật, tất cả mọi việc vặt, từ dọn chuồng trâu đến gánh phân tát nước mà vẫn không đủ sống.
 
Vừa bước vào cổng, Hạ đã nghe thấy tiếng mẹ chửi mát.
- Chị thiếu úy đã về đây ư? Có gì thì mang đi đi, chứ chị đi lấy chồng rồi, bố chị đang tính toán việc mang gạo đi(83)cho đấy.
 
Bố mẹ lại to tiếng, chẳng hay ho gì. Chắc lại ghen bóng ghen gió gì đây, hồi còn ở nhà, bao giờ Hạ cũng đứng về phe mẹ, nhưng nghĩ lại, thấy giữa họ chẳng có chuyện gì cả, sáng to chiều nhỏ rồi thôi. Sau một lúc chuyện trò, thăm hỏi, nào chuyện nuôi con, chuyện đồng áng, chuyện bố mẹ chồng, Hạ chào bố mẹ ra về. Mẹ Hạ không quên dặn với theo: nấu cơm gạo mới, vừa chín tới là đơm ra ngay, nhai kỹ rồi mớm cho nó, ngày mớm(84)hai lần thì thằng bé mới cứng nhanh được! Bố Hạ chỉ mỉm cười, dõi theo con gái một lúc rồi vào nhà.
 
Không quên mục đích chính của mình, trên đường về Hạ ghé qua xóm Đồng Diều, giờ này nàng nghĩ chắc là Vũ đang tát nước cho nhà mình.
 
Nhìn thấy Hạ, Vũ mừng lắm, bỏ cái gầu sòng đầy nước, chạy ra cầm lấy hai tay Hạ vồn vã, hàn huyên rối rít. Trò chuyện được một lát, Hạ phải chia tay vì đã đến giờ cho con bú, không quên trao cho Vũ một gói lẫn cả mấy thứ lấy từ nhà mẹ và từ nhà mình mang theo, Vũ tự trọng không lấy, thế là họ cứ giằng co mãi, cuối cùng Hạ ôm lấy hai vai Vũ, ép Vũ phải nhận gói quà. Vừa lúc Đầy xuất hiện.
- Đồ súc sinh, chuyện gì thế này-Hắn gầm lên như con thú, nhẩy chồm về phía Vũ.
- Anh,..Anh hiểu lầm rồi-Hạ lắp bắp, quá bất ngờ trước sự xuất hiện đột ngột của Đầy.
 
Không thể ngăn được con quỉ ghen tuông đang lồng lộn trong con người hắn, Hạ đứng chặn giữa hai người đàn ông.
 
“Đoàng” Tiếng súng nổ chát chúa, Hạ ôm ngực ngã xuống không kêu được tiếng nào nữa, mục tiêu là Vũ nhưng... Bộ ngực trắng hồng mà Hắn vẫn áp mặt vào hàng đêm, bầu sữa mẹ ngọt ngào của thằng con quý tử, bây giờ đang phập phồng, loang lổ dưới làn máu đỏ tươi đang tràn mãi ra. Hắn bàng hoàng rũ xuống, Vũ nhảy vào ôm lấy Hạ, áp chặt khuôn mặt trắng nhợt của Hạ vào ngực mình mà rền rĩ “Chị ơi, tại em”.
 
Hắn như chợt hiểu ra điều gì rất lạ, rất mới mà hắn chưa bao giờ được nghe. Trước khi dân làng và chính quyền đến nơi, Vũ còn kịp giải thích cho hắn hiểu quan hệ chị em cùng cha khác mẹ của họ, rồi Vũ nhận trách nhiệm về mình để anh rể còn phải lo nuôi cháu.
 
Đơn vị Hắn mang Hắn về thi hành kỷ luật vì bảo quản vũ khí không nghiêm, bị tước quân hàm sỹ quan, hàng ngày lao động với các chiến sỹ khác.
 
Có ai ngờ viên đạn đầu tiên trong cuộc đời một sỹ quan lại nhằm vào người vợ thân yêu của mình, mối quan hệ kín đáo của bố Hạ với mẹ thằng Vũ kín như bưng từ hơn 20 năm qua cũng bị phanh phui sau phát đạn ấy. Dân làng, nhất là những kẻ ưa buôn chuyện, được mấy mùa chuyện (85).
 
Vũ nhận tội thay cho anh rể để Đầy còn lo nuôi  cháu nhỏ. Công an điều tra nhận ra rằng Vũ không biết sử dụng vũ khí, không có khả năng giết người. Đầy cũng hiểu như thế sau khi nhận kỷ luật của đơn vị, nên hắn đã bí mật đào tẩu(86) trong lúc đang cùng đồng đội chăm sóc vườn rau của trung đoàn.
 
Phía trước hắn bây giờ là một khoảng trời vô định, tối đen đượm mầu chết chóc. Xung quanh hắn bây giờ, đến một tiếng côn trùng rên cũng chẳng có. Đầy chỉ mong có ai mò mẫm qua đây đêm nay, không cho được cái gì ăn thì cũng hỏi han chuyện trò. Buồn phát điên!
 
Gió Bấc càng ngày càng mạnh lên, sóng cũng không muốn vỗ mạnh mà chỉ ì oạp cầm chừng giữ nhịp, như tự nó hiểu rằng cuộc ganh đua với gió bấc chẳng mang lại kết quả gì. Nằm giữa hai mỏm núi là một hòn đá khá to, sát mép nước, thỉnh thoảng có những con sóng cồn(87) đập vào làm nước bắn tung tóe tạo ra những vệt sáng hiếm hoi trong màn đêm đặc quánh. Đầy chợt nhận ra một chiếc thuyền to nằm sát hòn đá, không biết nó đến từ bao giờ, có vẻ bí ẩn, chắc là chuẩn bị vượt biên đây?!
 
Chuyện tập kết để vượt biên ở vùng Cửa Ông này không có gì lạ với Đầy, từ khi sống ẩn dật ở đây Y đã chứng kiến bao nhiêu cuộc ra đi, họ cũng trả công hậu hỹ khi cần Y làm một việc gì đó. Đầy được giới đưa người trong vùng tin cậy như một người trong cuộc, vì Y kín chuyện, không giao du phức tạp, không làm hại ai bao giờ.
 
 “Cạch”-tiếng một hòn sỏi ném vào vách đá khô khốc, thằng Bưởi nhọ đây, cả tuần nay mới thấy nó quay lại, tưởng nó bỏ mình rồi chứ, Đầy mừng lắm. Thằng Bưởi mới chừng 16, đen đúa nên mới gọi là Bưởi nhọ, nhanh nhẹn và tốt bụng nhưng vô tâm, có khi nó mải đi theo phường buôn thuốc tây sang tận Trung Quốc, quên hẳn mẹ già ở nhà 2 tuần mới chịu về. Bưởi chuyên lo đưa đón người, nhờ nó mà Đầy sống tạm được ở xứ này. Đầy không dám về ở với nó vì lệnh truy nã phát đi khắp nơi, nhà nó lại ở phố, khó trốn lắm.
 
“Gớm, Ôi sao anh hôi thế”, lời chào của thằng Bưởi là thế, gặp đàn ông hay đàn bà nó đều nhận xét mùi vị thay cho lời chào. Có một con bé cũng bằng tuổi nó, ở mãi tận Hải Dương ra đây chờ vượt biên, được nó khen là thơm, lại tưởng nó ngỏ lời yêu, thế là theo nó mãi không thôi. Thức ăn nó mang cho Đầy không nhiều hơn lần trước, 3 cái bánh mì, 2 chai nước, một ít tôm rang, một ít thịt kho. Dường như nó không hình dung được Đầy đói thế nào sau 5 ngày vắng mặt nó.
 
Nhanh chóng thanh toán một cái bánh mì, một chai nước và một ít thức ăn rồi Đầy vào việc ngay. Bây giờ là nước cả(88), thủy triều đang ở mức sát chân núi, chỉ có thời gian 30-45 phút chuẩn bị. Khi nước xuống, thuyền theo dòng triều ra biển, hết lãnh hải (89) Việt Nam là trời sáng, không thể lề mề (90) được.
 
Đầy hiểu việc mình phải làm, rất nghiêm túc và khẩn trương. Chỉ sau 30 phút hơn 500 thùng mì ăn liền, 5 thùng dưa chuột tươi91, năm thùng nước uống, 20 can dầu diesel...tất cả vật tư cần thiết cho chuyến đi dài ngày đã được chuyển đến từ nhiều thuyền con, xếp lên thuyền chính. Họ dự kiến khi qua đến bờ biển Trung Quốc sẽ mua thêm thực phẩm và nhiên liệu.
 
Đúng 12 giờ 30 đêm, hành khách và người nhà thuyền gần như đầy đủ, lúc chuẩn bị ra khơi, kiểm tra lại thấy thiếu một thủy thủ. Những chuyến vượt biển như thế này, mỗi thành viên trong thủy thủ đoàn đều quan trọng như nhau, không có biên chế thừa hay thiếu. Băn khoăn một lúc, ông chủ thuyền hỏi Đầy.
- Này, tao muốn chú mày đi với tao, có vướng víu gì không? Dứt khoát đi!
 
Đầy còn lưỡng lự, một chân vẫn đang ở trên bờ đá, nhưng tay đã cầm lấy sợi dây cuối cùng đang chuẩn bị dỡ ra nốt, rồi cũng phải quyết định, đi!
 
Thuyền từ từ trôi theo dòng nước ra khơi, giữa lúc công an biên phòng đang giao ca. Thằng Bưởi nhọ lẫn vào màn đêm, biển Cửa Ông vẫn bình yên, lệnh truy nã Đầy dần dần chìm vào quên lãng.
 
Đầy ra đi không kịp nói lới từ biệt cha mẹ, đứa con trai mới 12 tháng tuổi và biết bao nhiêu người thân. Ngôi mộ người vợ bạc mệnh được Vũ và gia đình chăm sóc cẩn thận, Y miễn cưỡng bắt đầu cuộc sống mới, bao nhiêu câu hỏi đang chờ được trả lời khi đến miền đất hứa. Trên cái thuyền này, mình chắc chắn là người có học nhất, sẽ phải giúp đỡ những người khác khi cần, nhất định rồi-Đầy tự nhủ.
 
Sóng ngày càng mạnh lên, phía mũi thuyền là những tia sáng đầu tiên của một ngày mới, thuyền đang nhằm hướng mặt trời mọc chạy tới.
“Hết lãnh hải Việt Nam rồi!”
 
Mọi người đều ngầm hiểu như thế, không ai bảo ai, nhưng trong lòng mỗi người đều có một dự định, một khát vọng riêng trong buổi sáng đầu tiên được xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình, vừa khoan khoái thư giãn vừa xót xa và trăn trở. Phía sau là một khoảng trời biển mênh mông. Thoát rồi!
 
Hôm ấy là ngày 5 tháng 12 năm 1979.
______________________
Chú thích:
80 Gió hướng Bắc,vào mùa rét, mang theo hơi lạnh từ đại lục Trung Hoa xuống phía Tây Nam.
81 Xà cột là một cái cặp/ túi đeo bên hông. Chỉ đựng được vài cuốn sổ hay những thứ rất quan trọng mà thôi82 Thời kỳ này người dân yêu quý họ và gọi họ là cô, là chú.
83 Ý nói mang gạo nhà đi nuôi một người khác.
84 Mớm là cách bón cơm cho trẻ nhỏ rất cũ, vài ba chục năm trước còn áp dụng ở vùng nông thôn Việt Nam. Trông giống như chim mẹ bón thức ăn cho con.
85 Những người ngồi lê đôi mách có thêm chủ đề để bàn tán.
86 Đào tẩu là chạy trốn.
87 Sóng cồn có năng lượng rất lớn, truyền từ ngoài khơi xa vào bờ. Khi gặp cản trở ở bờ biển nó phá lên mặt nước dữ dội.
88 Nước ở mức cao nhất trong ngày, có nơi gọi là nước đầy.
89 Lãnh thổ của mỗi quốc gia tính ra phía biển, thường là 12 dặm biển (nautical mile) tính từ mép nước thấp nhất. Hết 12 dặm coi như chính quyền nước sở tại mất bớt quyền hành pháp.
90 Lề mề: địa phương, là chậm chạp trong công việc.
91 Dưa leo, có thể giữ lâu ngày nên mang theo ăn thay rau.
 
 
ĐƯỜNG GIÓ BẤC
 
Đại dương mênh mông, gió Bấc và sóng biển như đồng thanh đồng lòng đánh thẳng vào mạn trái mũi thuyền, bầu trời u ám như thấp xuống. Trong cái mênh mông ấy, chiếc thuyền như một chiếc lá khô nhỏ bé, trơ trọi, trong tầng tầng lớp lớp sóng lừng dữ dội, đang ra sức xô đẩy, vùi dập nó. Gần 100 con người nằm im lìm, chẳng có nhu cầu ăn uống gì, chỉ cần mặc kín và chăn ấm là đủ, ai nấy đều mệt mỏi, mặt tái nhợt, say sóng.
 
Ngoài việc chăm sóc các hành khách, Đầy còn được dậy cho cách lái tầu phòng khi cần đến. Tiếp thu nhanh, nhất là khi bắt đầu biết lái theo cái mặt số(92) la bàn thì thấy ham mê, Đầy cứ đòi lái luôn, bấy giờ hắn mới biết hướng Đông là khoảng 90 độ la bàn.
 
Đầy không mang theo hành lý như những người khác, hơi tủi, cái gì cần cũng hỏi xin ông chủ thuyền, ông chỉ cười không nói gì. Gần tối Đầy phát hiện ra một người nữa cũng giống như mình, không có hành lý(93), người nho nhã mảnh mai, khuôn mặt xương xẩu khắc khổ, hơn Đầy khoảng năm bẩy tuổi, ít nói, anh là Kiên, giọng nói có chút gì pha miền Nam.
 
Kiên cảm động mỗi khi ai lo cho mình việc gì. Thận trọng trong lời ăn tiếng nói, khiêm nhường, gần gũi với Đầy, có thể chỉ vì anh đang cần tìm cho mình một “đồng minh” trong khi phải chống lại cái nghèo và cái bẩn.
- Thấy gì chưa?-Kiên trở mình hỏi Đầy.
- Anh không ngủ à? Mà thấy gì hả anh, còn lâu mới tới Hồng Kông-Đầy tỉnh ngủ hỏi lại.
- Cả ngày chỉ hết nằm lại ngồi, nhàn quá-Kiên châm biếm-thấy thuyền câu của người Tầu chưa?
- Em nghĩ là chạy đến thẳng Hồng Kông chứ, thuyền câu thuyền kẹo gì?-Đầy ngây thơ hỏi lại.
- À, thế là chú mày không biết hả? Ừ, chuyện này không phải ai cũng biết.
 
Kiên từ tốn giảng giải cho Đầy-mùa này gió Bấc ở vùng biển Đông rất mạnh, thuyền chạy theo hướng này sẽ bị giạt xuống phía Bắc đảo Hải Nam, khi thấy có thuyền bè đánh cá là gần đất liền, phía bên phải.
- Sao anh biết rõ thế, hay nhỉ-Đầy thán phục hỏi tới tấp.
- Anh đã từng là hải quân, một năm, không được học nhưng bọn sỹ quan nó chỉ cho, cả cách dùng máy móc thết bị và hải đồ (94) nữa-Kiên định kể cho Đầy nghe chuyện đời mình.
- Hải quân à, em là bộ binh-Đầy mừng rỡ vì có thêm đồng chí để trò chuyện.
- À, mà thôi, chuyện đó kể sau, đến Hồng Kông đã, còn thời gian mà. Gió mạnh lắm, chẳng ai nói ai nghe được đâu.
 
Kiên nhận ra là Đầy chưa kịp hiểu, thực ra Kiên đã từng là hải quân của Việt Nam Cộng Hòa nên ngừng câu chuyện lại ở đấy, đồng thời nói năng thận trọng hơn. Đời lính và những năm tháng tù đầy đã dậy cho Kiên những bài học quý giá trong ứng xử khi sống chung.
 
Thế là đã 10 ngày kể từ khi rời Cửa Ông, thuyền vẫn lênh đênh, gió Bấc và sóng vẫn thi nhau đánh vào mạn trái mũi thuyền, buổi sáng vẫn thấy mặt trời thẳng phía trước. Ông chủ thuyền cũng mệt mỏi, buồn bã, gần như mất dần sự kiên nhẫn, chính cuộc đời sông nước của ông cũng ít khi phải lâm vào hoàn cảnh này.
- Chú không say à?-Ông hỏi Kiên vì chỉ có Kiên là còn tỉnh táo, anh cũng không ngờ mình lại chịu được sóng gió như vậy.
- Em chỉ hơi mệt, cám ơn anh-Kiên trả lời xã giao rồi mang theo một tờ giấy và bút chì đến gần ông, nước biển bắn lên làm ướt sũng cả tờ giấy.
 
Kiên vẽ ra eo biển Haikou(95), phân tích hướng gió và sóng cho ông nghe, rồi động viên ông đi tiếp, hy vọng trong 48 giờ nữa sẽ gặp dân chài địa phương, đồng thời bảo ông cũng phải nghe đài Việt Nam để biết tình hình gió mùa. Ông thán phục Kiên và hỏi tại sao Kiên biết về kỹ thuật của nghề này “giỏi” thế, Kiên nói học mót(96)thôi, nhưng cũng đủ dùng, từ đó Kiên trở thành người bạn, người cố vấn để cho ông hỏi han, chuyện trò. Kiên thì giấu nhẹm sai lầm của ông chủ thuyền, mà nên giấu vì đằng nào thì sự cũng đã rồi, mùa này men theo bờ biển Trung Quốc mà chạy, ai đời ra khơi xa thế này, ông ta tham đường ngắn đây mà. Đầy đã lái giỏi, thấy Kiên bàn chuyện chuyên môn ngành tàu bè với chủ, liền thêm thắt vào,”anh ấy là Hải quân đấy, sỹ quan mà”.
 
Thuyền vẫn chạy theo hướng Đông, đến sáng hôm sau thì sóng giảm dần. Mọi người tỉnh táo hơn, nhưng cũng chẳng còn gì ăn, nước uống cũng không còn là bao, xa xa phía bên phải thấy nhấp nhô vài ba người chèo thuyền. Ông chủ nói bọn họ là thuyền câu, nếu gặp cũng nói chuyện được. Thấy vậy mà mãi đến chiều mới gặp được một bà xồn xồn đội một cái nón rộng vành bằng tre, bà ta cỡi một cái thuyền nan(97), nhấp nhô theo những ngọn sóng trông như trẻ con chơi đùa với các đụn cát vậy. Họ chỉ cách nhau khoảng năm bẩy con sào mà không nói chuyện được, ông chủ thuyền gọi to:
- Có gì bán...không...?
- Có cá thôi...! Có dầu không
Thì ra là đổi dầu, ông chủ thuyền mừng quá liền vẫy bà ta vào. Trong thuyền mình, bà con ta cứ tưởng đã đến Hồng Kông, nhao nhao lên mừng quýnh hỏi han tới tấp. Bà ta cập mạn thuyền rồi nói xì xồ gì đó, không ai hiểu gì, rồi đưa ra một túi khoảng 5 con cá dưa to, giơ một ngón tay ra. Ông chủ thuyền mừng quá, đỡ lấy bao cá rồi mang ra một can nhỏ 2 lít dầu gasoil, bà ta giẫy nẩy lên xua tay loạn xạ. Một lúc sau họ cũng hiểu nhau và ngã giá 8 lít, đáng lẽ là 10 lít.
 
Sau khi “thắng đậm” 8 lít dầu, bà ta chèo thuyền đi và chỉ tay về phía Đông Nam, thế là thuyền nhằm hướng đó chạy tới. Quả là có một chút may mắn ở đây, sau khoảng vài tiếng chạy thuyền, họ gặp một hòn đảo nhỏ, phía sau hòn đảo là một khoảng yên tĩnh. Thế là cả thuyền được một bữa nghỉ ngơi thoải mái, chỉ có cái bụng vẫn lép kẹp, đổi dầu được vài con cá thì thấm tháp vào đâu. Tối khuya có một chiếc thuyền chài lớn đến đậu cùng, ông chủ thuyền bên ấy nói lơ lớ được tiếng Việt, hứa là chỉ đường và chỉ cách đi qua eo Haikou, nhưng đòi 5 đồng cân(98) vàng. Ông ta còn nói phải mất cả hơn mấy ngày nữa mới tới được Haikou, thức ăn dự trữ, nước uống đã cạn.
 
Việc mua bán dọc đường thế này không thể duy trì được lâu, dầu bây giờ là máu, không thể mang trao đổi mãi được. Nỗi lo sợ đang đè nặng lên hai vai ông chủ thuyền. Bây giờ không phải lúc nghĩ tới Hồng Kông mà chỉ nghĩ tới việc đi đến Haikou an toàn đã là khó lắm rồi.
 
Chẳng mấy khó khăn để đến bờ Nam của Haikou, mặc dù chưa nhìn thấy bờ bên kia nhưng ai cũng cho rằng đường đi sang bờ bên kia chẳng bao xa. Sau mấy ngày đi theo hướng Bắc, trong vùng khuất của gió mùa, lại có cá tươi ăn, ai cũng thấy khỏe ra.
 
Thuyền bắt đầu tách dần khỏi phần bờ biển yên lặng của Hải Nam, đang chạy hết tốc lực theo hướng Đông Bắc, hy vọng chống lại được dòng nước đang chảy xiết dần lên. Kiên bất chợt phát hiện ra điều gì, anh gọi ông chủ thuyền rồi chỉ tay lên rặng cây hiếm hoi còn trong tầm mắt của họ(99). Cả hai người đều cảm thấy lo lắng nhìn nhau, họ không nói gì, chỉ lẳng lặng tìm chỗ ngồi để suy tính.
 
Thuyền đang bị dòng nước chảy từ phía Hồng Kông vào Vịnh Bắc Bộ đẩy ngược lại phía Việt Nam. Hy vọng là sau 1 hay 2 ngày dòng nước này sẽ yếu dần, và sau đó là hết hẳn để họ hành trình ven bờ cho dễ chịu, không biết niềm hy vọng này có quá đáng không?!
 
Cả thuyền đều như im lìm chờ đợi ngày phán quyết cuối cùng của thượng đế. Đã 4 ngày tính từ ngày rời bờ Bắc Hải Nan, gió vẫn rít lên ghê rợn, dòng nước dường như còn khắc nghiệt hơn thế, không hề gặp một bóng thuyền câu.
 
Khoang giữa có một bé trai 3 tuổi đã bỏ ăn bỏ uống, bố mẹ cháu bất lực. Trên thuyền không có sữa, thức ăn sống người bây giờ chỉ có mì ăn liền. Hễ có cơ hội là cô vợ lại chửi anh chồng đến thậm tệ: Anh nói 10 ngày là Hồng Kông, đây mà là Hồng Kông à? Đồ giết người. Cô ta thề là đến Hồng Kông sẽ lấy ngay ai là người đầu tiên hỏi mình. Anh chồng cũng chẳng còn hơi sức đâu để cãi vã với vợ, chỉ thở dài rồi ôm ấp đứa con yếu ớt trong lòng.
 
Đã 6 ngày liên tiếp cả thuyền phải chịu đựng, phải chống chọi với sóng gió, sự đói khát. Sáng dậy Đầy giao tay lái cho Kiên rồi xuống khoang giữa xem xét tình hình sức khỏe mọi người.
- Anh Kiên ơi, thằng bé chết rồi.
 
Đầy hốt hoảng gọi lên, đồng thời thằng bé cũng được bố bế lên boong trên. Một thân hình khẳng khiu chỉ còn da bọc xương đang oặt ra không còn một chút sinh khí nào. Vốn có chút kiến thức cấp cứu học được trong quân đội, Đầy ra sức hô hấp nhân tạo, rồi mớm nước, nhưng thằng bé vẫn nằm bất động, thi thể lạnh dần, Đầy thất vọng cuốn cậu bé vào một tấm chăn mỏng. Nỗi đau quá lớn làm người mẹ không thể thốt lên lời được nữa, bố đứa trẻ ôm chặt nó trong lòng như con mình đang còn sống. Đầy chạnh lòng nghĩ đến con trai mình, anh ôm chăn đi tìm chỗ nằm mà khóc.
 
Sáng hôm sau, người ta phát hiện một cháu nữa kiệt sức, không ăn uống được. Thế là mọi người đều đến chia buồn với bố mẹ của đứa con bạc mệnh rồi đề nghị anh chị thủy táng cháu để mọi người còn lo sinh mạng cho người khác.
 
Đúng ngày 24 tháng 12 năm 1979, ngày này ở Hồng Kông người ta tổ chức một cái tết thật to, thật rôm rả chẳng khác gì bên châu Âu, ngày Chrismas (Noel). Trên thuyền tất cả đều ngậm ngùi buồn thương cho số phận ngắn ngủi của một kiếp người rồi thủy táng(100).
 
Cháu là Đỗ Vũ Thăng, sinh ngày 06-5-1975, gia đình cháu ở Nam Sách, Hải Dương. Từ khi ra đời, bố mẹ cháu chỉ được nghe về biển, nó rất đẹp, mênh mông và thơ mộng. Bây giờ họ mới biết thế nào là sự mênh mông của biển cả, sự sâu thắm của đại dương. Ở đây không có vàng, cũng chẳng có bạc, chỉ có đói khát, và xa xa đằng kia là xác đứa con yêu của mình đang dật dờ trôi. Sau khi xót xa trao con mình cho Thủy Tề(101), họ ôm lấy nhau khóc không thành tiếng.
 
Cái chết của cháu Thăng đã mở đầu cho 2 người lớn và một đứa trẻ nữa. Người ta không ai còn sinh lực để khóc than. Thân nhân của người chết, ông chủ thuyền và Kiên, sau khi ghi chép một vài chi tiết, họ thủy táng. Ai cũng cắn răng lo sợ, chờ đợi đến lượt mình. Cứ đà này không biết mai đến lượt ai.
 
Đầy thức dậy sớm để chuẩn bị đổi ca lái cho ông chủ thuyền, chỉ có ba người cầm lái. Kiên bây giờ cũng vào cuộc thay thế cho một thủy thủ, anh kia không còn đủ sức để làm bất cứ việc gì, thậm chí là leo lên leo xuống cầu thang.
 
Càng ngày người ta càng thấy mình gần với cái chết hơn. Dường như càng gần tới đó, người ta càng hiền và càng bao dung hơn, chẳng còn thấy muốn cãi hay chửi ai. Đầy tự nhủ, có lẽ mình sẽ là một trong số người chết cuối cùng.
 
Ăn mì suông mãi cũng chán, hôm nay đổi món. Kiên lấy cái tô của mình ra, đái vào, bỏ một nắm mì rồi ăn. Thấy cũng được, thảo nào người ta cũng ăn như thế. Mình chậm tiến quá, nghĩ vậy rồi anh đi nhận ca thay cho ông chủ thuyền. Kiên giảm bớt tốc độ, rất chậm rãi. Vừa mới giao ca tối cho Kiên, ông ta sắp đi nghỉ bỗng quay lại hỏi Kiên tại sao giảm tốc độ. Anh giải thích là đang cần tiết kiệm dầu, giữ cho thuyền còn sống, nếu hết dầu thì chỉ cần một cơn sóng, thuyền sẽ bị lật. Ông cho là phải, rồi đi ngủ.
 
Càng ngày ông càng thấy Kiên là một người bạn tài ba, đáng tin cậy, tiếc thật! Ông đi tìm cái tô của mình, bỏ vào đó vài sợi mỳ, đái vào rồi ăn. Sau khi hoàn tất bữa tối một cách rất “quý phái”, ông ôm chăn đi tìm chỗ nằm rồi tự nhủ, có lẽ Kiên mới là người chết sau cùng.
 
______________________
Chú thích:
92 Người vượt biên dùng là bàn từ, một thiết bị đi biển đã có cách nay khoảng 5000 năm, do người Trung Quốc phát minh ra. Gọi là “từ” vì nó hoạt động nhờ có một thanh nam châm tự do. Từ trường trái đất giữ nó luôn chỉ hướng Bắc-Nam. Mặt số la-bàn chia độ 360, hướng Đông là 90, còn Tây là 270 độ. Bây giờ còn có la-bàn điện, chỉ dùng được trên tàu lớn, máy bay.
93 Kiên bị kẻ cắp lấy mất hành lý trên tầu thủy, tuyến đường từ Hải Phòng đi Cửa Ông, chuyến đi được thu xếp rồi nên không thay đổi được, vẫn phải đi.
94 Hải đồ: là bản đồ để đi biển, được thiết kế theo những tiêu chí riêng của người đi biển.
95 Địa danh của địa phương ở phía Bắc của eo biển giữa Hảinan và lục địa Trung Quốc. Thường nước chảy từ phía này sang phía kia rất mạnh.
96 Có người khác chỉ cho mà biết, không phải học ở trường hay sách vở.
97 Thuyền đan bằng các nan tre, dùng nhựa đường và một số thứ khác làm kín nước. Nhờ thân mềm dẻo mà giảm sức công phá của sóng, nhưng chỉ dùng trong phạm vi gần.
98 Đồng cân-là một chỉ vàng, cách gọi của người Bắc thời đó.
99 Khi nhìn ngang người ta có thể biết mình có chạy lên được hay bị nước đẩy ngược lại.
100 Lễ thả một xác người xuống nước.
101 Thủy Tề là vị thần nghị trị dưới đại dương.
 
 
BA ĐỨA TRẺ MỘT KHOANG THUYỀN
Noel rồi sau đó là tết dương lịch, bây giờ mà có mặt ở nhà thì thích lắm, công kênh thằng cu tý, vào các cửa hàng bách hóa, nói to lên là con hãy mua đi, cứ lấy đồ chơi đi, bố sẽ trả tiền. Nấm mồ của Hạ bây giờ chắc là xanh cỏ rồi, bà con cũng bớt bàn tán về mình, nhưng án tù và lệnh truy bắt vẫn còn đó. Đầy lại khóc, lau nước mắt vào cái tay áo bông bẩn thỉu rồi xuống khoang thuyền.
 
Cả gần 100 mạng người lớn bé, đang ngồi chịu đựng sự đói rét, sóng gió. Họ như không phải chờ đợi ngày đến Hồng Kông mà đang chờ đợi ngày bị phán xử, chờ đợi ngày thần chết đến. Mũi thuyền bổ xuống, họ bị xô sát vào nhau, rồi khi thuyền ngóc mũi lên, họ lại xô vào nhau như những bao cát vô hồn. Những người lớn tuổi ai nấy co ro như chỉ thấy rét, không có nhu cầu ăn uống. Song, trong ánh mắt các cháu nhỏ còn có những cái nhìn của sự sống, chúng trông đều khá tỉnh táo.
- Lại đây chú xem nào!
Đầy bồng một thằng bé chừng 12 tháng tuổi lên. Sao mà nhẹ đến vậy, người nó cứ oặt ra, nhưng đôi mắt còn rất tinh và linh hoạt.
- Chị có còn sữa cho cháu không?-Đầy ôn tồn hỏi mẹ của cháu.
- Trước thì còn, mấy ngày nay, ăn chẳng có, còn uống thì toàn nước giải, hỏi chú tôi lấy sữa ở đâu ra?
Đầy trào nước mắt, ôm thằng bé vào lòng, không thể hỏi thêm điều gì. Anh lặng lẽ đưa ngón đeo nhẫn của mình lên miệng, mút sạch, nhỗ xuống sàn, rồi cắn vào đầu ngón tay cho máu chảy ra.
- Nào chú cho cái này nhé, tạm thôi.
Anh xoay người để mẹ thằng bé không nhìn thấy con mình đang mút tay chú Đầy. Máu ở tay anh bắt đầu có tác dụng ngay, thằng bé xem ra tỉnh táo hơn, khỏe hơn, nó tiếp tục mút. Đầy cảm thấy tay mình tê đi, rồi thằng bé nhả ra, chắc là hết máu.
 
Nhiều người chứng kiến cảnh ấy, chỉ có mẹ cháu là không thấy. Có một chị chừng xấp xỉ 50 ngồi gần lên tiếng.
- Còn bao lâu thì hết sóng gió chú nhỉ, tôi say quá. Mà chú còn nhiều máu không đấy? Chú không phải thiên thần, giữ mình một tý nhé.
 
Đầy dường như không để ý đến sự nhắc nhở ấy. Anh xoa hai bàn tay vào nhau cho đỡ tê, rồi nhìn sang các cháu khác trong khoang thuyền, chúng đều như đang chờ đợi sự hào phóng nơi anh. Chỉ tiếc tay đã hết máu, chắc lại phải chờ một lúc lâu nữa. Anh lấy một cái dây chun buộc tạm vào ngón tay ấy rồi lên mặt boong.
 
Kiên đang cầm lái, nước như bớt xiết, gió như bớt rít, con người không còn ai trò chuyện với ai. Chỉ có sóng gió là vẫn còn sức, còn con người thì ngày một mất sức, đây là lúc người ta nhận ra mình rõ nhất, là lúc thấy mình như hạt cát trong thiên nhiên hung bạo. Dầu sắp hết, khi hết thì chẳng ai làm thủy táng cho ai, Kiên đang cắn răng chịu đựng sự căng thẳng này, anh kìm máy lại chỉ cho đủ để ăn lái mà thôi. Anh cũng đã kiệt sức rồi.
 
Thấy bàn tay có phần dễ chịu, chắc là lại có máu, Đầy hồ hởi bước xuống khoang thuyền, lần này anh tỏ ra chuyên nghiệp hơn, mang theo cái khăn tay ướt đẫm nước biển. Khi anh cởi dây thun, máu ứ ra ngay, thế là một cháu bé nữa được bú tay chú Đầy. Lần này anh chủ động cho nghỉ đứa này, thay đứa kia vào. Thế là 3 đứa đã được chú Đầy nuôi rồi nhé, anh vui vẻ tự tặng mình những lời khen ngợi rồi bước lên. Buổi tối, trước khi nhận ca lái, anh lại cho cả 3 đứa bú tay trước sự thán phục của nhiều người. Mẹ các cháu đều tỏ ra biết ơn Đầy. Phần anh, chỉ thấy vui vẻ phấn chấn, có lẽ đây là một trong những điều tốt nhất mà anh làm được cho họ trong chuyến đi lịch sử này.
 
- Sao, có chuyện gì thế Đầy-thấy thuyền quay loạn xạ, Kiên và ông chủ thuyền hốt hoảng chạy lại chỗ Đầy.
Đầy bị ngất cạnh tay lái, thuyền không lái nên quay đảo loạn xạ làm cả thuyền tỉnh ngủ. Bấy giờ mới 1 giờ sáng, người ta đưa Đầy xuống khoang thuyền.
 
Thế là từ nay chỉ có 2 người đi ca lái, Kiên nhẩm tính xem hôm nay là bao nhiêu, sắp đến ngày sinh nhật An chưa, nàng bây giờ thế nào? Hình bóng An và những con số về ngày tháng cứ loạn cả lên trong đầu óc Kiên. Anh cũng không còn bao nhiêu sức lực cho cuộc chiến đấu này, nếu phải bỏ xác nơi đây thì sao nhỉ? Chỉ tội cho An, nàng thiệt thòi nhiều quá.
 
Sáng hôm sau Đầy mới tỉnh, anh cũng biết mình đang ở trong khoang thuyền chứ không phải cạnh tay lái, và anh không thể làm việc được nữa. Nhưng anh đồng thời cũng nhận ra đây là điều tốt, vì việc anh quan tâm bây giờ làm mấy đứa trẻ này. Anh nhìn ngắm, vuốt ve từng đứa, thấy khỏe trong người thì anh lại cho chúng bú một lúc. Sau đó thì anh nằm xuống để dưỡng sức.
 
Trời càng vào khuya càng lạnh, thế mới biết sức lực con người có hạn. Không biết đã bao ngày ăn không đủ dính ruột, nước giải không đủ uống, sức chịu đựng của con người mất đi rất nhanh. Sóng gió có mạnh lên hay yếu đi thì cũng chẳng còn gây cho ai cảm xúc gì. Kiên như mất hết tinh thần, anh vừa giữ tay lái vừa nghĩ về An, nàng thật đáng thương, biết thế này thì thà ở lại với Nàng, đi tù vài năm nữa cũng không đến nỗi.
- Ồ, tốt rồi, bắt dây đi. Thật bất ngờ, Kiên như thiếp đi thì thấy ánh đèn pha sáng lòa. Dăm bẩy người lạ có mặt trên thuyền mình, họ tắt máy, buộc thuyền mình vào một cái tầu sắt to mà kéo đi. Rồi Kiên cũng tỉnh hẳn, anh nhận ra đây là sự thật.
 
Kiên đang ngồi trên tầu của họ, nói chuyện bằng tiếng Quảng Đông với họ, được họ cho ăn tạm một khúc bánh mì kẹp thịt to, và cho uống nước bao nhiêu tùy thích.
“Bây giờ đi giải thoải mái, không phải hứng rồi giữ lại và mang đi giấu nữa”, Kiên rơi nước mắt cảm động, anh lại khôi hài về những ngày qua của mình. Họ báo cho anh biết là Đầy đã ngất đi, do mất máu nhiều quá. Cái khăn ướt mà Đầy vẫn dùng để lau vết thương ở tay có thấm sẵn nước biển, nó chống cầm máu.
 
Khoảng 4 giờ sáng thì vào tới đất liền, họ neo tạm trong một vịnh nhỏ, trên bờ là một đồn công an biên phòng thuộc HaiKou. Điều Kiên quan tâm đầu tiên là cấp cứu cho Đầy. Do họ đã dàn xếp trước nên xe cứu thương đã sẵn sàng, nhưng khi Đầy được cáng lên xe thì anh đã không còn chút sức lực nào. Các bác sỹ tiến hành truyền máu và cho thở ôxy ngay.
 
Trên mọi sự mong mỏi là chiếc xe cứu thương đưa Đầy đi càng sớm càng tốt, và rồi Kiên cũng thở phào nhẹ nhõm, nó đã chớp đèn và ra đi mang theo người bạn, người em của anh. Các cháu nhỏ đã được ăn no, đang ngủ say, các bà mẹ nhìn theo thầm mong sớm gặp lại Đầy khỏe mạnh.
 
Bên một gốc bàng to trước đồn công an cửa khẩu HaiKou, Kiên nằm co ro trong một cái chăn rách, cố gắng ru mình vào giấc ngủ tạm bợ. An bây giờ chắc lại sắp sửa hái rau ngót, lại đóng hàng vào đôi quang gánh cũ và ra chợ. Hình dung về những nét đời thường rất quê mùa và mộc mạc của An làm Kiên dịu đi phần nào, anh nhớ tới Nàng để quên đi nhọc nhằn và chấp nhận nỗi đắng cay của số phận. Bỗng nhiên đèn lại chớp, chiếc xe cứu thương ban nãy mới ra đi, bây giờ quay trở lại chỉ sau chưa đầy nửa giờ. Kiên vụt đứng dậy chạy đến, cửa xe cứu thương mở ra và một lời ngắn ngủi từ bác sỹ trưởng nhóm cấp cứu:
- Anh ấy đi rồi, chúng tôi đã cố hết sức. Đã bao nhiêu người bỏ xác ngoài khơi, bây giờ lại có thêm Đầy. Là người thứ bao nhiêu rồi? Kiên bàng hoàng tự hỏi mà không tự trả lời được. Anh bị hoảng loạn, bị shock mạnh trước cái chết của Đầy. Đâu rồi anh Kiên gan góc, lạnh lùng, thả xác người xuống biển thủy táng, đâu rồi anh Kiên trầm tĩnh ghi vào sổ nhật ký một đoạn tang. Bây giờ là Kiên bằng xương bằng thịt, cũng có một trái tim biết thổn thức, biết yêu thương. Anh không thể lấy bút ra ghi vào sổ, mà nhẩy chồm lên về phía xác Đầy đang đưa xuống.
 
Ngay chiều hôm ấy, 29 tháng 12 năm 1979, tất cả thuyền nhân của chiếc thuyền ấy đều đưa tiễn Đầy ra một nghĩa trang gần đồn cảnh sát. Chính quyền địa phương cử một người đi theo để giúp đỡ trong việc chôn cất, anh ta tỏ ra rất thành thạo trong việc này. Ở nghĩa trang vãng lai HaiKou, người ta đã chôn cất nhiều người Việt, họ đều là thuyền nhân chết tại nơi này. Trên tấm biển gỗ khiêm tốn cắm lên mộ của Đầy, Kiên nắn nót ghi:
 
NƠI AN NGHỈ CỦA CHÍ SỸ PHẠM VĂN ĐẦY SINH NĂM 1955 TẠI LÀNG HẦU, XÃ KINH BA, THỦY NGUYÊN, HẢI PHÒNG. MẤT NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 1979.
- Anh ấy thoát rồi! Thế là một người bạn tôi đã thoát khỏi kiếp trần ai! – Viết xong, Kiên đứng dậy than thầm.
 
An yêu quý của anh, Thế là một người bạn ra đi mà ta không bao giờ gặp lại, anh ấy sẽ nằm lại mãi nơi đây. Bây giờ em đang bán rau ngót ngoài chợ, nhưng lòng cũng nghĩ về anh? Biết rồi nhưng anh vẫn hỏi, vì
khi thấy anh hỏi, em ngước nhìn lên sao mà đáng yêu thế. Mỗi bước trên giang hồ, anh đều có thể gặp một người, nhưng những ai sẽ để lại trong lòng mình dấu ấn của trần gian, người đó trước tiên phải là em, sau là người bạn trẻ tốt bụng mới ra đi hôm nay.
 
Mà anh vẫn nịnh bợ em ư?! Đã là vợ anh rồi mà anh vẫn cứ phải buông lời ong bướm thế sao? Những lúc gian truân nhất anh nghĩ về em để mong em chia sẽ, và những lúc thư thái nhất anh cũng nghĩ về em để gửi bớt về cho em tình yêu, niềm hy vọng trong anh.
 
Anh đang khóc, và sẽ khóc nhiều nữa. Em cũng khóc đi nhé, khóc vì mất đi người bạn tốt, khóc vì tình ta trắc trở, khóc vì con chúng ta khi ra đời sẽ không thấy mặt cha. Anh còn khóc cho những cái giá quá đắt mà nhiều người phải trả cho phần còn lại của cuộc đời mình.
 
Khi được tin báo có một thuyền vượt biên sắp chìm, đã thả nhiều xác chết xuống biển, công an biên phòng đồn HaiKou đã cử ngay một tầu đến kéo thuyền của anh vào đồn của họ. Người ta chứng kiến anh đang cầm lái chiếc thuyền ấy và gọi anh là thuyền trưởng, họ đã ký lệnh cho anh đi và anh ký nhận dưới danh nghĩa thuyền trưởng, là người sẽ phải chịu trách nhiệm về an toàn cho mọi người trên thuyền. Ông chủ thuyền, cũng là thuyền trưởng thật, bị shock sau cái chết của Đầy, ông nằm suốt ngày như để ăn năn về sai lầm của mình. Chỉ vì chọn đường đi sai mà làm chết bao nhiêu người. Ông gọi Đầy lên thuyền vào những giây cuối cùng trước khi rời Việt Nam, để rồi hôm nay anh ta bỏ xác nơi xứ người.
 
Chồng em là một sỹ quan tâm lý chiến chế độ Sài Gòn, bây giờ là thuyền trưởng của một thuyền tỵ nạn. Cái ngôi vị hữu danh vô thực ấy tưởng như đùa nhưng nghiêm trọng đấy, sau này con mình nếu là trai thì phải cẩn thận. Anh là một người cha chẳng những không nuôi dậy con nên người mà còn để lại một sự bất lợi về chính trị cho con mình. Chỉ vài ngày nữa anh sẽ đến Hồng Kông, mảnh đất ngọa hổ tàng long ấy chắc chắn hứa hẹn nhiều điều.
 
Cám ơn quý vị đã đọc hết phần I của truyện. Xin quý vị đón xem phần II sẽ xuất bản vào cuối năm 2009.
 
Sau khi đến Hồng Kông, Út Thường, Ba Sơn, Kiên, và các nhân vật khác cùng với cộng đồng người Việt tỵ nạn sống ra sao?
 
Tập thể ban biên tập và các tác giả hy vọng sẽ sớm mang đến cho quý vị những giây phút thư giãn, những ngày cuối tuần đầy phấn khởi pha lẫn những hồi ức không thể nào quên về nhưng ngày trong trại tỵ nạn ở Hồng Kông.
 
Một lần nữa, xin trân trọng cám ơn.