Biên tập Ngô Phan Châu
Chương 14
NGƯỜI ỞNG ƯỜI ĐI

“Hàng ngày có biết bao người đến rồi đi, nhưng xin đừng có một người... Một người khuôn mặt xương xẩu, khắc khổ đang ôm bóng mình nhỏ lệ.”
 
Trại tị nạn chẳng khác gì một xã hội thông thường, có đủ thứ yêu ghét, dại khôn, thiện ác. Nhưng từ trong sâu thẳm, âm thầm mà nghiêm trọng là sự phân biệt vùng miền Nam Bắc, hay màu sắc chính trị như cộng sản chống cộng.
 
Tin gia đình nhà Nguyệt được ông chủ thầu bảo lãnh sang định cư ở Úc lan đi khắp trại, hầu như ai cũng mừng cho họ, nhưng cũng không ít người ghen tị.
 
Trời vừa xẩm tối, Hà liền hớt hải chạy đến chỗ Ba Sơn vì biết có Út Thường cũng đang ngồi vãn chuyện ở đấy:
- Anh Ba thấy sao, tụi mình sống với người Mỹ, đổ máu cho họ, vậy mà người đi định cư trước chúng ta là bọn kia, toàn con em Việt cộng cả. Đời chó má thật!
- Sao thế Còi?
Ba Sơn không thích cách nghĩ, cách nói của Hà, nhưng cũng chẳng làm cách nào được, anh chỉ nhắc nhở thế.
- Thôi, nói kiểu ấy mệt lắm, tụi mình qua chỗ anh Kiên đi, xem có gì hay không? - Út Thường chen vào như muốn Hà dẹp bỏ cảm xúc này đi.
Nói xong Út Thường liền kéo cả ba sang khu Kiên. Đang viết lách gì đó, nhưng thấy có Ba Sơn nên Kiên ngừng ngay. Họ là một cặp văn võ, nể nhau, biết nhau từ khi còn nhỏ. Ba Sơn bỏ học sớm đi giang hồ, còn Kiên theo nghiệp văn chương, lâu ngày không nói chuyện với nhau là lại nhớ.
 
Hôm nay Kiên mới để ý kỹ Hà, hắn có thân hình mảnh mai, khuôn mặt dài, cái mũi thanh nhỏ hơi hếch, cặp mắt tinh nhanh nhưng hơi gian, cứ đảo lia lịa sau cặp kính cận dầy cộp. Tóc dài búi sau gáy trông Hà rất độc đáo. Tiện dịp hắn chủ động tìm hiểu thêm về Kiên:
- Em nghĩ là anh biết em rồi, ai ngờ anh lại không để ý em.
- À, tôi có để ý ai làm gì, phải có liên quan tôi mới quan tâm, tôi bận mà. Vốn là lính văn phòng, sau 75 em trốn không trình diện, thấy cũng chẳng sao. Mà anh cải tạo ngoài ấy vui không?
Hà vờ như vô tình.
- Cậu hỏi hay quá, vui chứ. Nhưng tôi trốn trại rồi bây giờ cũng ở đây.
- Mà mình là quân chính quy, đáng ra anh em mình phải định cư sớm, anh đồng ý không, thế mà... Hà hậm hực thấy rõ.
- Nó bị thằng Hùng Sẹo nẫng tay trên con Oanh nên bực bội đó mà! - Sơn lên tiếng.
Sơn muốn đưa chuyện Hà ra bàn, anh quay sang Hà tiếp:
- Mà tại mày không nói trước, ít ra là với tụi tao. Khi mất rồi mới tiếc rồi um xùm lên. Đã từ lâu chúng nó quen nhau nhưng thằng Hùng không hề đặt vấn đề với con Oanh, tao biết chuyện chúng nó.
- Em cứ tưởng nó có con Nguyệt. - Hà thanh minh.
- Thế mới bảo mày không chịu nói sớm. Tao thấy rõ tướng thằng Hùng không bao giờ dành cho con Nguyệt, tao nhận thấy điều đó ngay từ ngày đầu gặp nàng. Đáng lẽ Nguyệt bây giờ là “chị Ba”(35)
Thường đùa chen vào.
- Đúng thế, mày tinh lắm.
Thường chỉ đùa vô tình, nhưng đúng ý Sơn. Anh thừa nhận có thích Nguyệt, nhưng nhìn tướng nàng anh hiểu người đàn bà này không dành cho mình.
- Ông giỏi thế, biết xem tướngà? - Kiên thấy bất ngờ về biệt tài của Sơn, thán phục. Ít văn hóa nên cũng phải có chút gì đó gọi là văn “nghệ”(36), văn “gừng” chứ.
Họ cười nói vui vẻ rồi chia tay. Riêng Hà vẫn tỏ ra hậm hực, không vừa lòng với những chuyện xẩy ra với mình. Kiên tiễn Sơn ra sau cùng, nhân cơ hội
 
Sơn nói luôn cho Kiên biết Hà là người có âm mưu, không biết mưu gì, nhưng lộ ra ngoài rồi. Kiên thán phục tài xem tướng của Sơn rồi chia tay, không quên hẹn bữa sau bàn tiếp chuyện này.
 
Họ vẫn vậy, Ba Sơn có những tâm sự không nói với ai ngoài Kiên ra. Anh than thở vì chờ lâu quá, hồ sơ thì bổ sung hoài mà vẫn không được đi định cư. Thực ra Sơn còn rất sốt ruột về Huệ, không biết bây giờ có ai tìm được xác nàng chưa? Nàng tự sát bằng cách phi thân xuống vực trước mắt Sơn mà anh không thể cứu được. Nàng ra đi mang theo cái thai mới vài tuần tuổi. Đến nay đã gần 10 năm, chắc là phải chịu thất bại thôi!
 
Kiên rất thán phục trí nhớ của Ba Sơn. Anh vừa mới nhắc lại chuyện quả bóng giắt trên cây me. Hồi ấy cả hai cùng đang học lớp 5 tiểu học, đá bóng trên đường phố gần nhà, rồi quả bóng bay lên nằm trong hốc cây không chịu xuống. Sơn và Kiên cùng leo lên “thám hiểm” cây me cổ thụ, trước khi tìm ra quả bóng, họ thấy mấy cái quần lót con gái. Khi xuống mặt đất, họ lại phát hiện ra cả hai cùng rách quần đùi, để hết cả ra. Thế là hôm ấy “hiệp 2” của trận bóng có 2 “cầu thủ” mặc quần lót con gái trên đường phố.
 
Từ ngày sang Hồng Kông, Sơn đã viết thư về nhờ bạn bè tìm xác Huệ, nhưng không hề có một tia sáng nào. Anh có lỗi với nàng, vì thực ra cơn ghen dữ dội ấy có thể kiềm chế được. Huệ không đáng được đối xử như thế. Nếu yêu, Sơn thích những người như Nguyệt, nhưng thương thì anh thương Huệ như máu thịt của mình. Anh chưa bao giờ quên được nàng.
 
Mặc dù tuổi chưa cao nhưng Ba Sơn đã chứng kiến sự mất đi của nhiều người thân, chỉ trừ người mẹ. Mẹ anh ra đi biệt tích khi anh còn nhỏ. Ba anh mất sau khi cho anh ăn một roi không thể dữ dội hơn. Còn Huệ tự vẫn ngay trước mắt anh, đi thẳng vào vực sâu, sau khi đã cho anh một bài học nhớ đời về tình yêu và niềm tin trong cuộc đời.
 
Nguyệt là một người rất nhạy cảm. Những ngày đầu gặp nàng, Sơn đã cố tình cho nàng hiểu tình cảm của mình. Không phải chờ lâu, trong giây lát nàng đã nhận ra Sơn là ai, và anh muốn gì. Khi bắt gặp cái nhìn thẳng thắn, có sự quyết đoán của một cô giáo trong ánh mắt nàng, Sơn tự hiểu rồi thôi.
 
 
Tính ra Ngọc Lan chết đã 10 năm rồi, sự thương nhớ, sự căm hờn hay những cảm xúc xót thương hồi đó đều ngu ôi ngoai, cái chết của nàng cũng giống như cái chết của những người bạn khác trong chiến tranh. Hìnhảnh Ngọc Lan trong Út Thường còn lại như một người em gái nhỏ, xấu số trên đường đời gian truân của anh.
 
Gần đây Thường hay mon men gần gũi Kiên, khi muốn nghe đọc Kiều, lúc lại muốn tư vấn về tâm lý đàn bà. Sự thay đổi quan trọng trong Thường bắt nguồn từ việc phát hiện ra đôi nét thân quen hay ngồ ngộ của Ngân, anh ta dường như muốn nói chuyện với Ngân trước việc định cư.
 
Còn mình, mỗi khi nghĩ về bản thân, Kiên luôn luôn liên tưởng đến An và con, bây giờ chắc là đã lớn, tung tăng đến trường. Lại sắp bắt đầu năm học mới, giá mà bây giờ được ở Việt Nam để đưa con đến trường thì thế nào nhỉ?
Càng khao khát được thấy con mình, vợ mình thì càng buồn, mà cũng không biết trai hay gái. Những người miền Nam thì có trao đổi thư từ với gia đình, còn người miền Bắc họ phải gửi thư tay hay có một kênh nào khác mà mình không thể thăm dò được. Kiên viết cho An thường xuyên ngay từ khi đến Hồng Kông, nếu tính ra chắc phải gần 100 lá rồi.
 
Người ta xin tị nạn rồi được xét đi định cư là một tiến trình bình thường, còn mình là cựu sỹ quan mà ở đây tới chục năm, quả là không thể hiểu được.
 
Sáng hôm sau trong một cuộc họp với các cán bộ trại, Kiên lưu ý các trường hợp ở trại lâu quá 5 năm, trong đó có bản thân mình. Đồng thời không quên nhấn mạnh trường hợp của Ngô Vũ Hà, mặc dù chưa tin vào lời cảnh báo của Ba Sơn lắm nhưng Kiên cũng cứ lưu ý, hy vọng là trục được Hà đi càng sớm càng tốt
Càng ngày trại càng trở nên hỗn độn. Số người di tản từ miền Bắc sang đây ngày một đông, con số của các trại bây giờ chắc là hơn 50 nghìn người, Kiên phải xoay xở như con thoi suốt ngày. Trong trại Kai Tak có tới cả chục phiên dịch tiếng Anh nhưng gặp những sự vụ quan trọng người ta vẫn gọi Kiên, mỗi tuần vẫn dậy tiếng Anh 4 tiết. Là một người tị nạn như bao người, sống bằng trợ cấp ít ỏi của UNHCR, nhưng lại phải quan tâm tới mọi người, còn bản thân anh thì đang chờ đợi điều gì? Khi nào mới được tái định cư?
 
Sau cái chết bất ngờ của Minh, gia đình Nguyệt Hùng Oanh được đi định cư, lại có sẵn công ăn việc làm ở Úc, họ thật tốt phúc. Bản thân cực nhọc, cô đơn, nhưng được vun đắp hạnh phúc cho người, đó cũng là niềm an ủi, là hạnh phúc của mình vì được ngắm nhìn cuộc sống họ đổi thay.
 
Hàng ngày có biết bao người đến rồi đi, nhưng xin đừng có một người... Một người khuôn mặt xương xẩu, khắc khổ đang ôm bóng mình nhỏ lệ. Anh đa tình hay si tình? Anh đang khóc thầm nghĩ đến cảnh chia ly.
 
______________________
Chú thích:
35. Ý nói ” là vợ anh Ba”
36. Củ nghệ bề ngoài giống củ gừng. “Văn gừng” bản thân nó không có nghĩa, chỉ là đệm choVăn Nghệ, là từ chỉ những hoạt động văn hóa, nghệ thuật