Biên tập Ngô Phan Châu
Chương 4
VỢ CON LIỆT SỸ

Hương bưởi xông lên ngào ngạt, hơi nước phủ đầy tấm gương rộng. Mùi lau lại tấm gương cẩn thận rồi tự ngắm mình. Vẫn còn được đấy chứ­chị tự bằng lòng với thân thể còn sung mãn của mình-sau hơn 10 năm không có mang có chửa, cái bụng mịn màng trở lại như con gái chưa chồng. Hình như lão Đức lùn nhà mình lên chức nhanh cũng nhờ vào tướng vợ, cái mũi của mình thế kia mà không “vượng phu” sao được. Lão ta chỉ được ba điều là yêu vợ chung thủy, sức khỏe tốt và thật thà, thế thôi, còn chiều cao thì thật khiêm tốn, ai lại đi với vợ mà cứ nghển cái chân mãi lên, về nhà kêu đau cổ chân thì còn bộ đội nỗi gì. Hồi đám hỏi, mình đã ngà ngà về chiều cao của lão ta rồi.
 
Hồi ấy mình còn trẻ, không quyết đoán được, lão ta lại mạnh mối. Mặc cái bộ quân phục dạ trông oai thật, bây giờ vẫn trong tủ ấy chứ đâu. Lão Đức chắc là không có tí gì vớ vẩn với con An, nếu có thì tết vừa rồi, chứng kiến mình “hành hạ” lão ta như thế, bây giờ có mà đang ở nhà thương điên rồi chứ. Chỉ có thể là “gián điệp” hay không thôi. Mà “gián gì”, lão Đức có thấy nghi ngờ gì mình đâu mà phải giở trò “gián với chả kiến”.
 
Nếu nói về dáng dấp và phong độ thì chỉ có lão Tài(43) mới ra đàn ông thôi. Tài phải cao tới thước bẩy chứ chả ít, trông lão thoáng lắm, phải cái là hơi già, gần 50 rồi, nhưng dẻo miệng lắm. Già thì cứ nói là già, đằng này lão lại bảo nếu biết trước sẽ quen em hôm nay thì từ hồi đó đã kìm tuổi xuân lại. Đúng là loại tán gái chuyên nghiệp. Ồ mà sao các ngón tay của lão mềm dẻo thế, hôm trước vô tình chạm vào gáy mình, thấy dịu như nhung.
 
Con An này pha nước tắm thơm thật, không uổng cho nó ở nhờ. Mà cũng đỡ vất vả, nó làm hết tất cả mọi việc trong nhà. Mùi duỗi thẳng chân rồi ngả lưng vào cái bồn gỗ cao thư giãn, tay trái hua qua hua lại tìm bánh xà phòng Lux. Chà xát xà phòng khắp nơi, hít thở mùi hương bưởi thơm nức, ấm nồng, bánh xà phòng đi qua hai vai, qua hai bầu vú tròn trịa rồi cũng về lại “chỗ ấy”. Mùi chìm vào một cảm xúc dễ chịu như mê đi, rồi thèm khát phát run lên.
- Ăn cơm chị ơi, sao lâu thế.
- Ờ, chị ra ngay đây. Tiếng An gọi đã làm Mùi tỉnh hẳn trong lúc đang mê mẩn với cảm xúc lãng mạn nồng mùi trần tục. Một lúc lâu sau Mùi mới ra ăn cơm, khó thoát ra khỏi cơn mê ấy, nhưng cũng phải vì có hẹn ở thị xã.
- À An này, em có biết...-Thấy An nằm như muốn ngủ, Mùi mở lời như sắp tâm sự điều gì. -Dạ, em chưa ngủ mà, chị bảo gì ạ?
- Không thấy chú ấy có thư từ gì cho cô nhỉ, chú gì nhỉ...? -À, nhà em..là Thành. Anh ấy ít viết thư lắm, chỉ nhắn tin thôi. Cách nay chừng 2 tháng anh ấy có về qua, em kể chị nghe rồi mà!
- Thế bây giờ sao rồi? -Anh ấy vẫn ở biên giới chị ạ! -Thế xa chồng lâu không biết nhớ à? Cô hiền thật đấy. Mùi cười phá lên giòn tan. Lại nói sang chuyện chồng con và đàn ông, sắp sửa đến màn độc diễn đây, tính chị vẫn thế. Chẳng để bụng cái gì được lâu, có khi chuyện riêng tư cũng mang ra kể tất. -À mà thôi, rau bán thế nào em? -Hôm qua ruộng nhà chị được 4 đồng, hôm nay 6 đồng rưởi, em đưa chị luôn nhé? -Ừ cũng được, em làm cái vườn ấy ra tiền hơn cả chị ấy chứ! Mang giúp chị ít đồ đạc ra bến xe.
 
Còn sớm, chưa 9 giờ mà ngủ gì?
- Vâng, em có ngủ đâu, mà chị đi đâu muộn thế? -À, lại lên nhà bà cô ở thị xã, mà ở trên ấy còn có tí điện. À, em biết không, cái chú Kiên gì đấy, vẫn nhờ chị nhận quà đấy, có ông cậu vợ ở Sài gòn, chết cười, ai lại tên là một con số, số 48, à Tài 48. Chị hỏi mới biết ông ta chỉ cần 48 giờ-Mùi vừa nói vừa cười vui vẻ-để chinh phục một người đàn bà, bất kể khó khăn tới đâu. Còn tiền thì như là ngân hàng, vợ con ở nước ngoài hết, muốn tiêu bao nhiêu cũng chẳng ai ngăn cản.
 
Chị vẫn giao hàng giúp ông ấy, vui đáo để-lại cười rúc rích. Đồ đạc mà Mùi mang theo chẳng có gì nhiều nhưng có An đi cùng chuyện trò cho vui. Trời mới ra Giêng còn rét lắm, mặc hai ba lớp áo len mà chẳng thấm vào đâu, vẫn rét co ro. An đi nép vào lề đường cho bớt gió. Bỗng nghe tiếng chân người: ịch-cóc, ịch –cóc. À ra anh Biền thiếu úy, bị mất một chân ở chiến trường B. Dẻo mồm đáo để, gặp bà chửa như An cũng chẳng tha, cứ liến thắng tán bừa, thậm chí còn bịa là cùng đơn vị với chồng An nữa.
- Chị Mùi ơi, cứ để em chị đấy, về nghỉ đi, em sẽ bế lên bệnh viện cho, đi đẻ hả? - Biền đùa vui vẻ.
- À, chào thủ trưởng Biền-Mùi đùa lại-hôm nào đẻ mà không gọi chú thì gọi ai, hôm nay chỉ bát phố thôi!-rồi chị quay sang An-em thấy không...có nhiều người đàn ông...hay thế đấy!
 
Một mình bên ngọn đèn dầu cô quạnh, giữ trong lòng một thiên thần chưa biết nói biết cười, cô đơn nhưng hạnh phúc, dành trọn tình yêu cho thiên thần bé nhỏ. Chỉ chị Mùi là sung sướng, người ta đã mất một chân mà chị vẫn còn đùa được. Chị gọi Biền là người “chân thật”(44), lúc thì gọi là “chân dài chân tròn”, thấy chị buồn mà gợi chuyện đàn ông ra nói là chị vui ngay.
 
Nhưng có lẽ không nên kéo dài cuộc sống nhờ vả, tạm bợ thế này mãi, bụng dạ ngày một to lên.
 
Anh Đức bây giờ chắc vẫn khỏe mạnh thế, mà vất vả lắm, ở biên giới mà, ngủ một mắt thôi. Thật tội nghiệp anh ấy, quan tâm đến từng chiến sỹ, đã giúp ai thì giúp đến nơi đến chốn, thậm chí quên cả an toàn cho bản thân. Hiểu người, hiểu đời nhưng chỉ có vợ mình thì không.
“Bắc giang ngày 28 tháng 2 năm 1980 Anh Đức Kính mến, Anh Thành nhà em đã 2 tháng nay không có tin tức gì, anh có nhận được tin gì của anh ấy không... Chúc anh khỏe, mong thư anh,
 
An” Đức đọc đi đọc lại bức thư mới nhận, cố gắng suy nghĩ để hiểu thêm những điều An muốn nói. Mà sao lại viết thư vào ngày 28 tháng 2? Mùi thì vẫn khỏe, hôm tết còn như con voi cái, hai chị em vẫn vui vẻ. Có lẽ phải thay đổi, An càng ngày càng khó khăn, bụng to rồi mà, nhưng bây giờ còn kịp không? Phải nghĩ đã. Đến mãi ngày 10 tháng 3, Đức mới trả lời thư An được. Ngay sau đó An thu xếp lên thị xã Bắc Giang rồi đi xe về ủy ban nhân dân một xã ngay cạnh quốc lộ. Người tiếp An là một cựu quân nhân đã luống tuổi, ông Hào chủ tịch:
- Thế ra đồng chí cũng là bộ đội à? Ông từ tốn hỏi.
- Vâng, cháu mới ra quân, đàn bà khổ thế đấy chú, muốn phục vụ lâu hơn cũng không thể.
- Ừ, tôi hiểu, ở đây thì được, nhưng ở biên giới thì không nên. Anh Trỏ ơi!
Ông vừa nói vừa gọi một cán bộ của mình.
- Vâng, anh gọi em-Một người bận một bộ quân phục cũ, đội mũ cối chạy vào.
- Khu nhà bà Cao có còn miếng rau xanh (45) nào không nhỉ- Ông Hào hỏi Trỏ.
- À...còn ạ, hơi bé, mà không cấy được, cái gò ấy mà, hồi xưa là cái lò vôi.
- Thế xung quanh cái lò vôi cũ có đất không?
Ông hỏi kỹ hơn. Đúng là thủ trưởng, An mừng thầm, lò vôi cũ thì tốt, đừng là lò gạch(46), không trồng rau ngót được.
- Dạ...có khoảng gần một sào thôi ạ, vẫn hoang đấy-Trỏ khẳng định.
- Thế này nhé, đồng chí đây mới ra quân, thủ trưởng của đồng chí ấy là đồng đội của tớ hồi ở B (47). Chồng mới hy sinh ở biên giới tháng trước.
 
Ông ngừng lời như chia sẻ nỗi buồn của An, còn An thì thút thít khóc, thực ra không phải diễn mà chỉ là nghĩ đến bản thân mà khóc thôi.
- Cậu làm quyết định giải quyết chế độ gia đình chính sách cho đồng chí Đặng Thùy An, sinh năm 1960, vợ của liệt sỹ Trần Trung Thành, hy sinh tháng 12 năm 1979 ở mặt trận biên giới. Nhớ huy động lực lượng đoàn viên thanh niên(48), học sinh hỗ trợ nhé. Làm nhà chắc chắc một tý đấy, sắp mùa mưa bão rồi. Cần gì thì hỏi tớ-Ông giao việc cụ thể cho Trỏ xong quay sang An-Đồng chí cứ về, mai đến đây gặp đồng chí Trỏ nhé.
- Gọi anh thôi, mình đều ra quân cả rồi-Trỏ lên tiếng rồi nhìn An ái ngại lắc đầu.
 
Chỉ 10 ngày sau là An chuyển nhà hẳn, chị Mùi cũng vui lây. Hôm chuyển nhà “Thiếu Úy Biền” cũng đến giúp, còn có một chân mà rất hăng hái, việc gì cũng biết làm. Mảnh vườn nhà dần dần xanh tốt lên, toàn là rau ngót, sắp được bán lứa đầu rồi. Thế là một gia đình liệt sỹ có một đứa con trai đang ngày một khá lên ở đây.
 
Trên bàn thờ cũng để một khung ảnh, nhưng không có ảnh khổ to, ở góc An cài tấm ảnh chân dung cũ vàng của Kiên vào, bên cạnh còn có khung kính để sẵn đấy, như đang chờ “bảng gia đình vẻ vang”(49). Mỗi khi đến chơi, Mùi vẫn thắp hương, có lần nhìn gương mặt và nụ cười tươi tắn rạng rở của An, chị đùa:
- Sao em không viết thư hỏi xem thế nào?
- Hỏi ai nữa hả chị, em viết thư đi khắp rồi-An cố trả lời Mùi cho qua đi.
- À, Chị Mùi lại cười vui-Viết cho hắn hỏi xem đã “liệt” hẳn chưa, em còn phải lấy chồng.-An hiểu ý rồi cùng cười giòn tan.
 
Ở làng, ai giúp gì cũng được cám ơn rất chân thành, ai giúp vật chất, nhất là tiền đều được ghi chép cụ thể ngày tháng, bao nhiêu...rồi thanh toán lại đầy đủ. Người dân ở đây tính đại khái, nay thấy An làm việc nguyên tắc, cụ thể nên phục lắm. Họ còn kháo nhau là An chắc chắn học cao, chữ viết đâu ra đấy, tiền bạc phân minh lắm, chỉ có mỗi sào rau ngót với cái chuồng lợn mà nuôi con nên người. Cái xã Bắc Lý này có khối nhà đầy lao động, không lo đủ ăn, nhiều khi còn phải đến vay mượn của cô ấy, thế mới tài chứ.
 
______________________
Chú thích:
(43) Tài, còn gọi là Tài, cậu ruột Xuân Lan, vợ Kiên, đang  sống và làm ăn ở Việt Nam, là người được Xuân Lan ủy thác lo cho Kiên.
(44) Ý nói chân giả. Vết bàn chân thật thì dài, vết chân giả thì tròn
(45) Trong thời kỳ còn chế độ Hợp Tác Xã nông nghiệp ở miền Bắc Việt Nam, mỗi gia đình được chia thêm một mảnh ruộng, không phải đóng thuế tên mảnh ruộng này, đó gọi là đất rau xanh.
(46) Xung quanh lò gạch, sự mầu mỡ của đất bị hủy hoại. Ngược lại lò vôi làm cho đất tốt lên.
(47) B-là Nam bộ.
(48) Ở thời kỳ này ở Miền Bắc Việt Nam, phòng trào đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình quân nhân thường thể hiện bằng cách này. Thanh niên và học sinh làm việc tự nguyện, hoàn toàn không công.
(49) Bảng gia đình vẻ vang là giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ, tức là người hy sinh cho cuộc chiến tranh.