Biên tập Ngô Phan Châu
Chương 22
ĐỜI CÔ QUẠNH

“Đời mình đã “bắt” trúng ngay một người đàn ông mà mình yêu, đến người thứ hai có “bắt” được thì cũng chỉ dùng tạm thôi”.
 
“Một chiều Đông, nhà nhà ấm lên trong tiếng bát đĩa va vào nhau, trong hơi bánh chưng thơm nồng, trong hương rau mùi ngào ngạt và mùi bồ kết cay cay của nước tắm gội ngày tết”, mẹ ơi! Thèm quá, nhà mình có gói bánh chưng không?
 
Dũng đọc sách, đến đoạn nói về tết, nó ngưng lại hỏi chuyện mẹ. Một mùa Xuân nữa đang đến, Xuân 89, mặc dù còn nghèo nhưng niềm vui vẫn tràn vào mọi nhà. Thế là kết thúc một năm lao động vất vả, lòng người ai nấy hân hoan, ấy là bởi “đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết”.
 
Nhưng có một người trong lòng vẫn thấy tái tê, vì chàng đã ra đi 11 năm, con chưa biết mặt cha, vợ quên mặt chồng. Cuộc chia ly xót xa, âm thầm sau một lời hò hẹn ngày ấy tưởng như mới ngày nào. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thằng Dũng đã 10 tuổi rồi, là con côi, con liệt sỹ, nó vẫn tự hào như thế.
 
Trong suốt 10 năm qua, hết bi lụy đến chán chường, đã bao nhiêu đêm chong đèn viết thư cho chồng, không biết gửi đi đâu. Đã bao lần An từ chối lời mời, hẹn hò để rồi đêm về lại chong đèn ngồi viết, lại ôm gối khóc ròng.
 
Tết năm nay An về Thái Bình với mẹ, hai mẹ con đang lúi húi dọn dẹp thì bà bỗng lấy ra một bức thư đã cũ, từ hồi tháng 6. Mẹ già lẫn rồi, cứ một mực khẳng định là mới thấy thư đến vài hôm trước, người đưa thư còn xin tiền mà bà không cho. Bà cụ càu nhàu mãi vì bức thư có dán mấy con tem to và đẹp như thế rồi mà vẫn còn đòi xin thêm tiền.
 
An ôm mặt, băng vào phòng trong, cài then cửa rồinức nở khóc mãi. Một dòng chữ, một cái tên đã làm bừng lên một ngọn lửa mãnh liệt, một tiếng lòng da diết, một hơi men cuồng si.
 
Trần Trung Kiên
Glasgow…
 
Cái tên quen thật là quen mà sao nghe như xa vời, nàng khóc như chưa bao giờ được khóc.
 
Ngay khi còn ở Hồng Kông, Kiên cũng đã gửi thư thường xuyên, nhưng suốt 10 năm qua không hề có trả lời.
 
Đã từng là cán bộ bộ đội, An hiểu tại sao lại không nhận được thư của Kiên. Buổi tối, chong đèn viết tới khuya, bức thư dài, báo cho Kiên biết mình đặt tên con là Trần Trung Dũng. Nàng không quên gửi cả ảnh của hai mẹ con, vợ Kiên có biết cũng mặc. An cẩn thận đi gửi thư ở tận bưu điện chính ngoài thị xã. Nàng không chịu chấp nhận một sơ suất nào nữa, lại càng không thể nhân nhượng, anh ấy phải là của mình, phải là cha của thằng Dũng.
 
Đúng một tháng sau lại về quê, chắc là sẽ có thư của Kiên.
- Thư của ai đấy hả mẹ.
Quả đúng như dự tính, Kiên mừng khôn xiết khi nhận được thư của An, không cần úp mở gì với vợ, viết thư gửi khẩn cho An ngay. Dũng hỏi khi thấy mẹ chăm chú đọc mãi, còn khóc nữa.
- Con lại đây với mẹ.
An ôm con vào lòng rồi tiếp tục khóc, thằng bé không hiểu nhưng khóc theo mẹ.
- Đây là bố của con, vẫn còn sống, thư và ảnh của ông ấy đấy.
- Ôi, thích quá, sao bố chưa về? Đang ở xa chứ sao! Tối nay con đọc lại cho mẹ nghe nhé.
An gấp bức thư lại rồi đi nằm mà khóc cho thỏa. Mẹ già không hiểu cứ lầm rầm thắc mắc, tưởng liệt sỹ, ai ngờ báo tử nhầm(64), thế mới may chứ. Mà còn đang ở đâu? Nghe tên lạ thế, chắc là Campuchia.
- Mà Glasgow là ở đâu hả mẹ? - Dũng cũng tò mò, mà bà ngoại cũng hỏi nó nữa.
Viết thư hỏi bố mày ấy, mẹ biết sao được!
 
Nếu không nhận được thư Kiên thì có lẽ An tái giá với Biền rồi, anh ấy đã chính thức cầu hôn. Bây giờ mới biết mình chỉ yêu Kiên. An rối bời, không biết phải làm gì. Mỗi khi nhìn lại thấy mình vẫn như ngày nào, mới 30? Đúng là mới 30 tuổi, tự hỏi rồi lại tự trả lời, An lại tự cười cái tính ương ngạnh của mình.
 
Chị Mùi biết An rất đoan trang, nhưng vui miệng nhiều khi vẫn đùa là không biết An còn khái niệm được đàn ông là gì không. Xung quanh cô chỉ thấy cày cuốc, nông cụ, một sào rau ngót và cái chuồng lợn nữa.
 
“Đàn ông không giống những thứ xung quanh cô đâu?”, nói xong chị lại cười giòn tan mà không hề nghĩ là tiếng cười của chị đã để lại âm hưởng gì trong lòng người đàn bà cô quạnh kia.
 
“Ông cụ” biết con mình sẽ bướng nên đệm chữ “Thùy” vào trước tên mà cũng chẳng thay đổi được gì. Đời mình đã “bắt” trúng ngay một người đàn ông mà mình yêu, đến người thứ hai có “bắt” được thì cũng chỉ dùng tạm thôi, mà “Thiếu úy Biền” thì có bõ bèn gì” Những lúc một mình, An vẫn tự luận về mình như thế.
 
Từ khi Kiên báo sẽ về Việt Nam vào giữa năm 1991, An như mở cờ trong bụng, chắc là sẽ hạnh phúc hơn khi anh ấy từ Trung Quốc trở về. Hàng xóm, bạn bè như đang gặp một An khác, nàng hát thầm khi vắng vẻ, chải chuốt nhiều hơn khi ra đường, cuối tuần cô cặm cụi chăm sóc thảm cỏ trước sân nhà và cây hoa Thiên Lý.
 
An chuyển về Thái Bình ở hẳn với mẹ, nàng dẫn con mình đi thăm hỏi bà con, xóm làng, tự hào về con mình, chồng mình. Trong xóm, ngoài làng ai ai cũng biết “cô An, bộ đội, chồng liệt sỹ, do báo tử nhầm nên nay biết tin chồng rồi thì về quê”, nhiều người còn nói thêm “ở nhà chồng cả chục năm rồi, có mẹ già thì về mà chăm chứ, một mẹ một con nhiều khi tủi thế!”(65)
Có thể Kiên sẽ về cùng Xuân Lan, nhưng mặc! Mẹ vợ cũng chẳng sợ chứ vợ thì… An lại tự cười mình rồi tiếp tục xới đất mở rộng vườn rau ngót nhà mình.
______________________
Chú thích:
64. Ngay từ khi ra quân, rồi ở riêng và sinh con, An đã phải nói dối mẹ là có chồng liệt sỹ, chưa có giấy báo tử
65. Ở làng quê Việt, có nhiều nơi người ta kỳ người đàn bà không chồng mà có con đến hết đời. Trong truyện này, An phải nói dối ngay từ khi mới ra quân, đến nhờ nhà Mùi.