Biên tập Ngô Phan Châu
Chương 20
BÁO THÙ

Ngày 18 tháng 7
“… mơ về Ngân, niềm hy vọng, phần còn lại của cuộc đời anh. Đã bao đêm anh mơ về một ngày có nàng bên anh trong giấc ngủ”
 
- Anh em! “Chúng đa” luyện tập trên cơ sở phục vụ cho cộng đồng trại, vì thế mà “chúng đa” được thoải mái tập mà không cần e ngại điều gì. “Chúng đa” đã học các bài về cứu hỏa, cứu thương.
 
Bắt đầu một bài mới, Út Thường theo thông lệ vẫn mở lời, nói về mục đích, ý nghĩa của bài học. Bản thân không phải giáo viên nhưng anh đã cố gắng hết sức, tuy nhiên khi tự thấy mình cứ “chúng đa” nhiều lần quá anh tạm ngừng để chấn chỉnh, sau vài giây suy nghĩ, anh lại tiếp:
- Hôm nay “chúng đa” sẽ luyện tập môn tập kích. Mục đích của “chúng đa” không phải tiêu diệt hay đánh chiếm, mà các mục đích sau đây:
- Làm tê liệt cơ sở kinh doanh.
- Gây tiếng vang, ồn ào để chính quyền phải can thiệp.
- Trúng vào nơi cần thiết nhất, phơi bầy bằng chứng phạm tội của chúng.
 
“Chúng đa” gồm 20 người, bây giờ chia đều làm 2 phe, bên này bảo vệ đối tượng /mục tiêu, còn bên kia thì tấn công. Tôi sẽ bày thế trận và chỉ huy bên bảo vệ đối tượng, còn Ba Sơn chỉ huy bên tấn công, sau đó đổi lại.
 
Ba Sơn thấy Thường nói năng tiến bộ, cũng mừng cho hắn, “học không nhiều hơn mình bao nhiêu mà nói năng như vậy cũng tốt quá rồi, chỉ có điều cứ “chúng đa” suốt, nghe cũng tức cười”. Họ mải miết tập, sau mỗi lần công thủ lại họp, rút kinh nghiệm, cứ thế tới tận khuya.
 
Út Thường đã mệt nhoài sau một ngày làm việc và luyện tập. Từ ngày Ngân qua đời, anh như một cái máy, mải miết chuẩn bị cho một mục đích, đó là báo thù. Sau nhiều sự thua thiệt trong cuộc đời, anh cho rằng nguyên do một phần cũng tại anh hiền quá, sự bất công vô hình chung càng ngày càng lấn tới như thế.
 
Giống như hàng nghìn người Việt vượt biên rồi bỏ xác ngoài khơi, Ngọc Lan đã trở về với cát bụi, siêu thoát trong cái mênh mông của biển trời. Trong những ngày trước đó, chắc chắn là nàng đã được yêu, được giận rồi được ra đi trong vòng tay của người mình yêu, mặc dù thân xác nàng có thể không về đến đất liền như mong đợi.
 
Ngân tức tưởi, “Nàng Kiều” của anh chỉ nói lời yêu kịp vào phút lâm chung, không ai cam lòng. Người con gái chân yếu tay mềm ấy phải nhận một đòn trí mạng rồi vỡ tim mà chết. Kẻ nào đã đứng sau tất cả những sự việc vừa qua? Anh cần được công bằng, được báo thù. Anh nguyện sẽ tìm ra kẻ chủ mưu để sống chết với nó một phen.
 
Người thân của mình bây giờ chẳng còn ai. Thằng Hà Còi bây giờ chắc là ấm rồi, đã kiếm được con nào nó lo cho, nếu không thì vất vưởng ngoài đường rồi lại mò về trại. Mà kiếm được con to thì cũng tạm, không may bắt được con cũng còi như mình thì… “không cần mua giường đôi”. Cái thằng này bệnh hoạn thật, thân hình còi cọc mà đòi chàng màng con Oanh Chợ Con, quá hoang tưởng.
 
Ngọc Lan bị Việt cộng bắn chết, Ngân thì chết tức tưởi không kịp nói hết một câu…? Còn mình thì sẽ chết như thế nào? Mình đi vượt biên để tìm cuộc sống mới, tại sao bây giờ như thế này?
 
Út Thường vẫn mong gặp lại Hà Còi, hay khôn vặt mà tham vọng; thi thoảng anh cũng nghĩ về Ngọc Lan người vợ đã bỏ xác ở Biển Đông. Anh không ngừng mơ về Ngân, niềm hy vọng, phần còn lại của cuộc đời anh. Đã bao đêm anh mơ về một ngày có nàng bên anh trong giấc ngủ, có nàng và một đứa con trên một chiếc tầu đánh cá, nàng sẽ òa lên sung sướng khi cá đầy khoang. Nàng an ủi, chia sẻ buồn vui cùng anh. Không giống như bao ước mơ của người đời, ước mơ của Út Thường thật giản đơn, bình dị và rất đời thường mà chẳng bao giờ thành hiện thực.
 
Ngày 19 tháng 7
“Sau những xung đột, những cuộc so găng đầy máu và nước mắt, cuộc sống chắc là sẽ bình yên, sẽ khá lên chăng?”
 
Trời vừa xẩm tối, thành phố đã lên đèn. Mỗi góc nhỏ sau vườn, từng viên sỏi ngoài hiên đều như xôn xao tắm trong muôn màu ánh sáng, ở nơi một không gian như thế, ai biết ai giầu nghèo, ai thấy ai áo gấm quần lanh. Người ta đến sòng bạc là cốt để thưởng thức mùi vị đồng tiền, và biết đâu lại tìm được bản ngã của mình?
 
Kiên chưa từng đến những nơi thế này mà hôm ấy lại xuất hiện cùng 2 đàn em của Út Thường. Vừa thấy anh trước tiền sảnh, những lời có cánh đã thi nhau bay lên:
- Ê, thấy gì chưa kìa, hôm nay bụt cởi áo cà sa rồi. Ai cũng là con người cả, biết ăn thì cũng biết chơi chứ.
- Đừng chào hỏi gì cả, coi như không gặp, thế thôi. Chốn này không phải là lớp học, đừng làm cho thầy ấy ngượng.
 
Nhà nghỉ Holiday Inn, tọa lạc ở số 11 - Dundas Street. Đường phố này vốn không sầm uất từ mấy chục năm qua, tồn tại vất vưởng nhờ những dịch vụ mờ ám. Từ khi có người Việt vượt biên sang nhiều, đường phố này mỗi ngày một thay da đổi tht trông thấy.
 
Khu vực giải trí chia làm 5 phòng, mỗi phòng khoảng 30 mét vuông. Một phòng duy nhất để máy game, cạnh đó là một phòng trải một tấm thảm đay thật bắt mắt, sáng mầu, to hơn cái chiếu đôi, xung quanh và giữa thảm như sắp rụng hết lông, chắc tại người ta ngồi chơi bài hàng ngày nên cũ đi. Các phòng còn lại phòng nào cũng kê một cái bàn vuông to, đủ cho cả 20 người, đó là hình thức của các bàn tiệc lớn. Sự bài trí thể hiện khá rõ dụng ý của người quản lý, không muốn đóng thuế sòng bạc, một khoản tiền chênh lệch không nhỏ.
 
Nhân viên nhà hàng đang hối hả lo chuẩn bị, lác đá c một vài con bạc đã tới, bưng ly trà ấm đi ra đi vào sốt ruột chờ tới giờ mở sòng. Họ tới đây là cốt để được mân mê quân bài, sau đó là được mân mê đồng tiềnăn được của bạn đồng sàng hoặc xót xa ngắm những đồng bạc của mình ra đi, đồng tiền phân bạc ở đây không giống ở nhà. Những đam mê cháy bỏng trên chiếu bạc vốn là gia vị mu ôn thủa của vô số những giai thoại về gia đình, bạn - thù.
 
Kiên cùng 2 bạn trẻ tuy không phải con bạc thường xuyên mà cũng được tiếp đón niềm nở, mỗi người được mời một ly trà to miễn phí. Họ được một cô bé người Hoa đưa vào phòng game, hướng dẫn đổi tiền xu và cả cách chơi từng game khác nhau. Kiên cũng thấy vui vui, quả là chúng có khả năng “gây nghiện” thật.
 
Xoảng… xoảng...
 
Một tên Tầu chính hiệu đập tay xuống bàn 2 lần, chén đĩa được dịp tung lên hạ xuống. Mấy tên gác an ninh định xông ra nhưng một chị đứng tuổi ngăn lại rồi tự mình bước đến, từ tốn:
- Dạ thưa đại ca, anh có sao không? Cái bàn để vướng quá?
Hắn liếc ngang qua rồi nhếch mép cười, tỏ ra dễ dãi, thư giãn:
- Ồ, ra có người biết điều thế à. Tôi nhỡ tay ấy mà. À này, không có rượu thì ăn gì, chơi gì.
 
Sau những hành vi ra mắt phô trương ồn ào của một tên bảo kê lâu niên trong nghề là tiếng nhỏ nhẹ có vẻ biết điều của một người đàn ông dễ chịu. Xem ra tên này rất chuyên nghiệp, khi nhẹ thì nghe êm như ru, khi nặng thì nghe như thiên lôi hạ cánh. Khí phách này có vẻ rất khiêu khích.
- Chú làm ơn nói đại ca sang bên nhà hàng, tôi mời, cái gì cũng có. Mà đại ca chú tên gì?
- Họ Vũ (woo) tên Khang, người Thượng Hải, đại ca cần gặp chủ nhà hàng, chị là chủ à?
 
Chị quản lý đã chuyển sang giao dịch với người trợ lý của tên kia, chị thấy hắn đứng sau tên đại ca từ lâu. Tên đại ca tỏ ý vừa lòng, mặc cho đệ tử của mình làm việc.
 
Nghe tiếng ồn ào, ai cũng tò mò, thập thò nhìn vào phòng giữa để xem có chuyện gì. Dường như tên Khang thấy đã đạt mục đích, hắn lớn tiếng:
- Chỗ này tổ chức đánh bạc trốn thuế, tôi biết chủ nó là một tên Đài Loan, tay to đấy, tôi muốn làm ăn ở đây, cần hắn hợp tác, chỉ thế thôi.
 
Như một người thương lượng chuyên nghiệp, hắn ngừng lời, quay sang phía mọi người đang nhìn vào tò mò hóng chuyện:
- Đã phiền đến sự yên tĩnh của quý vị, mai mốt gặp lại.
 
Nói xong, hắn như muốn chuẩn bị ra về, nhưng vẫn ngồi trên một góc bàn, chân phải và chiếc giầy da đen bóng lộn gác hẳn lên mặt một cái ghế phòng khách, một tay cầm ly trà nóng, tay kia mân mê xung quanh mãi như muốn nói gì thêm, mắt chăm chú ngắm nghía quầy bar không có rượu. Một thân hình đồ sộ trong bộ complet mầu xám, mái tóc húi cua, trông hắn không hiền, mà cũng chẳng ra hẳn một tên bảo kê, nhưng cặp mắt tinh anh sau cặp kính trắng thì khác, rất lạnh và rất lỳ lợm.
 
Một người đi cùng Kiên biết nói tiếng Quảng đông, tên Hải. Được Kiên nhắc khéo, Hải đến cạnh tên đại ca nhỏ nhẹ:
- Chào đại ca, em tên Hải, người Việt tỵ nạn, đang không có việc làm, đại ca có gì làm chiếu cố em nhé.
- Mày nói tiếng Quảng à? Ê, phiên dịch cho tao chứ.
 
Tên đại ca tỏ ra phách lối, nhưng sau đó hắn gọi tên đệ tử biết nói tiếng Việt đến dặn dò đôi điều rồi đi ra cửa. Tên phiên dịch nói chuyện với Hải vài câu rồi họ trao đổi một số thông tin riêng tư, sau đó hắn tỏ vẻ hơi vội, đi ra theo đại ca và trà trộn vào khách bộ hành chộn rộn trên đường.
 
 
Ba Sơn thấy hai thầy trò tên Khang Vũ vào tửu quán đã lâu mà không thấy động tĩnh gì, anh lo lắng tự hỏi không lẽ thằng này mò vào đây đánh bạc? Mà Kiên cũng lạ, mất hút trong đó? Anh bán tín bán nghi muốn vào xem sao, nhưng bất chợt thấy cửa sau mở, rồi 2 người đàn bà xách 2 túi lớn, nặng nhọc bước ra, dáng họ quen quen như vẫn gặp đâu đây, một chiếc CAMRY sáng mầu đến đón họ rồi mất hút trong bóng đêm.
 
Lượn lờ giả bộ hút thuốc bên ngoài, Ba Sơn chợt nhớ ra hai người đàn bà ban nãy, họ vẫn giao giò chả cho bà con mình trong trại, hôm nay lại ra từ cửa sau của tửu quán này. Thế là anh vội vã đi thẳng về Kai Tak, Út Thường còn đang rất sốt ruột chờ tin tức, thấy Ba Sơn về sớm liền hối hả hỏi chuyện. Rồi họ cùng ra ngoài nghe ngóng tình hình, có thể đêm nay họ cũng tham gia trực đêm an ninh như thường lệ, cả hai cùng muốn xác minh lần cuối về nguồn gốc của những miếng giò chả có nhân vẫn bán trong trại này.
 
Đến nửa đêm thì Kiên và 2 người bạn cũng về tới Kai Tak. “Góc vườn tỷ thí” của Út Thường có đầy đủ các chiến hữu đang chờ họ. Ba Sơn đã chờ họ ngoài sòng bạc, bây giờ không thể kiên nhẫn thêm nữa:
- Hôm nay thầy tính lên lớp tối à?
- Ờ, ông chờ lâu quá hả, có chuyện hay đây! - Kiên có vể hồ hởi.
Sau khi nghe Kiên kể về việc họ vừa gặp trong tửu quán ở Dundas Street, rồi chuyện thăm dò tư gia của ông chủ sòng bài, Ba Sơn không hề ngạc nhiên quay sang Út Thường?
- Mày thấy tao nói đúng không? Mặt trước là tửu quán, bên trong là chiếu bạc, mặt sau là phân phối ma túy. À mà Kiên nói có thăm gia chủ là thế nào?
- Chưa thăm, khuya rồi làm sao thăm. Chỉ vì thằng kia cho Hải biết là ông chủ quán ở địa chỉ ấy, đến mà xin việc. Tôi với chúng nó đi thăm, là thăm dò thôi.
Địa chỉ ấy quả là có một lão Đài Loan thật, có một số đệ tử sống chung, dùng xe Camry đời mới, oai lắm đấy.
 
Kiên thận trọng, chỉ nói những gì mình biết, chờ Ba Sơn và Út Thường có ý kiến.
- Vậy anh tính sao? Không làm thịt nó đi còn chờ gì? Nó ở trong lâu đài, tính bắt cóc Ngân về làm tì thiếp.
 
Út Thường vẫn chưa bớt đi sự căng thẳng, bức xúc trong người. Anh luôn chỉ muốn ăn tươi nuốt sống kẻ nào đã sát hại người yêu mình. Ai cũng thông cảm với Thường nên mới ngồi đây, Ba Sơn lên tiếng:
- Những thông tin này khảng định là chúng ta đã hiểu đúng bọn này. Sự việc bây giờ khá đơn giản.
 
Ba Sơn giành quyền chỉ huy vụ này. Nghĩ cũng phải vì Út Thường không còn bình tĩnh để làm chỉ huy. Kiên thì không phải người trong chiến đấu, anh phó thác hết cho Sơn.
- Út, mày chọn 2 thằng có khả năng giao cho Kiên, còn tao với mày đi vào mũi chính, cần vài cộng sự nữa thôi. Còn lại cho họ về nghỉ, chúng ta bắt đầu họp đi thôi. Được không?
 
Ba Sơn rất tự tin vào kế hoạch của mình. Việc đánh một quả mìn định hướng ở cửa sau tửu quán thì quá đơn giản, chắc chắn sẽ không sát hại ai trong nhà, chỉ lo sát hại người đi đường. Nhưng việc đó đã có Kiên lo, hắn có dư khả năng. Còn việc chống chọi với bọn võ sỹ bảo vệ tên Đài Loan kia cũng chẳng khó bằng việc để cho một mình thằng Út đấu tay đôi với hắn. Mà thằng Út cũng gàn thật, báo thù thì cứ làm đơn giản, giết hoặc bắt về rồi giết là xong, tự tay mình làm thì rốt cuộc cũng có khác gì?
 
Thế là đã hơn chục năm rồi, chỉ huấn luyện mà không tập kích ai. Có thể tập võ là một đam mê và cũng chỉ là một đam mê mà thôi. Nhưng vả lại, như cha mình vẫn nói, nếu không có thi đấu thì môn nào cũng mai một dần đi. Mình chẳng mấy khi thi đấu, bây giờ ngày một lớn tuổi, còn đấu được không? Chắc là đêm nay lại mất ngủ, mọi người đang thở đều, có đứa còn ngáy khồng khộc. Trong một lều cũng đã có tới mấy loại người, vậy trong thế gian thì có bao nhiêu loại người?
 
Út Thường quá mệt mỏi, sự căm phẫn đang đốt cháy anh ta. Đêm nào anh cũng trằn trọc trong căm phẫn và nỗi đau.
 
Không biết tên Đài Loan kia gặp Ngân trong trường hợp nào mà lại đòi bắt nàng về làm tì thiếp cho mình? Thằng này chắc là ngắm nàng ở công trường? Đàn bà ở Hồng Kông này đâu có khan hiếm, nó muốn ai chẳng được, vậy mà thằng chó này lại muốn Ngân của mình. Chắc chắn là thằng này cũng mơ thấy hàng đêm có nàng trong vòng tay, trên giường ngủ? Thằng chó này, không thể tha được! Cái ông Kiên này bao giờ cũng lừng khừng, đám đàn em mình đã phanh phui ra thằng này từ mấy hôm trước rồi. Bây giờ ông ấy mới sáng mắt ra. Thằng nào có học mà chẳng lừng khừng như thế.
 
Như vậy là dường như đã thông qua kế hoạch hành động. Xuất thân là một sỹ quan chính trị, đây là lần đầu Kiên tham gia tập kích, kể ra cũng hơi hồi hộp. Nhưng cũng không nên suy tính quá, biết đâu thành ra băn khoăn thì cũng chẳng tốt cho trận chiến ngày mai. Khi đã phó thác sứ mệnh cho người khác, điều duy nhất phải làm bây giờ là tuân theo lệnh cấp trên. Sơn cũng là người biết chỉ huy, không ngờ hắn cũng khá vậy, sắp đặt đâu ra đấy. Kiên thầm thán phục bạn mình.
 
Quả là con người phức tạp, hết yêu thương đếnhận thù, giết người rồi cứu người, nghĩ mãi mà chẳng thoát ra khỏi những vòng luẩn quẩn đó. Sau những xung đột, những cuộc so găng đầy máu và nước mắt, cuộc sống chắc là sẽ bình yên, sẽ khá lên chăng?
 
Ngày 20 tháng 7
“Thế là lại một vong hồn nữa cùng một thanh gươm vong quốc vĩnh viễn xiêu bạt trên xứ người”
 
Hồng Kông bây giờ như thấy hưu quạnh, mới nhá nhem tối mà khách bộ hành đã thưa thớt, người ta vẫn đổ tại có người Việt tị nạn ngày càng đông làm cho tình hình an ninh xấu đi, trước đây đông vui tới khuya. Lời cáo buộc ấy cũng có phần đúng, mặc dù bản chất người Việt vốn không lưu manh nhưng trong hoàn cảnh này nhiều kẻ bị nhuốm mầu rất nhanh.
 
Robert hôm nay làm việc muộn, có thể còn phải sang thăm bên sấp ngửa. Phải xem Vũ Khang là thằng nào, dân Thượng Hải à? Ông cụ nhà mình chắc là biết “ông cụ” nhà nó. Robert vẫn chỉnh tề trang phụ, hết ghi chép đến tính toán. Mọi ngày vào giờ này ông đã cởi bỏ xiêm y, tắm gội rồi, mà không biết còn phải diễn trong bộ này đến chừng nào.
 
Một chiếc xe Jeep nhà binh đang từ phía Dundas Street tiến dần về phía văn phòng Robert, giảm tốc độ rồi bỗng dừng hẳn trước cánh cổng sắt bề thế. Ông Tsum nghi hoặc nhìn ra, nhưng từ trong xe, tài xế bước xuống, hắn bận một bộ quân phục mỹ, tay xách bộ đồ nghề toan sửa chữa máy móc, ông chép miệng: tưởng gì, xe nhà binh mà cũng bị pan, mà đừng lâu quá đấy, ta sắp phải đi đây!
 
“Bù.… ùm”
Bỗng một tiếng nổ vang trời làm chấn động cả Kow Loon, rất gần đâu đây? Tên tài xế vội vã bước lại vào xe, trong nhà Robert chuông điện thoại bỗng vang lên, ngay sau đó là những bước chân vội vã. Tiếng nổ vừa rồi có liên quan đến họ.
 
Xe cứu thương, cảnh sát, rồi cứu hỏa đua nhau rú còi inh ỏi, chúng đang chạy về phìa sòng bạc trên Dundas Street. Từ trong xe Jeep nhà binh, 4 người lính mang mặt nạ, nai nịt gọn gàng nhẩy xuống đúng lúc vắng xe qua lại. Nhanh như sóc, họ đột kích căn biệt thự của Robert.
 
Bọn tay chân của Robert vốn là những võ sỹ chuyên nghiệp, nhưng bị bất ổn từ lúc nghe tiếng nổ, rồi thông báo từ bên sòng bạc, một lúc sau mới nhận ra là đang bị đột kích. Cả bốn người trong nhóm Ba Sơn cùng tấn công Tsum, lão già bình tĩnh tựa lưng vào một góc tường thủ thế rồi lùi dần về phía nhà kho chờ cho các cháu mình ra hỗ trợ. Hắn vừa mở tung cánh cửa lối đi vào khu nhà ăn thì thấy trên xe còn thêm một người lính nữa bước xuống, thân hình đồ sộ như hộ pháp. Nhưng đã muộn, hắn không thể làm gì thêm ngoài việc chống cự để tự vệ.
 
Chỉ bằng một cái hích gối đơn giản, Út Thường đã mở được cửa chính của biệt thự. Robert vẫn quá tin cậy vào đội cận vệ của mình, đang điềm nhiên ngồi trước bàn làm việc, hắn thất sắc khi thấy cánh cửa bung ra rồi tên lính khổng lồ bước vào như chốn không người. Vốn quen trận mạc, gặp lúc cần đến độc chiêu, Robert bấm nút trên bàn làm việc, đèn tắt hết, tối om. Út Thường bị bất ngờ nên tựa lưng vào cạnh cửa ra vào thủ thế, cặp mắt anh dần dần quen với ánh sáng yếu ớt từ hành lang hắt vào, anh tự nhủ: “hóa ra một tên khọm già, hôm nay là ngày giỗ của mày. Em yêu, hãy ngủ yên nơi chín suối”.
 
Vừa lúc đó Robert mở cửa thoát hiểm chạy vào một hành lang hẹp, Út Thường nhanh chóng phóng theo đến một phòng khác còn tối hơn, anh cảnh giác, từng bước rón rén. Có tiếng động do nhóm Ba Sơn và bọn Tsum đang giao đấu ở một phòng khác vọng sang, Út Thường bất giác phân tâm, rồi thấy lạnh từ bên trái, anh né vội sang phải, một nhát gươm chém rất ngọt sát góc trán bên trái, rồi tiếng đạp vào tường, đối phương đã ở ngay trước mặt. Trong ánh sáng yếu ớt hắt vào từ hành lang, thanh kiếm ngắn lóe lên khi chém ngang, rít lên xé gió khi đâm tới.
 
Sau một loạt các cú chém uy hiếp, Robert thủ thế đứng cách xa Út Thường tới vài bước chân, mỗi lần chân bước là hắn lại chuyển kiếm sang một thế thủ khác. Robert thấy chúng công kích quá gay gắt và bất ngờ nên tự hỏi: Khang Woo sao? Không ngờ chúng không chờ thương lượng, muốn ra tay ngay. Bọn này thuộc loại gì?
 
Soạt...
Trong khi Robert đang lưỡng lự, Út Thường xoạc chân rộng, định luồn chân trái dưới háng Robert, nhưng hắn chém mạnh lưỡi kiếm từ trái qua phải rồi lăn một nửa vòng, rất mau lẹ.
 
Út Thường bị nhát kiếm chém xoẹt qua sát một bên mặt, lạnh cả người. Anh thấy cần cẩn thận hơn, quả là mình đã đánh giá thấp đối phương, hắn thủ rất tĩnh mà phản công linh hoạt, rất nguy hiểm.
 
Thanh kiếm trong tay Robert uyển chuyển, bao bọc lấy toàn bộ phần trên cơ thể. Chuôi kiếm không bao giờ ra quá tầm, không cho đối phương cơ hội tấn công trực diện, hơn nữa đây là phòng tập của hắn, trong bóng tối mà hắn không bỏ sót một hành vi nào của Út Thường. Sau nhiều hiệp, cả hai cùng thấy cần thay đổi cách dứt điểm, không thể kiên nhẫn hơn, cơ thể Út Thường đã có một vài thương tích. Anh giả bộ tung một cú sút mạnh, Robert thu kiếm rồi lùi ra xa, Út Thường tranh thủ cởi áo ngoài.
 
Cái áo nhà binh trong tay Út Thường phát huy tác dụng khá tốt, đây là điều làm cho Robert bất ngờ, hắn thầm thán phục sự nhanh trí của đối phương. Cái áo thành cây roi vải, khi đánh thẳng vào mặt đối phương, khi quất vào cây kiếm ngắn. Robert cũng thay đổi cách đánh, hắn ít chém ngang hơn, đặc biệt khi bị vướng kiếm vào “roi vải” thì lập tức đâm tới rồi mới thu kiếm về. “Thằng này cao thủ thật” Út Thường tính toán cách dứt điểm hắn đã ai chịu nổi 10 phút với Út Thường ngoài Ba Sơn, nay lại có mày. Thằng chó này thuộc môn phái nào? Sao lại giống như Việt nữ kiếm?
 
Thấy Robert đang ở gần góc phòng, Út Thường dùng tay phải quất mạnh roi vải về phía tay kiếm bên phải Robert. Biết đây chỉ là động tác giả, Robert thu kiếm về đồng thời né sang trái. Út Thường tung ngay một cú sút mạnh vào mặt hắn, không trúng, thế là tay trái anh đánh trờm tới. Robert dường như chỉ chờ đợi thế đánh này. Hắn dùng hết sức đâm thẳng thanh đoản kiếm vào sườn trái Út Thường, nhưng rồi hắn chợt nhận ra nguy hiểm… đã muộn…
 
Bị thanh đoản kiếm ghim sâu vào sườn trái, Út Thường đau đớn hơi khụy chân trái xuống, mắt anh hoa lên, hình bóng yêu kiều trong đau đớn trước khi tắt thở của Ngân như hiện về. Tay trái của anh đã tóm trúng cổ tay phải của hắn, tay phải tóm được cánh tay trái hắn.
 
“Rắc…” Út Thường siết mạnh.
Robert đau đớn, choáng váng, mềm nhũn, cổ tay phải của hắn gẫy lìa. Út Thường bồi thêm một cú chặt cườm tay vào cổ Robert. Hắn chưa kịp hiểu được một điều là trong cận chiến việc để hở sườn rồi chịu một đòn trước đối phương có thể là một cái bẫy.
 
Trong căm phẫn, Út Thường quên cả đau đớn. Anh hồi sức sau cơn đau ở nhát kiếm bên sườn, chợt nhận ra lờ mờ trong bóng tối một thân hình còi cọc. Thằng này còn chưa hồi phục, nên tiễn hắn đi cho ngọt. “Tao trả lại mày cú đấm này, thằng chó.” Vừa chửi thầm anh vừa dùng hết sức đấm thốc lên mỏ ác Robert, hắn gục hẳn. Hai ngón tay Út Thường lướt lên cuống họng Robert, móc hẳn vào như hai cái móc thép, rồi lại kéo ra một miếng thịt… Máu phun ra đầm đìa cả khuôn mặt Robert, cả sang mặt Út Thường nữa. Thân thể anh bây giờ đâu cũng đầm đìa máu.
Tay trái anh đang nắm đầu Robert bỗng nhiên lỏng lẻo, mớ tóc giả của hắn lèo nhèo trong bàn tay anh, để lộ ra một mớ tóc đen lởm chởm. Trong sâu thẳm vọng ra một câu chửi lẫn trong tiếng rên: mi là thằng chó nào? Ôi đau quá mạ ơi.
 
Thanh đoản kiếm vẫn còn giắt vào xương sườn, Út Thường điềm tĩnh cố sức rút kiếm, máu phun ra xối xả, anh đau điếng trong khoan khoái. Nhưng bỗng nhớ lại hình như mình đã nghe được gì, rồi anh vội vã tìm công tắc đèn mà không thấy. Anh đấm mạnh vào một cánh cửa, đèn báo động bật lên xanh ngắt, chớp liên hồi.
 
Trên sàn nhà nguyên hình là Hà Còi, hắn đang chết dần, thân thể đỏ lòm đầy máu, và máu vẫn tiếp tục chẩy ra. Út Thường không thể tin vào mắt mình, anh đánh rơi thanh kiếm, quỳ xuống bên xác Hà mà than khóc cho sự trớ trêu của số phận. Rồi anh nhìn vào lòng hai bàn tay mình kinh ngạc:
- Trời ơi, bàn tay của ta, man rợ vậy sao! Môn phái Bình Định của ta, đã có ai giết người bằng ngón tay như ta?
 
Anh phát hoảng rồi như không tin vào mắt mình, anh kiểm tra vết thương ở cổ Hà, rõ ràng là ngón tay anh đã móc vào trong đó. Anh lại nhìn vào tay mình, co vào rồi duỗi ra 2 ngón tay. Trước đây anh không hề nghe nói Hà học Việt nữ kiếm ở đâu. Mẹ hắn là chị em với mẹ Thường, là giáo viên ở Tây Nguyên. Bà ta bây giờ đang ở đâu?
 
Út Thường trở nên điên loạn, không làm chủ được mình, anh cầm kiếm lên, vừa hét vừa múa. Anh chưa từng học đoản kiếm nhưng anh đang múa kiếm như một kiếm sỹ chuyên nghiệp, rồi anh đuối sức, quay về cạnh xác Hà, quỳ xuống, ngẩng mặt lên trời mà thét:
- Còi ơi, tại sao lại là mi? Tại sao?
Rồi anh chỉ kiếm lên trời mà quát:
- Ông Trời! Ông sinh ra ta nhầm thời đại, tại sao lại còn bắt ta phải sát hại người thân? Hãy trả lời ta…
 
Sau tiếng thét đau đớn là nhát gươm chém vát vào cánh tay trái, bàn tay anh đứt lìa hẳn ra. Quả là bảo kiếm, sắc bén vô cùng.
- Còi ơi, hãy tha thứ cho tao. Mi yêu Ngân từ bao giờ, sao không nói cho tao biết? Thằng chó, mày ngu quá, không biết tao yêu nàng thế nào sao? Mày đòi chiếm đoạt nàng bằng bạo lực. Khổ cho mày rồi, thân hình còi cọc mà cao vọng, đồ chó.
 
Chỉ còn một tay phải, Út Thường vuốt mắt, vuốt cả mặt, đầu tóc đầm đìa máu của Hà, vừa khóc vừa chửi rủa. Rồi bất giác anh cầm thanh kiếm lên, đâm thẳng vào bụng mình, cùng lúc ấy Hà giẫy mạnh, chân trái hắn duỗi thẳng ra, đạp vào chân trái Thường, anh ngã sấp, thanh kiếm đập xuống nền, mũi kiếm chỉ mới vừa chớm đâm vào bụng. Út Thường giật mình nghĩ có thể Hà còn sống. Vừa lúc Ba Sơn thấy đèn báo động bất thường nên chạy qua, mới nhìn sơ nghe tạm anh đã hiểu rõ chuyện rồi liền ra lệnh rút khẩn cấp.
 
Mặc dù Út Thường điên loạn chống cự dữ dội đòi mang xác Hà theo, nhưng Ba Sơn không chịu và đành điểm huyệt cho ngủ gục rồi mang Thường lên xe. Máu ở cánh tay trái phun ra xối xả, bàn tay trái cứng như sắt đã gửi lại với Hà.
 
 
Khác với mọi ngày, trại Sám hôm nay cũng có lính gác nghiêm ngặt, chắc là có sự vụ do bọn Ba Sơn gây ra nên chúng tăng cường an ninh. Chiếc xe nhà binh cho 2 đồng đội xuống gần cổng rồi họ dừng lại bên một quán ăn, mở hé cửa ra hỏi thăm đường. Ba Sơn cũng bí mật ra khỏi xe, tìm một chỗ riêng cho mình trong quán. Hai người bạn đường kia đang đến gần lối vào trại Sám, họ bắt đầu to tiếng:
- Thằng chó, mày có trả tiền không thì bảo? Không trả đấy, mày làm được gì tao! À, đồ vô ơn, đồ xảo trá.
 
Hai học trò của Ba Sơn bắt đầu cãi nhau rồi đánh đấm dữ dội. Vừa đánh nhau họ vừa hét ầm ỹ cả một khu phố, ngay trước cổng trại Sam Sy Bẩu.
 
Đã nửa đêm mà 2 thanh niên này không tỏ ra biết tôn trọng sự yên tĩnh của mọi người, gây náo động ngay trước cổng trại. Bọn lính gác không kiên nhẫn nổi liền gọi thêm người ra can thiệp, hai người kia chẳng chịu, họ vừa đánh nhau vừa di chuyển loanh quanh, thậm chí còn chống lại sự can thiệp của bọn lính gác. Mãi lâu sau họ mới bị bắt, dẫn vào trại, ngủ lại một đêm trong phòng tạm giam.
 
Trong khi hai người kia ẩu đả dữ dội, Út Thường đã lọt vào Sam Sy Bẩu. Khi lập kế hoạch, Kiên không thể tìm được nơi nào dự phòng kín đáo hơn một phòng trong trại này nên mới phải đưa Út Thường về đây. Kai Tak thì tiện lợi nhưng không thể dùng được trong hoàn cảnh này.
 
Sau vụ nổ phía cửa sau tửu quán, Kiên và 2 đồng đội khác trà trộn trong khách chơi bài, là nạn nhân của một vụ gây rối, rồi tìm cách về trại ngay. Anh đã đến chờ sẵn trong khu của những người miền Trung ở Sam Sy Bẩu. Anh em tham chiến kể lại chuyện tập kích và Hà thường làm Kiên sửng sốt hơn bao giờ hết. Lần đầu tham chiến của anh đã thu được những kết quả rất bi thương.
 
Trong trại này có nhiều người quen biết Út Thường, họ chăm sóc tận tình, cho dùng thuốc giảm đau liều cao. Út Thường tỉnh lại lúc nửa đêm, mất nhiều máu nên mệt mỏi, vẫn luôn kêu tên Hà Còi. Thấy bàn tay trái Út Thường không còn, vết thương vẫn chẩy máu ra đầm đìa, ai cũng thương, chẳng những Út Thường mà cả Hà nữa. Bà con nghe chuyện rồi ai nấy khóc thầm. Kiên xót xa, lỗi cũng một phần do anh, đi trinh sát mà không biết đối tượng là ai, đang được hóa trang hay không. Anh ở bên Út Thường đến khi có người đến thay, rồi anh cũng đi tìm một nơi để ru nỗi đau của mình.
 
Con người khi còn sống thì nhiều khi bon chen, so bì với anh em đồng đội, thậm chí với cả những người ruột thịt của mình. Khi đã lìa cõi dương gian thì ngay cả thanh bảo kiếm gia truyền cũng chẳng mang theo được. Địa bàn Hồng Kong, Kow Loon như một cái máy in tiền khổng lồ, nay thuộc về nhóm bọn Quảng Châu. Hà chưa bị học hết chiêu kịp NGƯ ÔNG ĐẮC LỢI trên thương trường
Khi còn sinh thời, mặc dù đôi khi tỏ ra xấu tính, nhưng Hà là người biết xót xa cho số phận người Việt trên con đường phiêu bạt. Trước mỗi cái chết của người Việt, y đều ngẩng mặt lên trời mà khấn vái, cầu cho sự siêu thoát của một vong hồn. Nay không ai biết phó linh hồn cho anh ta nữa.
 
Thế là lại một vong hồn nữa cùng một thanh gươm vong quốc vĩnh viễn xiêu bạt trên xứ người.
 
Ngày 21 tháng 7
“Thuốc mê ngấm nhanh, anh lại thiếp đi trong những giấc mơ về mẹ, về quê hương trìu mến.”
 
Mặt trăng đã khuất sau những hàng cây rậm rạp, không gian tịch mịch bên sườn đồi thoai thoải, gió nhẹ rung cây xào xạc, vuốt ve làm khuôn mặt anh như giãn ra, nhưng vẫn chẳng bớt bồn chồn, chỉ mong thiếp đi một chút cho lại sức mà không được. Bây giờ chắc là bọn đàn em đã đưa thằng Út về đến trại Sám rồi, hắn sẽ được Kiên chăm sóc, còn bản thân không biết ngày mai sẽ ra sao. Từ khi sang Hồng Kông đến nay mới có một trận đánh như đêm qua, bọn Thiếu Lâm ở đây quả là cứng, chỉ loại khỏi vòng chiến đã khó chứ nói gì tới giết một thằng.
 
Thằng Hoàng, sau khi bị Huệ xỉ vả rồi chứng kiến cảnh Huệ gieo mình xuống vực tự tử, nó hoảng loạn như một thằng điên. Có lẽ nó cũng yêu Huệ lắm chăng? Thằng Hòang đã xin nghỉ, về quê ở ngoài Bắc, không nghĩ tới việc truy xét hay trả thù gì nữa, bỏ lại đứa con trai cho Yến và Hằng nuôi. Vả lại, lương tâm nó có bình yên khi ở lại không? Cá nhân nó muốn trả thù một võ sư như mình có được không?
 
Xem cách ứng xử mới thấy, rõ là Huệ không yêu thằng Hoàng như chính nàng đã lầm tưởng trước đây, cũng chẳng yêu chồng lắm. Vậy thực ra nàng yêu ai?
 
Người ta phải bỏ mồ mả cha ông để đi vượt biên là bởi mảnh đất cha ông không còn dung dưỡng họ, không còn cho họ cơm ngon quả ngọt, còn Ba Sơn, một võ sư có tài có danh, đi vượt biên vì cái gì?
 
Người ta đi vượt biên vì bức xúc chính trị, dị ứng với chế độ mới, hoặc vì kiếm tìm một chút hy vọng cho tương lai… Còn mình đi vượt biên vì chạy trốn một nỗi đau. Bây giờ vong hồn của Huệ chắc là vẫn còn lang thang nơi rừng u núi tịch, phải chăng ta cũng là một kẻ hèn?
 
Cha mẹ không còn, nhưng ở Việt nam vẫn còn chị hai, chị vẫn sống còn mình… vẫn còn sống. Sự ra đi bí ẩn của mẹ khi ta còn thơ dại đã để lại trong lòng một khoảng trống không tên, không lý giải được. Ngay cả những lúc còn hạnh phúc bên Huệ, mỗi khi có chút hơi men, ta thường nóng giận vô cớ, phải chăng cái khoảng trống trong ta ngày một lớn lên?
 
Chị Hai có chồng là lính, gia đình giầu có, tại sao không bỏ ra ít tiền để vượt biên? Tại sao sau 30-4 cha mình hay ra Nha Trang với chị Hai vậy? Phải chăng chị vẫn đang đợi mẹ trở về? Chị Hai kín tiếng vậy sao? Chị cần có mẹ, còn ta có cần mẹ không? Chị mà giấu tung tích về mẹ thì chị không yên với tôi. Mẹ ơi, chị hai ơi, …
 
Dưới mái hiên chùa, một người đang ngồi thiền mà không thiền nổi, không thể xua đi mọi âu lo đời thường. Làm sao cho tâm trong sạch, để ngày mai ăn bữa cơm chùa mà khỏi phải ăn năn vì mình chưa chay tịnh?
 
Trời gần sáng, trong chùa đã bắt đầu vang lên tiếng tụng kinh của sư cụ, chỉ lát nữa thôi chú tiểu sẽ quét lá tới đây và sẽ gặp mình. Ngủ thế này có được chăng?
 
Tự hỏi mãi mà không trả lời được, ngồi thiền mãi mà không thiền được, cuối cùng Ba Sơn cứ thế mà ngủ thiếp đi dưới hiên chùa.
 
 
- Ủa, chú tỉnh rồi, tốt quá, mà đau lắm hả. Ngủ được nữa không?
- Cám ơn chị, đau lắm, mà chị thấy anh Kiên với Ba Sơn đâu không?
- Anh Kiên chịu không nổi, ảnh ở đây cả đêm rồi, cũng khóc miết. Ảnh có phải gỗ đá đâu. Ối, đau quá, tay trái tôi nó… Ối… đau quá…Ah.
- Đây, có ngay, chắc là phải một mũi nữa.
 
Út Thường tỉnh lại rồi đau, lại phải chích một mũi thuốc nữa, anh rên nhẹ rồi lại thiếp đi. Vết chém ở cánh tay trái rất ngọt, nhưng cũng phải sát trùng, bây giờ cũng tạm ổn, mà chắc là còn đau lâu nữa. Thuốc mê ngấm nhanh, anh lại thiếp đi trong những giấc mơ về mẹ, về quê hương trìu mến.
 
Khắp từ đầu chợ đến cuối chợ, người ta đang kháo nhau:
Bữa ny o ráng bán cá nghe!
 
Mỗi mùa cá mẹ bán cá một lần, chỉ một lần và trong một phiên chợ. Vậy mà ai ai cũng biết mẹ, tại sao Bà lại có tiếng tăm đến thế? Hôm ấy là ngày đặc biệt, mẹ bán cá chợ Cồn. Có một chị thông báo lên là mẹ Thường hôm nay bán cá, thế là một đồn mười, mười đồn trăm, chỉ trong chốc lát, dăm bẩy lồ cá đã bán hết. Người ta đứng vòng trong vòng ngoài chờ đến lượt mình, chuyện trò râm ran, nghe thật vui tai. Út Thường chạy lon ton bên mẹ, đôi lúc còn phụ với chị hai đếm tiền...
 
Hết thuốc mê là lại đau, cơn đau như xé ruột, anh lại la hét, lại kêu tên Hà. Ai cũng thông cảm với anh nhưng riêng anh khó mà tự thông cảm khi chính tay mình lại giết chết người bạn thiếu thời của mình. Người ta lại chích cho anh một mũi “mooc phin” nữa, và anh lại lịm đi, trong cơn mơ những ký ức lại dội về.
 
Một tấm bảng mầu vàng do sự cụ ban cho, mộc mạc đôi dòng:
“O Ráng bán cháo, cả ngày rằm tháng Giêng”
Ngay trước cửa chùa. Hơn 20 cái bàn nhỏ để dọc theo lề đường…, bàn nào cũng đã đủ người. Thực khách ăn cháo của mẹ rất vui vẻ, lịch sự, lại hào phóng nữa.
Út Thường ôm theo một chồng 200 cái tô nhựa ra tận cuối dẫy bàn, chỗ của anh ở đó. Những người sa cơ lỡ bước, ăn xin ăn mày đã tụ về ngồi chật cả một quãng đường. Dường như họ biết chắc là hàng năm, cứ vào rằm tháng Giêng và rằm tháng 7, O Ráng sẽ bán cháo ở đây, và họ sẽ được ăn miễn phí, họ còn được tặng luôn cái tô nhựa để xin ăn hàng ngày.
 
Những kỷ niệm thật đẹp, ấm tình mẹ, đượm tình quê đã tụ về trong giấc ngủ đầy mộng mỵ. Anh vẫn luôn lo lắng, quan tâm đến những người lao động lam lũ mà chân thật. Dù ở đâu, anh cũng vẫn là con của một người mẹ Việt Nam; nghèo mà đoan trang. Anh vẫn là con của mảnh đất miền trung đầynắng gió mà đằm thắm tình người.
 
Nửa đêm lại bừng tỉnh, anh vẫn còn đau như muốn súc cánh tay trái, anh thầm cám ơn sự sắc ngọt của thanh bảo kiếm, nếu là kiếm thường, không đứt hẳn mà lại nhầy nhụa thì khốn khổ. Bỗng Út Thường nghe người ta thì thầm rằng ngày mai lại phải tiếp tục biểu tình, cũng là phụ họa với những người Bắc, họ sắp bị đuổi về Việt nam.
 
Cũng là người Việt, vượt biên tìm kế sinh nhai, tìm bạn kết giao cho tương lai con cháu mình, vậy mà bị đuổi về lại Việt nam, bên ấy bây giờ chắc gì đã hết những ngày ăn bo bo. Cứ ở Hồng Kông còn sống tạm, nhiều người làm không đủ ăn nhưng vẫn sống được, chỉ hiềm nỗi bọn đục nước béo cò đang hoành hành ghê quá.
 
Trong trại này hầu hết là người Trung và Nam, họ đang rất lo lắng cho số phận những người Bắc ở các trại khác, có thể sẽ bị trục xuất về Việt nam. Bên cạnh những kẻ thổi phồng xung khắc Nam Bắc là vô số những người rất nhân hậu, đầy tình đồng bào, đồng hương của người Việt. Xem ra thiên hạ còn nhiều người biết sống lắm, tốt lắm.
 
Ngày 22 tháng 7
“Con người nhờ có con tim nên mới biết yêu thương, mà cũng chính vì có con tim nên mới hận thù. Xem ra, yêu thương, hận thù hay vị tha đều khởi nguồn từ nơi con tim cả”
 
“Trốn trong cái ổ này không biết an toàn đến khi nào, bàn tay mình còn lại cạnh xác thằng Hà, chắc chắn họ đang truy tìm mình. Mà vết thương này chắc là không tự điều trị được, trước sau rồi cũng phải đến bệnh viện…”
- Ôi, đau quá!
Buổi sáng hôm ấy khi mọi người chưa tỉnh hẳn sau một đêm vất vả với Út Thường, anh lại đau sau một vài phút tỉnh táo, đã đến lúc phải cần đến sự can thiệp của bác sỹ.
- Ba Sơn, gọi Ba Sơn cho tôi.
 
Nghe Út Thường la lớn, mấy chị te tái chạy vào, họ nghe anh dặn dò xong rồi phân công nhau đi. Trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn chỉ có Ba Sơn là người lo lắng cho Thường được, anh hy vọng Ba Sơn sẽ có một giải pháp hợp lý.
 
Mãi tới quá trưa Ba Sơn mới về tới Sam Sy Bẩu, ngoài kia người ta vẫn tay trong tay biểu tình ngồi trong nắng cháy, trong sự kiểm soát chặt ch ẽ của cảnh sát. Út Thường đang mê, máu ở cánh tay cụt, ở bụng và khắp cơ thể vẫn rướm ra.
 
Ba Sơn chẳng cần chờ lâu, Út Thường tỉnh lại nhanh sau khi thuốc mê đã hết tác dụng.
- Anh Ba, chắc đêm qua anh cũng không ngủ? Ngủ sao được, mà cảnh sát vẫn điều tra, truy tìm ráo riết lắm. Bọn tao thì chúng còn bán tín bán nghi, chứ mày thì khác. Tao ngu quá, lúc mang mày đi vội không lấy theo bàn tay. Đằng nào rồi cũng rứa. Trời đã muốn, anh có cẩn thận mấy thì cũng không thay đổi được kết quả. Anh tính xem cho em ra đầu thú cách nào, sớm đi. Ôi lại đau… đau quá.
 
Để anh điểm huyệt cho tê tại chỗ, chút xíu nữa hãy dùng thuốc, đang cần nói chuyện mà. Ba Sơn điểm huyệt rất nhanh, Út Thường đỡ đau, tỉnh táo nghe Sơn bàn tiếp.
- Tao thấy bây giờ quả là phức tạp, vụ án này chưa dứt thì đã phải tinh tới chuyện hỗ trợ bà con biểu tình. Mà Kiên đâu rồi, không biết hắn nghĩ gì. Thôi, anh đừng nói tới ông ấy nữa. Chỉ có nói thì hay, khi đụng chuyện thì đầy sai sót. Đi thẩm tra mà không phát hiện ra Robert là ai, nghĩ mà phát điên. Thôi, đừng trách hắn nữa, anh ta cũng chỉ là con người. Chắc là bây giờ cũng đang ngoài sân. Có nhiều người coi hắn là Việt gian, chỉ điểm… vì quan hệ gần gũi với bọn cảnh sát. Cũng tội cho hắn. Anh đang xót xa cho người bạn thiếu thời của anh phải không?
- Thôi, cần nói chuyện của mày cho xong đi đã. Mà mày đã nghĩ được gì? Cứ đi thẳng ra cho cảnh sátập đến bắt, thế thôi.
- Không! Em nghĩ ra rồi, anh gọi đệ tử chuẩn bị cho em tự thiêu, dọa thôi, em vẫn thương cha mẹ lắm, tội họ lắm, mẹ em... Ôi, lại đau rồi. Mẹ ơi… Thôi anh cứ vậy đã. Lẹ lên, mai em ra sân.
- Thôi được rồi, chị chích cho thằng Út đi. Kể ra ý mày cũng được đấy. Tao đi đã.
 
Sau khi dặn dò một người đàn bà luống tuổi, chị ta được Kiên thu xếp chăm sóc Út Thường, Ba Sơn đi chuẩn bị cho “màn tự thiêu” vào trưa mai. Đây là một cách để có cơ hội nói lên tiếng nói của mình. Hồi trước 75, bọn sinh viên, phật tử hay Việt cộng đều dùng chiêu này, nhiều khi cũng tác dụng ra trò.
 
 
Trưa hè chói chang, hàng nghìn người vẫn chen chúc nhau đứng biểu tình giữa sân. Cảnh sát luôn luôn lăm le vũ khí, họ sẽ nhẩy vào can thiệp ngay lập tức nếu thấy có bất kỳ một hành vi quá khích nào.
- Ông Kiên này, ông có cao kiến gì không?
 
Tên đại úy ngỏ ý xem Kiên có cách gì hay để giải tán cuộc biểu tình. Mấy ngày nay bọn cảnh sát cũng đã thấy không thể kiên nhẫn thêm được nữa nên chúng mới tính toán cách đối phó.
 
Mặc dù có chuyện giết người man rợ do mâu thuẫn sắc tộc của người Việt, nhưng có thể nói đó chỉ là chuyện không đáng kể. Còn cái đáng kể là việc không quản hiểm nguy khi đi vượt biển sang đến Hồng Kong. Chỉ có hứa không trả họ về Việt nam là giải tán được họ thôi.
 
Tên đại úy gật gù có vẻ như đồng ý với ý kiến của Kiên, nhưng hắn lại quay sang Kiên hỏi thêm:
- Nếu ông ở địa vị giám đốc trại tỵ nạn, khi LHQ không cho ông tiền nữa, ông sẽ xử thế nào với đám người này?
 
Hắn hỏi rồi bỏ lửng câu hỏi cho Kiên, quay đi bàn việc khác với các thuộc cấp của mình. Thái độ của hắn càng về sau càng cứng, càng căng thẳng như vậy. Kiên cảm thấy bồn chồn, anh lại lo cho Út Thường, không biết mấy chị có chăm sóc hắn đến nơi đến chốn hay không?
 
Đi vượt biên để mong có ngày bằng anh bằng em, nào ngờ bây giờ mất hẳn một tay, cơ thể thương tích bầm dập khắp nơi. Quả thật chẳng ai lường hết nổi chữ ngờ. Cha mẹ Út Thường bây giờ chắc là mong tin hắn lắm, từ khi chuẩn bị cuộc báo thù, hắngần như quên cha mẹ mình.
 
Cái tâm hay trái tim con người, cũng như mọi thứ vật chất khác, tồn tại trong giới hạn của không gian và thời gian. Một khi anh dành tâm lực cho cái này nhiều thì phải bớt phần của cái khác. Con người nhờ có con tim nên mới biết yêu thương, mà cũng chính vì có con tim nên mới hận thù. Xem ra, yêu thương, hận thù hay vị tha đều khởi nguồn từ nơi con tim cả. Phải chăng đó luôn luôn là những phạm trù hàm xúc nhất trong mọi thời đại?
 
Ngày 23 tháng 7
“Người Việt chúng tôi cần nơi mưu sinh, cần giao thiệp bình đẳng với mọi loại người khác trên thế giới. Chúng tôi không phải ra đi để ăn xin…”
 
Thế là lại một ngày nữa, những người tỵ nạn ra sân, họ lại biểu tình. Tay trong tay, họ ngồi giữa sân tự phơi nắng để phản đối việc trục xuất, hồi hương những người Việt có xuất thân từ miền Bắc. Trong số những người biểu tình có cả những người miền Nam, miền Trung.
 
Càng về trưa, trời càng nắng gắt; nắng như đổ lửa, hơi nóng từ sân xi măng bốc lên hầm hập như trong lò bát quái. Từ trong cửa lán, Út Thường ngồi trên xe lăn tiến ra kéo theo mùi dầu xăng nồng nặc. Bọn cảnh sát vốn nhạy cảm, mặc dù chúng đang truy lùng Út Thường nhưng im lặng để đội cứu hỏa làm việc. Đám nhà báo tranh nhau chụp ảnh, tiếng bấm máy lách cách liên hồi, lính cứu hỏa chen nhau đứng vào vị trí sẵn sàng, không khí bắt đầu nóng lên.
- Hãy cho tôi micro.
Út Thường dừng lại ở giữa sân, tay giơ cái bật lửa Jippo lên dọa đội cứu hỏa và đòi hỏi micro để nói chuyện. Người ta đáp ứng yêu cầu của anh vô điều kiện, và anh bắt đầu bằng việc gọi Kiên làm phiên dịch:
- Anh Kiên, mời anh bước ra.
Từ trong đám đông Kiên hấp tấp bước ra, anh quá lo lắng và hoang mang, không biết phải làm gì để thay đổi tình thế.
- Anh đứng đó, cách xa tôi vậy đủ rồi! - Út Thường giơ tay ngăn không cho Kiên đến gần mình.
- Anh xin, đừng làm gì dại dột nhé.
 
Khi thấy Út Thường ngồi trên xe lăn lặng lẽ tiến ra sân, người ướt đẫm dầu xăng, Kiên đã rất hoang mang, đứng ngồi không yên.
- Anh không có quyền nói gì. Anh là một tên trí thức ngủ gật, hãy làm phiên dịch cho tôi. Là người trí thức, phải biết sống cho mọi người, nói thay mọi người.
 
Người ta cũng mang cho Kiên một micro. Út thường bức xúc nói liền một mạch, rồi anh đau đớn, nhăn nhó và tạm ngưng.
- Anh biết, anh không làm tốt bổn phận, nhưng em còn đau lắm, đừng nói nữa. - Kiên cố hết lòng can ngăn.
- Không được đến gần, nếu không muốn tôi phóng hỏa.
Út Thường lại giơ bật lửa Jippo lên, anh dọa cả Kiên, cố gắng nói tiếp những gì mình cần nói.
- Người Việt vượt biên chúng tôi, nay sa cơ lỡ bước nên cần quý Liên hiệp quốc giúp đỡ, cần các nước giầu bảo trợ. Nếu chưa cho đi định cư được thì hãy bảo vệ an ninh cho họ. Tạo điều kiện cho họ tự kiếm sống. Không nên đẩy họ trở về Việt nam.
 
Lần này nói dài hơn, Út Thường đuối sức, anh như sắp gục xuống. Sự đau đơn trên các vết thương đang hành hạ anh. Đội cứu hỏa và cứu thương định xông vào. Út Thường bừng tỉnh giơ cái bật lửa ra dọa, họ lại kiên nhẫn đợi.
- Trước khi định trục xuất họ về Việt Nam, hãy tự hỏi tại sao họ lại từ chối nơi chôn nhau cắt rốn của mình Anh nghẹn ngào trong giây lát, rồi tiếp - Người Việt chúng tôi cần nơi mưu sinh, cần giao thiệp bình đẳng với mọi loại người khác trên thế giới. Chúng tôi không phải ra đi để ăn xin…
 
“ Ầm…”
Bỗng một tiếng nổ vang trời, Út Thường tung lên trong quầng lửa sáng lòa, anh bén lửa toàn thân, anh đạp tung xe lăn rồi rơi xuống trong tiếng la thất thanh của mọi người. Anh hoa chân múa tay, anh múa quyền, anh đánh tới, anh đá ngang. Hàng chục vòi nước cứu hỏa, phun thẳng vào anh….
 
 
Út Thường bị phỏng nặng 95%, qua đời ở bệnh viện sau 6 giờ cấp cứu. Ba Sơn đau đớn, căm uất trong lòng, không hiểu tại sao lại có vụ nổ. Không lẽ nào chính Út Thường yêu cầu đệ tử làm việc này, anh ta cố tình tự sát nhưng e Ba Sơn hay Kiên ngăn cản, nó còn yêu cha mẹ, yêu cuộc sống lắm mà. Tên đệ tử đã giúp Út Thường chuẩn bị thì sợ hãi và trốn mất mặt rồi.
 
Nỗi đau này không dễ tìm được người chia sẻ, Kiên - Sơn là hai người đàn ông được nhiều người biết đến trong cộng đồng người Việt tỵ nạn, họ đang bám vào nhau. Họ được yêu mến vì sự trung thực, tận tâm với bạn bè, vì tính can đảm, rất đàn ông trong họ. Kiên ôm vai Ba Sơn rồi cả hai cùng lặng lẽ, hôm nay họ cũng khóc. Kiên tiễn bạn lên chùa ẩn náu.
 
 
Buổi tối, khách sạn Omni De Beijing không nhận thêm bất kỳ một yêu cầu nào nữa, một nhân vật đã bao hoàn toàn trong 2 đêm. Nhân viên khách sạn, từ bộ phận phòng buồng đến bồi bếp đều tấp nập chuẩn bị, hơn 500 thượng khách bất ngờ đến từ nhiều nơi trên thế giới, đang ổn định nơi ăn chốn ở. Tất cả bọn họ đều là người Hoa, họ khẩn trương nhưng khoan thai, niềm nở mà nghiêm nghị. Chắc đây phải là những thương gia tầm cỡ trên thế giới.
 
Một lão tiều phu, ông là Khang Lee, quê ở Quảng Châu, đang khoan thai dạo qua quầy bar, mắt ông đảo một lượt khắp khu tiền sảnh như muốn tìm ai. Trông ông hơi có vẻ quê mùa nhưng dáng dấp rất bề thế, ông là người tổ chức buổi chiêu đãi trọng thể này.
- Chúc đại ca mạnh khỏe, sớm ổn định. Trông đại ca ra dáng ông chủ mới của Hồng Kong lắm.
 
Khang Woo đang đứng bên quầy bar, nhìn thấy Khang Lee nên bước ra chào, rồi họ đến cạnh một cây bonsai to.
- Chú đấy à? Anh không bao giờ quên ơn chú đâu.
- Ồ không, em làm phận sự thôi. Mà cuối năm em có chút việc riêng, cho em mượn cái Holiday Inn mấy tháng tết nhé.
- Ai chứ chú em thì không khó lắm. Những chuyện người ta cần làm một năm, thì anh em mình đã làm trong một đêm trước rồi.
- Vâng, cũng nhờ hồng phúc nhà mình cả. Những chuyện khác chắc là không khó như…
Ông bỏ lửng một câu rồi chuyển sang hỏi chuyện nhà.
- Ông cụ nhà chú sao rồi? Tôi ngại nhất cái bệnh ấy đấy, đụng chạm tới tim phổi là mệt lắm. Không nghiêm trọng lắm đâu, đang khá lên, có mẹ em lo rồi. Thế thì tốt, anh em mình còn phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc “đón cộng sản vào”, 9 hay 10 năm nữa chắc là kịp chứ.
- Hy vọng là kịp, có anh có em thì chuyện gì mà chẳng làm được.
Cả hai cùng mỉm cười rồi họ chạm ly Champaign vào nhau một cách kín đáo. Khang Woo mặc dù đã có thành tích nhưng còn trẻ tính, khi đã xa Khang Lee hắn không quên buông thêm một câu rất ngạo mạn và đầy hàm ý:
- Hãy trách trời cao, sao đã sinh ra Lee mà còn sinh ra Woo.
Một băng Quảng Châu đã bước vào Hồng Kong và Kow Loon, dưới sự bảo trợ của một băng Thượng Hải. Có thể nói đây là một cuộc sang tên đổi chủ ngoạn mục nhất trong thế giới ngầm, họ chiếm đoạt lãnh địa cũ của thầy trò Robert Huang mà không tốn một mũi tên, một viên đạn nào.
 
 
Sau những đêm đầy ác mộng bi thương, Kiên vẫn không nguôi đau đớn cho thân phận Út Thường, anh quyết định không ghi họ mà chỉ lấy tên thường gọi cho mộ chí của anh ta. Ngày cùng Ba Sơn đến nghĩa trang, hai người kính cẩn cắm tấm bia đá lên mộ rồi gắn xi măng lại cẩn thận.
 
Út Thường
Sinh ra và lớn lên ở Đà nẵng,
Đến Hồng Kông cuối năm 1977.
Nay an táng nơi đây mùa thu 1988, hưởng dương 38 tuổi.
 
Trong quầng lửa chói lòa, anh đã ra đi theo người tình của mình, anh đã siêu thoát trong tình yêu thương, trong tiếng khóc than tiễn biệt của bạn bè, đồng bào, đồng hương. Tất thẩy những nguời tỵ nạn Hồng Kông đều nghĩ về anh, bầy tỏ sự thương yêu, nuối tiếc vô bờ. Ở Việt nam anh còn để lại cha mẹ, chị gái và một câu thơ viết dở.